Monday, 1 July 2013

BỘ...?




     Trong khẩu ngữ Nam bộ có một từ bộ dùng như sau:

Tình huống: Thấy một người bạn hớp một hớp trà rồi lắc đầu, người ta có thể hỏi:

(1) Bộ anh không thích à?

(2) Bộ trà không ngon sao?

   Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê (2003) không đề cập từ bộ này, còn Từ điển từ ngữ Nam bộ của Huỳnh Công Tín (2007) thì có đề cập, nhưng giải thích không đúng.






 

   Chúng tôi cho rằng đây là kết quả của một quá trình ngữ pháp hóa từ danh từ bộ đến trạng ngữ bộ.

  Sau đây chúng tôi sẽ thử diễn giải.



   1.  Danh từ bộ

   Trong Từ điển tiếng Việt Hoàng Phê danh từ bộ có hai nghĩa, nghĩa 1: “cái biểu hiện ra bên ngoài... qua cử chỉ, cách đi đứng, dáng vẻ, v.v.”, và nghĩa 2: “khả năng, năng lực xét qua cử chỉ, cách đi đứng, dáng vẻ bề ngoài”. Theo ý chúng tôi, nghĩa 2 ở Từ điển tiếng Việt thật ra cũng chính là nghĩa 1, cái gọi là “khả năng, năng lực” chẳng qua là nội dung biểu hiện của câu chứ không phải là nghĩa của bộ; như vậy, có thể nói đơn giản, bộ (danh từ) là “cái biểu hiện ra bên ngoài”.

   Tuy nhiên, có một điều đáng chú ý là bộ thường chỉ xuất hiện trong một vài tổ hợp “quen thuộc” là ngữ danh từ hoặc ngữ vị từ chứ không xuất hiện tự do – có lẽ do nó đã mờ nghĩa (?).

    – bộ tướng / bộ mặt / bộ tịch / bộ vó / bộ vận (Đại Nam quốc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của còn thêm: bộ đi (“cách đi”), bộ đứng (“nét đứng”))

    – coi bộ / ngó bộ / giả bộ / làm bộ / làm ra bộ / làm bộ làm tịch / ra bộ (Đại Nam quốc âm tự vị còn thêm: tốt bộ (“bộ tướng tốt”), gọn bộ (“tướng gọn ghẽ, cách phết rõ ràng”))

   Những tổ hợp vừa kể trên vẫn còn thông dụng trong khẩu ngữ Nam bộ.



   2.  Ngữ vị từ coi bộ
    Coi bộ làm thành mục từ trong cả Từ điển tiếng ViệtTừ điển từ ngữ Nam bộ. Hai từ điển này giải thích gần giống nhau, dù lần lượt một cuốn xem là phụ từ, một cuốn xem là vị từ.  




 



    Theo ý chúng tôi, coi bộ là một ngữ đoạn vị từ (bộ là danh từ bổ ngữ) có nghĩa tương tự trông/coi có vẻ; chỉ có điều vẻ là một danh từ được sử dụng “bình thường” (nghĩa là nó có quan hệ ngữ pháp không đánh dấu với vị từ đi trước nó, chứ không phải với vị từ trông, và có thể thay bằng một danh từ khác một cách rất tự nhiên), trong khi đó, bộ có quan hệ với vị từ coi, tạo thành một ngữ đoạn khá chặt. Tuy nhiên, ngữ nghĩa của hai cách diễn đạt này trong câu hầu như không có gì khác nhau. Ví dụ:

 (3) (Tôi) trông anh ta có vẻ không được khỏe.

(4) Anh ta (tôi) trông có vẻ không được khỏe.

(5) Trông có vẻ anh ta không được khỏe.

(6) Anh ta (tôi) coi bộ không được khỏe.

(7) (Tôi) Coi bộ anh ta không được khỏe.

  Ở hai câu (3) và (4), chủ thể của trôngtôi (có thể tỉnh lược), chủ thể của anh ta. Riêng câu (5) thì hơi khác: chủ thể của trông vẫn là tôi, nhưng chủ thể của không còn là anh ta nữa vì có vẻ được đưa ra trước đóng vai trò một trạng ngữ câu (lúc này, có vẻ có thể thay bằng hình như, dường như). Như vậy, từ một ngữ đoạn “thực”, có vẻ đã hư hóa phần nào để đảm đương một chức năng mới. Trong khi ở hai câu (6)-(7), chủ thể của coitôi, nhưng do không có vị từ , cho nên coi bộ có vẻ giống như vị ngữ của tôi chứ không liên quan gì đến anh ta.

