Saturday 19 May 2012

…CHO RỒI!


     Trong cấu trúc “V + cho rồi!”, cho là giới từ, rồi thường được hiểu là yếu tố biểu thị mục đích của hành động (= V).
Ví dụ:
            (1) Việc này đã kéo dài 2 tuần. Chán quá! Tôi muốn làm cho rồi.
            (2) Em phải làm cho rồi bài tập này trước khi đi chơi.

     “V + cho rồi” có nghĩa là cố gắng để kết thúc hành động V, cũng có nghĩa là hoàn tất cái/việc gì đó. Việc kết thúc được xem là mục đích của chính hành động V. Vì vậy những phát ngôn như trên mang một hàm ý là chủ thể không cần quan tâm đến kết quả hay ý nghĩa của hành động.
     Nói chung, hiểu như vậy không có gì sai. Tuy nhiên, theo chúng tôi, cách hiểu đó thường chịu sự ràng buộc của ngữ cảnh (câu (1)) và/hoặc các yếu tố khác trong câu (câu (2)).


     Chúng tôi cho rằng có một cách hiểu khác: trong rất nhiều tình huống, “V + cho rồi” thường biểu thị ý người nói rằng cần/nên thực hiện hành động V để kết thúc tất cả những phiền phức, những mối bận tâm liên quan đến hành động đó.
     Cách hiểu này có lẽ bao quát được nhiều trường hợp hơn cách hiểu trên kia.
Ví dụ:
           (3) (Phòng họp bị cúp điện đã nửa tiếng, rất nóng. Một người đề nghị)
        Thôi, chúng ta về cho rồi!
           (4) (Một người rủ bạn đi xem phim. Nhưng trời mưa rất to. Người bạn nói:)
        Mưa to thế này, ở nhà cho rồi!
           (5) (Thằng bé xin đi chơi. Bố mẹ không cho. Nó năn nỉ mãi. Cuối cùng ông bố nói:)
        Cho nó đi cho rồi!

     Rõ ràng, ở (3) không thể hiểu là người nói muốn kết thúc hành động “về”; ở (4) không thể hiểu là muốn kết thúc hành động (?) “ở nhà”; ở (5) không thể hiểu là muốn kết thúc hành động “cho (phép)”.
     Khi nói những câu trên người nói cho rằng cần thực hiện hành động “về”, “ở nhà”, “cho phép” để kết thúc/chấm dứt những hệ lụy liên quan đến việc “không về”, “không ở nhà”, “không cho phép”.

     Xét thêm hai ví dụ sau:
          (6) (Hai cô gái đi nhiều nơi nhưng không tìm được cái áo ưng ý. Đến một cửa hàng, thấy một cái áo “được được”, một cô nói:)
        Cái này trông cũng được, mua cho rồi!
          (7) (Cả nhà đang chờ cơm ông bố, nhưng đã quá ngọ vẫn không thấy. Bà mẹ nói:)
        Thôi, ăn cho rồi!

     Hai câu trên có thể hiểu theo cách thứ nhất: người nói muốn kết thúc hành động “mua”, “ăn”. Nhưng, quả thật, nếu hiểu theo cách thứ hai có lẽ hợp với cảm thức của người Việt hơn: người nói muốn “mua”, “ăn” để thoát khỏi sự khó chịu khi phải đi lùng kiếm hay chờ đợi. 

Nói thêm:
     Trong những kết hợp tương tự, thay cho rồi là một vị từ khác (xong, hoàn chỉnh, hay, tốt, đẹp, rẻ, ngon, v.v.), chúng ta chỉ có một cách hiểu duy nhất: vị từ sau cho chính là mục đích mà hành động V phải đạt đến, và không có hàm ý nào kèm theo cả. (Nghĩa là không liên quan gì đến chuyện kết thúc/chấm dứt hành động, cũng không dình dáng gì đến chuyện hệ lụy vừa nói.)

           (8) Anh cứ đi đi, tôi không đi được đâu. Còn mấy việc tôi phải làm cho xong.
           (9) Đến phiên em hát rồi đấy. Hát cho hay nhé!
           (10) Chị đi chợ Bà Chiểu mua cho rẻ.
           (11) Bố mẹ kỳ vọng như vậy nên em phải học cho giỏi.
           (12) Ăn đi, ăn ngay cho nóng!
Ở các câu trên, người nói muốn chủ thể phải hành động sao cho đạt được mục đích “xong” (8), “hay” (9), “rẻ” (10), “giỏi” (11), và “nóng” (12).


No comments:

Post a Comment