Trong việc tiếp nhận tiếng Việt như một ngoại ngữ, đại từ là một hệ thống khó nắm bắt đối với người nước ngoài, đặc biệt là các đại từ có khả năng sử dụng đa dạng như thế/ vậy. Trong bài viết này chúng tôi sẽ phân tích thế/ vậy dưới góc độ thực hành tiếng, nghĩa là trình bày các biểu hiện hình thức của nó để từ đó rút ra những nhận xét có tính nguyên tắc trong việc dạy tiếng. Chúng tôi tiếp cận thế/ vậy ở hai biểu hiện: thế/ vậy dùng trong liên kết câu (hồi chỉ cái đã đề cập trước đó trong văn bản) và thế/ vậy dùng trong liên kết tình huống (chỉ cái đã biết trong tình huống thực tế chứ không có mặt trong văn bản).
1.
Thế/ Vậy trong liên kết câu
Trong một văn bản hoàn chỉnh, các câu liên kết với
nhau bằng các phương tiện liên kết. Các phương tiện liên kết này, tuỳ vào chức
năng, được các nhà ngữ học phân chia thành nhóm hồi chỉ, nhóm khứ chỉ và nhóm
liên từ cấp câu [1,191]. Thế/ vậy là
hai đại từ thuộc nhóm hồi chỉ, thường được sử dụng để thay cho một thành phần
câu, một câu, thậm chí thay cho cả đoạn văn trước đó.
Hồi chỉ (anaphora) là chỉ những gì đã được phát ngôn ở
lượt lời (của một trong hai bên giao tiếp) hoặc những gì đã được thể hiện ở văn
cảnh đi trước. Trong tiếng Việt, từ ngữ hồi chỉ phần lớn do các yếu tố chỉ xuất
(demonstrative) đảm nhiệm, bao gồm đại từ và tính từ.(1) Về hình
thức, trong khi đa số đại từ khác chỉ có thể thay thế cho một danh từ/ ngữ để
hồi chỉ chẳng hạn một nhân/ vật (nó, hắn,
y), một vị trí/ không gian (đấy, đó),
thì thế/ vậy có khả năng thay thế
rộng nhất, và phạm vi hồi chỉ của nó cũng rất đặc thù.
1.1. Thế/ Vậy thay cho phần thuyết
Trước hết chúng ta hãy
xét trường hợp hồi chỉ “điển hình” nhất của thế/
vậy, trong đó thế/ vậy thay thế
cho một ngữ đoạn đóng vai trò thuyết của câu. Ví dụ:
(1)
A: – Tôi rất thích ngắm cảnh mặt trời lặn.
B: – Tôi cũng thế/ vậy. (= Tôi cũng “rất thích ngắm cảnh
mặt trời lặn”)
(2)
A: – Tôi nghĩ là anh ấy sẽ không đến.
B: – Tôi cũng thế/ vậy. (= Tôi cũng “nghĩ là anh ấy sẽ
không đến”)
(3)
A: – Tối hôm qua nóng quá
nhỉ!
B: – Tối hôm nay chắc cũng vậy! (= Tối hôm nay chắc cũng “nóng
quá”)
Trong các trường hợp
trên, thế/ vậy hồi chỉ một hành động,
thuộc tính, trạng thái, quá trình được diễn đạt bằng ngữ đoạn mà nó thay thế
(bao gồm vị từ và bổ ngữ của nó). Nghĩa là nó chỉ ra một sự tương ứng về hành
động, thuộc tính, trạng thái, quá trình giữa các nhân/ vật, hiện tượng, cảnh
huống khác nhau (được diễn đạt bằng đề hoặc khung đề).
Có
thể xem khả năng hành chức này của thế/ vậy
là điển hình, bởi vì trong khi thực hiện chức năng hồi chỉ, (i) thế/ vậy không thực hiện chức năng đánh
dấu ngữ nghĩa, nghĩa là về cơ bản nó không đem lại một ý nghĩa nào khác với nội
dung của thành phần mà nó thay thế; (ii) thế/
vậy có thể thay thế cho phần thuyết của phát ngôn trước bất kể phần thuyết
đó có cấu tạo như thế nào – nghĩa là đó có thể là một vị từ (hành động, quá
trình, tư thế, trạng thái), một vị từ tình thái, một hệ từ (là), và một ngữ đoạn danh từ. Thêm một vài ví dụ:
(4)
a. Chị không nói gì một
lúc lâu. Người đàn ông kia cũng vậy. (= cũng “không nói gì một lúc lâu”)
b. Anh không nhớ cô ấy à? Tôi cũng vậy. (= cũng “không nhớ cô ấy”)
c. Anh chồng mới 30 tuổi. Cô vợ cũng vậy. (= cũng “mới 30 tuổi”)
d. Bố nó là cảnh sát. Mẹ nó cũng vậy. (= cũng “là cảnh sát”)
e. Chị người Hà Nội à? Tôi cũng vậy. (cũng “người Hà Nội”)
Ở các câu trên, thế/ vậy hồi chỉ phần thuyết, cho nên nó
tương ứng với phần thuyết của câu trước. Ở (1B), (2B), (3B), sự tương ứng của
phần thuyết diễn ra khi nói về một đề hay khung đề chuyển đổi (nhân vật B chứ
không phải A, “tối hôm nay” chứ không phải “tối hôm qua”), do vậy vị từ tình
thái cũng đóng vai trò tác tố thể
hiện sự tương ứng đó. Thử xét một trường
hợp khác:
(5)
a. Chị ngồi lui ra sau
như xưa nay vẫn vậy. (= vẫn “ngồi lui ra sau”)
b. (– Khi còn độc thân, hắn tự nấu ăn lấy). – Thì bây giờ
hắn vẫn vậy. (= vẫn “tự nấu ăn lấy”)
Khác với các câu (1) - (4),
ở (5) sự tương ứng của phần thuyết diễn ra khi nói về cùng một đề (“chị” ở (5a),
và “hắn” ở (5b)), nghĩa là ở đây chỉ có sự chuyển dời về mặt cảnh huống, do vậy
tác tố thường dùng là vị từ tình thái vẫn
- biểu hiện sự tiếp tục hoặc tiếp diễn của một sự tình. Đây chính là một trong
những đặc trưng ngữ nghĩa của vẫn trong sự đối lập với cũng.
