Saturday, 9 May 2015

Ngữ nghĩa của "nếu"

Câu điều kiện tiếng Việt từ trước đến nay thường chỉ được đề cập thoáng qua trong các sách ngữ pháp với tư cách là một tiểu loại của câu ghép chính phụ. Do chưa được xem trọng nên – so với tiếng Anh, tiếng Nhật chẳng hạn – nhiều vấn đề của nó vẫn chưa được làm sáng tỏ, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến ngữ nghĩa. Hơn nữa, trong nhiều tài liệu, câu điều kiện (hay điều kiện-kết quả) lại được đặt song hành với các kiểu câu nguyên nhân (hay nguyên nhân-kết quả), câu nhượng bộ, câu tăng tiến, v.v. lại càng làm cho nội dung ngữ nghĩa của câu điều kiện trở nên khó hình dung và mang tính biệt lập([1]).
Do ngoại diên quá rộng của khái niệm “câu điều kiện”, để tránh nhầm lẫn, trong bài này chúng tôi chủ yếu chỉ bàn đến cấu trúc có nếu, thường có dạng Nếu P thì Q (và để tiện trình bày, một số chỗ chúng tôi sẽ gọi tắt là “cấu trúc/biểu thức nếu”). Chúng tôi sẽ nhìn nhận lại biểu hiện của hai nét nghĩa cơ bản nhất là nhân quả và giả định của nếu – thường được các sách ngữ pháp cho là chỉ tố tiêu biểu của câu điều kiện. Qua đó, chúng tôi hy vọng sẽ làm sáng tỏ thêm một số vấn đề về ngữ nghĩa của câu điều kiện tiếng Việt.


1. NGHĨA NHÂN QUẢ
1.1. Nếu... thì...: nguyên nhân - kết quả
Trong nhiều tài liệu ngôn ngữ học thế giới, câu điều kiện thường được nói đến như một trong bốn kiểu câu logic, dựa trên cái nền chung là mối quan hệ nhân quả. Đó là:
(i)       Câu nguyên nhân (causal): “Bởi hợp lực nên họ thành công”;
(ii)     Câu điều kiện (conditional): “Nếu hợp lực thì họ sẽ thành công”;
(iii)   Câu nhượng bộ (concessive): “Mặc dù hợp lực, họ vẫn không thành công”;
(iv)    Câu điều kiện-nhượng bộ (conditional concession): “Dù hợp lực thì họ cũng không thành công”.
Sự khác nhau giữa Bởi/Vì P nên QNếu P thì Q là ở chỗ biểu thức trước đề cập đến một sự tình hiện thực (“hợp lực” là một sự tình đã tồn tại/xảy ra: “Họ đã hợp lực và họ đã thành công”), còn biểu thức sau đề cập một sự tình có tính chất giả định (“hợp lực” là một sự tình chưa xảy ra, người nói chỉ thiết lập một giả thiết và đưa ra kết quả dựa trên giả thiết đó).
Nhìn chung, sự khác nhau giữa (i), (ii) và (iii), (iv) chỉ là vấn đề thuận - nghịch (logic), hai trường hợp trước là mối quan hệ nhân quả thuận (“hợp lực” – “thành công”), hai trường hợp sau là quan hệ nhân quả nghịch (“hợp lực” – “không thành công”).
Như vậy. cùng với biểu thức nguyên nhân-kết quả (causal) đánh dấu bằng vì/bởi/do..., biểu thức điều kiện (conditional) đánh dấu bằng nếu cũng tồn tại trong nó mối quan hệ nhân quả.
Trong công trình “Logic, ngữ nghĩa, cú pháp” và “Quan hệ nghịch nhân quả” [11][12], Nguyễn Đức Dân cũng đã đề cập đến mối quan hệ này. Ông viết: “Hai hiện tượng X và Y được xem là có quan hệ nhân quả khi xảy ra hiện tượng X thì sẽ xảy ra hiện tượng Y” [12: 17]. Quan hệ này, theo ông, được thể hiện ở cả câu nguyên nhân-kết quả lẫn điều kiện-kết quả. Chẳng hạn, hai câu sau đây:
(1) chăm học nên nó học rất giỏi.
(2) Nếu chăm học thì nó sẽ học rất giỏi.
ông cho là không đồng nhất với nhau nhưng đều thể hiện quan hệ nhân quả.
Quan hệ nhân quả trong câu điều kiện đã được nhiều nhà ngôn ngữ học trên thế giới phân tích. Theo Comrie, câu điều kiện là sự kết hợp giữa phép kéo theo với tính quan yếu của một quan hệ nhân quả giữa mệnh đề trước và mệnh đề sau [4: 68-71]. Dancygier cũng cho rằng sẽ là thiếu sót nếu không có sự chú ý thích đáng đến xu hướng diễn đạt nguyên nhân trong câu điều kiện [5: 80]. Tác giả thừa nhận quan điểm nhân quả của Comrie, và lấy đó làm thông số để phân tích ngữ nghĩa điều kiện. Thí dụ:
(3) Nếu anh thêm kem thì món salat này mùi vị sẽ ngon hơn.
Giữa P (“anh thêm kem”) và Q (“món salat này mùi vị sẽ ngon hơn”) rõ ràng có quan hệ nhân quả: việc thêm kem là một nhân tố làm cho hương vị salat ngon hơn.
Sweetser cũng cùng một lập luận trên: “If Mary goes, John will go” [16: 115] (“Nếu Mary đi, John sẽ đi”) có nghĩa là việc Mary đi dẫn đến (làm cho) John đi hoặc việc Mary không đi trong trường hợp nào đó có thể làm John không đi. Chính quan hệ nhân quả giữa P và Q giúp câu trên có được một quan hệ nhân quả phủ định.
Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng không nên hiểu quan hệ nhân quả một cách cứng nhắc mà nên nhìn nhận nó trong cách hiểu phổ biến, thông thường của người bản ngữ. Theo Athanasiadou [2], quan hệ nhân quả có thể có các biểu hiện sau:
(i) Quan hệ nhân quả thường được biết đến như sự gây khiến (causation):
(4) Nếu không có nước trong bộ tản nhiệt thì máy sẽ lập tức nóng lên. (If there is no water in your radiator, your engine will overheat immediately) [2: 65]
Ở câu (4), sự không có nước là nguyên nhân trực tiếp gây nên tình trạng nóng máy xe.
