Saturday 21 September 2013

Về tính phản bác của "Ai mà không biết"


                                                                       (Đây là một góc nhìn khác về "Ai mà không biết")




Ai mà... là một cấu trúc nghi vấn có ý nghĩa phủ định nằm trong loạt câu nghi vấn phủ định trong tiếng Việt như làm sao mà…, có bao giờ…, có mấy khi..., thiếu gì…, sợ gì…, lo gì…, làm gì…, v.v., rất hay được sử dụng khi người nói muốn phản bác hoặc phủ nhận nội dung được diễn đạt bằng một ngữ vị từ hoặc một tiểu cú đi kèm; hay nói cách khác là nó biểu thị thái độ âm tính (hay tiêu cực) của người nói khi phát ngôn.
Ai mà không… là dạng phủ định của Ai mà…và tất nhiên nó cũng được xem là cấu trúc nghi vấn nhưng vì nó là phủ định của phủ định nên nó (trái với Ai mà) thường được xem là một biểu thức có ý nghĩa khẳng định mạnh (“Ai mà không thích” → “Ai cũng thích” → “(Chắc chắn) Tôi (cũng) thích”).
Tuy nhiên, trong hội thoại, khi đặt trong quan hệ với một phát ngôn đi trước của người đối thoại, Ai mà không… có những biểu hiện đáng chú ý mà trước hết là ý nghĩa phản bác âm tính mạnh của nó.
Trong bài viết này chúng tôi sẽ thử phân tích những biểu hiện của biểu thức Ai mà không biết để làm rõ tính phản bác âm tính của nó, và từ đó tìm ra cơ chế hành chức của những biểu thức tương tự.

 
1. AI MÀ KHÔNG BIẾT TRONG PHÁT NGÔN ĐÁP TRẢ
Trong một phát ngôn đáp trả, ý nghĩa phản bác bao giờ cũng tồn tại ở hai dạng: (i) phản bác hành động phát ngôn và/ hoặc (ii) phản bác nội dung phát ngôn. Thử xét 2 ví dụ sau:
(1)  A: Anh Nam giỏi tiếng Anh ghê!
   B: Anh ta là Việt kiều mà!
(2)  A: Anh Nam giỏi tiếng Anh ghê!
   B: Nói như vậy mà giỏi!
Ở ví dụ (1), A đã thực hiện hành động khen. B không phản bác nội dung phát ngôn “Anh Nam giỏi tiếng Anh” mà chỉ không đồng ý việc A bày tỏ sự thán phục, khen ngợi đối với anh Nam. Ở ví dụ (2), với từ tình thái đặt trước “giỏi”, B đã bác bỏ “giỏi”; nghĩa là phản bác chính nội dung phát ngôn của A: “Anh Nam không giỏi tiếng Anh”. Tất nhiên, qua việc phản bác nội dung phát ngôn, B cũng gián tiếp phản bác cả hành động khen của A; nhưng ở đây phản bác nội dung phát ngôn của A vẫn là mục đích phát ngôn chính của B.
Điều vừa trình bày cũng thể hiện rõ trong các phát ngôn đáp trả có chứa biểu thức Ai mà không biết. Có nghĩa là biểu thức này có khi tham gia phản bác hành động phát ngôn có khi tham gia phản bác nội dung phát ngôn, và cũng có khi nó vừa phản bác hành động phát ngôn vừa phản bác nội dung phát ngôn. Dưới đây là những phân tích cụ thể.
1.1. Phản bác hành động phát ngôn
Phản bác hành động phát ngôn tức là phản bác chính cái hành động “nói” của người đối thoại (ie. đừng nói thì tốt hơn). Sở dĩ có phản ứng tiêu cực như vậy là vì người nói cho rằng thông tin vừa được tiếp nhận mọi người đều đã biết (ie. mình đã biết), nghĩa là phát ngôn của người đối thoại không có giá trị thông tin. Đây là đặc trưng mang đậm sắc thái âm tính của Ai mà không biết.
