Sunday 26 October 2014

“CÙNG” – TÁC TỬ ĐÁNH DẤU THUYẾT ĐỒNG NHẤT


1.    Cùng là một từ ít được chú ý từ trước đến nay. Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê, 1995) xem cùng là (i) tính từ: với nghĩa “có sự đồng nhất hoặc sự giống nhau hoàn toàn về cái gì hoặc về hoạt động nào đó”, eg. Anh em cùng cha khác mẹ, Hai việc cùng quan trọng như nhau, Không có ai đi cùng; (ii) kết từ: biểu thị quan hệ liên hợp, 1. “biểu thị người hay sự vật sắp nêu ra có mối quan hệ đồng nhất về hoạt động, tính chất hoặc chức năng với người hay sự vật vừa được nói đến”, eg. Nó đến cùng với bạn, Nàng về nuôi cái cùng con, 2. “biểu thị người sắp nêu ra là đối tượng mà chủ thể của hoạt động vừa nói nhằm tới, coi là có quan hệ tác động qua lại mật thiết với mình”, eg. Biết nói cùng ai; (iii) trợ từ: “nhấn mạnh về sắc thái tha thiết mong muốn có sự đáp ứng, sự cảm thông ở người khác”, eg. Người trong một nước thì thương nhau cùng.
           
         Những định nghĩa vừa dẫn tỏ ra khó thỏa mãn người đọc. Chẳng hạn, với các ví dụ ở nét nghĩa (i), người ta không hiểu tại sao trong “cùng quan trọng” thì có thể bỏ cùng mà trong “cùng cha” thì không thể, người ta cũng không hiểu ở “đi cùng” thì đồng nhất hay giống nhau giữa cái gì với cái gì. Ở các ví dụ (ii) người ta cũng không hiểu cùng có đồng nhất với với không, vì hoàn toàn có thể thay cùng bằng với trong các ngữ cảnh trên mà ngữ nghĩa hầu như không đổi. Và trong định nghĩa của Từ điển, chúng tôi nhận thấy có một khiếm khuyết khá lớn, đó là cùng không hề được xét đến khi nó xuất hiện ở vị trí trước vị từ.
Trong phạm vi bài này, chúng tôi muốn làm rõ những vấn đề ngữ nghĩa và ngữ pháp của cùng, để từ đó chứng minh rằng cùng là một tác tử đánh dấu thuyết đồng nhất – một “đối trọng” của đều, tác tử đánh dấu đề đồng nhất.

2.  Nhìn chung, cùng có ba tư cách (vị từ, vị từ tình thái, và giới từ), thể hiện ở bốn trường hợp sau đây. Ví dụ:
             (1)  a. Hà và Lê cùng tuổi.
            b. Hà và Lê cùng sở thích.
            c. Hai cái áo này cùng màu.
            (2)  a. Hà và Lê cùng học lớp một.
            b. Hà và Lê cùng học lớp 1A.
            (3)  a. Hà và Lê học cùng một thầy.
           b. Hà và Lê học cùng thầy.
            (4)  a. cùng gia đình đi nghỉ mát.
           b. Hà đi nghỉ mát cùng với gia đình.
2.1.             Vị từ cùng
Về ngữ pháp, trong các câu (1), cùng giữ vai trò của một vị từ chính danh, nhận danh ngữ đi sau nó làm bổ ngữ. Do cương vị này mà cùng không thể bị tỉnh lược.
            Về ngữ nghĩa có thể nhận thấy:
(i) Nghĩa của cùng ở (1a) là cái gì đó tương tự bằng; ở (1b,c) tương tự giống; tức là biểu thị sự có thuộc tính “đồng nhất” giữa các thực thể được nêu lên trước làm đề.
Có thể diễn giải như sau: Hà x tuổi, Lê x tuổi; vậy Hà và Lê gặp nhau về “tuổi”. Tương tự, Hà có sở thích y, Lê có sở thích y; vậy Hà và Lê gặp nhau ở “sở thích”. “Tuổi” hay “sở thích” chính là điểm đồng quy giữa (tuổi/ sở thích của) Hà và (tuổi/ sở thích của) Lê. Sở dĩ gọi là điểm đồng quy là vì đó không phải là một cái gì đó chung cho cả Hà và Lê (theo nghĩa Hà và Lê “chia” nhau ) mà, nói đúng ra, đó là điểm gặp nhau về thuộc tính của Hà và Lê. (Sự phân biệt này sẽ được làm rõ ở các phần sau).
(ii) Trong cấu trúc nghĩa của vị từ cùng, diễn tố thứ hai (bổ ngữ) thường là một danh ngữ biểu thị phạm vi/lĩnh vực, nơi mà các chủ thể nêu ở đề gặp nhau – rất giống với tham tố cương vực (range) ở các vị từ hành động. Về ngữ pháp, cái danh ngữ này có đặc trưng của một danh từ khối, biểu thị một khái niệm mang tính loại (chủng loại, generic) ­– tất nhiên, nó phải có tính chỉ định (specificity)([1]) để có thể trở thành điểm đồng quy cho các chủ thể nói ở phần đề (cf. CXHạo 1991: 94, 95 và 98). Xét:
            (5)   a. Hà và Lê cùng tuổi (/họ, quê, suy nghĩ, quan điểm, sở thích, nguyện vọng, bậc lương, trình độ, v.v.)
             b. Hai cái áo này cùng màu (/kiểu, hiệu, giá, cỡ, lỗi, chất liệu)
Với hai (/nhiều) chủ thể là người, có rất nhiều “lĩnh vực” có thể gặp nhau: tên, họ, quê quán, tuổi, ý thích, v.v.; với hai (/nhiều) sự vật (chúng tôi sẽ gọi chung là chủ thể) thì đó là kiểu dáng, chất liệu, giá cả, kích thước, độ bền, nhiệt độ nóng chảy, v.v.. Nếu những chủ thể làm đề gặp nhau ở một thuộc tính nào đó thuộc những “lĩnh vực” vừa nói thì người nói có thể sử dụng vị từ cùng để diễn đạt. Trong câu (4a), trên bề mặt người nghe không biết Hà và Lê mấy tuổi, họ gì, v.v., nhưng về mặt ngữ dụng đó là một danh ngữ chỉ định (specific indefinite) – vì quá trình so sánh đồng nhất chỉ có thể diễn ra khi ít nhất người nói phải biết rõ, chẳng hạn, Hà 6 tuổi, Lê 6 tuổi, Hà họ Trần, Lê họ Trần – nghĩa là biết chính xác tiêu chí hoặc bình diện quy chiếu.
