Wednesday, 25 June 2014

"BẮT ĐẦU" - Ý NGHĨA THỂ


“BẮT ĐẦU” VÀ THỂ KHỞI PHÁT TIẾNG VIỆT[1]


1. Dẫn nhập
Trong các tài liệu ngôn ngữ học, thể (aspect) là một khái niệm đã được thừa nhận là phạm trù phổ quát – ít nhất là phổ quát hơn thì (tense) [1][2][14]; Lyons cho rằng nhiều ngôn ngữ không có thì nhưng rất ít ngôn ngữ không có thể [10, 705]. Và nhiều nhà ngữ học cho rằng thể vẫn là một phạm trù ít được hoặc chưa được chú ý đầy đủ [3][10].
Phạm trù thì liên quan đến việc định vị thời gian của sự tình đang được nói đến (event time) trong quan hệ với thời gian của phát ngôn (thời điểm đưa ra phát ngôn - speech time) hoặc/ và thời gian quy chiếu (reference time). Ở tiếng Anh, quan hệ trước sau giữa thời gian sự tình và thời gian phát ngôn sẽ được thể hiện bằng các phương tiện hình thái học, và ta có thì quá khứ, hiện tại và tương lai (past, present, future). Quan hệ trước sau giữa ba thời gian sẽ tạo ra pluperfect hoặc future perfect [3][11][13]. Trong khi đó, thể là một phạm trù ngôn ngữ học biểu hiện đặc trưng thời gian mang tính chủ quan (subjective) về sự tình được diễn đạt, hay nói cách khác, thể đặc trưng cho góc nhìn của người nói về đường nét thời gian của sự tình. Một sự tình diễn ra có thể được người nói nhìn từ ngoài như một toàn thể hoặc nhìn từ trong ở một khúc đoạn nào đó [3, 24].

      Theo truyền thống, thể hoàn thành (perfective) biểu thị một tình huống bị hạn định về thời gian, và là một tình huống được nhìn từ bên ngoài (extenal), không có cấu trúc nội tại. Ngược lại, thể phi hoàn thành (imperfective) biểu thị một tình huống không hạn định về mặt thời gian, là một tình huống nhìn từ bên trong (internal). Do vậy, một tình huống phi hoàn thành có thể phân tích thành các khúc đoạn (khởi đầu, diễn tiến, kết thúc) và nó có thể mang thuộc tính lặp (repetitive) hay tập quán (habitual).
Các nhà nghiên cứu thường phân chia thể thành thể ngữ pháp (grammatical aspect) và thể từ vựng (lexical, situational hay inherent aspect, và đặc biệt là Aktionsart), và không ít khi cặp khái niệm aspect – Aktionsart được diễn giải như là sự đối lập giữa thể ngữ pháp và thể từ vựng. Sự đối lập này có lẽ căn cứ vào các ngôn ngữ Ấn Âu vốn ít nhiều dựa vào hệ biến hình (inflection) ngữ pháp để đánh dấu thể.
     Xuất phát từ quan điểm cho rằng thể là một phạm trù phổ quát mà ngôn ngữ nào cũng có cách biểu hiện (về mặt này nó đối lập với thì), chúng tôi cho rằng trước hết nó phải được xác định như một phạm trù mang tính ngữ nghĩa. Nghĩa là, nội dung ngữ nghĩa của vị từ, của các tham tố của vị từ, và sự tương tác giữa chúng sẽ hình thành giá trị thể [8][12][14]; Smith đưa ra khái niệm verb constellation “vị từ chùm” để biểu hiện quan hệ giữa vị từ và các tham tố của nó [14].
2.         Nhận diện sự tình khởi phát
2.1. Thể khởi phát đánh dấu sự bắt đầu của một hành động hoặc sự khởi đầu của một trạng thái, quá trình. Như vậy, thể khởi phát có thể xem là một phạm trù phụ thuộc (subcategory) của phạm trù phi hoàn thành hoặc phạm trù thời lượng (durative). (Với một số tác giả, phạm trù thời lượng - phi thời lượng tương ứng với phạm trù phi hoàn thành - hoàn thành). Trong tiếng Latin hoặc tiếng Nga, thể khởi phát được hình thành bằng phụ tố -sc- hoặc za-, chẳng hạn: tiếng Latin: noscere “bắt đầu/ trở nên biết”, florescere “bắt đầu ra hoa”; tiếng Nga: zagovorit “bắt đầu nói”, zapet “bắt đầu hát”, v.v..
Theo nhiều tài liệu, thể khởi phát được thể hiện luân phiên bằng hoặc inchoative (tạm dịch: khởi trạng) hoặc ingressive (inceptive, tạm dịch: khởi sự). Có tác giả không phân biệt ([3][13]), có tác giả lại phân biệt ([9](14]) hai khái niệm trên. Chẳng hạn, Lehman xếp inchoative vào kiểu sự tình quá trình (process situation) với đặc trưng thời lượng và vô kết (atelic); trong khi ingressive lại là một biến cố (event), hữu kết (telic). Smith cho inchoactive thể hiện sự xuất hiện một trạng thái (state), không có tác thể (agent); còn inceptive “đi vào” một biến cố [14, 22].
Trong quá trình phân tích, Smith cho rằng câu khởi phát (cả khởi trạng và khởi sự) có thể suy ra (infer) gián tiếp (indirect) các câu hành động (activities), đoạn tính hữu kết (accomplishments) hoặc trạng thái (statives). Nghĩa là, với Smith, thể nói chung và thể khởi phát nói riêng hoàn toàn là một phạm trù ngữ nghĩa [14, 1] – thể không còn giới hạn ở các phụ tố hay các “siêu vị từ” (super-lexical verbs, như begin, start) nữa mà có thể thể hiện qua sự tương tác giữa các thành phần câu. Chính vì vậy, các câu sau đây đều được Smith cho là mang ý nghĩa khởi phát:
(1)    a. Mary got angry. (M. trở nên giận dữ)
b. John became tired. (J. trở nên mệt)
c. Her face whitened. (Mặt cô trắng bệch ra).
d. The page yellowed. (Tờ giấy vàng đi)
e. They began to walk to school. (Họ bắt đầu đi bộ đến trường)
f. They walked to school at noon. (Họ đi bộ đến trường lúc giữa trưa)
g. Mary began to run. (M. bắt đầu chạy)
h. Suddenly Mary ran. (Bất ngờ M. (bỏ) chạy)
Như vậy, theo Smith, (i) các vị từ get, become, (ii) phụ tố -en hoặc biến thể zéro, (iii) các trạng ngữ điểm tính đều có thể tạo thành tình huống khởi phát.
Thật ra, chuyển thái (change of state) và khởi phát là hai khái niệm khác nhau: một bên thể hiện một trạng thái đã được thay đổi khác với trước (trạng thái trước và sau khác nhau, nhưng khoảng cách thời gian không xác định) còn một bên là một trạng thái mới xuất hiện kể từ một thời điểm xác định (dù có hiển ngôn hay không).
Xét thêm hai câu sau:
(2)    a. The leaf becomes (/ became) yellow. (Chiếc lá trở nên vàng)
b. The leaf started to be yellow.
Ở (a), ta có sự chuyển thái: quá trình vàng bắt đầu từ khi nào không được thể hiện, nhưng khi nhận định được đưa ra thì chiếc lá đang có màu vàng. Dạng tương ứng ở tiếng Việt phải là “(Bây giờ) chiếc lá đang (trở nên) vàng”; đối lập với “became yellow” – quá trình chuyển từ một màu gì đó sang màu vàng đã kết thúc (kết thúc ở màu vàng): “Chiếc lá đã vàng rồi” [9].(1)
   Trong khi đó, ở (b) với “started”, ta có sự tình khởi phát: chiếc lá bắt đầu quá trình chuyển vàng, nhưng không hàm nghĩa kết quả, tức là quá trình chuyển vàng đã bắt đầu nhưng có thể kết thúc khi chiếc lá chỉ vừa chớm vàng – Smith gọi cách kết thúc này là võ đoán (arbitrary endpoint), đối lập với cách kết thúc tự nhiên (natural endpoint) ở sự tình hữu kết [14, 73].