1.1.1. Phản bác hành động thông báo hoặc yêu cầu, nhắc nhở
       Xét các ví dụ sau:
(3)  A: – Xưởng mình sắp có quản đốc mới đấy!
   B: – Ai mà không biết! Thôi, lo làm việc đi!
(4)  A: – Tết này chúng ta được nghỉ đến 9 ngày.
   B: – Ai mà không biết tết này nghỉ 9 ngày! Báo đăng mấy ngày nay rồi.
       Với việc sử dụng biểu thức Ai mà không biết, người nói cho rằng thông tin “sắp có quản đốc mới” (3) và “được nghỉ Tết 9 ngày” (4) là một thông tin mà mọi người đều đã biết. Do vậy, hành động nói ra cái thông tin ấy là một hành động thừa, đáng bị phản bác; hay nói một cách khác là “anh không nên đưa ra một phát ngôn như vậy”.
Ai mà không biết vốn là một biểu thức hình thành từ phát ngôn nghi vấn “Ai không biết…?” cùng với vai trò đặc biệt của liên từ đối lập . Khi tiếp nhận một thông tin, B chất vấn trở lại người đưa thông tin theo kiểu hỏi phủ định Anh nói cho tôi nghe có ai mà không biết chuyện này không? hoặc Ai (mà) không biết chuyện này mà anh phải nói? Khi chất vấn như vậy, B đã ngầm khẳng định Ai cũng biết việc này cả, từ đó phản bác chính cái hành động thông báo của A. (Thực chất, lời chất vấn của B nhằm vào lượng thông tin của phát ngôn của A). Đây chính là cơ chế tạo nên hàm ý của Ai mà không biết.
Tuy nhiên, cũng cần nói thêm rằng chính hình thức nghi vấn của Ai mà không biết tạo nên sắc thái phản bác âm tính mạnh riêng có của biểu thức này chứ không phải là bản thân hàm ý ai cũng biết hay tôi đã biết (thông tin này). Ở ví dụ (3) chẳng hạn, B hoàn toàn có thể sử dụng hiển ngôn Ai cũng biết hoặc Tôi đã biết để trả lời cho phát ngôn của A; khi đó, hai biểu thức này vẫn có hàm ý rằng thông tin của người đối thoại là thừa, nhưng nó không mang tính phản bác âm tính mạnh như Ai mà không biết. Lý do: cả hai biểu thức này là lời đáp trung tính vì nó không nhằm chất vấn trực tiếp lượng thông tin mà A đưa ra. Lấy lại ví dụ (3):
(5)  A: Xưởng mình sắp có quản đốc mới đấy!
   B: À, chuyện này công ty mình ai cũng biết rồi.
       (Mình biết rồi. Công ty mới thông báo sáng nay).
Thậm chí, trong thực tế giao tiếp, để giữ thể diện cho người đối thoại, có khi B “giả vờ” không biết cái thông tin đó với một lời đáp dương tính: “Vậy hả?” hoặc “Ồ, hay quá!”, v.v..
Biểu thức phản bác Ai mà không biết cũng có thể sử dụng khi phát ngôn vừa tiếp nhận là một lời yêu cầu, nhắc nhở:
(6)  A: Nhận tiền xong nhớ ký tên nhé!
   B: Ai mà không biết!
(7)  A: Ra về nhớ tắt đèn, tắt quạt!
   B: Cứ nhắc hoài, ai mà không biết!
Khi lời nhắc nhở đó là của một người có vị trí ngang bằng hoặc thấp hơn người nghe thì sự đe dọa thể diện là rất lớn nên người nghe có thể có phản ứng âm tính như trên.
Tất nhiên, nếu muốn tỏ thái độ lịch sự thì B sẽ sử dụng những câu mang sắc thái trung tính như Tôi biết rồi”, “Cảm ơn anh hoặc Vâng, tôi nhớ”, v.v..