       Theo quan sát của chúng tôi, tính loại (generic) của danh ngữ là một yêu cầu về ngữ pháp cần được chú ý khi tạo câu. Xét các ví dụ sau:
            (6)   a. Hai đứa chúng tôi cùng tôn giáo (/đạo).
            b. ??Hai đứa chúng tôi cùng Thiên chúa giáo (/đạo Phật).
            (7)   a. Nhà chúng tôi cùng đường.
            b. ??Nhà chúng tôi cùng đường Nguyễn Huệ.
            (8)   a. Hai cái áo này cùng giá.
            b. ??Hai cái áo này cùng (giá) hai trăm ngàn.
            (9)   a. Ngày xưa, chúng tôi cùng đơn vị.
            b. ??Ngày xưa, chúng tôi cùng Sư 5.
Các câu (a) đúng ngữ pháp vì có bổ ngữ là một danh ngữ biểu thị loại. Trong khi đó, các câu (b) khó có thể chấp nhận vì bổ ngữ của nó là một danh ngữ cá thể (individual) mang sở chỉ rõ ràng. Ngay cả ở các trường hợp phần thuyết của câu [cùng + NP] bị hạ cấp trở thành một định ngữ thì yêu cầu về tính loại của danh ngữ này cũng không đổi. Ví dụ:
           (10)    a. Tôi về thăm nhà với một cậu cùng đơn vị.
              b. ??Tôi về thăm nhà với một cậu cùng (đơn vị) Sư 5.
              c. Tôi ở chung với một anh bạn cùng quê.
              d. ??Tôi ở chung với một anh bạn cùng (quê) Cà Mau.
Hiện tượng trên rõ ràng mang tính nhất loạt (regularly). Tuy nhiên, trong thực tế, đôi khi có những danh ngữ mang dáng dấp của một cá thể xuất hiện ở vị trí sau cùng. Chẳng hạn:
           (11)    a. ??Hà và Lê cùng sáu tuổi.
             b. ??Nó với thằng bé kia cùng tên Nam.
Chúng tôi cho rằng, những trường hợp này đáng ngờ về mặt ngữ pháp, có hai lý do: (i) cùng trở nên “thừa”, không còn giữ vai trò vị từ trung tâm của thuyết nữa, ở (11a,b) cùng có thể bị tỉnh lược mà nghĩa của câu không đổi, thậm chí trở nên “bình thường” hơn về ngữ pháp; (ii) khi có mặt những danh ngữ “giả” chủng loại này, khả năng hình thành thể liên đới (comitative) không còn nữa. (Khả năng xuất hiện thể liên đới có thể xem là một đặc trưng quan trọng của cùng dù ở bất kỳ vị trí nào. Đặc trưng này sẽ thể hiện rõ hơn ở những phần sau). So sánh:
               (12)     a. cùng tuổi với Lê.
                b. *cùng sáu tuổi với Lê.
                c. cùng tên với thằng bé kia.
                d. *cùng tên Nam với thằng bé kia.
Chúng tôi cho rằng, trong việc dạy tiếng những trường hợp như (11) không thể xem là chuẩn mực.
2.2. Vị từ tình thái cùng
2.2.1. Khi đứng trước một vị từ “bình thường”, cùng giữ vai trò của một vị từ tình thái. Xét ví dụ (2) ở trên:
            (2)  a. Hà và Lê cùng học lớp một.
b. Hà và Lê cùng học lớp 1A.
Ở (2), cùng là vị từ tình thái, cần một vị từ đứng sau làm bổ ngữ. Tuy nhiên, phạm vi tác động của cùng bao trùm toàn bộ ngữ vị từ làm thuyết trong câu chứ không chỉ vị từ đứng ngay sau nó. Điều này dẫn đến một yêu cầu là bản thân ngữ vị từ theo sau cùng phải bảo đảm tính hoàn chỉnh về mặt cấu trúc và ngữ nghĩa.
Ở (2a), Hà và Lê đồng quy (gặp nhau) ở đặc trưng “học lớp một”, còn ở (2b) đồng quy ở đặc trưng “học lớp 1A”. Nghĩa là, ở (2a) Hà chỉ gặp Lê ở chỗ “học lớp một”, chứ không hàm nghĩa chung trường hoặc chung lớp – khác với (2b). Với một cấu trúc có nhiều tham tố hơn, khi xuất hiện trước vị từ trung tâm, cùng cũng tác động đến toàn bộ các tham tố đó: “Hà và Lê cùng [học toán với cô Mai ở Trung tâm luyện thi Vĩnh Viễn]”. Tuy nhiên, khi cùng có mặt trước ngữ vị từ thì bao giờ cũng hàm nghĩa liên đới, tức là luôn luôn có thể xuất hiện tham tố liên đới thể bằng cách tách một bộ phận chủ thể thành một vai nghĩa đứng riêng hoặc dùng đại từ tương hỗ (reciprocal) làm nhiệm vụ hồi chỉ. Ví dụ:
              (13)     a. cùng học lớp một với Lê.
               b. cùng học lớp 1A với Lê.
               c. Hà và Lê cùng học lớp một với nhau.
               d. Hà và Lê cùng học lớp 1A với nhau.