Về mặt ngữ pháp, khi hồi
chỉ phần thuyết ở phát ngôn trước, thế/ vậy
thay thế cho thành phần tương ứng với sự trợ giúp của một vị từ tình thái như
đã nói; nhưng có không ít trường hợp – nhất là với các vị từ biểu thị những
hành động, quá trình cụ thể – thế/ vậy
lại kết hợp với các vị từ có nghĩa khái quát hơn vị từ trung tâm của phần
thuyết mà nó thay thế. Các vị từ này có thể là làm, xử sự, giải quyết, tính toán, hành động, đối xử, v.v.. [1,197]
(6)
a. Như má liệu được thì
con vâng lời, con đâu dám cãi. Con làm
như vậy đặng trả ơn cho nó luôn thể. (Hồ Biểu Chánh - Cha con
nghĩa nặng)
b. Bạ ai anh cũng đùa. Anh xử sự như thế coi sao được? (Dẫn theo Cao Xuân Hạo [1,198]
Trên thực tế khó có thể
liệt kê tất cả những vị từ khái quát như thế, vì điều này hoàn toàn tùy thuộc
vào ngữ nghĩa của các vị từ hành động cụ thể ở phát ngôn trước. Chẳng hạn: “Cô
ấy đánh phấn…, kẻ mắt…, tô môi…” → “Cô ấy trang điểm như vậy…” (“trang điểm” khái quát hơn “đánh phấn”, “kẻ
mắt”, “tô môi”); “Anh ấy kê cái bàn…, đặt cái máy tính…, để mấy cuốn sách…” → “Anh
ấy sắp xếp như vậy…” (“sắp xếp” khái
quát hơn “đặt”, “kê”, “để”), v.v.. Nói chung, đây là một hiện tượng thể hiện cách
thức phản ánh thực tại phổ quát, có ý nghĩa ứng dụng quan trọng trong việc dạy
tiếng. (Khi đề cập hiện tượng tương tự trong tiếng Anh, Jack Richards lại cho
rằng chính vị từ “does” mới là yếu tố
đóng vai trò hồi chỉ và thay thế cho “works”
như trong câu “Mary works hard and so does Doris”, và bỏ qua vai trò của “so”) [5,17].
Cơ sở của hiện tượng mang
dáng dấp “hạ danh - thượng danh” như vừa nói có liên quan đến bản chất của quá
trình hồi chỉ. Trong phần sau đây, khi xét khả năng thay thế cho bổ ngữ chúng
tôi sẽ đề cập vấn đề này.
1.2. Thế/ Vậy thay thế cho bổ ngữ
1.2.1. Thế/ Vậy có thể thay cho một bổ ngữ là
một ngữ vị từ. Xét lại hai ví dụ (1) và (2) ở trên:
(1) A: – Tôi rất
thích ngắm cảnh mặt trời lặn.
B: – Tôi cũng thế/ vậy. (= Tôi cũng “rất thích ngắm cảnh
mặt trời lặn”)
B’: – Tôi cũng thích thế/ vậy. (= Tôi cũng thích “ngắm cảnh mặt
trời lặn”)
(2) A: – Tôi nghĩ là anh ấy sẽ không đến.
B: – Tôi cũng thế/ vậy. (= Tôi cũng “nghĩ là anh ấy sẽ
không đến”)
B’: – Tôi cũng nghĩ thế/ vậy. (= Tôi cũng nghĩ “anh ấy sẽ không
đến”)
Ở (1B), thế/ vậy thay thế cho toàn bộ phần
thuyết: “rất thích ngắm cảnh mặt trời lặn”, trong khi ở (1B’) nó chỉ thay thế
bổ ngữ-ngữ vị từ của phần thuyết: “ngắm cảnh mặt trời lặn”. Trường hợp (2) cũng
tương tự: ở (2B) thế/ vậy thay cho “nghĩ là anh ấy không đến”,
trong khi ở (2B’) nó chỉ thay cho “anh ấy sẽ không đến”. Tuy nhiên, cả hai phạm
vi thay thế như trên (thay thế cho cả phần thuyết và thay thế cho bổ ngữ-ngữ vị
từ) không dẫn đến sự khác biệt đáng kể nào về mặt ngữ nghĩa. Trong trường hợp
vị từ chính được thay thế bằng một vị từ khác hoặc bằng một hệ từ thì tình hình
cũng tương tự. Chẳng hạn:
(7)
a. Mỗi sáng anh ta ăn một tô phở đặc biệt và hai quả trứng
luộc. Anh ta thích vậy đấy. (Anh ta thích ăn một tô phở đặc biệt và hai quả
trứng luộc, hay Anh ta thích một tô phở đặc biệt và hai quả trứng luộc)
b. Hắn rất quan tâm đến việc ăn uống. Hắn là vậy đấy. (hay Hắn là một người như
vậy đấy)
Trong các trường hợp vừa
nêu, về bản chất, thế/ vậy đều hồi
chỉ “một sự tình kèm theo các tham tố của nó”.
1.2.2. Trong trường hợp thế/ vậy thay thế cho thành phần bổ ngữ
là một ngữ danh từ của phát ngôn trước thì cần biện luận thêm. So sánh:
(8)
a. (– Cô ấy chỉ ăn một
chén cơm). – Ăn thế/ vậy (= “một chén cơm”)
thì yếu sức là phải.
b. Cô ấy chỉ ăn một chén cơm. Nhưng trong chén cơm đó đầy
ắp thức ăn.
Câu (8a) cho thấy thế/ vậy có thể thay thế cho một danh
ngữ chứ không phải nó chỉ “chuyên thay cho những câu, những tiểu cú, những vị
ngữ” (Cao Xuân Hạo 1991). Thậm chí, nếu so sánh (8a) và (8b) một cách nghiêm
ngặt, thì phải đi đến kết luận rằng khả năng thay thế thực sự cho một danh ngữ
là của thế/ vậy chứ không phải là của
những yếu tố này, ấy, đó. Ở ngữ cảnh
(8a), thế/ vậy thay thế trọn vẹn cho
“một chén cơm”; trong khi ở (8b), đó
không thể thay thế cho bất cứ một yếu tố nào trong phát ngôn trước, nó chỉ làm
nhiệm vụ (định ngữ) chỉ trỏ, cả danh ngữ “chén cơm đó” mới có khả năng thay
thế.
Về ngữ nghĩa, “chén cơm
đó” hồi chỉ cái “chén cơm” được đề cập trong phát ngôn trước (câu (8b)). Trong
khi đó, ở (8a) “ăn thế” không được hiểu là ăn “chén cơm đó” mà chỉ được hiểu là
“ăn ít”. Thế/ vậy không hồi chỉ một
thực thể; có lẽ vì vậy, Trần Ngọc Thêm (1985) gọi nó là “đại từ hồi chỉ cách
thức”.
