Tuesday 10 April 2012

HẦU NHƯ – HẦU HẾT



HẦU NHƯ

Từ điển Hoàng Phê 1995 định nghĩa hầu như: gần như là, thực tế là, chẳng khác gì bao nhiêu, kèm với chú thích dùng trước một cấu trúc phủ định.
Thật ra, hầu như hiện nay không nhất thiết phải đi trước một cấu trúc phủ định.

Có thể định nghĩa lại như sau:
     Hầu như là ngữ đoạn dùng để biểu thị thái độ dè dặt của người nói về mức độ chắc chắn của nhận định theo sau.
     Hầu như X có nghĩa là “rất gần với X” (vì người nói không dám khẳng định là X)
Vì nghĩa như vậy nên hầu như có thể thay thế bằng gần như (có lẽ trong khẩu ngữ, gần như được dùng phổ biến hơn).


          (1)Hầu như tôi không nhớ gì cả.
          (2)Tôi hầu như không nhớ gì cả.
          (3)Chị Hường cho biết, phụ nữ trong xã hầu như ai cũng đi bán cơm nắm.
          (4)Giá cả xăng dầu là một vấn đề đã quá cũ, hầu như năm nào cũng có câu hỏi nhưng chẳng có câu trả lời.
          (5)Hầu như ngày nào em cũng học đến 1 giờ sáng mới đi ngủ.
          (6)Sau đợt ngâm mình thư giãn vào mỗi tối, hoặc tắm táp sảng khoái nơi hồ bơi, hầu như ai cũng bị tình trạng da tay nhăn nheo.
          (7)Đã có một thời, những thuê bao trả sau phải lên tiếng ghen tị vì các nhà mạng hầu như chỉ tập trung khuyến mãi cho các thuê bao trả trước
          (8)Nếu như nhiều trường THPT, THCS, thậm chí một số trường tiểu học hiện đã có “phòng tư vấn học đường” thì hầu như tất cả các cơ sở xã hội, trung tâm nuôi dạy người khuyết tật lại chưa có được may mắn đó.

Về hầu như có ba điểm cần chú ý:
(i)                 Hầu như tác động đến toàn bộ nhận định theo sau, nghĩa là trước hết tác động đến phần thuyết hay phần vị ngữ – đây là điểm phân biệt quan yếu với hầu hết sẽ nói ở sau.
(ii)               Hầu như thể hiện thái độ dè đặt của người nói với mức độ chắc chắn của nhận định, nghĩa là vấn đề được nêu trong nhận định phải hàm chứa yếu tố định lượng; do vậy, hầu như thường đi với những nhận định tổng quát mang biểu hiện sau đây:
a.       tổng thể: tất cả, toàn bộ, mọi, các, ai cũng, gì cũng, đâu cũng, v.v., và không gì cả, chẳng gì hết, chưa ai, chưa đâu, chưa gì, v.v. (thực chất cũng là một biểu hiện tổng thể ở dạng phủ định);
b.      duy nhất: chỉ, chỉ có, chỉ duy nhất, v.v..
(iii)             Khác với gần như, hầu như không thể kết hợp trực tiếp với đại từ hồi chỉ sự tình (có thể nói “Gần như vậy”, chứ không thể nói “Hầu như vậy”); có lẽ vì hầu là một vị từ đang quá trình hư hóa.

HẦU HẾT

Cũng tương tự hầu như, hầu hết biểu thị thái độ dè dặt của người nói về lượng của một tập hợp được nêu ra trong nhận định.
Hay nói rõ hơn, người nói dùng hầu hết để chỉ mức độ lớn nhất có thể đạt được của cái tập hợp theo sau nó (người nói không dám quả quyết 100% của cái tập hợp đó).

