Saturday 9 May 2015

QUAN HỆ NHÂN QUẢ VÀ CÂU ĐIỀU KIỆN



QUAN HỆ NHÂN QUẢ VÀ CÂU ĐIỀU KIỆN[1]


1.         Câu điều kiện (conditionals) và câu nguyên nhân (causals) thường được trình bày trong các sách ngữ pháp nhà trường (ngữ pháp “truyền thống”) như là hai kiểu câu không hề có sự liên quan gì về ý nghĩa. Tuy nhiên, ngay từ những mô hình câu điều kiện mang tính hình thức này, đã từ lâu, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng quan hệ điều kiện của ngôn ngữ tự nhiên rất khác với quan hệ điều kiện trong logic học. Và cái làm nên sự khác nhau đó chính là quan hệ nhân quả hàm chứa trong câu điều kiện của ngôn ngữ tự nhiên. Nhờ phát hiện này, câu nguyên nhân và câu điều kiện trở nên rất gần gũi về ý nghĩa: giữa hai mệnh đề tạo câu cùng tồn tại mối quan hệ nhân quả.
Và trong một chừng mực nào đó có thể nói rằng phát hiện về tính nhân quả là một nỗ lực của các nhà ngôn ngữ nhằm bổ sung cho thuyết hàm chân ngụy, nhằm góp phần giải thích ý nghĩa câu điều kiện trong ngôn ngữ tự nhiên.
       
     Năm 1978 bài báo “Conditionals are topics?” của Haiman xuất hiện lần đầu trên tạp chí Language và được giới ngôn ngữ coi như là một cái mốc đánh dấu một quan điểm mới trong cái nhìn về câu điều kiện – điều kiện là những chủ đề. Quan điểm này đã tạo ra một cuộc tranh luận khoa học sôi nổi chung quanh tư cách chủ đề của điều kiện, và nó đã tỏ ra có tính khái quát cao đến mức hầu như chưa có nhà nghiên cứu nào thực sự bác bỏ được. Tuy nhiên, những hạn chế của nó đã bộc lộ chính ở chỗ không bao quát nổi tính nhân quả: quan điểm “điều kiện là chủ đề” vẫn không cắt nghĩa thỏa đáng sự chia sẻ ngữ nghĩa giữa câu điều kiện và câu nguyên nhân; hay nói đúng hơn, hạn chế của nó là đã tách bạch hai loại câu có cùng một chức năng ngữ nghĩa thành hai loại cấu trúc đối lập nhau.
Do khuôn khổ có hạn, trong bài này chúng tôi sẽ chỉ trình bày tóm lược một số lập luận về quan hệ nhân quả trong câu điều kiện. Và từ góc độ này, chúng tôi thử đưa ra một vài bổ sung cho quan niệm chức năng về quan hệ giữa khung đề điều kiện và phần thuyết được trình bày trong “Tiếng Việt: sơ thảo ngữ pháp chức năng” của Cao Xuân Hạo.
2.         Theo Kant, quan hệ nhân quả, giống như thời gian và không gian, tạo ra những phạm trù cơ bản trong nhận thức của con người. Quan hệ nhân quả không phải là một phạm trù được chúng ta nhận biết từ kinh nghiệm mà là một trong những phạm trù cơ sở (primitive) giúp cho chúng ta giải thích kinh nghiệm.([2]) Dữ liệu về quá trình thụ đắc ngôn ngữ, cũng như những từ ngữ liên văn hóa, tỏ ra phù hợp với quan điểm của Kant: các ngôn ngữ đều có một số đơn vị từ vựng liên quan đến quan hệ nhân quả.
Theo nhiều nhà nghiên cứu, quan hệ nhân quả có thể thể hiện trên bề mặt ngôn ngữ ở nhiều hình thức như cấu trúc điều kiện, cấu trúc nguyên nhân, cấu trúc gây khiến. Thậm chí, mối quan hệ đó còn thể hiện trong những câu có chứa liên từ and (và), or (hay) và dấu chấm.
2.1. “Điều kiện” (conditionals) đã được các nhà triết học và các nhà logic học châu Âu nói đến từ lâu. Định nghĩa sớm nhất về từ If và được đa số nhà logic ngày nay tuân theo là định nghĩa theo bảng giá trị chân lý:
P
Q
P ® Q
Đ
Đ
Đ
Đ
S
S
S
Đ
Đ
S
S
Đ
(P: điều kiện/tiền đề; Q: kết quả/kết đề; P ® Q: P kéo theo P/Nếu P thì Q; Đ: đúng, S: sai)
Nếu áp dụng định nghĩa trên vào ngôn ngữ tự nhiên thì có khả năng sinh ra những câu tương tự như sau:
(1)    If Hitler was a military genius, London is in England. (Nếu Hiller là một thiên tài quân sự thì Luân Đôn ở nước Anh) (Thí dụ của Church – dẫn theo Haiman)
Câu trên có tiền đề (Hitler là một thiên tài quân sự) sai, nhưng có kết đề (Luân Đôn ở nước Anh) đúng. Căn cứ vào bảng giá trị chân lý, câu trên là một câu đúng. Nhưng trong ngôn ngữ tự nhiên một câu như vậy khó có thể được chấp nhận.
Theo Comrie (1986), các loại câu này là kì dị bởi vì trong ngôn ngữ tự nhiên (tương phản với ngôn ngữ nhân tạo của logic) If đòi hỏi một liên kết nhân quả (causal connection) giữa hai mệnh đề liên quan. Comrie đưa ra cách xác định riêng: câu điều kiện “là sự kết hợp phép kéo theo với tính quan yếu của một quan hệ nhân quả giữa mệnh đề trước và mệnh đề sau".