Thực ra, cái “cách thức”
vừa nói không hề hiển ngôn trong phát ngôn đi trước. Nếu cho rằng thế/ vậy hồi chỉ “cách thức” thì phải
thừa nhận rằng có một thao tác trung gian của quá trình hồi chỉ diễn ra trong
tư duy của người phát ngôn: “ăn một chén” → “ăn
ít”; nghĩa là “(ăn) thế” không hồi chỉ trực tiếp “(ăn) một chén cơm” mà hồi chỉ
cái thông tin (về cách thức, số lượng, mức độ, v.v.) mà người phát ngôn tiếp
nhận và suy ra được từ nội dung phát ngôn đi trước. Tuy nhiên, điều đó chỉ có
tính chất suy diễn.
Thử xét một trường hợp
khác. Với một phát ngôn, chẳng hạn như “Bạn Nam học tiếng Anh ba mươi phút mỗi
ngày”, chúng ta có thể có hai lời đáp như sau:
(9)
a. Học thế/ vậy thì làm
sao mà không giỏi được!
b. Học thế/ vậy thì làm sao mà giỏi được!
Ở câu (9a), người nói cho
rằng Nam học nhiều (đúng ra là học đều đặn); trong khi đó, ở (9b), người nói
lại cho rằng Nam học ít. Theo hàm nghĩa (implicature) của câu thì quả thực thế/ vậy trong cả hai câu (9) đều có vẻ chỉ cách thức; tuy nhiên, không thể có
hai cách thức mang hai giá trị đối nghịch nhau trong cùng một ngữ đoạn (“học
vậy”). Thực ra, thế/ vậy trong (9a),
(9b) cùng hồi chỉ một nội dung của phát ngôn trước (nội dung này không thay
đổi: “ba mươi phút mỗi ngày”), và không có hàm nghĩa. Chính cấu trúc của cả
phát ngôn, đặc biệt là thành phần còn lại và các yếu tố tình thái, mới đem đến
hàm nghĩa “ít”/ “nhiều”, dựa vào quá trình suy ý của cả hai bên tham gia hội
thoại (so sánh (9a) (9b) với một phát ngôn đơn giản hơn: “Nam học vậy à?”). Nghĩa là chính ngữ đoạn “làm
sao mà không giỏi được” cho phép hiểu “học vậy” là học nhiều/ học đều đặn (9a),
ngữ đoạn “làm sao mà giỏi được” cho phép hiểu “học vậy” là học ít (9b); đó
chính là kết quả suy ý tự nhiên chứ không phải bản thân “học vậy” là học nhiều
hay học ít.
Những điều vừa nói trên
cho phép đi đến một sự phân biệt quan trọng trong khả năng hành chức của thế/ vậy: thay thế (substitute) và hồi
chỉ (anaphora) là hai phạm trù không đồng nhất. Theo đó, thay thế là một biểu
hiện hình thức của hoạt động hồi chỉ. Thế/
vậy có thể thay thế cho một ngữ đoạn bất kỳ (ngữ danh từ, ngữ vị từ, tiểu
cú) nhưng bao giờ nó cũng hồi chỉ một sự tình (được diễn đạt bằng vị từ và
các tham tố kèm theo) chứ không phải là một thực thể.
Một sự tình (hành động,
quá trình) trong thế giới thực bao giờ cũng chỉ diễn ra một lần, trong một khung thời gian-không gian nhất định, với các
nhân/ vật nhất định. Về mặt dụng pháp, một phát ngôn diễn đạt một sự tình như
thế sẽ cung cấp cơ sở hồi chỉ cho phát ngôn theo sau nó, khi sự tình đó được “nhắc
lại”. Nghĩa là người nghe hay người đọc bao giờ cũng xác định được sở chỉ của
các yếu tố tham gia vào sự tình (các tham tố được diễn đạt bằng các danh ngữ)
căn cứ vào những gì mà phát ngôn trước cung cấp, và sở chỉ đó không thay đổi
trong cùng một quá trình giao tiếp (đồng sở chỉ). Tuy nhiên, với một vị từ thì
không thể xác định sở chỉ như thế.(2) Muốn quy chiếu một hành động
hay quá trình người ta buộc phải sử dụng một biểu thức gồm chính vị từ đó (hoặc
thường hơn là một vị từ thượng danh) đi cùng với thế/ vậy, và “sở chỉ của những danh ngữ hay những từ chỉ xuất ấy
bao giờ cũng là một sự tình kèm theo các tham tố của nó, chứ không phải là
những vật”. Tính đồng sở chỉ của những từ ngữ thay thế nhau thể hiện ở mối liên quan với hành động hay quá
trình được quy chiếu chứ không phải là bản thân hành động hay quá trình đó với
tư cách là một thực thể. [1,58]
Hay nói cụ thể hơn, ở các
ví dụ (8), (9), khi thế/ vậy thay thế
một bổ ngữ-danh ngữ (một tham tố) thì cả ngữ đoạn chứa nó mang một nội dung
khái quát là “một sự tình mang thuộc tính như vừa nói”, nghĩa là nó “giữ lại”
cái cách thức (manner) của hành động, quá trình được hồi chỉ. Đây chính là cơ
sở ngữ nghĩa của cái gọi là “đại từ hồi chỉ cách thức”.
Điều vừa trình bày trên
dẫn đến những phân biệt khá tế nhị khi dùng thế/
vậy thay thế cho một bổ ngữ-danh ngữ.
(i) Thế/ vậy khác với các danh ngữ hồi chỉ khác. So sánh:
(10)
a. Bữa tối cô ấy thường
ăn một đĩa rau trộn và một củ khoai luộc. Tôi cũng ăn những món đó.
b. Bữa tối cô ấy thường ăn một đĩa rau trộn và một củ
khoai luộc. Tôi cũng thường ăn vậy.
Ở (a) ta chỉ có sự tương
ứng về các món ăn, trong khi ở (b) ta có sự tương ứng giữa hai sự tình: tức là
“tôi”cũng có chế độ ăn uống (ít hoặc nhiều) như “cô ấy” (tất nhiên không loại
trừ sự tương ứng về các món ăn).(3)
(ii) Thế/ vậy thay thế một
danh ngữ có điều kiện:
(11)
a. *Anh ấy thích trà. Tôi cũng thích vậy.
b. Anh ấy
chỉ thích trà mộc thôi. Tôi cũng thích vậy.
c. Anh ấy
thích trà có ướp hương nhài. Tôi cũng thích vậy.
Ở (a) không thể sử dụng vậy, vì ở đây chỉ có sự tương ứng về thực
thể (“trà”). Trong khi đó, ở (b) và (c) có sự tương ứng về sự tình: “tôi” có ý
thích rất thuần khiết (“trà mộc” ở (b)), rất cầu kỳ (“trà có ướp hương nhài” ở
(c)) như “anh ấy”.
