1. Đặt
vấn đề
Khi biểu hiện một sự
tình, do ảnh hưởng của nhiều nhân tố, người nói có thể chọn một trong nhiều hình
thức diễn đạt khác nhau. Những hình thức khác nhau này thường được gọi chung là
các biến thể cú pháp (syntactic variants). Xét về mặt nội dung, biến thể cú
pháp là những cách nhận định khác nhau của người nói về một sự tình dựa trên
những khác biệt về cách thức tổ chức câu.
Người nước ngoài, do khả
năng hạn chế về các mô hình cú pháp được học, thường đặt sai tiêu điểm thông
tin (làm văn bản thiếu mạch lạc hay hội thoại thiếu liên tục), hoặc tạo lập những
phát ngôn kém tự nhiên vì chỉ dựa trên những cấu trúc quen thuộc (với họ). Đôi
khi một phát ngôn đúng ngữ pháp lại tỏ ra không đạt yêu cầu giao tiếp, vì người
bản ngữ cảm thấy khó hiểu – đó không phải là một câu mà họ chờ đợi được nghe.
Vì vậy, trong quá trình dạy
tiếng Việt như ngôn ngữ thứ hai, cần cung cấp các biến thể cú pháp khác nhau để
người học có thể chọn lựa sao cho phù hợp với tình huống đối thoại hoặc phù hợp
với sự mạch lạc của văn bản.
Mục đích của bài viết
này là trình bày những thao tác xây dựng các biến thể cú pháp để từ đó giáo
viên dạy tiếng có thể ứng dụng vào việc thiết kế các bài học tiếng Việt.
Căn cứ vào các đối lập [±động], [±chủ
ý] và [±nội tại], Cao Xuân Hạo đưa
ra một hệ thống gồm ba loại câu mà ông gọi là ‘nghĩa biểu hiện của khung vị ngữ’:
câu chỉ sự tồn tại, câu chỉ sự tình động và câu chỉ sự tình tĩnh. Mỗi loại bao
gồm nhiều tiểu loại, tuỳ vào nội dung biểu hiện của nó.
Riêng loại câu chỉ sự tình tĩnh, có
thể phân biệt 2 loại lớn: câu trạng thái và câu quan hệ. Loại thứ hai là đối tượng
mà bài viết này muốn đề cập đến.
Theo Cao Xuân Hạo, “Câu
quan hệ là câu biểu hiện quan hệ giữa hai sự vật. Quan hệ là một tình hình mà
nội dung là một cái gì đó ở giữa hai sự vật, dù đó là một sự tiếp xúc, một
khoảng cách, một mối dây nhân quả hay một sự so sánh” [2, 232].
Theo ngữ pháp kinh nghiệm
của Halliday, quá trình quan hệ (relational processes) là một trong ba quá trình
chính, bên cạnh quá trình vật chất, quá trình tinh thần. Một quan hệ bao giờ cũng
được hình thành giữa hai thực thể phân lập, vì vậy các cú quan hệ thể hiện “một
cái gì đó được nói ‘là’ một cái gì đó khác”[3, 119]. Hay nói rõ hơn, về nguyên
tắc, quá trình quan hệ bao gồm các thành tố: (1) quan hệ (nội dung cốt lõi sự
tình hay là bản thân quá trình); (2) hai tham thể quan hệ (các yếu tố tham gia
sự tình, làm nên sự tình); (và ở các quá trình nói chung, có thể có một vài
thành tố chu cảnh).[3, 107]
Như vậy về cấu trúc, câu
quan hệ tối giản sẽ có hai tham thể và một “lõi” sự tình quan hệ. Trong ví dụ
sau:
(1)
a. Cô ấy cao hơn
tôi. (so sánh)
b. Ngôi nhà đó của
tôi. (sở hữu)
tham thể là cô ấy / tôi, ngôi nhà đó / tôi; tác tố sự tình quan hệ là cao
hơn, của.
Hai tham thể được biểu thị
bằng một ngữ danh từ (danh ngữ); “lõi” quan hệ có thể được biểu thị bằng một vị
từ, một hệ từ (là), và trong nhiều
trường hợp là một kết cấu vị ngữ có kích thước lớn hơn một vị từ (chẳng hạn đẹp không bằng trong “Cô ấy đẹp không
bằng tôi”) – từ đây chúng tôi sẽ gọi chung là vị tố quan hệ.
Chính do tính chất tương
đối thuần nhất về cấu trúc của sự tình quan hệ, chúng tôi chọn loại câu này để
khảo sát khả năng hình thành biến thể cú pháp của nó. Sau đây chúng tôi sẽ khảo
sát lần lượt các kiểu sự tình quan hệ khác nhau trong sự hình thành biến thể cú
pháp.