Ý kiến của Comrie được nhiều người ủng hộ. Bacbara Dancygier cho rằng sẽ là thiếu sót nếu không có sự chú ý thích đáng đến xu hướng diễn đạt nguyên nhân trong câu điều kiện (Dancygier 1998: 80):
(2)           Nếu anh thêm kem thì món salát này mùi vị sẽ ngon hơn.
Chúng ta thấy rằng một trong những nội dung mệnh đề của câu trên là việc thêm kem là một nhân tố dẫn đến / làm cho hương vị salát ngon hơn.
Bà còn nói khi những sự kiện thế giới thực được đặt trong quan hệ điều kiện đủ (sufficient conditional của Van der Auwera (1986))([3]) thì ý nghĩa nhân quả là ý nghĩa bản chất nhất.
Nghĩa là nếu một sự kiện P (rơi cái ly) là điều kiện đủ cho sự kiện Q (cái ly vỡ) thì câu Nếu anh làm rơi cái ly này thì nó sẽ vỡ, có thể hiểu một cách tự nhiên là hành động làm rơi sẽ làm vỡ cái ly (sđd: 82).
Sweetser (1990), người nghiên cứu ngữ nghĩa điều kiện dưới quan điểm của ngôn ngữ học tri nhận, cũng thừa nhận mối quan hệ nhân quả giữa hai mệnh đề trong câu điều kiện. Bà cho rằng sự việc được miêu tả trong mệnh đề phụ có thể là nguyên nhân đủ cho sự kiện được miêu tả ở mệnh đề chính:
(3)           Nếu Mary đi thì John sẽ đi.
Ở đây việc Mary đi dẫn đến (làm cho) John đi hoặc việc Mary không đi trong trường hợp nào đó có thể làm cho John không đi (Sweetser 1990: 114).
Cũng có khi, người nói dựa vào suy luận "nhân quả" để đưa ra một nhận định nào đó:
(4)           Nếu anh uống sữa thẳng từ bình thì ngày mai sữa sẽ chua.
Sở dĩ có suy luận này là vì việc uống sữa thẳng từ bình (không rót ra cốc) làm cho sữa nhiễm khuẩn và điều này sẽ là nguyên nhân làm cho sữa chua.
Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng không nên hiểu quan hệ nhân quả một cách cứng nhắc, mà nên nhìn nhận trong cách hiểu phổ biến, thông thường của ngôn từ, vì nó phản ánh cái cách thức mà người nói và người nghe hiểu trong hoạt động giao tiếp thực tế. Chẳng hạn, Sweetser lưu ý rằng quan hệ nhân quả được nói ở đây là quan hệ nhân quả theo nghĩa rộng trong logic học và trong ngôn ngữ học, trong đó sự “cho phép” (enable) cũng được xử lý như là sự gây khiến (causation).
(5)     Nếu tôi là tổng thống, tôi sẽ bán hết đồ sứ ở Nhà Trắng để tài trợ cho giáo dục song ngữ.
Ở đây việc làm tổng thống không phải là nguyên nhân mà chỉ là sự “cho phép” hành động mua bán, nhưng hai mệnh đề trên vẫn được xem như có mối liên kết nhân quả.
2.2. Von Wright (1975) lập luận rằng con người có khả năng can thiệp có chủ ý vào các sự kiện và do đó thay đổi quá trình mặc nhiên của nó. Ông khẳng định quan điểm: sự can thiệp nhân quả khả hữu là thực chất của quan hệ điều kiện.
Trong câu có liên từ nhân quả, quan hệ nhân quả được diễn đạt một cách rõ ràng thông qua các biểu thức ngôn ngữ học (linguistic expressions), trong tiếng Anh sẽ là các dấu hiệu because, as, since, trong tiếng Việt là , nên, bởi, do, tại v.v..
Trong câu điều kiện, có sự thiết lập những giả thiết và đưa ra những tiên đoán dựa trên giả thiết. Những tiên đoán này có được nhờ những gợi ý từ quan hệ nhân quả – tuy chúng ta cũng có thể thiết lập những quan hệ như thế từ kiến thức nền. Quan hệ điều kiện trong tiếng Anh được thể hiện tiêu biểu bằng liên từ if, trong tiếng Việt là các từ nếu, hễ, giá.
Tuy nhiên liên từ because có những khác biệt rõ rệt so với sinceas. Các mệnh đề because tiêu biểu là những mệnh đề đặt sau (đặt bên phải) theo trật tự kết quả – nguyên nhân, trong khi đó các mệnh đề if lại được đặt trước (đặt bên trái) theo trật tự nguyên nhân – kết quả. Chính điều này cho phép mệnh đề điều kiện đảm đương một chức năng khác là chức năng chủ đề. Ở tiếng Việt, Cao Xuân Hạo cũng cho giới từ ở vị trí đầu vế 2 là tiêu biểu hơn, và do đó không thể mang chức năng chủ đề.
Sự khác nhau cơ bản giữa if và các liên từ nhân quả nói chung là liên từ nhân quả dẫn nhập thông tin thực được khẳng định, còn if thì không. Ramsey khẳng định "If A, B" thật sự đẳng nghĩa với “Because A, B” khi được biết là có giá trị đúng. Thuật ngữ “điều kiện”, theo ông, có thể được hiểu là môi trường cần thiết để nguyên nhân hoạt động (xem Platts 1979).