Có thể tóm tắt kiểu phản bác này như sau:
A nói: – X
B đáp: – Ai mà không biết (X)!
(Theo đó, bản thân biểu thức Ai mà không biết đã làm nên nội dung phát ngôn của B; do vậy, sự có mặt của X ở dạng nguyên văn hoặc được diễn đạt lại theo cách khác chỉ là “nét rườm” không quan yếu).
1.1.2. Phản bác hành động khoe khoang hoặc chê bai
Sắc thái âm tính mạnh của Ai mà không biết còn được thể hiện khi nó được dùng để phản bác một hành động khoe khoang (khoe mình), chê bai (chê người): người nói cho rằng người đối thoại không cần phải khoe khoang/ chê bai như thế (thông tin thừa). Ngoài ra, phát ngôn có cha biểu thức này còn có màu sắc mỉa mai, châm biếm như là một sắc thái ngôn trung riêng.
(8)  A: Cái xe tôi mới mua giá hơn một tỉ đấy!
   B: Ai mà không biết chị giàu!
(9)  A: Hồi trung học tớ thích học toán nhất!
   B: Vâng, ai mà không biết cậu giỏi toán nhất lớp!
(10)  A: Bữa tiệc tệ quá!
     B: Ai mà không biết chị nấu ăn ngon!
(11)  A: Bài tập này mà làm không được thì tệ quá.
     B: Cậu là “vua toán”, ai mà không biết!
Ở biểu hiện này, A nói “X”, B cho rằng phát ngôn X là một phát ngôn mang hàm ý khoe khoang/ chê bai Y (B thực hiện một suy ý: X → Y) và dùng Ai mà không biết để đáp trả, hay nói đúng hơn là để phản bác cái hàm ý Y của A.
Ở trường hợp này, hành động phản bác (hiểu theo nghĩa rộng) không diễn ra trực tiếp trên ngôn từ của người đối thoại mà diễn ra trên ngôn từ của người nói – với tư cách là kết quả của sự suy diễn. Nó khác với trường hợp đã đề cập trước ở chỗ biểu thức Ai mà không biết luôn cần có sự “trợ giúp” của thành phần còn lại của phát ngôn (trong khi ở trường hợp trước, bản thân Ai mà không biết có thể làm thành một phát ngôn độc lập và đầy đủ ý nghĩa); nếu không có thành phần này, phát ngôn của B chỉ đơn thuần là sự phản bác thông tin thừa như đã nói trên. So sánh câu đáp của B và C sau đây:
(12)  A: Cái xe tôi mới mua giá hơn một tỉ đấy!
     B: Ai mà không biết chị giàu! // Chị là đại gia, ai mà không biết!
     C: Ai mà không biết!
Tất nhiên, thành phần còn lại của phát ngôn (chị giàu, chị là đại gia) được phát âm với ngữ điệu nào đó cũng sẽ mang lại màu sắc mỉa mai, châm biếm, nhưng nó hoàn toàn không có ý nghĩa phản bác và càng không có ý nghĩa phản bác ý khoe khoang/ chê bai của A. Như vậy, vai trò của Ai mà không biết quan trọng ở chỗ chính nó quyết định sự phản bác âm tính mạnh cho phát ngôn của B.
Có thể viết lại mô hình của cặp thoại này như sau:
A nói: – X
B đáp: – Ai mà không biết Y!
(Trong đó Y là điều người nói suy diễn từ X: X →Y)
1.1.3. Phản bác hành động khen
Một phát ngôn khen ngợi (đánh giá dương tính một thực thể hoặc sự việc nào đó) của người đối thoại, trong tình huống nhất định, cũng có thể bị phản ứng âm tính từ người nghe khi người nghe cho rằng bản thân hành động khen ngợi là không thể chấp nhận, vì những lý do thuộc về người phát ngôn.
