Sunday, 24 November 2013

VỊ TỪ CẢM GIÁC



     Vị từ cảm giác thường được nhắc đến trong nhóm vị từ cảm nghĩ, thậm chí trong nhóm cảm nghĩ-nói năng. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó, những công trình có liên quan rất ít, thậm chí có công trình hầu như không dành cho vị từ cảm giác một dòng nào; những luận giải và dẫn chứng thường chỉ dựa trên những vị từ cảm xúc, tình cảm hoặc nhận thức.
      Trong bài này chúng tôi sẽ trình bày một vài nhận xét về ngữ nghĩa của vị từ cảm giác dựa trên cái nhìn chức năng luận.
1.    Theo cách hiểu thông thường, cảm giác là phản ứng có tính chất sinh lý của cơ thể sống, trước hết là con người, trước một tác động ngoại cảnh hoặc một biến đổi bên trong cơ thể. Khi chúng ta thực hiện hành động sờ vào một vật nhọn hoặc sắc, cơ quan xúc giác của chúng ta sẽ tiếp nhận tín hiệu và truyền về trung khu thần kinh và chúng ta ngay lập tức nhận biết cái nhọn, cái sắc của vật ấy vì ngón tay của chúng ta nhói, đau, buốt. Nhọn, sắc ở đây là tính chất của cái đối tượng mà ta vừa tiếp xúc, còn nhói, đau, buốt chính là cảm giác mà chúng ta vừa có được. Như vậy, về mặt ngôn ngữ, có thể có hai phát ngôn sau:
(1).                      a. Nhọn quá!
                      b. Đau quá!

    Ở (a), ta có phát ngôn biểu thị quá trình quan hệ (relational process, gọi theo quan điểm chức năng hệ thống của Halliday 1994) vì ta đã đưa ra nhận định về thuộc tính nhọn của đối tượng (Cái này nhọn quá); và ở (b) ta có một phát ngôn biểu thị quá trình cảm giác (sensory process; chúng tôi sử dụng khái niệm “quá trình” theo nghĩa biểu hiện (representation) của Halliday) vì ta vừa biểu hiện cảm giác của mình bằng ngôn từ (Tôi đau quá).
      Những trình bày sau đây dựa trên sự phân biệt vừa đề cập.
2.    Nói chung, vị từ cảm giác là những vị từ biểu thị quá trình cảm giác của thực thể người (human beings) nói riêng, và động vật nói chung. (Suy cho cùng, đây cũng chỉ là biểu hiện của quá trình “tự kỷ trung tâm”: con người, bằng kinh nghiệm của mình, gán cho động vật những thuộc tính/khả năng của con người). Chẳng hạn các vị từ như đau, nóng, lạnh, rét, buốt, ngứa, nhức, mỏi, mệt, nhột, chói, rát, tức, tê, đã, choáng, rã rời, rêm, thắt, đắng, chát, nhạt, cay, v.v..([1]) Nói chung, đây là nhóm vị từ biểu thị trạng thái [-động][-chủ ý]; không thể có những kết hợp như Hãy lạnh đi, Anh ấy đã đau xong, Chị nhức đầu cho tôi, Tôi cố ngọt miệng, v.v.. Trạng thái là một dấu hiệu có tính chất tạm thời, do vậy, nó có thể mang đặc trưng thể như đang nóng, hết đau, còn tê v.v..
       Vì là vị từ cảm giác, tham tố thứ nhất của nó là cảm thể (senser) (hoặc nghiệm thể (= kẻ trải nghiệm, experiencer, theo Fillmore 2001, Cao Xuân Hạo 2005), có thể hiểu là chủ thể mang cảm giác, với thuộc tính [+người] (hoặc đôi khi [+động vật]).
         Cảm thể thường giữ vai trò đề trong câu. Ví dụ:
(2).           a. Tôi đau quá!
                     b. Tôi mỏi nhừ vì viết nhiều.
                     c. Tôi vẫn còn hơi choáng.
         Trong những phát ngôn “cảm thán” không có mặt cảm thể người ta cũng ngay lập tức nhận ra cảm thể chính là người nói:
(3).           a. Ối, rát quá!
                       b. Mệt thật!