Trên thực tế, yêu cầu về tính hoàn chỉnh của ngữ vị từ đóng vai trò thuyết của câu cho thấy cùng hành chức như một vị từ tình thái (để bổ sung ý nghĩa tình thái cho thuyết), tức là sự có mặt hay vắng mặt của cùng không làm thay đổi nội dung mệnh đề của câu. Ở (2a), nếu không có cùng, nội dung mệnh đề vẫn là “Hà học lớp một và Lê học lớp một”; nếu có cùng nội dung mệnh đề ấy lại có thêm nghĩa (tình thái): “thuộc tính “học lớp một” là điểm gặp nhau hay điểm đồng quy của Hà và Lê”.
Như vậy, với sự có mặt của cùng, có thể diễn đạt nghĩa của (2a): “Hà và Lê đồng quy ở thuộc tính ‘học lớp một’”. Cách diễn giải này cũng ứng dụng cho trường hợp các câu (1a) ở trên: “Hà và Lê đồng quy ở ‘lĩnh vực’ tuổi”.
2.2.2. Nhìn chung, vị từ tình thái cùng không đi trước các vị từ biểu thị cảm nghĩ, tri giác (đúng hơn, những vị từ biểu thị nội dung tri giác) (NVPhổ 2009) hay vị từ tĩnh chỉ tính chất – tức là những vị từ [-chủ ý]. Ví dụ:
             (14)      a. *Hà và Lê cùng hiểu/ biết câu trả lời. (so sánh (ss): cùng nghe)
              b. *Chúng tôi cùng nhớ nhà. (ss: Chúng ta hãy cùng nhớ lại...)
              c. *Hà và Lê cùng thấy một cô gái đẹp. (ss: cùng nhìn)
              d. *Vì đội bóng thua, mấy đứa nó cùng buồn.
              e. ??Bọn thanh niên trong làng cùng yêu cô ấy.
              f. ??Hai chị em cô ấy cùng đẹp/ cao/ gầy.
Ở một mức độ nào đó có thể nói rằng, trong tiếng Việt, các trạng thái nội tại khó có thể đóng vai trò là điểm đồng quy giữa các chủ thể (thường là người). (Nếu so sánh những trường hợp trên với dạng “đối tác” của nó là đều thì có thể nói rằng trạng thái nội tại có thể giống nhau chứ không thể đồng quy). Hà và Lê có thể cùng nghe câu trả lời chứ không thể cùng biết câu trả lời, có thể cùng nhìn chứ không thể cùng thấy một cô gái đẹp.
            Tất nhiên, một vị từ có thể được sử dụng theo cách [-chủ ý] hoặc [+chủ ý] tùy vào các yếu tố tham gia khung ngữ nghĩa của nó. So sánh các câu sau đây: câu (a) dùng theo cách [+chủ ý], câu (b) [-chủ ý]:
          (15)                     a. Nếu không lấy được nhau, chúng ta sẽ cùng chết/ *thiệt mạng.
       b. ??Tai nạn xảy ra, tất cả 6 hành khách trên xe cùng chết/ thiệt mạng.
          (16)                     a. Đất nước này là của chúng ta. Chúng ta hãy cùng yêu mến nó.
       b. ??Các bạn lớp tôi cùng yêu mến cô ấy.
Ở câu (15a), “cùng chết” không có nghĩa là “cùng trạng thái chết” (như ở (15b)) mà là cùng thực hiện hành động gì đó để chết; ở (16a), “cùng yêu mến nó” có nghĩa là “cùng giữ gìn, bảo vệ nó”, chứ không phải cùng tình cảm yêu mến như (16b).
            Nói khái quát, cùng khó đi trước một ngữ vị từ mà trung tâm là một vị từ [-chủ ý]. Nếu khả năng này xuất hiện, nghĩa của vị từ mang tính [+chủ ý].
Tuy nhiên, trong thực tế sử dụng ngôn từ, có một số trường hợp có vẻ không thỏa những điều vừa trình bày ở trên nhưng vẫn được chấp nhận. Khi đó có thể đoan chắc rằng điểm đồng quy chính là điểm quy chiếu thời gian chứ không phải là bản thân trạng thái cảm xúc của các chủ thể. Chẳng hạn:
            (17)                     a. Nghe tin đó, mấy đứa chúng tôi cùng vui mừng.
                     b. Vừa đói vừa lạnh, chúng tôi cùng nhớ nhà.
Cùng ở hai câu (17) chỉ khả chấp nếu hiểu rằng các sự tình được diễn đạt được quy đồng thời điểm: ở (17a) là “cảm thấy vui mừng cùng một lúc”, ở (17b) là “cảm thấy nhớ cùng một lúc”. (Thật ra, dù hiểu nghĩa nào thì ở các câu (17) thay cùng bằng đều sẽ tự nhiên hơn nhiều).
            Ngoài ra, có trường hợp chúng tôi cho rằng cùng được sử dụng theo một cách đặc biệt, vì nó có vẻ nằm ngoài đặc điểm hệ thống vừa trình bày. Ví dụ:
             (18)                     a. ?Hai việc đó cùng quan trọng.
                      b. ?Hà và Lê cùng đẹp.
Cũng có thể cho cùng cả hai câu (18) đồng quy thời gian như các câu trên. Tuy nhiên, trong cảm nhận bình thường của người bản ngữ, cách hiểu đó có vẻ khiên cưỡng.
Các câu (18) có thể được diễn đạt theo cách thức chuẩn tắc hơn: “Hai việc đó quan trọng như nhau”, “Hà và Lê đẹp như nhau”. Ở đây ta có một cấu trúc so sánh hiển ngôn (về mức độ quan trọng và về mức độ đẹp giữa hai đối tượng được nói đến). Chú ý: với yêu cầu của một cấu trúc so sánh, sự có mặt của “như nhau” là bắt buộc.
Trong trường hợp khác, nếu muốn diễn đạt sự đồng nhất hai đối tượng về một thuộc tính nào đó được đưa ra so sánh thì có lẽ một cấu trúc có đều sẽ tự nhiên hơn: “Hai việc đó đều quan trọng”, “Hà và Lê đều đẹp”. (Tất nhiên, đều mang một tiền giả định: không có đối tượng nào không mang thuộc tính “quan trọng”/“đẹp” – cf. Nguyễn Đức Dương 2000).
