Wednesday 3 April 2013

CHÚ Ý – ĐỂ Ý – LƯU Ý – COI CHỪNG



CHÚ Ý
     Chú ý là một vị từ tri giác, với nghĩa là đặt hay hướng tâm trí vào một thực thể/hoạt động nào đó nhằm một mục đích hoặc vì một lý do nhất định.

(1) chú ý môn toán nhiều hơn các môn khác.
(2) Ở đó có nhiều người nhưng hắn chỉ chú ý cô gái áo vàng.
(3) Cô ấy chú ý mấy cái áo thêu kia hơn.
(4) Sự nhiệt tình của nó làm mọi người chú ý (đến nó).
(5) Báo cáo đó được chú ý nhất trong hội thảo.

     Chú ý là vị từ biểu hiện một hoạt động tinh thần (quá trình tinh thần) nhưng nó có những đặc trưng của một vị từ hành động ([+chủ ý] [+động]) vô tác.
(6) Nó đang chú ý nghe giảng.
(7) Đừng/Nên chú ý chuyện đó!
(8) Kiểu váy này đang được chú ý.
(9) Hắn bắt đầu chú ý đến gia đình chứ không còn cặp bè cặp bạn như trước nữa.


     Về mặt ngữ pháp, cần quan tâm mấy điều sau đây.
    1.      Đối tượng của chú ý là một thực thể (vật/người), đôi khi là một hành động (act) chứ không thể là một sự tình (event).
(10) Thầy giáo có vẻ không chú ý những học sinh kém.
(11) Nó đang chú ý những gì thầy giáo nói.
(12) Nó đang chú ý nghe thầy giáo nói.
(13) ??Nó đang chú ý thầy giáo nói.

     2.      Chú ý có thể đi với giới từ đến hay vào, nếu sau nó là một danh ngữ. Sự có mặt của giới từ giúp đánh dấu danh ngữ làm bổ ngữ: danh ngữ này trở thành đích chứ không còn là đối thể nữa (tương tự như trường hợp vị từ hành động “đấm ngực” và “đấm vào ngực”). Tuy nhiên, trong thực tế sử dụng, rất khó phân biệt sự khác biệt về nghĩa giữa hai trường hợp có và không có giới từ. Ví dụ:
(14) Thằng bé chú ý món đồ chơi nằm trên bàn.
(15) Thằng bé chú ý đến/vào món đồ chơi nằm trên bàn.

     3.      Chú ý là một vị từ tri giác, nhưng có lẽ vì nó không hàm chứa phương thức tri giác nên, khi cần, nó có thể kết hợp với một vị từ tri giác khác (làm bổ ngữ) để thể hiện ý nghĩa phương thức. Có điều là, trong trường hợp này, chú ý thường chỉ kết hợp được với phương thức thị giác và thính giác. Nghĩa là chú ý kết hợp với các vị từ nhìn, xem, nghe, lắng nghe, và một số vị từ gần gũi về mặt phương thức như quan sát, theo dõi, dõi (theo).
(16) Hai bức ảnh này có 7 điểm khác nhau. Anh em chú ý nhìn kỹ giùm nhé! 
(17) Ukraine: Hãy chú ý nhìn vào Trung Quốc!
(18) Quý khách hàng chú ý xem chương trình khuyến mãi vừa ra!
(19) Khi bạn biết chú ý nghe và có những biểu hiện hưởng ứng lại một cách tích cực với người khác lúc họ đang nói, đó cũng là lúc bạn đang làm cho mối quan hệ trở nên tốt đẹp hơn.
(20) Thoạt đầu, hai loại trí nhớ này hoạt động tách rời, chú ý nghe thì quên ghi và trái lại.
(21) Cha mẹ cần chú ý theo dõi khi trẻ thay răng sớm...
(22) Mời các cụ chú ý theo dõi vụ này!!
(23) Hôm 16/11, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố rằng, thế giới đang chú ý dõi theo “cuộc gặp của sự tâm đầu ý hợp” giữa Mỹ và Trung Quốc...
(24) Răng hàm mặt: Chú ý quan sát răng miệng thường xuyên.
(25) Bất cẩn, không chú ý quan sát khi đi qua đường tàu, một phụ nữ đã không may bị tàu hỏa tông chết.
     Mối quan hệ tương cận về ngữ nghĩa (và cả ngữ pháp) giữa chú ý và vị từ sau nó cho phép lược bỏ một trong hai mà ý nghĩa của câu hầu như không đổi. Tất cả các câu trong ví dụ trên đều có khả năng này.