3. Biến
thể cú pháp của câu quan hệ
Biến thể cú pháp thường được
dùng để chỉ các biến thể đồng nghĩa của một kết cấu cú pháp nhất định nhưng
khác nhau về các đặc điểm cú pháp bề mặt và sắc thái dụng học.([1]) Tuy
nhiên, trong một ngôn ngữ đơn lập như tiếng Việt, một biến thể cú pháp có thể được
nhận diện ở sự thay đổi cương vị ngữ pháp của các thành tố trong khung ngữ nghĩa
của cấu trúc vị ngữ (thể hiện ở bề mặt là sự hoán vị và sự thiết lập các Đề khác
nhau của câu), ở sự thay đổi các tác tố tình thái, ở cách tái tổ chức ngữ nghĩa
câu (liên quan đến các yếu tố ngữ pháp khung). Như vậy, có thể dự đoán rằng một
biến thể cú pháp bao giờ cũng có sự chuyển nghĩa nhất định so với dạng thức ban
đầu của nó; mức độ đơn giản nhất của sự chuyển nghĩa đó là sự chuyển đổi tiêu điểm
thông tin (chẳng hạn thay đổi Đề) nhưng không thay đổi nghĩa biểu hiện, và ở mức
độ cao thậm chí ta có một cấu trúc với nghĩa biểu hiện khác hẳn (chẳng hạn một
sự tình tĩnh trở thành một sự tình động).
Ở đây, vì mục đích ứng dụng,
chúng tôi đề cập đến sự hình thành các biến thể cú pháp với nhiều mức độ khác
nhau, dựa trên các yếu tố của cấu trúc khung vị ngữ ban đầu – nghĩa là có thể sẽ
có những biến thể mang một đặc trưng mới về nghĩa biểu hiện: câu quan hệ trở thành
câu trạng thái hay câu hành động (và ngược lại), yếu tố chu cảnh trở thành Đề, yếu
tố trang trí trở thành tiêu điểm thông tin, v.v..
3.1. Quan hệ đồng nhất
Loại
câu này có mô hình cơ bản là A là B, A đồng nhất với B, với biến thể sau:
(2)
a. Hà Nội là thủ
đô của Việt Nam.
b.
Thủ đô của Việt Nam
là Hà Nội.
c. Từ không đồng nhất với hình vị.
d.
Hình vị không đồng nhất với từ.
Thao tác thực hiện biến
thể ở vd (2) rất đơn giản, chỉ cần hoán vị hai tham thể ta có hai biến thể khác
nhau ở phần Đề; và hầu hết các câu quan hệ đồng nhất đều có tính chất này. Tuy
nhiên, có những trường hợp khả năng này bị giới hạn: khi hai tham thể có quan hệ
thượng danh - hạ danh, tổng thể - bộ phận, thực thể - chất liệu; chẳng hạn:
(3)
a. Hổ là động vật
ăn thịt.
b. ?Động vật ăn thịt
là hổ.
c. Cô Lan là giáo viên
trường này.
d. ?Giáo viên trường
này là cô Lan.
e. Đồ đạc trong nhà này
là gỗ thông.
f. *Gỗ thông là đồ
đạc trong nhà này.
Về
mặt logic, giới hạn vừa nói có tính xuyên ngôn ngữ (cross-language) cho nên không
gây ra khó khăn cho người học. Nhưng trong thực tế sử dụng, các cấu trúc (3b, d)
vẫn có thể xuất hiện với hai điều kiện: (i) ngữ cảnh (chẳng hạn để xác định ‘động
vật ăn thịt’ trong năm loài thú được đưa ra để hỏi), và (ii) mức độ xác định của
phần Đề (yêu cầu này xuất phát từ bản chất ngữ pháp của Đề [2, 93-94], dựa vào
những yếu tố đi kèm: định ngữ, trạng ngữ, và tất nhiên, cả ngữ cảnh). Ví dụ:
(4)
a. Động vật ăn thịt
khỏe nhất là hổ.
b. Giáo viên nữ duy nhất của trường này
là cô Lan.
Riêng với loại quan hệ đồng nhất kiểu (3f)
thì cần thu hẹp (trực tiếp hoặc gián tiếp) phạm vi của tham thể đứng sau:
(5)
a. Gỗ thông là
nguyên liệu của đồ đạc trong nhà này.
b. Gỗ thông là nguyên
liệu làm (nên) đồ đạc trong nhà này.