Như vậy, ở các câu (18), nếu không có “như nhau”, câu có vẻ thiếu tự nhiên, hơn nữa, không rõ nó sẽ được dùng trong tình huống nào; nếu có “như nhau”, có vẻ như cùng trở nên không cần thiết, vì nó không đem lại nét nghĩa gì mới cho cấu trúc – do vậy khó giải thích về cả ngữ pháp lẫn ngữ nghĩa. Chúng tôi cho rằng có lẽ nên diễn giải (18a) như sau: “Hai việc đó (có) cùng mức độ quan trọng”, (18b): “Hà và Lê (có) cùng mức độ đẹp”. Sự xuất hiện của các câu như (18) khá phổ biến, nhưng không trải rộng trên các vị từ cùng nhóm; do vậy diễn giải như trên là khả chấp.
            Tương tự, cùng đi trước hệ từ , theo chúng tôi cũng là một cách dùng cần được thuyết minh thêm. Xét các câu sau:
            (19)                     a. ??Tất cả bạn cũ của tôi cùng là bác sĩ.
                     b. ??(Họ làm nghề gì vậy?) – Hai vợ chồng họ cùng là bác sĩ.
                     c. ??Hà và Lê cùng là người Hà Nội.
                     d. ??Hà và Lê cùng là người hiền lành.
Trên đại thể, cùng hầu như không đứng trước hệ từ trong những cấu trúc biểu thị nghề nghiệp, chức vụ, vị trí, thuộc tính nội tại khi cấu trúc đó phân lập (“đứng riêng”) trong một chuỗi phát ngôn. Một cấu trúc như thế có vẻ “ổn” hơn nếu có một đoạn câu theo sau biểu thị sự tương phản nào đó giữa các đối tượng được nói đến. Chẳng hạn:
           (20)    a. Hà và Lê cùng là người Hà Nội, nhưng tính cách hoàn toàn khác nhau.
           b. Hà và Lê cùng là người hiền lành, nhưng Hà thì thông minh, sắc sảo, Lê thì chân thật, khù khờ.
Tuy nhiên, thay cùng bằng đều vẫn là một cách diễn đạt tự nhiên hơn.
Bàn thêm về cùngđều
Về đại thể, cùng biểu thị sự đồng quy thuộc tính giữa hai hay nhiều đối tượng (= đề) được nói đến. Đây là đặc trưng có thể dùng để phân biệt cùng với đều. Xét các câu sau:
              (21)                     a. Hà và Lê đều uống trà.
                       b. Hà và Lê cùng uống trà.
                       c. Đúng 5 giờ, Hà và Lê đều ra về.
                       d. Đúng 5 giờ, Hà và Lê cùng ra về.
Sự luân phiên đềucùng khá đều đặn, nhưng ngữ nghĩa của hai vị từ tình thái này khác nhau rất rõ. Ở câu (21a), cả Hà lẫn Lê uống trà chứ không có ai uống gì khác; ở (21c) cả Hà lẫn Lê ra về lúc 5 giờ chứ không có ai về trễ hơn hay sớm hơn – nên hai người giống nhau. Hay nói cách khác: hai chủ thể (= đề) đồng nhất với nhau ở một thuộc tính (uống trà, ra về lúc 5 giờ).
            Ở câu (21b), và (21d), “uống trà” và “ra về lúc 5 giờ” là thuộc tính của Hà, cũng như của Lê (không khác (21a, c)). Nhưng sự có mặt của cùng đã quy đồng thuộc tính của Hà và của Lê (hai thuộc tính này gặp nhau hay đồng quy). Mỗi chủ thể gắn với một thuộc tính, cho nên sự đồng quy thuộc tính này đã mang lại một “nét mới” cho cấu trúc: hai chủ thể được đặt trong quan hệ tương hỗ hoặc liên đới (chứ không phải là đồng nhất như đều). Nghĩa là, khi hai chủ thể đồng quy ở một hành động, quá trình, trạng thái thì mặc nhiên giữa chúng có một quan hệ qua lại gì đó với nhau. Cái “nét mới” này, dù có được hiển ngôn hay không thì nó cũng tồn tại bên cạnh nội dung sự tình với tư cách là một nét nghĩa tình thái.
            Như vậy, có thể khái quát như sau: đều là một tác tố đánh dấu sự đồng nhất đề ở một thuộc tính nào đó, còn cùng là một tác tố đánh dấu sự đồng nhất thuộc tính của các đề (cả chủ đề và khung đề). Hay nói cách khác, trong một câu có hai phần đề-thuyết, đều là tác tố biểu thị sự đồng nhất đề, trong khi cùng là tác tố biểu thị sự đồng nhất thuyết (do vậy, các đề khác nhau có quan hệ tương hỗ/ liên đới với nhau). Đó chính là cơ sở của sự đồng quy thuộc tính đã nói đến ở trên.
            Cách diễn giải này thể hiện được chức năng quan trọng của đều là đánh dấu đề (cf. CXHạo 1991: 112); và nó giải thích được hiện tượng, trong trường hợp cùng, các đối tượng được đưa ra làm đề (ở dạng liên hợp: “Hà và Lê”, hoặc ở dạng đại từ phức số: “chúng tôi”, “họ”) có thể tách ra thành thể liên đới dẫn nhập bằng với, trong khi với đều thì không thể. 
            Có thể thấy rõ sự phân biệt này qua một ví dụ khác:
              (22)                     a. Ông tổng và bà phó đều đi công tác.
                       b. *Ông tổng và bà phó đều đi công tác với nhau.
                       c. *Ông tổng đều đi công tác với bà phó.
                       d. Ông tổng và bà phó đều đi công tác, không có ai xử lý chuyện này cả.
               (23)                     a. Ông tổng và bà phó cùng đi công tác.
                        b. Ông tổng và bà phó cùng đi công tác với nhau.
                        c. Ông tổng cùng đi công tác với bà phó.