Từ những ghi nhận trên, chúng ta có thể khái quát như sau:
Nguyên nhân: quan hệ nhân quả + Mđ1 sự thật (VÌ)
Điều kiện: quan hệ nhân quả + Mđ1 giả định (NẾU)
3.         Căn cứ vào những công trình nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt đã công bố từ trước đến nay có thể thấy có hai quan điểm tiếp cận câu nói chung và câu điều kiện nói riêng: quan điểm hình thức (hay thường gọi là quan điểm “truyền thống”) và quan điểm chức năng.
3.1. Đa số các công trình nghiên cứu về câu điều kiện (các sách ngữ pháp của Trương Văn Chình và Nguyễn Hiến Lê (1963), Hoàng Tuệ (1962), Nguyễn Kim Thản (1997), v.v.) đều không nhắc đến mối quan hệ nhân quả. Câu điều kiện và câu nhân quả được xem là những cấu trúc giống nhau về hình thức ở chỗ đều do sự kết hợp qua lại hai mệnh đề, khác nhau ở chỗ một bên được đánh dấu bằng nếu...thì..., một bên được đánh dấu bằng vì...nên.... Chính vì vậy, sự có mặt của một trong hai tác tố, nhất là tác tố của mệnh đề đầu câu, là hết sức cần thiết để hiển ngôn quan hệ nghĩa giữa hai mệnh đề. Trong trường hợp vắng mặt cả hai tác tố, thậm chí khi hai mệnh đề đứng riêng thành hai câu độc lập, tùy vào ngữ cảnh mà người ta có thể nhận biết đó là quan hệ điều kiện hay là quan hệ nhân quả.
Chỉ trong “Ngữ pháp tiếng Việt – Câu” (1985) Hoàng Trọng Phiến mới có một nhận xét sơ bộ rằng nghĩa của câu điều kiện gần với câu nguyên nhân.
Mãi đến quyển “Cú pháp tiếng Việt” của Hồ Lê (1992), quan hệ nhân quả trong câu điều kiện mới được thừa nhận. Tác giả xếp cả 4 loại câu sau đây vào “câu điều kiện hệ quả”: (1) câu điều kiện hệ quả có điều kiện giả định thuận với hệ quả: nếu1thì…, hễ…thì…, giá mà…, phải chi…, giả sử..., (2) câu điều kiện hệ quả có điều kiện giả định nghịch với hệ quả: dù cho…, cho dù…, dù…, dầu…; (3) câu điều kiện hệ quả có điều kiện thực thuận với hệ quả: vì…nên…, do…, tại…, hèn chi…, nếu2thì...; (4) câu điều kiện hệ quả có điều kiện hiện thực nghịch với hệ quả: mặc dù…nhưng..., tuy…nhưng
Việc gộp các tiểu loại như thế chứng tỏ Hồ Lê đã lấy quan hệ nhân quả làm cơ sở để phân định câu. Và ông cũng đã hiển ngôn như sau: “Một câu như câu sau đây tuy có hình thức tương tự (tương tự với câu cách thức – hành động, chú thích của LTMH) lại là câu điều kiện – hệ quả: Vội vàng, ông Ba đánh đổ cả lọ mực.
Bởi vì giữa hai thành phần của câu, tồn tại quan hệ nhân quả” (Hồ Lê 1992: 325).
Hơn nữa, việc tách ra 2 loại từ NẾU (nếu1 trong tiểu loại 1 (cùng loại với hễ…thì…, giá mà…, phải chi…, giả sử...  nếu2 trong tiểu loại 3 (cùng loại với vì…nên…, do…, tại…, hèn chi…) cho thấy rằng Hồ Lê đã nhìn thấy nếu cũng có khi biểu hiện nghĩa nguyên nhân. Và ông cũng cho thấy nếu2  khác nếu1  ở tính giả định – hiện thực: “Sau NẾU là hiện thực đã xảy ra và là tiền đề hợp lý của cái hệ quả đặt sau THÌ” (sđd: 339).
Nguyễn Đức Dân, trong bài “Quan hệ nghịch nhân quả” (2002), đã bàn tương đối kỹ về mối quan hệ này.
Ông viết :"Nhiều hiện tượng, trong tự nhiên cũng như trong xã hội thường có quan hệ với nhau. Quan hệ phổ biến giữa chúng là quan hệ nhân quả. Hai hiện tượng X và Y được xem là có quan hệ nhân quả khi "xảy ra hiện tượng X thì sẽ xảy ra hiện tượng Y"" (Nguyễn Đức Dân 2002: 17). Quan hệ này, theo ông, được thể hiện ở các câu nguyên nhân – kết quả và điều kiện – kết quả.([4])
Đi sâu vào phân tích mối quan hệ ngữ nghĩa của các kết cấu có quan hệ nhân quả giữa hai thành phần, Nguyễn Đức Dân dẫn hai ví dụ: một là câu nguyên nhân, một là câu điều kiện:
(6)            Vì chăm học nên nó học rất giỏi
(7)            Nếu chăm học thì nó sẽ học rất giỏi
Ông cho là cả hai tuy không đồng nhất với nhau nhưng đều thể hiện quan hệ nhân quả. Sở dĩ như vậy là vì cả hai đều đáp ứng định nghĩa: "Khi xảy ra hiện tượng X (chăm học) thì xảy ra hiện tượng Y (học rất giỏi).
