Một chút, một ít, một số, một
vài (cùng với dăm từ/ ngữ khác) là những tổ hợp cố
định thường được xem là gần nghĩa, vì đều biểu thị một (số) lượng nhỏ, có tính
ước chừng (không chính xác). Người Việt hầu như không bao giờ “có thể” dùng sai
những tổ hợp đó; nhưng phân biệt một cách hiển ngôn ngữ pháp (và phần nào ngữ
nghĩa) giữa chúng không phải là điều đơn giản.
Trong một bài viết cách đây không lâu, Bùi Mạnh Hùng đã cố gắng “lập
thức các quy tắc ngữ pháp để hướng dẫn cho người học, nhất là người nước ngoài,
hiểu và dùng đúng các nhóm từ chuyên dụng” này [1/24]. Những phân tích của Bùi
Mạnh Hùng trong bài viết này rất thú vị và đặt ra nhiều vấn đề để tiếp tục suy
nghĩ. Tuy nhiên, có lẽ do nhiều nguyên nhân (chưa khảo sát hết các tiểu loại
danh từ/ danh ngữ có khả năng kết hợp hoặc không kết hợp với một ít/ một chút, chưa đặt các tổ hợp đang xét trong bối cảnh sử dụng cụ thể,
chưa quan tâm đến cách tri nhận của người bản ngữ, chịu “áp lực” từ kết quả
“tìm nhanh trên google”,...), những phân biệt của tác giả về một ít và một chút chưa thực sự minh bạch, khách quan và đắc dụng; thậm chí
có chỗ còn có phần cảm tính.
Dựa trên những gì mà các nhà nghiên cứu đi trước đã đạt được, trong
phạm vi bài này chúng tôi thử xem xét lại ngữ pháp và ngữ nghĩa của một ít, một chút (cùng với một vài tổ hợp có liên quan) nhằm làm sáng tỏ khả
năng hành chức của chúng, góp phần phục vụ công việc dạy tiếng.
Các tổ hợp đang bàn có thể phân làm hai nhóm: nhóm 1 (một chút, một ít) tuyệt nhiên không kết
hợp được với danh từ đơn vị, và nhóm 2 (một
số, một vài) thì ngược lại.
1. MỘT CHÚT, MỘT ÍT
1.1. MỘT CHÚT
Chút là danh từ đơn vị biểu thị lượng không xác định, thường được tri nhận
là lượng nhỏ, phần nhỏ hoặc mức độ thấp.
1.1.1. Chút có thể kết hợp
với một vài lượng từ ở đằng trước (đôi, từng,
mỗi) và định ngữ ở đằng sau.
Một chút là tổ hợp thường gặp nhất của chút
(một trong một chút là quán từ bất định, giống như trong danh ngữ một lúc).
Về ngữ nghĩa và ngữ pháp, tổ hợp một chút
hầu như không khác gì với chút, trừ ba
điểm:
(i) nó không thể kết hợp với lượng từ đôi, từng, mỗi (vì một là quán từ);
(ii) nó hoạt động tự do hơn so với chút khi không có định ngữ;
(iii) nó không xuất hiện trong câu hỏi khi có định ngữ “nào”.
(1) Chị nên để lại (một) chút tiền để phòng thân.
(2) Phải ráng làm để kiếm (một) chút cháo.
(3) Dù sao thì cũng còn (một) chút tình, đừng cạn tàu ráo máng!
(4) Chỉ (một) chút đó thì không đủ đâu!
(5) (Một) Chút nữa ghé ăn phở nhé!
(6) Đi dạo một chút rồi về ngủ!
(7) Cô giáo sửa từng chút/ *một chút cho chúng em.
(8) Nó quen ỷ lại rồi, mỗi chút/ *một chút mỗi hỏi.
(9) iPhone 5S “lộ hình” với đôi chút/ *một chút thay đổi.
(10) Anh còn chút/ *một chút tiền nào không?
Do những điều vừa nói, từ đây chúng tôi chỉ đề cập đến một chút để có thể so sánh với một ít, một số, một vài ở phần
sau.
1.1.2. Sau một chút thường
có định ngữ là danh từ, nhưng tuyệt nhiên không thể là danh từ đơn vị (cả đơn vị
tự nhiên (như cái, con, chiếc) lẫn
đơn vị quy ước (như lít, kí, chai),
vì bản thân chút là một danh từ đơn vị.
Không thể nói “một chút con cá”, “một chút cái áo”, “một chút chiếc xe”, v.v.; cũng không thể nói “một chút kí nho”, “một chút
lạng thịt”, “một chút chai bia”, “một chút chén cơm”, “một chút bó rau”, v.v..
Như đã nói, chút là danh từ
đơn vị, biểu thị lượng không xác định, cho nên nó chi phối khả năng ngữ pháp của
một chút.
Xét các khả năng kết hợp sau đây:
(a) một chút muối/ đường/ nước/ gạo/ thịt/ tiền/ rau/
khói/ bụi/ rác/ sức/ gió...
(b) một chút mắm muối/ tiền bạc/ thịt cá/ rau cải/ trái
cây/ bụi bặm...
(c) một chút bụi vàng/ muối bọt/ đường cát/ thịt
bò/ rau thơm/ gạo rang...
(d) *một chút áo/ quần/ sách/ bút/ gà/ bò/ ghế/ bàn/ xe/
hộp/ tủ...
(e) *một chút quần áo/ bàn ghế/ nhà cửa/ sách vở/ giày
dép/ gà vịt/ trâu bò/ xe cộ...
(f) *một chút áo dài/ quần đùi/ sách dịch/ giày da/ gà
ta/ xe máy...
(g) một chút tình cảm/ cảm xúc/ ý kiến/ ý tưởng/ thông
tin/ tài liệu/ hệ thống/ tên tuổi/ quyền lợi...
(h) một chút bạo lực/ công sức/ sức lực/ tiếng tăm/
tai tiếng/ danh tiếng/ uy tín...
Từ những kết hợp trên có thể nhận thấy, về đại thể:
(i)
một chút có thể kết hợp với (a) các danh
từ khối chỉ chất liệu (substance), (b) các tổ hợp đẳng kết, và cả (c) các tổ
hợp phụ kết của nó (danh từ + định ngữ chỉ loại);
(ii)
một chút không thể kết hợp với (d) các
danh từ khối chỉ vật thể (thingness), (e) các tổ hợp đẳng kết, và (f) các tổ hợp
phụ kết của nó;
(iii)
một chút có thể kết hợp với các ngữ đoạn
danh từ hai âm tiết (g) đếm được và (h) không đếm được.
Cả hai trường hợp (i) và (ii) đều là danh từ khối biểu thị chủng loại,
nhưng ở (i) là những danh từ chỉ chất liệu, vốn được tri nhận như những “vật”
phi định hình, không phân lập trong không gian một cách tự nhiên; còn ở (ii) là
những danh từ chỉ thuộc tính chủng loại của vật thể, giúp phân biệt cá thể này
với cá thể khác, mà những cá thể này vốn tồn tại phân lập trong không gian một
cách tự nhiên (thành những cái, những
con, những cuốn, những tấm, v.v.) dù
rằng bản thân nó không chỉ ra hình thức tồn tại của vật thể. (Bùi Mạnh Hùng gọi
đây là những “thực thể phân lập” [1/28]).