Với
những câu quan hệ trong đó một trong hai tham thể có cấu trúc danh ngữ phức tạp
hơn (có một hay nhiều định ngữ, đặc biệt khi những định ngữ đó là một cấu trúc
có thuyết tính - tức là một tiểu cú) thì khả năng hình thành biến thể rộng hơn
nhiều, và có thể dẫn đến một kiểu nghĩa biểu hiện khác. Xét các câu sau:
(6)
a. Anh Tâm là
người mà bạn bè quí mến.
b.
Người mà bạn bè quí mến là anh Tâm.
c.
Bạn bè quí mến anh Tâm.
(7)
a. Điều quan tâm
lớn nhất của ông là giáo dục thanh niên.
b. Giáo dục thanh niên
là điều quan tâm lớn nhất của ông.
c. Giáo dục thanh niên
là điều ông quan tâm nhất.
d. Ông quan tâm nhất
đến việc giáo dục thanh niên.
(6c) và (7d) là hai câu
trạng thái chứ không còn là quan hệ nữa. Và cũng cần chú ý, ở (7b) và (7c) thành
phần định ngữ cho điều có cấu trúc khác
nhau, nghĩa là ta có một biến thể cú pháp khác biệt ở bậc cấu trúc ngữ đoạn chứ
không phải ở bậc câu.
Tất nhiên, về lý thuyết,
từ cấu trúc của một sự tình nào đó (hành động, quá trình, trạng thái) có thể hình
thành một cấu trúc quan hệ đồng nhất. Để có một cấu trúc như vậy, bên cạnh hoán
vị, thao tác danh hóa một thành phần ở bậc câu hoặc dưới câu (vị từ, định ngữ) là
hết sức cần thiết nhằm bảo đảm ‘lõi’ quan hệ có được hai tham thể trong khung vị
ngữ.
Xét các câu sau:
(8)
a. Cô ấy vẽ bức tranh này. (hành động)
b. Người vẽ bức tranh
này là cô ấy.
c. Bức tranh này là tác
phẩm của cô ấy.
d. Cô ấy là tác giả bức
tranh này.
(9)
a. Nó chơi bóng đá
rất giỏi. (trạng thái)
b. Cái giỏi / Sở trường
của nó là bóng đá.
c. Bóng đá là sở trường
của nó.
Ở
(8b) vị từ biểu thị hành động vẽ đã
được danh hóa thành tác nhân thực hiện hành động người vẽ; ở (9b, c) trạng ngữ cách thức rất giỏi đã được sự vật hóa (cũng có nghĩa là danh hóa) thành một
danh ngữ biểu thị năng lực, thuộc tính cái
giỏi, sở trường.
3.2. Quan hệ so sánh
Loại câu này gồm có các mô hình
cơ bản sau: A hơn B, A bằng B, A giống/
như / giống như B, A khác B. Chúng ta lần lượt xét các biến thể của nó.
(10) a.
Anh Nam
hơn anh Bắc.
b. Anh Bắc thua (/ kém/
không bằng) anh Nam.
Để thực hiện biến thể so
sánh, thao tác đơn giản nhất là hoán vị hai tham thể.
Về mặt nhận thức, hai
thực thể được đưa ra so sánh là hai thực thể riêng biệt và thường là không đồng
nhất ở một bình diện nhất định hoặc bất bình đẳng ở một thuộc tính nhất định (các
khác biệt và mức độ khác biệt này là cơ sở logic - ngữ nghĩa của quan hệ so
sánh). Khi cái được so sánh và cái so sánh có sự chênh lệch hơn-kém thì việc hoán
vị (thực chất là chuyển vai trò: cái được so sánh trở thành cái so sánh và ngược
lại) đòi hỏi vị từ so sánh phải được đảo nghĩa (converse) (hơn ®
kém/ thua/ không bằng).
Ngoài ra, so sánh hai
thực thể phân lập trong không gian bao giờ cũng là so sánh mức độ của cùng một
thuộc tính hoặc so sánh biểu hiện của cùng một bình diện (ở vd (10) người nói và
người nghe xem như đã biết thuộc tính hay bình diện được so sánh, nếu không sự
so sánh sẽ không có ý nghĩa). Hay nói cách khác, quan hệ so sánh thường được
biểu hiện bằng một vị tố quan hệ (vd: xấu
hơn, tốt không bằng, giống về kiểu dáng, tốt hơn về chất lượng) chứ không chỉ là một vị từ đơn nhất (hơn, kém, giống, bằng). Chính cái thuộc
tính hoặc bình diện được so sánh đó sẽ góp phần tạo ra các biến thể khác nhau.
Ví dụ:
Ta có: Cô ấy giống mẹ ®
Cô ấy giống mẹ ở đôi mắt đẹp. Từ đó:
(11) a.