Trong nhiều trường hợp, cảm thể không có mặt mà chỉ có bộ phận cơ thể mang cảm giác hoặc vị trí xuất phát cảm giác đóng vai trò đề (cảm thể lúc này thường bị “hạ cấp” để giữ vai trò định ngữ chỉ chủ sở hữu). Ví dụ:
(4).                      a. Mấy đầu ngón chân của tôi tê tê
                          b. Miệng tôi hơi đắng, tôi không ăn đâu
Về cơ bản, vị từ cảm giác có thể xem là vị từ đơn trị, vì khung cấu trúc tham tố của nó chỉ cần một danh ngữ biểu thị chủ thể mang cảm giác là đủ hoàn chỉnh, như các ví dụ ở trên.
Halliday (1994) mô tả các cú biểu hiện quá trình tinh thần, trong đó có cảm giác, bằng hai tham tố là cảm thể (senser) và hiện tượng (phenomenon). Tuy nhiên, theo nhận xét của chúng tôi, những cấu trúc biểu thị quá trình cảm giác cũng thường có mặt (hoặc tiềm tàng) tham tố thứ hai, đó là vị trí hay bộ phận mà nơi đó cảm giác xuất hiện hoặc đang diễn ra. Điều này có lý do về mặt vật lý và sinh lý: cảm giác (theo nghĩa cụ thể nhất) bao giờ cũng là phản ứng của một cơ quan xúc giác trước một tác động bên trong hoặc bên ngoài nào đó. Do vậy, quá trình cảm giác phải là một quá trình được định vị trên cơ thể người, dù rằng trong nhiều trường hợp sự định vị đó không chắc chính xác về mặt sinh lý học. (Vị trí nhận tác động về mặt vật lý không phải luôn luôn là vị trí xuất hiện cảm giác, chẳng hạn khi châm cứu: vị trí châm cứu là một huyệt đạo trên bàn chân nhưng cảm giác tê lại xuất hiện ở vùng ngực). ([2])
Đoạn thoại sau đây là hoàn toàn tự nhiên theo cảm thức của người Việt:
(5).                      – Tôi đau quá!
                          – Anh đau à? (Anh) Đau ở đâu?
                          – Tôi đau ở chỗ này này / Tôi đau ở trên thắt lưng một chút / Tôi đau cả người 
Quan hệ giữa chủ thể và cơ quan cảm giác thực chất là quan hệ bất khả phân ly (inseparable) giữa toàn thể – bộ phận (partial), sự có mặt của yếu tố này giả định sự có mặt của yếu tố kia cho nên việc thể hiện chúng trên bề mặt thường xuất phát từ mục đích thông báo.
(Vì vậy, khi một chàng trai nắm tay bạn gái quá chặt, cô nàng sẽ thốt lên: “Đau!”; phát ngôn này có lẽ sẽ được “phục hồi” dưới dạng Đau tay em! chứ không phải là Em đau tay! hay Tay em đau!).
Khi miêu tả khung “thân thể” (frame Body) trong lĩnh vực “tri giác” (domain: Perception), Fillmore (2001) cũng kể đến yếu tố khung Body Part, và cho rằng bộ phận thân thể hầu như luôn được đề cập với những từ như ache (đau, nhức), hurt (đau), itch (ngứa), smart (nhói), tickle (nhột) v.v.. Ví dụ sau đây cho thấy tiếng Anh cũng có những biểu hiện tương tự tiếng Việt:
(6).                      a. I hurt all over (Tôi đau cả người)
                          b. My head hurts (Đầu tôi đau)
                          c. I have a pain in my leg (Tôi đau ở chân)
 Chúng tôi gọi tham tố thứ hai trong cấu trúc tham tố của vị từ cảm giác là “bộ phận”([3]), và phân biệt trường hợp có với trường hợp không có giới từ dẫn nhập.
