Sunday 14 September 2014

THÔI và NGỪNG


      Trong kho từ vựng tiếng Việt có nhiều đơn vị diễn đạt nghĩa “không tiếp tục” hay “không tiếp diễn” một hành động, quá trình. Trong đó, thôi ngừng là hai từ thường gây khó khăn và nhầm lẫn cho người nước ngoài học tiếng Việt. Đây cũng là hai từ hầu như chưa được các tài liệu ngôn ngữ học quan tâm giải thích, nếu không tính đến các quyển từ điển đơn ngữ – vốn rất cô đọng, khó sử dụng. Bàn về khái niệm “kết thúc”, “không tiếp tục”, “không tiếp diễn” một hành động, quá trình (và những khái niệm có liên quan), ngôn ngữ học thường khảo sát dưới góc độ thể (aspectual value). Do mục đích ứng dụng và do khuôn khổ có hạn của bài viết này, chúng tôi sẽ đi sâu phân tích ngữ pháp và ngữ nghĩa của hai từ trên, trong đó thể cũng sẽ được bàn đến ở một mức độ cần thiết. Trong bài viết, chúng tôi sẽ lần lượt khảo sát khả năng hoạt động của từng từ và tiến hành so sánh chúng với nhau ở những nội dung có liên quan. Ngoài ra, để rõ hơn vấn đề đang bàn, chúng tôi cũng sẽ xét qua một số vị từ gần gũi với chúng: hết, dừng, ngưng, nghỉ.
1. Thôi
1.1. Thôi là một vị từ đa chiều kích (multidimentional) xét trên ý nghĩa từ vựng và từ loại.
1.1.1. Trước hết, nó là một vị từ hành động vô tác, có đặc điểm là thường đòi hỏi một bổ ngữ là ngữ vị từ theo sau. “Thôi + VP” nghĩa là thực hiện hành động (và cái hành động đó là) chấm dứt/không tiếp tục một hoạt động (= VP) đang có hoặc đang dự định nữa.
Cách hiểu trên thể hiện ba đặc trưng cơ bản: (i) Thôi là một vị từ hành động có thuộc tính [+động] [+chủ ý]); (ii) Thôi một hoạt động hàm ý rằng hoạt động đang đề cập sẽ không tái diễn nữa; (iii) Có thể thôi một hoạt động đang diễn ra, và cũng có thể thôi (không thực hiện) một hoạt động còn trong dự định. Đặc điểm (i), thôi chia sẻ với ngừng; trong khi đặc điểm (ii) phân biệt với ngừng ở chỗ ngừng mang hàm ý rằng hoạt động có thể sẽ tái diễn sau một thời gian nhất định, và ở đặc điểm (iii) phân biệt với ngừng ở chỗ không thể dùng ngừng cho một dự định.
Thông thường, sau thôi là một vị từ [+động], lý do là người ta chỉ có thể “thôi” một hoạt động khi nó bắt đầu, diễn tiến và kết thúc trên trục thời gian. Ví dụ:
(1) Đến khi thằng bé khóc thét lên, họ mới thôi cãi nhau.
(2) Cô quyết định thôi vẽ tranh.
(3) ??Khi tôi vào phòng thì ông ấy đã thôi ngồi trên ghế.
(4) ??Một lúc sau, thấy mỏi, nó thôi đứng.
(5) *Tôi thấy quyển sách đã thôi nằm trên bàn.
(6) *Bà ấy vẫn chưa thôi dữ/đẹp/mập.
(7) *Quả xoài này thôi ngọt/chua rồi.
Ở (1) và (2), “cãi” và “vẽ” là vị từ hành động, mang tính [+động] [+chủ ý]. Trong khi đó ở (3), (4), “ngồi”, “đứng” là vị từ tư thế [-động] [+chủ ý], nên không thể kết hợp với thôi. Những vị từ biểu thị thuộc tính hay trạng thái thường tồn [-động] [-chủ ý] ở các câu (5) – (7) tuyệt nhiên không làm bổ ngữ cho thôi.
1.1.2. Về cơ bản, những vị từ mang tính [-chủ ý] không theo sau thôi; vì thường người ta chỉ có thể “thôi” thực hiện một hoạt động khi hoạt động đó thuộc ý chí hoặc quyền kiểm soát của mình. Do vậy, hầu hết vị từ trạng thái và vị từ quá trình (đều [-chủ ý]) không làm bổ ngữ cho thôi hành động. Chẳng hạn, người ta không thể nói “Chiếc tàu thôi chìm”, “Xe buýt thôi cập bến”, “Bức tranh thôi treo trên tường”, “Chỉ vài tháng sau khi kết hôn, họ thôi yêu nhau”([1]), “Họ vẫn chưa thôi hạnh phúc”, v.v..
Tuy nhiên, trong thực tế vẫn có một số vị từ [-chủ ý] có thể được dùng sau thôi, khi đó có sự chuyển đổi ngữ nghĩa. Xét các câu sau đây:
(8) Cô ấy đã có chồng có con rồi. Anh nên thôi nghĩ đến cô ấy!
(9) Em nói xem, anh phải làm gì để em thôi giận?
(10) Thấy mọi người nhìn, cô gái thôi khóc.
Tính cầu khiến (vd (8)) và tính mục đích (vd (9)) cho thấy hai phát ngôn trên có một sự chuyển nghĩa rõ rệt: người nói xem như chủ thể có thể chi phối hay can thiệp vào trạng thái hoặc quá trình hiện tồn; hay nói cách khác, người nói cho rằng chủ thể có thể thực hiện một hành động chấm dứt sự “nghĩ”, “giận”. Câu (10) là một cấu trúc trần thuật, nhưng quan hệ nhân quả giữa hai tiểu cú cho phép hiểu “cô gái” có chủ ý chấm dứt “hoạt động” “khóc”. Như vậy, ở các ví dụ trên, vị từ theo sau thôi đã mang thuộc tính [+chủ ý].
            Cũng có khi, vị từ bổ ngữ [-chủ ý] được sử dụng sau thôi với màu sắc phong cách được đánh dấu rõ rệt. Chẳng hạn:
(11) Mọi chuyện rồi cũng qua. Bây giờ cô ấy đã thôi buồn.
(12) Mưa đã thôi rơi.
(13) Hòa bình rồi! Máu đã thôi chảy!
Ở (11), khác với (10), quan hệ giữa hai câu không làm thay đổi thuộc tính của “buồn” – nó vẫn là [-chủ ý]. Ở các câu sau cũng không có dấu hiệu nào cho thấy vị từ chuyển sang [+chủ ý]. Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, đây là cách dùng được đánh dấu về mặt phong cách (phong cách viết hoặc văn chương); lý do là trong ngôn ngữ hằng ngày thôi không xuất hiện trong các bối cảnh tương tự, thay vào đó là những cách diễn đạt khác, tự nhiên hơn. Thử mở rộng ngữ cảnh:
(14) ?Tôi rủ nó đi uống vài ly cho nó thôi buồn. (ss: ... nó hết buồn.)
(15) ?Mưa đã thôi rơi rồi, chúng ta đi đi! (ss: Mưa đã tạnh...)
(16) ?Băng lại đi để máu thôi chảy! (ss: ... để cầm máu/để máu không chảy nữa!)
Và hầu như người ta cũng không nói “Trời thôi nắng rồi, đi chơi đi!”, “Bát cháo đã thôi nóng.”, “Đến nửa đêm, bếp lửa thôi cháy”, “Thằng bé thôi béo ra rồi”, v.v.. Rõ ràng, trong hoạt động nói năng bình thường, kết hợp thôi và vị từ [-chủ ý] là thiếu tự nhiên.
            Như vậy, ở chiều ngược lại, hoàn toàn có thể nói rằng thôi là một chỉ tố đánh dấu tính [+chủ ý] của vị từ theo sau.
1.1.3. Như trên đã nói, thôi đòi hỏi vị từ theo sau phải mang tính [+động] [+chủ ý]. Tuy nhiên, đây chỉ là điều kiện cần để một vị từ có thể kết hợp với thôi. Nếu đi sâu vào đặc trưng thời gian thì có nhiều điều phải làm sáng tỏ hơn.
Vị từ bổ ngữ theo sau thôi thường phải là vị từ có tính thời lượng (đoạn tính, durative), và/hoặc tính lặp (iterative).
(17) thôi học rồi.
(18) Nó đã thôi làm ở nhà hàng đó.
(19) Nó đã thôi viết thư cho nàng.
(20) Sau lần nằm bệnh viện đó, ông ấy thôi uống bia.
(21) Từ ngày vào đại học, nó thôi chơi với đám trẻ con hàng xóm.
(22) Thằng bé thôi tắt đèn.
(23) Ông ta thôi đập bàn!
Ở các câu trên, “học”, “làm ở nhà hàng”, “viết thư cho nàng”, “uống bia”, “chơi với đám trẻ con” là những hoạt động kéo dài trên trục thời gian. Đó là những hoạt động thường tồn, diễn ra hằng ngày, hằng tuần... chứ không phải diễn ra một lần, trong một khoảnh khắc. Trong sự tình không có đích để hoạt động hướng đến; nếu không có sự tác động nào đó thì có vẻ như những hoạt động đó sẽ không kết thúc [-giới hạn] (không có giới hạn phải, right bound). “Thôi + VP” có nghĩa là không tiếp tục, không tái diễn V nữa; như vậy, có vẻ thôi đóng vai trò của một vị từ chuyển thái: chuyển từ trạng thái V sang không V.
            Ví dụ (17) có nghĩa là nó không tiếp tục việc học nữa mà sẽ đi làm, đi lính...; ví dụ (18) có nghĩa là nó sẽ làm việc ở một nơi khác; ví dụ (19): nó chuyển sang một việc khác thay vì viết thư hoặc nó từ bỏ hoàn toàn việc viết thư cho nàng; ví dụ (20) ông ấy từ bỏ hoàn toàn việc uống bia; ví dụ (21): nó có những quan hệ khác, chơi với những người khác. Riêng hai ví dụ (22) và (23): (22) và (23) sẽ đúng nếu “tắt đèn” là một trò chơi bật – tắt hoặc một loạt hành động của “thằng bé” và “đập bàn” là thói quen của “ông ta” khi nổi giận; nhưng sẽ bất khả chấp nếu hiểu “tắt” và “đập” là một vị từ điểm tính (punctual).