            Như vậy, bản chất sự đối lập khởi phát - chuyển thái chủ yếu là ở sự có mặt tiềm tàng hoặc hiển ngôn kết điểm đầu (gọi tắt là “khởi điểm”, initial endpoint).
2.2. Nếu hiểu sự tình khởi phát là một sự tình [+thời lượng], [vô kết] có khởi điểm thì trong tiếng Việt những sự tình khởi phát có thể được biểu hiện bằng (i) vị từ bắt đầu, (ii) cấu trúc vị ngữ có khung đề hay trạng ngữ điểm tính, (iii) vị từ tình thái mới, (iv) các vị từ tình thái mang nghĩa đột biến (nổi, sinh, phát, khởi, đâm, òa, v.v.). Sau đây chúng tôi điểm qua các trường hợp đó:
(i)                 Sự tình khởi phát hiển ngôn với sự có mặt của vị từ bắt đầu:
(3)    a. Ăn xong, nó bắt đầu làm bài tập.
b. Nghe tin đó, nó bắt đầu lo.
            Bắt đầu cho biết: kể từ khởi điểm, sự tình diễn ra và sẽ diễn ra trong một thời đoạn nhất định. Trong một sự tình có bắt đầu, ngữ vị từ theo sau bao giờ cũng được hiểu [+thời lượng].
(ii) Sự hiển ngôn của một khởi điểm thời gian có thể làm cho một sự tình [+thời lượng] mang nghĩa khởi phát:(2)
(4)    a. Nó thi lúc 8 giờ.
b. 6 giờ nó đi bộ trong công viên.
Hai câu trên có thể hiểu là “bắt đầu” (và có thể thêm bắt đầu vào trước vị từ). Tuy nhiên, cách hiểu khởi phát như thế tùy thuộc rất nhiều vào ngữ cảnh, vào kiến thức nền của người nghe. Nếu mở rộng hay thay đổi yếu tố thời gian có liên quan (chẳng hạn: “Sáng hôm qua nó đi bộ...”, “11 giờ trưa nó đi bộ...”, “Nó thi vào thứ tư”) hoặc có một sự tình khác làm nền (chẳng hạn: “Nó không dính đến vụ đó đâu. Vì tôi biết 6 giờ sáng nó đi bộ trong công viên”) thì ý nghĩa khởi phát biến mất. Hơn nữa, không phải loại sự tình nào cũng có thể được hiểu khởi phát như vậy (chẳng hạn: “6 giờ trên đường có nhiều xe” hay “Tối hôm qua nó đóng cái ghế đó” khó có thể hiểu là khởi phát). Do sự phụ thuộc vào ngữ cảnh, có thể xem đây là một ý nghĩa khởi phát mang tính tình huống.
(iii) Trong tiếng Việt, vị từ mới cũng có thể biểu thị nghĩa khởi phát. Ví dụ:
(5)    a. Nó mới khỏe đấy.
b. Nó mới luộc thôi, chưa mềm.
Nghĩa khởi phát của mới thể hiện khi hành chức trên các vị từ [+thời lượng], [vô kết]. Tuy nhiên, ý nghĩa khởi phát này hình thành trên cái nền tình thái “diễn đạt sự tình xảy ra ở thời điểm ngay trước thời điểm quy chiếu” cho nên, theo chúng tôi, đây chỉ là ý nghĩa thứ sinh (secondary).
(iv) Ngoài ra, trong tiếng Việt có một loạt vị từ tình thái có giá trị tạo thể, chẳng hạn: sinh, đâm, nổi, phát, khởi, bật, bùng, khai; và một số vị từ có tính ad hoc: đổ (bệnh, nợ), ngã (bệnh), phá (lên cười), òa (khóc), vọt (lên, ra), v.v.. Ví dụ:
(6)    a. Nó bật khóc.
b. Căn nhà bùng cháy.
c. Nó sinh nghi.
d. Nó đâm (ra) nghi ngờ.
e. Chúng tôi sẽ khởi đăng loạt bài điều tra này trong số tới.
f. Nghe tin này, bà ấy phát điên.
g. Nhìn thấy nó, bà ấy nổi giận.
Các vị từ biểu thị nghĩa khởi phát trong các câu trên đều có thể thay thế bằng bắt đầu. Tất nhiên, mỗi từ có nghĩa từ vựng khác nhau, do vậy nó sẽ mang đến một nghĩa mới cho câu. Điểm  chung nhất là nét nghĩa liên quan đến tình thái đột biến.
Ở (a), “Nó bật khóc” nghĩa là nó bắt đầu khóc, trạng thái khóc có thể kéo dài, nhưng sau khi “bật” thì không thể đưa ra nhận định “Nó bật khóc” được nữa mà chỉ có thể là “Nó khóc”. Ở (b), “Căn nhà bùng cháy” nghĩa là bắt đầu cháy, trước đó chưa cháy; và quá trình cháy có thể sẽ diễn ra rất lâu sau đó. Tương tự, ở (c), “Nó sinh nghi” nghĩa là nó bắt đầu nghi ngờ, thái độ nghi ngờ có thể kéo dài, nhưng sau đó không thể nói “Nó sinh nghi” được nữa. V.v.. Nói chung, sau khi bắt đầu (biểu thị bằng vị từ đứng trước), hoạt động, quá trình hay trạng thái (biểu thị bằng vị từ đứng sau) sẽ tiếp tục diễn ra trong một thời đoạn nhất định.
Như vậy, những trường hợp không đáp ứng nội dung ngữ nghĩa này sẽ không được xem là khởi phát. Chẳng hạn, trong “Nó bật đứng dậy” thì bật chỉ là một yếu tố tình thái biểu thị sự nhanh chóng và đột biến, vì “đứng dậy” khó có thể biểu thị một hành động có thời đoạn, nhất là khi nó kết hợp với bật. Hơn nữa, sau khi “bật đứng dậy” thì nó không (tiếp tục) “đứng dậy” nữa mà chỉ (tiếp tục) “đứng” thôi. Cũng do ý nghĩa này, những trạng ngữ biểu hiện nghĩa đột biến (như bỗng, chợt, bất ngờ, thình lình, v.v.) chỉ có thể mang nghĩa khởi phát khi đi cùng với một vị từ [+thời lượng] và [vô kết]. Có thể xem (iv) là trường hợp khởi phát thứ sinh.
Vì khuôn khổ của một bài viết có hạn, sau đây chúng tôi sẽ chỉ tiến hành khảo sát hoạt động của vị từ bắt đầu, từ đó đi sâu vào đặc trưng ngữ nghĩa-ngữ pháp của thể khởi phát tiếng Việt.
3. “Bắt đầu” và thể khởi phát tiếng Việt
Bắt đầu có thể xem là vị từ tiêu biểu cho ý nghĩa khởi phát, vì ý nghĩa từ vựng tường minh, vì khả năng có mặt trong hầu hết các loại sự tình và cũng vì màu sắc trung tính (neutral) của nó. Xuất phát từ quan niệm thể là ngữ nghĩa như đã nói ở trên, chúng tôi đặt bắt đầu vào khung vị ngữ của từng loại nghĩa biểu hiện để khảo sát – hệ thống do Cao Xuân Hạo đề xuất [2, 233].(3)
Sự tình tồn tại:
            Sự tình tồn tại là sự tình phản ánh “ở một nơi nào đó có cái gì”, được thể hiện bằng một cấu trúc trong đó không bao giờ có Chủ đề mà chỉ có Khung đề. Xét các ví dụ sau:
(7)   a. Trên đường có xe.
b. Trên đường bắt đầu có xe.
c. Trong phòng có muỗi.
d. Trong phòng bắt đầu có muỗi.