3.    Xét các câu sau đây:
(7).                      a. Tôi nhức đầu gối
                          b. Tôi nhức ở đầu gối
                          c. Tôi lạnh hai bàn chân
                          d. Tôi lạnh ở hai bàn chân
                          e. Tôi ê ẩm cả người
                          f. Tôi rã rời tay chân
                          g. Tôi đau răng
                          h. Tôi đau ở cái răng mới trám hôm qua
Các câu (a) và (b), (c) và (d) hầu như không có gì khác biệt về mặt ý nghĩa, sự có mặt của giới từ có vẻ như một khả năng tùy chọn. Câu (e) và (f) không có mặt giới từ vì thành phần sau vị từ biểu thị một phạm vi quá rộng và bao quát (người, mình, tay chân, thân, thân thể, tứ chi). Nhưng ở (g) và (h) thì tình hình khác hơn: Tôi đau răng cũng giống như Tôi đau bụng, Tôi đau đầu, Tôi đau tim v.v., sự kết hợp trực tiếp vị từ cảm giác và tham tố thứ hai có vẻ quen thuộc và tự nhiên hơn so với khi có mặt giới từ ; trong khi đó ở câu (h) giới từ góp phần làm cho nghĩa câu cụ thể và cá biệt hơn. Những trường hợp như (g) là một dạng cấu trúc ổn định đối lập với những trường hợp có mặt giới từ: đau ở răng, đau ở đầu, đau ở tim là một cảm giác cụ thể xuất hiện ở một thời điểm cụ thể do những nguyên do cụ thể; trong khi đau răng, đau đầu, đau tim có thể xem là một triệu chứng chung thường thấy ở nhiều người vào nhiều thời điểm khác nhau, có thể xem nó như triệu chứng của một bệnh nào đó (thậm chí là một loại bệnh). Chẳng hạn, một người bị ngã hay bị tấn công, sau đó anh ta cho biết:
(8).                      a. Tôi chỉ đau đầu thôi!
                          b. Tôi chỉ đau ở đầu (/ ở trên đầu / ở trên đỉnh đầu) thôi!
            Câu (a) cho biết triệu chứng tương tự như những triệu chứng thường thấy khi thiếu ngủ, cảm cúm, căng thẳng. Trong khi đó, ở câu (b) có thể anh ta bị đau do một vết rách, vết trầy, v.v. ở đâu đó trên đầu. Trong tiếng Anh cũng có sự phân biệt tương tự:
(9).                      a. I have a headache  (Tôi đau đầu)
                                b. I feel pain in my head (Tôi đau ở đầu)
Ở ví dụ sau đây, câu (b) sẽ không được chấp nhận:
(10).                           a. Ông ấy chết vì (bị) đau tim
                          b. * Ông ấy chết vì (bị) đau ở tim.
So sánh thêm lời nhắc nhở của các bác sĩ như sau:
(11).                           a. Khi bạn (thấy) đau ở vùng tim thì hãy đến ngay bệnh viện để được theo dõi
                          b. ??? Khi bạn (thấy) đau tim thì hãy đến ngay bệnh viện để được theo dõi
            Xuất phát từ những phân tích trên, có thể nói rằng tham tố bộ phận có và không có giới từ dẫn nhập sẽ tạo ra hai cấu trúc có khác biệt nhất định về ngữ nghĩa. Các cấu trúc trong đó tham tố bộ phận gắn trực tiếp với vị từ cảm giác (không có giới từ) có vẻ như là một biểu hiện trung gian giữa quá trình cảm giác và quá trình quan hệ, tức là chúng ta có một “cảm giác” được biểu hiện như một thuộc tính, đặc biệt khi “cảm giác” là một trạng thái lâu dài. So sánh:
(12).                          a. Tôi đau bụng quá!
                          b. Tôi đau ở bụng quá!
                          c. Tôi đau thận
                          d. ?? Tôi đau thận quá!
                          e. ?? Tôi đau ở thận quá!
            Diễn giải theo Halliday thì ở (c) đau thận là một thuộc tính vì có thể cho rằng tôi là một người đau thận, hoặc tôi thuộc lớp (class) người đau thận (Halliday 1994, tr.121-123). Do đó, (d) và (e) khó được chấp nhận. (So sánh thêm câu (d) và (e) với Tôi đau thận rất nặng).
            Tất nhiên có những trường hợp không có hiện tượng đối lập như trên: một số vị từ gắn trực tiếp với tham tố bộ phận chứ tuyệt nhiên không cần giới từ. Lý do có thể là cảm giác do vị từ biểu thị chỉ diễn ra ở một cơ quan duy nhất: chóichói mắt, điếcđiếc tai, xốnxốn mắt, v.v.([4]); cũng có thể vị từ sẽ không rõ nghĩa nếu không nằm trong kết hợp với tham tố: chóng mặt, lợm giọng, ngạt mũi, nặng bụng, đầy bụng, khô cổ, tức ngực, v.v..
