Wednesday 5 February 2014

CHẲNG HẠN và THÍ DỤ




“Từ điển Tiếng Việt” (Hoàng Phê CB, 2005) định nghĩa chẳng hạnthí dụ như sau:

 




1. Chẳng hạn là một tổ hợp có vai trò như một liên từ, dùng để:
(i) đánh dấu một (số) ngữ đoạn được dẫn ra như là một (/những) trường hợp tiêu biểu liên quan đến điều đang được trình bày;
(1)            Buổi họp lớp tối hôm qua nhiều người về lắm, chẳng hạn anh Thế Cà Mau, anh Chu Gò Công, chị Trà Phan Thiết...
(2)            Nếu có trẻ con thì nên đi biển, Mũi Né chẳng hạn, để chúng có không gian vui chơi thoải mái hơn.
(ii) dẫn nhập một (số) ngữ đoạn hoặc một (số) tiểu cú nhằm (i) chứng minh, giải thích cho một nhận định thuộc phạm vi của điều vừa nêu trước đó.
(3)            Ngày truyền thống, mỗi tổ chịu trách nhiệm một phần việc thì chương trình sẽ phong phú và sáng tạo hơn. Chẳng hạn tổ 1 lo văn nghệ, tổ 2 lo báo tường, tổ 3 lo thể thao.
(4)            Trong ngày truyền thống, mỗi tổ lo một phần việc nên chương trình rất phong phú. Chẳng hạn, tổ 2 phụ trách báo tường đã có sáng kiến làm báo “treo” trên giàn tre, vừa đẹp mắt vừa tiết kiệm. Cách phân công này cần được phát huy.
Chẳng hạn được sử dụng trong tất cả các phong cách, kể cả khoa học.
(5)            Có một môi trường trong suốt chiết suất n, bề dài e, được giới hạn bởi hai mặt phẳng song song, nếu môi trường được đặt trong không khí chẳng hạn, các mặt giới hạn trở thành các mặt phẳng khúc xạ.
(6)            Chúng ta có thể tham khảo một số cơn bão có đường đi kỳ dị như thế nào trên biển Đông. Chẳng hạn cơn bão số 23 ở Tây Bắc Thái Bình Dương năm 1994; cơn bão số 27 năm 1996; cơn bão số 16 năm 2006; và kỳ dị nhất có lẽ là cơn bão WAYNE năm 1986, kéo dài từ 16-8 đến 6-9.