Về mặt cấu trúc, thôi tác động đến cả phần vị ngữ phía sau chứ không riêng vị từ bổ ngữ (xem các ví dụ trên). Do vậy, nếu thay đổi chút ít cấu trúc tham tố của khung vị ngữ thì tình hình khác hẳn. So sánh những câu trên với các câu sau đây:
(24) *Nó thôi học bài 3 rồi.
(25) *Nó đã thôi làm câu hỏi đó.
(26) *Nó đã thôi viết bức thư đó.
(27) *Ông ấy thôi uống cốc bia anh vừa rót.
(28) *Nghe bố gọi, nó thôi đi bộ trong công viên.
Có thể thấy, về hình thức, cả bốn câu (24) – (27) cũng biểu hiện những sự tình đoạn tính (vì “học bài 3”, làm câu hỏi đó”, “viết bức thư”... đòi hỏi phải có một thời gian nhất định), nhưng lại không được chấp nhận. Vấn đề nằm ở chỗ những tham tố trong khung vị ngữ đã làm cho sự tình mang thuộc tính định lượng (quantized, thuật ngữ của Krifka)([2]), khác với thuộc tính lũy tích ở các câu (17) – (21). Những tham tố này có thể là những danh ngữ biểu thị đối thể của vị từ bổ ngữ (“bài 3”, “câu hỏi đó”, “bức thư đó”, “cốc bia anh vừa rót”), cũng có thể là những ngữ đoạn trạng huống (“nghe bố gọi”: liên quan đến một thời điểm cụ thể, như vậy sự tình được biểu thị chỉ diễn ra và chấm dứt một lần, trong khi “đi bộ trong công viên” là một sự tình Hành động (action) hoặc Tập quán (habitual))([3]). Hay nói đơn giản hơn, người ta có thể “thôi viết thư” chứ không thể “thôi viết một bức thư” hoặc “thôi viết bức thư đó”.
            Như vậy, nếu thỏa điều kiện lũy tích như vừa nói thì một hoạt động dù được hiểu là không có hạn định thời gian tự nhiên (vốn được hiểu là thói quen hoặc có tính lặp, các câu (a) dưới đây) hoặc có hạn định thời gian tự nhiên (được hiểu là xảy ra một lần trong một thời gian xác định – các câu (b)) thì cũng có thể kết hợp với thôi.
(29) a. (Hắn rất vũ phu. Mỗi lần có rượu vào là hắn lôi vợ con ra đánh. Cho đến một hôm, hắn bị Hội phụ nữ gọi đến cảnh cáo.) Từ đó, hắn thôi đánh vợ.
b. (Thằng bé ngã xuống. Bọn chúng thi nhau đấm đá.) Thấy có người xuất hiện, bọn chúng mới thôi đánh.
(30) a. Xưa nay bà ta vẫn oang oang về con trai mình, nào là nó giỏi, nào là nó thông minh. Đến khi nó bị đuổi học bà ta mới thôi nói.
b. Hơn nửa tiếng rồi mà bà ấy vẫn chưa thôi nói.
(31) a. Từ lần thoát chết đó, hắn đã thôi uống.
b. Hắn cứ ngồi uống tì tì. Đến khi ông chủ quán ra đòi tiền, hắn mới thôi uống.
Ở (29a) “đánh vợ” là một hoạt động thường xuyên, tái diễn nhiều lần trong một thời gian về lý thuyết là không giới hạn; ở (29b) hành động “đánh” thằng bé về lý thuyết là có giới hạn thời gian vật lý (nghĩa là không thể kéo dài đến hết đời như “đánh vợ”), nhưng vẫn có tính lặp (nhiều động tác “đánh”, nhiều người “đánh” – so sánh: *“Nó thôi đấm một cái”). Ở (30a), hành động “nói” tái diễn nhiều lần trên trục thời gian; trong khi ở (30b), “nói” là một hành động diễn ra một lần nhưng có độ dài thời gian nhất định (đoạn tính). Các trường hợp trên đều có vị ngữ lũy tích và đều có thể chấm dứt bằng thôi. Ở (31a), “uống” là một hoạt động lặp, kéo dài trong thời gian, gồm nhiều lần “uống” khác nhau; còn ở (31b), “uống” là hoạt động diễn ra một lần, nhưng kéo dài, với nhiều ly, nhiều chai.
1.1.4. Thôi có thể tác động đến hoạt động đã hoặc đang diễn ra như vừa đề cập bên trên; nó cũng có thể được dùng để diễn đạt sự không thực hiện một hoạt động đáng lý phải diễn ra như là kết quả tất yếu hoặc sự tiếp nối của một dự định trước đó.
(32) Chị định hỏi gã về vết sẹo trên mặt. Nhưng nhìn thấy vẻ lầm lì của gã, chị lại thôi (không hỏi).
(33) Tôi có mang theo tài liệu, nhưng không thấy anh hỏi nên tôi thôi (không đưa ra).
Thường “định hỏi” thì sẽ “hỏi”, “mang theo” thì sẽ “đưa”; nhưng ở hai câu này chủ thể quyết định làm cái việc là “không hỏi”, “không đưa”.
Theo quan điểm của chúng tôi, ở cách dùng này, có lẽ nên xử lý “không + V” như là một đồng vị ngữ của thôi; trên hình thức, có thể phân tách thôi và “không + V” bằng dấu phẩy (“... chị thôi, không nói”, “... tôi thôi, không đưa ra”)([4]).
Ở trường hợp đang bàn, “không + V” có thể thay bằng “không + V + nữa”. Nhưng ngữ vị từ thứ hai (“không + V + nữa”) có thể dùng cho cả trường hợp “dừng một hoạt động đã diễn ra” và “dừng một dự định”. Trong khi đó, ngữ vị từ thứ nhất (“không + V”) dành riêng để diễn đạt ý “dừng thực hiện một dự định”; chẳng hạn, câu (31a) ở trên có thể viết lại “Từ lần thoát chết đó, hắn đã thôi không uống nữa”, và câu (31b) “Đến khi ông chủ quán ra đòi tiền, hắn mới thôi không uống nữa”.
So sánh thêm hai câu sau đây:
(34) Tôi đã chuẩn bị sang Mỹ thăm nó. Nhưng nghe nó nói là cuối năm nó sẽ về đây, tôi thôi không đi (nữa).
(35) Những cuộc gặp gần đây đã trở nên nhạt nhẽo nên chị thôi không hẹn nữa.
(ss: ?... chị thôi không hẹn.)
Câu (34) liên quan đến một dự định, có thể dùng hoặc không dùng nữa; trong khi đó, (35) liên quan đến hoạt động đã diễn ra nên phải có nữa.
Có một điều cần chú ý là, trong cách dùng này, vị từ biểu thị dự định theo sau thôi có thể là vị từ điểm tính (punctual) chứ không nhất thiết phải là vị từ đoạn tính (durative) như trường hợp đã nêu trên (nếu “thôi” một hoạt động đã diễn ra thì hoạt động này phải được thể hiện bằng một vị từ đoạn tính).
(36) Hắn ngậm điếu thuốc, bật que diêm, không biết nghĩ sao, hắn thôi không đốt (điếu thuốc trên môi).
(37) Nó giương ná lên. Chợt thấy con chim con đậu gần đó, nó quyết định thôi không bắn.
Ở hai câu này, “đốt” và “bắn” là hai vị từ điểm tính.
            Như vậy, nói theo thuật ngữ của Vendler [11], thành phần bổ ngữ sau thôi là một sự tình Hoạt động (activity [dynamic] [durative] [-telic]) nếu diễn đạt một hoạt động hay quá trình đã diễn ra; và là một sự tình Hoạt động hoặc Nhất cố (semelfactive [dynamic] [-durative] [-telic]) nếu diễn đạt một dự định.
1.1.5. Nói thêm về giá trị thể (aspectual value) của thôi.
Khi bàn về các vị từ end, quit, stop, v.v. trong tiếng Anh, nhiều nhà nghiên cứu gọi đó là những (vị từ) thể tố (aspectualizers)([5]) hoặc vị từ pha (phasal verbs), với đặc trưng là có bổ ngữ là một tiểu cú hạ cấp (mang hình thức bất định “to V” hoặc “V-ing”, có tác giả gọi là complement clause [10]). Từ các lý thuyết về kiểu sự tình (eventual types) hoặc thể (Aktionsart), họ đặt những vị từ đang bàn trong quan hệ tương tác với bổ ngữ của nó và phân làm ba nhóm: khởi phát (ingressive, với begin, start), diễn tiến (continuative, với continue, resume, keep...) và kết thúc (gồm “ngừng” – cessation, với stop, quit, cease; và “kết thúc” – termination, với finish, end, complete) [10]. Tuy nhiên, khi tiến hành khảo sát thực tế, cái giá trị thể mà các nhà nghiên cứu phân xuất chủ yếu dựa trên thành phần bổ ngữ của các vị từ đang bàn. Điều đó vô hình trung mâu thuẫn với bản chất cú pháp của một phát ngôn trong đó “thể tố” là trung tâm vị ngữ – nghĩa là giá trị thể của sự tình của cả phát ngôn trước hết phải xét đến vai trò của thể tố.
Theo quan điểm của chúng tôi, cũng như nhiều vị từ khác có liên quan, “thôi” mang hai đặc trưng thể khác nhau, tùy thuộc vào sự tương tác giữa vị từ với các tham tố liên quan.
(38) Ngày 20 tháng tới, ông Nam thôi làm chủ tịch hội đồng quản trị.
(39) Ông Dũng thôi làm chủ tịch ba năm nay rồi.
