Wednesday 1 February 2012

ĐI trước hay ĐI ĐẾN trước?



     Qua một số giáo trình dạy tiếng Việt (như một ngoại ngữ) mà tôi được đọc, tôi rất ngạc nhiên khi thấy có những nhóm từ thuộc loại cơ bản, cả về ngữ pháp lẫn phạm vi sử dụng, đã bị xử lý hơi tùy tiện, về mặt ngữ pháp và đặc biệt là về mặt thực hành tiếng. Đó là nhóm từ “đi” và nhóm từ “đến” (và liên quan đến nó là nhóm từ trên, dưới, trong, ngoài).


    Trong tiếng Việt, có nhóm từ biểu thị phương thức di chuyển (đi, bay, bò, chạy, bước, v.v.) và nhóm từ biểu thị hành động di chuyển có đích hoặc có hướng (đến, qua, ra, vào, lên, v.v.).

    Tất nhiên, trong nói năng hàng ngày, người Việt có thể dùng nhiều cách diễn đạt khác nhau. Có thể tạm phân nhóm như sau:

Nhóm A
                      I.          Đi Hà Nội/Đà Lạt/Sài Gòn/Pháp/châu Âu/nước ngoài
                    II.          Đi chợ/bệnh viện/siêu thị/quán/bưu điện/căn tin/bác sĩ/nha sĩ/khách sạn/nhà hàng
                  III.          Đi học/làm/công tác/chơi/du lịch/khám bệnh/uống cà phê/nhậu/ăn

Nhóm B
                  IV.          ra Hà Nội / lên Đà Lạt / lên (/vào, xuống) Sài Gòn / qua Pháp / qua (/vào, đến) châu Âu / ra nước ngoài
                    V.          ra (/vào, đến) chợ / ra (/vào, đến) bệnh viện / đến (/vào, ra) siêu thị / đến (ra, vào) quán / đến (/ra, vào) bưu điện / đến (/vào, xuống) căn tin / đến bác sĩ / đến nha sĩ / đến (/ra, vào, qua) khách sạn / đến (/ra, vào, xuống, lên) nhà hàng
                  VI.          qua nhà hàng xóm / đến nhà bạn / lên lầu / xuống lầu / xuống đất / vào trường / vào cơ quan / vào phòng ngủ / lại đằng kia / ra phòng khách / ra vườn
                VII.          ra ngoài / vào trong / lên trên / xuống dưới

Nhóm C
              VIII.          Đi ra Hà Nội / lên Đà Lạt / lên (/vào, xuống) Sài Gòn / qua Pháp / qua (/vào, đến) châu Âu / ra nước ngoài
                  IX.          Đi về quê / lên thành phố / vào thành phố / ra thành phố / ra sân bay / vào bưu điện / ra chợ / vào bệnh viện
                    X.          Đi qua nhà hàng xóm / đến nhà bạn / lên lầu / xuống lầu / xuống đất / vào trường / vào cơ quan / vào phòng ngủ / lại đằng kia / ra phòng khách / ra vườn

Nhóm D
                  XI.          Đi lên trên Đà Lạt / ra ngoài Bắc / vào trong Sài Gòn / lên trên lầu ba / xuống dưới tầng trệt / về dưới quê / về dưới Cà Mau
                XII.          lên trên Đà Lạt / ra ngoài Bắc / vào trong Sài Gòn / lên trên lầu ba / xuống dưới tầng trệt / về dưới quê / về dưới Cà Mau

    Trong hoạt động dạy tiếng, vấn đề đặt ra là giáo trình phải cung cấp cho người học mô hình nào có phạm vi ứng dụng rộng rãi nhất (kể cả về phong cách chức năng) và ít gây nhầm lẫn nhất. Trên thực tế, có lẽ do ảnh hưởng của tiếng Anh, hầu như tất cả các sách dạy tiếng đều chọn mô hình xuất phát là các tiểu nhóm I, II và III.