Đôi mắt đẹp của cô ấy giống đôi mắt đẹp của mẹ.
b. Đôi mắt (của) cô ấy
đẹp giống mẹ.
c. Cái đẹp của đôi mắt
cô ấy giống mẹ.
d. Chỗ giống nhau giữa
cô ấy và mẹ là đôi mắt đẹp.
Ta
có: Nam giỏi hơn Hà ® Nam giỏi hơn Hà về khả năng nói tiếng Pháp.
Từ đó:
(12) a.
Khả năng nói tiếng Pháp của Nam
giỏi hơn (khả năng nói tiếng Pháp của) Hà.
b. (Khả năng nói) tiếng
Pháp (thì) Nam
giỏi hơn Hà.
c. (Khả năng nói) tiếng
Pháp (thì) Hà không giỏi bằng Nam.
d. Cái Nam giỏi hơn Hà
là (khả năng nói) tiếng Pháp.
e. Cái giỏi của Nam so
với Hà là (khả năng nói) tiếng Pháp.
Như vậy, trong quan hệ
so sánh, Đề hóa bình diện so sánh (11a, b) (12a, b, c) hoặc Đề hóa thuộc tính
(sau khi danh hóa) (11c, d) (12d, e) sẽ tạo ra những biến thể khác nhau (chưa kể
khả năng hoán vị).
Ngoài ra, khi hai tham
thể so sánh và được so sánh cùng đóng vai trò Đề, sự có mặt của đại từ tương hỗ
(reciprocal) nhau ở sau vị tố quan hệ
là cần thiết.
(13) a.
Cách ăn mặc của Lan khác cách ăn mặc của Hà.
b. Lan khác Hà ở cách
ăn mặc.
c. Lan và Hà khác
nhau ở cách ăn mặc.
d. Cách ăn mặc của
Lan và Hà khác nhau.
Khi
một trong hai danh ngữ tham thể có chứa đại từ phiếm chỉ ai, gì, đâu, nào hoặc dạng phủ định của nó (không ai, không gì, không đâu) ta sẽ có các biến thể với nội
dung so sánh cực cấp. Ví dụ:
(14) a.
Không ai trong lớp khoẻ bằng anh ấy.
b.
Trong lớp, anh ấy khoẻ không bằng ai.
c. Trong lớp, anh ấy khoẻ (/ yếu) hơn
cả.
d.
Anh ấy khỏe (/ yếu) nhất (trong) lớp.
Với
kiểu so sánh này, sự có mặt của một trạng ngữ (khung đề) hoặc một định ngữ chỉ
ra cái phạm vi giới hạn của toàn bộ thực thể so sánh là rất quan trọng (ở (14)
là trong lớp).
Với một câu quan hệ so sánh
chúng ta cũng có thể tạo ra một biến thể trạng thái hoặc một biến thể đồng nhất:
(15) a.
Đối với tôi, không gì quý bằng món quà này.
b.
Món quà này tôi quý nhất.
c. Tôi quý món quà này
nhất.
(16) a.
Không gì quý hơn độc lập, tự do.
b.
Độc lập, tự do là cái quý nhất.
c.
Cái quý nhất là độc lập, tự do.
Chú ý: Không phải câu
quan hệ so sánh nào cũng đều có thể hoán vị hai tham thể, đặc biệt là những so
sánh mang tính ẩn dụ (Lá phong đỏ như mối
tình rực lửa không thể có biến thể Mối
tình rực lửa đỏ như lá phong); và về mặt văn hoá, quan hệ tôn ti giữa hai
thực thể so sánh đôi khi cũng quan trọng (ss. Con giống mẹ // ?Mẹ giống con).
3.3. Quan
hệ tương liên
Quan hệ tương liên gồm
những mối quan hệ như quan hệ sở hữu, liên hệ thân thuộc, liên hệ xã hội, liên
hệ vị trí.
– Câu chỉ quan hệ sở hữu có mô hình cơ bản:
A (là) của B, A thuộc về B, A là chủ sở
hữu của B.
(17) a.
Ngôi nhà này (là) của anh Nam.
b. Ngôi nhà này là sở
hữu của anh Nam.
c. Ngôi nhà này thuộc
về anh Nam.
d. Ngôi nhà này thuộc
quyền sở hữu của anh Nam.
e. Anh Nam là chủ nhân
của ngôi nhà này.
f. Quyền sở hữu ngôi
nhà này thuộc về anh Nam.
Để có biến thể, chúng ta
có thể chuyển đổi vị từ quan hệ sở hữu của
thành các vị tố là của, là
sở hữu của, thuộc về, thuộc quyền sở hữu,
sở hữu chủ của; và/hoặc hoán vị hai tham thể; đôi khi có thể danh hóa quan
hệ sở thuộc bằng cụm từ quyền sở hữu
và đặt làm Đề (17f).