                        d. ??Ông tổng và bà phó cùng đi công tác, không có ai xử lý chuyện này cả.
                        e. Ông tổng và bà phó cùng đi công tác, vui thật!
Câu (22) cho thấy “ông tổng” đồng nhất với “bà phó” ở chỗ “đi công tác”, nhưng đó là hai chuyến công tác khác nhau. Trong khi (23) luôn được hiểu là “ông tổng” và “bà phó” đi công tác với nhau.  
Tất nhiên, trong một vài tình huống, sự phân biệt cùngđều về ngữ nghĩa không phải là điều dễ dàng.
2.3. Giới từ cùng
            2.3.1. Với nghĩa tương tự như những trường hợp trên, cùng có thể đứng sau một vị từ và trước một danh ngữ để hành chức như một giới từ. Ở trường hợp này, phạm vi tác động của cùng là danh ngữ đứng sau nó.
            Xét các câu sau:
               (24)                    a. Hà và Lê ở cùng phòng.
                       b. Hà và Lê ở cùng một phòng.
                       c. ??Hà và Lê ở cùng phòng A025.
               (25)                    a. Hà và Lê đi cùng đường.
                       b. Hà và Lê đi cùng một đường.
                       c. ??Hà và Lê đi cùng đường Lê Lợi.
Như trên đã nói, không thể quy đồng hai sự tình mà không xác định điểm đồng quy. Ở các câu (a), “phòng”/“đường” mang hình thức một danh từ khối chỉ loại, nhưng cũng là những danh ngữ chỉ định (specific indefinite noun phrase): cái phòng mà Lê ở, con đường mà Lê đi cũng chính là cái phòng, con đường mà Hà ở hay Hà đi. Các câu (a) có hai đặc điểm: sự có mặt của cùng là bắt buộc, và dễ dàng hiển ngôn liên đới thể (“Hà và Lê ở cùng phòng với nhau”, “Hà đi cùng đường với Lê”).
Ở các câu (b) của vd (24) (25), trong danh ngữ “một phòng”/“một đường”, “một” có vẻ như không phải là quán từ bất định mà là số từ vì có thể hiểu: “hai người ở một phòng chứ không phải ở hai phòng”; “hai người đi một đường chứ không phải hai đường”. Thật ra, các danh ngữ trong (b) vẫn bất định (indefinite), chỉ có điều là tính bất định của nó được đánh dấu (bằng quán từ bất định một). Và khi tính bất định này được hiển ngôn thì ở các câu (b) cùng là một tùy chọn (trong khi ở các câu (a) sự có mặt của cùng là bắt buộc).
 Các câu (c) của (24) và (25) không được chấp nhận vì danh ngữ sau cùng là một cá thể có sở chỉ hiển ngôn. (ss. những trường hợp (1) đã nói ở trên).
            Khi tham gia vào kết cấu ngữ vị từ với tư cách là một bổ ngữ, danh ngữ đang bàn cũng chịu sự ràng buộc về mặt ngữ nghĩa với vị từ chi phối nó. Xét các câu:
               (26)                 a. *Hà và Lê mua cùng một quyển sách.
                      b. Hà và Lê đọc cùng một quyển sách.
                      c. *Hai nhà văn Trần Hà và Vũ Lê viết cùng một quyển tiểu thuyết.
                      d. Hai nhà văn đó viết cùng (một) đề tài.
                      e. *Hai chị em mặc cùng một cái áo.
                      f. Hai chị em mặc cùng (một) kiểu áo.
Bổ ngữ ở các câu trên đều mang số đơn. Trong điều kiện bình thường, cái “quyển sách” mà Hà đã mua thì Lê không thể mua được nữa; “quyển tiểu thuyết” mà nhà văn Trần Hà viết thì không thể là sản phẩm của Vũ Lê; “cái áo” mà cô chị đang mặc thì cô em không thể “cùng mặc”. Do đó, (a), (c) và (e) bất khả chấp.
            Ở các câu (26d, f), sự xuất hiện của một là tùy chọn, và khả năng đưa liên đới thể vào cấu trúc câu là rất dễ dàng: “Nhà văn Trần Hà viết cùng đề tài với nhà văn Vũ Lê”, “Hai chị em mặc cùng kiểu áo với nhau”. Trong khi đó, (26b) thì không thể (??“Hà đọc cùng quyển sách với Lê”); nhưng nếu thay danh từ đơn vị quyển bằng danh từ đơn vị loại thì khả năng có liên đới thể là bình thường: “Hà đọc cùng loại sách với Lê”.  
            Từ những phân tích ở (24) – (26), chúng tôi nhận thấy rằng, khi cùng đứng làm giới từ trước một danh ngữ-bổ ngữ, bản thân danh ngữ đó phải “đủ sức” biểu hiện một phạm vi hay cương vực (range, cf. trường hợp (1) ở trên) – tức là phải biểu thị loại (generic) thì liên đới thể (“với...”) mới có thể xuất hiện trong cấu trúc ngữ vị từ. Hay nói rõ hơn, cái danh ngữ sau giới từ cùng không thể biểu thị một thực thể phân lập trong không gian kiểu như tấm, bức, cái, quyển, v.v.. Đây là một đặc điểm khác với cùng là vị từ hoặc vị từ tình thái.
            Những trường hợp phân tích ở (26) cũng cho thấy hoạt động của cùng rất khác với chung. So sánh (26a,c,e) với các câu (27) sau đây:
             (27)                   a. Hà và Lê mua chung một quyển sách.
                     b. Hai tác giả Trần Hà và Vũ Lê viết chung một quyển tiểu thuyết.
                     c. Hai chị em mặc chung một cái áo.
Ở (27a) có thể hiểu Hà và Lê góp tiền để mua, “quyển sách” là tài sản chung của hai người. Ở (27b) Trần Hà và Vũ Lê hợp tác với nhau, cả hai là đồng tác giả của “quyển tiểu thuyết”. Ở (27c), “cái áo” đó là sở hữu của cả hai chị em, được hai chị em mặc vào những thời gian khác nhau.
