Trái, ngược, đổi và bù có thể kết hợp với phó từ lại để tạo thành một ngữ đoạn chuyên
đóng vai trò trạng ngữ câu; trong đó, quan trọng nhất là trái lại và ngược lại.
Do nghĩa từ vựng của trái và ngược, nhìn chung các trạng ngữ này có vẻ như chuyên đánh dấu sự đối
lập hay khác biệt giữa sự tình trước và sau nó, từ góc độ của người nói. Có thể
xem đây là một trạng ngữ cảnh huống: sự tình đi trước tạo thành cảnh huống bất
tương hợp cho sự tình theo sau, sự tình theo sau diễn ra trong cảnh huống bất
tương hợp mà sự tình đi trước tạo ra.
Trong
đa số trường hợp, sự vắng mặt của loại trạng ngữ này không làm tổn hại gì đến nội
dung của phát ngôn, vì trên thực tế sự bất tương hợp giữa hai sự tình đã được bảo
đảm bằng chính ngữ nghĩa của các tiểu cú/câu biểu thị hai sự tình đó hoặc bằng
liên từ nhưng, mà, còn. Như vậy, loại trạng
ngữ này có lẽ cũng nên được xem là một thứ quán ngữ tình thái chủ quan, ít nhất
là về ngữ nghĩa.
Trong
bài này, chúng tôi xuất phát từ trái
(lại), từ đó đối chiếu với những trường
hợp còn lại.
TRÁI (LẠI)
Trái là một vị từ biểu thị bất tương hợp
giữa hai sự vật.
(1) Chính sách thuế đó trái với sự mong mỏi của đông đảo nhân
dân.
(2) Sử dụng nhiều tài nguyên là
trái với xu hướng của xã hội hiện đại.
(3) Những hành động trái với luật pháp sẽ bị trừng trị.
Trái thường đòi hỏi giới từ với. Nhưng có thể không cần với khi sau nó là một số danh từ khối như
chiều, hướng, đạo, lời, luật, quy định,
hiến pháp, ý. Những danh từ này tạo thành tham tố quan hệ thay vì tham tố
liên đới như khi có với.
(4) Quyết định đó trái hiến pháp, cần bãi bỏ.
(5) Về sự kiện này, trên báo
chí xuất hiện nhiều luồng dư luận trái
chiều.
(6) Đó là hành động trái đạo.
Trái với... có thể tạo thành một trạng
ngữ, thường đứng đầu câu biểu thị trạng huống đối lập hay khác biệt với thành
phần chính của câu. Về ngữ nghĩa, trạng ngữ này cung cấp một thông tin phụ bất
tương hợp với thông tin chính ở phần thuyết. Về ngữ pháp, nó có thể xuất hiện ở
đầu câu, giữa câu, cuối câu. Tuy nhiên, vị trí đầu câu là vị trí khu biệt quan
yếu giữa trái với và trái lại.
(7) Trái với/*lại suy nghĩ của tôi, chị vẫn tỏ ra bình thản trước những
vụ đơm đặt ấy.
(8) Trái với/*lại sự cân
nhắc, thận trọng của Chính phủ, các bộ, ngành tham mưu lại ủng hộ 2 dự án thủy
điện Đồng Nai 6 và 6A.
(9) Trái với/*lại mọi dự đoán, ngày 28/3, liên bộ Tài chính-Công thương
bất ngờ tăng giá dầu lên đến mức kỷ lục.
Khi
kết hợp với lại, trái (lại) mất khả năng
làm vị trung tâm của thuyết, trừ một bối cảnh duy nhất: [A (thì) X. B thì trái lại.]
(10) Cô thích gặp gỡ, hội hè,
tiệc tùng. Chồng cô thì trái lại.
(11) Trong ba năm qua, sản lượng
xuất khẩu vẫn tăng đều; thị trường nội địa thì trái lại.
