1. Dẫn nhập
Trong mươi năm gần đây, cùng với quá trình
dạy tiếng Việt với tư cách là một ngôn ngữ thứ hai, có rất nhiều vấn đề lộ ra,
cho thấy ngữ pháp tiếng Việt chưa thật sự được lập thức một cách đầy đủ và hệ
thống. Loại từ là một trong những vấn đề như thế. Có thể nói, đối với người nước
ngoài, đây là một thách thức lớn đeo đẳng họ từ những giờ đầu tiên theo học đến
khi họ được xem là thành thạo tiếng Việt.
Thật ra, danh từ đơn vị là một trong những
khái niệm ngữ pháp được rất nhiều nhà nghiên cứu tập trung khảo sát (Nguyễn Tài
Cẩn, Lý Toàn Thắng, Hồ Lê, Trần Đại Nghĩa, Vũ Đức Nghiệu, Cao Xuân Hạo, v.v.) với
tên gọi “từ chỉ loại”, “danh từ chỉ loại”, “danh từ đơn thể”, (và phổ biến nhất
là) “loại từ”; và diện mạo của nó ngày càng trở nên rõ ràng hơn.
Đặc biệt, với hàng loạt công trình trong những
năm 1990, Cao Xuân Hạo đã đứng hẳn trên bình diện ngữ pháp để xử lý danh từ đơn
vị trong khuôn khổ của một cấu trúc danh ngữ, dù rằng quan niệm của ông có nhiều
điểm vẫn còn đang tranh cãi [5] [7].
Theo danh sách mà Cao Xuân Hạo đưa ra thì danh
từ đơn vị có thể bao gồm các danh từ đếm được như cái, chiếc, tấm, con, trái, bức, cục, viên, thanh,... hoặc nhóm
danh từ chỉ những đơn vị tính toán gồm lít,
thước, ký, tấn, thúng, ly, muỗng, bao,… hoặc nhóm danh từ chỉ những sự vật
đếm được là những đơn vị hành chính như tỉnh,
huyện, xã, phường, v.v..
Cao
Xuân Hạo đã lập thức một cách hết sức cụ thể rằng trong cấu trúc danh ngữ có
danh từ đơn vị làm trung tâm có thể có các định ngữ sau [4: 90-91]:
-
Định
ngữ chỉ lượng: đứng trước là các lượng ngữ (các lượng từ xác định – một , hai, ba, bốn, năm,... – và các lượng
từ không xác định: những, các, mọi, mỗi, từng,
tất cả,...); đứng sau là các lượng từ mốt,
hai, ba, tư, rưỡi, sáu, bảy, tám, chín; chẳng hạn: năm quyển sách, những
ngôi nhà này, hai kí rưỡi thịt, một chục cam;
-
Định
ngữ chỉ loại: do danh từ khối đảm nhiệm; chẳng hạn: hai kí rưỡi thịt, một chục cam;
-
Định
ngữ hạn định: do ngữ danh từ, ngữ vị từ, tiểu cú (cụm chủ vị), đại từ chỉ định
(này, ấy, kia, nọ, đó), số từ, các từ
diễn đạt nghĩa “duy nhất” (đầu tiên, thứ
nhất, cuối cùng, thứ bảy, đẹp nhất, v.v.) đảm nhiệm; chẳng hạn: quyển sách anh tặng tôi, quyển sách bìa màu đỏ ấy, bài thơ cuối cùng vừa viết xong ấy;
-
Định
ngữ miêu tả: nhằm bổ sung một ý, nhưng không nhằm hạn định cho trung tâm; chẳng
hạn: bắt được một con cá mè to tướng.
Trong khi đó, danh từ khối chỉ có thể có một
định ngữ phía sau là định ngữ chỉ loại; chẳng hạn: thịt bò, cá biển, khoai tây.
Danh
từ đơn vị, nói chung, không có khả năng tự lập thành ngữ danh từ (trừ một vài
điều kiện nhất định), cho nên nhận diện được các định ngữ cũng có nghĩa là nhận
diện được các quan hệ ngữ pháp trong một ngữ đoạn danh từ. Điều đó, đối với người
nước ngoài (học tiếng Việt) lại càng đặc biệt có ý nghĩa. Theo quan sát của
chúng tôi, trong quá trình sản sinh ngôn ngữ (tự mình tạo ra phát ngôn), học
viên nước ngoài thường xuất phát trước hết từ danh từ khối (và kế đó, từ các định
ngữ theo sau) để xây dựng ngữ đoạn danh từ vì trong đầu họ cái đối tượng tri nhận
được gọi tên bằng một danh từ khối (vì họ dịch từ tiếng mẹ đẻ ra) chứ không phải
bằng một danh từ đơn vị. Chẳng hạn, khi nhìn thấy một quyển sách mới màu xanh,
trong đầu họ sẽ xuất hiện tên gọi “sách” (chứ không phải là “cuốn”, càng không
phải là “cuốn sách”) và sau đó, họ sẽ “gán” các thuộc tính cho “sách” (“mới”, “màu
xanh” hoặc “xanh”, “này”); từ đó hình thành ngữ đoạn. Có thể nói, cái mà học
viên nước ngoài cần chính là những “chỉ thị” nhằm trả lời câu hỏi “Khi nào thì
cần danh từ đơn vị và khi nào thì không?”. Những “chỉ thị” đó càng đơn giản,
mang tính thao tác, càng giúp họ dễ sản sinh phát ngôn.
