Luôn là một từ khó, có nhiều biểu hiện ngữ nghĩa khác nhau. Trong Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê, 1995), luôn được định nghĩa như sau: 1. Một cách lặp lại nhiều lần hoặc liên tiếp không ngớt. Đến thăm nhau luôn. 2. Một cách không ngừng hoặc gần như đồng thời, không để có sự gián đoạn. Viết luôn một lúc mấy lá thư. 3. Liền ngay tức thời (sau sự việc có liên quan). Nói xong, làm luôn. 4. Không phải chỉ có tính chất nhất thời, trong một thời gian, mà suốt từ đó về sau là như thế. Nó bỏ làng đi luôn không về nữa.
Về cơ bản, một số tài liệu khác cũng
trình bày nghĩa của luôn tương tự.
Những nét nghĩa của luôn diễn giải như trên nói chung là chưa
giúp đối lập luôn với những từ có nghĩa
gần gũi. Chẳng hạn, với nghĩa 1 luôn có
thể thay bằng liên tục, thường xuyên; với nghĩa 2 luôn có thể thay bằng liên tục, liền, ngay; với nghĩa 3 luôn có thể thay bằng liền, ngay; với nghĩa 4 luôn có
thể thay bằng mãi, hẳn. Nếu hình dung ngữ nghĩa của luôn rời rạc như vừa nói sẽ dễ dàng đồng
nhất luôn với các từ/ngữ có thể thay thế
cho nó; và hệ quả là chúng ta có một tập hợp các khả năng “đồng nghĩa” rất đáng
ngờ - một hiện tượng khó chấp nhận về mặt lý thuyết. Hơn nữa, theo ngữ liệu mà chúng
tôi thu thập được từ một số tác phẩm văn chương, và từ khẩu ngữ tự nhiên (ghi âm)
thì luôn còn một vài biểu hiện khác mà
Từ điển tiếng Việt (TĐTV) chưa đề cập, không thể thay bằng các từ/ngữ nói trên;
và nếu bổ sung những biểu hiện này vào từ điển thì sự rời rạc và bất cập vừa nói
lại càng lộ rõ hơn.
Trong phạm vi bài này chúng tôi sẽ
phân tích ngữ nghĩa của luôn dựa trên
tiền đề rằng ngữ nghĩa của một từ (thường là “hư từ”) bao giờ cũng được hình
thành trên một cơ sở nhận thức thống nhất, liên quan đến cách nhận thức thực tại
của người bản ngữ. Theo đó, các nét nghĩa của luôn có thể được nhận thức như là các biểu hiện của cùng một nội
dung ngữ nghĩa ở mức độ cơ sở của nó (semantic primitives, Wierzbicka 1996); và
chính điều này làm cho nó khu biệt với các khả năng thay thế có tính chất tình
huống của những đơn vị từ vựng khác.
(1) Viết luôn một lúc mấy lá thư. (TĐTV)
(2) Lão rót luôn bốn cốc, đều tăm tắp như vậy, không hề nhểu ra bàn một giọt rượu
nào. (ĐR)
(3) Khói vị thuốc bốc hôi quá. Tôi chóng mặt ọe ọe luôn mấy cái tưởng đã nôn rồi. (ĐR)
(4) Tôi làm hợp đồng thuê bao với HTVC từ tháng 1 và đóng luôn phí thuê bao 3 năm
(hết năm 2009). (Báo TT)
(5) Bác Ái gật đầu đáp rằng: "Thưa tôi mạnh", rồi
day lại móc túi lấy bạc cắc trả tiền xe, giành trả tiền luôn hai cái xe, rồi mới
dắt nhau vô nhà. (MCT)
Các câu
trên, ứng với nghĩa 2 của TĐTV, biểu thị “một cách không ngừng hoặc gần như đồng
thời, không để có sự gián đoạn”. Tuy nhiên, nếu xét kỹ, bản chất của các hành
động được biểu thị trong các câu trên có sự khác biệt rõ rệt. Nếu hành động “viết
thư” (ở vd (1)) có thể chia cắt như là một chuỗi hành động viết nối tiếp nhau,
“không có sự gián đoạn” (viết lá thư 1, sau
đó viết lá thư 2, sau đó viết lá thư
3...) – danh ngữ đối tượng đứng sau vị từ cho phép người Việt tri nhận quá trình
“viết” như thế – thì ở vd (2) hành động “rót bốn cốc” có thể được tiến hành
bằng một “động tác” duy nhất: miệng chai rượu có thể rê từ cái cốc thứ nhất đến
cái cốc thứ tư mà “lão” không cần phải nhấc tay lên (cách rót rượu và rót trà này
vẫn rất phổ biến trong sinh hoạt thường nhật), dù rằng vẫn có thể “lão” rót cốc
1, sau đó rót cốc 2, sau đó rót cốc 3, sau đó rót cốc 4, tương tự hành động “viết”. Và ở vd (3), về mặt
nhận thức, “oẹ luôn mấy cái” khó chia cắt thành các khúc đoạn “oẹ 1”, “oẹ 2”,
“oẹ 3” (cf: “oẹ mấy lần”). Tuy khả năng
“phân khúc” hành động khác nhau như trên, cả ba ví dụ đều phản ánh những quá trình
thống nhất và duy nhất về mặt nhận thức (trước hết, và suy cho cùng, đây là sự
thống nhất và duy nhất về mặt tâm lý) mà chúng tôi tạm gọi là quá trình nhất thể, nhờ sự có mặt của luôn. Nghĩa nhất thể của luôn cho phép thống nhất các sự tình kể cả khi các khúc động hành động
trong sự tình đó là bất khả phân. Điều này cũng đúng cho cả hai ví dụ (4) và
(5).