Ở (iii) là trường hợp những ngữ danh từ biểu thị các khái niệm trừu
tượng – có thể là các tổ hợp Hán Việt, tổ hợp đẳng kết gốc Hán hoặc/ và Việt –
vừa mang tính chất liệu vừa mang tính hình thức [2][8]. (Bùi Mạnh Hùng xếp những
danh từ tương tự vào nhóm “danh từ chỉ những thực thể có thể đếm số lượng”
nhưng “không phân lập” [1/28]).
Về ý nghĩa, ở (i), một chút
chỉ một
lượng nhỏ đối tượng mà danh từ theo sau nó biểu thị; và cái lượng nhỏ
này trên lý thuyết có thể đo lường được (có thể lượng hóa bằng các đơn vị quy ước: kí, lít, chai, chén, đồng,
bó, v.v.) hoặc không đo lường được (trong cách dùng thông thường chỉ có thể định
lượng một cách cảm tính, như ở trường hợp khói,
bụi, sức, gió, v.v.)(1). Trong khi đó, ở (iii), một chút chỉ một phần nhỏ hoặc một mức
độ thấp của đối tượng mà danh từ theo sau biểu thị; và cái phần nhỏ/ mức
độ thấp này hầu như không thể đo lường được theo quan niệm thông thường (so
sánh: một chút muối và một chút cảm xúc, một chút cảm xúc và một cảm
xúc)[8/35].
1.1.3. Sau một chút có thể
có định ngữ là từ trực chỉ, và khả năng này không phải là hiếm hoi.
(11) Chữ trinh còn một chút này...
(12) (– Con bỏ muối vào canh
đi!) – Một chút này được không, mẹ?
(13) Ừ, một chút đó
là đủ rồi!
Tuy nhiên, có một hiện tượng “lạ” trong khẩu ngữ là từ trực chỉ có
thể đứng trước định ngữ chất liệu (trong khi ở cấu trúc danh ngữ bình thường, vị
trí của nó là ở đằng sau). Ví dụ:
(14) – Con bỏ một chút này muối (/ một chút muối này) vào nồi canh nhé!
– Ừ, một chút đó muối (/ một chút muối đó) là đủ rồi!
(15) Có một chút đó
đồ ăn thì làm sao mà đủ?
Hiện tượng này cho thấy này/ đó
và muối/ đồ ăn hành chức như là hai định
ngữ cùng bậc của chút. Như vậy, hình
dung một ngữ đoạn danh từ với chút là
trung tâm, đằng sau là một (vài) định ngữ, có vẻ hợp lý hơn là hình dung ngữ đoạn
“một chút” là lượng ngữ “bổ sung ý
nghĩa lượng” cho danh từ nào đó theo sau (ở một số tác giả, nó đóng vai trò như
định ngữ trước của danh từ trong cấu trúc danh ngữ [4][7][10]).
1.1.4. Sau một chút có thể
có định ngữ là vị từ trạng thái.
Xét các kết hợp sau:
một chút suy tư/ suy nghĩ/ xúc động/ băn khoăn/ tin tưởng/ hy vọng/ riêng
tư/ khó chịu/ căng thẳng/ khó khăn/ thuận lợi/ lo lắng/ quan tâm/ thiệt thòi/ mệt
mỏi/ rung động/ yên tâm/ bất an/ cố gắng/ áy náy/ mỉa mai/ giễu cợt/ yêu thương/
nghi ngờ/ ...
Khi có định ngữ là vị từ, một
chút chỉ mức độ thấp của trạng
thái mà vị từ ấy biểu hiện chứ không chỉ lượng nhỏ như khi đi với danh từ (vì
trạng thái vốn không gắn với ý niệm về lượng), dù vẫn có thể giải thuyết rằng ở
đây một chút đã “thực thể hóa” trạng
thái để tạo thành một ngữ danh từ biểu thị trạng thái.
Ở vai trò định ngữ này thường là các vị từ trạng thái hai âm tiết.
(16) Nghe tin xấu, cô ấy vẫn không
một chút lo lắng/
quan tâm/ băn khoăn/ áy náy.
(17) Chỉ cần một chút sáng dạ/ cố gắng/ kiên nhẫn là có thể làm tốt
việc đó.
(18) ?Chị ấy cũng có một chút buồn/ mừng/ lo/ đau.
(19) ?Dĩ nhiên học sinh nông
thôn chịu một chút khó/ thiệt so với học sinh thành phố.
Có vẻ như một chút khó đi
được với những vị từ biểu thị thuộc tính (thường tồn). Ví dụ:
(20) ??Chị ấy có một chút cao/ thấp/ già/ đen/ gầy.
(21) ??Thịt gà ta ngon vì có một chút dai/ cứng/ mềm.
Tất nhiên, một chút không
thể có định ngữ là những vị từ hành động, tư thế: không thể nói một chút ăn, một chút đi, một chút ngồi,
v.v..
1.1.5. Danh ngữ một chút ở
dạng “trần trụi” (ie. không có định ngữ) có thể đứng sau vị từ hành động/ tư thế,
đóng vai trò như một bổ ngữ biểu thị khối lượng hoặc thời lượng liên quan đến
hành động/ tư thế do vị từ biểu thị.
(22) Con xem tivi/ chơi game/ đọc
truyện một chút
được không, mẹ?
(23) Sáng nào chị cũng ăn/ uống/ tập thể dục/ dọn dẹp một chút đi rồi mới đi làm.
(24) Anh nghỉ/ ngủ/ ngừng/ ngồi một chút là khỏe.
(25) Hồi sáng con có học một
chút rồi.
Một chút ở những câu trên được hiểu là một thời lượng ngắn nếu đi với những hoạt
động (bao gồm hành động/ tư thế/ trạng thái) thường được đo bằng thời gian (nghỉ, ngủ, ngồi, nằm, đứng, đi, xem, chơi, ...). Nếu đi với những hoạt động
thường không đo bằng thời gian (ăn, uống,
cười, dạy, học, nói, kể, hỏi, viết, ...), một chút có vẻ như thể hiện một lượng vật chất nào đó có liên quan
đến hoạt động do vị từ biểu thị.
“Nghỉ/ ngủ/ ngừng/ nghĩ một
chút” nghĩa là “nghỉ/ ngủ/ ngừng/ nghĩ trong một thời gian ngắn”. Nhưng “ăn
một chút” khó có thể hiểu là “ăn
trong một thời gian ngắn” mà là “ăn (một lượng thức ăn) ít”; “hỏi một chút” không phải là “hỏi trong thời
gian ngắn” mà là “hỏi ít, chỉ một vài câu”.
Tuy nhiên, trên thực tế, phân định nghĩa như vậy không phải dễ. (Trong
việc dạy tiếng, trường hợp này nên chăng phân biệt: (1) một chút » không lâu, và (2) một chút » không nhiều?)
Ghi chú:
Trong khẩu ngữ (có màu sắc đùa cợt) tiếng Việt Nam bộ có cách diễn đạt
một cái, phân biệt với một chút ở chỗ: một cái biểu thị đơn vị hành động – giống như “đấm một cái/ đấm một
đấm”, “đá một cái/ đá một đá” – trong khi một
chút biểu thị thời lượng hoặc khối lượng liên quan đến hành động. Chẳng hạn:
(26) Mệt quá rồi, ngủ một cái! // Mệt quá rồi, ngủ một
chút!
(27) Ăn một cái rồi ngủ! // Ăn một chút rồi ngủ!