1.3. Thế/ Vậy thay cho một cấu trúc câu
1.3.1. Trong các đại từ
có chức năng liên kết, có một số đại từ có chức năng thay cho câu (đó là các
đại từ đây, đấy, đó, kia, đâu, nào, sao
và thế/ vậy), nhưng xét về khả năng
kết hợp với liên từ để tạo thành các ngữ đoạn có vai trò như thành phần chuyển
tiếp thì ngoài từ đó ra chỉ có thế/ vậy.
Thế/ vậy kết hợp với các liên từ như tuy, vì, nhưng, rồi tạo thành các tổ hợp tuy thế/ vậy, vì thế/ vậy, thế/ vậy mà, thế/ vậy nhưng, thế rồi.
Trong liên kết câu, có thể xem chúng là các thành phần chuyển tiếp, nhưng nghĩa
của các tổ hợp này thực chất vẫn là nghĩa của liên từ cộng với nội dung của phát ngôn mà thế/ vậy hồi chỉ. Ta có thể dễ dàng kiểm nghiệm được điều này.
(12) Lục bình làm sông trở nên
dịu dàng, sâu sắc. Dù vậy, nhiều người vẫn chê lục bình. (Nguyễn Ngọc Tư - Lục bình) (“Dù vậy” = “Dù lục bình làm sông trở nên dịu
dàng, sâu sắc”)
Các tổ hợp vừa nói được
dùng để tách các câu ghép để tạo hiệu ứng trong diễn đạt hoặc làm cho câu trở
nên ngắn gọn hơn, ít dáng vẻ của một biểu thức logic hơn.
Trần Ngọc Thêm (1985) cho
rằng những kết hợp này có xu hướng cố định hoá song sự có mặt của đại từ vẫn
được nhận thức rất rõ. Điều này phản ánh đặc trưng phân tiết tính của tiếng
Việt và khu biệt nó với các ngôn ngữ Ấn Âu: các đơn vị tương ứng ở những ngôn
ngữ này mặc dù cũng có nguồn gốc “từ nối + đại từ” song đã hoá thành một khối
cố định chặt chẽ, thậm chí đã thay đổi trật tự các yếu tố (ss: “From there” và
“Therefrom”) [7,207].
Tuy nhiên, theo quan điểm
của chúng tôi, về mặt ứng dụng cần vạch ranh giới ngữ pháp rạch ròi giữa hai
yếu tố cấu thành tổ hợp (chỉ rõ quan hệ cú pháp giữa liên từ và đại từ trong tổ
hợp), và không nên trình bày ngữ đoạn kiểu này theo xu hướng “cố định hoá” –
điều mà bản thân cách đối dịch thường xuất hiện trên các tài liệu dạy tiếng (nevertheless, however, for this reason,
hence, so, consequently, accordingly, correspondingly, therefore, thus, as a
result, but, yet, v.v.) cũng đủ gây nhầm lẫn.
Về vị trí, việc đứng
trước hay sau liên từ của thế/ vậy
phụ thuộc vào vị trí của thành phần mà nó thay thế trong câu; nghĩa là phụ
thuộc vào cấu trúc ngữ pháp-ngữ nghĩa của cả phát ngôn – điều mà cách giải thích
theo hướng “cố định hoá” có thể vô hình trung làm mờ đi. Có thể phân thành 2
nhóm:
+ Nhóm [liên từ + đại
từ]: tuy vậy/ thế, mặc dù vậy/ thế, dù
vậy/ thế, nếu vậy/ thế, bởi vậy/ thế, nhờ vậy/ thế
(13) a. Hôm đó có nhiều người rơi nước mắt, vì vậy
mà vụ trộm không được lên ti vi. (Nguyễn Ngọc Tư - Cải ơi)
b. Lăng Thế là chợ quê, bằng Mỹ Tho sao được? Nếu vậy thì
buồn lắm. (Hồ Biểu Chánh - Vì nghĩa vì tình)
c. Nhà máy thiếu nguyên liệu và nhân công. Dù vậy sản
phẩm của nhà máy vẫn không giảm.
+ Nhóm [đại từ + liên từ]: thế/ vậy mà, thế/ vậy nên, thế/ vậy là, thế/
vậy thì (4)
(14)
a. Bởi lúc này là lúc sum
họp đây. Vậy mà sao vẫn thấy thiếu một người.
b. Nhà máy thiếu nguyên liệu và nhân công. Thế nên sản
phẩm của nhà máy ngày một giảm.
c. Mình chờ cô ấy đã hơn một tiếng đồng hồ. Vậy là cô ấy
không đến rồi.
d. Ngày mai được nghỉ. Thế thì mình đi Vũng Tàu chơi đi.
Nội dung của các tiểu cú
sau các tổ hợp ấy thường là những kết quả thuận/ nghịch được rút ra từ những
nội dung được hồi chỉ trước đó. Bản chất ngữ pháp và ngữ nghĩa của thế/ vậy trong cả hai nhóm không có gì
khác biệt, chỉ có điều là quan hệ giữa các thành phần trong phát ngôn có chứa
nhóm [đại từ + liên từ] có phần phức tạp hơn, do sự vắng mặt của các chỉ tố
biểu thị quan hệ logic đứng trước (tức các liên từ nếu, dù, tuy, vì, v.v.).
(15)
a. (– Em đã quét nhà
xong). – Thế/ vậy là rất tốt.(Dẫn theo CXH, tr.196)
b. Chúng ta đi bằng xe máy, mỗi người một chiếc. Vậy là
tốt nhất.
c. Máy chạy liên tục 3 tiếng mà không nóng. Vậy đúng là
máy thật.
Ngoài
ra, có một biểu hiện khác của điều vừa trình bày: các cặp phó từ như có… mới.., phải... mới…, đã... lại…, không
những... mà còn…, cũng có thể có các từ hồi chỉ ở vế trước:
(16) Thầy Phùng Xuân làm tờ
giao nó cho cậu Ba. Có vậy nên tôi mới bắt được chớ.
Cần chú ý là các liên từ
thứ hai trong cặp hô ứng không kết hợp với các đại từ (không nói nên vậy, nhưng vậy, mà còn vậy). “Nguyên
nhân của hiện tượng này nằm ở quy luật phát triển chủ đề của văn bản” [7,184].
Phần đề thường là cái đã biết nên có thể được thay thế bằng đại từ, còn phần
thuyết thường là cái mới nên không thể thay thế bằng đại từ được.