Xuất
phát từ điều vừa nói, trong khuôn khổ bài này, chúng tôi sẽ xây dựng các “công
thức” nhằm chỉ ra cho người học thấy, với những gì họ muốn nói, khi nào thì cần
hoặc không cần một danh từ đơn vị. Hay nói rõ hơn, chúng tôi sẽ làm một chỉ dẫn
“ngược”: chẳng hạn, chúng tôi không giải thích danh từ đơn vị “cuốn” cần và có
thể có những định ngữ nào theo sau nó mà chúng tôi chỉ ra, khi nào cần một danh
từ đơn vị xuất phát từ những yếu tố (được gọi là định ngữ, mà trước hết là danh
từ khối) họ đã có trong đầu. Về lý thuyết ngữ đoạn, chúng tôi dựa chủ yếu vào
quan điểm của Cao Xuân Hạo trong [2] [3] [4].
2. Cách thức sử dụng danh từ
đơn vị
2.1. Trường hợp danh từ đơn vị buộc phải có mặt trước
danh từ khối
2.1.1. Danh từ đơn vị buộc phải xuất hiện
trong một danh ngữ có danh từ khối đi kèm với lượng từ.
Lượng từ trong tiếng Việt có 2 loại: số từ
và lượng từ không xác định.
2.1.1.1. Đối với số từ thì theo công thức: [số
từ + Dtđv + Dtk], ví dụ: bảy trái cam;
hai cuốn sách; một đĩa cơm, ba cây bút.
Sẽ sai ngữ pháp nếu danh từ đơn vị không được
đặt giữa số từ và danh từ khối (chẳng hạn: hai
quạt máy, ba xe máy, năm sách, ba gà). Danh từ đơn vị có thể vắng mặt (do tỉnh
lược) trong những trường hợp sau:
- Khi liệt kê một danh sách nhiều đối tượng đồng chất:
(1) Trong kho hiện còn ba quạt máy, năm tủ lạnh, bốn máy
giặt.
(2) Phòng nào cũng chỉ có một giường, một tủ.
- Khi nói về những đối tượng mà khái niệm đơn vị của
nó là hiển nhiên, nội dung truyền đạt chủ yếu nằm ở sự phân biệt các “loại”,
các “thứ” khác nhau. Do vậy, hiện tượng tỉnh lược này thường thấy trong bối cảnh
mua bán, trao đổi. Nói chung, ngoài khẩu ngữ, cách dùng này khó có thể xem là
chuẩn mực.
(3) Chị ấy có hai gái/con/em
trai. (thay vì Chị ấy có hai đứa con (gái)/em trai)
(4) Ba đá đi! (thay vì Ba ly
cà phê đá)
(5) Một bánh mì thịt! (thay
vì Một ổ bánh mì thịt)
2.1.1.2. Đối với lượng từ
không xác định, kể cả số đơn (một, mỗi, từng)
và số phức (các, những, mấy, vài, dăm,
mươi), có thể theo công thức: [lượng từ không xác định + Dtđv + Dtk]. Ví dụ:
một người đàn ông, mỗi đĩa cơm, từng miếng
thịt, những món quà, các bức tranh, vài giọt nước, mươi cuốn sách.
Có ba lượng từ biểu thị ý
nghĩa “toàn bộ” cũng đòi hỏi phải có danh từ đơn vị là cả
và nguyên, toàn bộ, vì ý nghĩa “toàn
bộ” của nó hàm ý rằng đối tượng được nói đến là một thực thể hoặc một khối duy
nhất (trên thực tế, trong cái khối duy nhất ấy có thể bao gồm nhiều bộ phận,
nhiều phần), phân lập với những đối tượng khác (khác với tất cả – từ này cho biết sau nó là nhiều thực thể riêng biệt).
(6) Hai anh em nó ăn nguyên con gà.
(7) Chiếc xe hơi phá nát cả bức tường.
(8) Họ dán quảng cáo trên toàn bộ bức tường.
Công thức này cũng được ứng
dụng khi định ngữ là danh từ khối được thay bằng một vị từ, chẳng hạn: các buổi học, mỗi bữa ăn, vài món ăn, một bài hát, cả băng cướp, nguyên ngày nghỉ.
Khác với trường hợp số từ,
khi có lượng từ bất định khả năng tỉnh lược danh từ đơn vị hầu như không có, kể
cả trong khẩu ngữ (không thể nói: “Tôi có gặp một đàn ông”, “Mỗi sách giá ba chục
ngàn”, “Tôi nhận được những quà rất đẹp”).
Lý do là sự có mặt/vắng mặt
danh từ đơn vị hoặc là sai ngữ pháp hoặc sẽ làm thay đổi ý nghĩa của danh từ khối
theo sau. So sánh:
(9) Mỗi căn nhà
trị giá một tỉ đồng. // *Mỗi nhà trị giá một tỉ đồng.
(10) Chúng tôi đến thăm từng nhà. // ??Chúng tôi đến thăm từng
ngôi nhà.
(11) Họ đưa thư mời đến từng nhà. // *Họ đưa thư mời đến từng
ngôi nhà.
(12) Mỗi nhà phải có một người đi họp. // *Mỗi căn nhà phải có một người đi họp.
(13) Mỗi bàn bốn người. // ??Mỗi cái bàn bốn người.
Câu (9) nói về giá tiền của cái thực thể vật chất (là
“căn nhà”) nên phải có danh từ đơn vị; câu (10) – (12) nói đến một tập hợp gồm
các thành viên có quan hệ huyết thống với nhau (= gia đình) nên không thể có
danh từ đơn vị; câu (13) nói đến cái không gian trong đó có bốn người tồn tại
nên không thể dùng danh từ đơn vị.