Chẳng hạn,:
(13)     A: Trường Lê Hồng Phong giỏi thật!
        B: Ai mà không biết ngày xưa anh là học sinh trường đó!
(14)     A: Chà! Cái món BBQ ở đây tuyệt thật!
        B: Anh mê đồ Tây, ai mà không biết! (// Đây là món ruột của anh, ai mà không biết!)
Ở ví dụ (13), trong tình huống sau khi nghe tin một em học sinh của trường Lê Hồng Phong đoạt giải quốc tế, A tỏ ý khen ngợi; câu đáp của B đã phản bác hành động (khen ngợi) của A bằng cách nêu ra “tư cách” phát ngôn của A với hàm ý rằng A không có tư cách thực hiện hành động khen (vì A là cựu học sinh của trường đó, sự khen ngợi chắc hẳn là không công tâm). Bản thân phát ngôn của B không chắc mang ý nghĩa phản bác nội dung phát ngôn của A, có nghĩa là không thể quả quyết rằng B phủ nhận nhận định cho là trường Lê Hồng Phong giỏi.
Ở ví dụ (14), tương tự, B cũng không phản đối nhận định của A rằng món BBQ rất ngon. Chỉ có điều, B nêu ra ý thích “thiên vị” của A (“thích thức ăn Tây”, “thích món nướng”) với hàm ý là nhận xét của A có thể thiên lệch. Vì vậy, A không nên thực hiện hành động phát ngôn như trên. (Tất nhiên, ý kiến của B về trường Lê Hồng Phong, về món BBQ là vấn đề còn để ngỏ).
Tính phản bác của Ai mà không biết càng lộ rõ khi so sánh với các phát ngôn không chứa biểu thức này, chẳng hạn:
(15)     A: Trường Lê Hồng Phong giỏi thật!
        B: Nghe nói, ngày xưa anh là học sinh trường đó hả? (// Chà, ngày xưa anh cũng là học sinh trường đó mà!)
Có một điểm khác biệt đáng kể giữa trường hợp đang bàn với 2 trường hợp trên (mục 1.1.1 và 1.1.2):
(i) Ở trường hợp 1.1.1., bản thân biểu thức Ai mà không biết đã đủ hoàn chỉnh về ý nghĩa, nên không cần bất cứ sự “giúp sức” của thành phần nào khác. Trong khi đó, ở trường hợp phản bác hành động khen này, sự có mặt của “thành phần khác” (“ngày xưa anh là học sinh trường đó”, “anh mê đồ Tây”) là rất quan trọng, nếu không có nó thì phát ngôn của B chỉ còn lại ý nghĩa duy nhất là “thông tin của A là thừa” – nghĩa là giống với trường hợp nêu ở 1.1.1..
(ii) Ở trường hợp 1.1.2., thành phần Y là kết quả suy diễn của B, nó có thể đúng hoặc sai [±đúng]. Trong khi đó, ở trường hợp phản bác hành động khen này, “thành phần khác” (= Y) không phải là sự suy diễn mà có thể xem là một “bằng chứng”, nghĩa là [+đúng] – dù rằng trong thực tế nói năng, có thể nó sẽ bị A bác bỏ.
Có thể viết lại mô hình của cặp thoại trường hợp phản bác này như sau:
A nói: – X
B đáp: – Ai mà không biết Y!
(Trong đó Y là “bằng chứng” người nói đưa ra)
1.1.4. Phản bác hành động hỏi
Đối với những câu hỏi có nội dung được người nghe cho là “tầm thường” hoặc đáng lý người nói phải biết, không cần hỏi, B thường phản ứng âm tính bằng đưa ra câu trả lời kèm theo biểu thức Ai mà không biết. Lý do là một câu hỏi yêu cầu cung cấp một thông tin quá “tầm thường” như thế có thể làm cho người được hỏi cảm thấy bị coi thường, bị làm mất thể diện.
