Tuesday 19 March 2013

ĐỔI – THAY – THẾ



ĐỔI
     Đổi là vị từ biểu hiện hành động hoặc quá trình bỏ cái này để lấy cái khác hoặc chuyển từ cái này sang cái khác (đó là những thực thể có thể tri giác được: vật, người, thiết chế, sản phẩm của quá trình tinh thần, tình cảm).

A.  Trong câu hành động, đổi có tác thể (người thực hiện hành động) làm đề/chủ ngữ, và có một hoặc hai đối thể (đối tượng bị tác động) làm bổ ngữ.
     Khi hai bổ ngữ cùng có mặt, có thể dễ dàng xác định đó là đối thể 1 (tạm gọi là “bị chuyển thể” – cái mà tác thể từ bỏ) hoặc đối thể 2 (tạm gọi là “chuyển thể” – cái mà tác thể nhận lấy) căn cứ vào các chỉ tố dẫn nhập như ra, thành, lấy, qua, sang.
     Ví dụ:
(1) đổi tờ 200 ngàn ra tiền lẻ.
(2) Học sinh phải đổi cấu trúc chủ động thành/qua/sang cấu trúc bị động.
(3) Người trúng giải không được đổi tặng phẩm lấy tiền.
(4) Ở nhiều nước, sau khi lấy chồng, phụ nữ phải đổi họ bố qua/sang họ chồng.
(5) Hắn gạ đổi tình lấy tiền.
(6) Các nhà tâm lý khuyên nên đổi tình yêu ra tình bạn.
  
   Khi chỉ có một bổ ngữ hiện diện, việc xác định nghĩa cho bổ ngữ này phức tạp hơn, nếu không có mặt các chỉ tố dẫn nhập hoặc nếu tình huống, ngữ cảnh không đủ rõ.
(7) Em chạy ra cửa hàng đổi cái áo này đi. Nó chật quá!
(8) Em mới đổi cái áo này. Chị thấy được không?
(9) đổi ra tiền lẻ.
(10) đổi tiền lẻ.
     Nhờ ngữ cảnh, “cái áo” ở câu (7) là bị chuyển thể, ở câu (8) là chuyển thể. Nhờ yếu tố ra, “tiền lẻ” ở câu (9) là chuyển thể. Riêng câu (10) thì khác, thường khi đổi tiền, người ta muốn nhận tiền lẻ. Do vậy ở câu này, “tiền lẻ” được xác định là chuyển thể là dựa vào kinh nghiệm hay kiến thức nền chứ không dựa vào dấu hiệu ngôn ngữ học.
     Trong khi đó, có những câu chỉn chu về mặt ngữ pháp và cả ngữ nghĩa – nghĩa là không thể nói đó là những câu mơ hồ – nhưng không thể khẳng định nó là chuyển thể hay bị chuyển thể.
Xét các câu sau:
(11) Xách cái giỏ một lát, thấy mỏi, nó đổi tay.
(12) Tôi nghĩ là anh ấy đã đổi chỗ làm.
(13) Cô ấy muốn đổi kiểu tóc.
     Ở những câu này, sự tình được đề cập là hành động “đổi”, và dĩ nhiên khi đổi thì bao giờ cũng bỏ cái này (cũ) lấy cái kia (mới). Tuy nhiên, không có cơ sở nào để xác định rằng “tay”, “chỗ làm”, “kiểu tóc” trong câu là bị chuyển thể hay chuyển thể.
     Điều vừa nói thể hiện rõ trong hàng loạt trường hợp, chẳng hạn: đổi người, đổi giám đốc, đổi thầy, đổi phòng, đổi lớp, đổi chân, đổi ca, v.v..
     Từ những phân tích trên, chúng tôi cho rằng có lẽ nên xử lý bổ ngữ duy nhất (thường là danh ngữ tổng loại, generic) sau đổi là diễn tố phạm vi, khác với đối thể ở các câu trên. Theo đó, phạm vi thể là một danh ngữ biểu thị cái phạm vi vật chất mà ở đó sự tình diễn ra.
     Việc xác định phạm vi thể càng thuyết phục hơn khi nó được “thuyết minh” bằng sự cùng có mặt của hai đối thể (bị chuyển thể – đánh dấu bằng từ, và chuyển thể – đánh dấu bằng sang, qua, ra). Khi đó, nó rõ ràng là cái “phạm vi” đóng khung hai đối thể kia. Ví dụ: 
(14) Cô ấy đã đổi màu tóc từ đen sang nâu.
(15) Cô ta bắt đầu đổi thái độ, từ hiền lành, mềm mỏng sang chanh chua, nanh nọc.
     Và như vậy, có thể xem là câu đã tỉnh lược vai phạm vi thể nếu chỉ có mặt hai bổ ngữ với cặp giới từ tương ứng từ... qua/sang/ra.... Ví dụ:
(16) Cô ấy đã đổi Ø từ màu tóc đen sang màu tóc nâu.
(17) Cô ta bắt đầu đổi Ø từ thái độ hiền lành, mềm mỏng sang thái độ chanh chua, nanh nọc.
     Trong cấu trúc nghĩa của đổi cũng có thể có liên đới thể (người có liên quan đến hành động đổi, nhưng không phải là tác thể):
(18) đổi sách với bạn nó.
(19) Chúng tôi đổi chỗ với nhau.
(20) Tôi sẽ đổi ca với anh Nam để được nghỉ ngày thứ bảy.
Hoặc lợi thể (người hưởng lợi từ hành động đổi):
(21) đổi sách cho bạn nó.
(22) Chúng tôi đổi chỗ cho nhau.
(23) Chị đổi cho tôi 200 ngàn tiền lẻ nhé!
(Chú ý: Nếu mua một cái áo không vừa ý, chúng ta phải đi đổi thì cửa hàng hay người bán không được xử lý như liên đới thể, càng không thể là lợi thể. Nếu có mặt trong câu, nó sẽ là vai vị trí: “Tôi đổi áo ở tiệm Sifa/ở chỗ bà Ba Thu”).