            Ở (a) và (c) ta có các sự tình tồn tại [-động], tức là trong nghĩa biểu hiện của cấu trúc sẽ không có bất kỳ sự thay đổi nào liên quan đến thực thể tồn tại, xét trên trục thời gian. Trong khi đó, ở (b) và (d), ta có một quá trình [+động], hàm ý rằng có sự thay đổi liên quan đến thực thể tồn tại. Trước thời điểm quy chiếu (thường là thời điểm nói), đường chưa có xe, phòng chưa có muỗi. Sau thời điểm quy chiếu, “xe”, “muỗi” tiếp tục tồn tại, nhưng “xe” và “muỗi” lúc này không hoàn toàn là “xe” và “muỗi” tại thời điểm quy chiếu nữa.
            Khi một sự tình tồn tại được đánh dấu khởi phát nó có những ràng buộc về mặt ngữ pháp và ngữ nghĩa. Xét các câu:
(8)   a. Trên đường bắt đầu có xe hơi.
                        b. Trên đường bắt đầu có vài (/ một số, nhiều) chiếc xe hơi.
                        c. ?Trên đường bắt đầu có ba chiếc xe hơi.
Câu (a) đối tượng tồn tại được biểu hiện bằng một danh từ khối (mass noun), không mang thuộc tính số. Ở câu (b) ta có một lượng không chính xác; ngay khi nhận định được đưa ra, sự tăng hoặc giảm một (vài) phần tử trong cái lượng ấy vẫn không làm thay đổi bản chất ý niệm “vài”, “một số” hoặc “nhiều”, nghĩa là nội dung nhận định không thay đổi. Ở cả hai trường hợp (a) và (b) ta có một thực thể mang tính lũy tích (cumulativity). Trong khi đó, ở (c) ta có một số lượng chính xác tại thời điểm nhận định: sự tồn tại của “ba chiếc xe hơi” chỉ bảo đảm đúng tại thời điểm “bắt đầu” (thời điểm nằm ở ranh giới giữa không “ba chiếc xe hơi”). Ngay sau đó có thể “ba chiếc xe hơi” không tồn tại nữa mà sẽ là một số lượng xe hơi khác. Ta có một thực thể mang tính định lượng (quantization). (So sánh: “Trên đường có ba chiếc xe hơi vào lúc bắt đầu bố ráp”).
            (Chú thích: Khái niệm lũy tích và định lượng đã được Krifka [8] phân biệt tường minh. Có thể giải thích đơn giản như sau:
Trong “Nam ăn chuối”, “chuối” là một danh ngữ lũy tích, vì dù Nam đã ăn nửa quả chuối hoặc năm quả chuối thì cũng là “Nam ăn chuối”. Trong khi đó, ở “Nam ăn ba quả chuối”, “ba quả chuối” là một danh ngữ định lượng: nhận định này chỉ đúng khi Nam đã ăn đúng ba quả chuối; ăn nửa quả hoặc hai quả không phải là “ăn ba quả chuối”.)
Khái niệm lũy tích và định lượng liên quan đến cả vị từ và danh ngữ - tham tố. Ở vd (8), sự đối lập lũy tích và định lượng cho thấy ý nghĩa thể gắn với vị từ bắt đầu chứ không phải với .
   Về mặt ngữ pháp, ở quá trình tồn tại, đặc tính lũy tích thường được diễn đạt bằng một danh ngữ mang phức số không xác định hoặc một danh từ khối. Tuy nhiên, một danh ngữ biểu thị một lượng chính xác vẫn có thể xuất hiện nếu nó có chứa một định ngữ hạn định để làm rõ sở chỉ của cái tập hợp chứa các phần tử thuộc lượng đó. Khi đó, các thực thể - phần tử làm nên tập hợp có thể được tri nhận như một khối đơn nhất, đối lập với những thực thể cùng loại ngoài nó. Chính trên cái khối đơn nhất này mới có thể xác lập khúc đoạn đầu, giữa, cuối của một sự tình. Ví dụ:
(9)   a. Năm đó, trên đường phố Hà Nội bắt đầu có (/ xuất hiện) ba chiếc xe hơi đầu tiên.
b. Trên tường bắt đầu treo bốn bức tranh đắt giá nhất của họa sĩ Bùi.
   Câu (9a) hàm ý rằng sau đó (sau thời điểm quy chiếu) có thể sẽ có nhiều xe hơi, nhưng là những chiếc xe hơi khác, không thể diễn đạt bằng bắt đầuđầu tiên được nữa. (9b) hàm ý rằng sau đó sẽ tiếp tục có những bức khác, “bốn bức tranh” kia là bốn bức đầu tiên.
    Yêu cầu về tính đơn nhất của cái tập hợp (do danh ngữ biểu hiện) gợi ý rằng vấn đề nằm ở quan hệ bộ phận - toàn thể của tập hợp (part-whole relation). Bắt đầu tác động trực tiếp đến bộ phận đầu tiên của toàn thể – ngay sau đó tập hợp vẫn tồn tại – chứ không phải tác động đến một đơn vị “độc lập” của một tổng số các đơn vị. Ở (9a), bắt đầu xuất hiện một chiếc (trong “ba chiếc xe hơi đầu tiên”) cũng có nghĩa là “ba chiếc xe hơi đầu tiên” xuất hiện; nghĩa là ta có một tập hợp mang tính lũy tích.  
Ở các sự tình sau, đặc điểm đơn nhất này sẽ được thể hiện rõ hơn.
Về mặt ý nghĩa, khi đánh dấu khởi phát, bắt đầu cũng đồng thời báo hiệu rằng vào thời điểm quy chiếu đối tượng được đề cập bước vào (step in) quá trình tồn tại; tức là nó mang lại thuộc tính [+động] cho sự tình tồn tại. Trạng thái trở thành quá trình. Các câu (7), (8) và (9) đều có thể thay thế bắt đầu bằng đang. Tuy nhiên, quá trình tồn tại không đồng nghĩa với tiếp diễn (progressive), vì một bên là khúc đoạn đầu còn một bên là khúc đoạn giữa của quá trình.
     Có thể hình dung: ở thời điểm quy chiếu ti “trên đường bắt đầu có xe”, nghĩa là ở thời điểm ti-1 chưa có xe và ở thời điểm ti+n vẫn có xe; nhưng ở thời điểm ti+(n+1) sự tồn tại của xe không quan yếu đối với nhận định được đưa ra. Hay nói cách khác, với bắt đầu người nói chỉ quan tâm đến khúc đoạn đầu của quá trình chứ không quan tâm đến các khúc đoạn sau đó, lại càng không không quan tâm đến kết quả hay sự kết thúc. (Bản chất của thể khởi phát loại trừ ý nghĩa kết quả (resultative) hoặc kết thúc (terminative)). Đây cũng chính là cơ sở ngữ nghĩa của yêu cầu về tính lũy tích của bắt đầu. Thêm một vài ví dụ:           
(10)   a. *Trong phòng bắt đầu còn người.
b. Trên tường bắt đầu treo tranh cổ.
c. Đường phố bắt đầu treo cờ chào mừng Quốc khánh
d. ?Trên tường bắt đầu treo hai bức tranh.
“Còn” là một vị từ tồn tại tiêu biểu, nhưng ở (a) không thể đánh dấu khởi phát. Lý do: “còn” là một vị từ biểu thị khúc đoạn giữa của trạng thái tồn tại, trong ngữ nghĩa của nó đã hàm ý sẽ đi đến kết thúc. Ở câu (b) và (c), có vẻ như người ta trông chờ rằng ở thời điểm ti+n nào đó (n phải đủ lớn để bảo đảm quá trình có được tính thời lượng) sẽ có thêm nhiều bức tranh cổ và nhiều lá cờ được treo. Câu (10d), tương tự (8c), quả thực khó có thể hình dung nó có thể được sử dụng trong một ngữ cảnh như thế nào: nếu nội dung truyền đạt là sự đối lập có - không thì chỉ cần nói “bắt đầu treo tranh”, còn nếu là sự đối lập giữa “hai (bức tranh)” với một số lượng khác thì phải đánh dấu tính đơn nhất của nó – nghĩa là danh ngữ này cần một định ngữ.