(ii) Quan hệ nhân quả thể hiện khi nếu tương đương với “trong điều kiện (là)”:
(5) Nếu tiền trợ cấp có lợi hơn tiền hưu trí thì quả phụ sẽ được trả tiền trợ cấp. (If the allowance is more favourable to a widow than the retirement pension, she will be paid that allowance) [2: 66]
Ở câu (5), quả phụ sẽ được hưởng tiền trợ cấp trong điều kiện là nó có lợi hơn (tiền hưu).
(iii) Quan hệ nhân quả cũng có mặt khi Q là một phản ứng trước một giả định:
(6) Nếu tôi bị hói thì tôi sẽ tự bắn vào đầu mình. (If I go bald I’ll shoot myself) [2:61]
Câu (6) biểu hiện phản ứng đối với sự tình giả định là bị hói đầu.
Về ngữ nghĩa, giữa ba câu trên có sự khác biệt khá rõ. Ở câu (4) việc “không có nước” trong bình tản nhiệt gây ra tình trạng nóng máy. Trong khi đó, ở câu (5) sự “có lợi hơn’ không gây ra việc trả tiền trợ cấp mà tiền trợ cấp sẽ được trả trong điều kiện nó có lợi hơn. Còn ở câu (6), “hói đầu” không gây ra hành động bắn vào đầu mà chỉ là một phản ứng mang tính chất dự báo một khi điều giả định ở P trở thành sự thật.
Athanasiadou đã đưa ra một phép thử nhỏ bằng cách thay if bằng because. Có thể viết lại cả 3 câu tiếng Việt tương ứng theo cùng một cách:
(7) Máy xe sẽ rất nóng không có nước trong bộ tản nhiệt.
(8) Bà quả phụ sẽ được trả trợ cấp nó có lợi hơn tiền hưu trí.
(9) Anh ấy sẽ bắn vào đầu mình anh ấy bị hói.
Mặc dù có sự khác nhau giữa (4), (5), (6) nhưng chỉ tố (because) đã chỉ ra được nghĩa chung của những câu này, đó là cái lý do khiến người nói liên kết hai mệnh đề bộ phận như trên lại với nhau.
(iv) Quan hệ nhân quả thể hiện khi sự cho phép (enable) được xử lý như là sự gây khiến (causation), theo nghĩa rộng trong logic học và trong ngôn ngữ học (quan điểm của Sweetser [16]),:
(10) Nếu tôi là tổng thống, tôi sẽ bán hết đồ sứ ở Nhà Trắng để tài trợ cho chương trình giáo dục song ngữ.
Ở đây, cương vị tổng thống cho phép thực hiện hành động mua bán, P và Q vẫn được xem như có mối liên kết nhân quả, đánh dấu bằng nếu.
1.2. Nếu... thì...: kết quả - nguyên nhân
Trong biểu thức Nếu P thì Q, như đã phân tích ở trên, P là nguyên nhân, Q là kết quả. Nhưng trong thực tế sử dụng ngôn ngữ, cũng có rất nhiều trường hợp trật tự nhân quả đảo ngược: P là kết quả, còn Q là nguyên nhân. So sánh:
(11) Nếu tôi có thời gian rảnh thì tôi sẽ đi du lịch. (P: nguyên nhân, Q: kết quả)
(12) Nếu tôi đi du lịch thì (có nghĩa là) tôi đang có thời gian rảnh (P: kết quả, Q: nguyên nhân)
Ở câu sau có một sự suy lý từ P đến Q, sự suy lý này cũng có cơ sở từ cái nền nhân quả của câu trước. Bản chất quan hệ nhân quả trong hai câu trên không khác gì nhau mặc dù chúng hoàn toàn khác nhau về mặt hình thức: một suy luận từ nguyên nhân đến kết quả, một suy luận từ kết quả đến nguyên nhân. Chẳng hạn:
(13) Nếu họ định làm đám cưới thì họ sẽ phải tìm một căn hộ.
Có thể diễn giải: kế hoạch làm đám cưới là lý do họ tìm một căn hộ.
(14) Nếu họ tìm một căn hộ thì có lẽ họ đang dự định làm đám cưới.
Có thể diễn giải: việc họ đang tìm một căn hộ chính là lý do để tôi đi đến kết luận rằng họ đang có kế hoạch làm đám cưới.
Trong biểu thức nếu P (kết quả) thì Q (nguyên nhân), P thường là “cái cho sẵn” (given), nó chỉ là cái “cớ” để người nói dẫn người nghe đến kết luận của mình:
(15) Nếu anh ăn thịt bò thì anh không phải là người đang ăn chay. (Nói với người đang ăn thịt bò)
P rõ ràng là không có có giá trị thông tin, ít nhất không phải là tiêu điểm thông tin, vì nó không phải là “cái mới” (new) đối với người nghe, người nói chỉ muốn dùng nó để cho người nghe biết cái cách thức, hoặc lý do/nguyên nhân, mà anh ta đạt đến kết luận như thế nào mà thôi.
1.3. Nếu...thì...: nhân quả không hiển ngôn
Đây một kiểu cấu trúc mang không hiển ngôn mối quan hệ nhân quả giữa P và Q (dù về mặt hình thức vẫn có chỉ tố điều kiện nếu, thì) nhưng mối quan hệ này vẫn tồn tại và quyết định nội dung của phát ngôn. Thí dụ:
(16) Nếu chiều nay trời mưa thì tôi không có áo mưa.
Ở câu trên, P là sự tình giả định còn Q là một sự tình thực. Có nghĩa là “không có áo mưa” là một sự việc có thực, còn trời có mưa hay không lại là một chuyện không thể đoan chắc được. Với loại câu này, chúng ta không thể diễn giải theo cùng một cách với các biểu thức nếu điển hình, lý do là giữa P và Q không tồn tại quan hệ nhân quả trên bề mặt. Chẳng hạn:
(17) Nếu chiều nay trời mưa thì tôi không có áo mưa
(18) ??Nếu chiều nay trời không mưa thì tôi sẽ có áo mưa.
Có thể hiểu câu trên dưới góc độ ngữ dụng học; theo đó, với phát ngôn “tôi không có áo mưa”, người nói nhằm dẫn dắt người nghe đến kết luận là “tôi không thể về nhà được”. Như vậy, có thể diễn giải như sau:
(19) Nếu chiều nay trời mưa, tôi không thể về nhà được, vì tôi không có áo mưa.