B.  Trong câu quá trình, giống câu hành động, đổi cũng có một/hai bổ ngữ là đối thể hoặc một bổ ngữ là phạm vi thể. Nhưng khác với câu hành động, đổi không có tác thể làm đề/chủ ngữ; mà chỉ có đương thể (thực thể trải qua quá trình).
Ví dụ:
(24) Chính sách năng lượng của Kremlin đã đổi hướng sang châu Á.
(25) Cơn bão số 9 có dấu hiệu đổi hướng về phía Đông Bắc.
(26) Ba hồ nằm sát nhau trên đỉnh một ngọn núi lửa nổi tiếng của Indonesia cùng có khả năng đổi màu độc đáo và được gắn với những truyền thuyết ma quái.
(27) Sông Vu Gia đổi dòng, đe dọa trực tiếp di sản Hội An.
(28) Trái đất nóng lên làm đổi dòng chảy các đại dương.
     Có một điều thú vị là, trong câu quá trình, giữa đương thể và phạm vi thể có mối quan hệ toàn thể-bộ phận khá rõ.
(29) Giấy đã đổi màu.                → Màu (của) giấy đã đổi.
(30) Gió sắp đổi hướng/chiều.   → Hướng/Chiều (của) gió sắp đổi.
(31) Anh ta đã đổi tính.             → Tính (của) anh ta đã đổi.
(Có lẽ nên xem đổi tính là một quá trình hơn là một hành động. Vì con người khó có thể quyết định tính cách của mình)


THAY
     Thay là vị từ hành động hay quá trình đặt để một vật/người mới vào vị trí của một vật/người không còn thích hợp.
     Đối tượng của hành động thay bao giờ cũng là một vật hay một người chứ không thể là một thuộc tính, trạng thái. Kết quả của hành động thay sẽ là một vật/người mới ở vào vị trí hay cương vị của một vật/người cũ nhằm thỏa mãn một mục đích nào đó.
     Tương tự như đổi, thay có hai cách dùng: có tác thể (câu hành động) và không có tác thể (câu quá trình).
(32) Cô ấy đang thay áo/đồ.
(33) Họ đã thay vỏ xe/trà/nước/khóa/khăn rồi.
(34) Vỏ bánh trước thay rồi, vỏ bánh sau chưa thay.
(35) Nước hồ mới thay nên sạch lắm!

