Saturday 11 August 2012

VẪN - CÒN


VẪN

Vẫn có nghĩa là tiếp tục hoặc không thay đổi một hành động / thuộc tính / trạng thái.

      1.      Vẫn là vị từ tình thái, cho biết một hành động / thuộc tính / trạng thái (được diễn đạt bằng một vị từ theo sau) không thay đổi (hoặc tiếp tục).

(1) Từ sáng đến giờ nó vẫn hì hụi sửa xe.
(2) Tôi vẫn sống ở chỗ cũ.
(3) Họ vẫn ghét nhau.
(4) Cuốn sách vẫn nằm trên bàn.
(5) Cô ấy vẫn đẹp (như ngày xưa).


      2.      Vẫn là vị từ, cho biết sự tình (được diễn đạt bằng đại từ vậy, thế theo sau) hoặc sự vật (một từ nhân xưng hoặc danh ngữ theo sau) không thay đổi, không có gì khác trước đó.

(6) (Anh Nam thế nào?) – Anh ta vẫn vậy.
(7) Tôi tưởng là mọi chuyện đã xong. Ai ngờ vẫn thế!

(8) (Họ gặp nhau ở đâu? Lúc nào?) – Vẫn chỗ cũ. / Vẫn giờ đó!
(9) (Ai gọi điện đấy?) – Vẫn người đàn ông đó!
(10) Hoa hồng nhà em vẫn màu trắng tinh khôi như xưa nhưng mùi thơm thì đã khác.

Chú thích:
      ·         Trong câu nghi vấn, vẫn đi với ...à? hoặc ...chứ? chứ không bao giờ đi với ...không?

(11) Anh vẫn làm việc ở chỗ cũ à?
(12) Hai bác vẫn khỏe chứ?
(13) *Hai bác vẫn khỏe không?

·         Xét hai câu sau đây:

(14) Họ vẫn gặp nhau ở chỗ cũ.
(15) Họ gặp nhau vẫn chỗ cũ.

     Về nội dung mệnh đề, hai câu trên không khác nhau. Nhưng về ngữ pháp, thành phần chịu tác động của vẫn khác nhau: ở câu (14) vẫn tác động đến toàn bộ phần thuyết (vị ngữ), trong khi đó ở câu (15) vẫn chỉ tác động đến thành phần trạng ngữ.

·         Trong những tình huống tương tự câu (6) và (7), nếu xuất hiện trong một cấu trúc đầy đủ, thường có sau vẫn.

(16) Người gọi điện vẫn là người đàn ông đó.

      ·         Vẫn có thể được sử dụng cho một hoạt động hay trạng thái diễn ra và kéo dài ở quá khứ, nhưng đã chấm dứt ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên cách dùng này đòi hỏi khung thời gian phải được hiển ngôn.

(17) Trước khi lấy vợ, tôi vẫn tự nấu ăn đó chứ!
(18) Mấy năm trong quân ngũ, anh vẫn dành thời gian để học.



CÒN

Còn có nghĩa là ở trạng thái chưa hết nhưng sẽ hết, ở trạng thái chưa ngừng, chưa thôi nhưng sẽ ngừng, sẽ thôi.

      1.      Còn là vị từ, đi trước một danh ngữ:

(19) Anh còn tiền không? – Còn. Tôi còn vài chục ngàn đồng.
(20) Trong thư viện chỉ còn vài người.
(21) Còn ba ngày nữa là hết hạn.
(22) Trong phòng thi còn một mình nó.

     2.      Còn là vị từ tình thái, đi trước một vị từ khác:

(23) Thằng Tèo còn ăn. Chắc mười phút nữa mới xong.
(24) Hắn không còn uống rượu như trước nữa.
(25) Bố còn ngủ. Đừng làm ồn!
(26) Gần 50 rồi mà bà ấy còn đẹp quá!
(27) Chị không còn buồn nữa.

Chú ý: 

      A.    Vẫn có thể kết hợp với còn để có vẫn còn; khi đó nghĩa của của mỗi thành tố vẫn được bảo toàn. Có thể diễn giải một cách đơn giản như sau:

o   còn tiền” nghĩa là chưa hết tiền; “vẫn còn tiền” nghĩa là trạng thái “còn tiền” tiếp diễn, chưa/không thay đổi;
o   còn nhớ” nghĩa là chưa quên; “vẫn còn nhớ” nghĩa là trạng thái “còn nhớ” tiếp diễn, chưa/không thay đổi;
o   còn làm” nghĩa là chưa nghỉ; “vẫn còn làm” nghĩa là trạng thái “còn làm” tiếp diễn, chưa/không  thay đổi.
     Như vậy, vẫn còn rất gần với vẫn và với còn; nhưng nếu xét đầy đủ ngữ nghĩa và ngữ pháp thì không thể xem ba yếu tố này là đồng nhất.

      B.     Khi giải thích còn như trên, có thể đơn giản hóa [còn chưa hết]. Đây là một cách diễn giải có thể giúp phân biệt dễ dàng còn với vẫn. Tuy nhiên, cần nhớ rằng cònchưa hết không đồng nghĩa với nhau.
Xét hai câu sau đây:
(28) Trên bàn còn sách.
(29) Trên bàn còn quyển từ điển / ba quyển sách.