Ở vd (4) và (5), nếu chỉ xét từ góc độ đối tượng
hữu quan thì nghĩa của hai câu có thể được diễn đạt lại như sau: “Tôi đóng phí năm
thứ nhất, đồng thời đóng phí năm thứ hai, đồng thời đóng phí năm thứ ba”; “Bác Ái trả tiền xe thứ nhất đồng thời trả tiền xe thứ hai” (tức là hai ba hành động riêng rẽ được thực hiện
đồng thời). Như vậy, từ góc độ này, nội dung của câu biểu hiện các sự tình không
phải nối tiếp nhau về mặt thời gian, tức là không có dáng vẻ gì giống với định nghĩa
2 của Từ điển. Và ở (4) và (5) lại có thể thay luôn bằng cả/lẫn mà nội dung
biểu hiện không có gì thay đổi (duy nghĩa thời gian là không thể hiện): “Tôi đóng
phí năm thứ nhất, và cả năm thứ hai, cả năm thứ ba” hoặc “Tôi đóng phí cả ba năm”,
và “Bác Ái trả tiền cả xe thứ nhất cả xe thứ hai” hoặc “Bác Ái trả tiền cả hai xe”.
Xét từ
góc độ hiện thực (qua hành động mà vị từ biểu thị), đóng phí một năm hay ba năm
thì cũng chỉ thực hiện một lần cái
hành động gọi là “đóng”, trả tiền cho một xe hay cho hai xe thì cũng chỉ thực
hiện một lần cái hành động gọi là “trả”. Tính nhất thể của quá trình (4) và (5)
có vẻ khó chia cắt hơn so với các câu trước: “đóng phí thuê bao ba năm” và “trả
tiền hai cái xe” đều được xem là một hành động duy nhất.
Như
vậy, từ vd (1) đến vd (5), tính chất “không ngừng”, “gần như đồng thời”, “không
để có sự gián đoạn” của luôn có mức
độ khác nhau, tạo thành một thể liên tục (continuum). Về mặt nhận thức, tính
liên tục (sự kế tiếp nhau của các sự tình) không thể không đối lập với tính
đồng thời (sự đồng nhất trên trục thời gian của các sự tình). Vì vậy, chúng tôi
cho rằng trong cấu trúc “V + luôn” ở
các trường hợp trên, hành động biểu thị bằng vị từ được xem như được thực hiện một lần, bất kể đối tượng tác động của
nó có phân lập trên trục thời gian hay không.
Hay nói
cách khác, sự có mặt của luôn đã góp phần
biểu thị tính đồng nhất hay nhất thể của một
quá trình trong đó diễn ra hành động mà vị từ biểu thị.
Có
hai trường hợp: (i) Sự có mặt của luôn
biểu hiện một sự tình được xem là duy nhất, hành động mà vị từ biểu thị được
thực hiện duy nhất một lần; (ii) Sự có mặt của luôn đã làm cho các khúc đoạn sự tình được biểu thị trong câu - nếu
đối tượng của hành động được phân lập - trở thành một chuỗi liên tục và liền lạc.
Tuy nhiên, sự liên tục và liền lạc này là sự liên tục, liền lạc nhất thể chứ không
phải là sự liên tiếp (hành động này tiếp sau
hành động kia). Bởi vì, nếu cần đánh dấu hiện tượng thứ hai này thì trong tiếng
Việt đã có liền, ngay, liên tục, liên tiếp, và nhiều cách diễn đạt khác. (Điều
này tương tự như cách vẽ một chuỗi hình ảnh chỉ bằng một nét bút (không nhấc bút
lên), khác với cách vẽ thông thường (hình thứ hai được vẽ sau khi kết thúc hình thứ nhất, có thể đánh dấu ranh giới thời gian
giữa các hình)).
2. Xét các trường hợp sau:
(6) Anh về trong này rồi ở luôn hay trở ra Hà Nội nữa?
(MCT)
(7) Sau khi nướng xong mực cho mấy người lính "cảm
tình", thím Ba ra đứng luôn tại cửa. (HĐ)
(8) Có bữa Quảng Giao dạy học năm giờ ra đi mất cho tới sáng
rồi dạy luôn đến trưa bữa sau mới về nhà ăn cơm, vóc ốm mình gầy, mắt vàng ẻo.
(MCT)
(9) Tôi và Tốt ngồi nhậu cho đến mặt trời
lặn. Không hiểu sao mà tôi cắt luôn cơn sốt. (DC)
(10) Bà ra đi vào buổi tối. Sau khi cơm nước xong, thấy mệt, bà lên giường nằm. Thế
rồi thiếp luôn, cứ y như một người đi vào giấc ngủ ngàn năm. (BM)
Thoạt nhìn, những trường hợp trên đây
có vẻ ứng với nghĩa thứ 4 của TĐTV: “không
phải chỉ có tính chất nhất thời, trong một thời gian, mà suốt từ đó về sau là như
thế”. Nhưng nếu xét kỹ thì
định nghĩa của TĐTV chỉ đúng cho vd (6) chứ không đủ bao quát cho ba câu tiếp đó.