Khi trong quan hệ sở hữu
có kèm theo quan hệ phân phối thì khả năng biến thể sẽ rộng hơn, đặc biệt, cấu
trúc câu có thể tỉnh lược vị tố quan hệ, chỉ còn lại hai tham thể.
(18) a.
Trong tủ có hai cái áo. Cái màu xanh của anh, cái màu vàng của em.
b. Trong tủ có hai cái
áo. Anh cái màu xanh, em cái màu vàng.([2])
Tất nhiên, cũng có thể có
biến thể đồng nhất xuất phát từ quan hệ sở hữu:
(19) a.
Bức tranh này của cô Lan.
b. Bức tranh này là tài
sản của cô Lan.
c. Cô Lan là người vẽ
bức tranh này.
Nói
chung, một hành động sáng tạo (vẽ, chụp, viết, đóng, may, v.v.) hoặc một hành động trao đổi (mua, sắm,
đổi, trao, v.v.) đều có thể dẫn đến sự sở hữu và được diễn đạt bằng một
một cấu trúc sở hữu hoặc một cấu trúc đồng nhất.
– Câu chỉ liên hệ thân thuộc, liên hệ xã
hội có mô hình cơ bản: A là cha/ con của
B, A là thầy/ trò của B. Vị tố biểu thị quan hệ này có cấu trúc: là cha
của, là con của, là chủ của, là học trò của, v.v..
(20) a.
Cô Ba là mẹ em Nam.
b. Em Nam là con cô
Ba.
c. Mẹ em Nam là cô Ba.
d. Cô Ba sinh ra em Nam
Về hình thức, loại câu này
giống loại câu quan hệ đồng nhất. Tuy nhiên, nó phân biệt với loại quan hệ đồng
nhất ở chỗ khi hoán vị tham thể chúng ta cần đến các từ đảo nghĩa trong trục quan
hệ (mẹ - con, sếp - nhân viên, đàn anh - đàn em, bác sĩ - bệnh nhân, luật sư - thân chủ, v.v.).
Câu liên hệ có thể có biến
thể là câu đồng nhất (20c) hoặc câu quá trình (20d). Tuy nhiên, có những mối liên
hệ kèm theo nó là những hành động, quá trình nhất định. Thậm chí, từ những hành
động, quá trình này mà người ta có thể suy ra mối liên hệ, ví dụ: A là thầy của
B «
A dạy B; A là thủ trưởng của B « A lãnh đạo/ quản lý B; A là chủ của B « A
thuê B. Và cũng có những mối liên hệ khó chuyển thành hành động, quá trình như
thế: A là chị của B «
?A sinh trước B/ ??A có quyền đối với B/ ??A chăm sóc B.
– Câu chỉ liên hệ vị trí có các mô hình cơ
bản: A ở trong/ ngoài B, A ở dưới/trên B,
A ở bên B, A ở gần/ xa B, A ở cách B....
(21) a.
Bộ quần áo ở trong cái ba lô.
b. (Ở) trong cái ba lô
có (/ là) bộ quần áo.
c. Cái áo khoác đen ở
ngoài cái sơ mi.
d. (Ở) ngoài cái sơ
mi có (/ là) cái áo khoác đen.
(22) a.
Quyển từ điển ở dưới (/ trên) quyển tiểu thuyết.
b. (Ở) dưới (/ trên)
quyển từ điển có (/ là) quyển tiểu thuyết.
(23) a.
Công viên Gia Định ở bên cạnh trường tôi.
b. Trường tôi ở bên cạnh
công viên Gia Định.
c. (Ở) bên cạnh trường
tôi có (/ là) công viên Gia Định.
Để thực hiện biến thể,
khi hoán vị hai tham thể cần sử dụng các vị tố quan hệ đảo nghĩa ((ở) trong
- (ở) ngoài, (ở) trên – (ở) dưới, (ở) trước
- (ở) sau). Với các biến thể chứa vị từ có, ta có câu tồn tại.
Cần chú ý rằng, trong khi diễn đạt
quan hệ vị trí, khả năng hoán vị sẽ bị hạn chế bởi những ràng buộc về mặt tri
nhận: có thể nói ‘chiếc xe đạp ở trước nhà tôi’ chứ không thể nói ‘nhà tôi ở sau
chiếc xe đạp’, có thể nói ‘con mèo nằm trên chiếc dép’ chứ không thể nói ‘chiếc
dép nằm dưới con mèo’.
Loại
câu biểu thị liên hệ vị trí với vị tố quan hệ cách thường phải có tham thể thứ ba, đó là ‘khoảng cách’, đôi khi lại
có cả tham thể ‘hướng’. Ví dụ:
(24) a.