So sánh hai ví dụ sau:
(16)     A: Em có biết kim tự tháp ở đâu không?
        B: Ai mà không biết kim tự tháp ở Ai Cập? Vậy mà cũng hỏi!
(17)     A: Em có biết kim tự tháp ở đâu không?
        B: Ở Ai Cập chứ đâu! Vậy mà cũng hỏi!
Cả hai câu đều có sắc thái âm tính, đều có ý nghĩa phản bác. Với sự tiếp tục của Vậy mà cũng hỏi, rõ ràng là cả hai câu đều nhằm phản bác hành động hỏi. Với Ai mà không biết kim tự tháp ở Ai Cập người nói nghĩ là người đối thoại không nên hỏi (không nên thực hiện hành động hỏi) vì ai cũng biết cả rồi. Còn với Ở Ai Cập chứ đâu người nghe cũng phản bác hành động hỏi nhưng lý do phản bác là “kim tự tháp không thể ở nơi nào khác ngoài Ai Cập”. Xét về mức độ, sự có mặt của Ai mà không biết làm cho (16) có sức phản bác mạnh hơn vì, theo người nói, với việc đưa ra một câu hỏi dễ và ai cũng biết như vậy là đã hạ thấp thể diện của mình; còn ở câu sau (17) thì người nói lại thể hiện một sự tự tin, cả quyết trước cái đúng của lời đáp trả.
Như vậy, có thể thấy phản bác hành động hỏi là một trường hợp tương tự với phản bác hành động thông báo (xem 1.1.1.), nghĩa là người nói cho rằng người đối thoại đã thực hiện hành động hỏi thừa (đáng lý ra không nên hỏi).
Thêm một vài ví dụ:
(18)     A: – Sao bạn biết tên anh ấy?
        B: – Cả trường ai mà không biết tên anh ấy!
Dưới mắt của B, A đã hỏi một câu thừa (vì, theo B, A phải biết là “anh ấy” rất nổi tiếng), lẽ ra không nên hỏi. Đó là lý do đưa đến sắc thái âm tính của câu trả lời.
(19)     A: Anh Nam biết sử dụng máy vi tính không?
        B: Máy vi tính thì ai mà không biết sử dụng!
A yêu cầu B cho biết về khả năng sử dụng máy vi tính của anh Nam nhưng B không trả lời đúng vào câu hỏi mà lại cho biết một thông tin khác, bao quát cả cho trường hợp của Nam; nhưng hình thức chất vấn ngược của B tạo nên ý phản bác lại hành động hỏi, có ý cho rằng đáng lẽ anh không nên đặt ra một câu hỏi như vậy. (So sánh: Ở ví dụ (19) B có thể trả lời “Biết chứ!”, khi đó câu trả lời đi thẳng vào câu hỏi, mặc dù cũng có ý phản bác nhưng không tạo nên hàm ý rằng câu hỏi của anh là thừa).
Nhìn từ góc độ lý thuyết hội thoại, khi đáp trả một câu hỏi, B đã vi phạm phương châm về lượng (maxim of quantity), có nghĩa là cung cấp thông tin không đúng như đòi hỏi và do vậy đã đưa đến một hàm ý phản bác.
1.2. Phản bác nội dung phát ngôn
Với Ai mà không biết, ở trường hợp trên, người nói muốn phản bác hành động phát ngôn của người đối thoại; còn ở trường hợp này, nó nhằm phản bác nội dung phát ngôn (thông báo, nhận định, phán đoán, yêu cầu…) của người đối thoại. Và ở cả hai trường hợp, người nói đều muốn hạ thấp thể diện của người đối thoại (âm tính mạnh).
Có thể trình bày mô hình cặp thoại trường hợp này như sau:
A nói: – X
B đáp: – Ai mà không biết Z!
