Sunday 6 May 2012

THẬM CHÍ – NGAY CẢ



THẬM CHÍ

Thậm chí là một trạng ngữ bổ sung ý nghĩa tình thái cho phần thuyết hay cho câu đi trước. Đồng thời nó cũng đóng vai trò liên kết câu (liên kết với câu trước).
Về ý nghĩa, thậm chí cho biết ý của người nói rằng điều nêu sau là một trường hợp/khả năng cực đoan của nội dung vừa được nói trước đó.


Hoặc nói cụ thể hơn:
           “A. Thậm chí, B”:       Với B > A;
                                              Khẳng định [A] ˄ Có thể/Có trường hợp [B]

Ở cách diễn đạt trên cần chú ý: [A] là điều được người nói khẳng định; trong khi [B] có thể là một trường hợp khả hữu hoặc thực hữu; nghĩa là [B] không nhất thiết là một nhận định mang tính hiện thực.

            (1)   Thuốc lá có hại cho sức khỏe, thậm chí gây chết người.
            (2)   Tôi không biết ông ấy. Thậm chí, tôi chưa bao giờ nghe đến tên của ông ấy. 
            (3)   Cô ta chẳng biết nấu nướng gì cả. Thậm chí, cô ta cũng chẳng biết luộc trứng.
            (4)   Cô ấy hát rất hay, thậm chí hay hơn cả ca sĩ.
            (5)   Anh ta tông vào tôi. Anh ta không xin lỗi gì cả, thậm chí còn sừng sộ.

Trong những câu trên, nội dung đi sau thậm chí hoàn toàn có thể được nhận thức như là một sự cường điệu.
Do vậy, nếu muốn diễn đạt một nội dung xác thực (có thể kiểm tra tính đúng/sai) thì thường người nói phải xác nhận tính hiện thực của nó một cách hiển ngôn. Chẳng hạn:

           (6)   Thuốc lá có hại cho sức khỏe, thậm chí đã có trường hợp gây chết người.
           (7)   Tôi không biết ông ấy. Thậm chí, tôi chưa bao giờ nghe đến tên của ông ấy. Tôi thề đấy!
           (8)   Cô ta chẳng biết nấu nướng gì cả. Thậm chí, có người nói cô ta cũng chẳng biết luộc trứng.
           (9)   Cô ấy hát rất hay, thậm chí nhiều người cho rằng hay hơn cả ca sĩ.
           (10)   Anh ta tông vào tôi. Anh ta không xin lỗi gì cả, thậm chí, có người làm chứng, anh ta còn sừng sộ.

Thậm chí khác với đến (nỗi/mức) ở chỗ: đến (nỗi/mức) bao giờ cũng đòi hỏi một tính chất, trạng thái có tính thang độ (kể cả khi tính chất, trạng thái này không được thể hiện trong phát ngôn), thành phần sau đến (nỗi/mức) biểu thị mức độ cao của tính chất, trạng thái ấy. Về ngữ pháp, “đến (nỗi/mức)…” giữ vai trò trạng ngữ cho trạng từ/phó từ hoặc vị từ đứng ngay trước nó.

           (11) Cô ấy hát hay đến nỗi sau khi cô ấy hát xong mọi người quên cả vỗ tay.
           (12) Ông ấy mê cô ta đến nỗi từ bỏ cả địa vị của mình.
           (13)  Thằng bé học đến quên ăn quên ngủ.
           (14) Cô ta trang điểm đến nỗi chẳng ai nhận ra.

Ở hai câu sau không có yếu tố nào biểu thị tính chất, trạng thái nhưng vẫn có thể được tri nhận là có thang độ, “học chăm” và “trang điểm đậm” chẳng hạn.

Chú ý:
Do ngữ nghĩa như vừa trình bày, đến (nỗi/mức) không chấp nhận từ chỉ mức độ đi kèm với vị từ trước nó. Tức là không thể nói:

           (15) *Cô ấy rất đẹp đến nỗi ai cũng mê.
           (16)  *Trò chơi này vô cùng thú vị đến nỗi người lớn cũng nghiện.



NGAY CẢ

Ngay cả không phải là một trạng ngữ như thậm chí, nó là một vị từ tình thái đánh dấu (không phải là tình thái của sự tình mà là) tình thái của các tham tố trong sự tình. Về ngữ nghĩa, nó cho biết điều vừa nêu trước đó cũng ứng dụng cho những đối tượng, hoặc những cảnh huống mà người ta ít ngờ tới hoặc người ta thường mặc nhiên loại trừ.
Có thể nói, ngay cả mang một hàm ngôn ước định rất rõ rệt: cái đối tượng hay cảnh huống (nằm sau ngay cả) là một trường hợp khác, loại khác, vốn nằm ngoài phạm vi tác động của điều vừa nêu.