Làng tôi (ở) cách làng anh ấy một con sông (/ 5 cây số).
b. Làng anh ấy cách làng
tôi một con sông (/ 5 cây số).
c. Làng tôi và làng anh
ấy cách nhau một con sông (/ 5 cây số).
d.
Làng tôi cách làng anh ấy 5 cây số về hướng đông.
Khoảng
cách có thể diễn đạt bằng một danh ngữ, một lượng ngữ, một giới ngữ. Và tham thể
khoảng cách này có thể được đưa lên làm Đề, khi đó ta có một câu quan hệ tương
tác, đồng nhất hoặc định lượng.
(25) a.
Con sông Trà ngăn cách làng tôi với làng anh ấy.
b. Năm cây số là khoảng
cách từ làng tôi đến làng anh ấy.
c. Khoảng cách giữa
làng tôi và làng anh ấy là 5km.
d. Cách làng tôi
khoảng 5km về hướng đông là làng anh ấy.
e. Từ làng tôi qua
một con sông là đến làng anh ấy.
Khi
trong cấu trúc vị tố quan hệ có một phụ ngữ (trạng ngữ cách thức) biểu thị mức
độ ‘cách’, ta có các biến thể sau:
(26) a.
Làng tôi cách (không) xa làng của anh ấy.
b. Làng của anh ấy cách làng tôi rất
(/ hơi, khá, không) xa.
c.
Làng tôi và làng anh ấy cách nhau rất (/ hơi, khá, không) xa.
d. Từ làng tôi đến
làng anh ấy rất (/ hơi, khá, không) xa.
(Chú
ý: Khi trạng ngữ được đặt sau tham thể thứ hai (26b, c, d), nó cần phải có một/
vài yếu tố phụ đi kèm).
Loại câu quan hệ đang nói
đến biểu thị mối liên hệ về vị trí của một thực thể với một thực thể. Trong loại
này, chúng tôi cũng kể luôn mối liên hệ vị trí giữa một thực thể không gian với
một sự tình (mô hình: A là nơi xảy ra X)
và sự định vị một sự tình (X diễn/ xảy ra
ở A, X diễn/ xảy ra trong khoảng từ Y
đến Z).
(27) a.
Ngôi nhà này là nơi xảy ra vụ án mạng.
b. Vụ án mạng xảy ra
tại ngôi nhà này.
Mối liên hệ về vị trí ở đây
khác với trường hợp trên (vd (21)-(23)): ở trường hợp trên, hai tham thể có mặt
là hai thực thể đồng chất, trong khi ở (27) thực thể vị trí, không gian đóng
vai trò là cái nền hay cái bối cảnh để một sự tình nào đó diễn ra, xảy ra.
3.4. Quan hệ thời gian
Loại câu quan hệ thời
gian, có các mô hình cơ bản: X diễn ra
(lúc) A, X diễn ra vào/ trong (thời
gian) A, X trước/ sau Y, X diễn ra đồng thời với Y, X diễn ra trước Y.
Ví dụ:
(28) a.
Hỏa hoạn xảy ra lúc nửa đêm.
b. Hội thảo khoa học
diễn ra trong hai ngày.
c. Việc kiểm tra sức
khỏe diễn ra trước việc kiểm tra chuyên môn.
d. Lũ lụt ở miền
Trung xảy ra đồng thời với hạn hán ở miền Nam.
Và
ta có những biến thể như sau:
(29) a.
Hạn hán ở miền Nam
xảy ra đồng thời với hạn hán ở miền Trung.
b. Đồng thời với lũ
lụt ở miền Trung là hạn hán ở miền Nam.
c. Đồng thời với hạn
hán ở miền Nam, lũ lụt xảy ra ở miền Trung.
d. (Trong) khi (/ lúc)
miền Trung bị hạn hán thì miền Nam
bị lũ lụt.
e. Miền Nam bị lũ lụt
(trong) khi (/ lúc) miền Trung bị hạn hán.
f. Miền Trung bị hạn
hán, trong khi đó miền Nam bị lũ lụt.
Khả
năng biến thể ở loại này cũng tương tự loại quan hệ vị trí, chúng tôi không phân
tích thêm.
3.5. Quan hệ liên đới
Loại
câu này có mô hình cơ bản: A có liên quan
đến X, A là nạn nhân của X. Ví dụ:
(30) a.
Em Nam có liên quan đến vụ đánh nhau.
b. Em Nam là nạn nhân
(/ thủ phạm) của vụ đánh nhau.
Từ hai câu trên ta có thể có biến thể:
(31) a.