A.    Trong khung ngữ nghĩa của hành động thay, ngoài tác thể làm đề/chủ ngữ, có thể có hai bổ ngữ: bị chuyển thể và chuyển thể.

(36) Ông giám đốc đã quyết định thay anh chàng trợ lý cũ bằng một cô sinh viên mới tốt nghiệp.
(37) Chị quyết định thay đồ gỗ bằng đồ mây.
(38) Ông giám đốc quyết định thay cô Lan vào chỗ anh Kim.
(39) Chị quyết định thay đồ mây vào chỗ bàn ghế gỗ đã có.
(40) Chị quyết định mua đồ mây thay cho mấy bộ bàn ghế gỗ cũ kỹ.
     Trong những câu trên, một trong hai bổ ngữ được đánh dấu bằng các chỉ tố dẫn nhập: bằng, vào, cho.
     Khi chỉ có một bổ ngữ hiện diện, giống như trường hợp của đổi, rất khó xác định ngữ nghĩa của nó.
     Thông thường, vật/người thay vào là vật/người mới, vật/người được thay ra là vật/người cũ, không còn giá trị sử dụng. Tuy nhiên, nếu không có ngữ cảnh, tình huống hoặc chỉ tố đánh dấu thì sẽ khó xác định đó là mới (chuyển thể) hay cũ (bị chuyển thể). Chẳng hạn:
(41) Anh đã thay vỏ xe.
(42) Anh thay vỏ xe Hóc Môn đi!
(43) Anh thay cái vỏ Hóc Môn vào đi!
(44) Anh thay vỏ bánh trước đi!
     Ở câu (41), “vỏ xe” không thể xác định là bị chuyển thể hay chuyển thể. Ở câu (42), “vỏ xe Hóc Môn” có thể hiểu là chuyển thể; nếu có mặt vào thì khả năng này là chắc chắn. Ở câu (44), “vỏ bánh trước” có thể là bị chuyển thể.
     Tương tự như ở đổi, nếu không có dấu hiệu hiển ngôn, chúng tôi cho rằng có lẽ nên xử lý vai nghĩa này là phạm vi thể – có thể là thực thể, có thể là vị trí mà ở đó diễn ra hành động thay.
     Nếu trước và sau thay là hai danh ngữ biểu thị người thì ta có một cấu trúc khác hẳn về hình thức: lúc này, tác thể thực hiện cái hành động tự đặt mình (chuyển thể) vào vị trí của một đối tượng khác (bị chuyển thể), nhưng danh ngữ chuyển thể không có mặt trong phát ngôn. Và sau thay thường xuất hiện một bổ ngữ biểu thị mục đích của hành động thay. Cấu trúc này có dạng chung là [(ai) thay (ai) (làm gì)].
(45) Nghe nói, năm sau ông Quân sẽ thay ông Vũ làm trưởng phòng tài vụ.
(46) Tôi sẽ thay anh chăm sóc hai bác. Anh đừng lo!

     Chú ý:
     Ngữ vị từ thay mặt là một biểu hiện đặc biệt của thay ở trường hợp vừa nói. Tuy nhiên, có sự khác biệt về nghĩa: “A thay mặt B” tức là “A thay B”, nhưng chỉ thay trong một công việc cụ thể nào đó. Công việc đó kết thúc thì đồng thời hành động thay cũng chấm dứt, B trở lại cương vị cũ của mình.
     Như vậy, nếu bổ ngữ thứ hai không phải là một công việc cụ thể mà là một cương vị thì không thể dùng thay mặt.
     Ví dụ:
(47)      a. *Ông Quân sẽ thay mặt ông Vũ làm trưởng phòng tài vụ.
       b. Ông Quân sẽ thay mặt ông Vũ xin lỗi khách hàng.
(48)      a. *Anh Hà thay mặt ông Kính làm nhân viên bảo vệ của công ty.
       b. Anh Hà thay mặt ông Kính tham dự cuộc họp trên tổng công ty.