     4.      Điều đã nói trên dẫn đến hệ luận là những vị từ thuộc các nhóm khác sẽ không hoặc rất khó kết hợp với chú ý.
(26) ??Chị đang chú ý học bài/đọc sách/viết thư cho mẹ.
(27) ??Chị ấy rất chú ý tập thể dục/nghỉ ngơi/nấu nướng/dọn dẹp nhà cửa.
(28) ??Các em hãy chú ý ăn cơm/ăn mặc/đi học bằng xe máy.
     Trong thực tế sử dụng ngôn ngữ, đặc biệt là khẩu ngữ, ở những kết hợp này (nghĩa là những kết hợp được chấp nhận) có thể xem là có hiện tượng tỉnh lược: hoặc tỉnh lược danh từ (danh từ trung tâm của bổ ngữ: việc tập thể dục, việc nghỉ ngơi, chuyện ăn mặc) hoặc tỉnh lược cả giới từ và danh từ (đến việc...).
Chẳng hạn:
(29) Gần đây chị ấy rất chú ý (đến việc) tập thể dục/giữ gìn sức khỏe/nấu nướng.
(30) Các em hãy chú ý (đến chuyện) ăn mặc hơn nữa.
     Do chú ý không biểu hiện một hoạt động cụ thể, những bổ ngữ (ngữ vị từ được danh hóa) không đủ sức khái quát sẽ rất khó đi với chú ý:
(31) Chị rất chú ý đến việc ăn uống/??ăn cơm của con.
(32) Cuộc sống càng khá giả, chị càng chú ý đến việc mua sắm/??đi chợ.
(33) Bạn bè khuyên chị chú ý (đến việc) trang điểm/làm đẹp/??mặc quần áo đẹp.

     5.      Cũng cần nói thêm, có một khác biệt về ngữ nghĩa rất rõ giữa hai trường hợp dùng chú ý:
(i)                 “Lúc đó, nó chú ý nghe giảng nên không nghe bạn gọi”: nghĩa là vào thời gian xác định, nó tập trung toàn bộ tâm trí nghe giảng, hay nghe giảng với toàn bộ tâm trí; cái hành động “chú ý nghe giảng” này diễn ra một lần, trong một thời gian xác định; 
(ii)               “Trong lớp, nó chú ý nghe giảng hơn là chú ý ghi chép”: nghĩa là nó quan tâm đến việc nghe giảng (hơn là ghi chép), cái hành động “chú ý nghe giảng” có thể không diễn ra một lần, và thời gian không xác định và không hạn định (có thể là thói quen).
     Sự phân biệt ngữ nghĩa này quan trọng ở chỗ, cách dùng như trường hợp (i) chỉ xuất hiện với những vị từ nghe, nhìn, xem... như đã nói trên; còn ở trường hợp (ii) có thể tìm thấy nhiều nhóm vị từ khác nhau. Có lẽ đây chính là lý do mà chú ý thường không kết hợp với những vị từ không thuộc nhóm nghe, nhìn, xem... mà kết hợp với danh ngữ (hoặc trực tiếp, không có giới từ, hoặc gián tiếp, có giới từ) (các ví dụ (26)-(32)).

      6.      Chú ý có thể được sử dụng trong câu mệnh lệnh. Nhưng có một điểm đặc biệt: Chú ý thường xuất hiện trong cấu trúc chiếu xạ (mapping): sau nó là một tiểu cú thuyết minh nội dung cần chú ý. Trên chữ viết, nó thường xuất hiện một mình với nội dung cảnh báo/thông báo là những văn bản ở ngay cạnh nó (bên cạnh chữ “Chú ý!” là một thông báo cần đọc) hoặc cái hiện thực ở ngay đằng sau nó (sau bảng “Chú ý!” là một công trường dang dở, một cái hố sâu...).
Chú ý thường không cần các chỉ tố cầu khiến đi kèm (hãy, đi), đặc biệt là ít khi dùng với đi).
Ví dụ:
(34) Chú ý!
(35) Chú ý! Công trường xây dựng cách (đây) 50m.
(36) Chú ý! Nguy hiểm!
(37) Các bạn chú ý: thứ ba tuần sau thi môn lịch sử! 
(38) Chú ý! Các bạn chú ý: đúng 10 giờ bắt đầu họp!