          (9)Hầu hết những người khám bệnh ở đây là dân lao động.
          (10)Tôi đã đọc hầu hết các tác phẩm của ông ấy.
          (11)Kết quả cho thấy sự tiến triển của ung thư bị chậm lại ở hầu hết các bệnh nhân (khoảng 94%).
          (12)Hầu hết người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cấp tỉnh có trình độ đại học trở lên.
          (13)Giới chức Trung Quốc hôm qua cho hay 3 trẻ em thiệt mạng và 35 người, hầu hết dưới 14 tuổi, phải nhập viện sau khi uống sữa nhiễm nitrite tại tỉnh Cam Túc.
          (14)Đây là chương trình hầu hết các tập đoàn lớn trên thế giới dùng để đào tạo nhân viên cấp cao, lãnh đạo.
          (15)Vừa lo ôn thi ĐH vừa ôn thi tốt nghiệp nên em bắt đầu học 3 ca từ tháng 3 và hầu hết các buổi tối đều phải học.
          (16)Nhân vật chính của các đoạn phim nhạy cảm đó hầu hết là các bạn trẻ.

Về hầu hết có hai điểm cần chú ý:
(i)                 Hầu hết chỉ tác động đến cái danh ngữ đứng sau nó chứ không tác động đến cả nhận định như hầu như; do đó, nó đứng trước danh ngữ bất kể danh ngữ nằm ở vị trí nào trong câu;
(ii)               Hầu hết luôn đi với một danh ngữ; do đó, khi danh ngữ đó đã được nêu ra ở ngữ cảnh trước thì hầu hết có thể hoạt động giống như một đại từ (tương tự tất cả).

So sánh:
            (17) a. Tác phẩm của ông ấy, tôi đã đọc hầu hết.
              b. Tác phẩm của ông ấy, tôi đã đọc tất cả.
             (18)a. Nhân vật chính của các đoạn phim nhạy cảm đó hầu hết là các bạn trẻ.
              b. Nhân vật chính của các đoạn phim nhạy cảm đó tất cả là các bạn trẻ.

Nói thêm:
     Hầu hếthầu như có thể thay thế cho nhau trong một số bối cảnh – tất nhiên, vẫn khác biệt về ngữ nghĩa.

             (19)a. Tài liệu ở website này hầu như miễn phí.
              b. Tài liệu ở website này hầu hết miễn phí.
             (20)a. Hầu như các trường hợp chu cấp bắt buộc như thế này đều không thi hành án được.
              b. Hầu hết các trường hợp chu cấp bắt buộc như thế này đều không thi hành án được.

Có lẽ chính vì khả năng thay thế này mà đôi khi người dùng nhầm lẫn.
            (21)Ở các địa phương khác, hầu như các trường hợp bị đình chỉ thi cũng do mang ĐTDĐ. (đúng ra là hầu hết)
            (22)Hầu như các phim đó có nội dung na ná nhau. (đúng ra là hầu hết)


     Theo nhận xét của chúng tôi, danh ngữ đi với hầu hết phải biểu thị một tập hợp (gồm các bộ phận, đơn vị) hay được tri nhận như một tập hợp; nếu danh ngữ đó biểu thị một khối thuần nhất (chẳng hạn tiền, kinh phí, công sức, đường, sữa, băng v.v.) thì hầu hết phải được thay bằng phần lớn.

So sánh:
          (23)?Hầu hết/Phần lớn kinh phí làm phim do người Việt tại Thái Lan tích cực hỗ trợ.
          (24)Cao nguyên Loess là khu vực bồi đắp bụi lớn nhất thế giới. Trước đây giới khoa học cho rằng ?hầu hết/phần lớn bụi ở đây có nguồn gốc từ sa mạc Gobi, nhưng nhóm của Kapp đã bác bỏ giả thuyết này và khẳng định hơn phân nửa bụi đến từ lưu vực Qaidam.
          (25)Hiện quân chính phủ đã kiểm soát ?hầu hết/phần lớn thị trấn này.
          (26)Sao chổi thường bị gọi là các quả cầu tuyết bẩn do chúng chứa ?hầu hết/phần lớn là băng, kèm theo các vụn đá và khí dưới dạng băng.


No comments:

Post a Comment