Cấu trúc điều kiện trên được hình thành từ [Nếu P thì Q R]: Tình huống P sẽ dẫn đến kết quả Q, đó là mối bận tâm của người nói, vì lý do R. Nhưng Q bị xóa bỏ, chỉ còn lại lý do gây ra mối bận tâm trong tình huống giả định đó mà thôi. Có thể hình dung sơ đồ tạo câu như sau:
Nếu P thì Q vì R → Nếu P thì Q R
Như vậy, “Nếu trời mưa thì tôi không có áo mưa” có thể hiểu như “Nếu trời mưa thì tôi không thể về nhà”. Mặt khác, khi nghe phát ngôn “Nếu trời mưa thì tôi không thể về nhà”, có khả năng người nghe sẽ hỏi lý do tại sao; Nếu P thì R đã trả lời trước cái câu hỏi mà người nghe chờ đợi.
            Thêm một vài ví dụ tương tự:
(20) Nếu con đói thì có trái cây trong tủ lạnh đó!
(21) Nếu anh cần đi thì có xe tôi đằng trước đó!
Trên thực tế, cần chú ý rằng trong các phát ngôn nhân quả thuận nếu có thể bị lược bỏ mà không tổn hại đến quan hệ nhân quả của P và Q. Lý do là trật tự trước sau của P và Q phản ánh đúng trật tự nguyên nhân – kết quả của hiện thực khách quan; và nó được con người nhận thức một cách tự nhiên và rõ ràng (kể cả trường hợp P và Q đứng thành hai phát ngôn riêng rẽ, bên cạnh nhau). Do vậy, vai trò của nếu trở nên thứ yếu. Trong khi đó, ở những câu không có quan hệ nhân quả, sự có mặt của nếu là cần thiết để minh bạch hóa ngữ nghĩa của phát ngôn. Đây là trường hợp của các cấu trúc ở mục 1.2 (kết quả-nguyên nhân), và các cấu trúc phi nhân quả sau đây.
1.4. Nếu... thì...: nhân quả nhận thức
Có thể nói, đây là một cấu trúc nếu, về hình thức, khó xác định là quan hệ nhân quả hoặc phi nhân quả. Ví dụ:
(22) Nếu chuồn chuồn bay thấp thì sẽ có mưa.
(23) Nếu ráng chiều màu đỏ thì ngày mai trời mưa.
Ở hai câu trên, không thể cho rằng “chuồn chuồn bay thấp” và “ráng chiều màu đỏ” làm cho/gây ra “trời mưa” hoặc là nguyên nhân “trời mưa”. Người nói sử dụng những phát ngôn tương tự như trên để diễn đạt rằng: cái dấu hiệu được nêu ở P là nguyên nhân dẫn “tôi” đi đến kết luận rằng “trời sẽ mưa”. Xét ở góc độ này thì quan hệ giữa P và Q cũng là một thứ quan hệ nhân quả, có thể xếp vào lĩnh vực nhận thức (espistemic, cf. Sweetser [16]). Tuy nhiên, quan hệ nhân quả thuộc về nhận thức này sẽ biến thành quan hệ nhân quả hiển ngôn khi xuất hiện chủ thể nhận thức trong kết cấu của Q. So sánh:
(24) Nếu hoa phương nở thì mùa thi đến.
(25) Nếu hoa phượng nở thì tôi biết là mùa thi đến.
(26) Nếu hoa phương nở thì tôi nhớ đến mùa thi năm đó.
            Rõ ràng, ở câu (24) ta có một phát ngôn nhân quả nhận thức. Trong khi đó, ở hai câu sau ta có quan hệ nhân quả “bình thường” (như 1.1): “hoa phượng nở” làm/gây ra sự biết/nhớ của “tôi”, tức là nguyên nhân của sự việc “tôi biết mùa thi đến”, “tôi nhớ đến mùa thi năm đó”.
Như vậy, biểu thức nếu ở trường hợp nhân quả nhận thức có thể được trình bày như sau: [Nếu (có dấu hiệu) P thì (chủ thể kết luận rằng) Q], trong đó, thành phần trong ngoặc không được hiển ngôn.
1.5. Nếu... thì...: phi nhân quả
Như trên đã cho thấy, quan hệ nhân quả là nội dung ngữ nghĩa cốt lõi trong các biểu thức điều kiện, trong đó nếu là một chỉ tố tiêu biểu (song không phải là thiết yếu). Nhưng đây không phải là quan hệ bao trùm, càng không phải là nội dung ngữ nghĩa duy nhất và của nếu.
1.5.1. Nếu... thì...: cấu trúc đối ứng
Trong biểu thức Nếu P thì Q, ta có thể có một cấu trúc sóng đôi về hình thức giữa P và Q. Chính hình thức sóng đôi đó đã bộc lộ quan hệ đối ứng giữa P và Q. Tuy nhiên, quan hệ đối ứng sẽ có những biểu hiện khác nhau, tùy vào nội dung của cả P và Q. Có thể kể đến một số biểu hiện đối ứng sau đây:
– Quan hệ đối ứng dựa trên sự tương đồng về tính chất, đặc trưng:
(27) Nếu Trung Quốc đứng đầu thế giới về phần cứng thì Ấn Độ đứng đầu thế giới về phần mềm.
(28) Nếu tỉnh anh có nhiều mía thì tỉnh tôi có nhiều đường.
Ở (27), sự tương đồng được thiết lập trên cùng một đối tượng được nói đến; trong khi ở (28), sự tương đồng được thiết lập trên hai đối tượng khác nhau.
– Quan hệ tương đồng về mức độ:
(29) Nếu gã là một công dân đáng ngờ bao nhiêu thì gã lại là một người lính đáng trọng bấy nhiêu.
(30) Nếu lá nó to như thế này thì quả của nó phải bằng quả mít.
(31) Nếu môn toán nó tồi bao nhiêu thì môn văn nó cũng tệ bấy nhiêu.
Sự tương đồng mức độ có thể là nghịch chiều (có thể gọi là “tỉ lệ nghịch” (29)), cũng có thể là đồng chiều (“tỉ lệ thuận” (30), (31)).
– Quan hệ đồng nhất dựa trên những đặc trưng tương liên (thường dùng trong các so sánh tu từ):
(32) Nếu giáo dục là một tòa nhà thì thầy giáo là những viên gạch xây nên tòa nhà đó.
– Quan hệ tương đồng về chiều hướng của sự việc (trong – ngoài, hẹp – rộng, cụ thể – khái quát, v.v.):
(33) Nếu nam nữ bình đẳng thì trong gia đình vợ chồng cũng phải bình đẳng.
(34) Nếu ăn mặc diêm dúa thế thì tâm hồn nghèo nàn.
(35) Nếu kiến thức hạn hẹp thì ngôn từ sáo rỗng.
