Friday, 13 March 2020

CẢ không loại trừ





Cả là vị từ/tiểu từ tình thái có một nghĩa là “không loại trừ”, với hàm ý: “theo lẽ thường, đối tượng nói đến không hoặc ít có khả năng thuộc phạm vi tác động của vị ngữ nêu ra trước đó”.
Cả A nghĩa là không loại trừ A; trong đó A là yếu tố (do danh ngữ, đôi khi vị ngữ biểu thị([1]) không/ít có khả năng hành động hoặc mang trạng thái đã nói, so với những yếu tố tương tự hoặc những yếu tố cùng tập hợp. Ở một góc nhìn khác, A là trường hợp mà người nói cho rằng người nghe có thể không/chưa nghĩ tới nên cần phải tách riêng ra.
Về ngữ pháp, có thể phân biệt ba trường hợp.

Trường hợp 1:
1.1. Ngữ đoạn “cả A” là một thành phần của câu (bổ ngữ hoặc đề). Trong đó A là một yếu tố thuộc tập hợp đã nói ra trước đó (hoặc không nói ra, vì đã biết).
(          1)  John ăn được tất cả các món ăn Việt Nam. Anh ấy (cũng) ăn được cả mắm tôm.
(          2)  John ăn được cả mắm tôm.
(          3)  John ăn được tất cả các món ăn Việt Nam, cả mắm tôm anh ấy cũng ăn được.
(         4)  John ăn được tất cả các món ăn Việt Nam. Cả mắm tôm anh ấy cũng ăn được.
     Trong các câu trên, “mắm tôm” (yếu tố A) được xem là khó ăn nhất([2]) đối với người nước ngoài – theo ý của người nói, vì có thể với một người nói khác thì “hột vịt lộn” hoặc “sầu riêng” mới khó ăn nhất chứ không phải “mắm tôm”.
          Ở ví dụ (1) là hai câu độc lập, có liên quan về ý nghĩa (câu sau “nói rõ thêm” cho câu trước); ngữ đoạn “cả...” đóng vai trò bổ ngữ cho “ăn”.
          Ví dụ (2) có chỗ khác: cái tập hợp (“tất cả các món ăn VN”) bao gồm yếu tố “mắm tôm” không được hiển ngôn mà chỉ được tiền giả định – cái tiền giả định này do cả mang lại. (Giả sử có một phát ngôn như “John ăn được cả phở bò” thì người nghe nhận ra ngay rằng “phở bò” là món khó ăn nhất đối với John, vì một lý do gì đó).
Như vậy, câu “Nam đi làm cả chủ nhật” được hiểu là “Nam đi làm suốt 7 ngày trong tuần, bao gồm chủ nhật” và “sở dĩ tôi phải nói cả là vì thông thường chủ nhật không phải là ngày đi làm”.
          Hai ví dụ (3) và (4) chỉ khác nhau chút ít về ngữ pháp: (3) là một câu ghép, (4) là hai câu độc lập về ngữ pháp, có liên quan về ý nghĩa. Hai ví dụ (3) và (4) thể hiện góc nhìn khác của người nói, so với ví dụ (1): “mắm tôm” vai trò đề, chứ không phải là bổ ngữ.
          Cũng cần chú ý, từ cả trong ví dụ (1), (3) và (4) có thể vắng mặt, khi đó từ cũng sẽ “bù đắp ngữ nghĩa” cho nó.
1.2. Ngữ đoạn “cả A” là một thành phần của câu (bổ ngữ hoặc đề). Trong đó A là một yếu tố đồng loại với một/những yếu tố đã nói ra trước đó (nhưng A không hoặc ít khả năng hơn).
          ... V... S (cũng/còn) V cả A
(        5)  Nó đánh bạn nó. Nó (cũng/còn) đánh cả anh nó.
...V... C A (S) cũng V.
(       6)  Nó đánh bạn nó. Cả anh nó nó cũng đánh.
(        7)  Cô Loan rất đẹp. Cả cô em gái (của cô Loan) cũng đẹp.
(        8)  Cái bàn bằng nhựa, cái ghế bằng nhựa. Cả cái tủ đó cũng bằng nhựa.
 9)  Cái bàn bằng nhựa, cái ghế bằng nhựa. Cả cái tủ đó cũng vậy.
Ở (5), sự có mặt cũng/còn là tùy chọn, trong khi ở (6) cũng là bắt buộc.