Hành động chuyển tác
      Một hành động chuyển tác là một hành động tác động vào đối tượng, tạo ra hoặc làm đối tượng thay đổi (trạng thái, tính chất, vị trí) hay biến mất. Nói chung, một vị từ chuyển tác được đánh dấu thể khởi phát về bản chất phải thể hiện một quá trình(4) [+thời lượng], và ở thời điểm quy chiếu nó phải loại trừ nghĩa hoàn thành hoặc kết quả. Ngoài ra, thể khởi phát của một hành động chuyển tác cũng có một số ràng buộc nhất định về vị từ và về danh ngữ - tham tố. So sánh:
(11)   a. Nó bắt đầu đóng bàn.
b. ?Nó bắt đầu đóng ba cái bàn.
c. Nó bắt đầu đóng một cái bàn.
d. Nó bắt đầu đóng ba cái bàn đầu tiên của hợp đồng.
e. Nó bắt đầu đốt (xấp) tài liệu.
f. ?Nó bắt đầu đốt mẩu giấy đó.
g. *Nó bắt đầu uống viên thuốc đó.
h. Nó bắt đầu uống chai thuốc đó.
i. Nó bắt đầu uống thuốc kháng sinh.
Cũng tương tự như ở sự tình tồn tại, bắt đầu đòi hỏi tham tố đối tượng phải có tính lũy tích. Ở câu (11d) hai định ngữ “đầu tiên” và “(của) hợp đồng” đã tạo tính đơn nhất cho “ba cái bàn” – do vậy, cả danh ngữ tham tố đó mang tính lũy tích. Tất nhiên, về mặt ngữ nghĩa, khi “nó” bắt đầu đóng cái bàn thứ nhất (trong “ba cái bàn đầu tiên” ấy) thì cũng có nghĩa là “nó” bắt đầu thực hiện “ba cái bàn đầu tiên của hợp đồng”. Trong khi đó, ở (11b), khi “nó” bắt đầu đóng cái bàn thứ nhất thì không thể nói là “nó” đóng “ba cái bàn”. Danh ngữ - tham tố ở (11b) mang tính định lượng chứ không phải lũy tích. Ở (11c), nếu hiểu “bắt đầu” đóng “một cái bàn” tức là thực hiện những động tác đầu tiên (cưa, bào, đục, chẳng hạn) nhằm tạo ra cái bàn thì “một cái bàn” là danh ngữ lũy tích. Câu (11c) khả chấp.
            Thể khởi phát liên quan đến khúc đoạn hay pha (phase) đầu của một hành động; vì vậy nó chỉ thể hiện khi hành động được đề cập diễn ra trong một độ dài thời gian nhất định (tính thời lượng, durative). Điều này liên quan chặt chẽ với tính lũy tích của danh ngữ tham tố tham gia vào hoạt động chuyển tác.
            So sánh (11e) và (11f), rõ ràng “bắt đầu đốt (xấp) tài liệu” dễ chấp nhận hơn “bắt đầu đốt mẩu giấy” rất nhiều, vì hành động sau có vẻ khó phân chia các pha hơn hành động trước. (So sánh “bắt đầu đốt” và “bắt đầu xé” thì có vẻ như hành động “xé” dễ chấp nhận khởi phát hơn, vì nó dễ được hình dung là bao hàm nhiều động tác “xé” khác nhau trên cùng đối tượng, multi-events).
Lại so sánh các câu (11g), (11h) và (11i). Uống “viên thuốc đó” là một hành động diễn ra trong một thời gian “chớp nhoáng” (instantaneous), do vậy khó có thể xác định pha khởi đầu; trong khi đó, với “chai thuốc đó” hay “thuốc kháng sinh” thì lại hoàn toàn dễ dàng.
            Với vị từ nói năng, tình hình cũng tương tự:
(12)   a. *Nó bắt đầu nói: “Chào!”
b. Nó bắt đầu nói chuyện chính trị.
c. Nó bắt đầu nói là sếp có tầm nhìn xa.
Ở (12c) “sếp có tầm nhìn xa” không phải là một danh ngữ lũy tích hay định lượng, vì lời nói có thể chỉ được nói ra một lần. (12c) chỉ có thể hiểu: “nó bắt đầu có lời lẽ ca ngợi sếp – trước đó nó vốn có thái độ ngược lại”.  
            Ở các cấu trúc gây khiến (causative), bắt đầu cũng có những yêu cầu tương tự. Ở cấu trúc chuyển tác này, danh ngữ biểu thị thực thể chịu tác động bao giờ cũng mang tính lũy tích để bảo đảm rằng giữa hành động tác động và kết quả tác động có một khoảng cách thời gian nhất định vì khi khoảng cách thời gian đó là zéro thì vị từ hành động sẽ trở thành điểm tính (punctual). Ví dụ:
(13)   a. Nó bắt đầu đập đĩa vỡ thành từng mảnh.
b. Nó bắt đầu đập mấy cái đĩa vỡ thành từng mảnh.
c. Nó bắt đầu đập đống đĩa vỡ thành từng mảnh.
d. ?Nó bắt đầu đập (một) cái đĩa vỡ thành từng mảnh.
(13a) gần nghĩa với (13b) và (13c) vì “đĩa” mang tính lũy tích – ở đây nó dễ được hiểu là phức số. Trong khi đó, ở (13d) đối tượng rõ ràng là đơn số do vậy nó cần có ngữ cảnh (hoặc tình huống ngoài ngôn ngữ) để bảo đảm rằng “đập” là một quá trình có độ dài thời gian nhất định. Tuy nhiên, nếu ở (11c) hành động “đóng” có thể bao gồm nhiều thao tác khác nhau (và có độ dài thời gian đáng kể để có thể phân chia sự tình thành các khúc đoạn) thì ở (13d) “đập” khó có thể hiểu như vậy, cho nên hành động “đập” sẽ được hiểu là bao gồm nhiều hành động “đập” nối tiếp nhau để “một cái đĩa” vỡ thành từng mảnh. Trong thực tế, thường chỉ cần “đập” một lần là đủ để một cái đĩa vỡ tan. Chính vì vậy, (13d) là một cấu trúc kém tự nhiên. So sánh (13d) với (13e):
            (13) e. Nó bắt đầu cắt tờ giấy thành những hình vuông.
Cùng một cấu trúc nhưng rõ ràng (13e) tự nhiên hơn rất nhiều vì vị từ “cắt” thỏa mãn được yêu cầu về độ dài thời gian, ở đây ta có nhiều hành động “cắt” khác nhau (multi-events).
Về cấu trúc gây khiến cần xét hai trường hợp sau đây:
(14)  a. Nó hút thuốc làm cho mọi người khó chịu.
b. ?Nó bắt đầu hút thuốc làm cho mọi người khó chịu.
(Ở các câu (13) đối thể của hành động chuyển tác đồng thời là chủ thể của vị từ kết quả, còn ở các câu (14), hai tham tố này hoàn toàn phân biệt).
Trong hai câu trên, chúng tôi cho rằng chỉ có (14a) là cấu trúc gây khiến thực sự: vị từ gây khiến “làm cho” là vị từ chính của cấu trúc; “nó hút thuốc” là một cấu trúc đề - thuyết đã bị hạ cấp (backgrounding). Như vậy Đề của cấu trúc có thể tỉnh lược hoặc cải biến thành “Nó bắt đầu làm cho...” hoặc “Việc hút thuốc của nó bắt đầu làm cho...” mà ngữ nghĩa không thay đổi.(5)
Trong khi đó, ở (14b) “hút thuốc” là vị từ chính (do vậy nó được đánh dấu khởi phát). Ta có một cấu trúc khó giải thích cả về mặt ngữ pháp lẫn ngữ nghĩa. Về ngữ pháp, không thể xác định tư cách “làm cho” và cả thành phần sau nó trong quan hệ với thành phần đi trước. Về ngữ nghĩa, sẽ không thể xác định việc “hút thuốc” hay là việc “bắt đầu hút thuốc” gây khó chịu cho mọi người. Chúng tôi cho rằng có lẽ xử lý (14b) như một cấu trúc quan hệ thì hợp lý hơn: “Nó bắt đầu hút thuốc, làm cho mọi người khó chịu” (cf. Cao Xuân Hạo [2, 240]).