– Quan hệ tuyển chọn: một trong hai khả năng (hoặc P hoặc Q) có thể được diễn đạt thành “Nếu không P thì Q”. Tuy nhiên, có một điểm quan trọng là giữa P và Q phải có một đặc trưng chung ngầm ẩn làm cơ sở cho sự tuyển chọn này.
(36) Vô địch năm nay nếu không phải là Brasil thì chắc chắn là Đức.
(37) Thôi, đừng nói nữa. Chuyện này nếu không phải anh làm thì tôi làm vậy!
            Về câu điều kiện đối ứng, Diệp Quang Ban cho là nó “nêu lên quan hệ đối chiếu” [6: 210], còn Nguyễn Kim Thản cho nó là “câu so sánh”, chỉ có giá trị tu từ học [13: 591]. Quả thật, những biểu thức Nếu P thì Q mang hình thức sóng đôi có vẻ nhằm mục đích so sánh tu từ hơn là biểu hiện quan hệ điều kiện-kết quả thông thường. Trong quan hệ sóng đôi, tùy vào các yếu tố tình thái và ngôn liệu ở mỗi bộ phận mà ý nghĩa chung của cả câu sẽ là một sự luân phiên trạng thái, hành động, quá trình theo thời gian, không gian, cảnh huống. Thí dụ:
(38) Nếu hồi trưa ông mắng chửi, đuổi nó đi thì bây giờ ông lại mong nó về.
Ở câu này, P biểu thị hành động, thái độ hắt hủi, Q biểu thị tâm trạng mong ngóng. Tính đối ứng của hai bộ phận P và Q đã biểu thị một sự thay đổi hoặc một diễn tiến (tâm trạng, thái độ, tình cảm, hành động) theo trục thời gian (“hồi trưa” – “bây giờ”). Tương tự, nó cũng có thể là sự đối ứng theo trục không gian: “ở đây” – “ở quê”, ví dụ:
(39) Nếu ở đây anh thấy bất an thì ở quê anh sẽ yên tâm hơn.
1.5.2. Nếu... thì... trong lời dẫn nhập
Cấu trúc Nếu P thì Q có thể được sử dụng như một biểu thức ngữ dụng. Nếu P là lời mào đầu có tính chất xã giao hoặc rào đón, nhằm thực hiện một hành động ngôn từ đi theo sau (do Q biểu thị):
(40) Chuyện này là chuyện thật. Nếu quý vị cho phép, tôi xin kể.
(41) Tài liệu này rất quý. Nếu không phiền thì sau khi đọc xong, anh cho tôi mượn nghe.
Khi đưa ra một phát ngôn, quá trình suy nghĩ của người nói bị ràng buộc bởi điểm nhìn, các hình thức phán đoán, vì vậy ở mệnh đề P thường bộc lộ cách thức tiếp cận đối tượng trong quá trình triển khai logic. Cho nên thường các vị từ như nói, nhìn, nghĩ, đứng, xét, xuất phát, so sánh, v.v. được chọn để xây dựng những biểu thức tương đối cố định nhằm phản ánh chính cái quá trình triển khai ấy. Các biểu thức này thể hiện tình thái chủ quan của người nói, về ngữ pháp có vai trò như một trạng ngữ cảnh huống điều kiện (hoặc một khung đề([2])) như: “nếu nói thẳng”, “nếu nói thật”, “nếu nhìn từ đây”, “nếu nhìn một cách khách quan”, “nếu nói đúng hơn”, “nếu nhìn sơ qua”, “nếu xét kỹ”, “nếu xét về mặt...”,nếu đứng ở góc độ này”, “nếu nói đến...”, “nếu như anh nói”, v.v..
(42) Nếu nói đến Bát Tràng là người ta nghĩ ngay đến đồ gốm sứ.
(43) Nếu nhìn một cách khách quan, tốc độ phát triển như thế chưa phải là cao.
Thành phần Nếu P đặt ra một phạm vi, một giới hạn mà từ đó tính đúng/sai của thành phần Q phụ thuộc vào nó.
(44)  – Như thế bình thường ông ấy là người thế nào?
– Bình thường à? Nếu không có rượu thì là người hết sức tử tế.
(45) Nếu không có gì thay đổi thì giờ này chị ấy đã đến nơi.
(46) Lão giáo dạy người ta vô vi, nếu hiểu theo nghĩa đen, chừng như là thoát đời.
1.6. Nếu... thì...: điều kiện-nhượng bộ (conditional-concession)
Quan hệ nhân quả được thể hiện ở hay dạng: nhân quả thuận (nhân quả “thông thường”) và quan hệ nhân quả nghịch.
Có thể nói, Dù P thì cũng/vẫn Q là biểu thức tiêu biểu cho quan hệ nhân quả nghịch, nằm trong thế đối lập về kết quả với biểu thức nhân quả thuận Nếu P thì Q như đã phân tích ở trên.
Trong “Tiếng Việt, văn Việt và người Việt” (2001), Cao Xuân Hạo cho rằng , so với nếu có thêm cái ý “ngay cả”, cho biết là người nói tiền giả định rằng điều được nói ở P là một hoàn cảnh thường cản trở điều được nói ở Q [3: 221]. Như vậy, cũng có thể được xem là một chỉ tố điều kiện, nhưng là điều kiện-nhượng bộ([3]). Còn nếu khi kết hợp với cũng hoặc vẫn ở Q thì nó có thể dùng biểu hiện điều kiện-nhượng bộ, tương đương với :
(47) Nếu trời mưa thì tôi cũng đi (= Dù trời mưa  thì tôi cũng đi)
Không có mặt cũng/vẫn trước vị từ ở Q, nếu không thể biểu hiện nghĩa nhượng bộ, đặc biệt là trong câu trần thuật. So sánh:
(48) Nếu anh ta mời thì tôi cũng sẽ không đi (điều kiện-nhượng bộ)
(49) Nếu anh ta mời thì tôi sẽ không đi. (điều kiện)
Cần chú ý là nếu có thể xuất hiện trong các cấu trúc nghi vấn, còn thì tuyệt nhiên không.
(50) Nếu hắn đi thì anh có đi không? (*Dù hắn đi thì anh có đi không?)
(51) Nếu trời mưa, anh làm gì? (*Dù trời mưa thì anh làm gì?)
Hai câu (50), (51) có thể nhận được câu trả lời:
(52) Nếu/Dù hắn đi thì tôi cũng đi.
(53) Nếu/Dù trời mưa thì tôi cũng đi.