            Về mặt ngữ pháp, có thể cho rằng thành phần đứng sau vị từ ở các ví dụ (7) cũng là tham tố thứ hai nhưng nó có thể được xem là bổ ngữ (object) ở các câu (7a) (7c) (7e) (7f) (7g) (có thể đặt câu hỏi và trả lời: “đau gì/ngứa gì/rát gì?” – “đau ngực/ngứa lưng/rát lưỡi”), và trạng ngữ (adverbial) ở các câu (7b) (7d) (7h) (có thể đặt câu hỏi và trả lời: “đau/ngứa/rát ở đâu/vùng nào?” – “đau/ngứa/rát ở sau gáy”). Tất nhiên, sự phân biệt này mang tính ngữ pháp, còn về mặt ngữ nghĩa chúng tôi chủ trương vẫn xem đây là tham tố thứ hai biểu thị bộ phận (hay vị trí) của quá trình cảm giác.
4.     Như đã nói, cảm giác là phản ứng trực tiếp của cơ thể trước một hiện tượng xuất hiện trong cơ thể hoặc một tác động từ bên ngoài vào một giác quan. Cần phân biệt cảm giác với cảm xúc, tình cảm. Cảm giác là sự phản ánh làm tiền đề cho các hiện tượng tâm lý-tình cảm nói chung, hay nói khác đi, nó là một hiện tượng tiền tâm lý. Trong những phát ngôn như Tôi (cảm thấy) lo/sợ/thích/yêu/ghét, ta có một cảm xúc – một trạng thái tâm lý-tình cảm hình thành trên cơ sở nhận biết “tài liệu” hiện thực chứ không phải là một cảm giác.  
        Nói rõ hơn, nóng là cảm giác (tức thì) hình thành khi người ta tiếp xúc với khách thể (chứ không nhất thiết là đối tượng) có nhiệt độ cao hoặc khi người ta đang có thân nhiệt 39oC, còn lo là tâm lý mà người ta có sau khi nhận biết được điều gì đó là nguy hiểm theo kinh nghiệm (mà cảm giác chỉ là một trong các nguồn “tài liệu”).
       Trong cấu trúc tham tố của vị từ tâm lý-tình cảm bao giờ cũng tiềm tàng một tham tố thứ hai là nguyên nhân (cause) hay nguồn kích thích (cái nguồn này là đối tượng hơn là khách thể) gây ra cảm xúc, tình cảm ở một thực thể người nào đó (= tham tố thứ nhất); và điều quan trọng nhất là nó không gắn với bộ phận (cơ thể) nào cả. Trong khi vị từ cảm giác thường có thể có tham tố thứ hai là bộ phận chứ không phải là nguyên nhân; nếu có mặt nguyên nhân thì tham tố này phải được đánh dấu bằng , do. So sánh:
(13).                         a. Tôi sợ/thích/quý con rắn đó
                              b. Tôi rợn/lạnh người con rắn đó
            Câu (a) thể hiện quá trình cảm xúc trong khi câu (b) quá trình cảm giác.
            Tuy nhiên, một số trường hợp rất khó phân biệt cảm giác và cảm xúc, chẳng hạn:
(14).                          a. Tôi (cảm thấy) rờn rợn trước cái vắng vẻ của ngôi nhà
                               b. Tôi (rờn) rợn người trước cái vắng vẻ của ngôi nhà  
            Ở (a), rờn rợn có hai cách hiểu cảm giác và cảm xúc, trong khi ở (b), sự có mặt của người cho ta một cấu trúc thể hiện quá trình cảm giác. Các vị từ như ghê, ê, nhột, (...) cũng có biểu hiện tương tự.([5])
            Từ điều vừa trình bày, chúng tôi cho rằng có thể xem khả năng có mặt của tham tố bộ phận như một dấu hiệu phân biệt vị từ cảm giác với vị từ cảm xúc, tình cảm. Như vậy, các trường hợp sau cũng đều là vị từ cảm giác: buốt (óc), giật (mình), điên (đầu), run (tay), thắt (tim) v.v..