Như vậy, trong hội thoại
lẫn trên văn bản, khi đứng một mình ở đầu câu, thế/ vậy cần được nhận diện trong quan hệ với lượt lời đã xuất hiện
trước đó:
(17)
a. Vậy anh tính sao? (= “Nếu vậy thì anh tính sao?”)
b. Muộn rồi! Vậy tôi không đi nữa! (= “Vì vậy nên tôi không
đi nữa!”)
Liên
quan đến hoạt động của thế/ vậy như
vừa nói, cũng cần lưu ý rằng một ngữ đoạn gồm [danh từ + này/ kia/ ấy/ đó] hoặc một đại từ thuộc nhóm [này/ kia/ ấy/ đó] có thể đảm đương vai trò hồi chỉ một sự tình,
nhưng khi đó sự tình được hồi chỉ đã được thực thể hoá; do vậy nó không thể tạo
ra một phát ngôn mang cấu trúc của một biểu thức logic (nếu... thì..., vì... nên..., v.v.) như thế/ vậy nếu phát ngôn không được tổ chức lại. Chẳng hạn, với (15a)
ở trên ((– Em đã quét nhà xong). – Thế/ vậy
là rất tốt.), có thể thay thế/ vậy
bằng danh ngữ “Việc đó”/ “Đó” nhưng phát ngôn mới (“Việc đó là rất tốt”, “Đó là
một việc rất tốt”) là một cấu trúc định tính chứ không còn là một cấu trúc
logic nữa. Điều này thể hiện rõ hơn ở ngay sau đây.
1.3.2. Thế/ vậy có thể thay cho câu trước để
làm bổ ngữ:
(18) a. Bằng rút gươm. Thấy
thế, Công lùi hai bước thủ thế. (thấy “thế” = thấy “Bằng rút gươm”) (Dẫn
theo Cao Xuân Hạo, tr. 196)
b. Nó xiêu lạc mấy năm nay mà cũng không quên nhau rún.
Con như vậy mà không nhớ sao cho được. (Hồ Biểu Chánh - Vì nghĩa vì
tình)
c. Huệ không tin, nó biết mình rắn rỏi lắm, sức mấy mới
khóc. Té ra không phải vậy… (Nguyễn Ngọc Tư - Huệ lấy chồng)
Trong các câu trên, ta
thấy thế/ vậy hồi chỉ cho câu đứng
trước nó, và làm bổ ngữ cho vị từ trong phát ngôn đi sau. Vị trí của thế/ vậy luôn đi sau vị từ, giống như
khi nó hồi chỉ cho thành phần bổ ngữ đã nói ở mục trên. Tuy nhiên, cần chú ý là
thế/ vậy là một đại từ có thể dễ dàng
đóng vai trò bổ ngữ (dù thay thế cho phần thuyết, cho bổ ngữ hay cho câu đi
trước) xuất hiện sau vị từ, trong khi nó hầu như không thể đứng ở vị trí đầu
câu để làm đề/ chủ ngữ, trừ trường hợp nó nằm trong quan hệ logic như đã nói ở
mục 1.3.1. Xét các câu sau:
(19)
a. Tôi phải hoàn thành
công việc trước tháng sáu. Ông giám đốc nói với tôi như thế/ vậy.
b. Tôi phải hoàn thành công việc trước tháng sáu. *Thế/ vậy
làm tôi bị một áp lực rất lớn.
Câu (19a) là câu đúng ngữ
pháp vì thế/ vậy đóng vai trò bổ ngữ.
Trong khi (19b) là câu sai vì thế/ vậy
không thể đóng vai trò đề/ chủ ngữ. Để thực hiện hồi chỉ trong trường hợp tương
tự, cần sử dụng một ngữ đoạn hồi chỉ bằng các danh từ trống nghĩa (điều, việc, chuyện, cái, lời, v.v.) kết
hợp với từ chỉ xuất này, ấy, đó.
Chẳng hạn: “Điều này làm tôi bị một
áp lực rất lớn”. Chúng tôi cho rằng hiện tượng này có lý do về mặt ngữ pháp:
khi thay thế cho một câu, thế/ vậy hồi chỉ một sự tình, do vậy nó không
thể danh hoá để trở thành một thực thể xuất hiện ở đầu câu – vị trí điển hình
của đề/ chủ ngữ; trong trường hợp được đặt ở vị trí đầu câu, thế/ vậy ngay lập tức liên kết với thành
phần còn lại (hầu hết là một tiểu cú) hình thành một quan hệ logic, tương tự
như “quan hệ điều kiện” (từ (19b) có thể nói “Vậy là tôi bị một áp lực rất lớn”).
Tương tự với trường hợp
thay thế phần thuyết (vd (6)), khi thay thế cho cả câu, thế/ vậy có thể kết hợp với các danh từ có nghĩa khái quát để tạo
thành một danh ngữ khái quát hóa nội dung của câu được thay thế.
(20) a. Các nước Ả Rập thì muốn
độc lập hơn với Mỹ, Nga thì muốn tăng cường ảnh hưởng ở các nước Trung Đông.
Trong tình hình như thế, Mỹ không thể
bỏ Iraq.
b. Họ đòi lãi 15%, lại bắt tôi chịu phí dịch vụ. Với điều kiện như vậy, làm sao tôi chịu
được?
Trong khả năng này, chúng
ta có thể dùng này, ấy, đó để tạo ngữ
đoạn hồi chỉ, và về chức năng ngữ pháp, ngữ đoạn này đóng vai định ngữ cho danh
từ đi trước (“tình hình đó”, “điều kiện này”). Nhưng ở đây có một sự khác biệt
lớn: thế/ vậy không trực tiếp làm
định ngữ cho danh từ đi trước như này,
ấy, đó mà cả ngữ đoạn như thế/ vậy
mới đảm đương vai trò định ngữ. Nghĩa là thế/
vậy vẫn là bổ ngữ của vị từ như. Chúng
tôi cho rằng những ngữ đoạn có sự kết hợp trực tiếp [N + thế/ vậy] là một biểu hiện mang tính khẩu ngữ. Ví dụ:
(20) c.
Căn nhà đó có 20m2, không có điện, nước. Một căn nhà vậy, 50 cây là mắc.
d. Chị Thể nắm tay, nhìn tôi chua xót, còn anh Tứ Hải
trầm ngâm ngậm một bụm khói thuốc, quay mặt thở dài. Nhìn thái độ anh chị vậy, tôi tính điệu này chắc mình phải buồn một
chút. (Nguyễn Ngọc Tư - Nhà cổ)
1.3.3. Ngoài ra, thế/ vậy (hồi chỉ cho lượt lời trước)
kết hợp với từ nghi vấn sẽ tạo thành những biểu thức (có tính ổn định tương
đối) có tác dụng duy trì hội thoại (thông qua hình thức nghi vấn, yêu cầu xác
nhận lại thông tin vừa nghe):
(21)
a. – Hồi chiều má con không nấu cơm.