2. Thí dụ có thể hoạt động như một liên từ, dùng để dẫn nhập dẫn nhập một (số) ngữ đoạn hoặc một (số) tiểu cú nhằm (i) chứng minh, giải thích cho một nhận định và/hoặc (ii) liệt kê những trường hợp tiêu biểu có thể thuộc phạm vi ứng dụng của điều vừa nêu trước đó.
Trong nhiều tình huống, chẳng hạnthí dụ có thể thay thế được cho nhau mà không gợi ra khác biệt nào đáng kể.
(7)            Ở miền Trung có nhiều món ăn ngon, thí dụ/chẳng hạn mì quảng, bánh bèo, bánh khoái, v.v..
(8)            Gương cầu lõm thường được sử dụng với trường hợp chùm tia song song. Khi cần có chùm tia sáng rọi theo một hướng nhất định, thí dụ/chẳng hạn trong các đèn pha, người ta đặt nguồn sáng tại tiêu điểm của gương cầu lõm.
(9)            Trong phần này, ta đề cập tới các môi trường dị hướng, có các tính chất thay đổi theo từng phương, thí dụ/chẳng hạn: đá băng lan, thạch anh, v.v.. Phần lớn các chất dị hướng là những chất kết tinh.
(10)        Quang phổ dải sinh ra bởi các phân tử. Thực vậy, ta được quang phổ dải khi nguồn phát xạ là các khí đa nguyên tử khi các điều kiện kích thích không làm phân ly khí đó. Thí dụ/Chẳng hạn quang phổ cho bởi ống Geissler chứa khí nitrogen.
(11)        Khi ngừng kích thích thì sự phát huỳnh quang cũng lập tức chấm dứt. Trái lại, sự phát lân quang chỉ các hiện tượng phát quang mà thời gian phát quang  còn kéo dài sau khi sự kích thích chấm dứt. Thí dụ/Chẳng hạn: Sự phát quang của flluorescein là phát huỳnh quang, trong khi sự phát quang của sulfur kẽm là phát lân quang.
http://files.downloadsmart.net/i/0204/x7686/306077501/giao_trinh_quang_hoc_ebook_dsetup.exe
Tuy nhiên, nếu nhìn một cách khe khắt, có những trường hợp mà trong đó chẳng hạn không thể thay bằng thí dụ. Xét các câu sau:
(12)        Chúng tôi đã đi du lịch nhiều nơi, *thí dụ/chẳng hạn Nha Trang, Đà Lạt, Sa Pa.
(13)        Tôi chỉ thích một vài món miền Trung, *thí dụ/chẳng hạn mì quảng, bún bò, bánh bèo.
(14)        Giỗ bố tôi, mẹ tôi thường chỉ làm mấy món bố thích, *thí dụ/chẳng hạn (như) canh chua, thịt kho, cá chiên.
(15)        Ngày tết, đến nhà người Việt nào chúng ta cũng thấy những món quen thuộc, ??thí dụ/chẳng hạn bánh chưng, thịt kho, dưa kiệu...
Ở các câu trên, (i) những trường hợp đánh dấu bằng chẳng hạn có thể xem là chi tiết của điều đã nêu trước đó (“nhiều nơi”, “một vài món miền Trung”, “mấy món bố thích”, “những món quen thuộc”) – hay nói cách khác, chẳng hạn cho biết “ngoại diên” của danh ngữ vừa đề cập bằng cách chi tiết hóa nó; (ii) những trường hợp được chẳng hạn đánh dấu là những trường hợp thực hữu (có thật) và hiển nhiên; nghĩa là danh sách được liệt kê sau chẳng hạn chỉ có thể bổ sung chứ không thể thay đổi.
     Và có vẻ như chính hai nhận xét trên là lý do thí dụ bị loại trừ.
     Thử so sánh các cặp câu sau đây:
(16)        Chúng ta nên giới thiệu với du khách một số món ăn tiêu biểu cho ẩm thực miền Trung, thí dụ/chẳng hạn mì quảng, bún bò, bánh bèo.
(17)        Nội dung ẩm thực của lễ hội này hết sức nghèo nàn. Du khách chỉ được giới thiệu một vài món miền Trung, *thí dụ/chẳng hạn mì quảng, bún bò, bánh bèo.
(18)        Ngày truyền thống, mỗi tổ phụ trách một phần việc thì chương trình sẽ phong phú và sáng tạo hơn. Thí dụ/Chẳng hạn tổ 1 lo văn nghệ, tổ 2 lo báo tường, tổ 3 lo thể thao.
(19)        Trong ngày truyền thống, mỗi tổ lo một phần việc nên chương trình rất phong phú và sáng tạo. *Thí dụ/Chẳng hạn, tổ 2 phụ trách báo tường đã có sáng kiến làm báo “treo” trên giàn tre, vừa đẹp mắt vừa tiết kiệm. Cách phân công này cần được phát huy.
(20)        Nguyễn Tài Cẩn đã có nhiều công trình nổi tiếng, có ảnh hưởng sâu sắc đến ngôn ngữ học Việt Nam suốt những năm 70-80 của thế kỷ trước, thí dụ/chẳng hạn: “Từ loại danh từ trong tiếng Việt hiện đại”, “Ngữ pháp tiếng Việt: tiếng - từ ghép - đoản ngữ”, v.v..
(21)        Nguyễn Tài Cẩn là tác giả của nhiều công trình ngữ pháp, *thí dụ/chẳng hạn: “Từ loại danh từ trong tiếng Việt hiện đại”, “Ngữ pháp tiếng Việt: tiếng - từ ghép - đoản ngữ”.
Ở (16) có thể dùng thí dụ vì danh sách đưa ra là để minh chứng/minh họa cho “một số món ăn tiêu biểu cho ẩm thực miền Trung”, và danh sách này (chỉ để minh chứng/minh họa thôi nên) có thể thay thế bằng một danh sách khác, vì có thể đối với người nghe nó không thỏa điều vừa nêu. Trong khi đó, ở (17) không thể dùng thí dụ vì danh sách đưa ra là chi tiết cụ thể của “một vài món miền Trung”, và đây là “sự thật” của cái lễ hội đang nói đến. Danh sách này có thể được bổ sung nhưng không thể thay thế bằng một danh sách khác.
Tương tự, ở câu (18), có thể thay đổi “nhiệm vụ” (“tổ 1 lo thể thao, tổ 2 lo văn nghệ, tổ 3 lo báo tường”) nên thí dụ có thể dùng; trong khi đó ở (19), cái mà tổ 2 làm được là chi tiết có thật của “chương trình”.
Trường hợp câu (20) càng rõ hơn: Nếu dùng thí dụ, có vẻ như người viết muốn chứng minh cái nhận định cho rằng công trình của NTCẩn “nổi tiếng”, “có ảnh hưởng sâu sắc...” – tất nhiên, điều đó có thể bị phản bác. Trong khi đó, ở (21), tên các cuốn sách chỉ sự chi tiết hóa của “những công trình ngữ pháp”, và vì vậy không thể dùng thí dụ.
     Có lẽ thí dụ báo hiệu những điều được dùng để chứng minh, giải thích, minh họa cho một nội dung được đề cập trước đó, cho nên nó thường xuất hiện trong văn bản khoa học hơn là khẩu ngữ.