Cũng có một lệ ngoại dành cho danh từ Hán
Việt – vốn là những danh từ khối chỉ chất liệu nhưng có thể được dùng như danh
từ đơn vị. Danh từ Hán Việt có thể kết hợp trực tiếp với cả số từ lẫn lượng từ
bất định mà không cần đến danh từ đơn vị. Ta có thể nói bốn bác sĩ, ba quân nhân, các sinh viên, vài cán bộ, một tiểu thuyết, mỗi
phương tiện. Nhưng điều đó không có nghĩa là sự có mặt hay vắng mặt danh từ
đơn vị không có ý nghĩa: trong một phát ngôn mà danh ngữ biểu thị những thực thể
chưa xác định hoặc chưa hiện thực thì không thể xuất hiện danh từ đơn vị. So
sánh các câu sau đây:
(14) a. Ở đây đang cần hai/một số bác sĩ. (ss: *Ở đây đang
cần hai/một số người bác sĩ.)
b.
Chúng tôi may mắn được gặp hai (người/ông)
bác sĩ có lương tâm.
(15) a. Sắp tới công ty sẽ tuyển dụng khoảng 60 công nhân
may. (ss. *Sắp tới công ty sẽ tuyển dụng khoảng 60 cô công nhân may.)
b.
Cả 60 (cô) công nhân may phân xưởng I
đều chưa chồng.
Liên quan đến phạm trù số cần chú ý rằng
danh từ khối thì không bao hàm số; trong khi đó, danh từ đơn vị bao giờ cũng phải
được đánh dấu về số, sự vắng mặt lượng từ được hiểu là một.
(16) Nó mới mua bút chì. (không xác định được lượng)
(17) Nó mới mua cây
bút chì. (hiểu là một cây)
2.1.2. Danh từ đơn vị buộc phải xuất hiện
trong một danh ngữ (có chứa danh từ khối) để biểu thị một/những thực thể đã được
xác định.
Những dấu hiệu thể hiện tính xác định của
danh ngữ có thể được nhận diện qua:
2.1.2.1. Sự có mặt của các từ chỉ định như này, kia, ấy, đó. Có thể đưa ra công thức
sau: [Dtđv + Dtk + này/kia/ấy/đó], ví dụ: con
chó đó, bức tranh ấy, đứa em này.
Xét về mặt chức năng, từ chỉ định trong trường
hợp này là định ngữ của danh từ đơn vị chứ không phải là định ngữ của danh từ khối
chỉ chất liệu [3: 277]. Hệ quả là (i) danh từ khối có thể vắng mặt nếu cả người
nói và người nghe đều đã biết (cái này, bức
đó, cây kia); (ii) những danh ngữ có từ chỉ định theo sau danh từ khối mà
không có mặt danh từ đơn vị thì, về nguyên tắc, sẽ được hiểu là biểu thị chủng
loại – có nghĩa là trong hầu hết trường hợp đều có thể giải thích là tỉnh lược
danh từ đơn vị loại hoặc thứ (có thể là một số từ khác: hạng, kiểu, cỡ, hiệu...); nếu không, danh ngữ đó được xem là không hợp ngữ pháp.
(18) Gà này thịt mềm lắm. à Loại
gà này...
(19) Áo đó hết rồi. à Loại/Kiểu áo đó...
(20) Tôi nghĩ máy này tiết kiệm điện hơn. à ... loại/thứ/kiểu máy này...
(21) *Cô ấy tặng tôi quà này. à ... *loại quà này.
Trong các ví dụ trên, câu (21) không được chấp nhận vì
không có danh từ đơn vị, nhưng không phải là kết quả của sự tỉnh lược vì không
có khả năng hiểu “quà” như một thứ chủng loại.
Đối với những danh từ khối biểu thị vật chứa
thì sự có mặt danh từ đơn vị có thể tạo thành một danh ngữ biểu thị bản thân
cái thực thể với đầy đủ thuộc tính vật lý của vật chứa ấy; trong khi đó, nếu vắng
mặt danh từ đơn vị thì vật chứa sẽ được hiểu là vật được chứa (hoặc hiểu rộng
hơn: nội dung chứa đựng bên trong nó). So sánh các câu sau đây:
(22) a. Cái chén này của ai?
b. Chén này của ai?
(23) a. Cái túi này của chị
Lan.
b. Túi này của chị Lan.
(24) a. Chị Lan mua cái túi
này.
b. Chị Lan mua túi này.
Trong nhiều tình huống, các câu
(a) và (b) trên đây có thể thay thế cho nhau; nhưng thường các câu (a) được hiểu
là bản thân “cái chén”, “cái túi”; trong khi các câu (b) thường được hiểu là những
gì có trong “chén” hoặc “túi” đó (chẳng hạn “chén cơm”, “chén canh”, “túi
sách”, “túi quần áo”).
Nhưng
trường hợp sau đây có điểm cần suy nghĩ:
(25) Nhà này có ba người. (ss.
*Căn nhà này có ba người.)
(26) Có ba người sống trong
nhà này. (ss: Có ba người sống trong căn nhà này.)