Một chút đứng sau vị từ để biểu thị mức
độ thấp của hành động, tư thế, trạng thái hay thuộc tính mà vị từ đã nêu. Ở
trường hợp này, vị từ đi trước một chút
có thể là một hoặc hai âm tiết, thuộc bất cứ tiểu loại nào.
(28) Bức tường này đậm/ nhạt/ tối/
sáng một chút
thì mới đẹp.
(29) Nướng cá thì để cháy/ khét một chút mới ngon.
(30) Nói nhỏ một chút cho em bé ngủ!
(31) Vận động/ Chạy nhảy/ Đứng/ Nằm một chút cho giãn gân cốt.
(32) Nghe chị trách, nó áy náy/ buồn/ suy nghĩ một chút rồi thôi.
(33) Chị ấy hình như có gầy/ béo hơn một chút.
1.1.6. Ngữ đoạn một chút (nữa)
có thể đứng đầu câu hoặc đứng đầu tiểu cú, giữ vai trò khung đề hoặc trạng ngữ
thời gian, với ý nghĩa là “sau một thời gian ngắn kể từ thời điểm phát ngôn”:
(34) Một chút (nữa)
đi ăn với tôi nhé!
(35) Chuyện đó, một chút (nữa) tôi làm.
Để diễn đạt ý nghĩa “sau một thời gian ngắn kể từ thời điểm vừa đề cập”, một
chút kết hợp với sau (“một chút sau”):
(36) Chị bỏ vào nhà. Một chút sau, chị xách túi đồ
đi ra.
(37) Anh uống một viên Aspirin
đi! Một chút sau là hết đau.
1.2. MỘT ÍT
Ít vốn là một vị từ biểu thị lượng nhỏ,
không xác định.
Là một vị từ, ít có thể làm trung tâm của một ngữ đoạn vị từ (với bổ ngữ là một
danh từ hoặc một vị từ) đóng vai trò thuyết của câu.
(38) Giờ này ít xe, đi an toàn hơn.
(39) Dạo này tôi ít gặp/ nhớ cô ấy.
Ít cũng có thể hoạt động như một phụ từ biểu thị lượng:
(40) Anh uống ít bia thôi! // Anh uống bia ít thôi!
(41) Anh nghĩ về cô ấy rất ít. // Anh nghĩ rất ít về cô ấy.
Ít có thể hình thành một cấu trúc danh ngữ:
(42) Chị cố gắng kiếm ít tiền cho cái tết này.
(43) Em nên mang theo ít ruốc để ăn dần.
Ở các câu (42) và (43), ít
có thể có dạng thức tương đương là một ít.
Như vậy, ít có những đặc
trưng rất phong phú về ngữ pháp và ngữ nghĩa [1][8]. Tuy nhiên, trong các biểu
hiện trên, chỉ có trường hợp (42) và (43) nằm trong quan hệ đối sánh với một chút (và những danh ngữ tương cận).
Lý do: chỉ ở hai câu này, ít tiền, ít
sách mới có cấu trúc của một danh ngữ, và dạng thức khác của nó là một ít tiền, một ít sách [9/323]. Vì vậy, để tiện trình bày, ở đây chúng tôi chỉ bàn đến
trường hợp một ít.
1.2.1. Một ít, giống như một chút, không thể có định ngữ là danh
từ đơn vị tự nhiên và cả danh từ đơn vị quy ước: không thể nói “một ít con gà”, “một ít cái bánh”, “một ít
chiếc xe”, “một ít quyển sách”, “một ít tờ giấy” v.v.; cũng không thể nói
“một ít kí nho”, “một ít lạng thịt”, “một ít chai bia”, “một ít
chén cơm”, “một ít bó rau”, v.v..
Một ít có thể kết hợp với các loại danh
từ sau đây:
(a) một ít muối/
nước/ dầu/ gạo/ thịt/ tiền/ sức/ rau/ bụi...
(b) một ít mắm muối/ tiền bạc/ thịt cá/ rau
cải/ trái cây/ bụi bặm...
(c) một ít bụi
vàng/ muối bọt/ đường cát/ thịt bò/ rau thơm/ gạo rang...
(d) một ít áo/
quần/ sách/ bút/ gà/ bò/ ghế/ bàn/ xe/ hộp/ cà/ dưa/ nho...
(e) một ít quần
áo/ bàn ghế/ sách vở/ giày dép/ gà vịt/ tôm cá/ xe cộ...
(f) một ít áo
dài/ quần đùi/ sách dịch/ giày da/ gà ta/ xe máy...
(g) một ít ý
kiến/ ý tưởng/ thông tin/ tài liệu/ hệ thống/ tên tuổi/ tình cảm/ cảm xúc...
(h) một ít công sức/ sức lực/ tiếng tăm/ tai tiếng/
uy tín/ thời gian/ kim loại/ vật dụng...
Từ khả năng kết hợp trên có thể rút ra nhận xét: một ít có thể kết hợp sau với bất kỳ
danh từ thuộc loại nào, tất nhiên là trừ danh từ đơn vị như đã nói ở trên.
(i)
một ít có thể kết hợp với (a) các danh từ
khối chỉ chất liệu, (b) các tổ hợp đẳng kết, và cả (c) các tổ hợp phụ kết
(danh từ + định ngữ chỉ loại) của nó;
(ii)
một ít có thể kết hợp với (d) các danh từ
khối chỉ vật thể, (e) các tổ hợp đẳng kết, và (f) các tổ hợp phụ kết của
nó;
(iii)
một ít có thể kết hợp với các ngữ đoạn
danh từ hai âm tiết (g) đếm được và (h) không đếm được.
Về ý nghĩa, ở (i) và (ii), một
ít chỉ một lượng nhỏ đối tượng mà danh từ theo sau nó biểu thị; và cái
lượng nhỏ này trong thực tế ở (i) có thể đo lường được bằng các đơn vị quy ước: kí, lít, chai, chén, đồng,
bó, v.v.; hoặc ở (ii) có thể đếm được bằng các đơn vị tự nhiên: cái, con, tấm, tờ, cuốn, v.v.. Khả năng (ii) là điểm
khác biệt lớn nhất của một ít so với một chút.
Và khác với một chút, ở
(iii), một ít chỉ một
lượng nhỏ đối tượng mà danh từ theo sau biểu thị; và dĩ nhiên, cái lượng
nhỏ này có thể đo lường hoặc tính đếm được – trong khi một chút lại thể hiện một phần nhỏ hoặc một mức
độ thấp của đối tượng.
Để dễ hình dung sự khác biệt giữa một ít và một chút, chúng
ta bắt đầu ở trường hợp (iii).
So sánh:
(44) Trên mạng có một ít thông tin về ngân hàng
đó.
(45) Trên mạng có một chút thông tin về ngân hàng đó.
(46) Trong phòng vẫn còn một ít vật dụng.
(47) Trong phòng vẫn còn một
chút vật dụng.
Ở (44), “một ít thông tin”
là một số lượng thông tin ít, có thể là dăm ba, nghĩa là các thông tin được nói
đến có thể “đếm” như những “vật” bình thường. Trong khi ở (45), “một chút thông tin” là một phần (rất) nhỏ
thông tin, hay nói cách khác: một khối lượng thông tin (rất) nhỏ; ở cách diễn đạt
này, “thông tin” được hình dung như là “khối” chất liệu vô định hình (tương tự
như “muối”, “nước”) nên không gợi lên các con số đếm như ở (44).