3. Thí dụ có thể hoạt động như một danh từ hoặc vị từ chính danh.
(22)        Nói có sách, mách có chứng. Tôi xin đưa ra một thí dụ: ...
(23)        Nói có sách, mách có chứng. Tôi xin thí dụ: ...
(24)        "Ốc đảo trên sa mạc" là một ví dụ truyền thống về ảo ảnh quang học.
     Về hai khả năng này, chẳng hạn tuyệt nhiên không thể thay cho thí dụ. 


2 comments:

  1. Các ví dụ 12,13,14,15 không tốt. Ví dụ số 5 thích hợp hơn.

    ReplyDelete
  2. Chúng ta hãy suy gẫm thêm:

    (a) Nếu "chẳng hạn" có vai trò như một liên từ như đã nêu trong điểm 1, thì tại sao "chẳng hạn" lại có thể đặt sau một thí dụ dẫn chứng như trong câu (2)?

    Có lẽ "chẳng hạn" không phải là liên từ hay làm vai trò của liên từ, mà là một "từ diễn ngôn" (discourse marker).

    (b) Các câu (12-15), như Từ Nguyên Học nhận xét, nghe không ổn có lẽ vì nghe nó cụt ngủn. Nhưng nếu chúng ta thêm từ "như" vào thì cả "thí dụ" lẫn "chẳng hạn" trong các câu này (và trong nhiều trường hợp khác) đều chấp nhận được:

    (12a) Chúng tôi đã đi du lịch nhiều nơi, thí dụ như / chẳng hạn như Nha trang, Đà lạt, Sa pa.

    Vậy, vai trò của từ "như" trong trường hợp này là gì? Ngoài ra, từ "như" cũng có vai trò dẫn dụ như hai từ kia:

    (12b) Chúng tôi đã đi du lịch nhiều nơi(,) như Nha trang, Đà lạt, Sa pa.

    Nguyễn Hùng Tưởng (nguyenhungtuong@gmail.com)

    ReplyDelete