– Vậy sao?
b.
– Má con nằm trên giường thở dài.
– Vậy hả? (Nguyễn Ngọc Tư - Cánh đồng bất tận)
1.4. Thế/ Vậy thay thế cho một chuỗi câu hoặc
một đoạn văn
Thế/ vậy cũng có thể thay cho chuỗi câu. Ba đoạn văn trích từ
truyện ngắn “Vì nghĩa vì tình” của Hồ Biểu Chánh và “Nhớ sông” của Nguyễn Ngọc
Tư dưới đây sẽ cho thấy điều đó:
(22)
a. Chánh Tâm được sum
hiệp với vợ con, tuy chàng không lộ cái vẻ mừng của chàng cho ai thấy, nhưng mà
chàng ngồi cứ ngó vợ rồi ngó con mà cười hoài. Lâu lâu chàng ngoắt con lại gần
rồi ôm mặt nó mà hun, hoặc chàng lại đứng một bên vợ mà coi vợ may áo cho con
bận. Chàng hưởng thú hoà hiệp êm ái như vậy
đó.
(Vậy hồi chỉ cho 2 câu trước đó)
b. Đó là lúc ổng, tức ba tôi chống cây gậy khật khừng
lang thang xuống bến. Ông dừng lại chỗ có mấy cây tra, lấy tay rờ rẫm, săm soi
từng cái lá, cái bông như tay bắt mặt mừngthằng bạn lâu năm mới gặp. Rồi ông
lần ra tới đầu bến, đứng dưới hàng mắm già ngày xưa ông trồng để giữ cho đất
khỏi lở, để mặc cho mấy cái hoa nắng vàng xơ rơ đậu xuống cái đầu húi cua, bạc
trắng của mình, ông già tha thiết nhìn ra sông. Chỉ vậy thôi rồi khật khừng quay lên...
(Vậy hồi chỉ cho 3 câu trước đó)
c. … thế nào cũng nhắc chuyện… chuyện Thường đạp xe chở Hậu đi dưới pháo
hoa. Mối tình đẹp nhưng cũng nhiều trắc trở, mấy bận Thường tránh đi vì dư luận
đồn đãi... là mấy lần Hậu tất tả giữ người yêu lại “Người ta nói gì kệ họ, em
tin anh”.
Vậy mà bây giờ lạnh lẽo, tan hoang như giông sau bão.
(Vậy hồi chỉ cho đoạn văn trước đó)
Bằng sự có mặt của đại từ
hồi chỉ thế/ vậy, các kết ngữ trở nên
ngắn gọn, tiết kiệm hơn, quan hệ giữa kết ngữ và các câu trước được hình thành
một cách chặt chẽ.
1.5. Thế/
Vậy thay cho một suy ý
Xét ví dụ sau:
(23) Bà mẹ cũng cười hạnh phúc
khi con được nhiều người yêu thương như một đứa trẻ bình thường. Mặt trời cũng
rạng rỡ cỡ vậy là cùng... (Nguyễn Ngọc Tư - Những thiên
thần mắc đoạ)
Trong câu (23) vậy không hể thay thế cho từ nào, câu
nào đứng trước nó nhưng ta vẫn thấy có một sự liên kết chặt chẽ với câu trước.
Sở dĩ như vậy là do ý nghĩa hồi chỉ của nó. Người đọc buộc phải giải mã nghĩa
của câu sau bằng sự suy ý (inference) hay sự liên tưởng (association) được gợi
ra từ các yếu tố đã được đề cập trong câu trước đó. Nghĩa là vậy vẫn đóng vai trò đại từ hồi chỉ,
nhưng đối tượng được hồi chỉ lại là kết quả của quá trình suy ý, liên tưởng
hình thành từ văn cảnh phía trước. Thậm chí, có khi thế/ vậy còn hồi chỉ những sự kiện được suy ra từ một chuỗi các sự
kiện đã trình bày bằng rất nhiều câu, đoạn trong văn bản. Chẳng hạn trong ví dụ
sau đây, vậy liên kết hàng loạt sự
kiện, chi tiết có mặt rải rác ở nhiều đoạn văn trước:
(24) Con vợ mày hồi trước nó khốn nạn lắm nên trời
mới khiến nó chết như vậy đó. (Hồ Biểu Chánh - Cha con nghĩa nặng)
Về mặt ứng dụng có lẽ cần
phân biệt quá trình suy ý này với quá trình suy ý thể hiện ở những trường hợp
đã được đề cập ở mục 1.2.1. Ở trường hợp trên kia, về ngữ pháp hoàn toàn có thể
“phục hồi” thành phần (bổ ngữ) được thế/ vậy
thay thế bằng chính ngữ đoạn có mặt ở văn cảnh đi trước (Vd (8a): “ăn thế” → “ăn một chén cơm”).
Trong khi đó, ở trường hợp đang bàn, chúng ta không thể tìm ra một kết cấu nào
có thể “phục hồi” ở vị trí của vậy,
dù rằng văn cảnh trước đó đã cung cấp “dữ liệu” cho quá trình suy ý.
1.6. Thế/ Vậy và khả năng khứ chỉ
“Từ điển tiếng Việt” có
đề cập đến chức năng khứ chỉ của thế
(“từ dùng để chỉ điều (…) sắp được nói đến” [2]) nhưng trong định nghĩa về vậy thì lại không nhắc gì đến.
Theo Cao Xuân Hạo, “những
phương tiện liên kết một câu với văn cảnh tiếp theo sau là những yếu tố khứ
chỉ” [1,200]. Cũng theo ông, trong tiếng Việt, yếu tố khứ chỉ chính danh là
định từ này và đại từ đây, vốn là những yếu tố hồi chỉ. Thế/ vậy không được kể đến.
Qua
tư liệu, chúng tôi nhận thấy rằng, đại từ thế/
vậy có khi được dùng giống như một yếu tố khứ chỉ:
(25)
a. Năm nào cũng vậy, nghỉ
hè là tôi về thăm quê.
b. Cha tính như vậy, để cha nói cho con nghe thử coi được
hay không. Cha tính thôi đề cha xuống Lăng Thế hoặc Ba Si. (Hồ Biểu Chánh - Cha con
nghĩa nặng)
Để nhận diện được tính
khứ chỉ của thế/ vậy chúng ta cần căn
cứ vào ngữ cảnh, nó báo trước sự xuất hiện bắt buộc của ít nhất một câu theo sau.