Ở (46), “một ít vật dụng”
là vài ba hoặc năm bảy cái gì đó; còn ở (47), “một chút vật dụng” chỉ có thể hiểu là một phần nhỏ hay một “khối”
nhỏ cái gọi là “vật dụng”, không hàm số đếm như một, hai, ba.
Có thể nói khác đi, một ít
biểu thị số lượng nhỏ các cá thể của một tập hợp (được gọi
tên bằng danh từ theo sau); còn một chút
biểu thị một khối nhỏ vật thể vô định hình.
Như vậy, khi nói “một ít
thời gian”, “thời gian” được tri nhận như là những “vật” có thể đếm, hay nói
cách khác, là phút, giờ, ngày,
v.v.. Khi nói “một chút thời gian”,
“thời gian” được tri nhận như một “khối” vô định hình, như chất liệu. Những trường
hợp như công sức, sức lực, cảm xúc, ý tưởng,
v.v. đều có thể giải thích tương tự.
Trở lại trường hợp
(i), chúng ta có thể loại suy: Khi nói “một
ít muối/ nước/ gạo”, có vẻ như người nói tri nhận muối/ gạo/ nước như là những
thực thể mà tồn tại của nó có thể được lượng hóa (= đo lường, tính toán) bằng một
thứ đơn vị nào đó (hạt, muỗng, nhúm, chén,
v.v.) – hay nói một cách khái quát, một
ít biểu thị hoặc liên quan đến một ý niệm có tính đơn vị. Trong khi
đó, khi nói “một chút muối/ nước/ gạo”,
có vẻ như người nói tri nhận những thực thể này như những khối (nhỏ) không có
hình thù, không có đường viền trong không gian, do đó không có tính đơn vị;
nghĩa là về mặt ngôn ngữ cái một chút
này có vẻ định tính hơn là định lượng, dù trên thực tế nó vẫn có thể đo lường
được.
Khác biệt giữa một ít và một chút được phản ánh khá rõ trong sự
chọn lựa tùy thuộc cách tri nhận của người nói trong ngữ cảnh nhất định.
Điều vừa nói có thể được chứng minh qua các tình huống phát ngôn
sau:
(48) Con đi chợ mua cho mẹ một ít/ ?một chút muối nhé!
(49) Canh hơi nhạt. Bỏ thêm một
chút/ ?một ít muối đi!
(50) (– Chị chuẩn bị
nước, chiều nay tiếp khách nhé!) – Trong kho còn một
ít/ *một chút nước, không cần mua. Chỉ
mua một ít/ ?một chút trà thôi.
(51) Con uống một chút/ ?một ít nước thôi, để bụng ăn cơm chứ!
(52) Bây giờ mà có một chút/ ?một
ít gió thì dễ chịu lắm.
Trong bối cảnh mua bán, “muối”, “nước” được lượng hóa bằng đơn vị kí, lạng, chai; cho nên một ít được chọn ((48) và (50)), còn
trong sinh hoạt đời thường (như ăn uống) thì một chút được ưu tiên ((49) và (51)).
Riêng câu (52) cần nói thêm: Theo nhận xét của chúng tôi, trong ngôn
ngữ tự nhiên, những danh từ như “gió”, “mưa”, “nắng” thường đi với một chút, vì nó vốn được tri nhận như những
“khối” vô định hình. Tuy nhiên, có nhiều khi, nhất là trong văn chương, những
hiện tượng tự nhiên đó được hình dung như những cá thể có thể “đếm” được; do vậy,
có thể nói “gửi cho em một ít nắng”,
“tìm một ít gió thu”, v.v.. Chúng tôi
cho rằng đây là một hiện tượng ngoại vi, phi chuẩn tắc.
Nếu chấp nhận cách lý giải trên, cũng bằng phương pháp loại suy,
chúng ta có thể giải thích cho hai hiện tượng sau đây:
Hiện tượng 1:
Có những danh từ khối (hoặc danh ngữ tổng loại phái sinh từ nó) có
thể đi với một ít chứ tuyệt nhiên không
thể kết hợp với một chút: không thể
nói “một chút bút”, “một chút xe”, “một chút voi”, “một chút
xe cộ”, “một chút bàn”, “một chút bàn ghế”. Lý do là những thực
thể thuộc cái chủng loại mà những danh từ này biểu thị bao giờ cũng (được tri
nhận là) tồn tại ở dạng phân lập trong không gian – trừ trường hợp được dùng
chuyển nghĩa: nghĩa thực thể chuyển thành nghĩa tính chất. So sánh các câu sau:
(53) Trong buổi họp mặt này có một ít/ *một chút tên tuổi
đang được chú ý.
(54) Công ty của chúng ta đã có một chút/ *một ít tên tuổi
trên thị trường.
(55) Ở đây có một ít/ *một chút trẻ con nên thằng bé cũng có bạn.
(56) Gương mặt cô ấy vẫn còn một
chút/ *một ít trẻ con.
(57) Đã 8 giờ mà chỉ có một ít/
*một chút người đến.
(58) May mà hắn vẫn còn một
chút/ *một ít người!
Ở (53), “một ít tên tuổi”
nghĩa là dăm người có tên tuổi, không thể thay một ít bằng một chút;
trong khi ở (54), “một chút tên tuổi”
nghĩa là có tên tuổi ở mức độ thấp, chưa phải là nổi tiếng lắm, không thể thay một chút bằng một ít. Ở (55), “một ít
trẻ con” nghĩa là vài ba đứa trẻ; trong khi ở (56), “một chút trẻ con” nghĩa là có tính chất trẻ con ở mức độ thấp. Các
ví dụ còn lại cũng tương tự.
Hiện tượng 2:
Một chút, nói chung, không thể kết hợp với những danh từ khối (vốn được lượng
hóa bằng danh từ đơn vị tự nhiên) như đã nêu ở phần trên: không thể nói “một chút áo/ quần”, “một chút sách/ bút”; cũng không thể kết
hợp với những danh ngữ tổng hợp như “một
chút quần áo”, “một chút bàn ghế”,
“một chút trâu bò”. Nhưng trong thực
tế sử dụng, nó vẫn kết hợp được với một số danh từ, chẳng hạn: “một chút cá/ tôm/ gà/ bò”; và với những
danh ngữ tổng hợp: “một chút tôm cá”,
“một chút gà vịt”, “một chút sách vở”, v.v..
Xét các câu sau đây:
(59) Chị ăn thử một chút/ ?một ít cá này đi,
ngon lắm!
(60) Ăn một chút/ ? một ít cam cho tỉnh rượu!
(61) Đám giỗ thì cũng phải có một
chút/ ? một ít gà vịt, heo bò chứ!
(62) Ông sẽ bán một ít/ * một chút tôm (/ cá, bưởi) để gửi tiền cho thằng con.
(63) Vài ngày tới có thể xuất chuồng được một ít/ * một chút gà tam
hoàng.
(64) Anh ấy có tặng tôi một ít/
* một chút sách.
(65) (– Mang sách vở về làm gì?) – Tiếng là du học thì cũng
phải mang một chút/ một ít sách vở về cho dễ coi chứ!
Trong tình huống những câu (59) – (61), “cá”, “cam”, “gà vịt”, “heo
bò” được tri nhận không phải như những thực thể tồn tại phân lập (thành con, quả)
mà như những “khối” bất phân lập như chất liệu. Có thể diễn đạt một cách nôm
na: một chút ở đây có nghĩa là một phần
nhỏ của cái “khối” được gọi là “cá”, “cam”, “gà vịt”, “heo bò”(2). Trong
khi đó, ở các câu (62) – (64), đối tượng được tri nhận như là những con, tấn, quyển. Riêng (65) có thể được
tri nhận theo cả hai cách.