Như trên đã nói, về nguyên tắc, bắt đầu không đi với kết quả (resultative), vì một bên là pha khởi đầu còn một bên là pha kết thúc. Tuy nhiên, cần thấy rằng cái kết quả trong trường hợp này không giống với cái kết quả của cấu trúc gây khiến: ở đây khoảng cách thời gian giữa hành động và kết quả theo sau là một đại lượng e tiệm cận zéro (e ® 0), tạo thành một cấu trúc biểu thị một sự tình tương tự sự tình điểm tính. Do vậy, nếu đối tượng chuyển tác được biểu hiện bằng một danh từ khối thì cái danh từ khối đó đôi khi phải nhờ vào ngữ cảnh mới có thể tham gia vào quá trình khởi phát.
Xét các câu sau đây:
(15)  a. *Nó bắt đầu bẻ gãy cây bút.
   b. Nó bắt đầu bẻ cong cây bút.
            c. Nó bắt đầu bẻ gãy số bút vừa nhận được/ những cây bút đó.
            d. ??Nó bắt đầu bẻ gãy bút.
     Ở (a), “gãy” trong “bẻ gãy” là một vị từ điểm tính nên sự tình không thể đánh dấu khởi phát; trong khi đó, “cong” là một vị từ có tính thang độ (scalarity) nên (b) hoàn toàn khả chấp.
Ở (c), hành động “bẻ” và kết quả “gãy” được thực hiện trên mỗi phần tử (“gãy” vẫn là vị từ điểm tính), do đó bắt đầu có thể đánh dấu pha khởi đầu của quá trình nhằm đi đến cái kết quả chung là toàn bộ các phần tử đều bị gãy.
Ở (d) đối tượng là một danh từ khối, nghĩa là có tiềm năng mang đặc tính của một thực thể lũy tích, nhưng trong trường hợp này tiềm năng đó không được hiện thực. Ở đây nó vẫn là một danh từ không mang phạm trù số, tức là không hàm chứa một hữu hạn các phần tử. Câu (15d) khó được chấp nhận trong một bối cảnh bình thường.
     Với những vị từ chuyển tác chuyển vị, bắt đầu có thể đánh dấu thể khởi phát, đồng thời nó cũng giúp định hướng lại ngữ nghĩa của sự tình. So sánh: 
(16)  a. Nó đẩy cái xe vào nhà.
b. Nó bắt đầu đẩy cái xe vào nhà.
Trong câu (16a), tùy tình huống, “nhà” có thể là hướng (direction), có thể là đích (goal). Khi được đánh dấu khởi phát (16b), “nhà” chỉ có thể là hướng chứ không thể là đích. Lý do đơn giản: bắt đầu không thể đi với một sự tình hữu kết (telic) hoặc được đánh dấu kết quả, kết thúc.
(17)  a. *Nó bắt đầu đẩy cái xe vào nhà mất mười phút.
             b. *Nó bắt đầu đẩy cái xe vào đến nhà.
             c. Nó bắt đầu đẩy cái xe vào nhà, nhưng được vài bước thì ngã.
Ngay cả khi có một yếu tố đánh dấu thể như đã, rồi, chưa, sắp, lại, v.v. thì các yếu tố này chỉ tác động đến vị từ bắt đầu chứ không ảnh hưởng đến vị từ đi sau.
(18)  Nó (đã) bắt đầu đẩy cái xe vào nhà rồi.
Hành động “đẩy” vẫn chưa đạt đến đích.
            Tuy nhiên, điều đáng chú ý là ở sự tình chuyển tác chuyển vị, bản chất của danh ngữ tham tố không phải là yếu tố quan yếu – nếu vị từ chuyển tác [+thời lượng]. Ví dụ:
(19)  a. Nó bắt đầu đẩy xe/ chiếc xe/ ba chiếc xe vào nhà.
b. Nó bắt đầu chuyển ghế/ bàn ghế/ năm chiếc ghế/ qua phòng ăn.
            Đây chính là đặc điểm để phân biệt loại sự tình này với kiểu cấu trúc gây khiến ở trên (so với các câu (13)). Lý do: vị từ chuyển tác trong trường hợp này mang tính thời lượng rất rõ: đẩy, dắt, dẫn, kéo, lôi, v.v. đều là những vị từ có độ dài thời gian đáng kể. So sánh (19a) với (20) sau đây:
(20)  a. ?Nó bắt đầu xô chiếc xe ra.
b. ?Nó bắt đầu giật chiếc cúc áo ra.
Vị từ “xô”, “giật” không có tính thời đoạn nên khó chấp nhận danh ngữ đơn số “chiếc xe”. “chiếc cúc áo”. (Tuy nhiên, với ngữ cảnh nhất định, chẳng hạn khi cần hàng loạt hành động để có thể chuyển vị đối tượng (“xô”, “giật” nhiều lần) thì (20) khả chấp).
Hành động vô tác:
            Hành động vô tác là hành động không nhằm tác động đến đối tượng nào. Hành động vô tác thường là hành động di chuyển, cử động, ứng xử.
            Do bắt đầu đánh dấu thể khởi phát, nó không thể tương hợp với các hành động hữu kết (telic), bất kể đoạn tính hay điểm tính (accomplishment và achievement, Vendler).
(21)  a. Nó chạy đến (/vào) công viên.
b. Nó bắt đầu chạy đến (/vào) công viên.
c. Nó chạy trong công viên.
b. Nó bắt đầu chạy trong công viên.   
Ở (a) ta có một sự tình hữu kết (telic), vì theo Comrie bên trong sự tình có chứa kết điểm, hành động sẽ kết thúc khi đạt đến kết điểm ấy. Còn ở (c) ta có một sự tình vô kết, hành động “chạy trong công viên” không có kết điểm đầu và cuối. (Trong tiếng Việt có thể kiểm tra tính hữu kết/ vô kết bằng cách trắc nghiệm với “đã” và “đang”. Một vị ngữ vô kết chấp nhận cả “đã” và “đang” mà nội dung sự tình không có thay đổi lớn; trong khi đó, vị ngữ hữu kết không có khả năng này). (Cf. [2][12])
Bắt đầu ở (b, d) đánh dấu thể khởi phát, đồng thời cũng đánh dấu tính diễn trình của hành động. Ở (b), bắt đầu đã loại trừ thuộc tính hữu kết. Hành động “chạy” được thực hiện một lần, bắt đầu đánh dấu khúc đoạn đầu của hành động đó. Tham tố thứ hai “công viên” được hiểu là hướng, vì quá trình “chạy” có thể đã được khởi động nhưng không có nghĩa là đương nhiên sẽ đạt đến đích. Ở (d), do sự có mặt của tham tố vị trí (location), “chạy” được hiểu là một hành động được tiến hành nhiều lần, mang tính lặp (iterative). Như vậy, “bắt đầu chạy trong công viên” tức là bắt đầu một hoạt động thể thao chứ không phải là bắt đầu một hành động chuyển dời vị trí. Kể cả khi sự tình được đánh dấu thời điểm khởi đầu hoặc thời gian diễn tiến thì tình hình cũng không có gì thay đổi. Ví dụ:
(22)  a. Hôm qua (/ Ngày mai) nó bắt đầu chạy trong công viên.
b. Nó bắt đầu chạy trong công viên (trong) một tiếng.
Nhìn chung, với các sự tình hành động vô tác di chuyển điểm tính (đến, tới, vào, rời (khỏi), ra (khỏi), v.v.) cũng cần chú ý đến cả cấu trúc của tham tố chủ thể chứ không chỉ tham tố đối tượng. Đây là một vấn đề quan yếu về mặt tri nhận (cognitive). Xét các câu sau:
(23)  a. Nó bắt đầu rời (khỏi) nhà.
b. ?Nó bắt đầu rời thành phố.
c. Đoàn quân bắt đầu rời thành phố.
d. Cả gia đình bắt đầu rời nhà.