            Ngược lại, có khi chung không thể xuất hiện ở vị trí của cùng. Ví dụ:
             (28)                     a. Trong cả ba vụ cướp, hắn sử dụng cùng một khẩu súng.
                      b. ??Trong cả ba vụ cướp, hắn sử dụng chung một khẩu súng.
                      c. Bữa sáng và bữa chiều tôi ăn cùng một món.
                      d. ??Bữa sáng và bữa chiều tôi ăn chung một món.
(Chú thích: các câu (28a,c) cho thấy rõ đặc trưng đồng nhất thuyết mà chúng tôi đã đề cập ở trên. Trong cả hai câu này, phần (khung) đề ở dạng phức số – “trong cả ba vụ cướp”, “bữa sáng và bữa chiều” – nên vẫn có thể xuất hiện liên đới thể. Chẳng hạn: “Bữa chiều tôi ăn cùng một món với buổi sáng”).
Ngay cả khi có thể xuất hiện trong một ngữ cảnh đồng nhất thì cùngchung vẫn có sự khác biệt nhất định.
                 (29)                 a. Chúng tôi gọi cùng một món.
                        b. Chúng tôi gọi chung một món.
                        c. Chúng tôi nói cùng một ý.
                        d. Chúng tôi nói chung một ý.
Ở (29b), “một món” đó là một đĩa, một tô hoặc một phần và hai người ăn chung; còn ở (29a) “một món” đó là món súp cua chẳng hạn, mỗi người một chén – điểm gặp nhau giữa hai người chính là thuộc tính của món đó (= súp cua). Ở (29c), mỗi người nói ý của mình, ý của họ có nội dung giống nhau; còn ở (29d), có thể hiểu là hai người thống nhất ý kiến với nhau và một trong hai người sẽ nói ra ý kiến thống nhất đó.
            Từ những ví dụ trên, có thể nhận định rằng, với cấu trúc [V + chung + một...] chung biểu thị sự chia sẻ một thực thể (duy nhất và cụ thể); trong khi đó với cấu trúc [V + cùng + một...] cùng biểu thị sự đồng quy thuộc tính hơn là chia sẻ một thực thể. ( Có thể nói “mặc cùng một kiểu/ màu áo” chứ khó nói “mặc chung một kiểu/ màu áo”).
            Khả năng hành chức của cùng trong những trường hợp vừa trình bày cho thấy đặc điểm ngữ pháp của cùng khi đi với danh ngữ rất khác với same tiếng Anh. Trong khi same mang đầy đủ thuộc tính của một tính từ (adjective), tham gia cấu trúc danh ngữ với tư cách một định ngữ (the same direction, the same question) thì cùng của tiếng Việt nằm ngoài cấu trúc danh ngữ với tư cách là một giới từ (cùng [một hướng], cùng [một câu hỏi]).
Tất nhiên, vẫn có thể chuyển dịch same bằng một hình thức khác: chẳng hạn một vị từ tĩnh (= giống), nhưng vị từ này hoạt động khác với một vị từ mang đầy đủ đặc trưng của một tính từ kiểu như same, vì khi đó cả ngữ đoạn phải được tổ chức lại (giống nhau, giống như...).
              (30)                 a. John and Jim gave the same question.
                     b. John và Jim hỏi cùng một câu.
                     c. ?John và Jim đưa ra một câu hỏi giống nhau.
                     d. John đưa ra một câu hỏi giống như (câu hỏi của) Jim.
Trong nhiều trường hợp, có lẽ cùng tiếng Việt gần với together tiếng Anh hơn.
2.3.2. Cùngvới
Trong cấu trúc có cùng, có một biểu hiện cần làm sáng tỏ: sự xuất hiện của “với...”.
2.3.2.1. Xét các mô hình cấu trúc như sau:
                      (31)                     a. Đề [S1&S2] – Thuyết [cùng VP]
                               b. Hà và Lê cùng đi Đà Lạt.
                      (32)                     a. Đề [S1&S2] – Thuyết [cùng VP với S3]
                               b. Hà và Lê cùng đi Đà Lạt với bố.
                      (33)                     a. Đề [S1] – Thuyết [cùng VP với S2]
                               b. cùng đi Đà Lạt với Lê.
Với câu (31), chúng ta có một cấu trúc đề-thuyết đơn giản, trong đó đề là một ngữ đoạn liên hợp (chẳng hạn, “Hà và Lê”) hoặc một đại từ ở phức số (chẳng hạn, “chúng tôi”). Về cấu trúc ngữ nghĩa, câu (31) có hai diễn tố: hành thể (Hà và Lê) và đích (Đà Lạt). Sự có mặt của vị từ cùng biểu thị ý nghĩa rằng các thành viên trong cái đề phức số ấy gặp nhau ở hoạt động mà thuyết biểu hiện.
Câu (32) khác (31) ở chỗ cấu trúc ngữ nghĩa của nó có thêm tham tố thứ ba: liên đới thể (comitative, đánh dấu bằng với). Câu (32) khác (33) ở chỗ đề (32) ở dạng đơn số. Xét câu sau:
                      (34)                     a. Hà học toán với.
                               b. Hà học toán với thầy Nam.
Câu (34a,b) đều có liên đới thể, nhưng ở (a) có thể dùng cùng trước vị từ, trong khi (b) thì không thể:
                     (35)                     a. cùng học toán với.
                              b. *cùng học toán với thầy Nam.
Lý do là Hà và Lê (hai bạn học – nội dung này do ngữ cảnh hoặc tình huống cung cấp) có thể gặp nhau ở thuộc tính “học toán”, chứ Hà và thầy Nam – một người học và một người dạy – không thể có sự gặp nhau như vậy.
            Từ (34) và (35) có thể thấy rằng cùng không đòi hỏi đề ở dạng phức số như bề ngoài của các câu (31) và (32) thể hiện (hoàn toàn đối lập với đều) mà nó chỉ đánh dấu sự đồng quy thuộc tính giữa các tham tố có quan hệ liên đới với nhau.