    Theo tôi, nếu mục tiêu của giáo trình là cung cấp cho người học những biểu thức diễn đạt hoạt động di chuyển thì sự chọn lựa đó tỏ ra thiếu thực tế. Lý do rất đơn giản: sau khi làm quen với các mô hình xuất phát vừa nói, đặc biệt là mô hình I và II, ngay lập tức người học “vận” vào tất cả những các trường hợp diễn đạt khác nhau. Kết quả là ta sẽ nghe những cách nói sai ngữ pháp, kiểu như “Hôm qua tôi đi nhà bạn”, “Buổi sáng em đã đi công ty bố em”, “Đúng 7 giờ sáng em đi trường đại học”, “Tôi đi siêu thị để gặp bạn tôi”, v.v. và v.v.. Và hầu hết người học hết sức khó khăn khi phải tiếp nhận và sử dụng các mô hình khác ở giai đoạn học sau.

      Có thể diễn giải đơn giản về “đi” và “đến” như sau:

(i)              Ở mô hình (tiểu nhóm) I, sau vị từ (đi) bao giờ cũng là đích đến (goal) được trình bày dưới hình thức một tên riêng (tên quốc gia, khu vực, thành phố, vùng, núi, đảo, v.v.); chẳng hạn: đi Nhật, đi Huế, đi Phú Quốc, đi (núi) Bà Đen, đi rừng Cúc Phương, đi (cửa khẩu) Mộc Bài, v.v..

(Ở mô hình này chỉ cần nhớ rằng, khi nói “Nó đi Hà Nội” thì không chắc nó đến được Hà Nội (vd: “Nó đi Hà Nội nhưng đến Quảng Bình thì quay lại”. Tuy nhiên, trường hợp dùng này không cần cung cấp cho học viên ở trình độ ban đầu. Theo suy nghĩ ban đầu của tôi, đi là vị từ biểu thị hành động di chuyển về phía trước, hướng rời đi – đối lập với lại – do vậy, NP sau đi có lẽ hiểu là hướng thì tốt hơn.)

(ii)            Ở mô hình II, sau vị từ (đi) là đích đến được trình bày dưới hình thức một danh từ/ngữ (viết tắt NP) biểu thị một khái niệm chung, chỉ một địa điểm (thường mang tính công cộng) và bao giờ mô hình [đi + NP] này cũng biểu hiện hoạt động gắn liền với địa điểm đó, và số lượng danh từ chung này là có hạn; chằng hạn: đi chợ - chỉ có thể hiểu là đi mua bán, đi siêu thị - chỉ có thể hiểu là đi mua sắm, đi bệnh viện/bác sĩ - chỉ có thể hiểu là đi khám bệnh.

Cần chú ý hai điều:

Thứ nhất, sau NP khái niệm chung (chợ, siêu thị, bệnh viện) vẫn có thể có tên riêng mà ý nghĩa của mô hình không thay đổi (đi chợ Bến Thành, đi bệnh viện Chợ Rẫy, đi siêu thị Co-op mart), thậm chí có một số trường hợp NP bị tỉnh lược, chỉ còn lại tên riêng – những cách dùng này chịu sự quy định chặt chẽ của tình huống hội thoại (đi mẫu giáo Tuổi thơ 7A, đi Trung tâm mua sắm Parkson, đi Parkson, đi Trung tâm điện máy Nguyễn Kim, đi Nguyễn Kim, đi Trung tâm điện máy Chợ Lớn, nhưng ?đi Chợ Lớn).

Thứ hai, về nguyên tắc, các NP chung này là một tập hợp mở, nhưng không phải là mở vô điều kiện: có những NP chỉ địa điểm công cộng nhưng với đa số người nghe nó không tất yếu gắn với một hoạt động cụ thể nào cả, do vậy hoặc nó không được chấp nhận (vd: ??đi nhà ga, ??đi trạm xe buýt, ??đi đại lý, ??đi trung tâm, v.v.), hoặc nó sẽ tạo ra một ngữ đoạn mơ hồ (vd: ?đi sân bay, ?đi công an, v.v.)
Do những điều vừa trình bày, có lẽ mô hình II (vốn rất quan trọng) này nên được trình bày không phải như là một hoạt động di chuyển mà như là một sinh hoạt thường ngày (mua sắm, học hành, khám bệnh, v.v.), nghĩa là nó nên được trình bày trong sự tương quan với mô hình III.