Hành động “đứng” ở (7) không thể hiểu là “suốt từ đó về sau là như thế” vì hiện
tượng này chỉ có tính chất nhất thời, mặc dù có thể kéo dài (câu chuyện cho biết
thím Ba đang nóng lòng trông ngóng trời mưa để anh em trong hòn có nước uống). Hành
động “dạy” ở (8) cũng chịu sự hạn định về thời gian do trạng ngữ “đến trưa bữa
sau” biểu thị.
Ở vd (9), “cắt luôn cơn sốt” có lẽ không
có nghĩa là “cắt” “suốt từ đó về sau là như thế”; “cơn sốt” chỉ bị cắt một lần
(“cắt” là vị từ điểm tính), dù cái kết quả còn lại là “tôi” không bị sốt nữa. Tuy
nhiên, luôn chỉ tác động đến “cắt”, nghĩa
là cái ý nghĩa sau đó “tôi” không còn sốt nữa chỉ là hệ quả suy ra từ cái khung
quá trình nhất thể của ngữ nghĩa “cắt luôn”; hơn nữa, “cắt” không có sự nối kết
nào về mặt thời gian với một hành động khác (theo kiểu “nói xong, làm luôn”) nên
cũng không thể liên quan đến nghĩa “liên tục”, “không gián đoạn”.
Ở vd (10), “thiếp” không phải là một
vị từ điểm tính như “cắt”, nhưng “thiếp luôn” ở đây không có nghĩa là “từ đó về
sau là như thế”, vì “thiếp” bao giờ cũng có nghĩa là rơi dần vào trạng thái không còn tri giác hay trạng thái ngủ (không thể
nói “nó đang thiếp”, “nó đã thiếp” mà chỉ có thể nói “nó đang/đã/sắp thiếp đi”),
và quá trình “thiếp” bao giờ cũng kết thúc ở một trạng thái khác (“tỉnh (dậy)”,
“ngủ”, “chết”). Như vậy “thiếp luôn” không thể hiểu là một trạng thái kéo dài mãi
mãi mà chỉ có thể hiểu đó là một quá trình được đánh dấu là nhất thể; từ đó suy
ra rằng “bà” đã “ra đi” chứ bản thân “thiếp luôn” không hàm nghĩa “ra đi”. (Hơn
nữa, vế câu đi sau đã khẳng định lại điều này: “cứ y như...”).
Trong các trường hợp vừa đề cập cho
phép nghĩ rằng luôn là một tác tố đánh
dấu tính thống nhất và duy nhất hay tính nhất thể của một quá trình được biểu thị
bằng vị từ đi trước. Nói đến quá trình tức là nói đến thời gian: dường như người
Việt có xu hướng nhất thể hoá một quá trình hoặc một chuỗi hành động bằng cái khung
ngữ nghĩa do “V + luôn” tạo nên.
3. Xét các phát ngôn mà chúng tôi đã trực tiếp ghi âm:
(11) (– Ai đưa con đi học hả?) – Ba con. Ba con đưa anh hai luôn.
(12) (– Vậy ai rước con? Ba hay mẹ?) – Ba luôn.
(13) Con gái nó dễ. Nó hả, ăn cơm nó tự múc ăn luôn. Nó ngồi bàn luôn, nó ăn chung
luôn chứ hổng có chờ ai đút.
Có thể thấy ngay rằng các phát ngôn
trên không ứng với những nghĩa mà TĐTV đã nêu: nó không chia sẻ những khái niệm
như “liên tiếp”, “nhiều lần”, “không ngừng”, “liền ngay tức thời”, “suốt từ đó về
sau là như thế”.
Ở
(11), hành động “đưa con” cũng thống nhất với hành động “đưa anh hai”, tạo thành
một quá trình nhất thể. Ở (12), người đưa con cũng là người rước con: hành động
“rước” của “ba” cũng thống nhất với hành động “đưa” (chứ không phải là đồng thời).
Tính nhất thể của hai hành động này dựa trên cơ sở thống nhất chủ thể (đều có chủ
thể là “ba”), khác với trường hợp trước – cơ sở thống nhất là hành động (một hành
động thực hiện trên hai đối tượng). Ở (13), cơ sở thống nhất cũng là hành động:
hành động “tự múc ăn” (và “ngồi bàn (luôn)”, ăn chung (luôn)”) là một quá trình
nhất thể, diễn ra theo một hướng duy nhất, không có sự ngắt quãng hay can thiệp
của bất kỳ nhân tố nào khác, và cũng không liên tục với bất cứ hành động nào trước
hay sau nó. “Ngồi bàn (luôn)” và “ăn chung (luôn)” cũng tương tự.
Với
cách hiểu như trên, những phát ngôn kiểu “Nó được nghỉ bốn ngày luôn” thì cũng giống
như “Nó ăn một con gà luôn”, đều có nghĩa là “nghỉ” hay “ăn” là một quá trình thống
nhất, một chiều (vốn không thể giải thích trong khuôn khổ định nghĩa của TĐTV).
Hay nói cách khác, trên trục thời gian, “bốn ngày nghỉ” hay “một con gà” được “xử
lý” thống nhất trong một quá trình nhất thể.