Quan hệ nhân quả không chỉ được thể hiện ở câu NẾU... THÌ... Một trong những  ví dụ được ông dẫn ra có cả câu điều kiện chứa cặp từ nối CỨ... LÀ....  Ông viết: “Câu “Cứ thấy anh là nó khóc vì nó nhớ đến bố phản ánh những quan hệ nhân quả sau:
i)                 sự xuất hiện của anh làm nó nhớ đến bố.
ii)    nhớ bố nên nó khóc". (sđd: 18)
Không chỉ thừa nhận mối quan hệ nhân quả trong câu điều kiện, Nguyễn Đức Dân còn khẳng định câu nhượng bộ là câu có quan hệ nghịch nhân quả.
3.2.             Ngữ pháp chức năng xem câu điều kiện là một câu đơn có hai thành phần: thành phần thứ nhất là khung đề, thành phần thứ hai là thuyết. Nếu đối chiếu với ngữ pháp truyền thống thì khung đề là mệnh đề phụ chỉ điều kiện, thuyết là mệnh đề chính chỉ kết quả.
Khung đề được Cao Xuân Hạo trong sách “Sơ thảo...” định nghĩa như sau: Khung đề là phần câu nêu những điều kiện làm thành cái khung cảnh huống thời gian, không gian trong đó điều được nói ở phần Thuyết có hiệu lực (Cao Xuân Hạo 1991: 82).
Giữa khung đề và thuyết, về mặt ý nghĩa, tồn tại nhiều mối quan hệ, trong đó có mối quan hệ điều kiện. Nếu gọi khung đề có ý nghĩa điều kiện là khung đề điều kiện thì mệnh đề điều kiện (theo quan niệm truyền thống) chỉ là một bộ phận của cái khung điều kiện này. Các bộ phận còn lại khác của khung đề điều kiện có thể kể là mệnh đề điều kiện nhượng bộ (bắt đầu bằng trong kiểu câu thường gọi là câu “nhượng bộ” dù...thì...) và danh ngữ thời gian (bắt đầu bằng khi).
Quan điểm câu điều kiện là câu đơn đối lập với quan điểm xem câu điều kiện là câu ghép của hầu hết các nhà Việt ngữ học khác (Hoàng Tuệ, Nguyễn Kim Thản, Diệp Quang Ban, Hoàng Trọng Phiến). Sở dĩ có sự khác nhau một cách cơ bản như thế là do sự bất đồng trong việc nhìn nhận cương vị của các thành phần câu: các nhà Việt ngữ học truyền thống cho câu điều kiện là câu do hai mệnh đề “ghép” lại trong khi Cao Xuân Hạo chỉ cho tiểu cú điều kiện là một khung đề, và cả câu mới tương ứng với một mệnh đề (một nhận định).
Sách “Ngữ pháp tiếng Việt” (Ủy ban khoa học xã hội Việt Nam, 1983), cũng như các sách ngữ pháp truyền thống khác, xử lý những câu ghép qua lại điều kiện và nguyên nhân như sau: bộ phận đứng trước là tiền đề, bộ phận đứng sau là kết luận:
                        Nếu     N1      thì        N2
                               N1       nên      N2 [11,211]
Trong khi đó, “Sơ thảo...” đã xử lý hai loại câu trên hoàn toàn khác. Giới ngữ điều kiện được cho là giữ chức năng khung đề bất kể vị trí trước sau. Còn giới ngữ nguyên nhân là trạng ngữ.
Sự khác nhau về mặt chức năng của hai loại giới ngữ này được Cao Xuân Hạo giải thích như sau: Nội dung của các trạng ngữ trong câu nguyên nhân không tương ứng với định nghĩa về khung đề. Nó không phải là cái "khung cảnh huống, thời gian, không gian trong đó điều được nói ở phần tiếp theo có hiệu lực" (sđd: 82).
(8)           Vì cháu nó ốm tôi không đến được
"Vì cháu nó ốm" không phải là phần đề vì không thể nói rằng "tôi không đến được" là một nhận định có giá trị trong phạm vi “cháu nó ốm”. Tình huống này chỉ giải thích sự tình được nhận định ở phần sau chứ không phải là phạm vi ứng dụng của nó. Vị trí của các ngữ đoạn vì..., tuy... là tùy chọn, có thể đặt ở phía sau vị từ của phần thuyết, cũng có thể đặt ở đầu câu. Và cho dù đặt ở đầu câu thì nó cũng không phải là khung đề.
            “Sơ thảo…” cho rằng sự không tương ứng giữa câu điều kiện và câu nguyên nhân biểu thị một cách minh xác trên bình diện hình thức ngữ pháp. Ở câu điều kiện và điều kiện nhượng bộ có tác tử phân giới Đề Thuyết THÌ hoặc LÀ. Còn câu nguyên nhân và câu nhượng bộ không hề có tác tử này.
            Như vậy có thể thấy, các nhà Việt ngữ học truyền thống xem cú pháp của câu điều kiện và câu nhân quả là như nhau, trong khi ngữ nghĩa của chúng thì biệt lập nhau. (Trên cái nền cú pháp ấy, chỉ có Hồ Lê và Nguyễn Đức Dân thấy được quan hệ nhân quả trong câu điều kiện). Còn với quan niệm chức năng, câu điều kiện và câu nhân quả đối lập nhau về cú pháp và quan hệ nhân quả trong ngữ nghĩa câu điều kiện đã không được bàn luận.
Đọc lại các công trình nghiên cứu ở nước ngoài, chúng ta cũng có thể nhặt ra những phản bác của những người theo chủ nghĩa nhân quả đối với quan niệm điều kiện là những chủ đề.
Sweetser cho rằng Haiman chỉ chứng minh được một chiều, đó là sự tương quan giữa chỉ tố chủ đề và điều kiện, còn chiều ngược lại (tức là sự không tương quan giữa chỉ tố chủ đề và nguyên nhân) thì không được đề cập đến.
