Friday 6 July 2012

Có CỦA hay không có CỦA?



            Trong tiếng Việt, có của hay không có của là chuyện không có gì đáng bận tâm đối với người Việt, vì hầu như chẳng có ai dùng sai từ này. Tuy nhiên, hiển ngôn rằng trường hợp này thì được trường hợp kia thì không lại chẳng đơn giản chút nào.
            Sau đây tôi thử đưa ra một vài nhận xét liên quan đến vấn đề vừa nêu.
           
I.                   Quan hệ giữa danh ngữ đứng trước và danh ngữ đứng sau của (ký hiệu [NP1 của NP2]) có thể có 6 biểu hiện sau:

1.      NP2 biểu thị chủ sở hữu, NP1 biểu thị cái được sở hữu, cái bị chi phối;

- tài sản của bố mẹ tôi
- cái máy tính của tôi
- tờ báo của tôi
- bài viết của phóng viên X


2.      NP2 biểu thị vật thể, NP1 biểu thị bộ phận/thành phần của vật thể (hợp thành vật thể).

- bốn chân của cái bàn sắt
- ba năm đầu của thập niên 60
- bàn tay của nàng
- cái vỏ của chiếc điện thoại này

3.      NP2 biểu thị thực thể, NP1 biểu thị một bình diện của thực thể đó.

- mùi thơm của hoa nhài
- màu đỏ của máu
- quá trình phát triển của xã hội
- dấu hiệu sụp đổ của một triều đại
- mục đích của chương trình này
- nguyên nhân của hiện tượng tăng giá

4.      NP1 biểu thị sự vật hay sự việc, NP2 biểu thị phạm vi hay đối tượng tác động/phục vụ của NP1.

- quần áo của trẻ em
- trò chơi của người lớn
- tài liệu của giáo viên
- quyền lợi của người dân

5.      NP1 và NP2 biểu thị những thực thể có quan hệ qua lại với nhau (theo kiểu: A là bạn của B, B là bạn của A; A là con của B, B là bố của A).

- bố của
- người mẹ lam lũ của tôi
- bạn của thằng bé
- cô vợ cũ của hắn
- lính của bố tôi
- sếp của anh ta

6.      NP1 biểu thị nguồn xuất phát hoặc tạo tác của thực thể nói ở NP2

- nguồn của sông Mê Kông
- nguồn vốn của công ty
- tác giả của quyển tiểu thuyết này
- cha đẻ của tên lửa

Trên đây là 6 biểu hiện trong quan hệ [NP1 của NP2]. Những biểu hiện này có thể dùng để phục vụ cho việc dạy tiếng. Tất nhiên, ranh giới giữa chúng chỉ có tính chất tương đối, và không phải luôn luôn dễ phân biệt. (Chẳng hạn: trong “quần áo của nó”, của chỉ quan hệ sở hữu; nhưng trong “quần áo của trẻ em” thì không có quan hệ sở hữu – vì “trẻ em” thực chất không sở hữu “quần áo” mà “trẻ em” chỉ là phạm vi hay đối tượng phục vụ của “quần áo”, hiểu là “quần áo dành cho trẻ em”.)

II.                Về cơ bản, chúng tôi cho rằng của nhất thiết có mặt trong 4 trường hợp:

        1.      Người nói muốn đánh dấu (hiển ngôn) các quan hệ như đã nói trên.

(1) Đây là bút của tao chứ không phải là bút của mày.
(2) Anh xài diện thoại của cậu Nam à?
(3) Tiền của ai nấy xài.
           
            Thật ra, trường hợp này thể hiện rõ nhất là ở câu hỏi “của ai?” và lời đáp cho câu hỏi này.  Còn thì khó đưa ra ví dụ đắt, vì nó phụ thuộc vào ý chí của người nói.

        2.      Người nói muốn tránh những cách diễn đạt mơ hồ do bản thân cấu trúc gây ra.

(4) Nó là đứa con yêu của chị. // Nó là đứa con yêu chị (hơn yêu cha nó).
(5) Đây là công trình nghiên cứu của tác giả X. // Đây là công trình nghiên cứu tác giả X (chứ không phải nghiên cứu (về) tác giả Y).
(6) Đây là câu hỏi dành để chất vấn của đại biểu X. // Đây là câu hỏi dành để chất vấn đại biểu X.

        3.      Danh ngữ NP1 có trung tâm là danh từ đơn vị.

(7) Xe thì nhà nó có mấy chiếc, nhưng nó chỉ thích đi chiếc của bố nó.
(8) Đôi giày của bé Na hư rồi. Còn đôi của bé Nu vẫn đi được.
(9) Cây bút của thằng Tèo bị gãy ngòi rồi.
(10) Nó có nhiều mèo, nhưng tôi chưa thấy con nào của nó lông đen cả.

       4.      Trung tâm của danh ngữ NP1 là một danh từ khối có một định ngữ bất kỳ.

(11) Nó mặc áo phông của anh nó.
(12) Nó đi xe máy của anh nó.
(13) Nó sửa áo dài của chị nó thành áo bà ba.
(14) Nước tinh khiết của công ty X không đáng tin cậy.