“Nhà” trong câu (25) nói về một
nhóm người có quan hệ nhất định (= gia đình), do đó không thể thêm danh từ đơn
vị. (Tương tự, chúng ta nói “Trường không cho phép nghỉ học” chứ không thể nói
“Ngôi trường không cho phép...”). Trong khi ở câu (26), “nhà” lại là một không
gian, một vật chứa. Vấn đề nằm ở chỗ ở (26) vẫn có thể nói “căn nhà này”, một
hiện tượng có vẻ không tương hợp với điều vừa nói ở các ví dụ (22) – (24). Theo
quan sát của chúng tôi, hiện tượng này không phải là cá biệt đối với những danh
từ biểu thị những sự vật hay không gian bao chứa, như xe, nhà, phòng, chùa, đình, trường, v.v.. (Có thể nói: “Có ba người
ngồi trong (chiếc) xe đó/(căn) phòng đó/(ngôi) đình đó”).
Thậm chí, trong khẩu ngữ,
có cách dùng nhập nhằng giữa có và không có danh từ đơn vị khi chỉ bản thân vật
thể theo kiểu “Ngôi chùa/Chùa này xây cách đây 100 năm”, “Căn nhà/Nhà này hơi mắc”,
“Chiếc xe/Xe của tôi chạy bằng điện”, v.v.. Tuy nhiên, để dễ dàng cho người học,
chúng tôi cho rằng, khi chỉ bản thân một vật thể cụ thể nào đó với các thuộc
tính vật lý của nó, sự có mặt của danh từ đơn vị nên xem là chuẩn mực.
Đối với danh từ chỉ người
có một vài điều cần lưu ý:
- Trong tiếng Việt, em/con trong “đứa em/con đó” và “em/con
đó” không cùng nghĩa với nhau. Trường hợp có danh từ đơn vị (đứa, thằng), em/con là danh từ chỉ người trong quan hệ gia đình. Trường hợp
không có danh từ đơn vị, em chỉ người
nhỏ tuổi hơn mình, con chỉ một bé gái
với hàm ý thân mật/coi thường hoặc chỉ một động vật. Suy rộng ra, “người/ông/thằng
anh”, “người/bà/con/cô chị” bao giờ cũng chỉ một thành viên trong quan hệ gia
đình/thân thuộc với ai đó (trong “Thằng anh chăm lắm”, chỉ có thể hiểu là “thằng
anh” của ai đó đang được nói đến); trử trường hợp “ông anh”, “bà chị” có thể được
dùng như đại từ nhân xưng ngôi thứ hai (cách gọi thân mật của “anh”, “chị” –
“you”).
- Hồ Lê cho rằng khi cần tính đếm
số lượng “người có cương vị nào đó trong gia đình, dòng họ” thì không bắt buộc
phải dùng danh từ đơn vị [5: 15]. Theo quan sát của chúng tôi, đây có thể xem
là một cách nói tắt, tỉnh lược, chứ không phải là cách dùng được xem là thỏa
đáng về mặt ngữ pháp, và không nên xem là chuẩn mực trong ngữ pháp thực hành (dạy
tiếng). Lý do là nó chỉ “ổn” với một vài trường hợp “nghe quen” (“mấy anh tôi”,
“mấy ông anh tôi”, ví dụ của Hồ Lê), còn những trường hợp khác thì không; chẳng
hạn, không thể nói “Tôi nhớ những chị
của tôi”, “Tôi nghe nói nó còn một hai anh
sống ở ngoài quê”, “Nó có một vài chú
làm to lắm trên tỉnh”. Hơn nữa, trong ngữ cảnh mà đối tượng đề cập đã xác định
thì sự có mặt của danh từ đơn vị lại càng cần thiết.
- Riêng những danh từ chỉ người
trong quan hệ thân tộc, có thể kết hợp với ấy
tạo thành những đại từ nhân xưng như anh ấy,
cô ấy, bà ấy. Trong trường hợp này, danh từ đơn vị không thể xuất hiện:
không thể nói “ông anh ấy”, “người cô ấy”, “người bà ấy”.... Nếu có mặt danh từ
đơn vị, lập tức ngữ đoạn sau đó mất tư cách đại từ nhân xưng: “anh”, “cô”, “bà”
lại trở về tư cách danh từ quan hệ và “ấy” là từ trực chỉ (“ông anh ấy” phân biệt
“ông anh này”, “ông anh kia”).([1])
2.1.2.2. Sự xuất hiện của một ngữ vị từ hay
một tiểu cú (cụm chủ -vị) làm định ngữ sau danh từ khối. Có thể đưa ra công thức:
[Dtđv + Dtk + định ngữ: ngữ vị từ/tiểu cú].
Định ngữ đang nói đến có hai loại: một là định
ngữ hạn định (giúp phân biệt đối tượng đang nói với những thực thể cùng loại trong
không gian, thời gian) và định ngữ trang trí (cung cấp thêm thông tin về đối tượng
nhưng không giúp phân biệt với những cái đồng loại). Cần chú ý rằng, về ngữ
pháp, những định ngữ đang bàn xuất hiện sau danh từ khối, nhưng không “bổ
nghĩa” cho danh từ này mà “bổ nghĩa” cho danh từ đơn vị đứng trước đó ([2]).
Định ngữ hạn định có thể là các ngữ vị từ,
tiểu cú; chẳng hạn:
(27) Tôi rất thích cái áo mà anh đã mặc hôm sinh nhật.
(28) Bài hát ca sĩ
Ánh Tuyết đang hát trên ti vi là của Văn Cao.
(29) Chị mang biếu mẹ cái bánh vừa làm xong.