Bà còn nói: “Nếu muốn cho câu điều kiện là chủ đề (đặc biệt cho những câu điều kiện phản hiện thực) chúng ta phải thừa nhận rằng một chủ đề là một đơn vị ngôn ngữ nào đó diễn đạt một bối cảnh quan hệ với điều gì khác được biểu hiện ở mệnh đề chính (như Haiman đã thừa nhận)”.
Và nếu chấp nhận điều này thì không phải chỉ duy nhất mệnh đề điều kiện có khả năng làm chủ đề. Nhiều cấu trúc ngôn ngữ khác cũng biểu thị điều gì đó làm bối cảnh, để dựa vào nó mà một điều gì được biểu thị, chẳng hạn mệnh đề since được xem là có chức năng này.
(9)     Well, if (as you say) he had lasagne for lunch, he won't want spaghetti for dinner. (tạm dịch: Nếu (như anh nói) nó đã ăn món lasagne bữa trưa, nó sẽ không thích món spaghetty cho bữa tối đâu).
(10)      Well, since he had lasagne for lunch, he won't want spaghetti for dinner. (tạm dịch: Bởi vì nó đã ăn món lasagne bữa trưa, nó sẽ không thích món spaghetty cho bữa tối đâu).
Về cấu trúc, (9) và (10) tương tự nhau: trong cả 2 câu, mệnh đề thứ nhất đều tạo ra cơ sở cho mệnh đề thứ hai đúng (Sweetser 1990: 126), có nghĩa là cả hai đều là bối cảnh cho phần đi sau nó.
4.         Mặc dù có những phản bác như trên, theo nhận xét riêng của chúng tôi, về mặt cú pháp, cách xử lý điều kiện là khung đề cũng tỏ ra có nhiều ưu điểm. 
Ưu điểm nổi bật nhất của quan niệm điều kiện là khung đề là tính bao quát của nó. Mức bao quát của nó bao trùm lên cả những câu được gọi là điều kiện giả (hình thức là điều kiện nhưng không mang những đặc trưng nghĩa của điều kiện như tính giả thiết, tính nhân quả), câu điều kiện hành động ngôn từ và những câu nhượng bộ (dù...thì...). Ưu điểm đó càng trở nên có giá trị khi quan hệ nhân quả, cái dường như được xem là cốt lõi của ngữ nghĩa điều kiện, không thể dùng để giải thích tất cả những câu có bề mặt hình thức bề mặt nếu...thì...:
(11) Nếu tối hôm trước mà ráng chiều có màu đỏ thì hôm sau trời tốt.
(12) Nếu ông ấy là hiệu trưởng thì tôi là bộ trưởng Bộ Giáo dục.
Câu (11), “ráng chiều có màu đỏ” dĩ nhiên không phải là nguyên nhân của “trời tốt” vào ngày hôm sau, dù rằng trong thực tế có thể có một mối liên hệ nào đó về mặt khí tượng học. Câu (12) cũng không tìm thấy mối quan hệ nhân quả nào giữa hai mệnh đề: sự việc “ông ấy” là hiệu trưởng một trường học nào đó không phải là nguyên nhân của sự việc “tôi” là bộ trưởng. Giữa hai sự kiện này có một mối liên hệ, nhưng rõ ràng không phải là nguyên nhân và kết quả.
Wierzbicka (1996: 69) cho là dường như if thường liên quan đến liên kết nhân quả, tuy nhiên bà cũng cho rằng sự liên kết với because không phải luôn luôn hiện diện:
(13) Nếu anh ấy xúc phạm tôi thì tôi sẽ tha thứ cho anh ấy
Câu (13) không ngụ ý rằng tôi sẽ tha thứ cho nó bởi vì nó xúc phạm tôi và sự xúc phạm không phải là nguyên nhân của sự tha thứ.
Bên cạnh những ưu điểm đã trình bày, cách xử lý điều kiện là khung đề trong “Sơ thảo...” tuy vậy vẫn còn một vài chỗ chưa thật hệ thống. Và trong phần dưới đây chúng tôi muốn đưa ra những bổ sung cần thiết và tương đối cụ thể mà góc nhìn nhân quả đã gợi ra cho chúng tôi.
4.1. Vấn đề tiểu cú điều kiện đặt sau
Xét hai câu sau:
(14) Tôi nghỉ học    vì bị ốm.
Tôi
nghỉ học
vì bị ốm
Đề
Thuyết

vị ngữ
trạng ngữ
(15) Tôi nghỉ học    nếu bị ốm.
Tôi nghỉ học
nếu bị ốm
Thuyết
Khung đề
Câu (14) là câu nguyên nhân, câu (15) có điều kiện đặt ở cuối câu, khác với dạng câu điều kiện thông thường.