Ngay tại thời điểm quy chiếu, “nó” thực hiện những bước đầu tiên vượt qua ranh giới giữa “nhà” và “không phải nhà” – theo kiến thức thông thường, hành động này có thể được xác định một cách minh bạch về cả thời gian (đúng 7 giờ sáng, chẳng hạn) và không gian (ranh giới là cái cửa, chẳng hạn); do đó (23a) là bình thường. Trong khi ở (23b), về tri nhận, ta có một sự mơ hồ hiển nhiên: Ở thời điểm xác định nào thì “nó” vượt qua ranh giới “thành phố”? Có phải ranh giới đó là một cột cây số chăng? Và điều quan trọng hơn cả, ít nhất đối với ngữ pháp chức năng, (23b) sẽ được dùng trong tình huống nào? Tuy nhiên, nếu tham tố chủ thể là một thực thể lũy tích (23c) thì mọi chuyện sáng rõ: tại thời điểm quy chiếu, những (một/ vài) đơn vị đầu tiên của “đoàn quân” vượt qua ranh giới “thành phố”, và quá trình đó chỉ mới khởi đầu (sau một thời lượng đáng kể sẽ kết thúc bằng việc người lính cuối cùng bước qua ranh giới đó). Theo phân tích này, câu (23d) có thể hiểu hoặc như (23a) hoặc như (23c); về mặt tri nhận, có lẽ cách hiểu sau dễ chấp nhận hơn. (Cf. “Nó bắt đầu đi” vs. “Đoàn quân bắt đầu đi”).
            Với vị từ vô tác biểu thị hành động ứng xử hoặc các hành động liên quan đến hoạt động của các giác quan, bắt đầu có thể đánh dấu khúc đoạn đầu của hành động đó. Ở đây, cấu trúc của các tham tố cũng có vai trò tương tự như những trường hợp trên.
(24)    a. Nó bắt đầu nghe nhạc (/ bài hát đó).
b. *Nó bắt đầu nghe một tiếng nổ “ầm”.
              c. Nó bắt đầu ngắm (bức) tranh trên tường.
d. Nó bắt đầu chào mọi người (/ ?tôi).
Ở (a), “nhạc” có thể là âm nhạc nói chung, một bài hát hoặc một đoạn hòa tấu – nội dung biểu hiện của câu không có gì thay đổi. Nhưng (b) thì khó được chấp nhận, vì “một tiếng nổ “ầm”” là dấu hiệu của một sự tình điểm tính. Ở (d) “chào” (bằng cái gật đầu chẳng hạn) cũng là một sự tình điểm tính, do đó nếu thay “mọi người” bằng “tôi” thì khó được chấp nhận. (Cf. “Mọi người bắt đầu chào tôi”).
   Với vị từ vô tác biểu hiện cử chỉ thì tình hình có điểm khác biệt lớn so với các sự tình đã nói trên. Khác biệt đó là bắt đầu không đánh dấu khúc đoạn đầu của sự tình được diễn đạt bằng vị từ hành động, cũng không đánh dấu sự kiện lặp, mà đánh dấu sự khởi đầu của quá trình (chuẩn bị) và kết quả là đạt đến cái trạng thái mà kết cấu ngữ vị từ diễn đạt – cái kết quả này không quan yếu trong ngữ nghĩa của câu. Ví dụ:
(25)  a. ?Nó bắt đầu ngồi (/ đứng, nằm).
b. Nó bắt đầu ngồi dậy.
c. Nó bắt đầu đứng lên.
d. Lúc tôi bắt đầu đứng (lên), chân phải hơi đau.
Ở (b), (c) “bắt đầu ngồi dậy” hay “bắt đầu đứng lên” diễn đạt pha đầu của hành động; ở thời điểm quy chiếu “nó” chưa có tư thế “ngồi” hoặc “đứng” – có vẻ như chúng ta  đang xem một phim chiếu chậm. Hành động kết thúc khi “nó” đạt được tư thế “ngồi”, “đứng”. Ở câu (d), hành động “đứng” (hoặc “đứng lên”) đã lùi vào hậu cảnh, cho nên có thể hiểu đó là khúc đoạn đầu của trạng thái đứng.
Chính với ý nghĩa vừa nói, nếu ngữ vị từ biểu thị một hành động điểm tính thì khó được chấp nhận, chẳng hạn:
(26)  a. ?Nó bắt đầu nhấc đầu (/ gật đầu, nhún vai).
b. ?Nó bắt đầu đứng lại.
Khi tham tố chủ thể là một thực thể lũy tích thì hành động điểm tính này lại biến thành đoạn tính. Ví dụ:
(27)  Đoàn xe (/ Dòng người) bắt đầu dừng lại.
Quá trình chuyển tác:
            Một Quá trình khác với một hành động ở chỗ [-chủ ý]. Một Quá trình chuyển tác thường có tham tố tác thể là một lực (force) [-động vật], không phải là một công cụ (instrument). Thể khởi phát của một Quá trình chuyển tác cũng chịu những ràng buộc về thuộc tính thời lượng của ngữ vị từ, về cấu trúc tham tố hay là tính lũy tích của tác thể và đối thể. Ví dụ:
(28)  a. (?Con) Sóng bắt đầu đánh mạnh vào mạn tàu.
b. Nước bắt đầu nhấn chìm thành phố.
              c. (Ngọn) Lửa bắt đầu liếm qua dãy nhà bên kia đường.
d. *Sét bắt đầu đánh chết người đàn ông đó.
Ở (28a), “đánh” là vị từ điểm tính, do vậy tác thể buộc phải là “sóng” lũy tích chứ không thể là “con sóng”. Ở (28b,c) không có đòi hỏi gì về tác thể, vì đối thể là thực thể lũy tích. (28d) khó được chấp nhận vì bản chất vị từ (điểm tính) và cả tham tố đối thể (đơn vị, xác định) của nó. 
 Quá trình vô tác:
            Một Quá trình vô tác là một quá trình chuyển vị hay chuyển thái [-chủ ý], không có thực thể  nào được xem là đối tượng chịu tác động của vị từ diễn đạt quá trình đó.
            Với những vị từ Quá trình điểm tính, để mang thuộc tính khởi phát, quá thể (processor) phải có tính lũy tích. Ví dụ:
(29)    a. *Thằng bé bắt đầu ngã.
             b. Toán lính bắt đầu ngã.
c. Cây me bắt đầu chết.
d. Lá me bắt đầu rụng.
Câu (29a) khó được chấp nhận (trong điều kiện bình thường), nhưng (29b) thì tự nhiên, vì có thể hiểu là “những người lính đầu tiên (của toán lính) ngã xuống”. Ở (29c), “chết” điểm tính và “cây” là danh từ đơn vị, do vậy câu này chỉ khả chấp khi hiểu rằng quá trình “chết” được khởi động ở một bộ phận nào đó của cây; “cây me” chưa thực sự “chết”. (Cf. *“Con chó bắt đầu chết”). Ở (29d) “lá” phải được hiểu là danh từ khối, “lá me” là một thực thể lũy tích; câu trên có nghĩa là chỉ mới có một số “lá me” rụng. Ở (29), về cơ bản bắt đầu cũng hành chức tương tự những kiểu sự tình trên, quá trình “ngã”, “chết”, “rụng” đã khởi động nhưng đều chưa đạt đến kết điểm.
Trạng thái
            Trạng thái là một tình hình (situation) [-động] [+nội tại], bao gồm tính chất và tình trạng.
            Tính chất là một trạng thái phân biệt với tình trạng ở tính bất biến về thời gian [+thường tồn]. Trong khi khảo sát đặc trưng thể, Lehman [8] ghép sự tình này với sự tình kiểu như “Anh ấy là bác sĩ” (Lehman gọi là class membership) vì tính phi thời gian (atemporal) của nó. Như vậy, sự tình tính chất không có thể khởi phát (và cũng không có thể hoàn tất).