Cần chú ý là những ngữ vị từ/tiểu cú này phải
được đánh dấu tính hiện thực (Cao Xuân Hạo cho là “chỉ một hành động đã hoàn
thành” [4: 83]), vì chỉ khi đó nó mới có khả năng làm rõ sở chỉ của danh ngữ chứa
nó – và có nghĩa là đối tượng được xác định đầy đủ, phân lập hoàn toàn trong
không gian, thời gian. Nếu không, sự có mặt của danh từ đơn vị không phải là điều
bắt buộc. Chẳng hạn, câu (29) ở trên, định ngữ “vừa làm xong” cho biết “cái
bánh” là một đối tượng duy nhất; trong khi đó câu (30) sau đây khác hẳn:
(30) Bánh (chị) làm thì chị biếu mẹ, bánh (chị)
mua thì để nhà dùng.
Hai từ “bánh” trong (30) không chỉ một vật cụ thể nào
cả (chưa có sở chỉ) mà có thể hiểu là “loại bánh”, “thứ bánh”; và nếu không có
ngữ cảnh thì có thể hành động “biếu” cũng chưa hề diễn ra.
Định
ngữ hạn định cũng có thể là những từ ngữ biểu thị ý duy nhất (duy nhất, cuối cùng, đầu tiên, sau cùng,
trên cùng, số thứ tự, từ chỉ ý tuyệt đối, từ định vị không gian hay thời
gian, từ láy); tức là những từ ngữ đủ sức làm rõ sở chỉ của danh ngữ, và qua đó
phân lập đối tượng trong không gian, thời gian. Ví dụ:
(31) Đây là bản nhạc đầu
tiên của anh.
(32) Anh lấy cho tôi quyển sách trên cùng ấy!
(33) Cái máy thứ năm
mới được xem là hoàn chỉnh.
(34) Lấy cho mẹ con dao nhỏ
nhất/nhỏ nhỏ!
(35) Con gà hôm qua
thịt mềm quá!
(36) Cắt quả dưa to
to nhé!
(37) Ông ấy đưa ra quyển sách rất dày.
Định ngữ trang trí là loại định ngữ khó
phân biệt với định ngữ hạn định hoặc định ngữ chỉ loại. Định ngữ trang trí chỉ
đi với danh từ đơn vị, lý do là chỉ những thực thể phân lập thì mới có thể có
những thông tin “trang trí” phụ thêm. Ví dụ:
(38) Tôi nắm bàn tay mềm
mại của cô ấy.
(39) Tôi nắm bàn tay/tay trái của cô ấy.
(40) Cô ấy mở to đôi mắt đen tròn nhìn tôi. (ss: *Cô ấy mở to mắt đen tròn nhìn tôi.)
Ở câu (38) “mềm mại” là định ngữ trang trí; còn ở (39),
“trái” là định ngữ chỉ loại (do vậy có thể có danh từ đơn vị “bàn” hoặc không –
cả danh từ đơn vị và danh từ khối đều có thể có định ngữ chỉ loại, x. phần Dẫn
nhập). Ở (40), “đen tròn” là định ngữ trang trí nên phải có mặt danh từ đơn vị
“đôi”.
2.1.3. Danh từ đơn vị được sử dụng khi có mặt
những từ phiếm định.
Danh từ đơn vị cũng buộc phải xuất hiện
trong những trường hợp có những từ phiếm định như gì đó (/đấy/ấy), nào đó (/đấy/ấy). Danh từ khối thường chỉ có thể có mặt trong trường hợp nào đó, nhưng không có mặt trong trường
hợp gì đó; lý do là đại từ gì thường chỉ chủng loại (thường hỏi “Chị
mua gì?”, và câu trả lời là “Tôi mua cam”), nên nó đóng vai trò thay thế danh từ
khối.
(41) Mỗi lần đi qua một chiếc cầu nào đó, tôi thường nhớ về chiếc cầu quê tôi.
(42) Có con gì đó
(/con cá nào đó) cắn đứt sợi dây câu
rồi.
(43) Samsung cần phải làm điều gì đó mới mẻ hơn.
(44) Hạnh phúc là có việc gì đó để làm, có cái gì đó
để mơ ước.
2.1.4. Danh từ đơn vị thường xuất hiện khi
sử dụng các biểu thức “đồng nhất”: [Dtđv + Dtk + nào… cũng...], [không + Dtđv +
Dtk + nào...], [bất kỳ/cứ + Dtđv + Dtk + nào… cũng…], [bất kỳ/cứ + Dtđv + Dtk +
nào...]
(45) Bài báo nào
trên mạng cũng đáng đọc.
(46) Trên mạng không
bài báo nào đáng đọc.
(47) Ngọn/Quả/Dãy núi nào
cũng bị khai thác nham nhở.
(48) Bất cứ ngày nào
anh cũng có thể đến đây.
(49) Anh có thể thử bất
kỳ thứ rượu nào ở đây.
Danh từ đơn vị cũng thường được sử dụng trong biểu thức “tổng
đoán” (Cao Xuân Hạo), với công thức: [Dtđv + gì + cũng…].
(50) Ngoài
chợ thứ gì cũng có
(51) Trong sở
thú con gì cũng có.
Trong thực tế vẫn có trường hợp không có sự xuất hiện của danh
từ đơn vị trong bối cảnh đang nói. Theo chúng tôi, đây có thể xem là hiện tượng
tỉnh lược, thường thấy trong khẩu ngữ, ví dụ:
(52) Đi chơi thì em mặc áo
nào cũng được
(53) Đường xấu thì đi xe
nào cũng bị xóc.