          Trường hợp 2:
          Ngữ đoạn “cả A” đứng riêng làm trạng ngữ, có thể đứng cuối câu hoặc đứng ngay sau thành phần biểu thị tập hợp (bao chứa A) mà trong đó nó có vai trò chú thích. Trong các ví dụ sau danh ngữ biểu thị tập hợp được gạch dưới.
(          10)                  John ăn được tất cả các món ăn Việt Nam, cả mắm tôm.
(             11)                  Trường cho phép tất cả sinh viên được nghỉ 3 tuần, cả sinh viên nước ngoài.
(             12)                  Tất cả sinh viên của trường này được nghỉ học 3 tuần, cả sinh viên nước ngoài.
              13)                  Tất cả sinh viên của trường này, cả sinh viên nước ngoài, được nghỉ học 3 tuần.
(             14)                  Trường cho phép tất cả sinh viên, cả sinh viên nước ngoài, được nghỉ 3 tuần.
Ở (10), “cả...” đóng vai trò một trạng ngữ, chú thích thêm cho nhận định đã nêu (và đã đủ ý nghĩa) trước đó. “Mắm tôm” là một yếu tố thuộc tập hợp “tất cả các món ăn VN”. Ở các ví dụ (11) - (14), “sinh viên nước ngoài” được bao chứa trong “tất cả sinh viên (trường này)”.
Ở các ví dụ trên, cả hành chức như một thứ trạng ngữ (đúng hơn là thành phần chú thích, chú thích ngữ), và thường sẽ rõ nghĩa hơn khi được thay bằng một tổ hợp: kể cả, bao gồm cả, tính cả, tùy ngữ cảnh.

Trường hợp 3:
          Ngữ đoạn “cả A” đứng làm bổ ngữ (đồng bổ ngữ), sau một bổ ngữ đồng loại đã nêu ra trước đó. Khi đó, có thể xem đây là một biểu hiện của ví dụ (5), nhưng tỉnh lược đề.
... V..., V cả A.
          (15)                  Nó đánh bạn nó, (nó) đánh cả anh nó.
Đây chính là trường hợp đáng chú ý: trước “cả...” đòi hỏi phải có V.
Ví dụ thêm:
          (16)                  Cô ấy biết lái xe máy, biết lái cả xe hơi.
          (17)                  Nam mua quà cho bạn gái, mua cho cả bố mẹ cô ấy.
          (18)                  Bà Liên phải bán xe, bán cả đồ trang sức, vì cần tiền trả nợ.
          (19)                  Ghét ai thì ghét cả đường đi lối về.
Ở trường hợp 3 này không thể thay cả bằng kể cả, bao gồm cả, tính cả.

