Monday 6 August 2012

NHẬN THẤY và NHẬN RA



Nhận ranhận thấy là hai ngữ vị từ giao nhau nhưng không đồng nghĩa.

NHẬN RA

Nhận ra có hai trường hợp dùng:

(i)                 biết một sự vật hay sự tình nhờ đồng nhất sự vật hay sự tình đó với một hình ảnh thuộc về kinh nghiệm qua một quá trình [tri giác (thấy/nghe/ngửi...) + suy nghĩ và đối chiếu với kinh nghiệm đã có].
Như vậy, không nhận ra thì có nghĩa là thấy/nghe, suy nghĩ và đối chiếu nhưng không tìm được sự đồng nhất với hình ảnh của kinh nghiệm.

(1) Nhìn một lúc nó mới nhận ra cô gái đó là Na.
(2) Vừa nghe nó đã nhận ra ngay đó là giọng của Na.
(3) Đó là anh Tèo, chị không nhận ra à?


(ii)               biết một sự tình ẩn sau cái bề ngoài khác hẳn của nó, qua một quá trình suy nghĩ, phán đoán.

(4) nhận ra bố mẹ nó đang có chuyện gì đó giấu nó.
(5) Chị nhận ra chị không thể sống thiếu anh.
(6) Đến bây giờ tôi mới nhận ra con người thật của anh ta là như vậy.

Chú ý:
     Theo sau nhận ra có thể là một danh ngữ. Theo chúng tôi, đây thật ra là một cách nói tắt.
(7) Tôi đã nhận ra anh Nam. → Tôi đã nhận ra [ai] là anh Nam // anh Nam là [ai]
(8) Tôi đã nhận ra cây bút này. → Tôi đã nhận ra cây bút này là [của ai]
(9) Tôi đã nhận ra sự thật. → Tôi đã nhận ra [cái gì / điều gì] là sự thật.


NHẬN THẤY

Nhận thấy: cho là thấy một sự tình nào đó.
     Nói rõ hơn: X là nhận định chủ quan dựa trên một tri giác nào đó của chủ thể.  “A nhận thấy X” tức là chủ thể A cho là / nghĩ là X (X là một sự tình).

     Người ta chỉ có thể nhận thấy sự tình chứ không thể nhận thấy sự vật. Nghĩa là sau nhận thấy không thể là một danh ngữ.

(10) thấy quả bóng rồi.
(11) *Nó nhận thấy quả bóng rồi.
(12) – Nhà tôi ở sau lùm cây đó, thấy chưa?
  Thấy rồi, tôi thấy rồi.
(13) – *Nhà tôi ở sau lùm cây đó, nhận thấy chưa?
  – *Nhận thấy rồi, tôi nhận thấy rồi.

     Trong thực tế sử dụng, đôi khi sau nhận thấy là một cấu trúc có thuyết tính (nghĩa là một sự tình) – thường là cấu trúc tồn tại – nhưng trên bề mặt chỉ thể hiện đối tượng được đề cập (nghĩa là một danh ngữ). Đây là hiện tượng tỉnh lược.

(14) nhận thấy vẻ mệt mỏi trên gương mặt mẹ.
(15) nhận thấy thái độ không hài lòng của cô.
    
     Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, theo sau hai câu (14) và (15) thường có một nội dung gì đó nối tiếp; nếu không, thay nhận thấy bằng thấy có lẽ chuẩn tắc hơn.

(16) nhận thấy vẻ mệt mỏi trên gương mặt mẹ nên không dám nói gì cả.
(17) nhận thấy thái độ không hài lòng của cô khi cô nỏi lảng sang chuyện khác.

     Thường không thể dùng nhận thấy cho những gì hiển nhiên, cụ thể trước mắt mọi người; lý do là khi đó những gì mà mọi người tri giác được (thấy được) về lý thuyết là như nhau. Nhận thấy được dùng trong câu những có yếu tố biểu thị tình thái chủ quan của người nói. Ví dụ:

(18) *Tôi nhận thấy bọn trẻ đang đá bóng.
(19) Tôi nhận thấy bọn trẻ đá bóng rất bài bản.
(20) *Tôi nhận thấy nhà sách đó nằm trên đường Lê Lợi.
(21) Tôi nhận thấy nhà sách đó nằm ở một vị trí rất thuận lợi.
(22) Tôi nhận thấy nhà sách đó buôn bán không được trung thực.