(iii)          Ở mô hình III, sau vị từ di chuyển (đi) là một vị từ chỉ một hoạt động, một sinh hoạt như là mục đích của hành động di chuyển đó (đi dự tiệc, đi nhảy, đi mua sắm, đi khám bệnh, đi dạo, đi tuần, đi sửa xe, v.v.).

Ngoại lệ: riêng đi dự NP, dự có thể vắng mặt trong một số trường hợp nói năng quen thuộc (vì vậy, những NP không quen thuộc thì không được chấp nhận); chẳng hạn so sánh: đi sinh nhật, đi thôi nôi, đi lễ, đi đám cưới/??đi hôn lễ, đi đám ma/??đi tang lễ, v.v.). (Có thể liệt kê những trường hợp “quen thuộc”.)

(iv)          Ở nhóm B, các từ ra, vào, lên, xuống, đến, tới, qua, sang, lại hoạt động với tư cách vị từ di chuyển có đích hoặc có hướng (và không cho biết phương thức di chuyển). Đây là những mô hình có lẽ thông dụng nhất trong ngôn ngữ đời thường của người Việt. Do vậy, về lâu dài, đây phải là mục tiêu của quá trình thực hành tiếng.

Ở mô hình IV, sau vị từ nhóm này là các NP chỉ tên riêng của địa điểm, cũng có khi tên gọi người được dùng như tên địa điểm; ví dụ: vào Chợ Rẫy, ra Vũng Tàu, ra Nguyễn Huệ, qua anh Nam, lại chú Út, v.v..

Ở mô hình V, địa điểm xuất hiện sau vị từ không nhất thiết biểu hiện hoạt động gắn liền với nó (vào chợ không chắc là để mua bán, vào bệnh viện không chắc là để khám, chữa bệnh).

Ở mô hình VI, hầu như tất cả các NP biểu thị địa điểm đến đều có thể xuất hiện sau vị từ – đây là khả năng mà đi không thể có được.

Ở mô hình VII, chúng ta không có đích mà chỉ có hướng. (Trên thực tế, khi có NP biểu thị địa điểm xuất hiện sau vị từ, có nhiều trường hợp khó phân biệt đâu là đích, đâu là hướng. Có lẽ sự phân biệt này không cần đặt làm mục tiêu cho việc thực hành tiếng ở giai đoạn đầu.)

Liên quan đến nhóm B này cần chú ý hai điểm:

Thứ nhất, ba mô hình IV, V, VI chỉ là một cách trình bày để dễ so sánh với nhóm A; trên thực tế, cả ba mô hình này chỉ có một công thức: [đến (/ra, vào...) + địa điểm].

Thứ hai, một vấn đề quan trọng và phức tạp: người nói phải biết góc nhìn bình thường của người Việt để có thể chọn lựa ra hay vào, lên hay xuống, đến hay sang, v.v. (đối với người nước ngoài nói tiếng Việt, đây là quá trình “thử và sai” đúng nghĩa). Tuy nhiên, sự chọn lựa này phải được xem là một mục tiêu quan trọng của chương trình dạy tiếng, vì nó không chỉ liên quan đến vị từ diễn đạt sự di chuyển mà còn liên quan đến tất cả những vị từ có đích và/hoặc có hướng (nhìn ra/vào, viết ra/vào/xuống/lên, v.v.).

(v)            Nhóm C thật sự có thể xem là mô hình đầy đủ để diễn đạt hoạt động di chuyển, và hơn thể nữa, rất nhiều hoạt động khác; trong đó V thứ nhất cho biết phương thức di chuyển (đi, chạy, bay), V thứ hai hành chức như một giới từ (prep.) cho biết đích và/hoặc hướng (đến, lại, ra, vào, v.v.). Nếu V thứ nhất vắng mặt, ta có các mô hình thuộc nhóm B.

Về mặt thực hành tiếng, chúng tôi cho rằng các mô hình nhóm C phải là mục tiêu đầu tiên và tối ưu cho người học để diễn đạt hoạt động di chuyển. Và như đã nói ở (iv), ở V thứ nhất, nếu thay thế vị từ di chuyển bằng một vị từ khác thì ta sẽ có các quá trình/hoạt động khác nhau.