Nếu
sau trái lại còn một ngữ đoạn thuyết
tính, (và nhất là) còn một tiểu cú (có đề/chủ ngữ) hiển ngôn thì trái lại biến thành trạng ngữ. Bằng chứng:
(12) Cô thích gặp gỡ, hội hè,
tiệc tùng. Chồng cô thì, trái lại, chỉ
thích ở nhà đọc sách, chăm sóc cây cảnh.
(13) Trong ba năm qua, sản lượng
xuất khẩu vẫn tăng đều; thị trường nội địa thì, trái lại, giảm sút đến mức đáng lo ngại.
Vai
trò trạng ngữ của ngữ đoạn trái lại cần
được trình bày chi tiết hơn.
Về
cơ bản, trái lại có hai dạng: (i) trái lại biểu thị sự bất tương hợp giữa hai
sự tình (hai đối tượng với hai thuộc tính, trạng thái, hành động khác nhau); và
(ii) trái lại biểu thị quan hệ giữa
hai thuộc tính, trạng thái, hành động (của cùng một đối tượng).
(i)
Trái lại là trạng ngữ, cho biết sự tình
theo sau bất tương hợp với sự tình đi trước, giữa hai sự tình phải gặp nhau ở một
điểm hoặc có một mối liên hệ nào đó với nhau.
(14) Ở trường nó ngoan ngoãn
bao nhiêu, trái lại, ở nhà nó lì lợm,
quậy phá bấy nhiêu.
(15) Thằng Tí lanh lợi, khôn
ngoan. Trái lại, thằng Tèo hiền lành,
thật thà như đếm.
Ở
câu (14) điểm chung đó là cùng nói về vị trí/không gian; ở câu (15) điểm chung
là Tí và Tèo là hai anh em hoặc hai người bạn thân. Thiếu điểm chung hay mối
liên hệ này thì không thể nói đến sự tương hợp/bất tương hợp.
Như
vậy, quan hệ bất tương hợp ở đây, về bản chất cũng là quan hệ đối lập: hai sự
tình chỉ có thể xem là đối lập nhau khi được xét trên cùng một bình diện
(Lakoff gọi là có chủ đề chung – common topic).
Cần
chú ý, trong thực tế sử dụng, sự bất tương hợp giữa hai sự tình không nên hiểu
đơn giản là sự đối lập giữa hai cực theo kiểu “từ trái nghĩa” (hiền – dữ, nam –
nữ, già – trẻ, lớn – bé) hoặc theo kiểu phủ định (hiền – không hiền, già – không già).
Hay
nói rõ hơn, ngữ nghĩa của hai phần thuyết (diễn đạt nội dung của mỗi sự tình)
thường không có sự đối lập đơn giản, chồng khít lên nhau mà thường phạm vi ngữ
nghĩa của một trong hai sẽ rộng/hẹp hơn, chứ không phải là sự đối lập giữa hai
cực. Nghĩa là cấu trúc hiển ngôn của phần thuyết của sự tình thứ hai thường được
diễn đạt sao cho khác với phần thuyết sự tình thứ nhất: hiền//không hiền tí nào cả/rất hung hăng/như tay anh chị..., to lớn//rất
gầy gò/chỉ bằng 2/3 trọng lượng... – ở đây vai trò của các yếu tố tình thái
hoặc yếu tố phụ rất quan trọng.
So sánh các câu sau:
(16) ?Đứa lớn là con trai. Trái lại, đứa sau là con gái.
(17) ?Voi châu Phi to lớn, trái lại, voi châu Á nhỏ bé.
(Ss:
Voi châu Phi rất to lớn, trái lại,
voi châu Á hơi nhỏ bé.)
(18) ?Thuốc nhập giá rất cao, trái lại, thuốc sản xuất trong nước rất
rẻ.
(Ss:
Thuốc nhập giá rất cao, trái lại, thuốc
sản xuất trong nước khá phù hợp với túi tiền người lao động.)
(19) Món ăn Thái vị cay là chủ
đạo. Trái lại, món ăn Tàu vị ngọt và
béo là chủ đạo.