     Cách phân tích trên cho phép giải thích trường hợp thay xuất hiện cùng với một vị từ khác với tư cách là một đồng vị ngữ.
     So sánh các câu sau:
(49)        a. Phó giám đốc có thể thay giám đốc.
          b. Phó giám đốc có thể thay giám đốc văn bản này.
(50)        a. Phó giám đốc có thể văn bản này thay giám đốc.
          b. Phó giám đốc có thể thay giám đốc văn bản này.
     Từ các câu (45-46) có thể nói thay là hai vị từ độc lập tương đối về mặt ngữ pháp (mỗi vị từ có một bổ ngữ riêng, và có khả năng chuyển vị khá tự do). Tuy nhiên, về ngữ nghĩa, giữa hai vị từ này có một mối quan hệ đồng hiện khá đặc biệt: khi tên vào văn bản phó giám đốc đã làm cái việc là thay giám đốc, và phó giám đốc thay giám đốc ở cái việc là tên vào văn bản.
     Nghĩa là không có quan hệ trật tự trước sau, không có quan hệ nhân quả, và cũng không có quan hệ mục đích (đánh dấu bằng để) giữa hai vị từ này. (Chỉ riêng câu (46b) mới có thể có quan hệ mục đích, tức là có để: “Phó GĐ thay GĐ (để) làm gì?” – “Phó GĐ thayđể ký văn bản này”. Tuy nhiên, e rằng đây không phải là cách diễn đạt tự nhiên).
Ký thay rất khác với những chuỗi vị từ kiểu như mua ăn, mua về ăn, bẻ gãy, gật đầu chào, v.v.. Có vẻ giống với dạy học, nhưng dạy học có thể là hai hoạt động tách rời nhau (Tôi dạy nó mà nó không học) và không thể thay đổi trật tự.
Hiện tượng đồng hiện này có lẽ cần được nghiên cứu thêm.

B.     Thay cũng có khi xuất hiện trong câu biểu hiện quá trình. Khi đó, tác thể không có mặt ở vị trí đề/chủ ngữ của câu mà một diễn tố khác được đề bạt vào vị trí này. Tuy nhiên, các vai nghĩa trong câu rất phức tạp, chỉ có thể dựa vào ngữ cảnh để xác định. (Có lẽ hành chức như một vị từ quá trình không phải là đặc trưng quan trọng của thay?)
     Thử xét các câu sau:  
(51)        a. Cái bàn này chưa thay khăn.
          b. Cái khăn bàn này chưa thay.
          c. Cái khăn bàn này thay rồi.
(52)        a. Cái đồng hồ này phải thay dây.
          b. Sợi dây đồng hồ này phải thay.
          c. Sợi dây đồng hồ này mới thay.
     Ở các câu (a), đề/chủ ngữ có thể xem là đương thể, bổ ngữ là chuyển thể (vì danh ngữ này có thể chỉ định “khăn mới”, “dây mới” chứ không thể “khăn cũ”, “dây cũ”), vì có dấu hiệu “chưa”.
     Ở các câu (b), đề/chủ ngữ có thể xem là bị chuyển thể (vì danh ngữ này biểu thị vật cũ, dấu hiệu: “chưa”, “phải”).
     Ở các câu (c), đề/chủ ngữ lại là chuyển thể (vật mới, dấu hiệu: “rồi”, “mới”). 
     Nếu liên quan đến người thì tình hình còn phức tạp hơn.
     Thử xét các câu sau:
(53) (– Ông giám đốc thay hết các trưởng phòng rồi à?)
a.       – Không, trưởng phòng tiếp thị chưa thay.
b.      – ??Không, bà trưởng phòng tiếp thị chưa thay.
c.       – ??Không, bà Lan chưa thay. (“bà Lan” là trưởng phòng tiếp thị cũ)
(54) (– Ông giám đốc mới đã thay trưởng phòng nào?)
a.       – Trưởng phòng tiếp thị thay rồi.
b.      – ??Bà trưởng phòng tiếp thị thay rồi.
c.       – ??Bà Lan thay rồi.
     Các câu (a) chuẩn tắc, nhưng danh ngữ làm đề/chủ ngữ (“trưởng phòng tiếp thị”) không rõ nên hiểu là một thực thể người hay là một cương vị. Trong khi đó, các câu (b) và (c) có danh ngữ làm đề/chủ ngữ có sở chỉ hẳn hoi nhưng không được xem là chuẩn tắc.
     Do vậy, chúng tôi cho rằng ở các câu (a), danh ngữ làm đề/chủ ngữ nên được xem là cương vị chứ không phải thực thể người – theo phân tích ở phần trên, có thể gọi nó là phạm vi thể.
     Bây giờ, nếu ở các ví dụ trên, đặt vị từ tình thái “ý nghĩa bị động” (được, bị) vào trước thay thì câu hoàn toàn tự nhiên:
(55)        a. – Không, trưởng phòng tiếp thị chưa bị thay.
          b. – Không, bà trưởng phòng tiếp thị chưa bị thay.
          c. – Không, bà Lan chưa bị thay.
(56)        a. – Trưởng phòng tiếp thị bị thay rồi.
          b. – Bà trưởng phòng tiếp thị bị thay rồi.
          c. – Bà Lan bị thay rồi.
     Trong khi đó, hai vị từ được, bị nếu đặt vào những câu (51-52) nói về vật thì tình hình không có gì khác (với khi không có được, bị).
     Như vậy, có thể cho rằng, khi nói về người, danh ngữ làm đề/chủ ngữ trong những câu có được, bị là bị chuyển thể (“vật cũ”).