Chú thích:
1. Về bản chất, kể, tính, (bao) gồm là những vị từ, kết hợp với cả. Như vậy nó không khác gì với yêu cầu [V + cả] ở trường hợp 3. Tuy nhiên, có sự khác biệt lớn: ba trường hợp này đã được ngữ pháp hóa để có một chức năng riêng là thể hiện tình thái chủ quan của người nói; hay nói rõ hơn, nó hiển ngôn sự can dự của người nói vào nội dung của sự tình vừa được nêu ra.
          Với câu “Nhà này có 7 người, kể/tính/bao gồm cả người giúp việc”, có thể diễn giải: [Sở dĩ tôi nói “X” là vì trong đó tôi đã kể/tính/(bao) gồm người giúp việc].
          Có điều cũng cần chú ý là kể cả, tính cả, (bao) gồm cả không phải là một “từ”, bởi vì vẫn tồn tại quan hệ ngữ pháp rất hiển nhiên giữa yếu tố đứng trước và yếu tố đứng sau. Thực chất, đó là quan hệ giữa vị từ và danh ngữ (cả A) làm bổ ngữ. Bằng chứng là trong mọi tình huống vẫn có thể chèn một yếu tố khác (phó từ hoặc/và giới từ) vào giữa hai yếu tố này, thậm chí có thể bỏ cả.
          Chẳng hạn:
             (20)                  Nhà này có 7 người, (nếu/vì) tôi kể/tính/bao gồm thêm (cả) người giúp việc.
             (21)                  Nhà này có 7 người, (nếu/vì) kể/tính/bao gồm luôn (cả) người giúp việc.
             (22)                  Nhà này có 7 người, kể/tính/bao gồm luôn thêm (cả) người giúp việc
             (23)                  Nhà này có 7 người, kể/tính đến cả người giúp việc.
2. Kể cả, tính cả, bao gồm cả có nghĩa rất gần nhau, trong đa số trường hợp có thể thay thế cho nhau. Tuy nhiên, vẫn có sự khác biệt do ngữ nghĩa của vị từ đứng trước (kể, tính, bao gồm) vẫn còn mang nghĩa từ vựng khá rõ.
          So sánh:
            (24)                  Nhóm (du lịch) có 11 người, kể cả tài xế.
            (25)                  Nhóm chúng tôi có 11 người, tính cả tài xế.
            (26)                  Nhóm chúng tôi có 11 người, bao gồm cả tài xế.
            (27)                  Chuyến đi thực tế này ai cũng phải tham gia, kể cả giáo viên.
            (28)                  *Chuyến đi thực tế này ai cũng phải tham gia, tính cả giáo viên.
            (29)                  ??Chuyến đi thực tế này ai cũng phải tham gia, bao gồm cả giáo viên.
            (30)                  Nếu anh cần thì tôi sẽ cho anh mượn đống tài liệu này, kể cả luận án của tôi.
            (31)                  *Nếu anh cần thì tôi sẽ cho anh mượn đống tài liệu này, tính cả luận án của tôi.
            (32)                  ?Nếu anh cần thì tôi sẽ cho anh mượn đống tài liệu này, bao gồm cả luận án của tôi.
3. Trong khi dạy tiếng, ở trường hợp 2 cung cấp kể (/tính/bao gồm) cả có lẽ có lợi hơn cả, vì những tổ hợp này, đặc biệt là kể cả, rõ nghĩa, rõ vai trò ngữ pháp (trạng ngữ), và cũng dễ dùng hơn.
          Thử so sánh các câu sau đây:
            (33)                  Chi phí toàn bộ chuyến đi là 5 triệu đồng, cả tiền vé máy bay.
            (34)                  Chi phí toàn bộ chuyến đi là 5 triệu đồng, kể/tính/bao gồm cả tiền vé máy bay.
            (35)                  Chi phí toàn bộ chuyến đi là 5 triệu đồng. (Nếu) kể/tính cả tiền vé máy bay thì là 7 triệu.
            (36)                  Chi phí toàn bộ chuyến đi là 5 triệu đồng, (tôi) đã kể/tính cả tiền vé máy bay.
            (37)                  Chi phí toàn bộ chuyến đi là 5 triệu đồng, (tôi) chưa kể/tính tiền vé máy bay.
            (38)                  Chi phí toàn bộ chuyến đi là 5 triệu đồng, (số tiền đó) không bao gồm tiền vé máy bay.
4. Nếu thành phần nêu trước không bao chứa A thì về nguyên tắc không thể ứng dụng trường hợp 2, vì lý do logic. Ví dụ:
            (39)                  *Tất cả sinh viên lớp chúng tôi sẽ đi thực tế, cả giáo viên chủ nhiệm.
            (40)                  *Tất cả sinh viên lớp chúng tôi sẽ đi thực tế, kể/bao gồm cả giáo viên chủ nhiệm.
            (41)                  ?Tất cả sinh viên lớp chúng tôi sẽ đi thực tế. Cả/Kể cả giáo viên chủ nhiệm cũng phải đi.
            (42)                  ?Chuyến đi thực tế này ai cũng phải tham gia, cả giáo viên.
            (43)                  Chuyến đi thực tế này ai cũng phải tham gia, kể cả giáo viên.





[1] Vị ngữ đi sau cả là một cách nói tỉnh lược (tỉnh lược danh từ trung tâm, chỉ giữ lại vị ngữ làm định ngữ): “10 giờ tối chị ấy mới làm xong mọi việc trong nhà, cả (việc) dọn rửa bát đĩa”, “Từ đây đi xe máy ra Vũng Tàu mất ít nhất 4 tiếng, cả (thời gian) dừng nghỉ dọc đường”.
[2] Sở dĩ người nghe biết “khó ăn nhất” là vì ngữ nghĩa của vị ngữ của thành phần đi trước (“ăn được”). Ngược lại, nếu nói “John không ăn được các món ăn VN. Anh ấy không ăn được cả mắm tôm” thì món “mắm tôm” được xem là “dễ ăn nhất”.

No comments:

Post a Comment