Tất nhiên, trong hai phát ngôn trên
có một nghĩa tình thái chủ quan (người nói cho rằng như thế là nhiều, lớn, hay toàn bộ) mà luôn góp phần thể hiện tuy chưa được TĐTV
ghi nhận. Thực ra, theo nhận xét của chúng tôi, ý nghĩa tình thái bổ sung đó không
thể tách rời khỏi ngữ điệu nhấn nhá, kéo dài có chủ ý của người nói. (Phải chăng
chính vì đặc trưng khẩu ngữ và phương ngữ này mà biểu hiện vừa nói của luôn chưa được ghi nhận?). Hơn nữa, ý
nghĩa tình thái đó hoàn toàn có thể xem là do tính nhất thể của luôn tạo ra.([1])
Tương tự như tương quan giữa luôn và ngay, liền, liên tiếp, hẳn, v.v. ở các trường hợp khác: “ăn một con gà” và “được nghỉ bốn
ngày” trong một quá trình duy nhất thì cũng có thể xem là nhiều! Với nghĩa tình
thái nhiều, toàn bộ, hai ví dụ vừa đề cập hoàn toàn có thể thay bằng các yếu tố
như “cả”, “nguyên”, v.v.: “Nó được nghỉ nguyên/cả bốn ngày”, “Nó ăn nguyên/cả
một con gà” – tất nhiên, tính nhất thể của quá trình lúc này không còn nữa.
Cũng
cần nói thêm rằng phạm vi tác động của luôn
có thể khác nhau, tùy vào vị trí của nó, nhưng nội dung cơ bản của câu vẫn
không thay đổi: “Nó được nghỉ luôn bốn ngày” và “Nó ăn luôn một con gà”.
4. Những điều vừa
trình bày trên đây cũng hoàn toàn có thể ứng dụng để giải thích cho nét nghĩa 1
của TĐTV. Ví dụ:
(14) Tía nuôi tôi từ hôm ấy càng đâm ra ít nói, chẳng thiết gì công việc làm ăn,
cứ bỏ nhà đi luôn. (ĐR)
(15) Tôi phải tự động viên mình luôn và chật vật lắm mới trèo lên tận ngọn một cây
đước cao. (ĐR)
(16) Không, em cứ rờ ngực rờ mũi nó luôn. (HĐ)
Theo TĐTV, nghĩa 1 của luôn là “một cách lặp lại nhiều lần hoặc
liên tiếp không ngớt” (các vị từ hoặc chuỗi vị từ “cứ”, “phải”, “bỏ nhà đi”, “động
viên”, “rờ” không cho phép hiểu các câu trên theo nét nghĩa 4 của TĐTV). Tuy nhiên,
“bỏ nhà đi” hai ba lần, “động viên” bốn năm lần, “rờ” bảy tám lần thì cũng chỉ là
nhiều lần, hoặc liên tiếp. Khi đó, chúng ta có những hành động cụ thể và riêng rẽ diễn
ra từng lần một, và bản thân những hành
động ấy không làm thành một quá trình thống nhất, và cũng không thể diễn ra “đồng
thời” trên trục thời gian. Nếu nhìn trong quan hệ với các trường hợp nêu ở phần
trên, chúng tôi cho rằng sự có mặt của luôn
đánh dấu một quá trình mà trong đó hoàn toàn có thể xem hành động “bỏ nhà đi”,
“tự động viên mình”, “rờ ngực, rờ mũi nó” được biểu hiện như những sự tình thường trực, trong đó có sự luân
phiên giữa “bỏ đi” và “không bỏ đi”, giữa “động viên” và “không động viên”, giữa
“rờ” và “không rờ”, nhưng trong quá trình luân phiên ấy không có một sự tình nào
khác xảy ra hay can thiệp, nghĩa là quá trình ấy là một quá trình nhất thể.
Từ đó, có thể đưa ra một giả định
rằng chính tính chất thường trực (do luôn
đánh dấu) của các hành động trong một phạm vi thời gian nhất định cho phép nhất
thể hoá toàn bộ quá trình mà phát ngôn biểu hiện. Tính chất thường trực này có
thể xem là một biểu hiện của tính chất không hoàn thành (imperfective). Ở (14),
hành động “bỏ nhà đi” bắt đầu từ “hôm ấy”; ở (15) hành động “tự động viên” bắt
đầu từ khi nhân vật “tôi” “cảm thấy tay chân mình bủn rủn, nhấc không muốn nổi”;
ở (16), hành động “rờ ngực, rờ mũi” bắt đầu từ khi “thằng Bé” bị chặt đứt cánh
tay. Và tất cả các hành động trên diễn ra
thường trực và không có dấu hiệu nào cho biết là đã hoàn thành. Về mặt nhận
thức có thể hình dung các phát ngôn trên như sau:
Sơ đồ (a) cho thấy các hành động
diễn ra rời rạc, riêng rẽ trên trục thời gian, tức là những trường hợp không
được đánh dấu bằng luôn. Sơ đồ (b)
cho thấy các hành động cũng diễn ra trên trục thời gian nhưng được tri nhận như
trong cùng một quá trình (trong khuôn khổ của phần tô màu xám).
Như vậy, nếu sử dụng thao tác diễn dịch, chúng
ta cũng có thể thấy có vẻ như trong một số trường hợp ở những mục trên, các sự
tình/hành động được đánh dấu bằng luôn
cũng có tính chất thường trực như vừa
nói. Thật ra, nếu xét thật nghiêm ngặt thì tình hình không phải là như vậy.