Nếu thừa nhận quan hệ nhân quả vốn có ở câu điều kiện thì hai câu trên có một bộ phận chức năng ngữ nghĩa như nhau, chỉ có một điểm khác là câu điều kiện (15) chỉ một sự việc giả định, có khả năng xảy ra hoặc không xảy ra, còn câu nguyên nhân (14) thì thuật lại một sự việc đã xảy ra rồi. Xét về mặt hình thức thì chúng (vì bị ốm, nếu bị ốm) đều là giới ngữ, đặt sau phần thuyết. Nhưng “Sơ thảo...” lại cho rằng chúng khác nhau về mặt chức năng ngữ pháp, ở (14) ta có một trạng ngữ, ở (15) ta có một khung đề. Cũng cần phải nói thêm, trong khi coi trật tự trước sau trong câu của các giới ngữ là quan trọng, như là một tiêu chí phân biệt khung đề và trạng ngữ, “Sơ thảo...” lại cho chu ngữ điều kiện đặt sau không phải là trạng ngữ mà là khung đề.([5])
Lại xét hai trường hợp sau:
(16) Sở dĩ tôi không đến được là vì cháu nó đang ốm.
kết quả                       nguyên nhân            (Quan hệ nhân quả)
đề                              thuyết                      (Quan hệ đề thuyết)
(17) Tôi không đến được nếu cháu nó ốm
kết quả               điều kiện              (Quan hệ nhân quả)
thuyết                 khung đề                (Quan hệ đề thuyết)
Trong nội bộ các giới từ đánh dấu nguyên nhân có một trường hợp duy nhất (sở dĩ...là vì...) ở đó câu nguyên nhân được xử lý như là quan hệ đề thuyết giữa hai thành phần trong đó kết quả là phần đề, nguyên nhân là phần thuyết.
Nếu đứng trên quan điểm thừa nhận giữa hai thành phần câu có quan hệ nhân quả thì cách xử lý như trên có tính chất phân biệt: hai tiểu cú cùng biểu hiện nghĩa kết quả, cùng đứng vị trí đầu câu, thì một là đề (giới ngữ có sở dĩ làm trung tâm), còn một là thuyết.
Cao Xuân Hạo có đưa ra một lời giải thích cho trường hợp này như sau: “trật tự M1 đứng trước M2 đứng sau là trật tự thuần Việt, còn M1 đặt sau là do ảnh hưởng của tiếng Pháp” (sđd: 93). Chúng tôi nghĩ cách giải thích này chưa đủ sức thuyết phục.
4.2. Quan hệ nguyên nhân cũng là một trong những mối quan hệ nghĩa giữa đề và thuyết.
Trong “Sơ thảo...”, khi bàn về các mối quan hệ ngữ nghĩa có thể có giữa đề và thuyết, Cao Xuân Hạo có đưa ra các quan hệ tham tố trực tiếp, tham tố gián tiếp và phi tham tố. Trong mối quan hệ phi tham tố, có những mối quan hệ cụ thể như: quan hệ đẳng thức, quan hệ định tính, quan hệ điều kiện, quan hệ ẩn nghĩa. Theo quan sát của chúng tôi, giữa khung đề và thuyết còn một mối quan hệ nữa. Đó là mối quan hệ nhân quả.
Trong tiếng Việt, có thể diễn đạt theo cách của Cao Xuân Hạo, khi cả đề và thuyết đều là sự tình, sự tình thứ nhất làm thành cái khung giải thích cho sự hiện hữu của sự tình thứ hai, ta có quan hệ nghĩa nhân quả. Nếu xem khung đề được đánh dấu bằng thì là đặc trưng của quan hệ điều kiện (hiểu theo nghĩa rộng nhất) thì có thể diễn đạt rằng trong tiếng Việt có những phát ngôn biểu hiện nghĩa nhân quả dưới hình thức của một cấu trúc điều kiện. Tuy nhiên cách diễn đạt thứ hai này tỏ ra không chặt chẽ vì nó hàm ý rằng có một quan hệ nghĩa thứ hai (nghĩa nhân quả) bên dưới quan hệ nghĩa thứ nhất (nghĩa điều kiện).
Quả thực, trong thực tế có những khung đề chỉ có tác tử đánh dấu thì([6]) chỉ có một cách diễn giải duy nhất là nguyên nhân thì mới thích hợp với nghĩa của diễn ngôn; khả năng thêm nếu, hoặc khi vào trước tiểu cú “điều kiện” bị loại trừ một khi “điều kiện” là một sự tình hiện thực.
Dưới đây chúng tôi sẽ dẫn ra một số trường hợp mà khung đề (có cấu tạo của một tiểu cú hay một ngữ vị từ) được đánh dấu bằng thì thỏa những tiêu chí mà “Sơ thảo...” đã đề cập cho việc xác định khung đề. Về mặt nghĩa, những câu này chỉ có thể cải biến thành các cấu trúc nhân quả tiêu biểu với , nên, ...nên... để có thể phù hợp với nội dung cuộc thoại.
(18) Liên: Nhưng nhà tôi không trông thấy gì hết anh ạ.
 Văn: Chị rõ lẩn thẩn. Anh ấy vừa say rượu, hơi men bốc lên, vừa bị thương ở mi mắt thì còn trông thấy gì. Tôi đã xem kỹ rồi…
(Gánh hàng hoa-59)([7])
(19) Minh: Xưa nay không có đồng hồ thì đã sao?
Văn: Nhưng lần này thì anh cứ cầm cho tôi bằng lòng. Ở nhà tôi đã có đồng hồ treo. Vả tôi thường vẫn đến đây học với anh thì cũng tiện cho tôi lắm.                                                                   (Gánh hàng hoa-31)
(20)                               Nhung: Em đọc văn anh mà em yêu anh quá, anh ạ, em cứ tưởng họ đặt ra câu chuyện anh mù). Nhưng nay em thấy anh mù thật, thì em thích quá, mà em càng yêu anh.
Minh: Vậy ra cô chỉ thích tôi mù mãi.
Nhung: Không phải thế. Nhưng em thấy anh thành thực thì em yêu đó thôi. Đàn bà chúng em yêu nhất hạng người thành thực.