(20) Trong tình yêu, người phụ
nữ thường có xu hướng hy sinh. Trái lại,
ở người đàn ông thường là sự chiếm hữu và thụ hưởng.
Ở
(19), cay và ngọt, béo khác biệt chứ
không đối cực; ở (20), hy sinh và chiếm hữu, thụ hưởng cũng khác biệt chứ không phải là đối
cực.
Tất
nhiên, nếu hai phần thuyết không cùng một bình diện, hoặc nghĩa quá xa nhau, sự
đối lập sẽ không được hình thành. Câu sẽ trở nên đáng ngờ về mặt logic. Ví dụ:
(21) ?Hẳn cô gái nào cũng mong
đợi ngày 14/2 với hy vọng nhận được những món quà bất ngờ từ người mình yêu. Trái lại, đàn ông có nhiều suy nghĩ khác
nhau về ngày lễ này.
Ở
câu trên, người ta không thấy điều gì đó khác biệt với mong đợi (các cô gái mong đợi
// đàn ông không quan tâm/thờ ơ...);
người ta cũng không thấy có sự đối lập nào giữa hy vọng nhận được quà với suy
nghĩ khác nhau; do đó, câu bất khả chấp.
(ii)
Trái lại là ngữ đoạn liên kết hai thuộc
tính, trạng thái, hành động của cùng một đối tượng (thường làm đề/chủ ngữ).
(22) Sứ không cần nhiều nước. Trái lại, nó sẽ không ra hoa, thậm chí sẽ
chết, nếu quá ẩm.
(23) Tuy là món chay nhưng nấm
chiên vừng không vì thế mà kém hấp dẫn, trái
lại vị bùi của vừng kết hợp cùng
cái dai giòn của nấm khiến bạn muốn ăn mãi không thôi.
Trái lại ở cách dùng này thường xuất hiện
trong kết cấu: [... không... (mà) trái lại...
(còn)...]
(24) Ông ấy không
hề giận gì cả mà, trái lại, còn
cho nó vào vườn ăn thỏa thích.
(25) Doutzen Kroes đã sinh con
trai nhưng vóc dáng của cô chẳng hề thay đổi
mà trái lại, người đẹp 28 tuổi này
còn quyến rũ và gợi cảm hơn.
(26) Hiện nay người ta chứng
minh được rằng garô không những không có tác dụng, trái lại còn gây nguy hiểm thêm cho
nạn nhân.
(27) Sau scandal tụt váy lộ ngực
ở công viên đầu năm 2010 có vẻ không khiến Trang Nhung cảm thấy phiền
lòng. Trái lại, cô đã tận dụng luôn
điều này để bắt đầu khoe vòng 1 như một cách "làm mới" hình ảnh
riêng.
Nếu
xét kỹ những ví dụ trên đây có thể thấy hai điều:
(a)
Trên ngôn từ, không thể có sự đối lập hay bất
tương hợp giữa không hề giận và cho vào vườn, giữa vóc dáng không thay đổi và quyến
rũ, gợi cảm, giữa không có tác dụng
và gây nguy hiểm, v.v.. Nếu có sự đối
lập hay bất tương hợp thì chỉ có ở giận
và cho vào vườn, ở vóc dáng thay đổi và quyến rũ, gợi cảm, ở có tác dụng (tốt) và gây nguy hiểm. Nhưng cấu trúc hiển ngôn
lại là điều “trái lại” (vì có tác tố không).
(b)
Sự đối lập (?) được đánh dấu bằng trái lại giữa hai phần thuyết không nhất
thiết phải là sự đối lập thuộc tính – thuộc tính, trạng thái – trạng thái, hành
động – hành động mà chỉ cần có sự bất tương hợp dựa trên sự suy ý.