Nói thêm về sự phân biệt thayđổi.
            Có thể hình dung một cách đơn giản: Đổithay đều liên quan đến hai vật/người; thay là bỏ vật/người cũ, lấy vật/người mới; có một hàm ý: đặt để vật/người mới vào vị trí/cương vị của vật/người cũ là điều cần thiết vì vật/người cũ không còn hay không có khả năng ở vị trí/cương vị của nó. Như vậy, về cơ bản, thay có liên quan chủ yếu đến vị trí/cương vị và sự loại trừ.
            Trong khi đó, đổi là chuyển qua một cái gì đó khác. Trong cuộc sống, khi đổi thường người ta mong muốn nhận một cái gì đó mới hơn, tốt hơn hoặc đáng hài lòng hơn. Tuy nhiên, đây không phải là ngữ nghĩa của vị từ đổi. Khi thay áo, người ta mặc áo sạch, bỏ áo dơ; còn khi đổi áo, người ta mặc/lấy một cái áo khác vì rất nhiều lý do khác nhau, và không chắc là “cái áo khác” này đã đẹp hơn, sạch hơn cái áo trước đó. Tương tự, đổi tên, đổi xe, đổi địa chỉ, đổi số điện thoại, đổi phòng, đổi chủ, v.v., cũng vậy.


THẾ
     Thế là vị từ hành động với ý nghĩa đặt để một vật/người mới vào vị trí của một vật/người nào đó. Đối tượng của hành động thế là một vật hay một người chứ không thể là một thuộc tính, trạng thái.
     Như vậy, về cơ bản, nghĩa của thế có vẻ không khác nghĩa của thay. (“Từ điển tiếng Việt” của Hoàng Phê định nghĩa thay bằng thếthế bằng thay). Nhưng hai từ này không phải là một.
     Nếu thay là hành động đặt để một vật/người mới vào vị trí của một vật/người không còn thích hợp (vật/người mới thích hợp hơn, vì một lý do nào đó) thì thế là hành động đặt để một vật/người không được xem là thích hợp lắm (thấp hơn trên thang giá trị đang đề cập) vào vị trí của một vật/người khác vì lý do nào đó.  
     Có thể diễn giải đơn giản như sau:
     Thông thường, một vật A (một bộ phận, linh kiện, chi tiết) bị hỏng cần được thay bằng một vật khác (một bộ phận, linh kiện, chi tiết khác) có giá trị tương ứng (ở trạng thái hoàn chỉnh nhất của vật A). Nhưng nếu cái vật khác đó không có thì người ta sẽ thế bằng một vật B vốn không có tính năng đáng mong muốn. (Tất nhiên, trong trường hợp không quan tâm đến giá trị của vật thì vẫn có thể dùng thay).
     Một người đang đi đường, xe bị hỏng, phải ghé vào tiệm để sửa. Nếu anh ta quên mang theo tiền thì có lẽ anh ta phải xin thế một thứ giấy tờ tùy thân nào đó.
     Có một số kết hợp tương đối chặt: thế chỗ, thế thân, thế mạng, thế chân, thế chấp (thực chất ở trường hợp hỏng xe vừa nói là một kiểu thế chấp), v.v..
     Hầu hết các ví dụ trên đây trong phần nói về thay không thể hoặc rất khó đổi thành thế.