Sự tình ở câu (38) là một sự tình có khởi điểm (starting point, hoặc “kết điểm đầu”, initial endpoint hoặc starting point) hiển ngôn (“ngày 20 tháng tới”), nhưng không có kết điểm (“kết điểm cuối”, “kết điểm kết thúc”, final endpoint hoặc ending point). Khi một sự tình đã “thôi” thì không thể dừng “thôi” hoặc không thể không “thôi”, vì vậy nó không có kết thúc tự nhiên (natural endpoint). Như vậy, ở (38) thôi [-giới hạn] (không giới hạn phải, right bound) hành chức giống như một vị từ khởi phát [8]. Tuy nhiên, có sự khác biệt quan trọng giữa hai loại sự tình này. Ở sự tình khởi phát, chẳng hạn “bắt đầu cháy”: quá trình “cháy” tiếp diễn kể từ khởi điểm, và tiếp tục sau đó (không có kết điểm hiển ngôn); và kể từ ngay sau khởi điểm thì không thể “bắt đầu cháy” được nữa mà chỉ có quá trình “cháy”. Còn ở sự tình “thôi”, ta có khởi điểm, nhưng kể từ đó không phải là quá trình “làm chủ tịch” nữa mà là quá trình([6]) “không làm chủ tịch” – quá trình “làm chủ tịch” đã kết thúc, nhưng quá trình “thôi” thì vẫn tiếp diễn.
Hay nói cách khác, “bắt đầu + VP” nghĩa là bước vào quá trình VP; còn “thôi + VP” nghĩa là bước vào quá trình không VP. Có thể xem sự tình “thôi” trường hợp này là sự tình kết thúc (terminative). Nhưng trên cấu trúc mặt, “thôi + không VP” lại biểu hiện một sự tình khác: sự tình kết quả (resultative) – dẫn đến một kết quả tự nhiên là (sau đó) “không làm chủ tịch” nữa.
            Sự tình ở (39) là một sự tình có [+đoạn tính] hiển ngôn (“ba năm nay”), không có kết điểm cuối; và cũng không có khởi điểm, dù tiền giả định của thôi cho phép suy luận rằng quá trình “thôi (làm chủ tịch)” bắt đầu từ một thời điểm nào đó cách đây đã ba năm. Nhưng (39), khác với (38), chỉ miêu tả khúc đoạn (segment) thời gian ba năm kể từ sau khi “thôi”; khúc đoạn này không có giới hạn phải (right bound) và cũng không dẫn đến kết quả nào mà chỉ có trạng thái không làm chủ tịch tiếp diễn. (Sự tình “thôi làm chủ tịch ba năm” không biểu thị cái kết thúc “làm chủ tịch” và cũng không dẫn đến kết quả là “không làm chủ tịch”). Như vậy, có thể xem sự tình “thôi” trường hợp này là sự tình Trạng thái (state) [-động] [đoạn tính] [-hữu đích].
Như vậy, từ cấu trúc thể của thôi có thể thấy đặc trưng thể của vị từ tiếng Việt phụ thuộc vào nhiều tham số khác nhau chứ không chỉ ngữ nghĩa của vị từ. Trường hợp ngừng ở phần sau sẽ cho thấy rõ hơn điều này.
1.2. Thôi cũng có thể xuất hiện trước một danh ngữ; lúc này thôi hoạt động giống như một vị từ hành động [+động] [+chủ ý] “bình thường”, danh ngữ theo sau là bổ ngữ trực tiếp của nó. Ví dụ:
(40) Tôi nghe nói anh ấy đã thôi việc rồi.
(41) Năm 1990, ông quyết định thôi công tác, nhảy ra ngoài làm.
(42) Sau vụ này ông sẽ thôi chức chủ tịch.
Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng đây là một cách dùng theo thói quen, là kết quả của việc tỉnh lược vị từ (chẳng hạn, vị từ “làm”) nhờ ngữ cảnh. Tương tự trường hợp vị từ [-chủ ý], trong thực hành tiếng, có lẽ không nên xem đây là một đặc điểm ngữ pháp của thôi. Lý do là khả năng kết hợp của nó khá hạn chế, không thể nói “thôi việc học”, “thôi trường”, “thôi công ty”, “thôi nghề”, “thôi bài tập”, “thôi vấn đề” v.v.. Thôi trong “Hai vợ chồng đó thôi nhau lâu rồi”, “Cậu thôi cô ta đi!” cũng là thuộc trường hợp này. Về mặt cú pháp, thôi không có quan hệ kết hợp trực tiếp với danh từ, vì danh từ đi sau nó trên thực tế là đối thể của vị từ bổ ngữ đã bị tỉnh lược. Đây là một biểu hiện rất khác so với ngừng.
1.3. Thôi là một vị từ hành động có chủ ý nên có thể đứng một mình đầu câu để thiết lập một phát ngôn với lực ngôn trung là chấm dứt một hoạt động hoặc trạng thái hiện đương. Có hai trường hợp:
(i) Thôi được dùng để trực tiếp yêu cầu người nghe chấm dứt một hành động đang thực hiện hoặc dừng một hành động sắp thực hiện, sau “Thôi!” không cần có ngữ đoạn vị từ biểu thị hành động muốn người khác “thôi”, cũng không cần bổ sung một phát ngôn khác nói rõ nội dung phải “thôi”; ở hai ví dụ sau đây, thành phần trong ngoặc là tùy chọn.
(43) Hai người bạn đang cãi nhau. Tèo nói:
       Thôi! Thôi đi! (Thôi cãi nhau đi!)
(44) Thấy Tí sắp nói ra một bí mật, Tèo nói:
       Thôi! (Đừng nói!)
(ii) Thôi được dùng để thông báo rằng cần chấm dứt một quá trình, trạng thái đang tồn tại để chuyển sang một quá trình, trạng thái mới nào đó. Ở trường hợp này, phát ngôn “Thôi!” cũng có lực ngôn trung là cầu khiến nhưng khác với (i) ở hai điểm: không có một hành động cụ thể nào được yêu cầu “thôi” (ở hai ví dụ trên, cái hành động được yêu cầu “thôi” là “cãi nhau” và “nói”), và sau thôi phải có một phát ngôn bổ sung (cầu khiến hay trần thuật). Ngoài ra, thông thường, hành động “thôi” trường hợp (ii) này áp đặt lên cả hai bên hội thoại (người nói và người nghe) hoặc lên người nói (chứ không phải chỉ áp đặt lên người nghe như với (i)).
(45) (Cả bọn đang ngồi trong quán cà phê. Nhìn đồng hồ, Tèo nói:)
       Thôi! Đến giờ phải đi rồi.
(46) (Học khuya, cảm thấy mệt mỏi, Tèo đứng dậy vươn vai nói:)
       Thôi! 12 giờ rồi. Ngủ!
(47) (Đang uống cà phê với bạn, nhìn đồng hồ, Tèo nói:)
       Thôi! Tớ đi trước đây!
Ở (45) không thể đưa ra hành động cụ thể cần chấm dứt, chẳng hạn không thể nói “Thôi! Thôi uống cà phê đi! Thôi ngồi trong quán cà phê đi!”; và hành động “thôi” là của cả các bạn và Tèo (cả người nghe lẫn người nói) hoặc chỉ của Tèo. Ở (46) không thể nói “Thôi! Thôi học đi!”, và hành động “thôi” chỉ là hành động của riêng Tèo. Câu (47) cũng tương tự.
1.4. Thôi có thể đứng cuối câu để bổ sung ý nghĩa tình thái cho hành động phát ngôn. Có người gọi nó là tình thái từ, có người gọi là ngữ khí từ; có người gọi đơn giản là phụ từ.
Về ngữ nghĩa, thôi cho biết, theo ý người nói, không còn khả năng (sự tình/đối tượng) nào khác ngoài sự tình/đối tượng vừa nói; hay nói cách khác, chỉ có khả năng (sự tình/đối tượng) vừa đề cập là hết/chấm dứt. Do vậy, có thể xem đây là một dạng chuyển chức năng và chuyển nghĩa của thôi vị từ.
(48) (Rạp chiếu phim hết vé. Tèo nói:) – Hết vé rồi. Về thôi!
(49) (Sau khi dọn bàn xong, Tèo nói:) – Xong rồi. Ngồi vào bàn thôi! Ăn thôi!
(50) (– Anh uống gì?) – Cà phê thôi!
(51) Anh thất hẹn, cô ấy giận là phải. Anh phải xin lỗi cô ấy thôi.
(52) Tôi nhìn cô ấy từ xa thôi chứ tôi có dám đến gần đâu!([7])
Thôi ở trường hợp này thường đi chung với chỉ (chỉ đứng trước vị từ hoặc đôi khi đứng trước danh ngữ đối tượng).
(53) Nó chỉ ăn một ổ bánh mì thôi.
(54) Nó học chỉ đến lớp Chín thôi.
(55) Nó chỉ học tiếng Anh thôi.
(56) Nó chỉ biết đứng nhìn thôi.
(57) Nó chỉ cười thôi.([8])
Từ những ví dụ trên có thể thấy cách giải thích thôi như trên vừa trình bày sẽ bao quát cho mọi trường hợp. Nghĩa là, nội dung biểu thị ý đánh giá “ít”, ý chấp nhận miễn cưỡng, ý nhượng bộ v.v. (như có người đề nghị) chỉ là những hàm ý gián tiếp suy ra ý nghĩa vừa đề cập của thôi, căn cứ vào ngữ cảnh.
Ví dụ thêm:
(58) Nó (chỉ) nói thôi. (→ có thể suy ra: chứ không làm)
(59) Nó nói vậy thôi. (→ chứ thực tế không phải vậy/chứ không nói gì khác)
(60) Anh chỉ yêu em mà thôi! (→ chứ không yêu ai khác)
(61) Khổ quá! Tôi chết thôi! (→ chứ không thể sống được)
Ghi chú:
(62) Anh không đi à? Vậy thôi, tôi đi một mình. (≈ “Nếu vậy thì thôi”, ở đây thôi là vị từ chứ không phải phụ từ)
(63) Em mua một ít thịt, một bó rau, chút gia vị. Vậy thôi! (≈ “chỉ mua…” → chứ không mua gì khác; ở đây thôi là phụ từ)
2. Ngừng
2.1. Tương tự thôi, ngừng là một vị từ đa chiều kích, nhưng nó có biểu hiện của một vị từ hành động vô tác hoặc chuyển tác, tùy bổ ngữ sau nó là một ngữ vị từ hay ngữ danh từ.