(54) Thịt nào nấu cà ri cũng được.
Có bốn lý do để xem đây là hiện tượng tỉnh
lược:
(i) Trước danh từ khối có thể thêm danh từ đơn vị (loại, thứ, kiểu, màu, chiếc, v.v.), ý
nghĩa của câu không thay đổi, thậm chí còn rõ hơn;
(ii) Danh từ đơn vị có thể xuất hiện sau danh từ khối,
lúc này danh từ khối biến thành đề, câu vẫn bảo toàn nghĩa:
(55) Đi chơi thì em mặc áo màu/kiểu nào cũng được.
(56) Thịt loại/con
nào nấu cà ri cũng được.
(iii) Nếu thêm một định ngữ vào thì yêu cầu về một
danh từ đơn vị là bắt buộc (vd: “Đường xấu thì đi chiếc xe cũ/hơi nào cũng bị xóc”, “Thứ/Loại thịt tươi/bò nào cũng nấu cà ri được”);
(iv) Nếu xem đây là một khả năng tùy chọn của danh từ
đơn vị thì sẽ tạo thành một lệ ngoại không cần thiết, có thể gây thêm khó khăn
cho người học.
Tuy nhiên, trường hợp sau đây thì khác. Một
cô gái hỏi mẹ “Mẹ ơi, mua thịt gì?” –
đây là một câu hỏi nhằm vào chủng loại của “thịt”; câu trả lời sẽ là:
(57) Con mua thịt gì
cũng được.
Có thể nhận ra ngay “gì” trong (57) là từ
phiếm định cho biết một chủng loại bất kỳ của “thịt”. Hay nói khác đi, vị trí của
“gì” chính là vị trí của định ngữ chỉ loại của một danh từ khối; như vậy “thịt
bò”, “thịt heo”, thịt gà” thì cũng chẳng khác gì với “cá biển”, “cá đồng”, “tôm
hùm”, v.v.. Nếu cho rằng trước danh từ khối có một danh từ đơn vị bị tỉnh lược
(“loại/thứ thịt gì cũng được”), e rằng
hơi khiên cưỡng.
Rõ ràng, việc danh từ đơn vị hay danh từ khối
kết hợp trực tiếp với gì cũng, nào cũng
phụ thuộc vào cách chọn lựa xuất phát điểm của người bản ngữ: nếu tri nhận nó
là một cá thể thì dùng danh từ đơn vị, nếu tri nhận nó như một chủng loại thì
dùng danh từ khối.([3])
Cho nên, cách giải thích hiện tượng trên
như là sự tỉnh lược chỉ là một giải pháp mang tính thực dụng.
2.1.5.
Danh từ đơn vị phải có mặt trong danh ngữ xuất hiện sau một phó từ chỉ hướng,
theo công thức: [... V + từ chỉ hướng + Dtđv]. Trong đó, V là vị từ hành động
chuyển vị, vị từ biểu thị quá trình xuất hiện, vị từ biểu thị kết quả [4: 81-82].
Ví dụ:
(58) Cô ấy đưa ra hai tờ
một trăm ngàn.
(59) Nó mở túi ra, bỏ vào tấm giấy khen vừa nhận.
(60) Trước mặt tôi bỗng xuất hiện một người đàn ông lạ mặt.
(61) Anh đã tìm ra chiếc
chìa khóa chưa?
(62) Tôi đã nhận ra điều
đó từ lâu.
Trong những ví dụ trên, nếu danh ngữ nằm giữa V và từ
chỉ hướng thì sự có mặt của danh từ đơn vị không phải là bắt buộc; so sánh:
(63) Cô ấy đưa ra tờ
giấy chứng nhận.
(64) Cô ấy đưa (tờ)
giấy chúng nhận ra.
2.1.6. Danh từ đơn vị + danh từ khối cũng
được sử dụng mà không hề có những dấu hiệu hình thức như đã trình bày từ 2.1.1
đến 2.1.5 trong trường hợp sự vật được xác định đối với cả người nói và người
nghe.
(65) Anh đã nói chuyện với thằng bé chưa?
(66) Con ăn tô phở
rồi.
Trong hai câu trên, “thằng bé” và “tô phở” là những đối
tượng được xác định, có sở chỉ duy nhất đối với cả hai bên hội thoại, nhưng
trong hai cấu trúc danh ngữ này không hề có dấu hiệu nào đánh dấu tính xác định,
trừ sự có mặt của danh từ đơn vị.
Cao
Xuân Hạo cho rằng một thuộc tính cú pháp quan trọng của danh từ đơn vị là “luôn
luôn phải được chỉ rõ tính xác định hoặc tính không xác định” bằng cách kết hợp
với một yếu tố nào đó trước hoặc sau nó [5: 80]. Tuy nhiên, theo quan sát của
chúng tôi, trong ngữ cảnh cho phép, một danh ngữ mang tính xác định có thể chỉ
gồm [Dtđv + Dtk] mà không cần bất cứ yếu tố nào khác. Vai trò đánh dấu tính xác
định này do danh từ đơn vị đảm nhiệm. Ví dụ:
(67) (Gia đình hàng xóm của tôi có bốn người.) Người/Ông bố là bác sĩ, khoảng 55 tuổi. Người/Bà mẹ là giáo viên, khoảng 50 tuổi.
Đứa/Thằng con trai là kỹ sư mới tốt
nghiệp, còn đứa/cô con gái là sinh
viên. Người/Ông bố rất hiền lành...