Trong (25a), vậy dường như chỉ “nghỉ
hè là tôi về quê”; trong (25b), vậy
chỉ “Cha tính thôi đề cha xuống Lăng Thế hoặc Ba Si”.
Tuy nhiên, hai trường hợp
trên cần được phân tích thêm.
Ở câu (25a), việc “về
thăm quê” khi “nghỉ hè” là sự kiện luôn luôn đúng trong quá khứ, và cũng có thể
đúng trong tương lai lâu dài; nhưng vậy
trong “năm nào cũng vậy”, theo chúng tôi, không quy chiếu những gì chưa xảy ra
mà chỉ quy chiếu cho những năm trước thời điểm phát ngôn, nghĩa là vậy vẫn mang nghĩa hồi chỉ. Điều này sẽ
lộ rõ hơn nếu chúng ta thêm vào câu trên một ngữ đoạn, chẳng hạn: “... Nhưng
năm nay tôi sẽ không đi”. Ở câu (25b), chúng tôi cho rằng có một sự nhầm lẫn về
chính tả giữa vầy và vậy. Theo chúng tôi, vầy là một yếu tố khứ chỉ chính danh,
thường đứng sau để làm bổ ngữ cho vị từ (khác với này và đây). Trong các
tiểu thuyết chương hồi đầu thế kỷ XX (chẳng hạn của “Tín đức thư xã”) vầy khứ chỉ rất phổ biến. Ví dụ:
(26)
a. Nghiêm Tử Lăng tâu
rằng: “Chúa công hãy nghe theo lời tôi mà điều binh khiển tướng như vầy... như vầy... thì lo chi chẳng trọn thắng”. Quan Võ nghe sắp đặt như vậy
thì cả mừng và khen rằng (...)
b. Trong
chiến thơ nói như vầy: “Ta có nghe
rằng (...)”.
c. Có
thơ khen Đặng Võ như vầy: “Gửi bước
non xanh trót mấy đông (...)
(Đông
Hớn diễn nghĩa, Tập 1, Nxb Tổng hợp Đồng Tháp in lại, 1991)
(Như) vầy có thể thay bằng
một ngữ đoạn danh từ (như) thế này.
Ngoài ra, vầy cũng có khả năng xuất hiện trong bối
cảnh cần liên kết tình huống ngoài văn bản mà chúng tôi sẽ nói thêm trong phần
sau đây.
Từ những điều trên có thể
nói rằng thế/ vậy không có chức năng
khứ chỉ. (Trong “Từ điển tiếng Việt”, ở cả hai mục từ này đều không có ví dụ
nào về cách sử dụng khứ chỉ).
2. Thế/ Vậy trong liên kết các tình huống ngoài
văn bản
Cũng như các đại từ khác,
thế/ vậy không chỉ có chức năng thay
thế. Vì vậy, chúng ta cần phân biệt thế/ vậy
trong chức năng liên kết văn bản với thế/
vậy trong hội thoại trực tiếp.
Trong hội thoại trực
tiếp, người ta thường dùng thế/ vậy
để chỉ cái hiện thực đang ở trước mắt người tham gia hội thoại. Với chức năng
sau, “Từ điển ngữ pháp tiếng Việt cơ bản” có đưa ra một tình huống sử dụng vậy và một tình huống sử dụng thế:
Tình huống A : Bé Mai vẽ
con chó có cái đầu rất to. Anh bé Mai nhìn thấy và nói: “Em vẽ vậy không đẹp
đâu”. [4,404]
Tình
huống B: Tân nấu cơm. Anh cho thật nhiều
nước vào nồi. Vợ anh nói: “Anh làm thế không được đâu”. [4, 356].
Trong cả hai trường hợp
trên, thế/ vậy không thể là một từ
hồi chỉ để tạo mạch lạc trong văn bản. Bởi vì nó không được dùng để thay thế
một thành phần nào trong văn cảnh trước đó. Trong tình huống A, vậy chỉ cách mà bé Mai vừa vẽ. Trong
tình huống B, thế được dùng để chỉ
việc Tân cho thật nhiều nước vào nồi. Bối cảnh làm tiền đề cho phát ngôn là bối
cảnh phi ngôn từ. Theo Chafe, người nói và người nghe có thể chia sẻ cùng một
kiến thức trong bối cảnh phi ngôn từ ấy. Bối cảnh đó là những sự việc mà cả hai
người tham gia hội thoại cùng chứng kiến.
“Từ điển tiếng Việt” (1995)
cũng đã giải thích về thế/ vậy như
sau: “từ dùng để chỉ điều như hoặc coi như đã biết, vì (…) đang là thực tế ở
ngay trước mắt” [2,901].
Theo quan sát của chúng
tôi, ở cách dùng này, thế/ vậy thường
đi với những vị từ biểu thị thuộc tính của sự vật hoặc hành động/ quá trình
hoặc ít nhất cũng tiềm tàng khả năng xuất hiện các vị từ này, vì đây chính là
những yếu tố giúp phân lập và xác định sự vật/ sự tình đang được đề cập (nếu
không thì người nói buộc phải sử dụng các từ chỉ xuất khác như này, đó, kia). So sánh:
(27)
a. Nhà như vậy thì chắc
chắn là giá cao rồi.
b. Nhà đẹp (như) vậy thì chắc chắn là giá cao rồi.
c. Nhà được thiết kế (như) vậy thì chắc chắn là giá cao
rồi.
d. Nhà đó/ này thì chắc chắn là giá cao rồi.
Vậy ở đây cũng không phải là từ hồi chỉ, nó được dùng trực
chỉ để “chỉ định” cái “nhà” đang ở trước mắt người nói và người nghe.
Trần
Ngọc Thêm cho đây cũng là một loại liên kết, nhưng là “liên kết khiếm diện”, chỉ
phổ biến trong khẩu ngữ. Chính vì vậy, theo ông, chỉ có những người có mặt tại
toạ độ giao tiếp mới hiểu hết được nội dung các lời thoại, bởi chỉ có họ mới
xác định được các chủ tố nằm ngoài lời nói của những đại từ được sử dụng [7,175].
Chúng tôi cho rằng đây là một cách nói thể hiện “áp lực của hệ thống”. Bởi vì
liên kết bao giờ cũng là liên kết hai hoặc nhiều yếu tố với nhau, hơn nữa ở đây
lại càng không thể nói đến “liên kết văn bản”. Chính vì vậy, trong chừng mực
nào đó, nếu có sự liên kết thì không phải là liên kết “khiếm diện” mà là liên kết tình huống: người nói dùng thế/ vậy để gắn (=liên kết) phát ngôn
của mình với tình huống trước mắt (thực ra là sự vật/ sự tình).