            Ngoài ra, ở đây có thể nhắc đến hiện tượng có tính chất ẩn dụ: nóng ruột, nóng mặt, đau tim, sốt ruột, lạnh đầu, ngứa miệng, xốn mắt, ngứa tay, ngứa tai, nóng mũi, nóng máu, đau đầu, đau bụng, chóng mặt, lạnh gáy, v.v.. Đây là những kết hợp khá chặt chẽ, không có giới từ dẫn nhập tham tố. Đối với những trường hợp này chỉ có thể đặt câu hỏi “(Khi nghe chuyện đó), anh cảm thấy thế nào?” và câu trả lời là “Tôi (thấy) nóng mũi”; chứ không thể đặt câu hỏi: “(...) Anh (cảm thấy) nóng gì?/nóng ở đâu?”. Nghĩa là thành phần đứng sau vị từ có biểu hiện tương tự như cương vực (range) trong khung cấu trúc tham tố của vị từ hành động hoặc vị từ nói năng. Khả năng xuất hiện đều đặn và rộng rãi của nó cho phép xem nó như một sự mở rộng nghĩa chứ không nhất thiết như những tổ hợp từ vựng có tính thành ngữ. Hơn nữa, vị từ biểu thị cảm giác có thể chuyển đổi ngữ nghĩa để biểu thị tâm lý-tình cảm (tham gia một khung tham tố khác) là một hiện tượng thường thấy, ít nhất trong tiếng Việt. Chẳng hạn: xót – xót ruột – xót con, đau – đau lòng – đau nỗi đau nhân thế, cay đắng – cay đắng cho tình đời, v.v. (x. Nguyễn Ngọc Trâm 2002, tr.43).
5.     Một số vị từ như nóng, lạnh, mát, ấm, nguội, chua, cay, đắng, ngọt, nhám, v.v., vừa là vị từ biểu thị thuộc tính sự vật, vừa là vị từ cảm giác (suy cho cùng, cái cảm giác mà chủ thể có được trước hết phản ánh thuộc tính của sự vật). So sánh:
(15).                                                   a. Tôi nóng quá!
                                                b. Căn phòng này nóng quá!
                                                c. Tô phở nóng quá!
            Ở (a), ta có một quá trình cảm giác: tôi – người nói – mang cảm giác nóng. Ở (b) và (c), nóng không phải là cảm giác của căn phòngtô phở vì, như đã nói, chỉ những thực thể [+người] mới có cảm giác. Ở đây người nói đưa ra nhận định về trạng thái nóng của căn phòng, của tô phở, theo nhận thức của mình. Tất nhiên, để có được một nhận định được xem là chân thành theo nguyên lý hội thoại của Searle, người nói phải căn cứ vào cái cảm giác mà mình đã nhận được khi tiếp xúc với đối tượng. Ở (b) và (c) ta có một quá trình quan hệ với cấu trúc: [đương thể (kẻ mang thuộc tính) – thuộc tính] (Halliday: carrier – attribute).
            Theo đó, một phát ngôn như Tôi thấy/cảm thấy tô phở đó nóng trước khi người nói chạm vào tô phở không thể hiện quá trình cảm giác, vì ở đây không có “cảm giác” nào cả mà chỉ có sự nhận thức (cognition) từ kinh nghiệm: căn cứ vào thời gian làm, vào những sợi khói bốc lên, người nói nghĩ/cho/biết/phán đoántô phở nóng. Ta có một quá trình nhận thức chứ không phải quá trình cảm giác.  
            Đến đây có thể thấy rằng quá trình cảm giác trước hết là cảm giác chủ quan của chủ thể. Vì vậy, cái cảm thể hành chức tự do nhất chính là đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất tôi và những biểu hiện tương đương. Với chủ thể là đại từ ngôi thứ nhất, các câu sau đây đều biểu hiện quá trình cảm giác:
(16).                                                  a. Tôi lạnh
                                                b. Tôi lạnh hai chân
                                                c. Hai chân tôi lạnh
Ở (c), tham tố bộ phận được đưa lên trước làm đề nên cấu trúc câu có khác đi nhưng ngữ nghĩa cơ bản vẫn không đổi (quan hệ bất khả ly giữa toàn thể và bộ phận).
