Saturday, 9 May 2015

Ngữ nghĩa của "nếu"

Câu điều kiện tiếng Việt từ trước đến nay thường chỉ được đề cập thoáng qua trong các sách ngữ pháp với tư cách là một tiểu loại của câu ghép chính phụ. Do chưa được xem trọng nên – so với tiếng Anh, tiếng Nhật chẳng hạn – nhiều vấn đề của nó vẫn chưa được làm sáng tỏ, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến ngữ nghĩa. Hơn nữa, trong nhiều tài liệu, câu điều kiện (hay điều kiện-kết quả) lại được đặt song hành với các kiểu câu nguyên nhân (hay nguyên nhân-kết quả), câu nhượng bộ, câu tăng tiến, v.v. lại càng làm cho nội dung ngữ nghĩa của câu điều kiện trở nên khó hình dung và mang tính biệt lập([1]).
Do ngoại diên quá rộng của khái niệm “câu điều kiện”, để tránh nhầm lẫn, trong bài này chúng tôi chủ yếu chỉ bàn đến cấu trúc có nếu, thường có dạng Nếu P thì Q (và để tiện trình bày, một số chỗ chúng tôi sẽ gọi tắt là “cấu trúc/biểu thức nếu”). Chúng tôi sẽ nhìn nhận lại biểu hiện của hai nét nghĩa cơ bản nhất là nhân quả và giả định của nếu – thường được các sách ngữ pháp cho là chỉ tố tiêu biểu của câu điều kiện. Qua đó, chúng tôi hy vọng sẽ làm sáng tỏ thêm một số vấn đề về ngữ nghĩa của câu điều kiện tiếng Việt.

QUAN HỆ NHÂN QUẢ VÀ CÂU ĐIỀU KIỆN



QUAN HỆ NHÂN QUẢ VÀ CÂU ĐIỀU KIỆN[1]


1.         Câu điều kiện (conditionals) và câu nguyên nhân (causals) thường được trình bày trong các sách ngữ pháp nhà trường (ngữ pháp “truyền thống”) như là hai kiểu câu không hề có sự liên quan gì về ý nghĩa. Tuy nhiên, ngay từ những mô hình câu điều kiện mang tính hình thức này, đã từ lâu, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng quan hệ điều kiện của ngôn ngữ tự nhiên rất khác với quan hệ điều kiện trong logic học. Và cái làm nên sự khác nhau đó chính là quan hệ nhân quả hàm chứa trong câu điều kiện của ngôn ngữ tự nhiên. Nhờ phát hiện này, câu nguyên nhân và câu điều kiện trở nên rất gần gũi về ý nghĩa: giữa hai mệnh đề tạo câu cùng tồn tại mối quan hệ nhân quả.
Và trong một chừng mực nào đó có thể nói rằng phát hiện về tính nhân quả là một nỗ lực của các nhà ngôn ngữ nhằm bổ sung cho thuyết hàm chân ngụy, nhằm góp phần giải thích ý nghĩa câu điều kiện trong ngôn ngữ tự nhiên.