Với nghĩa này, thế/ vậy được sử dụng trong một số cấu
trúc hỏi khá quen thuộc với người Việt:
(28) Mẹ ơi, con cá gì mà có cái mỏ dài quá vậy,
thằng con chỉ tay vào con vịt, hỏi. (Nguyễn Ngọc Tư - Món nợ không thể đòi)
Cấu trúc câu hỏi như sau:
“...gì mà X thế/ vậy?”. Kiểu câu hỏi
này thường được sử dụng khi người nói thấy trước mắt mình hoặc cho rằng người
nghe đã biết về một sự vật/ sự kiện nào đó (thằng bé thấy “con cá có mỏ dài”),
và muốn đặt câu hỏi về cái thực thể mang thuộc tính được chỉ định bằng vậy.
Ngoài ra, còn có các cấu
trúc tương tự như “sao V – X thế/ vậy?”,
“... đâu mà X thế/ vậy?”, “ai mà X thế/ vậy?”.
Những điều vừa trình bày
cho phép mở ra một hướng giải thích có hệ thống cho một hiện tượng ngữ pháp
thuộc vào loại khó của tiếng Việt:
(29)
a. Chị đi đâu vậy?
b. Sao anh làm vậy?
c. Hôm qua sao chị về sớm vậy?
Những câu hỏi trên có thể
dùng để hỏi một sự tình đang diễn ra hoặc đã diễn ra rồi. Tất cả đều gắn với
cái quy chiếu trước mắt người tham gia hội thoại hoặc không ở trước mắt nhưng
cả hai bên hội thoại đều được xem là đã biết. Như vậy, cũng có thể hỏi cả về
những sự tình thuộc về tương lai, nhưng cái tương lai đó nằm trong kế hoạch/ dự
kiến mà cả hai đã biết.
(30)
a. Anh định sẽ tổ chức
thế nào vậy?
b. Bao giờ thì việc đó xong vậy?
Thế/ vậy trong loại câu hỏi này được người Việt tri nhận tương tự
như thế/ vậy trong các câu hồi chỉ:
(31) a. – Vợ nó bỏ nó rồi.
– Sao vậy? (Hồ Biểu Chánh - Cha con nghĩa nặng)
b. – Bây giờ vợ em nó cũng không
thương em nữa, nó đã bỏ em mà đi lấy chồng khác rồi.
– Mấy lần cậu dắt mợ xuống đây, tôi coi bộ mợ thương cậu
lắm mà, sao bây giờ cậu nói cái gì lạ quá vậy? (Hồ Biểu Chánh - Cha con nghĩa
nặng)
Trong “Từ điển tiếng
Việt” có mục từ “vầy” và chú thích là
phương ngữ, nghĩa giống như vậy
(nghĩa 1). Tuy nhiên, khảo sát trên hai tác phẩm của hai tác giả Nam bộ là Hồ
Biểu Chánh và Nguyễn Ngọc Tư, chúng tôi ghi nhận sự có mặt của vầy lên đến 15 lần (trong “Nợ đời” của
Hồ Biểu Chánh: 8 lần, trong “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư: 7 lần).
Trong khi đó, vậy vẫn xuất hiện một
cách “bình thường”, với đầy đủ ý nghĩa và chức năng như vốn có (“Nợ đời”: 94
lần, “Cánh đồng bất tận”: 41 lần). Chúng tôi cho rằng ở phương ngữ Nam bộ có
một sự phân bố bổ sung khá rõ giữa vậy
và vầy: vầy xuất hiện trong tất cả các văn cảnh cần “liên kết tình huống”,
trực chỉ sự vật/ sự tình ở trước mắt người nói hoặc cả hai bên tham gia hội
thoại đã biết. Một vài ví dụ:
(32)
a. Ngặt vì mầy ở trong
nhà tao, ai cũng biết nầy là cháu của tao, mầy chửa oan đẻ lạnh như vầy thì còn gì danh giá của tao. (HBC)
b. Con Phục đứng cúi mặt xuống đất, nước mắt chảy ròng
ròng, mà cũng làm thinh, không chịu nói tiếng chi hết. Bà Phủ nói rằng: “Thấy
nó ở với người ta cực khổ tội nghiệp nên tôi mang về đây nuôi. Ai dè nó khốn
nạn như vầy”.(HBC)
c. Thằng Điền nhìn vết thương nó cười, nói không sao, số
Hai sống lâu lắm, hai hàng răng tươm máu giống hệt nhau như vầy, chắc cú là rắn bông súng cắn chơi
thôi.(NNT)
d. Chị nồng nhiệt bảo chúng tôi lên nhà ngủ, nhà rộng
rinh như vầy không cớ gì phải ngủ
ghe.(NNT)
Chú thích:
(1) Do dạng thức không thay đổi, và do
khái niệm từ loại vẫn chưa đạt được sự thống nhất cao, tính từ chỉ xuất thường
bị nhầm lẫn với đại từ chỉ xuất. Gọi là tính từ (chỉ xuất) trong trường hợp nó
đóng vai trò định ngữ cho một danh từ trong khi thực hiện chức năng chỉ xuất
của nó.
(2) Cao Xuân Hạo đưa ra ví dụ: “Thằng
Bình đánh em rất đau” và “Nó lại đánh thằng Nam”, “Thằng em lại bị nó đánh một
trận”, “Hôm sau Bình lại đánh nó một lần nữa”, và phân tích: “Giữa hành động
“đánh” hôm sau với hành động “đánh” hôm trước không có tính đồng nhất của những
vật tồn tại liên tục như Bình, Nam hay cái roi được dùng để đánh. Không thể nói
rằng trận đòn hôm sau chính là trận đòn hôm trước. Một trận đòn được “lặp lại”
hay “tái diễn” thật ra là một trận đòn khác (…)”. [1,57]
(3) Cũng cần chú ý, trong khi học tiếng
Việt, người nước ngoài thường sử dụng đó
thay cho thế/ vậy. Lý do: (i) họ
không phân biệt đó hồi chỉ một thực
thể với thế/ vậy hồi chỉ một sự tình;
(ii) họ không phân biệt đó hoạt động
như một tính từ (đòi hỏi phải có một danh từ đi trước) với đó hoạt động như một đại từ (chỉ có khả năng xuất hiện đầu câu).
(4) Ở đây chúng tôi tạm gọi hai yếu tố là/ thì
là liên từ để tiện trình bày. Trên thực thế, khi xuất hiện trong cấu trúc “Vậy là...”, “Thế thì...”, là/ thì vẫn
là hai tác tố đánh dấu đề-thuyết. Điều này sẽ thể hiện trong phần tiếp sau.
No comments:
Post a Comment