    Tuy nhiên, từ những điều vừa nói về trông có vẻ cho phép loại suy: có thể giả định rằng từ bộ có thể dùng “tự do” như vẻ, lúc đó có thể có một cách diễn đạt hoàn toàn không khác gì với trông có vẻ (3)-(4):

 (8) (Tôi) coi anh ta có bộ (dáng) không được khỏe.

(9) Anh ta (tôi) coi có bộ (dáng) không được khỏe.

   Quả thật, trên thực tế vẫn tồn tại cách dùng coi có bộ, chẳng hạn: 











Tuy nhiên, dường như đã diễn ra một quá trình tương tự với có vẻ của câu (5), hiện nay coi bộ đã cố định hóa, trở thành một ngữ đoạn vị từ đóng vai trò trạng ngữ của câu mà ngữ pháp của nó có thể diễn lại như sau:

(10) (Tôi) coi anh ta có bộ không được khỏe.

  a. (Tôi) coi anh ta bộ không được khỏe.

               (// (Tôi) trông anh ta bộ dạng không được khỏe.)

   b. (Tôi) coi bộ anh ta không được khỏe.

                (// (Tôi) trông bộ dạng anh ta không được khỏe.)

   c. Anh ta coi bộ không được khỏe.

                 (// Anh ta trông bộ dạng không được khỏe.)

  d. Coi bộ anh ta không được khỏe.

                 (// Trông bộ dạng anh ta không được khỏe.)

Có thể thấy, các câu ở ví dụ (10) hoàn toàn phù hợp với ngữ pháp tiếng Việt. Như vậy, quá trình tỉnh lược và chuyển vị bộ đã hình thành ngữ vị từ coi bộ đứng đầu câu.



   3. Trạng ngữ bộ

Trở lại hai câu (1) và (2) ở trên.

(1) Bộ anh không thích à?

(2) Bộ trà không ngon sao?

Về ngữ pháp, bộ đứng đầu câu giữ vai trò trạng ngữ; về ngữ nghĩa, nó là một quán ngữ tình thái.

Các phát ngôn như trên có nội dung chính là một câu hỏi mà người nói yêu cầu người nghe xác nhận nhận định của mình. Câu hỏi thường được đánh dấu bằng ...à?, ...hả?, ...sao?; những yếu tố khác hầu như không thấy xuất hiện. Xem thêm một số ví dụ:

(11) Bộ nó mệt à?

(12) Bộ em quên mang theo sách hả?

(13) Bộ cái này không tốt sao?

(14) ??Bộ ông Tư bị bệnh, phải không?

(15) ??Bộ mình đi uống vài ly nghe?

(16) ??Bộ anh làm xong chưa?

  Ở các câu trên có một sự bổ sung (hoặc tăng cường) ngữ nghĩa rất rõ: các câu hỏi có ...à?, ...hả?, ...sao? là các câu hỏi mà nội dung mệnh đề của nó là một nhận định dựa vào những dấu hiệu hiện thực (chẳng hạn, thấy thằng bé mặt mũi bơ phờ nhận định: “nó mệt” hỏi: “nó mệt à?”) và người nói muốn được xác nhận; đồng thời, với bộ ở đầu câu, người nói dường như muốn hiển ngôn: “có những biểu hiện bề ngoài như tôi thấy” và “tôi muốn anh xác nhận phán đoán của tôi: “nó mệt””.

Tuy nhiên, theo chúng tôi, đây là kết quả của một hiện tượng rút gọn từ một cấu trúc câu ghép {[“(Tôi) coi bộ”] + [“nó mệt à?”]} thành một cấu trúc câu đơn có thành phần trạng ngữ [“Bộ”, “nó mệt à?”]; và tình huống phát ngôn tương đối hạn hẹp (yêu cầu xác nhận) lại là một lý do khiến sự rút gọn không làm tổn hại đến nội dung phát ngôn.


Như vậy, có thể tóm tắt:

(i) bộ (danh tử) → (ii) coi... có bộ  → (iii) coi bộ  → (iv) bộ (trạng ngữ)


2 comments:

  1. Có phải trong tiếng miền Nam vần "iu" và "iêu" được phát giống nhau không? Tôi đọc bài viết của học giả An Chi thấy có nói như vậy.

    ReplyDelete
  2. Có nên khảo sát trạng ngữ "bộ" chung với "thế/vậy" không?

    ReplyDelete