Trong đó, có sự khác biệt rõ rệt về ý nghĩa: người nói dùng nếu khi muốn trình bày một cảnh huống điều kiện mà trong đó sự tình Q có hiệu lực (không khác gì với những trường hợp đã nêu ở mục 1.1); nếu dùng , người nói muốn phát biểu rằng sự tình Q cũng/vẫn có hiệu lực trong điều kiện bất lợi hoặc cản trở nêu ở P. Nói rõ hơn, trong cảnh huống điều kiện nêu ở P đã được tiền giả định là bất lợi, gây trở ngại – do chỉ tố đánh dấu – sự tình Q cũng/vẫn có hiệu lực.
            Những điều vừa nói dẫn đến hệ quả là câu (50) và (51), và nói chung tất cả các dạng thức nghi vấn, chỉ có thể tồn tại ở biểu thức “Nếu P thì...?” chứ không thể hiện diện ở các biểu thức tương tự. Hệ quả này đúng với trường hợp , và cũng đúng với trường hợp hễ, giá (không thể hỏi “Hễ trời mưa thì anh làm gì?”, “Giá chị có tiền thì chị sẽ đi đâu?”, trừ phi P là một phát ngôn siêu ngôn ngữ).

2. NGHĨA GIẢ ĐỊNH
Trong nhận thức, con người phân biệt rành mạch các sự tình có diễn ra trong hiện thực (nhất là những sự việc mà người nói có chứng kiến) với các sự tình giả định. Trong các công trình triết học và logic học, sự phân biệt đó được phản ánh ở khái niệm tính giả định, mang ý nghĩa phổ quát, làm cơ sở phân biệt các loại câu điều kiện. Trong ngôn ngữ học có một định nghĩa về câu điều kiện có tính chất kinh điển như sau: “Câu điều kiện diễn đạt một sự phụ thuộc giữa hai sự việc giả định” (dẫn theo Haiman([4])).
Tính giả định trong câu điều kiện đã được khẳng định rộng rãi bởi nhiều nhà nghiên cứu như Jespersen, Comrie, Akatsuka, v.v., và nó quan trọng đến mức Jespersen đã gọi các câu điều kiện không có tính giả định là những câu “điều kiện giả” (pseudo-conditional). Theo Cao Xuân Hạo, nhờ đặc trưng giả định mà câu điều kiện phân biệt được với câu có trạng ngữ thời gian hoặc câu nguyên nhân vốn là những câu có hàm thực([5]).
Tính giả định có 2 mức độ: (i) thấp – sự tình tiềm năng (potential) mà chúng tôi gọi là giả định giả thiết, và (ii) cao – sự tình phi thực (irrealis) mà chúng tôi gọi là giả định phản thực.
2.1. Nếu biểu thị một giả định
Như đã phân tích ở trên, sự khác nhau giữa nếu chủ yếu ở tính hiện thực – giả định. Giả định ở nếu có thể phân thành hai loại: giả định phản thực và giả định giả thiết.
2.1.1. Giả định phản thực (counterfactual conditionals)
Xét về tính giả định, giả định phản thực nằm ở thang độ cao hơn giả định giả thiết. Phát ngôn có chứa nếu loại này tiền giả định rằng sự việc được đề cập trong câu là không hề/không bao giờ có trong thế giới thực. Trong loại giả định này, P và Q là những sự tình trái với hiện thực, trong khi ở loại giả định giả thiết, sự tình ở P và Q có khả năng trở thành sự thực.
(54) Nếu quanh năm đều là mùa xuân thì thật là tuyệt.
Tiền giả định của câu trên là quanh năm không phải là mùa xuân và như thế không có gì là tuyệt cả.
Xét thêm các câu sau:
(55) Nếu chúng tôi không tìm thấy nước trong sa mạc thì chúng tôi đã chết.
(56) Nếu ngày mai có lương thì tốt biết mấy!
(57) Nếu là chim tôi sẽ là loài bồ câu trắng.
Câu (55) biểu hiện một sự tình trái ngược với sự tình thực trong quá khứ, thực tế là “chúng tôi đã tìm thấy nước trong sa mạc”, và vì vậy “chúng tôi đã không chết”. Câu (56) nói đến một sự tình bất khả trong tương lai vì, vào thời điểm phát ngôn, người nói đã biết trước và biết một cách chắc chắn rằng “ngày mai không có lương”. Câu (57) trình bày một sự tình không thực vào thời điểm hiện tại: sự tình được đề cập chỉ có trong tưởng tượng của người nói. Tri thức về thế giới cho anh ta biết rằng anh ta sẽ không bao giờ trở thành chim, và do đó không bao giờ có thể biến thành một “loài bồ câu trắng”.
Như vậy, các sự tình được trình bày ở P và Q trong cả ba câu trên đều là những sự tình ngược lại với những gì đã, đang hoặc sẽ xảy ra trong thế giới thực.
Cấu trúc nếu phản thực biểu hiện suy luận của con người trong một tình huống trái với tình huống thực và lập luận này cũng dựa trên mối quan hệ nhân quả: nếu sự tình P xảy ra thì sự tình ở Q cũng xảy ra, nhưng may thay (hoặc tiếc thay) sự tình ở P đã không xảy ra và vì thế sự tình ở Q cũng đã không xảy ra.
(58) Nếu tôi có thời gian thì tôi đã đi xem phim đó.
(59) Nếu tôi không đưa chìa khóa cho nó thì tai nạn đã không xảy ra.
Với những sự tình quá khứ, các yếu tố đã, rồi thường xuất hiện ở Q, tạo thành cấu trúc nếu… (thì)… đã…(rồi) – dạng thức tiêu biểu của câu điều kiện giả định phản thực trong tiếng Việt:
(60) Nếu không vướng môn tiếng Anh thì nó cũng đã là kỹ sư rồi.
(61) Nếu tôi là anh thì tôi đã mua căn nhà đó.
Ở đây cần phân biệt nghĩa của giánếu. Giá thường chỉ dùng để bày tỏ ý nuối tiếc hoặc mơ ước, còn nếu được dùng rộng hơn, do nó trung tính hơn, nó có thể biểu hiện một đánh giá tích cực/tiêu cực về một sự tình đã xảy ra hoặc không xảy ra. So sánh (62) và (63) với (64):
(62) Nếu/Giá hồi nhỏ tôi học chăm chỉ thì bây giờ đời tôi đã khác.
(63) Nếu/Giá kịp chuyến bay đó thì bây giờ chúng ta đang ở Mỹ rồi.
(64) Nếu/*Giá anh không giúp đỡ thì chúng tôi đã phá sản rồi.