Theo
chúng tôi, quan hệ ngữ nghĩa của cấu trúc [không X (mà) trái lại (còn) Y] diễn ra theo quá trình suy ý như sau:
- có một sự tình Z,
- Y > X (Y “mạnh” hơn X) trong quan hệ với Z
- lệ thường: nếu Z thì sẽ X,
- (nhưng) trái với lệ thường, ở trường hợp này: Z mà không X, thậm chí (còn) Y,
Minh
họa bằng câu (24): phần trong dấu ( ) có thể không hiển ngôn
-
Z: (“có một thằng bé hái trộm trái cây”),
-
[Y: “cho vào vườn”] mạnh hơn [X: “không giận”]
xét về phản ứng thông thường đối với Z,
-
lệ thường: (“Nếu bị hái trộm trái cây thì chủ nhà sẽ giận”),
-
(nhưng) trái
với lệ thường, ở trường hợp này: “(Bị hái trộm trái cây mà) không giận, thậm chí (còn) cho vào vườn ăn thỏa thích”.
Minh họa bằng câu (27):
-
Z: “có sự cố bị tụt váy, hở ngực”,
-
[Y: “tận dụng cơ hội để khoe vòng 1...”] mạnh
hơn [X: “không phiền lòng”] xét về phản ứng thông thường khi Z,
-
lệ thường: (“Bị tụt váy, hở ngực thì sẽ phiền
lòng”),
-
(nhưng) trái
với lệ thường, ở trường hợp này: “Bị tụt váy hở ngực mà không phiền lòng,
thậm chí (còn) tận dụng cơ hội để khoe vòng 1...”
Có
thể trình bày ở dạng vắn tắt logic-ngữ nghĩa của cấu trúc trên như sau:
[(Z thì
sẽ X), (nhưng) trái lại (đã không X
mà còn Y)]
Tuy
nhiên, trên cấu trúc mặt, trái lại xuất
hiện ở trước phần thuyết thứ hai, có vẻ tác động đến phần thuyết này chứ không
phải với cả câu (nếu muốn tác động đến cả câu thì nó phải đứng trước phần thuyết
thứ nhất).
Như
vậy, có thể hình dung biểu thức đang nói có sự chuyển hóa từ cấu trúc logic-ngữ
nghĩa ở bề sâu sang cấu trúc mặt như sau:
[(Z thì
sẽ X), (nhưng) trái lại (đã không X
mà còn Y)]
→ [(Z
(nhưng) không X), trái với lẽ thường (Z thì sẽ X), (thậm chí) còn Y]
→ [(Z
(nhưng) không X), trái lại, (còn) Y]
Từ
những phân tích ở trên, có thể nói rằng cái gọi là nghĩa đối lập hay bất tương
hợp của trái lại trường hợp (ii) chỉ là
một thứ hàm ngôn ước lệ hoặc hàm ngôn luận chứng (xét quan hệ giữa [không X] và
[Z]). Còn quan hệ giữa hai phần thuyết (có vẻ như được) liên kết bằng trái lại thực chất là quan hệ tăng tiến.
Chính
vì vậy, các câu thuộc trường hợp (ii) ở trên đều có thể diễn đạt bằng cặp hô ứng
“không
những... mà còn..”, có thể có hoặc không có trái lại đi kèm.
NGƯỢC (LẠI)
Ngược là một vị từ biểu thị sự đối hướng
hay đối nghịch giữa hai sự vật/sự tình mà trong đó một trong hai sự vật/sự tình
được xem là chuẩn, là thuận, là hợp lẽ phải.
Thực
tế, trong các từ điển, ngược thường
được giải thích bằng trái và ngược lại.
Lý do là trong sâu xa, trái và ngược đều thể hiện nghĩa đối lập hay bất
tương hợp. Và vì vậy, trong rất nhiều bối cảnh, hai từ này có thể thay thể cho
nhau mà không tạo ra sự khác biệt về ngữ nghĩa nói chung. Tuy nhiên, đây không
phải là hai từ đồng nghĩa.
Ngược là một vị từ, có thể làm trung tâm
vị ngữ, nhưng thường xuất hiện sau một vị từ khác với tư cách một phó từ chỉ hướng
(đối nghịch), có hoặc không có bổ ngữ.