Vụ đánh nhau có liên quan đến em Nam.
b. Nạn nhân (/ thủ phạm)
của vụ đánh nhau là em Nam.
c. Em Nam là người có
liên quan đến vụ đánh nhau.
d. Người có liên quan
đến vụ đánh nhau là em Nam.
Như vậy, quan hệ liên đới
có thể có biến thể dựa trên thao tác hoán vị (31a, b); hoặc dựa trên thao tác cải
biến từ vị tố quan hệ liên đới (có liên
quan đến) thành vị tố đồng nhất (là)
và ta sẽ có câu đồng nhất (31c, d).
3.6. Quan hệ tương tác
Loại câu quan hệ tương
tác có các mô hình cơ bản: X là cho/ để/
vì/ tại Y, X là mục đích/ mục tiêu/
nguyên nhân/ lý do của X, X loại trừ Y, X quy định Y. Loại câu quan hệ tương
tác có nhiều biến thể khác nhau. Ví dụ:
(32) a.
Cô ấy thất bại là do cô ấy chủ quan.
b. Sự chủ quan là
nguyên nhân thất bại của cô ấy.
c. Sự chủ quan làm
cho cô ấy thất bại.
d. Cô ấy chủ quan nên
cô ấy thất bại.
e. Nguyên nhân thất bại
của cô ấy là thái độ chủ quan.
Ở (a), sự có mặt của là đánh dấu nghĩa quan hệ của câu (khác
với câu có trạng ngữ nguyên nhân “bình thường” – không có là); với vị tố là nguyên nhân
của câu (b) cũng là một câu quan hệ.
Từ đó ta có biến thể (c)
– câu nhân quả (cũng là một kiểu quan hệ, sẽ nói ở phần sau), biến thể (d) – câu
ghép nhân quả, và biến thể (e) – câu quan hệ đồng nhất. Trong khi tiến hành
chuyển đổi cấu trúc câu, cần chú ý danh hóa một trong hai tiểu cú đóng vai trò
tham thể; chẳng hạn (cô ấy chủ quan ® sự/ tính/ thái độ chủ quan của cô ấy; cô ấy thất bại ® sự/ nguyên nhân/ lý do thất bại).
Một
trường hợp quan hệ tương tác khác:
(33) a.
Kinh tế quy định chính trị.
b. Đường lối chính trị
được đường lối kinh tế quy định.
c. Đường lối chính trị
được quy định bởi đường lối kinh tế.
d. Yếu tố (/ cái) quy
định đường lối chính trị là kinh tế.
(34) a.
Loài kiến vàng xuất hiện đã loại trừ nguy cơ cây bị sâu bệnh.
b. Nguy cơ cây bị sâu
bệnh được loại trừ nhờ sự xuất hiện của loài kiến vàng.
c. Yếu tố loại trừ
nguy cơ sâu bệnh của cây là sự xuất hiện của loài kiến vàng.
Ở
trường hợp này, thao tác hoán vị đòi hỏi thao tác cải biến bị động (được/ bị + V), lý do là vị tố quan hệ ở đây
hành chức tương tự như một vị từ chuyển tác (ss. Nam đánh Hà ® Hà bị Nam đánh).
Ngoài ra, việc danh hóa ở đây cũng phức tạp hơn: (i) chúng ta danh hóa một vị từ
(giống vị từ) chuyển tác nên khả năng hạn hẹp hơn (chẳng hạn, ngoài yếu tố hoặc cái, khó tìm được một tác tố danh hóa khác) (33d, 34c), (ii) chúng
ta danh hóa tiểu cú làm thành phần phụ ở cấp độ ngữ đoạn (cây bị sâu bệnh chuyển thành sâu
bệnh của cây) (34c), nhưng vẫn giữ tư cách định ngữ (cho nguy cơ), vì nếu thành phần này được nâng
cấp có thể sẽ có sự khác biệt lớn về ngữ nghĩa.
3.7. Quan hệ nhân quả
Loại câu này có mô hình cơ
bản A làm cho X. Loại câu này phân biệt
với câu gây khiến (causative) ở chỗ A gây ra X không phải bởi hành động tác động
trực tiếp của mình mà bởi tính cách, bởi một hành động không liên quan đến X nhưng
gây ra X [2, 242]. Hay nói khác đi, đây là một quan hệ nhân quả gián tiếp.
Loại này cũng có nhiều
biến thể. Ví dụ:
(35) a.