                                                                                    (Gánh hàng hoa-183)
(21) Tuổi thanh niên là tuổi chơi bời. Họ dễ ham mê tửu sắc lắm. Mình quê mùa, cũ kỹ thế này thì giữ sao nổi tấm lòng yêu của họ. Đến ra đường đi với mình, họ còn lấy làm ngượng nữa là.
                                                                                                (Gánh hàng hoa-51)
(22) Hoạt: Hôm nay mợ giáo không đi bán hoa
Liên: Tôi là mợ giáo đâu mà ông gọi tôi là mợ giáo.
Hoạt: Cậu Minh đỗ ông giáo thì mợ chẳng là mợ giáo còn là mợ gì.
(Gánh hàng hoa-221)
(23) Cái đám cưới mới giản dị và cảm động làm sao! Bên giường người ốm, hai vợ chồng cùng quỳ và cùng khóc. bà lão thấy con gái đã thành gia thất, và lại lấy được người chữ nghĩa giỏi giang, sau này thế nào cũng làm nên thì sung sướng quá đến nỗi lịm đi.
                                                                                                (Gánh hàng hoa-10)
Trong tất cả các dẫn chứng trên, các tiểu cú “điều kiện” đều là những khung cảnh huống nguyên nhân chứ không thể tồn tại một cách hiểu nào khác.
Ở (18), Văn giải thích cho Liên nghe cái lý do vì sao Minh không thể thấy mọi vật chung quanh "Vì Văn say rượu và bị thương ở mi mắt nên không trông thấy được". (18) không thể thêm nếu hoặc khi vào được.
Ở (19), Văn giải thích cho bạn nghe lý do vì sao mình đưa cái đồng hồ cho bạn. Có 2 lý do: lý do thứ nhất là nhà Văn đã có đồng hồ, lý do thứ hai (được đánh dấu bằng từ vả) là Văn thường vẫn đến học chung với Minh "nên càng tiện". Ở đây sự có mặt của khi hoặc nếu có thể không có vấn đề về cú pháp nhưng sẽ dẫn đến sự không tương quan với bối cảnh của câu chuyện.
Ở (20), có hai khung đề điều kiện. Chúng ta có thể so sánh để thấy rằng khung đề đầu là cảnh huống thời gian "khi em thấy anh mù thật thì em thích quá…". Sau đó Minh có ý hiểu lầm câu nói của Nhung, cho là cô ấy thích mình mù nên Nhung tìm cách giải thích vì sao cô ấy nói như vậy "vì em thấy anh thành thực nên em yêu đó thôi". Khung đề sau chỉ có thể là cảnh huống nguyên nhân mà thôi.
Ở (21), chúng ta đọc thấy tâm sự của Liên. Cô suy nghĩ về việc chồng mình không thích mình. Chồng cô đang ở cái tuổi ham chơi bời, thích các cô gái đẹp. Rồi cô lập luận: "Vì cô không phải là các cô gái đẹp (thực tế là cô quê mùa) nên cô không giữ được tấm lòng yêu của chồng". Cô đã tìm ra lý do để tự giải thích cho mình. Ở đây “cũ kỹ”, “quê mùa” không hề là một sự việc giả định, cũng không phải là một cảnh huống thời gian, nó chính là một cảnh huống nguyên nhân.
Ở (22), Hoạt giải thích lý do vì sao mình gọi Liên là mợ giáo. "Vì cậu Minh đỗ ông giáo nên mợ là mợ giáo". Trong câu chuyện, Minh đã đỗ ông giáo rồi cho nên Hoạt không thể nào nêu lên một giả thiết với từ nếu, lại càng không thể dùng khi.
Ở (23), cấu trúc Vì...thì... cho thấy rằng thì cũng được dùng để đánh dấu khung đề trong câu nguyên nhân.
Sở dĩ có hiện tượng các cấu trúc điều kiện mà lại có thể có tiềm năng là một câu nguyên nhân, là vì, như đã phân tích ở trên, bản chất mối quan hệ ngữ nghĩa giữa hai thành phần trong cấu trúc là quan hệ nhân quả, nên chỉ cần có sự di chuyển từ tính giả định sang tính hiện thực là đã có thể một câu điều kiện tương đồng với một câu nguyên nhân. Noriko Akatsuka (1985: 29) cho rằng khi M1 di chuyển sang phạm vi hiện thực thì quan hệ điều kiện trở thành quan hệ thời gian và nguyên nhân – kết quả.
Và cũng vì lẽ đó có khi người ta cũng sử dụng câu điều kiện để thể hiện nguyên nhân vì một mục đích phát ngôn nào đấy. Và từ thì, rất nhiều trường hợp đánh dấu nghĩa nguyên nhân.
Sự nhập nhằng giữa nguyên nhân và điều kiện của thì, một lần nữa, củng cố thêm bản chất nhân quả của câu “điều kiện”.
Từ những dẫn chứng về từ thì ở trên đưa đến một hệ quả là chúng ta có thể bổ sung mối quan hệ nguyên nhân vào trong các mối quan hệ phi tham tố, bên cạnh các mối quan hệ đã được “Sơ thảo...” nêu ra là quan hệ định tính, quan hệ ẩn nghĩa và quan hệ điều kiện.

KẾT LUẬN
Tất cả các quan điểm đều sẽ trở nên sáng rõ hơn nếu chúng ta nhìn nó dưới góc độ của một quan điểm khác hay một bình diện khác.