ĐỂ Ý
     Để ý cũng là một vị từ tri giác; về cơ bản, nghĩa của nó hầu như không khác với nghĩa của chú ý. Tuy nhiên, có thể phân biệt để ý với chú ý ở một số điểm sau đây:
    1.      Khác với chú ý, để ý thường được dùng trong khẩu ngữ, trong giao tiếp phi chính thức; đặc biệt, nó không xuất hiện trong các khẩu lệnh hay biển báo có tính chính thức.
(39) Cô ấy để ý cái váy vàng đó! // ss: Kiểu váy này đang được chú ý.
(40) ??Dư luận thế giới đang để ý những diễn biến ở Biển Đông.
(41) *Để ý! Nguy hiểm chết người!
(42) *Các bạn hãy để ý: ngày mai thi môn toán!

     2.      Ngoài ra, trong một số ngữ cảnh, khi cần diễn đạt ý nghĩa âm tính hay dương tính rõ rệt, để ý thường được chọn, thay vì chú ý (chú ý có vẻ trung tính hơn).
(43) Tôi nghe nói ông giám đốc đang để ý anh đấy! Phải cẩn thận!
(44) Hắn đang để ý cô hàng xóm.
(45) để ý cái xe đó lâu rồi. Đúng là “cầu được, ước thấy”!
(46) Từ sau thành công đó, anh bắt đầu được chú ý/để ý.
(47) Từ sau thất bại đó, anh bắt đầu bị để ý/?chú ý.

     3.      Để ý cũng là một vị từ hoạt động như một vị từ hành động [+chủ ý] [+động] như chú ý, nhưng nó khó kết hợp với vị từ tình thái đang, nhất là khi trong cấu trúc câu có dấu hiệu thời gian xác định/có hạn.
(48) Nó đang chú ý/?để ý những động tác của huấn luyện viên.
(49) Ông ấy đang chú ý/?để ý nghe tin tức. Đừng gọi!
(50) Lúc đó, tôi đang chú ý/?để ý nghe báo cáo nên không biết anh bỏ ra ngoài.

     4.      Để ý có thể đi với giới từ đến (giống chú ý), nhưng không đi với giới từ vào (khác chú ý).
(51) Từ sau khi thi rớt, nó bắt đầu chú ý/để ý đến việc học.
(52) Nó không chú ý/để ý đến chuyện nhỏ nhặt ấy đâu!
(53) Thằng bé chú ý/*để ý vào món đồ chơi xanh đỏ trên bàn.
(54) chú ý/*để ý vào mấy bức ảnh chụp cọp, beo thôi.

     5.      Để ý có thể xuất hiện trong một cấu trúc chiếu xạ: tiểu cú thứ nhất biểu thị một hoạt động tri giác với để ý làm trung tâm thuyết/vị ngữ, sau đó là một tiểu cú biểu hiện nội dung tri giác. Hay nói cách khác, để ý có thể có bổ ngữ là một sự tình.
(55) Hôm qua, tôi để ý ông giám đốc vừa ra ngoài thì cô thư ký cũng ra theo.
(56) Chị phải cẩn thận. Nó để ý chị làm gì, nói gì rồi mẹ nó về nó mách lại đó!

     Trong trường hợp này, để ý có thể kết hợp với vị từ thấy. Ví dụ:
(57) Tôi để ý/?chú ý thấy anh ta hay đi trễ lắm.
(58) Anh để ý/?chú ý thấy mọi người có vẻ không tự nhiên khi anh bước vào phòng.

     Trong khi đó, chú ý hầu như không kết hợp trực tiếp với một tiểu cú; ngay cả khi có thấy dẫn nhập cũng khó có thể xem là tự nhiên. Ví dụ:
(59) Tôi để ý/?chú ý thấy mùa mưa năm nay ít có sấm chớp hơn những năm trước.
(60) Ông bảo vệ để ý/?chú ý thấy người đàn ông đó giấu trong áo một cái gói nhỏ.

     6.      Chú ý bao giờ cũng đòi hỏi một đối tượng/hành động chỉ định (dù trên cấu trúc mặt có thể hiển hiện hay không), trong khi đó, với để ý đối tượng/hành động không được chỉ định rõ, kể cả khi viện đến ngữ cảnh. Có vẻ như để ý mang nghĩa tương tự (có) ý tứ hoặc quan tâm.
(61) Ở thành phố phức tạp lắm! Làm gì thì cũng phải để ý/??chú ý một chút!
(62) Ăn nói nên giữ gìn một chút. Con bé đó hay để ý lắm!
(63) (– Ngày đầu làm việc em lo quá!) – Có gì mà lo! Để ý là làm được!
(64) Mấy tháng nay, tự nhiên tiền điện tăng gần gấp đôi. Anh để ý xem!
(65) Chuyện gì đã qua thì cho qua. Để ý làm gì cho mệt!
(66) Khi đi ngang qua nhà cô ấy, anh có để ý gì không?
(67) Anh không cần xin lỗi. Nó không để ý đâu!
(68) Con ngồi đây, để ý có bà bánh mì đi ngang thì gọi mẹ.