Xét các ví dụ sau:
          (17)   Bài tập này khó quá, không ai làm được. Ngay cả Tí “chuyên gia toán” cũng bó tay.
          (18)   Bài tập này dễ quá, ai làm cũng được. Ngay cả Tèo cũng làm được.

Ở câu (17), Tí là một học sinh rất giỏi toán (được mệnh danh là “chuyên gia toán”) cũng không làm được (thường người nói nghĩ, bài tập khó có thể “người ta” không làm được, nhưng Tí thì phải làm được, vì Tí khác với “người ta”); tức là bài tập này thực sự quá khó.
Câu (18) cũng được hiểu tương tự (17), khẳng định rằng bài tập này quá dễ. Tuy nhiên, ở (18), trong một bối cảnh giao tiếp nhất định (chẳng hạn, khi người nghe chưa biết rõ về sức học của Tèo), người nghe có thể suy ra rằng Tèo là học sinh kém nhất lớp.
           
Như vậy, về mặt ý nghĩa, một phát ngôn có chứa ngay cả có hai nội dung: (i) cho rằng đối tượng nói đến cũng không nằm ngoài nhận định đã nêu; và/hoặc (ii) chứng minh và tăng cường nội dung đã nêu ra trước đó.

Trong thực hành tiếng cần chú ý một vài vấn đề sau đây:

a.       Cái đối tượng được đề cập sau ngay cả có thể thuộc hoặc không thuộc cái tập hợp đối tượng đã nói trước đó.

              (19) Phát thanh viên VTV đọc nhanh quá, lớp chúng tôi chẳng ai nghe được. Ngay cả mấy người bạn người VN của tôi cũng không nghe được. 
              (20)  Phát thanh viên VTV đọc nhanh quá, tôi chẳng nghe được gì. Ngay cả mấy người bạn người VN của tôi cũng không nghe được.
              (21) Phát thanh viên VTV đọc nhanh quá, lớp chúng tôi chẳng ai nghe được. Ngay cả anh John giỏi nhất lớp cũng không nghe được.

Ở (19), “mấy người bạn VN của tôi” không thuộc tập hợp “lớp chúng tôi” (= những người nước ngoài đang học tiếng Việt).
Ở (20), đối tượng được đề cập trước chỉ là một cá thể (“tôi”) chứ không phải là một tập hợp.
Ở (21), “anh John” là người “giỏi nhất lớp” nhưng vẫn thuộc tập hợp “lớp chúng tôi”; và trên thực tế, khi nói “chẳng ai” trong “lớp chúng tôi” thì đã bao gồm cả “anh John”.
           
            Về cảnh huống cũng tương tự:
               (22) Lúc nào nó cũng kè kè quyển sách. Ngay cả khi hẹn hò với bạn gái nó cũng ôm theo quyển sách!
               (23)  Lúc ăn lúc ngủ nó không rời quyển sách. Ngay cả khi hẹn hò với bạn gái nó cũng ôm theo quyển sách.

     Từ những ví dụ trên, có thể thấy ngay cả dẫn nhập cho một phát ngôn có vẻ không chịu ràng buộc chặt chẽ lắm với phát ngôn đi trước. Nghĩa là, nó là một nội dung bổ sung cho nhận định đi trước nhưng vẫn đủ tư cách đứng riêng thành một nhận định tương đối độc lập. Nó có thể xuất hiện ở hai lượt lời luân phiên.

Ví dụ câu (24) sau đây:
            (24)                       Philip: - Phát thanh viên đọc nhanh quá, tôi chẳng nghe được gì. Anh nghe thử xem.
         Tuấn:  - Ngay cả tôi cũng thấy khó nghe.

            Trường hợp sau đây sẽ cho thấy rõ hơn tính “độc lập” của ngay cả.

b.      Cái đối tượng/cảnh huống được đề cập sau ngay cả có thể không phải là “loại khác” hay “trường hợp khác” vì không có đối tượng/cảnh huống nào trước đó để đối chiếu (khác với trường hợp (a) ở trên).

               (25) Anh ấy nói nhanh quá. Ngay cả tôi cũng không nghe kịp.
               (26) Cô ấy hát rất hay. Ngay cả nhạc sĩ Bảo Quốc cũng khen.
               (27) Anh ta khoe khoang, khoác lác nổi tiếng. Ngay cả bạn gái anh ta cũng nhiều lần xấu hổ về anh ta.
               (28) Đối với bà ấy, bề ngoài là quan trọng nhất. Ngay cả trong đám tang bố, bà ấy cũng không quên trang điểm.
               (29) Cô yêu anh ta bằng một thứ tình yêu mê muội, Ngay cả khi bị anh ta bỏ rơi, cô cũng chỉ tự trách mình không đủ xinh đẹp để giữ anh ta.