Ngược lại, có những tình huống mà trong đó danh từ khối chỉ chất liệu
“điển hình” cũng chỉ có thể kết hợp với một
ít chứ không phải một chút. Ví dụ:
(66) Bác cho tôi vay một ít/ ?? một chút dầu/ xăng
để chạy máy bơm nhé!
(67) Ông ấy đi mua một ít/ ?? một
chút gỗ/ sắt/ thép/ xi măng về để sửa
nhà.
Rõ ràng, ở hai câu này người nói đang đề cập đến cái vật
thể được tính bằng lít, cây,
thanh, tấm, tấn, kí, bao chứ không phải muốn nói về chất liệu.
Như vậy khả năng kết hợp với danh từ khối hoặc danh ngữ tổng hợp tùy
thuộc vào bối cảnh sử dụng, và suy cho cùng, tùy thuộc vào cách tri nhận của
người nói về thực thể đang được đề cập: thực thể đang đề cập có hay không có
tính đơn vị.
Từ những khả năng kết hợp trên, có thể khái quát: với những danh từ/
danh ngữ có tính đơn vị, nghĩa là bên trong ngữ nghĩa của nó (được tri nhận là)
hàm chứa, hay đúng hơn, tập hợp những đơn vị thành viên phân lập tự nhiên
thì chỉ có thể dùng một ít chứ không
thể dùng một chút; và có thể dùng một chút nếu cái khối chung do danh ngữ
biểu thị không thể tách lập thành các đơn vị tự nhiên, theo tâm thức người Việt.
Chính điều vừa nói cho thấy Bùi Mạnh Hùng có phần cảm tính khi so
sánh một chút và một ít: Tác giả đã có lý khi cho rằng “danh từ nào càng có vẻ chỉ
những thực thể phân lập nhiều hơn thì khả năng kết hợp với một chút càng hạn chế” (thật ra, bản thân mức độ “nhiều hơn” hay
“ít hơn” đã là cách nói cảm tính), và với “những danh từ đơn vị thuần túy” “biểu
hiện những cá thể có đường viền trong không gian” thì “khả năng kết hợp với một chút bằng không”. Tuy nhiên, khi tác
giả so sánh “một ít cuốn và *một chút cuốn; một ít chiếc và *một chút
chiếc; một ít cái và *một chút cái” thì người đọc có thể hiểu
rằng tác giả đã mặc nhiên công nhận khả năng kết hợp một ít với danh từ đơn vị [1/29].
Thật ra, như trên đã nói, cấu trúc “một ít + NP” có nghĩa là “một lượng nhỏ những đơn vị (cái/ con/ quyển/
chiếc/ ký/ tấn...) thuộc tập hợp NP” (do vậy, có thể nói một ít bò, một ít bàn, một ít xe hơi, một ít sách, một ít sắt)
chứ không phải là “một lượng nhỏ của cá thể NP” (do vậy, không thể nói một ít con bò, một ít cái bàn, một ít chiếc xe hơi, một ít quyển sách, một ít tấn sắt).
Kết quả khảo sát ngữ liệu cũng cho thấy khả năng kết hợp một ít với danh từ đơn vị là rất đáng ngờ,
nếu không nói là không thể:
-
Trong một số tác phẩm của một số
nhà văn tên tuổi (Nam Cao, Vũ Trong Phụng, Tô Hoài, Phùng Quán, v.v.) tuyệt
nhiên không thấy có kết hợp này;
-
Tìm nhanh trên google (theo
cách làm của Bùi Mạnh Hùng) cũng cho những con số đáng suy nghĩ: 11.500 trường
hợp “một ít quyển sách” và 30.900 “một ít cuốn sách” so với 194.000 trường
hợp “một ít sách”; tương tự, 11.900 “một ít tấm ảnh” và 16.700 “một ít bức ảnh” – 203.000 “một ít ảnh”; 140.000 “một ít con cá” – 909.000 “một ít cá”; 8 “một ít con chó” – 14.500 “một
ít chó”; 14.700 “một ít chiếc xe”
và 5 “một ít cái xe” – 312.000 “một ít xe;(3)
-
Điều tra nhanh 17 học sinh: 17/17
cho rằng “một ít quyển sách” không tự
nhiên, trong khi 4/17 cho rằng “một ít
sách” không tự nhiên; 15/17 cho rằng “một
ít chiếc xe đạp” không tự nhiên, trong khi 2/ 17 cho rằng “một ít xe đạp” không tự nhiên.(4)
(Những cách nói như “có một ít
tờ năm chục ngàn”, “còn một ít chiếc
xe máy”, “uống một ít cốc bia”, v.v.,
sở dĩ nghe có vẻ quen là vì nó gần với cách diễn đạt “có ít tờ năm chục ngàn”, “còn ít
chiếc xe máy”, “uống ít cốc bia”,
v.v., trong đó ít hoạt động như là vị
từ hoặc phó từ chỉ lượng, đối lập với nhiều).
1.2.2. Tính đơn vị như đã nói ở trên cũng có thể được ứng dụng cho
trường hợp sau một ít là các vị từ biểu
thị trạng thái, chẳng hạn các vị từ sau đây:
một ít suy
tư/ suy nghĩ/ xúc động/ băn khoăn/ tin tưởng/ hy vọng/ riêng tư/ khó chịu/ căng
thẳng/ khó khăn/ thuận lợi/ lo lắng/ quan tâm/ thiệt thòi/ mệt mỏi/ rung động/ yên
tâm/ cố gắng/ áy náy/...
Ở trường hợp này, có vẻ như các trạng thái đã được “vật hóa” thành
những thực thể có thể lượng hóa được. Và ở đây một ít vẫn có biểu hiện khác với một chút tương tự như đã phân tích bên trên:
(68) Khi mới đến đây, tôi gặp một ít/ một chút khó khăn/ thuận
lợi.
(69) Học sinh nông thôn cũng có một ít/ một chút thiệt thòi so
với học sinh thành phố.
(70) Chỉ cần một ít/ một chút cố gắng là xong thôi!
“Một ít khó khăn/ thuận lợi/
thiệt thòi/ cố gắng” có thể diễn đạt bằng một, hai, ba... chuyện, điều, việc, vụ;
còn “một chút khó khăn/ thuận lợi/ thiệt
thòi/ cố gắng” thì có thể hiểu là mức độ khó khăn/ thuận lợi/ thiệt thòi/ cố gắng
thấp, không đáng kể.
1.2.3. Trong các phát ngôn phủ định hoặc nghi vấn, một ít chịu sự ràng buộc khá chặt về mặt
ngữ pháp và ngữ dụng.
Nếu tri nhận các thực thể như là những “khối vật chất” (chất liệu)
thì người ta dùng một chút; nếu tri
nhận các thực thể như là những vật thể thì người ta dùng danh từ đơn vị “chính danh” (đơn vị tự nhiên) chứ không dùng một ít. Ví dụ:
(71) Khi cần thì tìm không ra một chút/ * một ít gỗ/ sắt/ thép/
nhôm!
(ss: Khi cần thì tìm không ra một thanh/ miếng gỗ/ sắt/ thép/ nhôm!)