(68) (Cô ấy xem con mèo hoang đó như một người bạn.) Có một
lần, tôi thấy cô ấy ôm con mèo vào
lòng và hát cho nó nghe.
(69) Nó vung tay ném mạnh. Hòn đá trúng vào cửa sổ bác hàng xóm.
Trong ba câu trên, sự có mặt của các danh từ đơn vị (người, ông, bà, đứa, thằng, cô, con, hòn)
là bắt buộc. So sánh với các câu sau:
(70) Có lần bà mẹ phạt con...
(71) Cô ấy rất thích mèo,
nhưng tôi chưa bao giờ thấy cô ấy nuôi mèo.
(72) Trong túi nó có rất nhiều đá.
Ở (70), “con” không có sở chỉ rõ ràng nên người nghe
có thể hỏi: “Phạt đứa nào?”; ở (71) “mèo” không có sở chỉ, cũng không hiện thực
nên thêm “con” là sai; ở (72) “đá” không có sở chỉ nên không thể thêm “hòn”.([4])
2.2. Trường hợp danh từ đơn vị được sử dụng riêng lẻ (không có danh từ khối theo sau)
Danh từ đơn vị có thể sử dụng một cách
riêng lẻ, có nghĩa là không có mặt danh từ khối; và thậm chí, trong nhiều trường
hợp nếu sử dụng kèm với danh từ khối có thể là không hợp ngữ pháp. Trong nhiều
sách dạy tiếng, cách sử dụng riêng lẻ như vậy hầu như không được đề cập đến, và
mặc nhiên nó được xem như là một hiện tượng tỉnh lược danh từ khối.
Trong thực tế, danh từ đơn vị hoàn toàn có
thể đứng riêng, không đi kèm với danh từ khối (vd quyển nào? con này bao nhiêu tiền?). Và cách dùng này là
rất phổ biến. Các danh từ đơn vị dùng theo cách này có dạng tương đương ở tiếng
Anh là one. Ví dụ với danh
ngữ “that one” của tiếng Anh, tùy theo sự vật mà nó chỉ, có thể được dịch
sang tiếng Việt là cái đó, tờ đó,
quyển đó, trái đó, con đó...).
The yellow ones are ripe anh pretty soft. (Những trái màu vàng chín rồi và khá mềm.)
What about the brown ones? (Còn những trái màu
nâu này?)([5])
Cách sử dụng danh từ đơn vị riêng lẻ cũng
có một vài qui tắc mà người học tiếng cần lưu ý.
2.2.1. Danh từ đơn vị sẽ được dùng riêng lẻ
khi sự vật đang được đề cập ở trước mắt người nói lẫn người nghe. Hay nói khái
quát hơn, danh từ đơn vị sẽ không cần đến danh từ khối khi chủng loại sự vật đã
được người nói và người nghe nhận biết chính xác.
Một cô hàng sách sẽ hỏi người mua "quyển
nào?" chứ ít khi hỏi “quyển sách nào?” khi trước mặt họ là một cái kệ
đầy sách. Tương tự như vậy, chủ quán chỉ hỏi “mấy ổ?” khi trước mặt là tủ bánh
mì và dĩ nhiên biết rõ là người mua đang muốn mua bánh mì.
Cũng có thể sự vật không hiện diện trước mắt;
chẳng hạn,
(73) (– Hôm qua anh đi mua sách à? Có
quyển nào hay không?) – Có vài quyển
hay. Tôi sẽ cho anh mượn một quyển.
Như vậy, nếu chủng loại sự vật đã được xác
định trong phát ngôn trước đó (của một trong hai người đối thoại) thì danh từ
khối cũng sẽ được tỉnh lược.
(74) A: Ngày mai nhớ mang theo Kim Dung
nhé!
B:
Quyển nào?
A:
Quyển nào cũng được.
Có một điều thú vị là hiện tượng tỉnh lược
dạng này phổ biến đến mức, trong nhiều trường hợp, nếu danh từ khối được “phục
hồi” thì có thể tạo ra một sắc thái nghĩa đặc biệt. So sánh hai ví dụ sau:
(75) (– Đưa giùm tôi quyển sách!) – Quyển nào?
(76) (– Đưa giùm tôi quyển sách!) – Quyển sách nào?
Câu đáp (76) không thể nói là sai ngữ pháp, nhưng người
nói có vẻ ngạc nhiên với hàm ý rằng “Ở đây làm gì có quyển sách nào mà anh hỏi?”.
Thậm chí, sự xuất hiện danh từ khối hầu như không thể chấp nhận trong một số
tình huống nhất định, chẳng hạn:
(77) (– Bán cho tôi ba con cá.) – *Mấy con cá?
Rõ ràng, tình huống giao tiếp ở chợ khó có thể chấp nhận
một hàm ý nào “bất thường” như ở ví dụ (76).
Như một hệ quả của nội dung vừa trình bày,
nếu đề cập đến một khối sự vật gồm nhiều chủng loại thì danh từ đơn vị sẽ không
thể đứng một mình.
(78) *Trong những thứ mà anh đã mua, anh thích quyển nào nhất?
(79) *Anh cứ chọn một quyển
trong đống đồ đạc trong tủ.