Trong các ví dụ ở những mục trên, tính nhất thể của quá trình chỉ thể hiện trong
một giới hạn nhất định, hay nói khác đi, sự tình được biểu thị ở các ví dụ đó là
sự tình hoàn thành. Ở (1), sau khi viết bức thư thứ ba thì hành động viết kết
thúc; ở (2), sau khi cốc thứ tư đầy thì lão không rót nữa; ở (6), việc “ở luôn
trong này” chỉ thực hiện một lần, nghĩa là không có sự luân phiên giữa “ở” và
“không ở”; ở (11) (12) (13) cũng vậy, việc đưa hay rước con, việc tự múc cơm ăn,
việc ngồi chung bàn với bố mẹ không hề được xem là có tính lặp lại về mặt thời
gian. Như vậy có thể nói rằng, tính chất thường trực là một biểu hiện riêng biệt
của ngữ nghĩa quá trình nhất thể của luôn.
Cần
chú ý rằng trong các ví dụ ở mục 4, luôn
đứng ở cuối phần vị ngữ, tác động đến toàn bộ phần vị ngữ; và có khả năng đảo
vị: “luôn bỏ nhà đi”, “luôn tự động viên mình”, “luôn rờ ngực, rờ mũi nó”. Riêng
với quan hệ này, khi đảo vị, luôn xuất
hiện với tư cách là một vị từ tình thái đòi hỏi một vị từ hoặc một ngữ đoạn vị
từ làm bổ ngữ cho nó. Tuy nhiên, thay đổi vị trí dẫn đến thay đổi ngữ pháp và
sau đó là sự sai biệt nhất định về ngữ nghĩa. Có vẻ như tầm tác động của luôn mạnh nhất khi đứng trước làm vị từ
tình thái. Khi đó, nó tạo ra một cái khung ngữ nghĩa quá trình nhất thể (và thường
trực) cho toàn bộ ngữ đoạn theo sau. (Trong khi nó là một phụ ngữ bổ sung ý nghĩa nhất thể (và thường
trực) nếu nó đứng ở cuối thành phần vị ngữ). Chính điều này giải thích lý do vì
sao khi đi với các sự tình trạng thái (biết, yêu, nhớ v.v.), tư thế (ở, giữ,
ngồi, v.v.), quá trình (đổ, ngã, cháy, v.v), vị trí trước vị từ của luôn có vẻ tự nhiên hơn. Chẳng hạn, xét hai ví dụ:
(17) Đồng bào ta ở miền Bắc luôn hướng về miền Nam anh hùng, luôn hướng về miền Nam
thành đồng Tổ quốc! (HĐ)
(18) Trong gia đình cũng như trong anh em đồng chí, chị luôn nhường phần mình.
(HĐ)
Ở (17) hướng biểu thị một trạng thái tinh thần, có nghĩa tương tự như “nhớ”,
“nghĩ”, “quan tâm”, do vậy vị trí trước vị từ là thoả đáng. Ở (18), nhường có thể hiểu là một vị từ hành động
(nhường X cho A, nhường Y cho B, nhường Z cho C) nên luôn có thể đứng sau thành phần vị ngữ. Tuy nhiên, ngữ cảnh của câu
cho thấy nhường không phải là một hành
động như thế mà nhường được biểu hiện
như một “thuộc tính” của chị Sứ, do vậy vị trí trước vị từ của luôn tự nhiên hơn.
Tương
tự, “Anh luôn yêu em, luôn nhớ đến em” chắc chắn tự nhiên hơn là “Anh yêu em luôn,
nhớ đến em luôn”; “Tôi luôn ngủ trước 12 giờ”, “Tôi luôn dị ứng khi ăn tôm” chắc
chắn tự nhiên hơn “Tôi ngủ trước 12 giờ luôn”, “Tôi dị ứng khi ăn tôm luôn”,
v.v.. (Nếu tiến hành đảo vị luôn ở một
số ví dụ trong các mục trước, chúng ta cũng thấy được những biểu hiện tương tự:
ở (1) (2) (3) (4) chẳng hạn, khi luôn
đứng trước vị từ chúng ta sẽ có những sự tình thường trực, “luôn viết ba bức thư”
nghĩa là mỗi lần viết chắc chắn người viết sẽ viết ba bức).
Ngoài ra, với biểu hiện ngữ nghĩa
vừa nói, luôn có thể hành chức trong một
ngữ đoạn mang tính thành ngữ như luôn miệng,
luôn tay, chẳng hạn:
(19) Tôi phải suỵt suỵt luôn mồm, nó mới chịu im.
(20) Thằng bé nhà anh ở đám trẻ chăn trâu kia kìa. Nó luôn mồm nhắc bố đấy. (ĐT)
Riêng hiện tượng lặp từ (luôn luôn) đa số xuất hiện ở vị trí trước
vị từ.([2])
Ví dụ:
(21) Hắn uống hai cốc rượu liền, uống vội vàng, xong lại xé mực nhai nhóc nhách,
mắt luôn luôn ngó ra cửa. (ĐR)
(22) Mắt hắn luôn luôn nhìn vào cốc rượu, dường như người đăm chiêu nghĩ ngợi, hoặc
có một tâm sự đau buồn gì. (ĐR)
(23) Ông luôn luôn là người đi trước tiên trong mọi công việc ông nghĩ ra. (ĐT)
(24) Họ luôn luôn tìm sức mạnh trong cái yếu đuối của họ. (ĐT)
Về tổ hợp này, chúng tôi cũng cho
rằng nó là một biểu hiện của luôn. Chính
nghĩa biểu hiện quá trình nhất thể (và thường trực) của luôn đã làm cho luôn luôn
có thể được sử dụng như một tác tố biểu thị tần suất cao (thường được xếp trong
loạt thường, thường xuyên, thỉnh thoảng,
v.v.)([3]).