Trong các ví dụ trên, phát ngôn thứ hai có sự độc lập tương đối như đã nói ở trên. Có thể cho rằng, có một nhận định nào đó đi trước đã bị tỉnh lược, chẳng hạn ở (25): “… không ai nghe kịp cả”; ở (26): “… ai cũng khen”; ở (27): “… bạn bè anh ta, ai cũng xấu hổ”; ở (28): “… bà ấy làm đẹp mọi lúc mọi nơi”; ở (29): “… không bao giờ cô trách cứ anh ta đối xử tệ bạc với mình”.
Cách giải thích như vậy làm cho ngữ pháp ngay cả có vẻ thuần nhất hơn (giống với những ví dụ khác bên trên), và không phải là không có cơ sở.
Tuy nhiên, cũng có thể xem phát ngôn “ngay cả…” như là một phát ngôn độc lập; về ý nghĩa, nó liên quan với phát ngôn trước đó ở chỗ nó chứng minh và qua đó tăng cường ý nghĩa của nhận định đi trước bằng cách đưa ra một nhận định dựa trên một đối tượng/cảnh huống tiêu biểu vốn không thuộc phạm vi tác động của nhận định đi trước.
Trên thực tế, ý nghĩa tình thái của ngay cả nằm ở ý thứ hai (đối tượng/cảnh huống tiêu biểu vốn không thuộc phạm vi tác động của nhận định đi trước) nhiều hơn; vì nếu bỏ ngay cả, câu vẫn ổn, chỉ có điều là ý nghĩa này không còn nữa.

              (30) Hiện Indonesia đang thương lượng với VN để mua khoảng 400.000 - 600.000 tấn gạo, dự kiến giao vào tháng 3 năm sau, do giá gạo trong nước quá cao ngay cả khi đang trong vụ thu hoạch.
              (31) Có tôn trọng nhau mới đạt được sự vui vẻ, hợp tác, cảm thông khi chung sống, ngay cả khi va chạm.
              (32) Chúng tôi đảm bảo hệ thống có đủ dung lượng để hoạt động tốt ngay cả trong thời gian cao điểm như dịp lễ, tết.

Ba ví dụ (30)-(32), nếu không có ngay cả, câu vẫn đúng nhưng ý nghĩa thay đổi hẳn.        

c.       Về ngữ pháp, “ngay cả + đối tượng” phải đứng đầu câu hay phân câu để làm đề; nhưng “ngay cả + cảnh huống” thì có thể đứng đầu câu hay phân câu làm đề, và cũng có thể đứng cuối câu làm trạng ngữ.

Lấy lại các ví dụ trên:
             (33) Anh ấy nói nhanh quá. Ngay cả tôi cũng không nghe kịp.
             (34) Cô ấy hát rất hay. Ngay cả nhạc sĩ Bảo Quốc cũng khen.
             (35) Anh ta khoe khoang, khoác lác nổi tiếng. Ngay cả bạn gái anh ta cũng nhiều lần xấu hổ về anh ta.
             (36) Đối với bà ấy, bề ngoài là quan trọng nhất. Ngay cả trong đám tang bố, bà ấy cũng không quên trang điểm.
             (37) Cô yêu anh ta bằng một thứ tình yêu mê muội, Ngay cả khi bị anh ta bỏ rơi, cô cũng chỉ tự trách mình không đủ xinh đẹp để giữ anh ta.

Câu (33)-(37) không thể chuyển vị trí “ngay cả…”. Nhưng hai câu sau thì có thể:

            (38) Đối với bà ấy, bề ngoài là quan trọng nhất. Bà ấy cũng không quên trang điểm ngay cả trong đám tang bố.
            (39) Cô yêu anh ta bằng một thứ tình yêu mê muội, Cô cũng chỉ tự trách mình không đủ xinh đẹp để giữ anh ta ngay cả khi bị anh ta bỏ rơi.

Như vậy, thành phần cảnh huống được đánh dấu bằng ngay cả có thể hoạt động như một trạng ngữ “bình thường”.

Riêng ngay cả trong ngữ đoạn “ngay cả + đối tượng” khi chuyển ra cuối câu thì thường được thay bằng kể cả. Nếu không thì thường phải có giới từ dẫn nhập: “ngay cả với…”, “ngay cả đối với…”; lý do có lẽ là lúc này cả ngữ đoạn “ngay cả…” hoạt động như một thành phần trạng ngữ.