2.1.1.Ngừng + VP” là không tiếp tục một hoạt động hoặc không tiếp diễn một quá trình trong một thời gian nhất định. Nghĩa là khác với thôi, ngừng là một vị từ hành động [+động] [+chủ ý] hoặc một vị từ quá trình [+động] [-chủ ý].
Với định nghĩa này, ngừng có ba đặc trưng quan yếu phân biệt với thôi: (i) ngừng tiền giả định rằng hoạt động hay quá trình phải đang diễn tiến (trước khi ngừng), ít nhất cũng phải ở vào pha (phase) chuẩn bị “bước vào” (ingressive) hoạt động hay quá trình đó; (ii) ngừng có hàm ý rằng khoảng thời gian không tiếp tục hoạt động/quá trình là có giới hạn, sau thời gian ấy thì hoạt động/quá trình có thể sẽ tiếp diễn; (iii) ngừng không dùng cho trường hợp vị từ theo sau diễn đạt một dự định.
(64) Nó đưa tay tắt đèn, không biết nghĩ sao, nó lại ngừng lại.
(65) *Nó định/muốn tắt đèn, không biết nghĩ sao, nó ngừng lại.
(66) Các em ngừng viết, nghe cô giảng!
(67) Nước đã ngừng chảy.
Ở câu (64), hành động “tắt đèn” đã ở vào pha chuẩn bị, sắp “bước vào hành động” (“đưa tay”); ngay lúc đó, hành động “ngừng” được thực hiện. Ở câu (65), “định” hoặc “muốn” “tắt đèn” không có nghĩa là đang ở pha chuẩn bị, tức là chưa có hành động nào diễn ra, chỉ là dự định, do vậy (65) bất khả chấp. Ở (64), ngừng có thể thay bằng thôi; trong khi đó, ở (65) chỉ có thôi khả chấp (“Nó định/muốn tắt đèn, không biết nghĩ sao, nó lại thôi”).
Ở cả hai câu (66) và (67) hoạt động “viết” và “chảy” đã bắt đầu trước khi “ngừng”, và sau vài giây hoặc mươi phút có thể sẽ tiếp tục “viết”, “chảy”. Tuy nhiên, cũng cần chú ý rằng, sự tiếp tục hoặc tái diễn chỉ là một hàm ý nằm trong ngữ nghĩa của ngừng – nghĩa là nó có thể được hiện thực hóa hoặc không. Lý do là thời gian “ngừng” vật lý là thời gian mở, trong nhiều tình huống có thể là rất dài (chẳng hạn vài mươi, vài trăm, vài nghìn năm), thậm chí có thể là vô định. Ví dụ:
(68) Ngọn núi lửa này đã ngừng hoạt động cách đây hơn một ngàn năm.
(69) Hệ thống bưu điện trên toàn quốc đã chính thức ngừng các dịch vụ viễn thông.
Trên thực tế, về mặt nhận thức, đôi khi sự “tranh chấp” giữa ngừngthôi rất khó phân định: với thời gian “ngừng” có độ dài nào đó, người nói có thể dùng thôi thay vì ngừng và ngược lại. Nghĩa là, khi một hành động không tiếp tục trong một khoảng thời gian nhất định, người nói có thể tri nhận là nó đã “thôi”, nếu bắt đầu lại thì ta có một hành động khác chứ không phải là sự tiếp diễn của hành động/quá trình trước. Ngược lại, khi một hành động/quá trình đã thực sự kết thúc (về nguyên tắc phải dùng thôi), người nói có thể gán cho nó cái thuộc tính tạm thời (bằng cách dùng ngừng), tức là giả vờ rằng nó có thể tiếp diễn (vd (69)).
            Sự lựa chọn như thế thuộc về ngữ dụng (xuất phát từ những lý do ngoài ngôn ngữ): người nói chọn ngừng để làm nhẹ nội dung “không còn tiếp tục nữa” thay vì chọn thôi. Chẳng hạn,
(70) Cửa hàng đã ngừng nhận đơn!
(71) Ngày 8 tháng 4, Microsoft chính thức ngừng hỗ trợ Windows XP.
Khi đã chọn đủ ba nhân viên, cửa hàng có thể dùng câu (70) để trả lời cho các ứng viên đến chậm, dù chủ không hề có ý định tuyển thêm người; hoặc báo chí tiếng Việt dùng ngừng (71) để thông tin về sự chấm dứt hỗ trợ Win XP, dù ai cũng biết Win XP sẽ không bao giờ được tái hỗ trợ (thông báo chính thức bằng tiếng Anh của Microsoft dùng động từ “end”).
Tương tự:
(72) Sau 20 tuổi, chiều cao của nam ngừng phát triển.
(73) Trái tim vĩ đại đã ngừng đập!
2.1.2. Khác với thôi, ngừng có thể là một vị từ hành động [+động] [+chủ ý] hoặc quá trình [+động] [-chủ ý], tùy vào ngữ nghĩa của các tham tố làm nên khung vị ngữ của câu. Xét các ví dụ sau đây:
(74) Nghe có tiếng người trong nhà, thằng bé ngừng đập cửa.
(75) Gió đã ngừng thổi.
(76) Người thợ ngừng máy để tiến hành bảo trì.
(77) Điện áp không ổn định thì máy ngừng chạy.
Ở (74) và (76), ngừng là vị từ hành động [+động] [+chủ ý], vì ngừng có chủ thể thực hiện hành động là người ([+hữu sinh]); trong khi đó, ở (75) và (77), ngừng là vị từ quá trình, do tính [-hữu sinh] của thành phần làm chủ ngữ (“gió” là diễn tố lực tác động (force), còn “máy” là đối thể).
            Với tư cách là một vị từ hành động hoặc quá trình, ngừng thường kết hợp với vị từ [+động], vì về lý thuyết, những vị từ mang đặc trưng bắt đầu, tiếp diễn hoặc kết thúc trên trục thời gian thì mới có khả năng “ngừng”.
(78) ngừng đọc/hát/chơi, đi nấu cơm.
(79) Công trình ngừng thi công vì chủ đầu tư thiếu vốn.
(80) Mưa đã ngừng rơi, nhưng gió chưa ngừng thổi.
(81) Quả bóng ngừng trước khung thành.
Ở các câu (78) – (80), “đọc”, “hát”, “thi công”, “rơi”, “thổi” đều là các vị từ [+động]. Riêng câu (81) không có mặt vị từ bổ ngữ nhưng có thể hiểu là vị từ (“lăn”) đã được tỉnh lược, do tiền giả định của ngừng. (So sánh với “Quả bóng nằm trước khung thành”: “quả bóng” đang ở một vị trí nhất định, trước đó không có hành động di chuyển nào được tiền giả định).
Như hệ quả của những điều vừa trình bày ở trên, ngừng tuyệt nhiên không kết hợp được với các vị từ [-động], tức vị từ tư thế [-động] [+chủ ý] và trạng thái [-động] [-chủ ý].
(82) *Bọn nó đã ngừng nằm ngủ/ngồi trên ghế.
(83) *Cô ấy đã ngừng đẹp/dễ thương.
(84) *Loại ớt này đã ngừng cay.
2.1.3. Liên quan đến tính [+động] của thành phần bổ ngữ, ngừng cũng có những đòi hỏi áp đặt trên ngữ đoạn vị từ theo sau nó; lý do là ngừng cũng tác động đến cả thành phần này – tương tự thôi.
            Theo đó, ngừng đòi hỏi ngữ đoạn vị từ bổ ngữ phải có tính thời lượng (đoạn tính), bao gồm tính lặp, vì về nguyên tắc người ta không thể ngừng những sự tình điểm tính. Xét các ví dụ:
(85) Nó đã ngừng học tiếng Anh.
(86) Nó đã ngừng gõ cửa.
(87) *Nó đã ngừng nộp bài. (ss: Nó đã ngừng làm bài.)
(88) *Nó đã ngừng học bài 3/bài thơ này.
(89) Bom chưa ngừng nổ.
(90) *Quả bom ngừng nổ.
Ở vd (85), “học tiếng Anh” là một quá trình có độ dài thời gian đủ lớn, ở (86) “gõ cửa” là một chuỗi hành động gồm nhiều động tác; cả hai đều [+đoạn tính] nên có thể ngừng. Trong khi đó, ở (87), “nộp bài” là sự tình điểm tính nên không thể kết hợp với ngừng. Ở (88), bổ ngữ “bài 3”, “bài thơ này” mang tính định lượng nên cả ngữ đoạn vị từ chứa nó không thể theo sau ngừng. Câu (89) có đối thể là một danh từ khối, có thể được hiểu là nhiều quả bom, không xác định (danh ngữ lũy tích); do vậy, “nổ” là một quá trình có thời lượng đáng kể, có thể kết hợp với ngừng. Trong khi đó, danh ngữ “quả bom”, với sự có mặt của danh từ đơn vị, cho biết đó là một vật thể duy nhất (danh ngữ định lượng); do vậy, nó có thể “nổ” hoặc “không nổ” hoặc “chưa nổ”, chứ không thể “ngừng nổ” (thời gian “nổ” một quả bom quá ngắn để có thể ngừng). “Nổ” ở (89) là một vị từ đoạn tính, trong khi “nổ” ở (90) lại là một vị từ điểm tính.
            Từ điều vừa nói, có thể suy ra rằng trong “Nó ngừng đâm”, “đâm” phải là một loạt hành động (lặp); trong “Nó đã ngừng cắt”, “cắt” là một hành động có độ dài thời gian nhất định, v.v.. Và như vậy sẽ có những vị từ khó kết hợp, hoặc kết hợp có điều kiện với ngừng, chẳng hạn: nhấc, buông, thả, hất, giật, tung, v.v.. Tất nhiên, ý nghĩa thể của các vị từ còn tùy thuộc vào ý nghĩa của các tham tố chung quanh nó, kể cả ngữ đoạn trạng huống.