Khác
với trái, ngược có thể đi sau một vị từ khác với tư cách là một phó từ chỉ hướng
đối nghịch (với hướng đã biết, dù không hiển ngôn); nghĩa là nó không cần danh
từ bổ ngữ theo sau.
(28) Trung Quốc "tố ngược" Philippines chiếm đảo.
(29) Có lẽ phải yêu tôi lắm cô ấy
mới dám ghen ngược một cách lộ liễu
như thế.
(30) Chị năn nỉ tôi cho chị khất
vài ngày. Sao bây giờ chị nói ngược?
Ngược có thể kết hợp trực tiếp với một
vài danh từ:
(32) Đừng đi ngược chiều!
(33) Trường của nó ngược đường, nên hơi bất tiện.
(34) Ông ấy luôn làm chuyện ngược đời như thế đấy!
(35) Đội Đồng Tháp lội ngược dòng...
Thường
ngược cần giới từ với, nhất là khi sau nó là đại từ hoặc một
danh ngữ xác định:
(36) Ông xã mình luôn có ý
thích ngược với mình, nên cãi nhau suốt.
(37) Anh thích những cô gái “hiện
đại” à? Tôi ngược với anh. Tôi thích
các cô hiền lành, quê quê một chút cũng được.
(38) Đi ngược với số đông là chết!
(39) Đừng đi ngược với chiều đã quy định/kim đồng hồ!
(Ss:
*Đừng đi ngược với chiều!)
(40) Đó là một hành động đi ngược với xu hướng chung.
(41) Nó làm ngược với ý sếp nên bị đuổi việc là phải.
(Chú
ý: Sau đi hầu như không thấy trái mà chỉ thấy ngược).
Ngữ đoạn ngược
với... có thể đứng đầu câu làm trạng ngữ, tương tự trái với...
(42) Ngược với ý giám đốc, anh ta quyết định tăng chiết khấu cho hai mặt
hàng này.
(43) Ngược với những gì đã cam kết, Trung Quốc liên tục có những hành động
gây hấn ở biển Đông.
Tuy
nhiên, theo quan sát của chúng tôi, dựa trên ngữ liệu thu thập được từ các
trang mạng, ở vị trí đầu câu làm trạng ngữ, trái
ngược với được sử dụng áp đảo so với ngược
với.
(44) Trái ngược với những thông tin mà báo chí đưa trong thời gian gần
đây, tiền đạo Didier Drogba khẳng định anh sẽ quyết tâm gắn bó với Chelsea
trong tương lai tới.
(45) Trái ngược với tuyên bố của HLV Roberto Mancini cách đây ít ngày,
tiền đạo Carlos Tevez vẫn khẳng định anh muốn rời Manchester City để tìm bến đỗ
mới.
(46) Trái ngược với tâm lý khá nặng nề bên phía đối thủ, thầy trò HLV
Jose Mourinho hành quân đến sân Olimpico với tinh thần hết sức thoải mái
(47) Trái ngược với hình ảnh thanh lịch,
duyên dáng thường thấy, trong bộ ảnh mới, Hoa hậu Phụ nữ Việt Nam qua ảnh năm 2006 bất ngờ bốc lửa với
bộ đồ nội y.
Kể
cả trong câu, với tư cách ngữ vị từ, trái
ngược với cũng được sử dụng nhiều hơn hẳn ngược với.
(48) Điều này trái ngược với hồi tháng 7 năm ngoái,
khi lần đầu tiên ASEAN không ra được tuyên bố chung vì bất đồng trong cách thức
đối phó tranh chấp biển Đông.
(49) “Cơn sốt” này có thể xem
như trái ngược với những diễn biến của
thị trường bất động sản Hà Nội hồi đầu năm nay.
(50) Những gì diễn ra tại
Italia hoàn toàn trái ngược với thực
tế trên đất Đức.
Ngược
có thể kết hợp với lại, và hành chức
tương tự như trái lại.
