Friday 13 July 2012

MÃI



     Mãi là phó từ (trạng từ) diễn đạt sự kéo dài của một hành động, tính chất, trạng thái do vị từ đi trước biểu thị.
     Mãi có 4 biểu hiện sau đây.

     1.      [V + mãi]: V diễn ra lâu dài, không có giới hạn thời gian

(1) Tôi sẽ sống mãi ở đây. // Tôi sẽ sống ở đây mãi.
(2) Anh sẽ yêu em mãi.
(3) Tôi nhớ mãi hình ảnh ấy.
(4) Hình ảnh ảnh ấy vẫn còn mãi trong ký ức của tôi.
(5) Chúc em trẻ mãi với thời gian.


     Trong những câu trên, các trạng thái và tính chất được xem là tồn tại không có giới hạn thời gian, nó tồn tại ít nhất cùng với sự tồn tại của bản thân đối tượng đang được nói đến. “Yêu mãi” tức là trạng thái yêu kéo dài từ khi bắt đầu (cảm thấy yêu) đến khi chết, không có sự gián đoạn hay lặp trong suốt quá trình đó.

     2.      [V + mãi]: V diễn ra lâu dài, nhiều lần, có hoặc không có giới hạn thời gian.

(6) Tôi nói mãi mà nó không nghe.
(7) Ăn mãi món này, ngán quá!
(8) Nó tập mãi mà vẫn không sao bằng được thầy.

     Về hoạt động hay hành động thì tình hình phức tạp hơn.
     Không thể hiểu “nói mãi” là nói kéo dài từ khi bắt đầu nói đến khi chết; “tập mãi” và “ăn mãi” cũng vậy. Một hoạt động hay hành động thường có giới hạn thời gian, do vậy, ở trường hợp này mãi cho biết hoạt động hay hành động đó diễn ra trong một độ dài thời gian đáng kể ( lâu dài) nhưng kết điểm thời gian không được thể hiện; và đặc biệt là trong khoảng thời gian đó, hoạt động có tính gián đoạn – nghĩa là có thể tri nhận rằng nó diễn ra nhiều lần, trong một khoảng thời gian được xem là dài.
     Như vậy những câu trên có thể diễn đạt cách khác: “tôi nói rất lâu/nhiều lần....”, “ăn nhiều lần....”, “nó tập rất lâu/nhiều lần...”.

     3.      [V + mãi]: V diễn ra lâu dài, trong một thời gian có hạn.  

(9) Sắp hết giờ rồi mà ông ta nói mãi! Biết bao giờ mới được giải lao đây!
(10) Sắp đến giờ học rồi! Ngồi đó ăn mãi à?
(11) Đã 15 phút rồi, nó tập mãi mà vẫn chưa thuần thục động tác này.

     Khác với các câu (6) - (8), những câu trên đây nói về những sự tình diễn ra một lần, trong một khoảng thời gian (được xem là) dài nhưng có hạn (chắc chắn là sẽ kết thúc ở một thời điểm trước mắt (trong vòng một buổi làm việc, một bữa ăn hay một buổi tập)). 

            Thêm ví dụ cho cách dùng này:
(12) Anh cứ đi thẳng đường này, đi mãi, đến khi nào gặp một ngã ba thì rẽ trái.
(13) Điện thoại reo. Chị quyết định không trả lời. Nó reo mãi. Nóng ruột quá, cuối cùng chị cũng nhấc lên.
(14) Mới nhìn thì thấy lạ. Nhìn mãi mới nhận ra.

     Trên thực tế, việc xác định nghĩa của mãi tùy thuộc nhiều vào tình huống và ngữ cảnh. Nếu tình huống hoặc ngữ cảnh không đủ rõ thì chỉ có thể xác nhận rằng hành động hay hoạt động đó diễn ra “lâu dài” – một cách hiểu khá mơ hồ.

Chú ý:
·         Một hoạt động kéo dài vô hạn cũng có thể được tri nhận như một trạng thái/tính chất (giống các ví dụ (1) - (5)). Chẳng hạn:

(15) Học! Học nữa! Học mãi! (câu nói thường được cho là của Lênin)
(16) Nó cảm thấy xấu hổ. Hai mươi tuổi rồi mà vẫn học mãi, chẳng làm gì ra tiền.
(17) Có mấy câu tiếng Anh này mà học mãi nãy giờ vẫn chưa thuộc!