            Về tính thời lượng đang đề cập, vai trò của các danh ngữ đi sau cũng rất quan trọng. Xét ba câu sau đây:
(91) ngừng học bài tiếng Anh.
(92) ngừng học tiếng Anh.
(93) ngừng học.
Như trên vừa nói, ngừng đòi hỏi thành phần bổ ngữ phải có tính thời lượng. Ở (91), “học bài tiếng Anh” là một hoạt động có tính thời lượng (một bài nhất định), do đó kết hợp rất “tự nhiên” với ngừng. Thông thường, “học bài tiếng Anh” (“bài” là danh từ đơn vị) được hiểu là học một cái gì đó có hạn lượng thời gian có thể kiểm soát được, có thể hình dung: bắt đầu “học” – “uống nước” – “học” – “gọi điện thoại” – “nghỉ” – “học” – kết thúc. Mỗi hoạt động xen giữa hoạt động “học” đều có thể diễn đạt bằng một vị từ khác, và đó là những khoảng thời gian “ngừng (học)”.
Trong khi đó, ở (93) “học” (nếu không có bổ ngữ hoặc các thành phần trạng ngữ có tính hạn định) là một quá trình có thể kéo dài một vài chục năm hoặc hơn nữa. Do vậy, những hành động xen giữa quá trình đó (ăn, uống, ngủ, đi chơi, v.v.) không được xem là “ngừng (học)”([9]). Nếu muốn thông tin rằng nó bỏ một học kỳ hoặc một hai năm để đi làm, để thực hiện nghĩa vụ quân sự, v.v., thì phải diễn đạt cách khác: “Nó tạm ngừng (việc) học”.
Ở trường hợp (92), sau “học” là một bổ ngữ là danh từ khối, “học tiếng Anh” có thể hiểu là “học một/vài bài tiếng Anh (nào đó)”, vậy (92) giống (91). Nhưng “học tiếng Anh” cũng có thể hiểu là một quá trình lâu dài để “làm chủ” tiếng Anh (có thể kéo dài nhiều năm) chứ không phải học một vài từ, một vài bài (có tính hạn định); lúc này (92) được hiểu như (93).
            Như vậy, xét tính thời lượng của thành phần sau ngừng cần quan tâm đến sự tương tác giữa các tham tố tham gia vào cấu trúc cả ngữ đoạn chứ không chỉ căn cứ vào vị từ.
2.1.4. Như trên đã nói, về cơ bản thôi đòi hỏi vị từ theo sau phải có tính [+chủ ý], trừ trường hợp chịu sự chi phối của màu sắc phong cách (suy cho cùng là yếu tố ngữ dụng) hoặc có sự chuyển nghĩa (cf. 1.1.2). Trong khi đó, có lẽ do khả năng hoạt động như một vị từ quá trình, ngừng có thể chấp nhận vị từ bổ ngữ là một vị từ [-chủ ý], nếu chủ ngữ của ngừng là một lực hoặc một đối thể [-hữu sinh]. Chẳng hạn:
(94) Máy/Đồng hồ/Băng tải đã ngừng chạy.
(95) Chiếc ghe ngừng trôi vì vướng vào đám lục bình dày đặc ở giữa sông.
(96) Khi nhiệt độ xuống thấp, hệ tuần hoàn có thể ngừng hoạt động.
(97) *Thằng bé đã ngừng ngã/trượt chân/mập ra/cao lên.
(98) *Thằng bé không ngừng làm vỡ ly.
Ở (94) – (96), “chạy”, “trôi”, “hoạt động” là những vị từ [+động] [-chủ ý] vì có chủ ngữ [-hữu sinh]; trong khi đó, ở (97) và (98), “ngã”, “mập ra”, “cao lên”, “làm vỡ” cũng là những vị từ [+động] [-chủ ý], nhưng câu bất khả chấp vì chủ ngữ [+hữu sinh].
            Trong thực tế, có những vị từ [-chủ ý] nhưng được “chuyển nghĩa”. Chẳng hạn, gõ trên Google ba cụm từ “ngừng ước mơ”, ngừng hy vọng” và “ngừng yêu”, sẽ có kết quả lần lượt là 22.900, 31.400 và 361.000([10]). Nhưng điều đáng chú ý là trên các trang kết quả, “mơ ước”, “hy vọng”, “yêu” (vốn là vị từ [-chủ ý], diễn đạt trạng thái tâm lý-tình cảm) được xử lý như là những vị từ [+chủ ý]: “Đừng bao giờ ngừng mơ ước”, “Học để biết mơ ước và biết ngừng mơ ước”, “Đừng bao giờ ngừng hy vọng”, “con người không bao giờ được ngừng hy vọng và ngừng thương yêu”, “Đừng bắt anh ngừng yêu em”, “Em sẽ ngừng yêu anh”, v.v..
Tất nhiên, ngôn ngữ bao giờ cũng có những hiện tượng có vẻ không nằm trong sự chi phối của nguyên tắc; chẳng hạn “Thằng bé ngừng phát triển rồi”, “Thằng bé đã ngừng chảy máu”, “Thằng bé đã ngừng ho/tiêu chảy”, v.v.. Ở đây, khó có thể cho rằng có sự chuyển nghĩa như những trường hợp vừa nói trên. Có thể có hai cách giải thích, ở các phát ngôn này, (i) “thằng bé” đóng vai trò đề của cả câu, còn chủ ngữ của vị từ theo sau là một yếu tố nào đó đã bị tỉnh lược vì người bản ngữ cho rằng không cần thiết phải hiển ngôn (chẳng hạn các bộ phận thuộc về cơ thể, như chiều cao, mũi, vết thương, v.v.); (ii) “thằng bé” là đề của một câu trạng thái, “Thằng bé có hiện tượng/trạng thái ngừng....”. Chúng tôi nghiêng về cách giải thích (ii).
2.2. Ngừng có thể đứng trước một danh từ; khi đó, danh từ này giữ vai trò đối thể.
(99) Hàng trăm công nhân đã ngừng việc để đòi tăng lương.
(100) Nói thì nói, nó vẫn không ngừng tay/chân.
(101) Nó nói không ngừng miệng.
(102) Nhân viên bảo trì đã quyết định ngừng máy/xe/tàu.
Đối thể có thể được chuyển vị trái để làm đề/chủ ngữ (tất nhiên, có khi phải được viết lại cho thích hợp). Chẳng hạn, “Máy/xe/tàu đã ngừng”, “Miệng nó không ngừng nói”, “Tay/chân nó vẫn không ngừng trong khi nó đang nói”, “Công việc đã bị ngừng lại, vì hàng trăm công nhân đòi tăng lương”.
            Khả năng chuyển vị trái đối thể cũng là một khác biệt của ngừng so với thôi. Nói chung thôi rất khó nhận đối thể đứng đầu câu làm đề/chủ ngữ (vì nói một cách chính xác, theo chúng tôi, đối thể này là tham tố của vị từ bổ ngữ theo sau thôi chứ không phải là đối thể của thôi). Ví dụ:
(103) Hàng trăm công nhân đã thôi việc để phản đối ban giám đốc.
(104) *Công việc đã bị thôi, vì hàng trăm công nhân phản đối ban giám đốc.
Ngay cả khi có mặt vị từ bổ ngữ, cũng không thể có khả năng chuyển vị. Ví dụ:
(105) Do mắt kém, cô Lan đã thôi đan áo để chuyển sang làm việc khác.
(106) *Áo đã thôi đan, do cô Lan mắt kém.
            Lý do là vì, như chúng tôi đã nói trên, khả năng kết hợp trực tiếp với danh từ của thôi là hết sức hãn hữu. Đơn giản đó chỉ là hiện tượng tỉnh lược vị từ trung tâm (cf. 1.4).
Trong khi đó, trong khẩu ngữ, khả năng kết hợp trực tiếp với danh từ của ngừng rộng rãi hơn rất nhiều, nhất là khi có hiện tượng tỉnh lược vị từ bổ ngữ – nhờ vào ngữ cảnh. Trong các ví dụ sau đây thành phần trong ngoặc có thể xem là đã bị tỉnh lược:
(107) Chủ đầu tư ngừng (xây dựng/thi công) cao ốc Eden để dồn vốn cho các công trình nhà ở giá rẻ.
(108) Nghe nói, các trường đại học phải ngừng (đào tạo) hệ cao đẳng rồi!
(109) Các siêu thị chỉ ngừng (bán/nhập) các sản phẩm không ghi xuất xứ rõ ràng chứ không phải ngừng (bán/nhập) hàng Trung Quốc.
Những từ trong ngoặc hoàn toàn có thể tỉnh lược, câu vẫn bảo toàn nghĩa.
2.3. Liên quan đến giá trị thể của ngừng cũng có điều phải nói thêm.
Ngừng có thể diễn đạt một sự tình Trạng thái (trạng thái “không hoạt động”), thường là để trả lời câu hỏi: “ngừng bao lâu?” và/hoặc “ngừng ở đâu?”. Ở đây, khái niệm “Trạng thái” (state) được hiểu là một kiểu sự tình (eventual type) xét từ góc độ thể (aspect hoặc chính xác hơn là Aktionsart), mang thuộc tính [-động] [+đoạn tính] [-hữu đích], chứ không phải trạng thái [-động] [-chủ ý] theo bảng phân loại của Dik. Trong trường hợp này, người nói dường như chỉ “chụp ảnh” cái sự vật đang ở trạng thái tĩnh tại (thường trường hợp này không phổ dụng như ngừng [+động]); có tính thời lượng; và không có kết điểm, dù hàm ý từ vựng của ngừng cho phép nghĩ là có thể sự tình sẽ tiếp diễn vào một lúc nào đó.