(72) Tấm đan này có một chút/ *
một ít sắt nào không?
(ss: Tấm đan này có một cọng/ miếng sắt nào
không?)
(73) Mùa này được giá mà không có một chút/ * một ít đậu/ lúa để
bán nữa!
(ss: Mùa này được giá mà không có một hột đậu/ lúa để bán nữa!)
(74) Mùa này anh có bán được một
chút/ * một ít đậu/ lúa nào không?
(ss: Mùa này anh có bán được một hột
đậu/ lúa nào không?)
Về mặt ngữ pháp, một ít hầu
như không xuất hiện trong các phát ngôn phủ định hoặc nghi vấn, trừ phi người
nói xem các đối tượng được chất vấn là một tồn tại mặc nhiên (ie. đã được xác định
về mặt ngữ dụng) – do vậy, một ít thường
chỉ xuất hiện trong các câu hỏi xác nhận.
Xét các câu sau:
(75) *Anh còn một ít tiền không, cho tôi mượn?
(ss: Anh chỉ có một ít tiền thôi à?)
(76) Em
đi chợ về rồi à? Có mua (?một ít) trà không?
(77) Anh
đổi chứng minh rồi à? Có mất (?một ít) tiền không?
(ss: Anh đổi chứng minh rồi à? Chắc
cũng mất một ít tiền, phải không?)
(78) *Cả
tuần nay tôi không có một
ít thời gian để nghỉ ngơi.
(ss: Cuối tuần, anh có dành một
ít thời gian cho gia đình chứ?)
Ở câu (76) anh chồng chỉ dùng một ít khi xem việc mua trà đương nhiên chị vợ phải biết hoặc trước
đó đã báo cho vợ biết là nhà đã hết trà.
Ở câu (77) người hỏi không thể dùng một ít nếu thực sự anh ta không biết đổi
chứng minh nhân dân có phải trả phí không; trường hợp ngược lại, nếu anh ta đã
biết hoặc nghe nói về khoản phí ấy và anh ta muốn xác nhận thì có thể dùng một ít.
1.2.4. Một
ít là một danh ngữ có thể đứng một mình đóng vai trò bổ ngữ chỉ lượng cho vị
từ:
(79) Gỗ/
Xi măng đang rẻ, ông nên mua một ít để dành sửa lại căn bếp.
(80) Về
lịch sử thì tôi cũng có đọc một ít.
(81) Tôi
sẽ mua/ bán/ đưa/ tặng/ giữ/ làm/ đọc/ trả một ít Æ.
Về nguyên tắc, một ít cần định ngữ cho biết đối tượng đang được nói đến. Do vậy, trong
mọi trường hợp, sự vắng mặt định ngữ này có thể xem là hiện tượng tỉnh lược, tùy
thuộc văn cảnh hoặc bối cảnh giao tiếp.
Thật
ra, khả năng đứng một mình sau vị từ như thế này ở một chút vẫn mạnh hơn một ít.
Xét các câu sau đây:
(82) *Con xem tivi/ chơi game/ đọc
truyện một ít
được không?
(83) *Anh nghỉ/ ngủ/ ngừng/ ngồi một ít là khỏe.
(84) *Sáng nào chị cũng tập thể dục/ dọn dẹp/ trang điểm một ít đi rồi mới đi làm.
(85) ??Hồi sáng con có học/ đọc một ít rồi.
(86) ??Sáng nào chị cũng ăn một
ít đi rồi mới đi làm.
(87) *Cười/ Đùa/ Hát một ít chơi!
Các câu trên chỉ khả chấp khi các bên giao tiếp biết rõ đối tượng
đang được nói đến, nghĩa là phải hiển ngôn thành phần định ngữ của một ít. chẳng hạn: phút ở vd (82) – (84), bài,
trang ở vd (85), bánh, trái cây ở
vd (86). Riêng ở (87) một ít cũng có
thể có định ngữ phút, nhưng có vẻ kém
tự nhiên.
1.2.5. Một ít có thể kết hợp
với từ trực chỉ, có hay không có định ngữ chỉ loại.
(88) Con mang theo một ít tiền này để phòng thân!
(89) Chỉ cần một ít thuốc đó
cũng đủ giết chết một con voi.
(90) Với một ít tài liệu/ thông tin/ bằng chứng này, chúng ta chưa thể kết luận được gì
cả.
(91) (– Tiền đây!) – Có một ít này
thôi à?
(92) Ừ, chỉ có một ít đó
thôi!
1.2.6. Như trên đã nói, về cơ bản, một ít không thể kết hợp với danh từ đơn vị, hay nói đúng hơn, các
danh ngữ có danh từ đơn vị làm trung tâm (không nói một ít cái áo, một ít chiếc
xe). Tuy nhiên, có một số danh từ hành chức như một danh từ đơn vị nhưng vẫn có
thể đi với một ít. (Số danh từ này không
nhiều, nhưng tần số sử dụng rất cao).
một ít chuyện/ việc/
vụ/ người/ nơi/ chỗ/ vé/
phút/
tiếng/ ngày/ tuần/ tháng/ năm
(93) Tôi có một ít chuyện/ việc phải giải
quyết ngay. Hẹn anh lúc khác nhé!
(94) Tình trạng tham nhũng là rất phổ biến nhưng chỉ mới có
một ít vụ được
đưa ra tòa.
(95) Vé trận bán kết dễ mua không? Kiếm cho tôi một ít vé nhé!
(96) Thời gian ngắn quá nên tôi chỉ đi được một ít nơi.
(97) Chỉ còn một ít phút nữa là xong.
Trong thực tế, đây là nhóm danh từ vừa mang đặc trưng [+hình thức] vừa
mang đặc trưng [+chất liệu]; nghĩa là có thể được dùng như danh từ đơn vị hoặc
danh từ khối. Danh sách này có thể mở rộng: tỉnh, quận, huyện, xã, làng, thôn,
nghề, phòng, nhà, v.v..
2. MỘT SỐ, MỘT VÀI
2.1. Một số và một vài biểu thị số lượng nhỏ, thường kết
hợp với danh từ đơn vị – hay nói rõ hơn, nó thường kết hợp với những từ
ngữ có thể kết hợp trực tiếp với số từ, kể cả những vị từ “chuyển loại”.
một số/ vài ngôi nhà/ con đường/ phòng học/ quyển sách/ nhà trọ/ con vật/ con
tin/ cây sưa/ đứa trẻ/ cô gái/ ông bố/ cô diễn viên/ vị tướng/...
người/ trường/ quán/ hiệu/ loại/ thứ/ hạng/ khu/ vùng/ chỗ/ nơi/ việc/
chuyện/ điều/ vụ/...
sinh viên/ cảnh sát/ câu lạc bộ/ công trình/ vấn đề/ điều kiện/ tài
liệu/ thủ tục/ hồ sơ/...
khó khăn/ băn khoăn/ thắc mắc/ vướng mắc/
nghi ngờ/ lo ngại/ lưu ý/ nhầm lẫn/ thiếu sót/ thuận lợi/...
Một số có thể kết hợp với những ngữ đoạn
danh từ đẳng lập biểu thị tập hợp;
còn một vài thì không thể. Lý do: vài vốn là số từ (“hai”) cho nên tổ hợp một vài có kết cấu không khác gì với một hai, hai ba.
một số/ *vài quần áo/ sách vở/ nhà cửa/ giày dép/ bàn ghế/ xe cộ/ đường
phố/ trâu bò/ gà vịt/ súng ống/ bạn bè...