           
III.             Tỉnh lược của hay không tỉnh lược của?

      1.      Các nhóm biểu hiện trên thườngcủa khi NP1 là danh từ khối, NP2 là danh từ chỉ người (có tính chỉ định) hoặc đại từ.

(15) Cá của tớ đá chiến hơn cá của cậu.
(16) Gà của anh họ trả bao nhiêu?
(17) Gà của mấy ông bên Cao Lãnh không còn được chuộng nữa.

            Nhưng khi NP1 là một danh từ khối biểu thị những sự vật quen thuộc, thông thường trong đời sống hàng ngày thì người ta có xu hướng không dùng của. Hơn nữa, nếu chủ sở hữu là các đại từ nhân xưng thì càng ít thấy của. Xu hướng này thể hiện rất rõ trong khẩu ngữ.
            Ví dụ:

(18) Áo (của) nàng vàng, anh về yêu hoa cúc.
(19) Đây là nhà (của) tôi/ (của) bố mẹ tôi/ (của) bạn tôi/ (của) ông Năm.
(20) Sách (của) tôi, nó mượn rồi.
(21) Cải (của) anh không có sâu, cải (của) tôi sâu nhiều quá!
(22) Quần áo (của) bố tôi không còn cái nào lành lặn.

Trường hợp vừa nêu có thể được xem là tỉnh lược của, vì sự có mặt hay vắng mặt của không tạo ra sự khác biệt về ngữ nghĩa và ngữ pháp.
Trong khẩu ngữ, hiện tượng vắng của cũng thấy khi trung tâm NP1 là danh từ đơn vị. Nhưng cách dùng này khó lòng được chấp nhận trên văn bản.

(23) Cái xe (của) anh giá bao nhiêu vậy?
(24) Bài báo (của) chúng tôi chưa được đăng.
(25) Chỗ cư trú (của) anh ta không thể hiện trên hồ sơ.


      2.      Khi NP1 biểu thị một bình diện của NP2 (biểu hiện 3 ở trên), khi NP2 biểu thị phạm vi/đối tượng tác động hay phục vụ của NP1 (biểu hiện 4), khi NP1 là nguồn xuất phát hay tạo tác của NP2, khi NP1 và NP2 có quan hệ qua lại thì cũng có thể không có của. Ví dụ:

(26) Tôi thích mùi (thơm) (của) hoa nhài chứ không thích mùi (thơm) (của) hoa ngâu.
(27) Mục đích (của) chương trình này là gì?
(28) Khoa học phải phục vụ sự phát triển (của) xã hội.

(29) Chị cho hỏi, quần áo (của) trẻ em bán ở khu nào vậy?
(30) Đây là phim (của) người lớn, em không nên xem.
(31) Một chính sách được xem là đúng khi nó thúc đẩy sự phát triển (của) xã hội.

(32) Các nhà máy thủy điện của TQ đã ảnh hưởng xấu đến nguồn nước (của) sông Mê Kông.
(33) Ai là tác giả (của) quyển tiểu thuyết này?
(34) Cha đẻ (của) học thuyết lượng tử là ai?

(35) Bố (của) cháu có khỏe không?
(36) Nó đi chơi với bạn (của) nó.
(37) Sếp (của) anh đi nước ngoài à?

Tuy nhiên, về mặt thực hành tiếng, chúng tôi cho rằng [NP1 của NP2] nên được xem là cách dùng trung tính ở những nhóm biểu hiện này. Nghĩa là [NP1 NP2] không nên xem là một dạng tỉnh lược của [NP1 của NP2].
Lý do là sự vắng mặt của sẽ tạo ra một dạng ngữ pháp và ngữ nghĩa khác. Xem mục 3 dưới đây.


     3.      Về cơ bản, nếu NP1 (bộ phận) và NP2 (toàn thể) là danh từ khối thì không có của, nhất là khi nói về vật.


- bánh xe               - vỏ chuối          - bìa sách 
- chân bàn              - sườn núi         - lưng ghế 
- đáy ly                  - gọng kính        - nắp ấm 
- nút áo                  - yên xe            - khung cửa ....


            Sở dĩ sự vắng mặt của ở các biểu thức trên đây là bình thường là vì ở đây chúng ta chỉ có một thực thế (diễn đạt bằng NP1) và yếu tố đi sau (NP2) hạn định nghĩa cho nó; chứ không phải là hai thực thể mà trong đó thực thể này có quan hệ (bộ phận-toàn thể) với thực thể kia. Điều đó cũng giải thích vì sao nếu thêm danh từ đơn vị vào NP1 thì tình hình cũng không có gì thay đổi: một cái bánh xe, hai cái chân bàn, hai bên sườn núi, v.v..
            Tuy nhiên, nếu trong danh ngữ NP1 có mặt định ngữ (bất kỳ loại nào) thì ngay lập tức sự vật được tri nhận như hai thực thể có quan hệ với nhau – và khi đó NP2 thường cũng phải được chỉ định như một thực thể riêng biệt chứ không phải là một tổng loại (nghĩa là cũng có định ngữ). Và sự có mặt của của là bắt buộc.