Ngược
lại làm trung tâm vị ngữ/thuyết:
(51) Ai người ta uống rượu vào
thì say và quên hết mọi sự, chớ bà Cà Xợi thì ngược lại, càng uống vào bà càng tỉnh và nhớ hết.
(52) Loài
sống trên mặt đất thì ăn đồ mặt đất. Loài ăn cỏ thì không ăn thịt và ngược lại.
Ngược
lại làm trạng ngữ, đứng đầu tiểu cú thứ hai – có thể thay bằng trái lại.
(53) Không có rượu an-côn, ông
bác sĩ khử trùng lưỡi cưa bằng rượu đế. Ổng cưa mà tay ổng còn run thì anh biết.
Ngược lại, em tôi chẳng hé răng kêu một
tiếng.
(54) Có ý kiến cho rằng
các cơ quan khác nhau bị lão hóa ở mức độ
không giống nhau. Đã xác định được rằng biểu mô của da và của ruột thường xuyên
đổi mới và vì thế ít lão hóa. Ngược lại,
phần lớn tế bào của hệ thần kinh trung ương rất chóng mất khả năng đổi mới.
(55) Lời ăn tiếng nói mềm mỏng,
dịu dàng tác động tốt đến tâm lý con người. Ngược
lại, cách ăn nói thiếu văn hóa, hay lý sự cùn, cục cằn, trơ trẽn, những câu
đùa thô thiển và vô duyên bao giờ cũng gây ấn tượng nặng nề, làm người nghe
chán ghét.
Ngược
lại cũng có thể tham gia vào cấu trúc tăng tiến tương tự trái lại:
(56) Cậu bé
Chris Whitehead, 12 tuổi, người Anh, đã dũng cảm mặc váy
tới trường nhưng không bị ai trêu chọc, mà ngược lại bạn học còn hết sức ủng hộ cậu.
(57) Vua Lê Thái Tổ không hề giết
hại công thần mà ngược lại, nhà vua
là đại thiện nhân, là bậc... thánh vương.
ĐỔI (LẠI)
Xét
về nghĩa từ vựng, đổi không có mối
liên quan gì với trái và ngược. Nhưng đổi lại là một ngữ đoạn có thể đóng vai trò một trạng ngữ, biểu thị
ý của người nói rằng thành phần theo sau là một trường hợp đối hướng với sự
tình đã nói trước đó. Có lẽ do nghĩa từ vựng của đổi vẫn còn nguyên vẹn, trong nhiều trường hợp, đổi lại có thể thay bằng ngược lại nhưng phân biệt với ngược lại ở chỗ nó có ý nghĩa và ngữ
pháp tương tự với một trạng ngữ mục đích: “để
đáp/đổi lại...”.
(58) Từ 2011 đến
2030, Moskva sẽ cung cấp cho Bắc Kinh 15 triệu tấn dầu/năm; đổi lại, Trung Quốc sẽ cho các hãng
Rosneft và Transneft của Nga vay 25 tỷ USD.
(59) Rất nhiều ứng dụng Windows
8 hiện nay đều được phát hành miễn phí, nhưng đổi lại, người dùng Windows 8 sẽ phải chịu sự "tra tấn" của
các đoạn quảng cáo.
(60) 5 trận gần đây West Brom đều
thua nhưng đổi lại họ lại đang có được
một thành tích đối đầu khá tốt trước Man City.
(61) Một gói cứu trợ trị giá 13
tỉ USD vào phút chót đã cứu Cộng hòa Síp đã tránh được nguy cơ vỡ nợ. Đổi lại, quốc gia nhỏ bé ở Địa Trung Hải
đã cam kết sẽ cắt giảm ngành ngân hàng và các chủ tài khoản tiền gửi lớn cũng
phải giúp chi trả cho gói cứu trợ này.
(62) Chia tay - điều này, với
anh thì đơn giản lắm. Nhưng thỉnh thoảng, khi em suy nghĩ lại, em tự hỏi, nếu đổi lại, anh là em, thì sẽ như thế nào?