            Có thể thấy rõ hơn sự phân biệt vừa nói, so sánh các câu (36):
                 (36)                     a. cùng ra Hà Nội với bố.
                          b. Hà với bố cùng ra Hà Nội.
                          c. Hà ra Hà Nội với bố.
                          d. Hà và Lan cùng ra Hà Nội với bố.
(36a) và (36b) có thể xem là đẳng nghĩa, và nghĩa của nó có thể được diễn giải tương tự (31). Tuy nhiên, ở (36c) có hai cách hiểu hoàn toàn khác nhau: (i) cách hiểu thứ nhất tương tự (36a,b) “bố” là liên đới thể; (ii) cách hiểu thứ hai: bố của Hà làm việc ở Hà Nội và mùa hè này Hà đi một mình ra Hà Nội để chơi với bố, “bố’ không còn là liên đới thể nữa mà đã trở thành (một kiểu) đối thể (objective). Với cách hiểu (ii), không thể có cùng trước vị từ ra vì không hề có sự đồng quy nào ở đây cả. (Chú ý: vị từ đi ở (32) (33) không có khả năng diễn giải như ra, vì bản chất ngữ nghĩa của nó chỉ là sự di chuyển chứ không bao hàm hướng hay đích như ra). So sánh (36c) với (36d) sẽ thấy rõ hơn sự đối lập cùngvới: cùng ở (36d) chỉ liên quan đến Hà và Lan chứ không liên quan đến bố, “bố” là đối thể.
            2.3.2.1. Nếu mở rộng phạm vi quan sát đến các câu có quan hệ tương hỗ (reciprocity), với sự có mặt của tham tố liên đới thể, có thể thấy một hiện tượng mang tính nhất loạt.
Xét các câu:
                (37)                   a. Hà nói chuyện với Lê.
                        b. Hà trao đổi với Lê về chuyện đó.
                        c. Chúng tôi sẽ làm việc với cơ quan chức năng về chuyện đó.
Ở các ví dụ trên, cùng có thể tham gia vào cấu trúc mà không làm thay đổi nội dung mệnh đề của câu. Chẳng hạn:
               (38)                     a. cùng nói chuyện với Lê.
                        b. Hà và Lê cùng trao đổi với nhau về chuyện đó.
                        c. Chúng tôi sẽ cùng làm việc với cơ quan chức năng về chuyện đó.
Như vậy, ở các cấu trúc ngữ nghĩa có liên đới thể, hay nói khái quát hơn, có quan hệ tương hỗ, thì sự có mặt của cùng là một tùy chọn rất phổ biến. Và trong một chừng mực nào đó có thể nhận định rằng sự có mặt của cùng luôn song hành với thể liên đới nói riêng, quan hệ tương hỗ nói chung – trừ trường hợp cùng là giới từ đi trước bổ ngữ như những phân tích ở mục 2.3.1) .
Từ mối quan hệ mật thiết đó, cùng có thể xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau trong cấu trúc chứ không còn đóng khung ở trước ngữ vị từ hay danh ngữ (mà nó tác động) nữa. Ví dụ:
               (39)                     a. Hà nói chuyện/ trao đổi cùng với Lê.
                        b. cùng với Lê nói/ trao đổi chuyện đó.
                        c. Chúng tôi sẽ làm việc cùng với các cơ quan chức năng.
Trong các câu trên, cùng không xuất hiện trước vị từ với tư cách là vị từ tình thái, và cũng không xuất hiện trước danh ngữ với tư cách là vị từ chính danh nữa mà kết hợp với với để đánh dấu liên đới thể. Lúc này, cùng hành chức hoàn toàn giống như một giới từ “bình thường” (và tương đương với với về ngữ nghĩa). Ở các câu (39), có thể bỏ với mà nội dung ngữ nghĩa không thay đổi (“Hà trao đổi cùng Lê”, “Hà cùng Lê trao đổi”, “Chúng tôi sẽ làm việc cùng các cơ quan chức năng”). Và khi tạo thành một giới ngữ, có thể thay đổi vị trí (sự thay đổi vị trí này không thể diễn ra nếu xem vớicùng là liên từ):
             (40)                   a. Cùng với Lê, Hà đã trao đổi quan điểm về chuyện đó.
                     b. Chúng tôi cùng với các cơ quan chức năng sẽ làm rõ việc đó.
                     c. Chúng ta sẽ đấu tranh đến cùng, cùng với những người yêu tự do.
            Tuy nhiên, khác với với, cùng vẫn giữ lại phần nào tính chất của một vị từ – hay nói khác đi, có hiện tượng trung hòa hóa giữa cùng vị từ và cùng giới từ. Ví dụ:
                (41)                     a. Chúng tôi sẽ cùng với các cơ quan chức năng làm rõ việc đó.
                         b. Bố tôi đang cùng với các chú bàn về chuyện cải táng cho ông.
Ở hai câu (41), sự có mặt của cùng là bắt buộc, trong khi với là tùy chọn. (Ở (39) và (40) ba khả năng – với, cùngcùng với – có thể xem là ngang nhau).
            Cũng cần nói thêm, với là một giới từ có thể dẫn nhập cho nhiều tham tố khác nhau, liên đới thể, phương tiện, tiếp thể, v.v.; do vậy với có khả năng gây ra hiện tượng mơ hồ giữa các vai nghĩa. Trong trường hợp này cùng là sự thay thế hoặc kết hợp thích hợp nhất. Ví dụ:
            (42)      a. Cùng với Lê, Hà đưa ra đề nghị này.
             b. Với Lê, Hà đưa ra đề nghị này.
 c. Cùng với các tổ chức nhân đạo quốc tế, Chính phủ đã tiến hành cứu trợ khẩn cấp cho nhân dân vùng lũ.
             d. Với các tổ chức khủng bố, chúng ta đã có đối sách thích hợp.
Ở (42b) với không còn đánh dấu liên đới thể như khi đi với cùng (42a) nữa mà nó biểu thị tiếp thể (Lê là đối tượng nhận đề nghị của Hà). Tương tự, (42c) sự có mặt của cùng bảo đảm nghĩa liên đới rõ hơn là chỉ có với; trong khi đó (42d) không thể có cùng.