     Ở câu (28), sau còn là một danh từ khối (về mặt ngữ pháp có thể nói chính xác hơn: sau còn là một danh ngữ trong đó trung tâm (head) là một danh từ khối), cho biết chủng loại: “sách” có thể là một quyển, có thể là mười quyển.
     Ở câu (29) thì khác. Sau còn là một danh ngữ, trung tâm là một danh từ đơn vị (loại từ).
     Như vậy, trên hình thức chúng ta có hai cách nói:
(i)                 còn X (như vd (28));  
(ii)               còn x / còn x và y (như vd (29)), trong đó X = {x, y, z,...}.
     Nhưng khi diễn giải ở dạng đối ứng thì chúng ta chỉ có thể nói “chưa hết X” cho cả (i) và (ii). Nghĩa là câu (29) chúng ta nói “chưa hết sách” chứ không thể nói “chưa hết quyển từ điển”, “chưa hết ba quyển sách”.
     Ngược lại, “chưa hết X” nghĩa là “còn X”. Nhưng “chưa hết x” thì không phải là “còn x” mà là “còn X”.
     “Nó xài chưa hết tiền” nghĩa là “Nó còn tiền”. Nhưng “Nó xài chưa hết 100 ngàn” cũng phải hiểu là “Nó còn tiền”, dù còn bao nhiêu thì không biết.

Nhân đây cũng nói thêm: “Nó xài chưa hết 100 ngàn” có hai cách hiểu:
a)      Nó có tất cả 100 ngàn và sau khi xài nó còn trong túi vài chục ngàn;
b)      Nó có bao nhiêu trong túi trước khi đi mua sắm thì không biết. Chỉ biết rằng nó đã trả dưới 100 ngàn đồng.
Quả thật, “Nó xài chưa hết 100 ngàn” là một cách diễn đạt mơ hồ. Để hiểu cách (b), có lẽ nói “Nó xài chưa đến 100 ngàn” thì ổn hơn.

     C.     Xét trên trục thời gian, nghĩa của còn khi đi trước một vị từ có hai trường hợp:

(i)                 [còn + V] nghĩa là hành động / tính chất / trạng thái V chưa kết thúc nhưng sẽ kết thúc trong một quãng thời gian hữu hạn, và thường là trong một “đơn vị” thời gian tự nhiên: thời gian đủ cho một bữa cơm, một bữa cà phê, một điếu thuốc, một bài tập, v.v.;

(30) còn uống cà phê (chờ nó thêm một chút nữa đi).
(31) còn hút thuốc (khi nào xong nó sẽ vào).
(32) còn làm (khoảng 15 phút nữa mới xong).

(ii)               [còn + V] nghĩa là trạng thái V chưa kết thúc, nó sẽ kết thúc sau một quãng thời gian dài, có khi suốt cả thời gian tồn tại của đối tượng đang nói đến.

(33) còn uống cà phê đen không đường không?
(34) còn hút thuốc thì làm sao khỏi bệnh được!
(35) Ông ấy đã già rồi nhưng còn đi học.

  • Đối với trường hợp (i), có thể kiểm định bằng cách thêm ĐANG vào sau còn. Hay nói cách khác, nếu có thể thêm ĐANG vào sau còn thì [còn + V] được hiểu theo cách (i).
  • Trường hợp (ii) thì phức tạp hơn.

-          câu hỏi, [còn + V] sẽ hiểu theo cách (ii) nếu bổ ngữ của V là một danh ngữ chỉ định (một danh ngữ có định ngữ chỉ loại chứ không phải là một danh ngữ biểu thị tổng loại, và cũng không phải là một danh ngữ biểu thị một thực thể phân lập có sở chỉ xác định)

(36) a. Nó còn uống cà phê đen không đường không?
        ss:        b. Nó còn uống cà phê không? (2 cách hiểu)
                    c. ?Nó còn uống tách cà phê đó không?
(37) a. Nó còn hút thuốc lào à?
        ss:        b. Nó còn hút thuốc à? (2 cách hiểu)
                    c. ?Nó còn hút điếu thuốc đó à?

-          câu trần thuật, [còn + V] có thể hiểu theo cách (ii) nếu tình huống hoặc ngữ cảnh cho phép. Chẳng hạn:

(38) a. Nó còn hút thuốc thì làm sao khỏi bệnh được!
        ss:        b. Nó còn hút thuốc. (2 cách hiểu)
(39) a. Ông ấy đã già rồi nhưng còn đi học.
        ss:        b. Ông ấy còn đi học. (2 cách hiểu)

     Có điều cần chú ý rằng, câu (38b) và (39b) có 2 cách hiểu, nhưng cách hiểu (ii) chỉ có thể có khi nó là lời đáp cho một câu hỏi hay là lời thừa tiếp cho một nhận định nào đó; hơn nữa, thường có vẫn xuất hiện trước còn và thường có trạng ngữ hay khung đề “Bây giờ” ở đầu câu. Nếu không có những ràng buộc này chúng ta sẽ có những phát ngôn thiếu tự nhiên.

(40)        – Nó còn nghiện thuốc lá không? / Nó vẫn nghiện thuốc lá à?
        – (Bây giờ) nó vẫn còn nghiện.
(41)        – Tôi nhớ, trước đây nó hút thuốc như tàu nhả khói.
        – (Bây giờ) nó vẫn còn hút.

No comments:

Post a Comment