Do ngữ nghĩa của ngừng, cái tiền giả định rằng ngay trước trạng thái này có một hoạt động nào đấy vẫn tồn tại; tuy nhiên, vị từ biểu thị hoạt động đó không được hiển ngôn và cũng không cần được hiển ngôn. Ví dụ:
(110) Chiếc xe này ngừng trước cổng trường.
(111) Máy ngừng (hoạt động) hơn một tháng nay.
(112) Ca sĩ ngừng (hát) đã lâu. Cả khán phòng vẫn lặng đi.
Ở ba câu trên, “trước cổng trường”, “hơn một tháng nay” và “đã lâu” đóng vai trò diễn tố (biểu thị vị trí, thời gian, nhằm trả lời câu hỏi “Xe ngừng ở đâu?”, “Máy ngừng bao lâu rồi?”, “Cô ca sĩ ngừng bao lâu rồi?”) chứ không phải chu tố. Cần chú ý rằng, trong cả bốn câu trên không có dấu hiệu ngôn ngữ học nào cho thấy sự tình ngừng sẽ kết thúc: thời điểm để chiếc xe (bắt đầu) chạy lại, máy hoạt động lại, cô ca sĩ hát tiếp là vô hạn định. So sánh câu (112) với câu (113) sau đây sẽ thấy có điểm khác.
(113) Nghe tiếng huýt sáo phản đối, cô ca sĩ ngừng hát.
Ở (113), ngữ đoạn tình huống “nghe tiếng huýt sáo” được tri nhận như thời điểm bắt đầu ngừng (khởi điểm); do vậy, sự tình ngừng ở đây là một sự tình [+động], biểu thị pha kết thúc (cessation). Nếu thêm ngữ đoạn thời gian hạn định “(cô ca sĩ ngừng hát) trong mấy phút” thì sự tình sẽ có thêm thông số [+hữu đích] (telic). Như vậy, (113) lại có biểu hiện của một sự tình Đoạn tính hữu đích (accomplishment [+động] [+đoạn tính] [+hữu đích]).
            Từ các ví dụ trên, xét về giá trị thể, ngừng cũng có thể biểu hiện một sự tình Trạng thái hoặc Hoạt động (kết thúc) tương tự thôi (cf. 1.3); chỉ có khác là nó có thể có thêm thuộc tính [+hữu đích], nghĩa là có thể biểu thị sự tình Đoạn tính hữu đích.
Cần nói thêm rằng ngừng vẫn hành chức như vị từ [+động], nếu sự vắng mặt của vị từ bổ ngữ được hiểu như là sự tỉnh lược. Ở trường hợp này, khả năng xuất hiện của một yếu tố phụ trợ chung quanh ngừng có vai trò như sự “bù đắp” ngữ nghĩa; hay nói đúng hơn, những yếu tố này đóng vai trò như một chỉ tố đánh dấu tính [+động] của vị từ ngừng. Thuộc tính [+hữu sinh] của chủ ngữ không quan yếu.
Chẳng hạn:
(114) Xe buýt sắp ngừng (rồi). (ss: ??Đang chạy, xe buýt ngừng.)
(115) Nghe gọi, nó ngừng lại. (ss: *Nghe gọi, nó ngừng.)
(116) Hết giờ rồi! Các bạn ngừng lại! (ss: ??Các bạn ngừng!)
Rõ ràng, ở các câu này, sự có mặt của “sắp”, “rồi” và “lại” là bắt buộc để ngừng có thể hành chức như một vị từ [+động] – với nghĩa là (đối thể hay chủ thể) thực hiện cái quá trình/hành động là không tiếp tục hoạt động nữa. Trong các yếu tố vừa đề cập, do ngữ nghĩa của nó, lại là yếu tố “chuyên dụng” cho những bối cảnh tương tự. (Dĩ nhiên, khi dùng với lực ngôn trung là cảnh báo về sự xuất hiện của một đối tượng, có thể kèm theo thái độ ngạc nhiên chẳng hạn, thì các yếu tố này có thể không có mặt, ví dụ: “Bố ơi, máy bơm ngừng!!!”).
            Nội dung vừa nói giúp giải thích cho những hiện tượng “xung đột” ngữ pháp như:
(117) *Máy ngừng lại hơn một tháng nay.
(118) *Chương trình “Đố em” đã ngừng lại cả năm rồi.
Lý do là trong khung tham tố của ngừng, “hơn một tháng nay”, “cả năm” chỉ có thể được tri nhận theo một cách duy nhất: nó là thời gian “không hoạt động” của đối thể. (So sánh: Ở câu “Máy ngừng lại khi cầu chì nổ”, danh ngữ “khi cầu chì nổ” là thời điểm mà “máy” bắt đầu quá trình “ngừng”).
     3. Thôi, ngừng và một số vị từ có liên quan
     3.1. Hết     
     Do hết có thể thay thế thôingừng trong nhiều tình huống, trong phần này chúng tôi sẽ khảo sát những biểu hiện của hết trong chừng mực có liên quan đến hoạt động của hai từ trên.
     Khác với thôingừng, hết trước hết là một vị từ vô tác và [-chủ ý], biểu thị quá trình tiêu biến hoặc trạng thái không tiếp tục tồn tại của một sự vật, sự việc. Chính đặc trưng này làm cho hết hầu như không thể có mặt trong các phát ngôn cầu khiến (imperative), cũng không thể làm bổ ngữ cho những vị từ biểu hiện ý chí. Ví dụ:
(119) *Anh hết học/đọc/ăn/làm việc đó đi!
(120) *Anh quyết định/định/kiên quyết/toan hết làm việc này.
(Đôi khi, có thể bắt gặp những phát ngôn như “Em hết giận/buồn/khóc đi, rồi chị thương!”; ở đây có sự chuyển nghĩa, xem như chủ thể có thể thực hiện hành động gì đó để “hết” trạng thái đang nói đến, tương tự như thôi (cf. 1.1.2))
     Về mặt từ vựng, hết nằm trong quan hệ đối nghĩa với và/hoặc còn. Chính từ ý nghĩa từ vựng này, trong những phát ngôn mà hết làm vị từ trung tâm, bao giờ cũng có tiền giả định rằng trước đó (trước thời điểm hết) đã có hoặc vẫn còn (một sự vật/sự việc)
Tùy vào cấu trúc khung tham tố mà hết có thể biểu thị những sự tình khác nhau. (i) hết diễn đạt một sự tình quá trình nếu trước hoặc sau nó là một danh ngữ biểu thị diễn tố duy nhất – đối tượng tiêu biến (nhưng không do tác động nào cả, cho nên không phải là đối thể mà là động thể [1: 237, 238]), (ii) hết diễn đạt một sự tình trạng thái khi trước nó có một thực thể có/chứa đối tượng tiêu biến, theo quan điểm của chúng tôi, thực thể này đóng vai trò một đương thể (carrier) [1: 232]. Xét các câu sau:
(121) Tiền hết rồi.
(122) Thời gian làm bài đã hết.
(123) Nếu luật này được thông qua thì chúng ta hết đất sống.
(124) Cây xoài này hết trái rồi.
Hai câu (121) và (122) là trường hợp (i); hai câu (123) và (124) là trường hợp (ii). Ở hai câu sau, chủ thể (“chúng ta” và “cây xoài này”) không tham gia gì vào quá trình tiêu biến (“đất sống” và “trái”) mà chỉ là một thực thể ở vào cái trạng thái “hết đất sống”, “hết trái”.
            Riêng câu sau đây tình hình có khác:
(125) Xe đi từ đây đến đó hết hai tiếng.
Ở (125), “xe” không phải là đương thể, vì “xe” không ở trạng thái “hết 2 tiếng”. Có lẽ nên xem “xe” là tham tố công cụ của một khung tham tố cơ bản hơn: “S đi xe từ đây đến đó hết hai tiếng” (vì (125) có thể viết lại: “Đi xe từ đây đến đó hết hai tiếng” – chủ thể xem như được tỉnh lược). Tương tự, trong “Chiếc xe này sửa hết 2 triệu”, hoặc “Sửa chiếc xe này hết 2 triệu”, có thể xử lý “chiếc xe” là đối thể như trong khung tham tố cơ bản: “S sửa chiếc xe này hết 2 triệu” hoặc “Chiếc xe này, S sửa hết 2 triệu”. Có một điều thú vị về ý nghĩa: ở các ví dụ (121) – (124) ta có quan hệ /cònhết (hết tiền, tức là tiền = zero); trong khi đó ở trường hợp vừa nói, ta có quan hệ: hếtcòn (sau khi hết 2 tiếng hoặc hết 2 triệu, có thể vẫn còn thời gian hoặc một số tiền nào đó). Về mặt hình thức. trường hợp này thường được biểu thị bằng “hết + số từ + NP”.
Khả năng kết hợp rộng rãi với danh ngữ của hết là một đặc trưng quan trọng phân biệt với thôingừng (ở ngừng danh ngữ sau nó là đối tượng chịu tác động). Cho nên, có thể nói hầu như không có khả năng thay thôi, ngừng cho hết, ít nhất là trong các ví dụ trên.
Hết thường đi với các vị từ trạng thái [-động] [-chủ ý], quá trình [+động] [-chủ ý] để biểu thị sự tiêu biến hoặc không còn tồn tại thuộc tính, trạng thái, quá trình đó nữa. Đây là một đặc trưng khác của hết so với thôingừng: thôi không đi với vị từ [-chủ ý] (trừ những trường hợp đã nói ở mục 1.1.2), ngừng chỉ có thể kết hợp với vị từ [-chủ ý] nếu đề là một đối thể chuyển vị hoặc là một lực (cf. mục 2.1.4). Ví dụ:
(126) Đến giờ nó vẫn chưa hết sợ/đau/buồn/đẹp/vui.
(127) Máy hết chạy/kêu/rung rồi.
(128) Trời hết mưa/nóng/nắng rồi.
(129) Lau nãy giờ mà cái bàn vẫn chưa hết dơ.