     (Chú thích: Từ những khác biệt của để ý so với chú ý, chúng tôi cho rằng nghĩa của để ý không phải là “đặt hay hướng tâm trí vào một thực thể/hoạt động” như chú ý mà là “tiếp nhận một hiện thực vào tâm trí”).

     7.      Chú ý có thể kết hợp với danh từ sự để tạo thành danh ngữ; trong khi đó, để ý thì không.
(69) Em nên tập trung sự chú ý vào đề tài này.
(70) *Cô ta làm như vậy để gây sự để ý của mọi người.


LƯU Ý
     1.      Lưu ý là một vị từ có thể xếp vào nhóm nói năng, với ý nghĩa là hành thể (chủ thể) đưa ra một phát ngôn (có thể là chữ viết) nhằm làm cho đối thể quan tâm điều gì đó. (Ở biểu hiện này, lưu ý gần với cảnh báo; trong nhiều trường hợp có thể thay bằng từ này).
     Sau lưu ý thường có hai bổ ngữ: thứ nhất, một danh ngữ biểu thị đối thể được lưu ý; thứ hai, một danh ngữ (có giới từ về, đến dẫn nhập) biểu thị phạm vi hoặc một tiểu cú (có thể có , rằng dẫn nhập) biểu thị nội dung cần lưu ý.
     Đặc trưng ngữ pháp và ngữ nghĩa vừa nói trên, chú ýđể ý không có được.
(71) Tôi xin lưu ý quý vị về khả năng chi trả của các ngân hàng thương mại nhỏ.
(72) Về vấn đề này, chúng tôi đã lưu ý các bạn nhiều lần rồi.
(73) Tôi lưu ý anh em là đường nhiều ổ gà, trời tối, nên đi cẩn thận.
(74) Các chuyên gia lưu ý rằng sử dụng điện thoại di động ở lứa tuổi tiểu học có thể gây ra nhiều vấn đề về tâm lý.
     Lưu ý chia sẻ đặc trưng ngữ pháp và ngữ nghĩa với vị từ nói năng, do đó đôi khi đối thể được xử lý như vai tiếp ngôn thể (người nghe) của vị từ nói năng, nghĩa là có giới từ với dẫn nhập. Ví dụ:
(75) Xin lưu ý với bạn rằng, hầu hết những người bạn trong sáng chẳng bao giờ nhìn nhau trong tình trạng đó cả.
(76) Tôi lưu ý với các bạn rằng những ai bị lập biên bản thì sẽ bị đình chỉ thi.
(77) Lưu ý với bà bầu có nhóm máu hiếm...  (tiêu đề)
(78) Lưu ý với bà bầu khi bay... (tiêu đề)

      2.      Lưu ý có thể hoạt động như một vị từ tri giác; với nghĩa là đặt tâm trí vào một thực thể, hoặc sự tình nào đó.
     Tuy nhiên, lưu ý có một hàm ý: lưu ý X nghĩa là đặt tâm trí vào X, quan tâm, suy nghĩ về X để đối phó, giải quyết, nghiên cứu X.
     (Trong khi đó, chú ý X chỉ có nghĩa là hướng tâm trí đến/vào X – chủ yếu bằng phương tiện thính giác và thị giác. Do đó, hầu hết chú ý trong các ví dụ ở phần trên không thể thay bằng lưu ý).
     Sau lưu ý có thể là một danh ngữ biểu thị vật/người hay một phạm vi hiện thực (có thể đi với đến, về); có thể là một tiểu cú biểu thị nội dung quan tâm của chủ thể (có thể đi với , rằng).
(79) Anh nên lưu ý người đàn ông kia. Hắn có gì đó rất khả nghi. // ss: ??Anh bắt đầu lưu ý cô gái hàng xóm.
(80) Khi tìm nguyên nhân của căn bệnh “lạ” này, các chuyên gia không quên lưu ý thói quen ăn uống của người dân địa phương.
(81) Hệ thống quản lý là một trong những yếu tố cần lưu ý khi phân tích hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
(82) Ông ấy lưu ý đến những biểu hiện lâm sàng của bệnh.
(83) Bác sĩ Hoàng lưu ý là chế độ ăn uống có thể làm giảm tác dụng của thuốc.