Nghĩa tần suất của nó chỉ là hệ quả của nghĩa gốc.
5. Xét ví dụ sau:
(25) Nói xong, làm luôn. (TĐTV)
Đây
là nét nghĩa 3 của TĐTV: “liền ngay tức thời (sau sự việc có liên quan)”. Về mặt
thời gian, quả thật hành động do luôn
đánh dấu (hành động thứ hai) xảy ra liền sau hành động thứ nhất. Các ví dụ sau có
vẻ như cũng có biểu hiện tương tự:
(26) Năm Nhớ uống xong, dụm chân ngồi giữa dòng nước tắm luôn. (HĐ)
(27) Say máu, nó gừ lên, vồ luôn con chuột bạn của nó, gã truyền đạo không kịp đối
phó thì con chuột đã nằm gọn trong vuốt nó. (CA)
(28) Sắp bắn, bọn chúng thấy tiếc cái bộ quần áo của cán bộ. Cởi áo thì phải mở trói.
Vừa mở trói xong, thừa cơ, anh cán bộ dùng võ thuật quật một thằng, cướp luôn súng,
nổ liền mấy phát rồi lao vào rừng rậm trầm mình dưới con suối. (DC)
(29) Lúc Xuân Hoa bưng trái cây lên, Bác Ái ngồi mắt thì ngó dĩa mận với dĩa quít
mà lại thấy luôn hai bàn tay của Xuân Hoa trắng trong, hai cườm tay tròn vình. (MCT)
(30) Thấy bầy vịt chết, không nói không rằng, y cầm hai chân thằng con lẳng luôn
xuống ao. (BM)
(31) Xuân Hoa đội khăn ngồi gần đó, mặt ngó xuống sông dường như ai cắt ruột bầm
gan. Cô muốn nhào luôn xuống sông chết cho rồi. (MCT)
(32) Tôi đoán rằng tía nuôi tôi dắt tôi đi phục kích bắn giặc; ông đã gọi tôi
theo, hẳn là ông tin cậy tôi hơn thằng Cò. Bụng mừng rơn, tôi nói luôn: - Tía
đưa cho con cái dao găm! (ĐR)
Tuy
nhiên, theo chúng tôi, sự tình diễn ra liền
sau như vậy chưa đủ để khẳng định rằng luôn
biểu hiện nghĩa “liền ngay tức thời”, hoặc nếu có thì đây không phải là nét nghĩa
trội của luôn. Cứ thử thay thế luôn trong các câu trên bằng một trong các
hình thức “tương đương” với nó như liền,
ngay thì sẽ thấy có một khác biệt rất
lớn về ý nghĩa: “Năm Nhớ uống xong… tắm ngay”, “Say máu, …, nó vồ ngay con chuột
bạn của nó”, “thừa cơ, anh ... quật một thằng, cướp ngay súng”, v.v.. Rõ ràng trong
các ví dụ trên, sự có mặt của luôn đã
đánh dấu quan hệ liên tục của vị từ mà nó tác động với các vị từ khác (trong cùng
một phát ngôn hoặc trong phát ngôn trước đó), tạo thành một quá trình nhất thể.
Chẳng
hạn, ở (26) sự tình “uống” và sự tình “tắm” là thuộc cùng một quá trình; ở (27)
sự tình “vồ con chuột bạn của nó” nằm trong quan hệ thống nhất với hành động “vồ”
con chuột lạ diễn ra trước đó; ở (28) hành động “cướp súng” nằm trong quan hệ
thống nhất với hành động “quật một thằng”; ở (29) sự tình “thấy hai bàn tay của
Xuân Hoa” nằm trong quá trình “ngó dĩa mận với dĩa quít”, v.v..
Có
thể hình dung các quá trình qua sơ đồ sau:
Sơ đồ 2: (a) và (b) biểu thị 2 hành động
nối tiếp nhau, có khoảng cách thời gian (a) hoặc không (b): “uống xong, tắm ngay”. Trong khi đó, (c) và (d) biểu thị
2 hành động được tri nhận như trong cùng một quá trình (tượng trưng bằng khung
lớn màu xám) cho dù các hành động đó có khoảng cách thời gian (c) hay không
(d): “uống xong, tắm luôn”. (Chú
thích: chúng tôi sơ đồ hoá 2 hành động bằng 2 khối màu đen thay vì 2 gạch thẳng
đứng để có thể dễ hình dung tính chất quá trình của nó).
Trong
những câu có hai hoặc hơn hai vị từ, trật tự thời gian của các hành động/sự tình
trong những trường hợp này cũng mang tính chất tuyến tính, nghĩa là có trước có
sau, không có sự đứt đoạn – chính vì vậy mà nó được diễn giải là “liền ngay tức
thời”. Cũng cần nói thêm rằng, có những phát ngôn mà các hành động/sự tình
trong đó không tất yếu có quan hệ tuyến tính như vậy trong thực tế, tức là khó
có thể nói đến sự “liền ngay tức thời”, chẳng hạn:
(33) Lúc này càng không phải là đẩy mạnh khai thác tài nguyên đem bán và bán luôn
cả môi trường, qua đó rào chắn con đường dẫn tới nền kinh tế dịch vụ, kinh tế
tri thức! (Báo TT)
(34) Vân hái chậm, Nguyên hái nhanh nên lúc nào cũng vậy, hái phần nhà mình,
Nguyên thường phải hái luôn cho cả phần nhà Vân nữa. (BM)
Trong (33), khó có thể xác lập
quan hệ trật tự thời gian giữ việc “bán tài nguyên” và “bán luôn môi trường”, mà
đúng hơn, “bán tài nguyên” chính là “bán môi trường”. Tương tự, trong (34) khó
có thể cả quyết rằng sau khi “hái phần nhà mình” xong Nguyên mới “hái” “phần nhà
Vân”, mà hoàn toàn có thể cho rằng trong thực tế Nguyên đã “hái” một lần cho cả hai nhà (xem mục 1 ở trên,
đặc biệt là vd (4) (5)).