BÙ (LẠI)
Xét
về nghĩa từ vựng, bù cũng không có
liên quan gì đến trái và ngược. Nhưng bù lại có thể giữ vai trò một trạng ngữ, biểu thị ý của người nói rằng
sự tình theo sau là một trường hợp đối hướng, nhằm cân bằng với sự tình đã nói
trước đó. Do nghĩa từ vựng của bù, bù lại cũng có thể thay bằng ngược lại với sự khác biệt ít nhiều về
ngữ nghĩa.
(63) Việc tẩy trắng răng tại
nhà đòi hỏi bạn đầu tư nhiều thời gian, bù lại bạn sẽ tiết kiệm được khá nhiều chi phí.
(64) Tuy ngoại hình chưa thực sự
thu hút người xem nhưng bù lại, giọng
hát truyền cảm cũng như cảm xúc tận đáy lòng của chàng trai này đã lấy được sự
đồng cảm của cư dân mạng.
(65) Một phòng bình thường sẽ mất
một vé, nếu muốn phòng Vip sẽ đắt hơn kha khá nhưng bù lại, “dịch vụ” sẽ tốt hơn rất nhiều.
(66) Trải qua những ngày xa gia
đình, bạn bè và người thân trên đất Kaliningrat, bù lại Hoa hậu Diệu Hoa có rất nhiều bạn thân mới.
(67) Dragonica vừa mở một hầm ngục mới với nhiều
item khủng được drop
khi đánh boss, tuy nhiên
bù lại các boss cũng thuộc dạng “khó xơi” khiến nhiều party “có đi không về”.
Các câu trên có thể dùng ngược lại, nhưng khi đó mất đi nét nghĩa
“cân bằng” của bù lại.
Bù lại có một dạng “phủ định” là “chẳng bù với/cho...”. Ngữ đoạn này cũng biểu thị quan hệ khác biệt
hay đối lập giữa hai sự tình, chủ yếu nhằm mục đích so sánh.
Ví dụ:
(68) Ngày
nay, không ai đói, không ai rách, chẳng bù với ngày xưa làm đầu tắt mặt
tối mà vẫn không đủ ăn.
(69) Đầu
năm xem lịch mà ngao ngán, sao thời gian qua chậm thế. Chẳng bù với hồi cuối năm, khi xem lịch
thấy thời gian trôi nhanh đến kỳ lạ.
(70) Nghe bố kể,
kem đó ở Hà Nội, và chỉ trẻ con nhà giàu mới có tiền mua. Ôi, chắc phải
ngon lắm! Chẳng bù cho kem ở quê
mình, toàn đá là đá, không ăn nhanh thì chảy hết.
(71) Ở nước ngoài bằng cấp
chỉ là 1 điều kiện ban đầu xét tuyển. Còn phỏng vấn, thử việc, năng lực kém thì
bằng gì cũng… vứt. Ốc: - Sướng nhẩy. Chẳng bù ở ta, có quy định phải có bằng loại này, mới lên lương loại này.
(72) Những đứa học
giỏi nhất lớp mình hồi đó bây giờ vẫn lam lũ ở quê và mỗi lần nhìn thấy
mình về vẫn nhìn đầy ghen tị và thèm muốn. Chẳng
bù cho hồi đó tụi nó khinh dể mình thế nào về vụ kết quả học tập.
(73) Jayden bây giờ không bám mẹ
nữa, chẳng bù cho trước kia, cứ
khi tôi ra khỏi cửa là nó khóc nhặng xị lên.
(74) Con gái thật lắm mốt, hết kiểu áo này đến dáng quần khác. Chẳng bù cho cánh đàn ông con trai.
Khác với trạng
ngữ bù lại (và cũng khác với trái lại, ngược lại), chẳng bù với/cho
cần một thành phần bổ ngữ mới có thể đảm đương vai trò trạng ngữ. Điều này làm
cho ngữ pháp của nó khác hẳn những trạng ngữ đã nói trên kia.