     Sau lưu ý không thể có vị từ, kể cả những vị từ “đặc trưng” của chú ý:
(84) *Học sinh đang lưu ý nghe thầy giáo giảng bài.
(85) *Mọi người lưu ý nhìn nó.
(86) *Giới chuyên môn lưu ý theo dõi tình hình bán đảo Triều Tiên.

     Lưu ý cũng có thể được sử dụng trong các cấu trúc chiếu xạ, tương tự chú ý (mục 6).
(87) Lưu ý! Giảm tốc độ!
(88) Các bạn lưu ý: ngày mai là hạn chót nộp tiểu luận môn Lý luận văn học!

     Lưu ý có thể hoạt động như một danh từ mà không cần sự trợ giúp của sự, điều, chuyện, v.v.. Đây là một khả năng mạnh của lưu ý, được sử dụng rất nhiều.
(89) Công ty đã đưa ra một số lưu ý đối với những khách hàng lần đầu sử dụng dịch vụ mua bán online.
(90) Đây là những lưu ý mà tôi muốn các anh cần biết trước.
(91) Một số lưu ý với khách hàng Kinkie Shop...

     Nói thêm về giới từ với:
     Ở trường hợp lưu ý được sử dụng như một vị từ tri giác, giới từ với không dẫn nhập đối thể (người bị/được lưu ý) như trường hợp 1 ở trên mà nó xuất hiện trước những danh ngữ biểu thị thực thể hay phạm vi cần lưu ý; chẳng hạn các tiêu đề xuất hiện rất nhiều trên mạng như “lưu ý với bệnh tiểu đường”, “lưu ý với bệnh viêm họng khi trời lạnh”, “lưu ý với các sản phẩm bôi da cho bé”, “những lưu ý với phong thủy nhà tắm”, “những lưu ý với trẻ sơ sinh”, v.v..
     Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng đây là một cách dùng đặc biệt, có lẽ chỉ thích hợp với các tiêu đề thông tin báo chí hay quảng cáo, chứ không phải là một đặc trưng ngữ pháp của lưu ý.
     Lý do: khi cần biểu thị thực thể hay phạm vi của lưu ý thì người ta dùng đến, về, chứ không dùng với.
(1) Phụ huynh nên lưu ý (đến/*với) tình hình sức khỏe răng miệng của con em mình.
(2) Các bác sĩ lưu ý (đến/về/*với) bệnh tiểu đường nhiều hơn là bệnh AIDS.
     (Chúng tôi ngờ rằng đây là một kiểu rút gọn từ ngữ đoạn “ một số lưu ý đối với X” hoặc “ những điều cần lưu ý đối với X”, trong đó “đối với X” quan hệ trực tiếp với chứ không phải quan hệ với lưu ý (giống như trong “ những điều quan tâm đối với X”, thì “... đối với X” chứ không phải “quan tâm đối với X”).


COI CHỪNG
     Coi chừng thật ra là một vị từ vốn có nghĩa tương tự như “đề phòng”, tức là không liên quan gì đến chú ý, lưu ý, để ý. (Ở nghĩa này, sau coi chừng có thể là danh ngữ, nhưng thường là một ngữ vị từ hoặc một tiểu cú: “coi chừng móc túi”, “coi chừng lây bệnh”, “coi chừng cảnh sát phạt”, “coi chừng mẹ biết”, v.v.).
     Nhưng trong phương ngữ Nam bộ, trong một số trường hợp, coi chừng có thể được dùng với nghĩa gần với chú ý, lưu ý, đặc biệt là gần với để ý.
(3) Tôi thấy ông ta có vẻ gian gian. Anh nên coi chừng/chú ý/lưu ý/để ý ông ta.
(4) Đi ra đường coi chừng/để ý xe cộ nhé!
(5) Tôi vào đây một lát. Anh coi chừng/để ý xe nhé! (= trông xe)
ss: Anh coi chừng mất xe nhé! (= đề phòng)

     Có lẽ do nghĩa gốc của nó, ở cách dùng này, coi chừng mang hàm ý: để tâm trí vào cái gì đó để giữ gìn, đề phòng. Vì vậy, có thể nói coi chừng dùng theo nghĩa giống như để ý là một biểu hiện phái sinh của nghĩa thứ nhất.
     (Tất nhiên, không thể phủ nhận quan hệ gần gũi về nghĩa giữa hai cách dùng trên của coi chừng).

No comments:

Post a Comment