Vì vậy, có thể nói, trên hết vẫn là
tính chất nhất thể của chuỗi hành động/sự tình được diễn đạt bằng chuỗi vị từ có
mặt trong câu, hoặc vượt ra ngoài phạm vi câu (i.e hành động/sự tình sau thống
nhất với hành động/sự tình được diễn đạt trong câu trước đó, vd (27) và (31)). Theo
suy nghĩ của chúng tôi, đây chính là điểm chủ yếu trong ngữ nghĩa của luôn ở trường hợp này. Có thể cho rằng các
sự tình được diễn đạt bằng các tiểu cú đứng trước, hoặc bằng các câu đi trước tạo
thành một khung cảnh huống cho sự tình được đánh dấu bằng luôn; hay nói cách khác, hành động/sự tình được đánh dấu bằng luôn diễn ra trên cái nền hành động/sự
tình đã được diễn đạt trước đó. Và đây chính là cơ sở hình thành một quá trình nhất
thể mà cấu trúc “V + luôn” tham gia.
Cách
lý giải này cho phép giải thích các trường hợp mà trong đó không hiển ngôn một
hành động hay sự tình nào làm nền cho “V + luôn”
cả. Khi đó, chúng tôi cho rằng cái cảnh huống hiện tại vào thời điểm phát ngôn
(bây giờ, ở đây) sẽ thống nhất với hành động/sự tình được đánh dấu bằng luôn tạo thành một quá trình nhất thể.
Chẳng hạn các ví dụ sau đây:
(35) (– Bữa nào lớp cũ mình gặp nhau một bữa đi!) – Ừ, tính luôn đi! Tính luôn bữa
nay đi! (ghi âm)
(36) Uống cà phê không? Uống luôn đây được không? (ghi âm)
(37) Dượng Ba hả? Ừ, dượng ba vui lắm. Mắc cười lắm. Dượng ba tới luôn bây giờ
nè! (ghi âm)
(38) (Ông nhớ uống thuốc đúng giờ. Thuốc để sẵn ở đầu giường của ông, ông cũng
cần ăn để mau lại sức). - Nếu có thể, cô làm ơn cho tôi uống luôn đi. (Quỳnh
Dao, “Vòng tay kỷ niệm”, Liêu Quốc Nhĩ dịch, Nxb Tp.HCM, 2000)
Như vậy, có thể nói sự có mặt của
luôn đã làm cho cái sự tình đóng vai
trò khung thời gian/cảnh huống cùng với cái sự tình diễn ra trong cái khung thời
gian/cảnh huống ấy trở thành một quá trình nhất thể.
6. Luôn là
tác tố đánh dấu các sự tình/hành động mà người nói nhận thức như là một quá trình
nhất thể. Và khi tiếp nhận một phát ngôn có luôn,
người nghe bao giờ cũng có thể nhận biết rành mạch cái dấu hiệu đi kèm đó, trên
cơ sở những chọn lựa quan yếu (relevance selections). Tuy nhiên, điều chúng tôi
muốn đề cập là trên cái nền ngữ nghĩa cơ sở của luôn hầu như tất cả các biểu hiện cụ thể khác nhau đều có ẩn chứa một
khả năng đối lập [-luôn]. Và đây chính
là một thế đối lập có thể giúp hiển ngôn hóa ngữ nghĩa cơ sở của luôn.
Như
vậy, trong quá trình dạy tiếng hoặc khi cần giải nghĩa cái nội dung mà luôn đánh dấu, chúng tôi thiết nghĩ có
thể dựa vào thế đối lập này để xây dựng một cơ chế tương đối thuần nhất: {[V+luôn] thay vì/chứ không phải là X};
trong đó X là khả năng đối lập [-luôn].
Chẳng hạn:
(1) Viết luôn ba
bức thư → (...) chứ không phải chỉ viết một bức hoặc viết từng bức.