           (40)     *Bài tập này khó quá, không ai làm được, ngay cả Tí “chuyên gia toán”.
           (41)     Bài tập này khó quá, không ai làm được, kể cả Tí “chuyên gia toán”.
           (42)     *Bài tập này dễ quá, ai làm cũng được, ngay cả Tèo.
           (43)     Bài tập này dễ quá, ai làm cũng được, kể cả Tèo.
           (44)     (Ông ta có thái độ rất khó hiểu. Ngay cả vợ con ông ta cũng không hiểu ông ta.)
a.       *Ông ta có thái độ rất khó hiểu, ngay cả vợ con.
b.      Ông ta có thái độ rất khó hiểu, ngay cả với vợ con.
           (45)     (Đây là một đề tài khó. Ngay cả các chuyên gia ở Viện cũng bó tay.)
a.       *Đây là một đề tài khó, ngay cả các chuyên gia ở Viện.
b.      Đây là một đề tài khó, ngay cả với các chuyên gia ở Viện.

d.      Về mặt lý thuyết, chúng tôi cho rằng ngay cả, về bản chất, là yếu tố dẫn nhập thành phần phụ của câu với ý nghĩa riêng (như đã nói trên) – nghĩa là, ngữ đoạn có ngay cả thực sự là một ngữ đoạn nằm ngoài cấu trúc đề-thuyết hay chủ-vị chính của câu. Khi ở cuối câu, nó đóng vai trò một trạng ngữ. Khi ở đầu câu, nó đóng vai trò một ngoại đề, và sau nó là một đề chính danh. Ở dạng thức như các ví dụ trên kia, có lẽ đó là kết quả của hiện tượng “cô đúc cấu trúc”.

            (46) Đề tài này khó quá. Ngay cả các chuyên gia của Viện, họ cũng không làm được.
            (47) Anh ta khoe khoang, khoác lác nổi tiếng. Ngay cả bạn gái anh ta, cô ấy cũng nhiều lần xấu hổ về anh ta.

Tuy nhiên, với tiếng Việt đương đại, điều vừa nói không quan yếu đối với việc thực hành tiếng.

Phân biệt thậm chí với ngay cả

Trong nhiều từ điển Anh – Việt, ngay cảthậm chí đều được chú nghĩa là even.
            Nhưng trong các ví dụ về thậm chí ở trên hoàn toàn không thể thay bằng ngay cả.

             (48) *Thuốc lá có hại cho sức khỏe, ngay cả gây chết người.
             (49) *Tôi không biết ông ấy. Ngay cả, tôi chưa bao giờ nghe đến tên của ông ấy. 
             (50) *Cô ta chẳng biết nấu nướng gì cả. Ngay cả, cô ta cũng chẳng biết luộc trứng.
             (51) *Cô ấy hát rất hay, ngay cả hay hơn cả ca sĩ.
             (52) *Anh ta tông vào tôi. Anh ta không xin lỗi gì cả, ngay cả còn sừng sộ.

Khi muốn thay ngay cả cho thậm chí, và ngược lại, cấu trúc câu phải được viết lại; tất nhiên, ngữ nghĩa cũng thay đổi ít nhiều.

(i)                 Về ngữ pháp, bản thân thậm chí là một trạng ngữ. Cho nên nó có thể đứng tách biệt (ngăn cách bằng dấu câu trước và sau) ở vị trí đầu câu (…. Thậm chí, …) hoặc giữa hai phần thuyết (…, thậm chí, …/ …, thậm chí…).
Trong khi đó, bản thân ngay cả không phải là trạng ngữ, muốn hoạt động trong câu nó phải kết hợp với một danh ngữ hoặc giới ngữ để làm đề hoặc trạng ngữ.

(ii)               Về ngữ nghĩa, thậm chí biểu thị một trường hợp/khả năng cực đoan của điều được nói trước đó (để tăng cường ý nghĩa); do vậy, nó không nhất thiết là hiện thực, và từ đó, mang tính cường điệu.
Như vậy, thậm chí liên quan đến một sự tình.

Trong khi đó, ngay cả (cùng với ngữ đoạn sau nó) biểu thị một trường hợp/một tình huống khác, ngoài dự liệu, nhằm cung cấp một bằng chứng (để xác nhận/khẳng định và tăng cường ý nghĩa của điều đã nói trước đó); do vậy, nó phải là một hiện thực được xác nhận.
Ngay cả có thể liên quan đến một sự tình, nhưng thường là nó liên quan trực tiếp đến một thành phần tham gia vào sự tình đó (đối tượng hoặc cảnh huống).
Do ý nghĩa gần nhau, trong nhiều trường hợp thậm chíngay cả có thể thay thế cho nhau nếu cấu trúc câu được viết lại cho thích hợp.