Trái lại, ngược lại, bù lại là những
trạng ngữ trọn vẹn, nghĩa là không cần thêm bổ ngữ; phần sau nó là một tiểu cú
diễn đạt sự tình thứ hai. Do vậy, các trạng ngữ này hành chức cũng giống như một
quán ngữ tình thái (chủ quan của người nói), và cũng giống như một yếu tố tạo sự
liên kết hay mạch lạc của câu – tương tự liên từ.
(Chú thích:
Trên chữ viết, để phân biệt chức năng, nên đặt các trạng ngữ này giữa hai dấu
phẩy nếu nó liên kết hai tiểu cú trong cùng một câu, và nên đặt một dấu phẩy
sau nó nếu nó đứng đầu câu thứ hai).
Trong khi
đó, chẳng bù với/cho gây ra tình trạng
lưỡng lự:
(i)
Hoặc xem toàn bộ thành phần
sau nó là bổ ngữ, bất kể cấu trúc, như vậy cả ngữ đoạn “chẳng bù với/cho...” sẽ là trạng ngữ của tiểu cú đi trước (“mệnh đề
chính”). Giải thuyết này loại trừ khả năng xem “chẳng bù với/cho...” như một quán ngữ tình thái hoặc yếu tố liên kết/mạch
lạc câu;
(ii)
Hoặc xem ngữ đoạn danh từ
đứng ngay sau nó là bổ ngữ, tiểu cú theo sau là một sự tình ngang hàng với tiểu
cú đi trước (“chẳng bù với/cho...” sẽ
tương đương với bù lại/trái lại/ngược lại về mặt ngữ pháp).
Giải thuyết này có nhiều điểm “tiện lợi”: thứ nhất, “chẳng bù với/cho...” tương đương với trái lại/ngược lại/bù lại; thứ hai: sự vắng mặt của ngữ đoạn
này không ảnh hưởng đến nội dung mệnh đề của câu; thứ ba: nó giải thích được
cho trường hợp sau ngữ đoạn này không xuất hiện tiểu cú thứ hai (sự tình thứ
hai có thể lược bỏ vì ngữ nghĩa của câu đã đủ hoàn chỉnh – xem vd (74) hoặc thử
bỏ tiểu cú gạch dưới trong các câu (68)-(73)).
Tuy nhiên, cách giải thích (ii) này có một khó khăn: để đảm bảo sự
hoàn chỉnh và “độc lập” về ngữ pháp của tiểu cú thứ hai, trong nhiều trường hợp
có lẽ phải cho rằng có hiện tượng “chập cấu trúc”: bổ ngữ của chẳng bù với/cho lại đồng thời làm trạng ngữ hay khung đề của tiểu cú theo sau.
Nghĩa là các câu (68)-(74) có thể được viết lại, chẳng hạn:
(75) Ngày
nay, không ai đói, không ai rách, chẳng bù với ngày xưa, ngày xưa làm đầu
tắt mặt tối mà vẫn không đủ ăn.
(76) Nghe bố kể,
kem đó ở Hà Nội, và chỉ trẻ con nhà giàu mới có tiền mua. Ôi, chắc phải
ngon lắm! Chẳng bù cho kem ở quê
mình, kem gì toàn đá là đá, không ăn nhanh thì chảy hết!
(77) Ở nước ngoài bằng cấp
chỉ là 1 điều kiện ban đầu xét tuyển. Còn phỏng vấn, thử việc, năng lực kém thì
bằng gì cũng… vứt. Ốc: - Sướng nhẩy. Chẳng bù ở ta, ở ta có quy định phải có bằng loại này, mới lên lương loại
này.
(78) Jayden bây giờ không bám mẹ
nữa, chẳng bù cho trước kia, trước
kia cứ khi tôi ra khỏi cửa là nó khóc nhặng xị lên.
Chúng tôi thiên về giải
thuyết (ii).
Khi ra sách, các ví dụ nên có xuất xứ.
ReplyDeleteKhi đưa ra một nhận định kiểu "số lượng áp đảo", nên có ảnh màn hình Google ghi rõ ngày giờ truy cập.
ReplyDelete