(38) Hai (cái) bánh trước của chiếc xe này phải bơm thêm.
(39) Cái chân bên trái của bàn giáo viên bị mục rồi.
(40) Bên sườn tây của quả núi này không còn cây nào sống được.
(41) Bàn tay trái còn lại của người đàn ông vẫn có thể làm đủ mọi việc.

            Chúng tôi cho là biểu thức [NP1 của NP2] ở trường hợp này và biểu thức [NP1 NP2] (tức “chân của cái bàn” và “chân bàn”) là hai cấu trúc khác nhau hoàn toàn về ngữ pháp và ngữ nghĩa chứ không phải cái sau là hình thức tỉnh lược (của) của cái trước. Bằng chứng là có nhiều ví dụ cho thấy tách yếu tố chỉ bộ phận ra khỏi yếu tố chỉ toàn thể bằng một định ngữ nào đó là điều không dễ dàng.

(42) Cái gọng kính gãy rồi.
(43) ?Cái gọng đồi mồi của cặp kinh này gãy rồi.
(44) Cái gọng kính đồi mồi này gãy rồi.

(45) Mái nhà đã dột nát.
(46) ??Mái tranh của nhà này đã dột nát.
(47) ??Mái nhà tranh này đã dột nát.
(48) Mái nhà trước đã dột nát.
(49) Mái trước của nhà mẹ đã dột nát.

(50) Xác trà lắng xuống đáy ly.
(51) *Xác trà lắng xuống đáy của cái ly.

Nói rõ hơn, ở những ví dụ vừa nêu, có của hay không có của là hai cách diễn đạt hoàn toàn khác nhau.  
            Tương tự, người nói dùng của khi muốn diễn đạt quan hệ giữa hai thực thể; và không dùng của khi muốn diễn đạt một thực thể (được hạn định bằng một thuộc tính đi sau nó). Như vậy, ở nhóm này cũng không nên nói cái này là hình thức tỉnh lược của cái kia.

- quần áo của trẻ em – quần áo trẻ em
- màu đỏ của máu – màu đỏ máu
- mùi (thơm) của hòa nhài – mùi (thơm) hoa nhài
- sự phát triển của xã hội – sự phát triển xã hội
- tiến bộ của xã hội – tiến bộ xã hội
- bản sắc của dân tộc – bản sắc dân tộc
- trang phục của truyền thống – trang phục truyền thống

(Tất nhiên, cách diễn đạt không có của thường bị xem là cách diễn đạt mơ hồ. Nhưng đây lại là chuyện khác.)


      4.      Trong tiếng Việt có một cách dùng của khá đặc biệt: tỉnh lược NP1. Có lẽ là do của danh từ và của giới từ chưa được tách biệt hoàn toàn.
Cấu trúc của biểu thức còn lại: V NP1 của NP2

(52) Tôi mượn quyển sách này của thư viện.
(53) (Quyển sách này) tôi mượn của thư viện.
(54) (Số tiền đó ở đâu ra?) – Tôi lấy của mẹ tôi.
(55) Không nên tham của người.

      5.      Trên bình diện câu, của có thể được sử dụng giống như một vị từ.

(56) Cái đồng hồ này của ai?
(57) Cái đồng hồ đó của tôi.
(58) Cái điện thoại này của Nokia.

Tuy nhiên, có lẽ vẫn nên xem nó như một danh từ làm trung tâm vị ngữ (thuyết) thì đơn giản hơn. 
Có 3 lý do:
- Khi giải thuyết về của chỉ cần đề cập đến 2 đặc trưng: danh từ và giới từ;
- Như vậy có thể trình bày rằng trong tiếng Việt có 4 trường hợp (cũng có thể nói là 4 loại câu) có cấu trúc NP1-NP2, danh ngữ trước làm đề (hay chủ ngữ), danh ngữ sau làm thuyết (hay vị ngữ):
o   câu chỉ số hoặc lượng (“Tèo ba tuổi”, “Nải chuối này năm ngàn”),
o   câu chỉ gốc gác (“Nó người Hà Nội”, “Nó gốc Hà Nội đấy!”, “Con chó này giống Phú Quốc”),
o   câu chỉ vị trí (“Mẹ trong nhà”, “Cuốn sách trên bàn”, “Quả bóng dưới gầm bàn đấy!”),
o   câu chỉ quan hệ sở thuộc (“Cái này của thằng Tèo”, “Nước VN của người VN”);
- Trong đa số trường hợp, hệ từ đều có thể xuất hiện trước của để đóng vai trò như vị từ trung tâm. Khả năng này thậm chí còn cao hơn loại câu chỉ số hoặc lượng.

(59) Cô ấy là của tôi.
(60) Tài sản đó là của nhà nước.
(61) Cái gì của tôi là của tôi.

No comments:

Post a Comment