     Bây giờ ta hãy xét trường hợp sau đây: Một bà mẹ sờ vào chân con và nói với một người nào đó những câu sau:
(17).                                                   a. Hai chân thằng bé lạnh
                                                b. Đầu thằng bé nóng quá
                                                c. Thằng bé đang sốt cao
                                                d. Thằng bé lạnh hai chân
            Khác với những câu (16), ở đây nóng, sốt, lạnh không phải là cảm giác của thằng bé mà là của bà mẹ khi bà mẹ thực hiện hành động sờ vào chân con, nhưng bà mẹ không hiện diện trong câu dù với bất cứ cương vị nào. Trong thực tế, có khả năng thằng bé hoàn toàn không có cảm giác nóng, sốt hay lạnh gì cả. Như vậy, trên câu chữ của (17) chúng ta không có quá trình cảm giác mà chỉ có quá trình quan hệ, tương tự câu (15b) và (15c). Nếu xét toàn bộ sự tình trên, ta có thể phản ánh như sau: bà mẹ nghĩ/phán đoán/nhận định/cho rằng chân thằng bé lạnh, đầu thằng bé nóng, v.v..  
            Lại xét các trường hợp sau đây:
(18).                                                   a. Thằng bé đau đầu
                                                b. Đầu/Ngực/Bụng thằng bé đau
                                                c. Thằng bé tê tay/chân/người
            Các câu này thoạt nhìn có vẻ hoàn toàn tự nhiên và chuẩn tắc như những câu (17), nhưng thực ra ngữ nghĩa của nó có điều cần phải diễn giải. Ở đây đau, nhức, mỏi, rát, ngứa, , v.v., là những cảm giác mà chỉ chủ thể mới nhận biết được cho nên không có cơ sở nào để cho rằng nó là cảm giác của bà mẹ; và cũng khó có thể cả quyết rằng nó biểu thị quá trình cảm giác của thằng bé vì trên hình thức đây là nhận định của bà mẹ (sản phẩm ngôn từ của bà mẹ).
            Với những phát ngôn mang tính tình huống như trên, có hai cách giải thích:
            (i) Có thể bà mẹ dựa vào những dấu hiệu mà thằng bé biểu hiện (hoặc bà mẹ kiểm tra bằng các dụng cụ y học) rồi vận dụng kinh nghiệm của mình để đưa ra các phán đoán trên. Trong trường hợp này, ta không có quá trình cảm giác mà chỉ có quá trình quan hệ, như ở ví dụ (15c).
            (ii) Có thể bà mẹ nghe những lời thổ lộ, than vãn của thằng bé và làm công việc đơn giản là thuật lại những lời đó: những câu trên chỉ là lời dẫn gián tiếp (reported speech). Trong trường hợp này, có thể cho rằng các phát ngôn trên biểu thị quá trình cảm giác của chủ thể là thằng bé.
            Như vậy, có thể giả định văn cảnh rộng của các câu (18) hiểu theo cách (i) như sau:
(19).                               a. Tôi nghĩ/đoán/cho rằng thằng bé đau đầu
                                   b. Tôi nghĩ/đoán/cho rằng đầu/bụng/ngực thằng bé đau ([6])
Trong khi văn cảnh rộng của các câu (18) hiểu theo cách (ii) như sau:
(20).                                a. Thằng bé nói rằng nó đau đầu
                                   b. Thằng bé than là đầu/bụng/ngực của nó đau
            Các phát ngôn trên là sản phẩm của bà mẹ. Các câu (19) có thể được thuật lại bởi một người thứ ba: Bà ấy nghĩ/đoán/cho rằng... Tất nhiên, đây không phải là những cấu trúc biểu hiện quá trình cảm giác mà chỉ biểu hiện quá trình nhận thức. Chính vì vậy, những vị từ nhận thức đó không thể thay bằng vị từ cảm giác. (Điều thú vị là các cấu trúc tương tự (19) và (20), đều được người Anh chuyển dịch là I think, She thought, The boy said that..., hoặc các hình thức tương tự, nghĩa là không có dấu vết nào của vị từ cảm giác).
            So sánh các câu sau:
(21).                                  a. Thằng bé cảm thấy/thấy/nghe đau đầu
                                     b. ?? Tôi cảm thấy thằng bé đau đầu
                                     c. ?? Bà ấy cảm thấy thằng bé đau đầu
                                     d. Tôi thấy/nghe/nhận thấy thằng bé đau đầu
                                     e. Bà ấy thấy/nghe/nhận thấy thằng bé đau đầu
            Rõ ràng có sự đối lập ngữ nghĩa giữa các vị từ trong các câu trên. Cảm thấy là vị từ cảm giác, do vậy khi tôi, bà ấy đứng làm đề cho (b) và (c), ta có những cấu trúc khá kỳ quặc vì nói chung người ta không thể có cảm giác về một sự tình cảm giác diễn ra bên trong thực thể khác. (Nhưng người ta có thể cảm thấy một hiện tượng, biến cố chưa thực hữu nào đó với cái nghĩa là người ta nhận biết nó bằng “linh cảm” (presentiment), ở đây cũng không có quá trình cảm giác theo nghĩa thông thường).