Bị chú:
Ở đây nảy sinh một hiện tượng cần diễn giải, đó là sự xuất hiện đồng ngữ cảnh của với (trong trường hợp: “Hà bố cùng ra Hà Nội” và “Hà với bố cùng ra Hà Nội”). Thoạt nhìn, nếu chỉ căn cứ vào hai cấu trúc ở dạng phân lập (đứng riêng) thì dễ cho rằng với là sự thay thế đồng nghĩa cho . Nghĩa là với có tư cách một liên từ, biểu thị quan hệ liên hợp hay đẳng lập. Cách diễn giải này không phải là không có cơ sở. Tuy nhiên, từ những phân tích trên (các ví dụ (31)-(36)), chúng tôi nghiêng về quan điểm cho rằng nên giới thuyết với như là một giới từ biểu thị quan hệ liên đới. Cách diễn giải này vừa chặt chẽ hơn, đứng trên bình diện cấu trúc tham tố, vừa bảo đảm được sự đối lập giữa với – hai tác tố ngữ nghĩa-ngữ pháp quan trọng của tiếng Việt. 
Cũng cần nói thêm, trong khẩu ngữ tiếng Việt có một hiện tượng luân phiên rất đều đặn giữa quan hệ liên hợp và quan hệ liên đới.([2])
Theo quan sát của chúng tôi, khi có hai hay nhiều thực thể liên hợp với nhau, người nói, tùy vào góc nhìn của mình, sẽ chọn một thực thể làm xuất phát điểm, các thực thể còn lại sẽ liên đới với nó về mặt ngữ nghĩa (và ngữ pháp). Vd:
              (43)                     a. Bé Na bố đi sở thú.
                       b. Bé Na đi sở thú với bố.
                       c. Bé Na với bố đi sở thú.
Quan hệ liên hợp (về mặt ngữ pháp là quan hệ đẳng lập thể hiện bằng tác tố ) giữa hai thành phần của cùng một tham tố (hành thể ở (43a)) được chuyển đổi thành quan hệ liên đới và biểu hiện bằng tác tố với. Như vậy, ở (43b,c) ta có cấu trúc tham tố giống nhau. Trong khi đó, nếu xem với (= ) là liên từ thì ta sẽ có hai với khác nhau, và sẽ không thể thuyết minh được về quan hệ tham tố giữa (43b) và (43c).
Từ những điều vừa nói trên, chúng tôi cho rằng trong các trường hợp (4) ở trên, cùng có tư cách của một giới từ hơn là một liên từ, dù trong nhiều trường hợp rạch ròi hai tư cách này là điều không dễ.
            Trở lại ví dụ (4) ở trên, có thể nói rằng cùng trong (4a,b) là một dạng phái sinh của cùng trong (1) và (2). Ở (4) cùng mang tư cách một giới từ, nhưng về nghĩa khác với giới từ ở (3). Trong bất kỳ sự tình nào có liên đới thể hoặc quan hệ tương hỗ, nếu một chủ thể được chọn ra để làm đề (xuất phát điểm của nhận định) thì bao giờ cũng có khả năng đan xen giữa cùngvới để biểu thị thể liên đới. Và dù khả năng kết hợp giữa hai yếu tố đó như thế nào thì đặc trưng quy đồng thuộc tính của cùng và liên đới của với cũng không hoàn toàn mất đi.

3.                     Thay lời kết
            Cùng là một từ có những biểu hiện đa dạng và phức tạp so với bề ngoài của nó.
Có thể tóm tắt như sau: cùng biểu thị sự quy đồng thuộc tính giữa hai hay nhiều chủ thể; hay nói khái quát hơn, cùng là một tác tử đánh dấu thuyết đồng nhất, với ba chức năng chính:
(i)       vị từ chính danh (đi trước một danh ngữ chỉ loại làm bổ ngữ);
(ii)   vị từ tình thái (đi trước một ngữ vị từ có cấu trúc hoàn chỉnh – nghĩa là có khả năng đứng làm thuyết trong câu mà bổ ngữ là một danh ngữ cá thể, có thể có sở chỉ hiển ngôn);
(iii)    giới từ, có hai trường hợp:
a.  đi sau một vị từ và trước một danh ngữ làm bổ ngữ (biểu thị điểm quy đồng): tương tự như (i);
b. kết hợp hoặc không kết hợp với với biểu thị liên đới thể, có vị trí tương đối tự do trong câu.
Trên đây là những phân tích các biểu hiện có thể xem là cơ bản và phổ biến của cùng. Tuy nhiên, để đơn giản hơn, nhằm ứng dụng vào việc dạy và học tiếng, có thể trình bày cùng ở ba biểu hiện: (i) cùng đi trước danh ngữ, (ii) cùng đi trước ngữ vị từ và (iii) cùng đi với với.



[1] Trong các tài liệu ngôn ngữ học tiếng Việt hình như chưa có tác giả nào bàn đến đặc trưng chỉ định [±specific] của các danh ngữ bất định (indefinite noun phrases). Đây là một khái niệm quan yếu khi đề cập đến ngữ nghĩa và ngữ dụng của danh ngữ bất định ở nhiều thứ tiếng khác. Cf. Geurts Bart , Klaus von Heusingger.  

[2] Thậm chí, trong khẩu ngữ Nam bộ hầu như không thấy liên từ mà thay vào đó chỉ có với. Chẳng hạn: “Ba nó với  mẹ nó bỏ nhau rồi”, “Tối hôm qua uống rượu với bia nên mệt quá”, “Dọn dẹp nhà cửa với giặt quần áo là mất cả buổi sáng”, v.v.. Quả thật, quan hệ liên đới nói chung, ngữ nghĩa và ngữ pháp của với nói riêng, là vấn đề cần được quan tâm nghiên cứu nhiều hơn nữa.

No comments:

Post a Comment