Xét các ví dụ sau:
               (53) Học sinh ở vùng này nghèo lắm. Thậm chí, có đứa phải nhịn đói đi học.
               (54) Ở đây đi làm trễ có thể bị phạt đấy; thậm chí, có thể bị đuổi việc.
               (55) *Học sinh ở vùng này nghèo lắm. Ngay cả, có đứa phải nhịn đói đi học.
               (56) *Ở đây đi làm trễ có thể bị phạt đấy; ngay cả, có thể bị đuổi việc.

Ở (53), “nhịn đói đi học” là trường hợp/khả năng cực đoan của “nghèo”;
Ở (54), “bị đuổi việc” là trường hợp/khả năng cực đoan của “bị phạt”.

Nếu muốn dùng ngay cả, (53)-(54) phải được viết lại:
              (57) Học sinh ở vùng này nghèo lắm. Ngay cả cơm, có đứa còn không đủ ăn.
              (58) Ở đây đi làm trễ có thể bị phạt đấy. Ngay cả quản đốc cũng bị phạt.

Ở (57), “nghèo cơm” là một trường hợp khác, tiêu biểu hơn, để chứng minh là học sinh vùng này rất nghèo, vì nếu không nói điều này thì người ta có thể nghĩ là “nghèo bình thường” – chẳng hạn, không có quần áo mới, không có tiền ăn quà, không có giày dép, v.v.;
Ở (58), “quản đốc bị phạt” là trường hợp khác, tiêu biểu hơn, để cho thấy đi làm trễ là một lỗi nghiêm trọng, vì nếu không nói điều này thì người ta có thể nghĩ chỉ công nhân hay nhân viên cấp thấp đi trễ thì mới bị phạt. 

Dùng thậm chí để viết lại hai câu vừa rồi:
             (59) Học sinh ở vùng này nghèo lắm. Thậm chí, cơm, có đứa còn không đủ ăn.
         (hoặc tự nhiên hơn: Thậm chí, cơm còn không đủ ăn)
             (60) *Ở đây đi làm trễ có thể bị phạt đấy. Thậm chí, quản đốc cũng bị phạt.

Ở (59), “cơm không đủ ăn” có thể xem là trường hợp/khả năng cực đoan của “nghèo”, do vậy câu khả chấp;
Ở (60), “quản đốc bị phạt” khó có thể hiểu là trường hợp/khả năng cực đoan của “đi làm trễ”, do vậy câu bất khả chấp.

       Theo quan sát của chúng tôi, chỉ những câu tương tự (57) mới có thể lẫn lộn (?) ngay cảthậm chí; nhưng cũng chỉ lẫn lộn trong khẩu ngữ, còn trên văn bản thì không (vì sau thậm chí bao giờ cũng có khả năng có dấu phẩy (dù có viết hay không), và thành phần vị ngữ sau ngay cả luôn có một từ tình thái như cũng, còn). Tất nhiên, người bản ngữ hầu như bao giờ cũng chọn đúng cách diễn đạt mà mình cần.

Thêm ví dụ:
          (61) a. Trong chiến tranh, điều kiện y tế rất tồi tệ. Ngay cả thuốc sát trùng cũng không có.
         b. Trong chiến tranh, điều kiện y tế rất tồi tệ. Thậm chí, thuốc sát trùng cũng không có.
         c. Trong chiến tranh, điều kiện y tế rất tồi tệ; thậm chí, không có thuốc sát trùng.
          (62) a. Nó nói dối thành tật rồi. Ngay cả với bố mẹ nó, nó cũng nói dối.
         b. Nó nói dối thành tật rồi. Thậm chí, với bố mẹ nó, nó cũng nói dối.
         c. Nó nói dối thành tật rồi, thậm chí với cả bố mẹ.
(so sánh: Nó nói dối với mọi người, ngay cả với bố mẹ.)


2 comments:

  1. Bài viết "Thậm chí - Ngay cả" này rất hữu ích. Tôi đã đọc và sử dụng làm tài liệu tham khảo, tôi muốn được trích dẫn tên tác giả bài. Xin được hỏi tên thật tác giả bài này là ai được không ạ?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nếu vì một lý do nào đó tác giả không tiện nêu tên thật ở đây thì không biết tác giả có thế gửi mail đến địa chỉ: thamtiengtrung@gmail.com đcượ không ạ? Xin chân thành cảm ơn!

      Delete