     Thêm một số ví dụ:
(57) Cái chốt đồng hồ bị gãy, không tìm được cái chốt mới để thay nên anh thế bằng một đoạn dây thép nhỏ.
(58) Cậu ngồi thế chỗ tớ đi, không ai biết đâu. Tớ chạy ra ngoài một tí.
(59) Sau khi có danh sách duyệt, nhân viên làm hồ sơ tìm cách thế tên của một số đối tượng không đủ tiêu chuẩn vào. Dĩ nhiên, người trúng tuyển thật sự sẽ mất cơ hội.
(60) Nếu anh trốn đi thì con anh sẽ thế mạng đấy!
(61) Ông ta chỉ xem anh như hình nhân thế mạng thôi.

    
THAY ĐỔI
     Thay đổi là một ngữ vị từ biểu thị hành động (làm cho khác với trước), hay quá trình (trở nên khác với trước), hay trạng thái (khác với trước).
(62) Anh đã quyết định. Anh sẽ  thay đổi mình/lối sống/con người mình/diện mạo vùng đất này/cách quản lý.
(63) Anh nghĩ anh có thể thay đổi được tình hình à?
(64) Anh mang theo vài bộ quần áo để thay đổi.
(65) Thị trường đang thay đổi theo hướng có lợi cho ta.
(66) Không khí cuộc họp thay đổi hẳn khi ông ta vừa dứt lời.
(67) Thành phố này thay đổi nhanh quá!
(68) Em không giống như em ngày trước nữa. Em đã thay đổi rồi!