Câu (15) có thể được hiểu theo biểu hiện 1; câu (16) được hiểu theo biểu hiện 2; câu (17) được hiểu theo biểu hiện 3.

·         Riêng mãi với ý nghĩa “lâu dài, không có giới hạn về thời gian” (biểu hiện 1) thì có thể được thay bằng mãi mãi. Và có thể nói ngược lại, khi nào mãi có thể thay bằng mãi mãi, ta có mãi mang ý nghĩa không giới hạn thời gian.
·         Mãi chỉ đứng sau vị từ (ngay sau vị từ hoặc cuối câu), còn mãi mãi (với tư cách là trạng ngữ) có thể đứng ở đầu câu, cuối câu hoặc ngay sau vị từ.
·         Ở phương ngữ Nam, mãi được thay bằng hoài; mãi mãi được thay bằng hoài hoài, nhưng hoài hoài không thể đứng đầu câu như mãi mãi được.
    
    4.      Từ ý nghĩa lâu dài về thời gian nói trên, mãi có một cách dùng giống như một trợ từ (GS Cao Xuân Hạo gọi là “vị từ tình thái của tham tố”) khi đứng trước một ngữ đoạn biểu thị thời điểm hoặc địa điểm với ý nghĩa là [qua một thời gian dài để] đến thời điểm đang nói hoặc [qua một thời gian dài để] đến địa điểm đang nói.
     Hay nói đơn giản hơn, người nói dùng mãi để biểu thị thái độ chủ quan [cho là lâu/trễ] khi nói về một thời điểm và [cho là xa/cao/sâu] khi nói về một địa điểm.

(18) Chúng tôi nói chuyện với nhau đến mãi 12 giờ đêm.
(19) Tôi hỏi cách đây hai tuần. Mãi sáng nay mới có thư trả lời.
(20) Mãi bây giờ mới đến à?
(21) Nhà nó ở mãi Thủ Đức.
(22) Phòng của nó ở mãi tầng 15.
(23) Nó ngồi (ở) mãi cuối rạp nên chẳng thấy gì cả.

Chú ý:
      ·         Ở phương ngữ Nam không có mãi mà chỉ có tới (và hiện nay có cả đến).
      ·         Ở cách dùng cuối cùng này (biểu hiện 4) mãi có thể thay bằng tận. Nhưng không đồng nghĩa: mãi được dùng để thể hiện đánh giá của người nói là trễ/lâu (về thời điểm) và xa/cao (về địa điểm), trong khi đó tận đánh dấu điểm (thời điểm, địa điểm) được xem là giới hạn cuối cùng (trễ nhất, xa nhất) có thể đạt đến.

(24) Phòng của nó ở tận tầng 15.
(25) Nó ngồi ở tận cuối rạp.
(26) Chúng tôi nói chuyện với nhau đến tận 12 giờ đêm.
(27) Tôi hỏi cách đây hai tuần. Tới tận sáng nay mới có thư trả lời.
(28) Đến tận bây giờ mới đến à?

     (Theo quan sát của chúng tôi, khi nói về thời điểm, có vẻ mãi được dùng nhiều hơn tận. Về mặt thực hành tiếng, có lẽ nên dùng mãi hơn là tận để đánh dấu thời điểm).
    
Chú thích: Về mặt chính tả, người miền Nam không phân biệt hỏi-ngã nên mãi thường lẫn lộn với mải. Như trên đã nói, mãi luôn ở sau vị từ, biểu thị ý lâu dài về thời gian. Trong khi đó mải luôn đứng trước vị từ, biểu thị ý tập trung (có khi say mê có khi không) vào hành động do vị từ đi sau biểu thị. (Từ mải ta có mải mê, mê mải, mải miết chứ không có mải mải.)

(29) mải xem ti vi nên không nghe tôi gọi.
(30) Hai vợ chồng mải kiếm tiền, quên mất đứa con cần được chăm sóc, vỗ về.

1 comment:

  1. Tác giả có thể phân tích qua 1 chút về ngữ nghĩa cụm [V+mãi+V+mãi], ví dụ như "nói mãi nói mãi" được không ạ?

    ReplyDelete