Phần lớn ở những câu giả định phản thực bày tỏ sự nuối tiếc hay mong ước, do định hướng nghĩa đủ rõ, Q thường bị lược bỏ, để chỉ còn lại “Nếu P (thì)...”. Áp lực của cả cấu trúc câu kết hợp với ngữ nghĩa của P đủ mạnh để người nghe nhận ra nội dung mà người nói không/chưa nói ra.
(65) Nếu lúc đó tôi không bị cảm thì....
(66) Nếu tôi có tiền....
Theo nhận xét của chúng tôi, ở trường hợp này dường như thành phần hiển ngôn (tức P) mới là trọng tâm ngữ nghĩa của câu chứ không phải kết quả giả định đã bị bỏ lửng; khi đưa ra một cảnh huống không có thực người ta hướng đến một kết quả cũng không có thực, nhưng với người nói, chính cái cảnh huống không có thực (tức ~P) mới là điều đáng quan tâm.
2.1.2. Giả định giả thiết (hypothetical/subjunctive conditionals)
Trong đó, P và Q là những sự tình có tiềm năng (potential) hiện thực.
Trong khi giả định phản thực được nhận diện bởi tính không có thực ở P và Q, với thái độ tiêu cực của người nói, thì giả định giả thiết được nhận diện bởi tính tiềm năng của sự tình ở P và Q, với thái độ trung tính. Thí dụ:
(67) Nếu ngày mai trời đẹp thì chúng ta sẽ đi Vũng Tàu.
Sự tình “ngày mai trời đẹp” chưa hiện thực vào thời điểm nói, nhưng đối với người nói sự tình đó rất có khả năng trở thành hiện thực. Palmer đã gọi những câu điều kiện như thế là real condition, đối lập với những câu điều kiện phản thực là unreal [14: 189-191]. Trong câu điều kiện giả thiết, P trở thành hiện thực kéo theo Q trở thành hiện thực; và ngược lại, P không trở thành hiện thực thì Q cũng sẽ không trở thành hiện thực: “Ngày mai trời không đẹp và chúng ta không đi Vũng Tàu”. Khả năng trái ngược này chính là tiền đề ngầm ẩn của phát ngôn, có được từ quan hệ nhân quả vốn có giữa P và Q.
Nếu giả thiết và nếu phản thực có một đặc điểm chung là tính giả định, phân biệt với nếu phi giả định. Ở đây, người nói hoàn toàn không cam kết về tính thực của P, và do đó (kéo theo) sự không cam kết về tính thực của Q. Tuy nhiên, sự không cam kết này không giống nhau: phát ngôn giả định giả thiết có mức đô giả định thấp hơn.
Nếu giả định giả thiết và giả định phản thực có khi được dùng biểu hiện cùng một nhận định. Người ta có thể nói như sau (trước khi được giúp):
(68) Làm ơn giúp tôi! Nếu không có anh, tôi sẽ không làm xong việc. (giả định giả thiết)
Và cũng có thể nói như sau (sau khi được giúp):
(69) Cám ơn anh! Nếu không có anh, tôi đã không làm xong việc. (giả định phản thực)
Hình thức khác nhau, nhưng cả hai câu trên biểu hiện cùng một nhận định của người nói rằng anh ta chỉ có thể hoàn tất công việc với điều kiện có sự giúp đỡ của người nghe. Ở (68), sự tình “không có anh” có thể là thực hoặc không, còn ở (69), sự tình P là không thực, nghĩa là “anh đã giúp tôi” và do đó “tôi đã làm xong việc”.
Thành phần Q của biểu thức nếu thường biểu hiện ý chí, phán đoán, tình cảm của người nói; trong trường hợp biểu hiện ý chí, Q luôn có chứa vị từ tình thái sẽ:
(70) Nếu không đúng chuyên môn thì tôi sẽ từ chối.
(71) Nếu không mua được vé tàu thì tôi sẽ đi máy bay.
2.2. Nếu biểu thị một sự tình thực được dùng như một giả định
Thành phần P bắt đầu bằng nếu (khi đề cập những sự việc xảy ra một lần) luôn được người nghe tri nhận như những sự tình mang tính giả định, nhưng cũng có trường hợp nó là những sự việc thực được biểu hiện dưới cái “vỏ bọc” khả năng. Các điều kiện thực loại này có thể biểu hiện dưới 3 dạng:
(i) P dẫn lại phát ngôn của người đi trước:
Chẳng hạn:
(72)       – Mẹ ơi, mưa rồi!
– Ừ, nếu mưa thì con đừng đi công viên.
(73)       – Bác muốn gặp bố cháu à? Bố cháu ngủ rồi.
– Nếu bố cháu ngủ rồi thì bác sẽ gọi lại sau.
Ở (72) và (73), “mưa” và “bố cháu ngủ rồi” là thông tin mà người nghe nhận được từ người nói và lấy nó làm điều kiện. Nó khác những câu giả định thông thường (mặc dù trước nó có nếu), vì khó có thể nói rằng P là một sự tình giả định, tức là sự tình mà người nói (“bà mẹ”, “bác”) không biết có xảy ra hay không. Theo Akatsuka [1], đối với một thông tin vừa mới nhận được, tư duy con người cần có một khoảng thời gian cần thiết để biến thông tin đó thành kiến thức của mình; vì vậy, dù có tin P là thực, người nói vẫn xử lý thông tin đó, về mặt hình thức, như là một sự tình giả định.
            Ở đây cần lưu ý là những câu điều kiện với P là lời dẫn của phát ngôn trước chỉ được xem là giả thiết có điều kiện thực trong trường hợp ngữ cảnh cho thấy người nói không phản đối/phủ nhận tính hiện thực của P. Trong trường hợp ngược lại, người nói không tin thông tin của người đối thoại là thực, thì P vẫn là giả định.
(74) – Ken đã ở Nhật 7 năm.
 – Nếu anh ấy ở Nhật 7 năm thì sao anh ấy không biết một từ tiếng Nhật nào?
            Ở trường hợp sau đây, nếu có thể diễn đạt một sự tình thực, nhưng Q lại là một sự tình phản thực; chẳng hạn:
(75)  – Sao anh không đến dự khai trương cửa hàng của tôi?
– Xin lỗi, nếu cửa hàng của anh thì tôi đã đến dự rồi.