(30)  a. *Cái bàn này bắt đầu bằng gỗ.
b. *Ông ấy bắt đầu rất cao lớn.
c. *Viên kim cương bắt đầu cứng.
Trong nhóm này, riêng vị từ biểu thị tính chất thuộc lĩnh vực tinh thần hay phong cách ứng xử thì vẫn có thể kết hợp với bắt đầu [2, 239]. Ví dụ:
(31)  a. Nó bắt đầu thông minh (/ chậm hiểu) rồi đấy!
b. Nó bắt đầu nóng nảy (/ trung thực).
Các câu (31) không có nghĩa là “nó bắt đầu một tính chất...” mà chỉ có nghĩa là “nó bắt đầu hành động (hay ứng xử) một cách thông minh (hay nóng nảy)”. Ở đây ta có một quá trình ứng xử chứ không phải là sự tình tính chất.
Tình trạng là một trạng thái có tính thời lượng, do vậy có thể đánh dấu các pha bên trong của nó. Đây cũng là lý do bắt đầu có thể tác động đến vị ngữ tình trạng (“già”) hoặc vị ngữ quá trình (“già đi”). Ví dụ:
(32)  a. Ông ấy bắt đầu già (/ già đi).
b. Nó bắt đầu béo (/ béo ra).
            Với bắt đầu, các câu trên biểu hiện các Quá trình [+động]. Quá trình “già” khởi từ thời điểm quy chiếu, không có kết điểm cuối. Về ngữ nghĩa, người ta biết quá trình già vẫn tiếp diễn, dù đây không phải là ngữ nghĩa quan yếu.
            Fukuda [5] cho rằng trong tiếng Việt một vị từ [tĩnh] kết hợp với ra sẽ tạo ra inchoactive. Trong đó, bản thân ra tạo thành một ngữ đoạn thể tính (aspectual phrase) còn vị từ chính được nâng cấp và đưa ra trước. Chúng tôi cho rằng cách giải thích này khó gần với trực giác của người bản ngữ. Hơn nữa, theo chúng tôi, ra (và những từ tương tự: đi, lên, lại) không phải là tác tố thể mà chỉ là tác tố quá trình hóa: nó có vai trò biến một tính chất/ tình trạng [-động] thành một quá trình [+động]. Do vậy, nó liên quan đến sự chuyển thái chứ không phải thể khởi phát. Trong “Ba năm rồi không gặp, tôi thấy chị đẹp ra”, không thể cho rằng quá trình “đẹp” bắt đầu ở thời điểm cách đây ba năm, càng không thể ở thời điểm nói. Nó chỉ cho biết có một sự chuyển biến từ “không đẹp” đến “đẹp” trong khoảng thời gian ba năm.
            So sánh các câu sau:
(33)  a. Sau khi con gái lấy chồng, ông trở nên (/ bắt đầu) già đi.
b. Dần dần ông trở nên (/ *bắt đầu) già đi.
Ở (a), với thời điểm xác định (con gái lấy chồng), có thể sử dụng vị từ chuyển thái “trở nên” hoặc vị từ khởi phát bắt đầu. Nhưng ở (b), với trạng ngữ diễn tiến “dần dần”, vị từ “trở nên” được chấp nhận còn bắt đầu thì không. Như vậy, ra và những yếu tố tương tự không thể xem là tác tố khởi phát.
            Thực tế, xác định một sự tình là tính chất hoặc tình trạng là một việc không đơn giản.
Tính chất là thuộc tính bản chất của thực thể, do vậy, về mặt nhận thức có thể cho rằng tính chất bất biến về thời gian. Khi tính chất là tạm thời hoặc bị hạn định về thời gian (nằm trong quá trình chuyển đổi) thì ta có một tình trạng. Có thể kiểm nghiệm bằng vị từ đang: tính chất không hàm chứa tính diễn tiến hoặc nhất thời nên không thể kết hợp với đang, trong khi đó tình trạng thì ngược lại.
(34)  a. *Cái bàn này đang bằng gỗ.
b. *Ông ấy đang cao lớn.
Những trường hợp sau đây thì khác:
(35)  a. Thằng bé đang lớn.
b. Thằng bé bắt đầu lớn.
Sự tình ở (35) được tri nhận như là sự tình tình trạng. (Chú thích: Ở đây cần nói thêm, khó lòng nói “ông ấy lớn quá”, “thằng bé đang cao lớn”. Ở đây có sự phân hóa khá rõ nghĩa tính chất và nghĩa tình trạng của vị từ). Có vẻ như bắt đầu là thuốc thử để phân biệt tính chất và tình trạng (So sánh: “Cháo đặc quá” vs. “Cháo bắt đầu đặc”).
Sự tình quan hệ:
Theo bảng phân loại của Cao Xuân Hạo, sự tình quan hệ có bốn loại: (i) quan hệ giữa thực thể với thực thể, (ii) giữa thực thể với sự tình hay chu cảnh, (ii) giữa sự tình với sự tình, và (iv) giữa sự tình với chu cảnh. Do sự tình quan hệ có cấu trúc nội bộ rất phức tạp và đa dạng, ở đây chúng tôi chỉ trình bày chung hai trường hợp: không có khả năng và có khả năng đánh dấu thể khởi phát.
            Nói chung, những sự tình quan hệ có thể được đánh dấu khởi phát là những sự tình tiềm tàng thuộc tính chuyển biến theo thời gian (tương tự nhưng không đồng nhất với [+động]). Như vậy, quan hệ đồng nhất (kiểu “A là B”), và các mối liên hệ thân thuộc, vị trí, thời gian hầu như không thể đánh dấu khởi phát: không thể nói “Ông ấy bắt đầu là người Hà Nội”, “Nó bắt đầu là con của bà Hai”, “Cây bút bắt đầu ở trên bàn”, “Hội nghị APEC bắt đầu diễn ra trước tháng 3/2011”, v.v..
            Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, các dấu hiệu khởi phát có thể dẫn đến một suy luận khác: “Ông ấy bắt đầu là người Hà Nội” nghĩa là ông ấy bắt đầu mang tư cách hoặc có quyền lợi hoặc có cách hành xử của người Hà Nội. Tương tự: cuộc sống của mỗi con người chỉ có một, nhưng vẫn có kiểu diễn đạt: “bắt đầu cuộc sống mới”. (Cf. “bắt đầu thông minh”, vd (31a)).
Trong thực tế tiếng Việt, sẽ tự nhiên hơn rất nhiều nếu thay hệ từ trong đẳng thức “A là B” bằng vị từ làm: sự tình quan hệ đồng nhất sẽ được thay bằng một sự tình quá trình: “Ông ấy bắt đầu làm người Hà Nội (/ bác sĩ, thợ hồ)”. Tính phi thời gian đã được thay thế bằng tính thời lượng.
            Trong các sự tình quan hệ có bốn quan hệ có thể đánh dấu khởi phát: so sánh, liên đới, tương tác và nhân quả (loại thứ tư này khác với quan hệ gây khiến đã bàn đến ở trên) [2, 242].
Ví dụ về quan hệ so sánh:
(36)  a. Nó bắt đầu cao hơn anh nó.
b. Nó bắt đầu khác với trước đây.
c. *Nó bắt đầu kém tuổi anh nó.
Ở (a), (b) với bắt đầu ta có một Quá trình chứ không phải là quan hệ nữa (có thể kiểm tra bằng khả năng kết hợp với đãđang). Như vậy, có một hàm ý: mức độ “giỏi hơn” và mức độ “khác” sẽ tiếp tục (và có thể gia tăng). Trong khi ở (c), ngữ vị từ “kém tuổi” biểu thị một thuộc tính bất biến, do đó không thể đánh dấu thể khởi phát. 
            Ví dụ về quan hệ liên đới:
(37)  a. Nó bắt đầu dính với ma túy.
b. Nó bắt đầu có liên quan đến vụ trộm.