     Về ngữ pháp và ngữ nghĩa, thay đổi khác với thayđổi, dù có chia sẻ nghĩa từ vựng với hai từ này.
     Sau thay đổi là tham tố phạm vi thể chứ không phải là chuyển thể hay bị chuyển thể. Lý do là không thể thay danh ngữ biểu thị cái mới hay danh ngữ biểu thị cái cũ vào vị trí này.
     So sánh các câu sau:
(69) Thành phố này nên thay đổi chính sách đầu tư. (Chúng ta nên chuyển chính sách đầu tư từ ưu tiên công nghiệp sang ưu tiên các lĩnh vực dịch vụ và khoa học kỹ thuật).
(70) Thành phố này nên thay đổi chính sách ưu tiên công nghiệp.
(71) Thành phố này nên thay đổi chính sách ưu tiên các lĩnh vực dịch vụ và khoa học kỹ thuật.
     Ở ba câu trên, “chính sách ưu tiên công nghiệp” là cái cũ, “chính sách ưu tiên các lĩnh vực dịch vụ và khoa học kỹ thuật” là cái mới. Hai câu sau (70-71) vẫn có thể xem là chỉn chu, nhưng nó không biểu hiện được cái nội dung của câu (69). Hay đúng hơn, hai danh ngữ này, đến lượt nó, lại trở thành phạm vi thể.
     Khác với thayđổi, tham tố sau thay đổi có thể được dẫn nhập bằng giới từ về.
(72) Đời xe này chỉ thay đổi về mẫu mã chứ động cơ chẳng có gì khác trước.
(73) Trận này, Barca sẽ thay đổi về chiến thuật.
     Nghĩa của thay đổi là “khác với trước” như đã nói trên nên, khi diễn đạt quá trình hay trạng thái, thay đổi có thể không cần sự có mặt của bổ ngữ. Cái trải qua sự thay đổi hay kết quả của sự thay đổi chính là đương thể (yếu tố giữ vai trò đề/chủ ngữ trong câu).
     So sánh:
(74)        a. Cô ấy đã thay đổi tính cách.
          b. Cô ấy thay đổi nhiều quá!
(75)        a. Thành phố này đã thay đổi về kinh tế, xã hội và văn hóa.
          b. Thành phố này đã thay đổi hoàn toàn.
     Sau thay đổi thường phải là một ngữ đoạn hai hoặc hơn hai âm tiết, bất kể là đẳng kết hay phụ kết.
(76) Con người không dễ thay đổi tính cách/bản tính.
(77) Chị phải thay đổi mối quan hệ này. Nó đã làm chị quá mệt mỏi.
(78) Anh tìm cách thay đổi kiểu áo dài. Nếu không, nó sẽ trở nên nhàm chán.
(79) ??Chị không muốn thay đổi áo/váy/ví/phòng/bút/ý/tính.
     Trong thực tế, có nhiều trường hợp có thể sử dụng đổi hay thay đổi mà không có sự khác biệt nào về nội dung biểu hiện. Chẳng hạn:
(80) Để bảo đảm kết quả thi cuối năm, chúng ta cần đổi/thay đổi phương pháp học tập.
(81) Trong 45 phút đầu, các cầu thủ đã đổi/thay đổi vị trí cho nhau rất linh hoạt.
(82) Chúng tôi quyết định đổi/thay đổi mẫu mã để tăng sức cạnh tranh.
(83) Mười năm rồi chị ấy vẫn không đổi/thay đổi kiểu tóc.
     Tuy nhiên, trong chiều sâu ngữ nghĩa, vẫn có sự phân biệt. Nói chung, “đổi X” tiền giả định có hai thực thể: bỏ X này để lấy X khác, dù trên bề mặt chỉ có X – cái phạm vi mà hai thực thể đó thuộc vào (ví dụ “Cô ấy đổi kiểu tóc”, tức là bỏ “kiểu tóc thẳng” lấy “kiểu tóc xoăn”).
     Trong khi đó, “thay đổi X” tiền giả định chỉ có một thực thể X, cái thực thể này chuyển khác đi theo thời gian, không gian (ví dụ như “Cô ấy đã thay đổi”, “Thời tiết sắp thay đổi”); hoặc một phạm vi X, trong đó diễn ra sự chuyển biến (cũng theo thời gian, không gian) mà không cần quan tâm đến những gì thuộc về nó (ví dụ “Cô ấy thay đổi chỗ ở”: có sự di chuyển từ nơi này đến nơi khác, và có thể là rất nhiều nơi, nhưng thông báo muốn truyền đạt là  “cô ấy thực hiện hành động gì đó liên quan đến chỗ ở”).




THAY THẾ
     Thay thế là ngữ vị từ biểu thị hành động hay quá trình đặt để một vật/người vào vị trí/cương vị của một vật/người khác.
     Về cả ngữ nghĩa và ngữ pháp, thay thế rất gần với thay.
     Hầu như thay thế không có yêu cầu ngữ pháp gì khác với thay, trừ khả năng làm đồng vị ngữ với một vị từ khác.
     Nói chung thay thế không thể đứng ngay sau một vị từ khác như thay. Ví dụ:
(84) Ai sẽ ký thay/??thay thế giám đốc?
(85) Tôi sẽ làm thay/??thay thế anh việc này.
     Nếu đứng sau gián cách hoặc đứng trước vị từ thì khả năng của thay thế tương tự thay.
(86) Ai sẽ ký văn bản này thay/thay thế giám đốc?
(87) Tôi sẽ làm việc này thay/thay thế anh.
(88) Ai sẽ thay/thay thế giám đốc ký văn bản này?
(89) Tôi sẽ thay/thay thế anh làm việc này.


No comments:

Post a Comment