Ở (126), (129) hết tuyệt nhiên không thể thay bằng thôi, ngừng; ở (127) có thể thay bằng ngừng, ở (128) không thể thay bằng ngừng, nhưng có thể thay bằng thôi (có điều kiện, cf. 1.1.2).
Hết không đi trước những vị từ thuộc tính [-chủ ý]; hay nói chính xác hơn, dưới tác dộng của hết, những vị từ thuộc tính có thể kết hợp với hết sẽ được tri nhận và xử lý như là những vị từ trạng thái. Lý do là hết luôn tiền giả định sự chuyển thái từ /còn đến không còn (= hết), trong khi thuộc tính thì về bản chất là thường tồn. Ví dụ:
(130) Cái cặp này da hết mềm rồi.
(131) Da cô ấy sắp hết đen.
Hết có thể đi với vị từ hành động, cho biết không còn/tiếp tục V nữa; có hai trường hợp:
(i) Đi với một vị từ hành động biểu thị một hoạt động xảy ra một lần, có hạn định thời gian, thì hết chấm dứt một hành động, không hàm ý rằng hành động vừa nói có thể tiếp diễn hay không. Ở biểu hiện này, nếu thay bằng ngừng thì hàm ý tiếp diễn lộ rõ, trừ khi có những thông tin loại trừ đi kèm (thành phần trong ngoặc ở hai ví dụ sau đây).
(132) Ông ấy hết nói rồi, (bây giờ đến một bà nào đó).
(133) Họ hết ăn rồi, (dọn đi)!
(134) Bố hết đọc báo rồi. (Bố sắp lên phòng đấy, ngủ đi!)
Cách dùng (i) thường phụ thuộc nhiều vào ngữ cảnh. (Thông thường, khi chấm dứt một hoạt động thì đồng thời hoạt động đó cũng hoàn thành, cho nên xong sẽ được chọn lựa thay vì hết. Tuy nhiên, đây vẫn là hai vị từ có ngữ nghĩa và ngữ pháp khác nhau).
(ii) Với vị từ hành động biểu thị một hoạt động thường xuyên, thói quen (lặp), không hạn định thời gian, thì hết cho biết sự chấm dứt một trạng thái. Khác với trường hợp (i) (có thể tái diễn hoặc không), một trạng thái chấm dứt thì không tái diễn nữa. Và cũng khác với thôi: người nói dùng thôi khi muốn cho biết chủ thể làm một hành động chấm dứt; trong khi với hết, người nói chỉ muốn miêu tả rằng trạng thái trước của chủ thể đã không còn nữa (và sau đó là trạng thái mới).
(135) Ông ấy hết ăn chay rồi.
(136) Từ hôm nay nó đã hết ăn đường ăn chợ.
(137) Sau tai nạn đó, nó hết đi xe máy.
(138) Nhà có máy giặt, từ giờ nó hết (phải) giặt quần áo.
Có vẻ như cách dùng (ii) thường gặp hơn cách dùng (i).
            Thôingừng đều biểu thị sự không tiếp tục một sự tình, riêng thôi còn có thể dùng cho một hành động chưa hiện thực (dự định). Trong khi đó, hết có thể dùng cho một quá trình hoặc một hành động với ý nghĩa rằng cái quá trình, hành động ấy “không còn cơ hội diễn ra nữa”, nghĩa là không còn cơ hội hiện thực. Ở đây, hết khác với thôi ở chỗ quá trình, hành động đang nói có thể là một dự định (chủ ý của chủ thể) mà cũng có thể là một sự tình diễn ra một cách tự nhiên nếu không có trở ngại nào đó.
Chẳng hạn, một người có thói quen ngủ trưa, nhưng một hôm có khách đến bất ngờ, anh ta có thể nói: “Vậy là hết ngủ!”; hoặc một người có thói quen thức dậy sớm tập thể dục, một hôm ngủ quên, thức dậy trễ, anh ta có thể nói: “Đến giờ đi làm rồi! Hết tập được rồi!”; hoặc một đứa bé làm rơi chiếc bánh mới mua, có thể nói: “Hết ăn rồi!”. Ở đây “ngủ”, “tập” và “ăn” không phải là một dự định nên không thể dùng thôi (dĩ nhiên, “ngủ” không thể kết hợp với thôi còn vì một lý do ngữ pháp: “ngủ” là một vị từ quá trình chứ không phải hành động). Như vậy, có thể nói, ở đây hết có nét nghĩa là không có/còn cơ hội nữa.
            Sự khác biệt về ngữ nghĩa giữa thôi, hếtngừng trên vị từ hành động rất tinh tế nhưng cũng rất hiển nhiên đối với người bản ngữ. Thử so sánh:
(139) thôi học rồi.
(140) hết học rồi.
(141) ngừng học rồi.
Câu (139) cho biết nó từ bỏ việc học mãi mãi (và bây giờ nó nằm nhà hoặc đi làm kiếm tiền). Trong khi đó, nếu không có thông tin hoặc tình thái nào đi kèm, câu (140) có thể cho biết nhiều ý nghĩa khác nhau, tùy ngữ cảnh hoặc bối cảnh giao tiếp mà người nghe sẽ nhận biết được nội dung người nói muốn truyền đạt:
-        nó đã kết thúc một chương trình, một môn học, một khóa học, một năm học hoặc một buổi học; sau đó nó có thể học lại hoặc tiếp tục học;
-        có thể hiểu tương tự (139)
            Ở câu (141), ngừng cho biết (trước đó nó học và bây giờ) nó không học nữa; tình trạng “ngừng học” sẽ kết thúc, nghĩa là sau một thời gian nào đó hành động đọc sẽ tiếp tục; cũng có hiểu như (139) (xem phân tích ở vd (91) – (93)).
3.2. Dừng
Về ngữ nghĩa, dừng biểu thị ý nghĩa không hoặc làm cho không tiếp tục vận động (chứ không phải hoạt động, nghĩa hẹp hơn ngừng); và kết quả là đối tượng đang nói sẽ ở hoặc chuyển sang trạng thái đứng yên (không chuyển động)([11]). Như vậy, dừng có thể thay cho ngừng ở một số bối cảnh nhất định; ngược lại, ngừng có thể thay cho dừng trong mọi trường hợp.
Về ngữ pháp, dừng là một vị từ hành động (nếu đề là tác thể) hoặc quá trình (nếu đề là đối thể).
(142) Ông ta dừng xe/ngựa trên lưng đèo.
(143) Xe lửa sẽ không dừng ở ga này.
(144) Quả bóng lăn tròn, đến giữa sân thì dừng lại.
Ở (142) đề là tác thể, ở (143) là đối thể (xe lửa di chuyển thường được hiểu là do chịu tác động của người điều khiển), ở (144) là đối thể (quả bóng có thể chịu tác động của người đá hoặc của lực tự nhiên, gió chẳng hạn).
Dừng thường kết hợp sau với một danh ngữ đối thể – vốn là cái thực thể được tri nhận là đang vận động dưới tác động của một tác thể: dừng xe, dừng ngựa, dừng máy, dừng chèo, dừng bánh, dừng tay, dừng tay, dừng chân, dừng bút, dừng đũa, dừng lời (danh sách hữu hạn).
Nếu danh ngữ đối thể được chuyển vị trái làm đề thì sau dừng cần phó từ lại và/hoặc một từ tình thái đi trước và/hoặc một ngữ đoạn trạng ngữ biểu thị vị trí để phát ngôn hoàn chỉnh (các ngữ đoạn này hành chức như một complement). Ví dụ:
(145) Xe buýt (sắp) dừng lại thì nó nhảy xuống.
(146) Cỗ xe ngựa dừng (lại) trước một quá rượu tồi tàn.
(147) Câu chuyện dừng ở đây/nửa chừng.
Về cơ bản, dừng khó kết hợp trực tiếp với các loại vị từ, kể cả vị từ hành động; có lẽ do nội hàm của dừng hẹp: chỉ liên quan đến sự vận động chuyển vị. Vì vậy, hầu như không thể nói dừng mập, dừng đẹp, dừng lo, dừng ngồi, dừng nằm, dừng đứng, v.v., cũng không tự nhiên khi nói dừng đi, dừng chạy, dừng nhảy, dừng bắn, dừng nói, dừng cãi, dừng cháy, dừng nổ, dừng đá, dừng đập, v.v.. Nếu muốn diễn đạt những hành động và quá trình liên quan, người nói phải xử lý nó như là một sự vật/sự việc, bằng cách (i) dùng một danh ngữ biểu thị một thực thể gắn với hành động, quá trình (dùng dừng chân, dừng tay, dừng chèo, dừng bánh, dừng lời, dừng đũa), (ii) nếu không thì phải đặt một danh từ như việc, chuyện, cuộc, quá trình, hành động, hoạt động, v.v. làm trung tâm cho một danh ngữ biểu thị sự việc, ví dụ: dừng việc đọc, dừng việc học, dừng chuyện cãi cọ, dừng câu chuyện, dừng cuộc chiến, dừng hành động chém giết, v.v. (các vị từ Hán Việt tỏ ra có khả năng xuất hiện lớn hơn: dừng kinh doanh, dừng thanh tra, dừng xây dựng, dừng thi công, dừng dấu tranh,v.v.). Dĩ nhiên, ngừng là khả năng thay thế hữu ích cho dừng trong một phạm vi rất rộng rãi.
3.3. Ngưng
            Ngưng là một vị từ thường được các từ điển chú giải là ngừng, có thể hiểu là một biến âm của ngừng. Nghĩa là ngưng có thể thay cho ngừng trong mọi bối cảnh.
Thật ra, khả năng xuất hiện của ngưng hạn hẹp hơn ngừng một cách rõ rệt khi đứng trước một danh ngữ. Chẳng hạn, ngưng không thể đi trước những danh ngữ biểu thị đối thể (chịu tác động) hoặc những thực thể có liên quan đến hành động, quá trình đang nói đến. Ví dụ: không nói ngưng xe, ngưng ngựa, ngưng tàu, ngưng máy, ngưng tay, ngưng chân, ngưng bút, v.v..