Tính cục cằn của hắn làm cho gia đình bất hòa.
b. Tính cục cằn của hắn
gây bất hòa trong gia đình.
c. Tính cục cằn của hắn
dẫn đến tình trạng bất hòa trong gia đình.
d. Hắn rất cục cằn, làm
cho gia đình bất hòa.
e. Gia đình bất hòa là
vì hắn cục cằn.
f. Gia đình bất hòa vì
hắn cục cằn (/ vì tính cục cằn của hắn)
g. Hắn cục cằn nên
gia đình bất hòa.
Ở
ví dụ trên, vị tố quan hệ làm (cho) có thể được thay thế bằng một số vị
tố có nghĩa tương tự: khiến (cho), gây (ra), dẫn/ đưa (đến). Trong nhiều trường hợp, tiểu cú làm bổ ngữ cho vị tố quan hệ
phải được danh hóa hiển ngôn (bằng các danh từ trống nghĩa: việc, sự, cái, vụ, nạn, tình hình, tình
trạng, hiện tượng, v.v.), đặc biệt chú ý khi sau vị từ có mặt của một giới
từ (cho, ra, đến).
Do
nghĩa biểu hiện là quan hệ nhân quả, loại câu này có thể có nhiều khả năng biến
thể: sử dụng vị từ gây khiến (câu 35a, b, c, d), sử dụng vị tố quan hệ tương tác
(35e), sử dụng kết từ nhân quả (35f, g). Các câu ở ví dụ (35) là câu quan hệ,
trừ hai câu (35f, g) – cả hai là câu trạng thái có thành phần phụ nguyên nhân hoặc
là câu ghép nhân quả.
4. Kết luận
Để hình thành một biến
thể mới, hầu hết các biến thể cú pháp trong câu quan hệ đều có sự hoán vị. Tất
nhiên, tình hình này không chỉ diễn ra ở câu quan hệ mà ở cả các loại câu khác.
Sự chuyển đổi này phần lớn tương ứng với sự chuyển đổi hai vai ngữ nghĩa của cấu
trúc quan hệ vào vị trí điển hình của Đề, nhưng cũng có nhiều trường hợp một thành
phần phụ ở cấp ngữ đoạn cũng có thể được “đề bạt” vào vị trí này.
Các biến thể hình thành
trên cơ sở một khung tham tố tuy có sự chia sẻ ngữ nghĩa nhưng xét về nghĩa
phát ngôn thì chúng là những câu khác nhau – ít nhất là khác nhau về mặt cấu trúc
thông tin (hai thực thể khác nhau được đặt làm Đề thì không thể có hai phát ngôn
đồng nghĩa, hiểu theo nghĩa nghiêm ngặt của từ này).
Trong quá trình dạy tiếng
Việt như một ngôn ngữ thứ hai, chúng tôi nhận thấy việc cung cấp các biến thể cú
pháp cho học viên – một sự cung cấp hợp lý, có cân nhắc – chính là cung cấp ‘tài
nguyên’ cho yêu cầu sản sinh ngôn ngữ của người học chứ không đơn giản chỉ là
cung cấp ngữ pháp, một khái niệm thường gợi đến sự tiếp nhận thụ động nhiều hơn.
Chúng tôi hy vọng những ý
tưởng trình bày ở trên có thể ứng dụng vào việc thiết kế bài học và bài tập cho
người học tiếng Việt như ngôn ngữ thứ hai.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Bùi Minh Toán - Lê Thị Lan Anh 2006. Câu quan hệ tiếng Việt: sự hiện thực hoá các sự tình quan hệ. Ngôn ngữ, số 10/2006.
- Cao Xuân Hạo 2001. Tiếng Việt, sơ thảo ngữ pháp chức năng, Q1. Nxb Giáo dục.
- Halliday M.A.K. 1994. An Introduction to Functional Grammar. 2nd Edition. Edward Arnord. Great Britain.
- Nguyễn Hồng Cổn 2008. Biến thể cú pháp và trình tự dạy các biến thể cú pháp cho người học tiếng Việt như ngôn ngữ thứ hai. Ngôn ngữ, số 6/2008.
- Nguyễn Hồng Cổn 2010. Cấu trúc thông tin và biến thể cú pháp của câu tiếng Việt. Ngôn ngữ và đời sống, số 4/2010.
- Nguyễn Hữu Chương 2007. Nghĩa của các câu đồng nghĩa sử dụng các từ đảo nghĩa, các vị từ đối xứng. Ngôn ngữ, số 10/2007.
[1] Trong ngôn
ngữ học đại cương, biến thể cú pháp thường được xét về mặt lịch sử, địa lý hoặc
xã hội; và đặc biệt thường được gắn với những biến đổi hình thái (morphological-syntactical).
[2] Chú ý: Đối
với học viên nước ngoài, một danh ngữ tỉnh lược danh từ khối cũng nên được xem
là một biến thể cần đề cập.
No comments:
Post a Comment