“Bắt đầu dính (/ liên quan)” nghĩa là sự dính líu hay liên quan chỉ mới khởi động. Tuy nhiên, ở (a) “ma túy” là một danh từ lũy tích trong khi “vụ trộm” là một sự kiện đã diễn ra và kết thúc (nghĩa xác định, đơn số) cho nên có sự khác nhau về ngữ nghĩa. “Bắt đầu dính với ma túy” thì (có thể hiểu) sẽ ngày càng dính sâu hơn; nhưng “bắt đầu có liên quan đến vụ trộm” phải được hiểu là “bắt đầu được xem là có liên quan” – vì với một sự kiện quá khứ người ta chỉ có thể liên quan hoặc không liên quan chứ không thể bắt đầu liên quan rồi hết liên quan.
            Ví dụ về quan hệ tương tác:
(38)  a. Sự chăm chỉ của nó bắt đầu ảnh hưởng đến lớp học.
b. Chính sách mới đã bắt đầu thúc đẩy xuất khẩu.
            Ở (38), vị từ biểu hiện tương tác có thể có tính thời lượng, thậm chí có cả tính chuyển biến (tăng, giảm) nên hoàn toàn có thể được đánh dấu khởi phát.
            Ví dụ về quan hệ nhân quả (gián tiếp)            :
(39)  a. Tai nạn đó bắt đầu khiến tôi (/ mọi người) lo sợ.
b. Chất thải của nhà máy bắt đầu làm cho cá (/ *con cá) chết.
Ở (39), bổ ngữ của câu là một tiểu cú. Sự tình của tiểu cú (39a) được diễn đạt bằng vị từ đoạn tính nên dù chủ thể của nó là “tôi” hay “mọi người” thì vẫn có tính thời lượng. Thể khởi phát ở đây được thể hiện đầy đủ. Ở tiểu cú (39b), “chết” là vị từ điểm tính; nếu chủ thể là danh ngữ lũy tích “cá”, ta có sự tình đoạn tính, còn nếu chủ thể là danh ngữ đơn số “con cá”, ta có sự tình điểm tính. Trường hợp thứ nhất có thể đánh dấu khởi phát, còn trường hợp thứ hai thì không.
Như vậy có thể thấy rằng ở sự tình quan hệ, thể khởi phát cũng có thể được đánh dấu bằng bắt đầu với những ràng buộc liên quan đến bản chất của vị từ hay/ và danh ngữ tham tố.
4. Kết luận
            Ý nghĩa khởi phát trong tiếng Việt có thể được đánh dấu bằng nhiều yếu tố từ vựng khác nhau, tiêu biểu là vị từ bắt đầu. Trong quá trình hình thành thể, đặc trưng của vị từ và của các danh ngữ đóng vai trò tham tố có vai trò hết sức quan trọng: nó phải đảm bảo tính thời lượng cho sự tình khởi phát. Riêng ở danh ngữ tham tố, tính lũy tích là yêu cầu thứ nhất.
            Từ những phân tích trên nảy ra một vấn đề có tính lý thuyết: thể nói chung và thể khởi phát nói riêng liệu có phải là tình thái? Liệu có sự đối lập tuyệt đối thể - tính thái trong một ngôn ngữ đơn lập như tiếng Việt?
            Trên đây là một số quan sát về thể khởi phát tiếng Việt thông qua hoạt động của vị từ bắt đầu. Hy vọng bài viết này sẽ góp thêm một ý kiến vào một vấn đề hết sức phức tạp và thú vị là thể.

Chú thích:
(1) Chúng tôi ngờ rằng ấn tượng về sự khởi đầu của một sự tình chuyển thái xuất phát từ ấn tượng về tính thang độ của trạng thái kết quả: “trở nên vàng”có vẻ như bắt đầu vàng vì sự vật chưa thực sự vàng, chưa hoàn toàn vàng. Chúng tôi cũng đã tiến hành kiểm tra cảm nhận của người bản ngữ (Mỹ), các câu chuyển thái trên đều không được xem là “bắt đầu”.
(2) Trong tiếng Việt, có lẽ Nguyễn Hoàng Trung là người đầu tiên xét ý nghĩa khởi phát ở kiểu cấu trúc tương tự [12].
(3) Quan điểm về giá trị tạo thể của vị từ và các danh ngữ, về sự “cách hiểu” gián tiếp giữa các loại sự tình của Smith [13] gợi ý rằng thể khởi phát không nằm trong hệ thống ngang hàng với các kiểu sự tình như hệ thống mà Lehman đề xuất [8][5]. Chúng ta có thể khảo sát thuộc tính khởi phát như một thuộc tính ngữ nghĩa trên các kiểu sự tình khác nhau.
(4) Ở đây “quá trình” được dùng với nghĩa thông thường, tương tự như “tiến trình”, “diễn trình”, chứ không hiểu theo nghĩa thuật ngữ mà Dik định nghĩa là [+động] [-chủ ý]. Lehman [9, 3299] cũng dùng theo nghĩa thông thường này.
(5) Cần nói thêm, vì là một cấu trúc đề - thuyết bị hạ cấp nên phần thuyết trong những trường hợp này không thể được đánh dấu tình thái. Ví dụ: “Nó (*đã/ đang/ lại/ cứ...) hút thuốc làm cho mọi người khó chịu” [2, 237].

Tài liệu tham khảo chính:
1.       Bybee J.L. 1994. The Grammaticization of Zero: Asymmetries in Tense and Aspect Systems. Trong: Pagliuca W. (ed.) Perspectives on Grammaticalization. John Benjamins Pub.
2.       Cao Xuân Hạo 1991. Tiếng Việt, sơ thảo ngữ pháp chức năng - Q1. Nxb KHXH, Tp. HCM.
3.       Comrie B. 1976. Aspect. Cambridge University Press, NY.
4.       Dahl O 1994. Aspect. Trong: Asher R.E. (ed.) (1994). The Encyclopedia of Language and Linguistics, Pergamon Press.
5.       Fukuda Shin 2006. The Projection of Telicity in Vietnamese. http://idiom.ucsd.edu/~fukuda/Vietnamese_WECOL.pdf.
6.       Huỳnh Văn Thông 2000. Mấy nhận xét về vị từ tình thái và ý nghĩa thể trong tiếng Việt. Ngôn ngữ. Số 8&10. H.
7.       Huỳnh Văn Thông 2004. Vị từ tình thái tiếng Việt (đối chiếu với tiếng K”ho-Mạ). Luận án tiến sĩ, ĐHQG Tp.HCM.
8.       Krifka M. 1989. Nominal reference, temporal constitution, and quantification in event semantics. Trong: R. Bartsch, J. van Benthem, and P. van Emde Boas (eds.). Semantics and contextual expressions. pp 75-­115, Foris, Dordrecht.
9.       Lehman C. 1994. Predicates: Aspectual Types. Trong: Asher R.E. (ed.) (1994). The Encyclopedia of Language and Linguistics, Pergamon Press.
10.    Lyons J. 1977. Semantics. Vol.2. Cambridge University Press.
11.    Nguyễn Đức Dân 1996. Biểu hiện và nhận diện thời gian trong tiếng Việt. Ngôn ngữ. Số 3. H.
12.    Nguyễn Hoàng Trung 2006. Thể trong tiếng Việt (so sánh với tiếng Pháp và tiếng Anh). Luận án tiến sĩ, ĐHQG Tp.HCM.
13.    Ping Li & Yasuhiro Shirai 2000. The Acquisition of Lexical and Grammatical Aspect. Mouton de Gruyter, Berlin.
14.    Smith Carlota S. 1997. The Parameter of Aspect. 2nd Edition. Kluwer Academic Publishers. Dordrecht.
15.    Vendler Zeno 1957. Verbs and Times. The Philosophical Review. Vol.66. No.2. Cornell University.



[1] Bài đăng ở tạp chí Ngôn ngữ, số 2/2011, H.

No comments:

Post a Comment