Hiện nay, trong tiếng Việt, đặc biệt là trên các phương tiện thông tin đại chúng, ngưng thường kết hợp với một vài danh từ: ngưng việc, ngưng công tác, và đặc biệt là ngưng chức. Chúng tôi cho rằng đây là hiện tượng cho thấy ngưng bắt đầu được cấp cho một nghĩa mới, phái sinh từ nghĩa ngừng có thời hạn: ngưng chức thì không phải là cách chức, từ chức; ngưng việc không phải là ngừng việc, thôi việc, nghỉ việc, đuổi việc; ngưng công tác không phải là ngừng công tác, thôi công tác, nghỉ công tác. Cả ba hiện có nghĩa là (bị) buộc tạm rời khỏi chức vụ, công việc một thời gian do sai phạm gì đó (trong khi ngừng được hiểu là chủ ý của chủ thể.
     3.4. Nghỉ
     Nghỉ là một vị từ có nghĩa “bình thường” nhất là tạm không hoạt động trong một thời gian để phục hồi sức lực hoặc để làm một việc khác – chính tính mục đích này phân biệt nghĩa từ vựng giữa nghỉngừng (ngừng không có tính mục đích trừ khi được hiển ngôn). Cái thực thể được “nghỉ” có thể là chủ thể, công cụ/phương tiện hoặc một bộ phận có liên quan đến hoạt động.
(148) Tôi được nghỉ ba ngày.
(149) Cho xe/tàu/máy/ngựa nghỉ đi!
(150) Đi xem phim để cái đầu nghỉ một chút.    
(151) Các bạn nghỉ tay/chân uống nước!
     Nghỉ là một hành động vô tác (khác với ngừng) nên sau nghỉ không có danh ngữ biểu thị đối thể chịu tác động (trừ trường hợp taychân là bộ phận thân thể). Cho nên không thể nói: nghỉ xe, nghỉ tàu, nghỉ máy, nghỉ bút, nghỉ ngựa (có thể nói nghỉ tay, nghỉ chân).
     Nghỉ có thể kết hợp với một số vị từ hành động: nghỉ làm, nghỉ học, nghỉ chơi (đàn), nghỉ vẽ (tranh), nghỉ lái (xe), nghỉ nấu ăn, v.v.. Trong trường hợp này, nếu không có các thành phần trạng ngữ hiển ngôn hoặc không có ngữ cảnh, “nghỉ + V” được hiểu tương tự như thôi, nghĩa là không tiếp tục (mãi mãi) hoạt động đang đề cập. Điều này cũng đúng khi sau nghỉ là danh ngữ việc, công tác (đóng vai trò như một tham tố cương vực, range) hoặc một danh ngữ biểu thị chức vụ: nghỉ chức giám đốc, nghỉ chức trưởng phòng (màu sắc khẩu ngữ, theo Từ điển Hoàng Phê).
*          *
*
            Những phân tích trên cho thấy thôingừng là hai từ có những đặc điểm có thể chia sẻ với nhau, và trong nhiều tình huống có thể thay thế cho nhau. Đó là lý do giải thích tại sao học viên nước ngoài thường lúng túng và nhầm lẫn khi học những từ này.
Thật ra, mỗi đơn vị trong kho từ vựng, trước hết là các vị từ, đều có những đặc trưng nhất định về ngữ nghĩa và ngữ pháp; trong sử dụng, sự biến đổi ngữ pháp và chuyển nghĩa là một khả năng không phải là cá biệt. Chính những điều đó làm cho diện mạo của mỗi đơn vị trở nên mơ hồ, khó nắm bắt. Thiết nghĩ, đi sâu vào bản chất ngữ nghĩa và ngữ pháp của mỗi từ, mỗi cấu trúc là một trong những cách có hiệu quả để lập thức ngữ pháp tiếng Việt.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.      Cao Xuân Hạo (1991). Tiếng Việt, sơ thảo ngữ pháp chức năng - Q1. Nxb KHXH, Tp.HCM.
2.      Dahl O. (1994). Aspect. Trong: Asher R.E. (ed.), The Encyclopedia of Language and Linguistics, Pergamon Press.
3.      Huỳnh Văn Thông (2000). Mấy nhận xét về vị từ tình thái và ý nghĩa thể trong tiếng Việt. Ngôn ngữ, số 8&10, H..
4.      Krifka M. (1989). Nominal reference, temporal constitution, and quantification in event semantics. Trong: R. Bartsch, J. van Benthem, and P. van Emde Boas (eds.). Semantics and contextual expressions. pp 75-­115, Foris, Dordrecht.
5.      Lehman C. (1994). Predicates: Aspectual Types. Trong: Asher R.E. (ed.). The Encyclopedia of Language and Linguistics, Pergamon Press.
6.      Nguyễn Đức Dân (1996). Biểu hiện và nhận diện thời gian trong tiếng Việt. Ngôn ngữ, số 3, H..
7.      Nguyễn Hoàng Trung (2006). Thể trong tiếng Việt (so sánh với tiếng Pháp và tiếng Anh). Luận án tiến sĩ ngữ văn, Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Tp.HCM.
8.      Nguyễn Vân Phổ (2011). “Bắt đầu” và thể khởi phát tiếng Việt. Ngôn ngữ, số 2, H..
9.      Smith Carlota S. (1997). The Parameter of Aspect. 2nd Edition. Kluwer Academic Publishers, Dordrecht.
10.   Tunde Nagy (2006). On the Semantics of Aspectualizers in English. www.nytud.hu/cescl/proceedings/Tunde_Nagy_CESCL.pdf
11.   Vendler Zeno (1957). Verbs and Times. The Philosophical Review. Vol.66. No.2. Cornell University.


[1] Ở đây “yêu” là một tình cảm – trạng thái tâm lý – chứ không phải là “yêu” hành động.
[2]. Chú thích: Khái niệm lũy tích (cumulative) và định lượng (quantized) đã được Krifka [4] phân biệt tường minh. Có thể giải thích đơn giản như sau: Trong “Nam viết thư”, “thư” là một danh ngữ lũy tích, vì dù Nam viết năm bức thư hoặc nửa bức thư thì cũng là “Nam viết thư”. (Trong tiếng Anh danh ngữ lũy tích thường thể hiện bằng danh từ khối hoặc danh từ số nhiều không kèm lượng từ, mass noun hoặc bare plurals). Trong khi đó, ở “Nam viết ba bức thư”, “ba bức thư” là một danh ngữ định lượng: nhận định này chỉ đúng khi Nam đã viết đúng ba bức thư; viết nửa bức hoặc hai bức không phải là “viết ba bức thư”.
[3]. Cũng cần nói thêm, theo Krifka, thuộc tính lũy tích hay định lượng được xác định trên danh ngữ và cả vị từ. Nhưng theo quan sát của chúng tôi, hai thuộc tính này cũng có thể hiểu ở cấp độ sự tình. Ở vd (28), chính ngữ đoạn trạng huống “nghe bố gọi” đòi hỏi hành động “đi” phải là hành động, đang diễn tiến, có thời lượng nhất định, diễn ra một lần rồi chấm dứt – nghĩa là một sự tình mang tính định lượng; nhưng “đi bộ trong công viên” có thể được hiểu là sự tình Hoạt động hoặc sự tình Tập quán (habitual) – một hoạt động thường xuyên, lặp lại – cả hai đều không có kết điểm (endpoint) nên không thể tương hợp với “nghe bố gọi”.
[4] Trong sự tương quan giữa “thôi + V” và “thôi + không V”, thôi hành chức hoàn toàn giống như cấm (“cấm + V” và “cấm + không  được V”), quên (“quên + V” và “quên + không V”), từ chối (“từ chối + V” và “từ chối + không V”). Về khả năng kết hợp này có lẽ cần tiếp tục nghiên cứu sâu hơn.
[5] Chúng tôi tạm dùng “thể tố” để chỉ các vị từ gọi là “aspectualizer” thay vì dùng “chỉ tố thể” dễ hiểu hơn. Lý do là “chỉ tố thể” hiểu theo nghĩa rộng nhất có thể bao gồm cả các tham tố-danh ngữ, các ngữ đoạn trạng huống (giống như các “thông số thể” (parameters of aspect của Smith [9]).
[6] Ở đây, “quá trình” được hiểu theo nghĩa bình thường chứ không phải là thuật ngữ phân biệt với ba loại sự tình khác của Dik. (Dik Simon C. (1981). Functional Grammar. Holland: Foris Publication.)
[7] Điều thú vị là tất cả các câu (48) – (52) đều có thể chuyển vị trái thôi mà nghĩa của câu khác biệt không lớn lắm; chẳng hạn lần lượt: “Hết vé rồi. Thôi, về!”, “Xong rồi. Thôi, ngồi vào bàn! Thôi, ăn!”, “Thôi, không uống gì khác! Cà phê!”, “Thôi, anh phải xin lỗi cô ấy”, “Tôi nhìn cô ấy từ xa, rồi thôi, chứ tôi có dám đến gần đâu”.
[8] Những ví dụ này cũng có thể viết lại, khi đó thôi trở về tư cách vị từ “bình thường”; chẳng hạn: “Nó chỉ ăn một ổ bánh mì, rồi thôi”, “Nó chỉ học đến lớp Chín, rồi thôi”, v.v..
[9] Có một hiện tượng gần gũi: người ta có thể chỉ một người đang chơi bóng bàn và nói rằng “Anh ta đang làm luận án”. Hoạt động “chơi bóng bàn” rõ ràng không làm người nghe cảm thấy hoạt động làm luận án bị gián đoạn: “làm luận án” vẫn được hiểu là một quá trình liên tục.
[10] Truy cập lúc 21:00 ngày 13/9/2014.
[11] Cf. - Hoàng Phê (CB) 1995. Từ điển tiếng Việt. Nxb Đà Nẵng và Trung tâm Từ điển học. HN-ĐN;
và Hoàng Văn Hành (et al.) 2002. Sổ tay dùng từ tiếng Việt. Tái bản lần thứ 1. Nxb KHXH. HN.

No comments:

Post a Comment