            Ngược lại, thấy, nghenhận thấy trong các câu (d) và (e) không biểu thị cảm giác mà chỉ biểu thị nhận thức của chủ thể (tôi, bà ấy). Chủ thể của quá trình nhận thức có thể nhận biết được cảm giác bên trong của một thực thể khác thông qua những dấu hiệu (bên ngoài) nào đó và đưa ra nhận định (d) (e). (Tất nhiên, nghethấy ở (d) (e) không phải là vị từ cảm giác như ở câu (a)).
            Cũng cần chú ý: ở các câu nhận thức (19) và (20), thành phần đi sau vị từ có cấu trúc của tiểu cú được phóng chiếu (projection) từ tiểu cú đi trước, trong khi ở các ví dụ về quá trình cảm giác ở trên, sau vị từ là một danh ngữ giữ vai trò tham tố bộ phận. 
            Tuy nhiên, có một điều không thể phủ nhận là các cấu trúc như (17) và (18) không phải là hiếm trong tiếng Việt, thậm chí có thể xem đó là những cấu trúc không được đánh dấu. Như vậy, sẽ có một nghịch lý: rất nhiều cấu trúc có vị từ hạt nhân thường được xem là vị từ cảm giác nhưng lại không biểu hiện quá trình cảm giác.
            Căn cứ vào những phân tích ở trên chúng tôi cho rằng vị từ cảm giác có thể là hạt nhân cho hai kiểu cấu trúc khác nhau:
            (i) Nó là hạt nhân của một cấu trúc biểu hiện quá trình cảm giác khi chủ thể mang cảm giác cũng chính là chủ thể của phát ngôn chứa vị từ ấy. Theo đó, trong các tác phẩm văn chương, những cấu trúc mà đề hay chủ ngữ của vị từ cảm giác là một nhân vật bất kỳ (ví dụ các câu (17) và (18)), có thể xem là một trường hợp đặc biệt, tức cũng là những cấu trúc biểu hiện quá trình cảm giác. Bởi lẽ, trong phần lớn tác phẩm, tác giả bao giờ cũng được xem là một người kể chuyện toàn năng (omniscient narrator), thông suốt tất cả cảm giác, cảm xúc, tình cảm, suy nghĩ của nhân vật. Và trong trường hợp này, nội dung của câu bao giờ cũng có giá trị đúng (vị từ cảm giác mang hàm thực).
            Như vậy, nếu nhất loạt xem những phát ngôn như “Thằng bé đau đầu” của một người bất kỳ biểu hiện quá trình cảm giác thì về logic có lẽ phải cho rằng ở đây có hiện tượng nhập cảm (sympathy): người đưa ra phát ngôn đó đã đồng nhất hoặc nhập thân vào thằng bé. Hiện tượng này về bản chất gần gũi với biểu hiện của người kể chuyện toàn năng trong văn chương như vừa nói.
            (ii) Nó là hạt nhân của một cấu trúc biểu hiện quá trình quan hệ, ở đây trạng thái cảm giác được hiểu là một thuộc tính có tính chất tạm thời. Khi một người nào đó phát ngôn: “Thằng bé đau bụng”, có nghĩa là người đó đưa ra nhận định rằng “Tôi cho rằng thằng bé đang ở trạng thái đau bụng”; tương tự với phát ngôn “Tách cà phê này nóng”, người ta đưa ra nhận định rằng “Tôi cho rằng tách cà phê này đang ở trạng thái nóng”. Có nghĩa là phát ngôn “Thằng bé đau đầu” có giá trị hoặc đúng hoặc sai, tùy thuộc vào thực tế thằng bé có đau đầu hay không. (Chính vì vậy, người tiếp nhận phát ngôn hoàn toàn có thể chất vấn: “Sao chị biết?”, “Chị dựa vào đâu mà biết là thằng bé đau đầu?” v.v.).