Câu (75) khác với các câu (72) – (73) ở hai điểm:
            Thứ nhất, thành phần Q của (75) biểu hiện một sự tình không có thực (vì thực tế là “tôi đã không đến dự”, trong khi Q ở các câu kia lại biểu hiện  một sự tình tiềm năng (“đứa con có thể đi/không đi công viên”, “ông bác có thể gọi lại/không gọi lại” (72) và (73));
            Thứ hai, thành phần P của (75) về hình thức có vẻ giống hai câu kia, tức “cửa hàng của anh” là sự tình thực được dùng như một giả định. Tuy nhiên, nếu xét kỹ vẫn có chỗ khác nhau: thực chất P của (75) là một cách nói ngắn của “(nếu) tôi biết là cửa hàng của anh” – lúc này P lại biểu hiện một sự tình phản thực, vì vào thời điểm “khai trương”, “tôi đã không biết cửa hàng đó là của anh”.
            Tuy nhiên, căn cứ vào hình thức biểu hiện, và để tránh phức tạp hóa vấn đề, ở đây chúng tôi vẫn xem những biểu thức nếu tương tự như (75) là biểu thị một sự tình thực như là một giả định – dù không thỏa đáng lắm.
(ii) P biểu thị sự tình thực hiển hiện trước mắt người nói:
Chẳng hạn:
(76) Nếu ti vi rõ nét thế này kỹ thuật phải cao lắm.
(77) Nếu chúng ta đã đến đây rồi thì chắc chắn anh ấy sẽ không đuổi kịp.
(78) Nếu em chỉ dọn bấy nhiêu món thì họ không dám ăn đâu.
(79) Nếu đồ đạc nhiều như vậy thì phải gọi tắc xi thôi.
Trong các câu trên, những yếu tố chỉ định “thế này”, “đây”, “bấy nhiêu”, “như vậy” có vai trò xác nhận tính thực của P.
(iii)  Điều kiện thực là các sự tình thực được người nói khái quát như một quy luật:
(80) (Tôi nghĩ là trong mắt anh không có tôi. Tôi cần bằng chứng cho tình yêu của anh). Nếu không có bằng chứng thì người đàn bà làm sao tin vào tình yêu được.
Hai câu đầu là tâm sự của “tôi”, câu thứ ba không còn là chuyện của “tôi” nữa mà là tâm trạng chung của những người đàn bà có cùng cảnh ngộ. Khi sử dụng nếu như một giả định thì người nói đã khái quát hóa một sự việc. Khái quát hoá một tình huống hiện thực bằng cách khoác cho nó một hình thức giả định dường như là một xu hướng chung của tư duy con người, thể hiện qua ngôn ngữ. Bởi lẽ, dưới hình thức giả định, người nói có thể lùi ra khỏi tình trạng đang đề cập và tỏ ra khách quan hơn.
(iv)  Điều kiện thực là kiến thức nền, được hai bên hội thoại chia sẻ
(81) Nếu 2 cộng 2 là 4 thì 2 là một số chẵn.
Trong thực tế, “2 + 2 = 4” không phải là thông tin mới, mặc dù chưa được nêu ra trong phát ngôn trước, mà nó là kiến thức nền, “thường trú” trong đầu mỗi người, là cái đương nhiên được chia sẻ giữa những người tham gia hội thoại. Khi nói câu trên, người nói đã sử dụng kiến thức chung vốn có giữa mình và người nghe. Điều đó triệt tiêu khả năng “sai” của kết luận nằm ở Q. P được sử dụng như một cơ sở lập luận để dẫn đến cái đúng của Q.
Tương tự như vậy, trên cơ sở niềm tin về kiến thức chung có ở tất cả những người tham gia hội thoại, một luật sư có thể (dùng nó để) khẳng định tính đúng đắn của một kết luận như:
(82) Nếu mặt trời vẫn mọc ở hướng đông thì thân chủ của tôi vô tội.
2.3. Nếu biểu thị một phi giả định
Đối lập với những câu điều kiện giả định là những câu điều kiện phi giả định. Gọi là “phi giả định” vì sự việc được đề cập là những sự việc đã từng xảy ra trong thực tế chứ  không phải là một giả định mà người nói đưa ra: ở đây có hai sự kiện đồng hiện (co-ocurrence) – một ở P, một ở Q – kết hợp với nhau một cách đều đặn, cái này xảy ra nhất thiết cái kia cũng phải xảy ra. Nội dung ở biểu thức phi giả định khác biểu thức giả định ở tính tần số. Sự việc xảy ra ở đây là một sự việc xảy ra nhiều lần, có tính lặp và phổ biến.
Căn cứ vào mức độ khái quát hoặc tính hạn định về thời gian của những sự tình được nêu ra trong phát ngôn, có thể chia điều kiện phi giả định thành hai nhóm:
– Biểu thức nếu phi giả định được dùng để biểu hiện các quy luật tự nhiên và xã hội, nói chung là những gì có giá trị “chân lý”. Trong đó, ta có thể nhìn thấy mối quan hệ nhân quả hàm chứa trong các quy luật có tính khái quát, vượt thời gian, không gian. Ở loại này, hầu như người nói chỉ đóng vai trò người quan sát.
(83) Nếu băng tan thì sẽ biến thành nước.
(84) Nếu cố gắng ắt hẳn thành công.
(85) Nếu lụt thì đói.
Các quy luật có thể có được từ trải nghiệm của người nói hoặc từ sự quan sát, đúc kết của nhà khoa học:
(86) Nếu hút thuốc lâu ngày có thể bị ung thư phổi.
(87) Nếu natrium tác dụng với nước thì sẽ có phản ứng nổ.
– Biểu thức nếu phi giả định được dùng để nói đến thói quen, tập quán của một người, một cộng đồng nào đó. Ở đây cũng hoàn toàn không có chỗ cho chủ kiến của người nói. Trong trường hợp này, chúng tôi nghĩ có một sự “xâm nhập” của nếu vào lĩnh vực vốn là đặc trưng của hễ, cứ, mỗi lần.
(88) Nếu thời tiết tốt thì anh ấy đi câu.
(89) Nếu có giỗ thì con cháu về cúng.
Cũng có khi là những sự việc quá khứ mà bây giờ không còn tiếp diễn nữa:
(90) Sinh thời, nếu bên ấy có giỗ thì bằng mọi cách ông cũng về cúng.
(91) Con nhà lính chúng tôi, nếu hết giờ tập luyện thì phải tham gia sản xuất.
Nếu ở trường hợp này một mặt biểu hiện ý nghĩa điều kiện, một mặt biểu hiện ý nghĩa thời gian bất kỳ (bất cứ lúc/khi nào).
(92) Nếu tôi uống bia thì tôi sẽ bị dị ứng.