(Trong đó Z đối lập với X)
Ở trường hợp này, người nói dùng Ai mà không biết để khẳng định Z, và do đó phản bác X; với Z là nội dung đối lập hoặc có thể xem là đối lập với X.
(20)     – Tao hết sợ ma rồi nghen mày! 
– Anh mà hết sợ ma! Anh nhát gan như thỏ đế, ai mà không biết! (Nguyễn Nhật Ánh, “Chú bé rắc rối”)
(21)    – Thất tình chứ gì? 
– Bậy!
– Đừng có giấu tao! Mày bị con Cúc Hương đá, ai mà không biết! (Nguyễn Nhật Ánh, “Nữ sinh”)
(22)    – Cái xe đạp của tao mất rồi!
–Thôi đi! Mày cho con Hoa, ai mà không biết!
(23)    – Ðừng có nói xấu bạn! Ðồ hèn!
– Chớ gì nữa! Trái bữa đó nó cố tình để thua, ai mà không biết!
(24)    – Anh ta vu cáo tôi giữa cuộc họp.
– Đừng lo. Ai mà không biết anh ta là người thế nào.
Ở ví dụ (20) nhát gan như thỏ đế đối lập với hết sợ ma, ở ví dụ (21) bị con Cúc Hương đá đối lập với bậy (ý phủ nhận sự “thất tình”), ở ví dụ (22) mày cho con Hoa đối lập với cái xe đạp của tao mất rồi (ý phủ nhận hành động “cho”), ở (23) nó cố tình để thua đối lập với nói xấu bạn (nói sự thật chứ không phải “nói xấu”).
Trong các ví dụ trên, Ai mà không biết không đóng vai trò phản bác chủ yếu như khi phản bác hành động phát ngôn mà nó “san sẻ trách nhiệm” cho nội dung đi cùng với nó.
Như vậy, bản thân nội dung đối lập được nêu trong phát ngôn của B đã có ý nghĩa phản bác đối với phát ngôn của A, cho nên sự có mặt của Ai mà không biết chỉ giúp tăng cường thái độ phản bác âm tính mạnh của B. Chẳng hạn, nếu so sánh với Mày cho con Hoa, tao biết! Mày cho con Hoa, ai cũng biết! thì Mày cho con Hoa, ai mà không biết nhấn mạnh hơn sự phản bác và do đó sắc thái âm tính cũng mạnh hơn.
Rõ ràng, vai trò của Ai mà không biết trong phản bác hành động phát ngôn và phản bác nội dung phát ngôn có khác nhau. Có thể diễn đạt: Nếu ở trường hợp đầu biểu thức Ai mà không biết biểu hiện và/ hoặc bổ sung ý phản bác âm tính cho phát ngôn thì ở trường hợp sau nó tăng cường ý phản bác vốn đã có sẵn ở phát ngôn của B.
Khi phản bác nội dung phát ngôn, có lúc B cũng gián tiếp phản bác hành động phát ngôn:
(25)    A: Cô thư ký mới tốt bụng ghê!
B: Ai mà không biết cô ấy muốn lấy lòng chị. Chỉ có chị là không biết thôi.
Bằng cách nói lên động cơ của cô thư ký (= “bằng chứng”), B vừa phản bác nội dung “cô thư ký tốt bụng” vừa (gián tiếp) phản bác hành động khen ngợi của A.
Một ví dụ khác:
(26)    A: Anh ta đạt được nhiều thành tích quá nhỉ?
B: Ai mà không biết anh ta “giỏi” báo cáo!
Các ví dụ (13) và (14) cũng có thể hiểu tương tự.
2. AI MÀ KHÔNG BIẾT TRONG PHÁT NGÔN PHÊ PHÁN
Sắc thái âm tính của Ai mà không biết cũng được thể hiện trong các phát ngôn phê phán, chỉ trích. Đây không phải là một phát ngôn đáp trả mà là một thông điệp âm tính. 