(vi)          Trên thực tế, chỉ ở nhóm C này các vị từ như đi, chạy, bước, bay, v.v. mới thực sự thể hiện tư cách thành viên của nhóm (vị từ phương thức di chuyển). Bởi lẽ, ở mô hình I, II (và cả mô hình III) trên kia, không có bất kỳ vị từ nào trong nhóm có thể đứng ở vị trí của đi (không thể nói chạy siêu thị, bay Hà Nội, bước bệnh viện, bò mua sắm, lăn học, v.v.); trong khi ở các mô hình VIII, IX, X, sự luân phiên các vị từ trong nhóm là bình thường (bay ra Huế, chạy qua nhà hàng xóm, bò vào phòng, lăn vào bếp, bước vào khách sạn, v.v. và v.v.).

Như vậy, không có lý do gì không sử dụng các mô hình ở nhóm C (và nhóm B) để vừa thể hiện tính hệ thống của cấu trúc ngữ vị từ tiếng Việt, vừa giảm bớt gánh nặng cho người học (sẽ không đặt trọng tâm ở nhóm A, trừ mô hình III ).  

(vii)        Nhóm D là một cách dùng mang tính khẩu ngữ của nhóm C. Trong các mô hình nhóm này, sau vị từ hay giới từ (ra, vào, lên, xuống) và trước NP chỉ địa điểm người nói lại có thể cho thêm các danh từ (trên, dưới, trong, ngoài) để định vị địa điểm theo góc nhìn của mình (đi vào trong phòng, bay ra ngoài Hà Nội).

Về mặt dạy tiếng, nhóm D có lẽ không cần xem là mục tiêu thực hành cho học viên, kể cả trình độ cao. Vì sự có mặt của những từ định vị đó mang tính khẩu ngữ, hơn nữa nó không đem lại nét nghĩa gì mới đáng kể cho cấu trúc câu.

(viii)      Ngoài ra, còn một số cách diễn đạt cũng thuộc các nhóm từ nói trên. Tuy nhiên, vì nhiều lý do liên quan đến mục đích thực hành tiếng, có thể xếp chúng vào loại “đặc biệt”, mặc dù trên thực tế, về ngữ pháp, chúng chẳng có gì đặc biệt cả.

1.     Khỏi: một giới từ biểu thị (vai nghĩa) nguồn (source) (đi khỏi cơ quan, chạy khỏi nhà, v.v.); đôi khi nó xuất hiện sau một vị từ thứ hai (đi ra khỏi trường: ra cho biết hướng, khỏi cho biết nguồn); đôi khi nó lại biểu thị (vai nghĩa) con đường (path) (đi qua khỏi hiệu sách anh sẽ thấy thư viện).
2.     Theo: một vị từ hoặc giới từ biểu thị con đường (đi theo đường Nguyễn Huệ, chạy theo bờ hồ, chạy theo chủ).
3.     Ngang / dọc (đi ngang nhà bạn, chạy dọc đường Lê Lợi, chạy dọc bờ sông, chạy ngang khu dân cư); ngang / dọc lại có thể đứng trước một giới từ (đi ngang qua nhà bạn, chạy dọc theo công viên)
4.     Có một số ngữ đoạn có nghĩa cố định, chẳng hạn ra trường / vào (trường) đại học / vào nghề / ra nghề / ra đời / vào đời, v.v. (và một số trường hợp có vẻ thành ngữ tính hơn nữa, do vậy chỉ có thể cung cấp cho người học bậc cao (ra hồn / ra tay / vào cuộc / ra sức, v.v.).

Tóm lại, theo suy nghĩ của chúng tôi, người soạn giáo trình và giáo viên dạy tiếng cần phân biệt những nội dung như vừa nêu liên quan đến việc diễn đạt hoạt động di chuyển. Hệ thống ngữ pháp và bài tập phải phản ánh được sự phân biệt này thông qua trình tự cung cấp cho học viên, tuân thủ nguyên tắc “dễ trước, khó sau” và “cái phổ biến trước, cái cá biệt sau”.

  

No comments:

Post a Comment