(93) Bất cứ khi nào uống bia, tôi cũng bị dị ứng.
Trong thực tế, ranh giới giữa phi giả định và giả định giả thiết đôi khi rất khó phân định. Cùng một phát ngôn, nếu người nói muốn chỉ một sự việc cụ thể thì ta có nghĩa giả định giả thiết; còn nếu người nói muốn thể hiện nó như một sự khái quát thì ta có nghĩa phi giả định. Vấn đề còn lại nằm ở bối cảnh giao tiếp hoặc ngữ cảnh.
Chẳng hạn:
(94) Nếu lụt thì đói. (khái quát, phi giả định)
(95) (Tôi lo năm nay làng mình sẽ lụt nữa). Nếu lụt thì (sẽ) đói (đấy). (sự việc cụ thể, giả định giả thiết)
Theo nhận xét của chúng tôi, trong một phát ngôn mang nội dung giả định (và phi giả định) sự có mặt của nếu là rất cần thiết (song không phải là bắt buộc về ngữ pháp) để minh bạch hóa quan hệ giữa hai sự tình và đặc biệt là thái độ của người nói về sự tình được diễn đạt ở P. Sở dĩ như vậy là vì – khác với những biểu hiện “thuận tự nhiên” của quan hệ nhân quả đã nói bên trên – trong ngữ nghĩa của các biểu thức giả định (và phi giả định) khoảng trống cho góc nhìn của người nói quá lớn, quan hệ giữa P và Q có thể được nhìn nhận như là quan hệ điều kiện, nguyên nhân, nối tiếp, đối chiếu, v.v., nếu không có mặt của chỉ tố nếu.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng sự vắng mặt các yếu tố cụ thể đứng trước vế điều kiện sẽ làm câu mơ hồ về quan hệ và kém tính chất suy lý: “Có khi ở vế thứ hai có dùng kết từ Y mà ở vế thứ nhất thì lược bỏ kết từ X. Trong trường hợp này quan hệ giữa hai vế vẫn đủ chặt nhưng nội dung suy lý chưa đủ rõ”([6]).
*
*                 *
Ở trên, chúng tôi đã phân tích chi tiết đặc trưng ngữ nghĩa và cách dùng nếu trong các biểu thức gọi là “điều kiện”, từ nét nghĩa nhân quả và nét nghĩa giả định. Ngoài ra, nét nghĩa phi nhân quả và phi giả định của nếu cũng được lưu ý.
Tuy nhiên, từ những phân tích trên có thể thấy một nghịch lý là trong biểu thức “nếu P thì Q” ở nét nghĩa nhân quả, nếu xét kỹ, vẫn tồn tại song song nét nghĩa phi nhân quả, thậm chí nghịch nhân quả. Cũng vậy, khi xét ở nghĩa giả định, ngữ liệu cho thấy rất nhiều câu phi giả định mang hình thức “nếu P thì Q”. Hiện tượng này, quả thật rất lý thú và cần những lý giải thấu đáo hơn về mặt ngôn ngữ học và logic.



TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH:
1.     Akatsuka Noriko 1985. Conditionals and epistemic scale. Language. Vol.61.
2.     Athanasiadou Angeliki  & Dirven René 1997. Conditionality, hypotheticality, counterfactuality. In: On conditional again. 1997. John Benjamins B. V.
3.     Cao Xuân Hạo 2001. Tiếng Việt, văn Việt và người Việt. Nxb Trẻ. TpHCM.
4.     Comrie Bernard 1986. Conditionals: a typology. In: On Conditionals. Elizabeth Closs Traugott, Cambridge.
5.     Dancygier Barbara 1998. Conditionals and Prediction. Cambridge University Press.
6.     Hồ Lê, 1992. Cú pháp tiếng Việt, Q 2, Cú pháp cơ sở. Nxb KHXH. H.
7.     Hoàng Trọng Phiến 1980. Ngữ pháp tiếng Việt – Câu. Nxb ĐH&THCN. H.
8.     Hoàng Tuệ 1962. Giáo trình về Việt ngữ, T1. H.
9.     Maeda Naoko 1991. Jyouken bun funrui no-kousatsu. Nihongo gakuhou 13, Tokyo gaikokugo daigaku.
10.  Nguyễn Đức Dân 1987. Logic-ngữ nghĩa-cú pháp. Nxb ĐH&THCN. H.
11.  Nguyễn Đức Dân 2002. Nỗi oan THÌ, LÀ, MÀ. Nxb Trẻ. TpHCM.
12.  Nguyễn Kim Thản 1977. Nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt. Nxb Giáo dục. H.
13.  Nguyễn Vân Phổ 2012. ‘Mặc dù’, ‘nhưng’ và quan hệ nhượng bộ. Ngôn ngữ. số 2. H.
14.  Palmer F.R. 1979. Modality and the English modals. Longman. London.
15.  Sakahara Shigeru 1985. Nichijou Gengo no suuiron. Tokyo daigaku shuppan ka
16.  Sweetser Eve 1990. From Etymology to Pragmatics. Cambrige: Cambrige U.P..


[1] Xem: Diệp Quang Ban 2004. Ngữ pháp Việt Nam - Phần câu. Nxb ĐHSP. H.; Hoàng Trọng Phiến 1980. Ngữ pháp tiếng Việt – Câu. Nxb ĐH&THCN. H.; Hoàng Tuệ 1962. Giáo trình về Việt ngữ, T1. H.; Nguyễn Kim Thản 1997. Cơ sở ngữ pháp tiếng Việt. Nxb KHXH. H.
[2] Theo quan điểm của Cao Xuân Hạo thì đây là một thứ “đề tình thái” (Cao Xuân Hạo 1991. Tiếng Việt, sơ thảo ngữ pháp chức năng - Q1. Nxb KHXH, Tp. HCM).
[3] Trong bài viết “Mặc dù, nhưng và quan hệ nhượng bộ”, Nguyễn Vân Phổ gọi là điều kiện cực đoan (extreme condition). Trong bài này, tác giả cũng phân tích khá chi tiết vai trò ngữ pháp và ngữ nghĩa của dù, thì, cũng, vẫn [13].
[4] Haiman John 1978. Conditionals are Topics. Language 46, pp 585-595.
[5] Cao Xuân Hạo 2004. “Cái khó bó cái khôn” nghĩa là gì? T/c Ngôn ngữ và Đời sống, số 10/2004. H.
[6] Ủy ban Khoa học Xã hội 1983. Ngữ pháp tiếng Việt. Nxb KHXH. H., tr. 212.

No comments:

Post a Comment