Tuy nhiên, nếu ngữ đoạn đẳng lập có hai thành tố là những danh từ đơn
vị tiềm năng (ie. [+chất liệu] [+hình thức]) và có khả năng hoạt động độc lập như
một danh từ đếm được thì vẫn có thể kết hợp với một vài.
một vài đền
đài/ đền chùa/ anh em/ chị em/ thầy cô/ bông hoa/ hình ảnh/ vụ việc/ phe phái/ hội
đoàn/ tỉnh thành/ quận huyện/ làng xã/ phường xã/ thôn bản...
Trong trường hợp này, có vẻ như một
vài kết hợp lần lượt với từng yếu tố chứ không phải với cả ngữ đoạn. (Nên
chăng hiển ngôn hóa quan hệ đẳng lập giữa hai yếu tố bằng một dấu phẩy (,), để
phân biệt với trường hợp vừa nói?)
Chính vì điều này, những tổ hợp đẳng lập mà trong đó hai thành tố
không tương đương về nghĩa hoặc một trong hai thành tố mờ nghĩa (từ cũ, từ cổ)
thì cũng không thể kết hợp với một vài.
So sánh những trường hợp trên với:
??một vài nhà cửa/ cửa nẻo/ chùa chiền/ đường
sá/ chợ búa/ binh lính/ con cái...
Ghi chú:
– Trong bối cảnh giao tiếp thông thường, một số và một vài (có thể
kể thêm: mấy, nhiều) thường dùng để chỉ số lượng người; trong khi một ít rất ít khi được dùng, kể cả khi sau
nó là những danh từ Hán Việt hai âm tiết (vốn là những danh từ [+chất liệu]
[+hình thức], tức là vừa có thể dùng như danh từ khối vừa có thể dùng như danh
từ đơn vị). Điều này có lẽ có lý do về mặt ngữ dụng.
??một ít ông/ bà/ cô/ thiếu
nhi/ thanh niên/ phụ nữ/ thiếu nữ/ bác sĩ/ cảnh sát/ sinh viên/ ca sĩ/ bộ trưởng/
giám đốc/ bảo vệ/ chiến sĩ/ công nhân/ trưởng khoa...
(98) Có một số/ một vài/ ?một ít bảo vệ
câu kết với kẻ xấu để ăn cắp tài sản công ty.
(99) Khoa sẽ chọn một số/ một
vài/ ?một ít giáo viên giỏi để tham gia
công tác này.
(100) Trong phiên họp này, một số/
một vài/ ?một ít bộ trưởng sẽ bị chất vấn.
– Trong ngôn ngữ hằng ngày, “bố”, “mẹ”, “vợ”, “chồng” về ngữ pháp hầu
như không bao giờ được xử lý như những danh từ đơn vị (ss. *“Tôi đã nói chuyện
với hai bố/ mẹ/ vợ/ chồng đau khổ đó” với “Tôi đã nói chuyện với hai người bố/ mẹ/ vợ/ chồng đau khổ đó”) cho
nên không kết hợp trực tiếp với một số, một
vài.
(Ở cách nói “Ông ấy có hai vợ”,
“chế độ một vợ một chồng”, có lẽ “vợ”, “chồng” nên được xem là danh từ khối biểu
thị “loại (người)” như cách xử lý của Cao Xuân Hạo [3/94,95]. Theo đó, trong “ba
bố con”, “bố” và “con” không phải là 2 đơn vị mà là 2 chủng loại (“loại” người
là “bố” và “loại” người là “con”) tạo thành tổ hợp gồm 3 người).
Nếu muốn dùng với một số, một
vài, các danh từ “bố”, “mẹ”, “vợ”, “chồng” phải có các yếu tố đánh dấu đơn
vị đi trước, chẳng hạn: ông, bà, người,
cô, anh, con, thằng. Như vậy, có thể nói “một số/ một vài ông bố (/ bà mẹ/ cô vợ/ anh chồng/...)”.
Một số cũng có một trường hợp khó giải thích khi kết hợp với một vài danh
từ vốn chỉ chất liệu: một số tiền, một số vàng, một số bạc (nhưng không nói một
số sắt/ đồng/ nước/ muối). (Thật ra, theo chúng tôi, một số thoạt đầu có lẽ là
một cách nói tắt của “một số lượng”, đơn giản có nghĩa là một lượng định bằng số,
có thể lớn có thể nhỏ. Do đó, hiện nay, bên cạnh một số với nghĩa số lượng nhỏ như đã trình bày, vẫn có cách diễn đạt
“một số lớn”, “một số nhỏ”, “một số không nhỏ”, “một số không ít”, trong đó, “một
số” thực chất là “một số lượng”. Vậy, một số tiền, một số vàng, một số bạc có thể là cách nói tắt của
“một số lượng tiền”, “một số lượng vàng”, “một số lượng bạc”).
2.2. Một số, giống một ít và một chút, có thể đứng một mình (định ngữ đã bị tỉnh lược), còn một vài thì không.
(101) Đợt cúm vừa rồi đàn gà của
ông có chết một số.
(102) (– Anh mua mấy cuốn sách?) – *Một vài thôi!
(103) (– Tết này chị được nghỉ lâu không?) – Chỉ một vài ngày.
2.3. Một số chia sẻ với một ít ở khả năng kết hợp với các danh
ngữ tập hợp, nhưng có điều khác biệt: một
số hầu như không kết hợp với những ngữ đoạn biểu thị những vật thể không
phân lập tự nhiên và/ hoặc những vật thể nhỏ, thường được tri nhận nguyên
khối chứ không phải từng cá thể. Cho nên không nói:
*một số rau cải/ rau quả/ hành ngò/ bụi
bặm/ mắm muối/ thịt cá/ vải vóc/ xăng dầu/ vàng bạc/...
*một số tôm cá/ ếch nhái/ sâu bọ/ ruồi
muỗi/ chuột bọ/ trái cây/...
“Trái cây” thường
được hiểu là một ngữ danh từ biểu thị tập hợp (“trái”, “quả” nói chung, tương tự
“quần áo”, “giày dép”), nhưng khó kết hợp trực tiếp với một số. So sánh:
(104) *Mẹ tôi gửi chị Hai mang
lên cho tôi một số trái cây. (ss. một ít trái cây)
(105) *Em nhớ mua một số trái cây nhé! (ss. một ít trái cây)
(106) *Chợ chiều nhưng vẫn còn một
số trái cây. (ss. một ít trái cây, một số loại
trái cây)
Ngay cả những danh ngữ có trung tâm là danh từ đơn vị chỉ những vật
thể nhỏ cũng khó kết hợp với một
số:
*một số điếu thuốc/ viên đá/ viên phấn/
con ruồi/ con sâu/ con cá/ lá cải/ quả ớt/ hạt tiêu/ trái cà/...
Khi muốn đề cập những
vật thể này, người ta thường dùng một vài
hoặc mấy, dù rằng trong tâm thức người
Việt một vài và mấy có vẻ biểu thị số lượng nhỏ hơn là một số.
(107) Nó ra sông câu một vài/ mấy/ *một số con cá để
làm bữa chiều.
(108) Món này mà có một vài/ mấy/ *một số hạt tiêu
thì ngon lắm!