Đưa quan hệ nhân quả vào quan điểm phân tích đề thuyết như chúng tôi đã trình bày ở trên, thực chất không tạo đối lập giữa cú pháp và ngữ nghĩa; và có nhiều công trình sử dụng cả hai quan điểm này. Chẳng hạn như công trình của Schiffrin, trong đó tác giả thừa nhận câu điều kiện là chủ đề nhưng vẫn dùng quan hệ nhân quả cho những phân tích ngữ nghĩa và cho rằng đề thuyết thuộc phạm vi của tổ chức diễn ngôn. Bà viết: “có quá nhiều lý do để tin rằng các Điều kiện chia sẻ nhiều thuộc tính ngữ nghĩa với Nguyên nhân và vì thế các sự tình có thể có một chức năng đơn nhất. Tuy nhiên cũng còn nhiều lý do để củng cố niềm tin rằng chỉ câu điều kiện mới có chức năng làm chủ đề, còn các trạng ngữ khác thì không” (Schiffrin 1992: 187).
Trong bài viết, chúng tôi đã cố gắng đứng trên góc độ quan hệ nhân quả (quan hệ logic-ngữ nghĩa) để bổ sung thêm một cái nhìn về cách xử lý câu điều kiện dưới quan điểm chức năng. Từ đó, chúng tôi đã bổ sung vào trong mối quan hệ ngữ nghĩa giữa khung đề và thuyết mối quan hệ nguyên nhân.
Thiết nghĩ, những phân tích sâu sắc và mở rộng hơn về mối ngữ nghĩa của khung đề điều kiện và thuyết (đặc biệt những yếu tố tạo thành khung đề có thể có những ý nghĩa rất khác biệt với nếu so với vì...nên...) là những vấn đề còn đang để mở.

TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH
1.      Cao Xuân Hạo 1991. Tiếng Việt- Sơ thảo ngữ pháp chức năng, q.I. Nxb KHXH. H.
2.      Comrie Bernard 1986. Conditionals: a typology. Trong On Conditionals, Elizabeth Closs Traugott. Cambridge University Press.
3.      Dancygier B. 1998. Conditionals and Prediction. Cambridge University Press.
4.      Haiman J. 1978. Conditionals are topics. Language 54.
5.      Hồ Lê 1992. Cú pháp Tiếng Việt, q.2. Cú pháp cơ sở. NxbKHXH. H.
6.      Hoàng Trọng Phiến 1980. Ngữ pháp tiếng Việt – Câu. Nxb KHXH. H.
7.      Lê Xuân Thại 2002. Mấy suy nghĩ về quan niệm Đề - Thuyết của GS Cao Xuân Hạo. Ngôn ngữ, số 14/2002. H. Tr. 71-80.
8.      Nguyễn Đức Dân 2002. Nỗi oan THÌ, LÀ, MÀ. Nxb Trẻ. TpHCM.
9.      Noriko Akatsuka 1985. Conditional and epistemic scale. Language Vol.61
10.   Schiffrin Deborah 1992. Conditionals as topics in discourse. Linguistic 30.
11.   Sweetser Eve 1990. From Etymology to Pragmatics. Cambridge.
12.   Ủy ban KHXHVN 1983. Ngữ pháp tiếng Việt. Nxb KHXH, Hà Nội.
13.   Van der Auwera Johan 1986. Conditionals and Speech Act. Trong On Conditionals, Cambridge University Press.
14.   Wierzbicka A. 1996. Semantics Primes and Universals. Oxford Uni Press.




[1] Bài đã đăng ở tạp chí Ngôn ngữ, số 8/2009, H.
[2] Dẫn theo Anna Wierzbicka (1996: 70).
[3] Sự kiện hay sự tình được miêu tả ở P, nếu được hiện thực hóa, sẽ là đủ đối với sự hiện thực hóa hay sự tình ở Q.
[4] Thực ra ông có đưa thêm 2 loại nữa là quy luật nhân quả và câu giả định nhưng theo chúng tôi 2 loại này cũng chỉ nằm trong phạm vi câu điều kiện – kết quả mà thôi.
[5] “Sơ thảo...” đã viết, mặc dù có đôi chút dè dặt, “nên coi những chu ngữ điều kiện đặt sau vị ngữ như những khung đề (Cao Xuân Hạo 1991: 93).
[6] Ý kiến này gặp nhiều phản bác, một trong những ý kiến đó là của Lê Xuân Thại. Ông chỉ ra 2 loại từ THÌ: (i) Thì trợ từ là một yếu tố ngữ dụng để nhấn mạnh hoặc biểu thị sự tương phản; (ii) Thì liên từ là một phương tiện tổ hợp cú pháp (khi…thì…, nếu…thì…, dù.. thì…) liên kết hai thành phần câu.
Theo ý kiến của Lê Xuân Thại thì hai từ THÌ ấy bị “Sơ thảo…” đồng nhất và lấy làm tiêu chí phân loại, qui tất cả cấu trúc có THÌ thuộc về một loại đó là Đề và Thuyết. Điều này dẫn đến một hệ quả là “Sơ thảo…” đã đồng nhất hai cấu trúc khác nhau: câu chủ vị và câu điều kiện làm một, mặt khác đối lập câu điều kiện – kết quả với các loại câu ghép khác không có THÌ được cấu tạo theo công thức VÌ…NÊN…, TUY…NHƯNG... (Lê Xuân Thại 2002. Mấy suy nghĩ về quan niệm Đề - Thuyết của GS Cao Xuân Hạo. Ngôn ngữ, số 14/2002. H. Tr. 71-80)

[7] Khái Hưng-Nhất Linh. Gánh hàng hoa. Nxb Văn nghệ Tp.Hồ Chí Minh. 1999.

No comments:

Post a Comment