*
*                      *
                        Căn cứ vào những phân tích ngữ nghĩa như trên, chúng tôi tạm kết luận như sau:
– Vị từ cảm giác là một tiểu loại vị từ khác với vị từ tâm lý-tình cảm (cảm xúc, tình cảm, nhận thức) ở khả năng nhận một bổ ngữ hay trạng ngữ chỉ bộ phận cơ thể hay vị trí mang cảm giác làm tham tố thứ hai của nó.
– Vị từ cảm giác bao gồm những vị từ biểu thị cảm giác do tác động bên trong cơ thể và cảm giác do tác động bên ngoài.
            Một cấu trúc mà hạt nhân là vị từ biểu thị cảm giác bên trong là một cấu trúc mơ hồ, tùy thuộc vào cách giải thuyết vai trò người phát ngôn mà ta sẽ có một quá trình cảm giác hoặc quá trình quan hệ.
            Một cấu trúc mà hạt nhân là vị từ biểu thị cảm giác bên ngoài sẽ biểu hiện quá trình cảm giác nếu chủ thể của cảm giác cũng đồng thời là người phát ngôn, và sẽ biểu hiện quá trình quan hệ nếu chủ thể của cảm giác không phải là người phát ngôn.
             
TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH
1.      Fillmore Ch.J. (ed.) (2001). The FrameNet Project. http://www.icsi.berkeley.edu /~framenet/.
2.      Givón T (1984). Syntax – A Functional-Typological Introduction, vol I. Amsterdam: J. Benjamins.
3.      Halliday M.A.K (1994). An Introduction to Functional Grammar. 2nd edition, London: Arnold.
4.      Wierzbicka A (1996). Semantics Primes and Universals. Oxford Uni. Press.
5.      Cao Xuân Hạo (1991). Tiếng Việt – Sơ thảo ngữ pháp chức năng, q.I. Nxb KHXH. Hà Nội.
6.      Cao Xuân Hạo CB (2005). Ngữ pháp chức năng tiếng Việt, Quyển 2: Ngữ đoạn và từ loại. Nxb GD. Hà Nội.
7.      Nguyễn Kim Thản (1977). Động từ tiếng Việt. Nxb GD. Hà Nội.
8.      Nguyễn Ngọc Trâm (2002). Nhóm từ tâm lý-tình cảm tiếng Việt và một số vấn đề từ vựng ngữ nghĩa. Nxb KHXH. Hà Nội.


[1]  Có một số tác giả gọi là “vị từ thể trạng” (Cao Xuân Hạo 2005).
[2] Thực ra, một số vị từ tĩnh như đẹp, xấu, trầy, chai, tinh, thính, nở, thâm, hấp dẫn, v.v. cũng có thể được định vị tương tự: Cô ta chỉ đẹp dáng thôi; Cô ấy hấp dẫn ở cái miệng v.v..
[3]  Thực ra, trong nhiều trường hợp, xác định “bộ phận” mang cảm giác rất khó, vì vậy người ta cần đến những danh từ vị trí như vùng, khu vực, trên, dưới, trong v.v..
[4]  Trong thực tế hoàn toàn có thể nói: chói hai mắt, điếc hai tai, xốn hai con mắt, chóng cả mặt, ngạt cả mũi, v.v..
[5]           Cũng có khi tham tố nguyên nhân đứng ở cương vị đề đóng vai trò “kẻ” gây cảm giác (tất nhiên không thể xem là agent hoặc actor, vì nó có thể là một vật [-động vật], và bản thân nó không hề thực hiện một tác động nào cả). Khi đó, ta có một cấu trúc gần với cấu trúc gây khiến, nhưng ở đây là gây ra cảm giác. Ví dụ:
                          a. Con rắn làm tôi rợn/lạnh người
                                 b. Cái gai đó làm tôi đau tay
Biểu hiện này cũng tương tự với vị từ cảm xúc, tình cảm:
                         c. Con chó con/Bức tranh đó làm tôi vui/yêu thích/lo lắng/lo sợ
[6]  Theo nhận xét của chúng tôi, câu này có vẻ không tự nhiên vì về mặt ngữ dụng khi đưa ra phát ngôn như trên, trong nhận định của bà mẹ, lẽ thông thường thằng bé phải làm đề chứ không phải cái đầu hay cái bụng của nó làm đề, cái mà bà mẹ quan tâm là đứa con chứ không phải một bộ phận cơ thể của nó thì có vẻ bình thường hơn.

No comments:

Post a Comment