Theo nhận xét của chúng tôi, một
số là một danh ngữ biểu thị lượng nằm trong quan hệ đối lập với đa số hoặc toàn bộ. Với một số, người
nói muốn diễn đạt rằng số lượng được nói đến là một số lượng ước chừng, có giới
hạn, không phải là đa số, càng không
phải là toàn bộ. Do vậy, về ngữ
nghĩa, đối với người nghe, trong nhiều ngữ cảnh, số lượng tuyệt đối được biểu
thị bằng danh ngữ một số có thể là một
con số không nhỏ.
Chính vì điều này, một số
thường xuất hiện trong lối nói giảm nhẹ: với người này số lượng đang nói đến chỉ
là một số, còn với người khác có thể
là nhiều.
(109) Có một số/ nhiều cảnh sát biến chất. (một số có thể là vài chục, vài trăm, vài
ngàn)
(110) Trong năm qua, công tác quản lý an toàn thực phẩm bộc
lộ một số/ nhiều
yếu kém.
(111) Ban lãnh đạo đã phạm một số/
nhiều sai lầm.
Tóm tắt:
·
một chút: biểu thị lượng nhỏ hoặc phần
nhỏ hoặc mức độ thấp theo ý người nói; đối tượng đề cập là chất liệu hoặc được
hình dung như một khối vô định hình; không kết hợp trực tiếp với danh ngữ có danh
từ đơn vị làm trung tâm;
·
một ít: biểu thị lượng/ số lượng nhỏ,
theo ý người nói; đối tượng đề cập mang tính đơn vị hoặc là một tập hợp gồm nhiều đơn vị; không kết
hợp trực tiếp với danh ngữ có danh từ đơn vị làm trung tâm;
·
một số: biểu thị số lượng nhỏ, theo ý
người nói, nhưng con số tuyệt đối có thể không nhỏ; có thể kết hợp với danh ngữ
biểu thị tập hợp (nhưng không phải là những thực thể không phân lập tự nhiên và
vật thể nhỏ), có thể kết hợp trực tiếp với danh ngữ có danh từ đơn vị làm trung
tâm;
·
một vài: biểu thị số lượng nhỏ (thường
là dưới năm đơn vị) theo ý người nói; nói chung không kết hợp với những danh ngữ
biểu thị tập hợp; có thể kết hợp trực tiếp với danh ngữ có danh từ đơn vị làm
trung tâm.
*
* *
Trong quá trình dạy
và học tiếng, các tổ hợp một chút, một
ít, một số, một vài thường được chú là biểu thị (số) lượng nhỏ, không chính
xác, và thường được đối chiếu hoặc dùng để đối chiếu với (a) few, (a) little và some
của tiếng Anh, dựa trên tiêu chí có thể đi với danh từ đếm được (countable
nouns) hoặc không đếm được (uncountable nouns) – tiêu chí [± đếm được] này vốn
thuần nhất và khá dễ nhận diện trong tiếng Anh. Thật ra, phần phân tích bên
trên đã cho thấy, trong tiếng Việt, vấn đề không đơn giản như vậy. Những tổ hợp
vừa bàn đụng chạm trực tiếp đến hai (trong số những) phạm trù quan trọng của ngữ
pháp: danh từ/ ngữ và lượng từ/ ngữ. Do đó, để phân biệt các tổ hợp trên với
nhau, việc chỉ ra những khác biệt có thể quan sát trực tiếp về khả năng kết hợp
là cần thiết nhưng chưa đủ. Vấn đề đang bàn thực chất liên quan đến hàng loạt đối
lập quan yếu của ngữ pháp-ngữ nghĩa tiếng Việt (khối – đơn vị, chất hiệu – hình
thức, chủng loại – cá thể, tập hợp – đơn vị, xác định – bất định), dựa trên sự
chọn lựa ngôn ngữ học của người bản ngữ. Thiết nghĩ, những đối lập này là những
tham biến (parameter) có thể ứng dụng rộng rãi để khảo sát nhiều hiện tượng
khác chứ không riêng gì một chút, một ít,
một số, một vài.
CHÚ THÍCH
([1])
Bùi Mạnh Hùng xếp những danh từ này vào nhóm “chỉ những thực thể không phân lập”,
“có thể đo lường được” nhưng “không đếm được” [1/27]. Thật ra, các nhà khoa học
có thể đo lường được mây, gió, nắng, bụi... chứ người bình thường khó có khả
năng đó, trừ trường hợp đo lường theo cảm tính.
(2)
Bùi Mạnh Hùng có đưa ra một dẫn chứng: “một
chút áo (chíp)”. Thật ra, khả năng kết hợp này cũng không phải là hiếm.
(3)
Truy cập từ 21:00 đến 21:11, 6/5/2014.
(4)
Số liệu điều tra trên 17 học sinh lớp 12, quận Tân Bình, tp. HCM, ngày 28/4/2014.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.
Bùi Mạnh Hùng, Sự phân biệt về ý nghĩa
và cách dùng giữa “một ít” và “một chút”, Ngôn ngữ 12/ 2011, H.
2.
Cao Xuân Hạo, Tiếng Việt – mấy vấn đề ngữ
âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa, Nxb GD, Tp.HCM,
1998.
3.
Cao Xuân Hạo (CB), Ngữ pháp chức năng tiếng
Việt, Q2: Ngữ đoạn và từ loại, Nxb GD,
H., 2006.
4.
Đinh Văn Đức, Ngữ pháp tiếng Việt – từ
loại, Nxb ĐH&THCN, H., 1986.
5.
Lê Văn Lý, Sơ thảo ngữ pháp Việt Nam, Trung tâm học liệu Sài Gòn, S., 1972.
6.
Nguyễn Tài Cẩn, Từ loại danh từ trong tiếng
Việt hiện đại, Nxb KHXH, H., 1975.
7.
Nguyễn Tài Cẩn, Ngữ pháp tiếng Việt – tiếng,
từ ghép, đoản ngữ, (in lần thứ 3), Nxb
ĐHQG Hà Nội, H., 1996.
8.
Nguyễn Thị Ly Kha, Danh từ khối trong tiếng
Việt hiện đại (so sánh với tiếng Hán hiện đại), Luận án TS, Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG tp.HCM, 2003.
9.
Nguyễn Vân Phổ, Nhận xét về hiện tượng bất
đối xứng “ít” – “nhiều”, Ngôn ngữ, số 11/
2013, H.
10. Trương Văn Chình và Nguyễn
Hiến Lê, Khảo luận về ngữ pháp Việt Nam, Nxb ĐH Huế, Huế, 1963.
This comment has been removed by the author.
ReplyDeleteBài viết rất hữu ích. Tuy nhiên, trường hợp "một số" em thấy vẫn có thể kết hợp với Danh ngữ tập hợp, có lẽ cần xem xét thêm: "một số rau quả giàu chất chống oxy hóa, giúp chống viêm và chống lại sự tấn công của các gốc tự do, giữ cho khớp dẻo dai."; "Một số rau quả nhóm này như chuối và khoai tây còn là nguồn cung cấp nhiều kali. Chất glucosinolates trong súp lơ trắng có tác dụng bảo vệ ."; "Một số rau quả chống ung thư cực kỳ hiệu quả.."
ReplyDeleteThêm "loại" vào thì kết hợp tự nhiên hơn: "Dễ dàng nhận biết một số loại vải vóc theo những cách sau ; Rayon/Viscose (cellulose based), Cháy nhanh, Mùi khét, Rất ít hoặc không có tro ; Polyamide, Chảy ra ..."
ReplyDelete