Ở trường hợp này, trên thực tế A không thực hiện một phát ngôn nào cả, nên không thể nói phát ngôn của B tác động lên phát ngôn của A, dù trực tiếp hay gián tiếp. Ở đây, B dùng Ai mà không biết để đưa ra một thông điệp, một nhận định về một sự vật, sự việc gì đó mà B cho rằng cái "tiêu cực" của nó rất hiển nhiên, không cần tranh cãi, mọi người đều biết.
Dưới đây là một đoạn trích trong truyện "Trước vòng chung kết" của Nguyễn Nhật Ánh.
(27) Nhưng khổ một nỗi là những đứa khác đá không vô thì không sao, nhưng hễ thằng Tân mà rủi sút ra ngoài một cái tức thì trong đám khán giả có người hô: - Nó đá giả bộ đó, bà con ơi! - Ôi, cái thằng bán độ, ai mà không biết!
Trong những phát ngôn có tính chất phê phán, bản thân câu phê phán đã có sắc thái âm tính (thằng bán độ). Trong tình huống trên, nếu B chỉ đưa ra nhận định của chính mình, chẳng hạn "Ôi, cái thằng bán độ, tôi biết!", thì câu này vẫn có sắc thái âm tính.
Ở trường hợp này, Ai cũng biết có thể thay thế cho Ai mà không biết nhưng cảm nhận về phía người nghe tất nhiên là có khác: “Cái thằng bán độ, ai mà không biết!” là một lời chỉ trích trong khi “Cái thằng bán độ, ai cũng biết!” chỉ mang tính chất của một thông báo âm tính, và đương nhiên nếu đặt nó trong câu trên (27) thì mạch câu nói trở nên kém tự nhiên.
3.    KẾT LUẬN  
       Về ngữ pháp, Ai mà không biết là một phát ngôn nghi vấn với từ nghi vấn hiển hiện như tất cả các câu nghi vấn khác. Trong hội thoại, sau khi tiếp nhận thông tin từ người đối thoại, người ta lại chất vấn là “Ai (mà) không biết thông tin đó?” – nghĩa là người nói đã chất vấn về lượng (quantity, khái niệm của Grice 1975) của thông tin mà người đối thoại đưa ra, và từ đó phủ nhận giá trị thông tin được tiếp nhận. Đây chính là cái cơ chế tạo nên hàm ngôn (hội thoại).
Như vậy, Ai mà không biết không phải là một biểu thức đặc biệt. Trong thực tế sử dụng ngôn ngữ, các câu hỏi kiểu như đâu mà không..., bao nhiêu mà không..., mấy mà không..., gì mà không..., ...nào mà không..., sao mà không... đều hành chức tương tự như ai mà không..., với khác biệt duy nhất ở tiêu điểm chất vấn (đâu, , nào, bao nhiêu/mấysao).
Một vài ví dụ:
(28)  A: Tớ đang tìm giày thể thao.
          B: Ở đâu mà không có giày thể thao!
(29)  A: Anh thấy em mặc bộ này đẹp không?
          B: Em mặc gì mà không đẹp!
(30)  A: Chủ nhật này nếu không bận em sẽ làm món này.
          B: Em thì lúc nào mà không bận!
(31)  A: Anh gửi cho mẹ 2 triệu được không?
          B: Bao nhiêu mà không được!
(32)  A: Ý kiến của sếp hay nhỉ?
          B: Ý của sếp làm sao mà không hay!
Có thể nói, trong tiếng Việt có một mô thức nghi vấn có cấu tạo [Ai/đâu/gì… mà không V] nhằm diễn đạt một khẳng định tổng quát “Ai/đâu/gì... cũng V” với hàm ý phản bác hay phủ nhận hành động và/ hoặc nội dung phát ngôn của người đối thoại; và do vậy, sắc thái âm tính của các biểu thức liên quan là một đặc trưng không phụ thuộc ngữ cảnh.

No comments:

Post a Comment