Chú thích:
  • Trong thực tế sử dụng tiếng Việt hiện thời, nhất là ở khẩu ngữ, thấy có vẻ có phạm vi sử dụng rộng hơn, thay cho nhận thấy trong hầu hết trường hợp.

  • Nhận thấy khác nhận ra ở ba điểm:
 
(i)                 Khả năng xuất hiện danh ngữ sau nhận thấy hạn chế hơn nhận ra rất nhiều, dù ở cả hai đều là hình thức tỉnh lược (xem các ví dụ trên).
(ii)               nhận thấy có quá trình suy nghĩ, phán đoán nhưng không đối chiếu với bất cứ hình ảnh nào thuộc về kinh nghiệm.
(iii)             Do vậy, nhận thấy chỉ có thể thay thế nhận ra ở cách dùng thứ hai đã nói ở trên.
Tuy nhiên, nhận thấy khác nhận ra về ngữ nghĩa. Có thể diễn giải như sau:

Khi người nói phát ngôn “Tôi nhận thấy X”, có nghĩa là
·         “Tôi thấy/nghe/ngửi cái gì đó và tôi cho là X”;
·         “X = [cái gì đó hành động hoặc có thuộc tính/tính chất nào đó]”
·         Như vậy, X là kết quả nhận thức của người nói về những gì mà người nói tri giác, X có thể đúng và có thể sai.

Trong khi đó, khi người nói “Tôi nhận ra X”, có nghĩa là
·         “Tôi thấy/nghe/ngửi cái gì đó và tôi suy nghĩ và biết là X”
·         “X là nhận thức của người nói dựa trên những gì tri giác được, nhưng khác với nội dung tri giác” (Hai người chứng kiến cùng một sự tình nhưng có người nhận ra X, có người nhận ra Y và có người không nhận ra gì cả – chỉ thấy hoặc nghe sự tình đó)
·         Như vậy, X là kết quả nhận thức của người nói về bản chất của sự tình.   


      Nói chung, dùng nhận ra khi nhận định của chủ thể là một bản chất, đối lập với bề ngoài của sự tình (có nghĩa là điều mà chủ thể nhận ra được xem là đúng sự thật); và điều mà chủ thể nhận ra thường là kết quả trực tiếp của quá trình suy nghĩ, suy đoán, căn cứ trên nhiều dữ liệu.
      Ngược lại, dùng nhận thấy khi nhận định của chủ thể là kết quả trực tiếp của một nội dung tri giác (thường là thị giác) mà chủ thể ghi nhận được; chính từ cái nội dung tri giác này mà chủ thể cho là mình “nhận thấy” điều gì đó.

(23) Tôi nhận thấy (> nhận ra) anh Tèo để ý chị Na từ lâu rồi. (nhận thấy tốt hơn nhận ra)
(24) Ông nhận thấy (?nhận ra) tình hình thay đổi rất nhanh.
(25) Tôi nhận ra (?nhận thấy) mình đã yêu cô ấy.
(26) Ông đã nhận ra (?nhận thấy) có bàn tay của mafia trong vụ này.
(27) nhận ra (nhận thấy) vẻ không hài lòng của mẹ nó về cô con dâu tương lai.

     Ở câu (27), nếu dùng nhận ra có thể hiểu: nó “ghi nhận” những hành động/thái độ của mẹ nó, nó suy nghĩ, phân tích, suy đoán, và nó hiểu ra (= biết) là mẹ nó không thích bạn gái của nó. (Trước mặt mọi người mẹ nó vẫn tỏ ra lịch sự, quan tâm, ngọt ngào.)
     Trong khi đó, ở (27) nếu dùng nhận thấy có thể hiểu: nó “phát hiện” mẹ nó có một hành động/thái độ gì đó mà nó nghĩ là mẹ nó không thích bạn gái của nó (chẳng hạn chỉ một cái lắc đầu nhẹ, một lời nói lạnh tanh, v.v.); và nó nhận định như câu (27). Lưu ý là suy nghĩ của nó có cơ sở từ một “phát hiện” chủ quan nào đó, không chắc là đúng sự thật.

No comments:

Post a Comment