(3) ọe luôn mấy
cái → (...) chứ không phải chỉ ọe một cái
(5) trả tiền luôn
2 cái xe → (...) chứ không phải chỉ trả tiền một cái xe
(6) ở luôn trong
này → (...) chứ không phải trở ra Hà Nội
(9) cắt luôn cơn
sốt → (...) chứ không phải chỉ giảm sốt
(10) thiếp luôn →
(...) chứ không phải chỉ thiếp đi một lúc
(11) đưa anh luôn
→ (...) chứ không phải chỉ đưa con
(12) ba (rước)
luôn → (...) chứ không phải người khác rước
(13) tự múc ăn
luôn → (...) chứ không phải có người đút
(14) bỏ nhà đi
luôn → (...) chứ không phải chỉ bỏ đi một
vài lần
(15) động viên mình
luôn → (...) chứ không phải động viên một
vài lần
(16) rờ mũi rờ
ngực nó luôn → (...) chứ không phải chỉ rờ một vài lần
(25) nói xong làm
luôn → (...) chứ không phải chờ đợi hoặc chỉ nói thôi
(26) uống xong tắm
luôn → (...) chứ không suy nghĩ hoặc chờ đợi hoặc lo lắng gì cả
– nghỉ 4 ngày luôn
→ (...) chứ không phải chỉ nghỉ một ngày
– ăn một con gà
luôn → (...) chứ không phải chỉ ăn một phần
Ngay cả trường hợp luôn đứng trước vị từ vẫn có thể diễn giải
tương tự:
(17) luôn hướng
về miền Nam
→ (...) chứ không phải chỉ hướng vài lần hay trong thời gian ngắn
(18) luôn nhường
phần mình → (...) chứ không phải chỉ nhường đôi lần, hoặc nhường tùy hứng
Thật ra,
theo chúng tôi, cơ chế này là một kiểu giải nghĩa bằng hình thức phủ định, không
phản ánh đúng bản chất ngữ nghĩa của luôn.
Tuy nhiên, nó có thể giúp hình dung dụng ý của người nói khi dùng luôn. Vì vậy, sử dụng một cơ chế đối lập
như trên cũng có thể xem là một cách làm khả dĩ.
Kết luận:
Từ những phân tích trên đây về luôn, chúng tôi tạm thời đi đến nhận xét
rằng luôn là một tác tố có vai trò
gắn kết các hành động/sự tình được diễn đạt trong phát ngôn thành một quá trình
nhất thể. Đó là một chọn lựa mang tính nhận thức của người nói. Các biểu hiện
gần gũi như tính liên tục, liền tức thì, mãi mãi, v.v., chỉ là những biểu hiện
phái sinh, là sự diễn giải (interpretation) về phía người nghe.
Quá trình nhất thể do luôn diễn đạt có thể hình thành trên cơ
sở thống nhất chủ thể, hành động, đối tượng, thời gian, hoặc không gian. Trong
một quá trình nhất thể có thể có những sự tình/hành động diễn ra thường trực hoặc
không thường trực, liên quan đến tính hoàn thành hay không hoàn thành của sự tình/hành
động mà vị từ biểu thị.
Có thể nhận thấy rằng, về mặt
nhận thức, nếu đặt luôn trong quan hệ
với những ngữ đoạn (thường xuất hiện trong khẩu ngữ tự nhiên) như
“chuyên/chuyên môn + V”, “lúc nào/bao giờ cũng + V”, “ai nấy đều + V”, “ai mà
chẳng + V”, “cái gì cũng + V”, v.v., có thể thấy luôn có vẻ cũng là một phương tiện thể hiện thói quen khái quát
hoá, đồng nhất hoá của người Việt trong quá trình sử dụng ngôn ngữ.
Tài liệu tham khảo chính:
1.
Hoàng
Trọng Phiến, 2003, Cách dùng hư từ tiếng Việt, Nxb Nghệ An.
2.
Langacker
R.W., 1987, Foundations of Cognitive Grammar, Vol.1, Stanford University
Press, California.
3.
Lý
Toàn Thắng, 2005, Ngôn ngữ học tri nhận – từ lý thuyết đại cương đến thực tiễn
tiếng Việt, Nxb KHXH, H.
4.
Hoàng
Phê CB, 1995, Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng và Trung tâm Từ điển học XB.
5.
Nguyễn
Đức Tồn, 2002, Tìm hiểu đặc trưng văn hóa-dân tộc của ngôn ngữ và tư duy ở người
Việt (trong sự so sánh với những dân tộc khác), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội,
H..
6.
Wierzbicka
Anna, 1996, Semantics Primes and Universals, Oxford University
Press, NY.
Ngữ liệu:
1.
Anh
Đức, “Hòn đất”, (internet), viết tắt (HĐ)
2.
Hồ
Biểu Chánh, “Một chữ tình”, Nxb Tổng hợp Tiền Giang, 1988, viết tắt (MCT).
3.
Đoàn
Giỏi, “Đất rừng phương Nam”,
(internet), viết tắt (ĐR).
4.
Lê
Lựu, “Đại tá không biết đùa”, (internet), viết tắt: (ĐT).
5.
Nam
Cao, “Truyện ngắn Nam Cao”, Nxb Đà Nẵng.
6.
Ngô
Xuân Hội, “Bình minh không tiếng chim”, Nxb Hội nhà văn, H., 2000., viết tắt
(BM).
7.
Nguyễn
Quang Sáng, “Cái áo thằng hình rơm”, (internet), viết tắt (CA)
8.
Nguyễn
Quang Sáng, “Dân chơi”, (internet), viết tắt (DC)
([1])
Trong các ví dụ sau đây, các từ in nghiêng cũng
có khả năng phái sinh nghĩa tình thái tương tự:
(a) Nó hát ba bài liên tiếp
(b) Anh đọc mãi (mà vẫn không hiểu)
(c) Nghe xong nó trả lời ngay
Có
thể thấy ở (a) liên tiếp có nghĩa tình
thái phái sinh là “nhiều”; ở (b) mãi
có nghĩa tình thái phái sinh là “lâu” hoặc “nhiều lần”; ở (c) ngay có nghĩa tình thái phái sinh là
“nhanh”.
No comments:
Post a Comment