Chú ý:
- Hiện tượng tỉnh lược thật ra phức tạp hơn điều vừa
trình bày. Người ta thường tỉnh lược danh từ khối khi muốn chỉ bản thân sự vật với
tư cách là một thực thể (cá thể hoặc tập hợp) phân lập. Tuy nhiên, cũng có khi,
để chỉ một sự vật hiện diện trước mắt, người nói lại nhấn mạnh vào thuộc tính về
chủng loại hoặc chất liệu của nó. Khi đó, danh từ khối vẫn hiện diện, và cái bị
tỉnh lược lại là danh từ đơn vị. So sánh các câu sau đây:
(80) (Khi mang phở ra, người phục vụ nói:) – Phở đây! Tô
này của anh, tô này của chị!
(81) (Làm xong bánh mì, người bán nói:) – Bánh mì của chị
đây! Ổ của chị đây!
(82) (– Đưa giùm tôi lọ muối!) – Muối đây! / Lọ muối đây!
(/*Lọ của anh đây!)
Ở (80), “Phở đây!” chỉ vật thể ở dạng chất liệu, còn
phát ngôn sau thì chỉ từng cá thể (“tô”); tuyệt nhiên không thể nói “Tô phở
đây! Phở này của anh, phở này của chị!”. Ở (81) cũng tương tự, “Bánh mì của chị
đây!” dùng để chỉ vật thể ở dạng chất liệu, trong khi phát ngôn sau, “Ổ của chị
đây!” dùng để chỉ một cá thể, phân biệt với “ổ” của người khác.
Câu (82) thì có hơi khác. Người nói dùng “Muối đây!”
hoặc “Lọ muối đây!” tương tự hai câu trên, nhưng không thể dùng “Lọ của anh
đây!” vì mối quan tâm của người đối thoại là cái chất liệu (“muối”) nằm bên
trong chứ không phải là bản thân “cái lọ”.
Như vậy,
hiện tượng tỉnh lược đang bàn tuy phức tạp nhưng chung quy vẫn chịu sự chi phối
của cách nhìn nhận sự vật của người nói (chất liệu/chủng loại hoặc thực thể
phân lập).
- Có một hiện
tượng thường rất khó tiếp nhận đối với người nước ngoài: trong một số trường hợp,
danh từ đơn vị ở phát ngôn trước khó đứng làm trung tâm cho một ngữ đoạn đóng
vai trò hồi chỉ ở phát ngôn sau, nếu không có danh từ khối. Xét ví dụ sau:
(83) Quý ròm lại lúi húi lục cặp lôi ra một thanh sô cô la. Nó đặt thanh kẹo vào tay nhỏ Diệp: “Cả cái này nữa, tao cũng trả cho mày.” (“Anh
và em”, Nguyễn Nhật Ánh)
Ở
(83), “thanh kẹo” hồi chỉ “thanh sô cô la”, danh từ khối “kẹo” có ngoại diên
rộng hơn “sô cô la” nên được lựa chọn, dù ở vị trí này “sô cô la” cũng hoàn
toàn đúng về mặt ngữ pháp và ngữ nghĩa. “Cái này” hồi chỉ “thanh kẹo”, nhưng
hầu như người Việt sẽ không chọn “thanh” thay cho “cái” (“Cả thanh này nữa, tao cũng trả cho mày”) trừ phi
sau “thanh” có một danh từ khối (“Cả thanh kẹo
này nữa, tao cũng trả cho mày”).
Một ví dụ khác:
(84) A: Tớ thấy thằng Tèo tặng cho con bé Thúy một hòn sỏi rất đẹp.
B:
Nó lấy đâu ra cái/?hòn đó?
Rõ
ràng, “cái đó” dùng để hồi chỉ “hòn sỏi” tự nhiên hơn là “hòn đó”.
Theo nhận xét của chúng tôi, trong
tiếng Việt, những danh từ đơn vị mà khả năng kết hợp với định ngữ là danh từ
khối của nó càng hẹp (có tính chất tình huống hoặc có tính chất tu từ) thì càng
ít khả năng đứng một mình (không có danh từ khối) để tạo nên một ngữ đoạn hồi
chỉ (thường là những từ có tần số sử dụng ít hơn). Chẳng hạn, trong các câu như
“(Ngôi sao ở trước mặt đẹp quá!) Em có thích ngôi đó không?”, “(Em thấy con thuyền ở đằng xa không?) Con đó là của bố anh đấy!”, sự vắng mặt
danh từ khối (“sao”, “thuyền”) là khó chấp nhận. Xét từ góc độ này thì cái, con, chiếc, loại, thứ, có lẽ là
những danh từ “mạnh” nhất; còn những danh từ chỉ đơn vị tính toán, đo lường hầu
như không thể tạo thành ngữ đoạn hồi chỉ (kiểu *“tấn đó”, *“lít kia”, *“thước
này”).
Tuy nhiên, đây là hiện tượng rất
tinh tế về ngữ nghĩa. Do vậy, mô hình thích hợp nhất để giảng dạy cho học viên
nước ngoài vẫn nên là [Dtđv + Dtk + này/kia/ấy/đó].
2.2.2. Danh từ đơn vị được sử dụng riêng lẻ (không cần danh từ
khối) khi nó là trung tâm của một ngữ đoạn đóng vai trò thuyết minh, giải thích
cho đối tượng đã được đặt làm đề/chủ ngữ. Có thể xem đây là một kiểu cấu trúc
định nghĩa (hoặc giải thích), thường có mặt hệ từ là. Mô hình thường thấy là [Dtđv + Dtk + X là Dtđv
+ (Dtk) + Y], trong đó danh từ khối có thể không xuất hiện trong vế sau, Y là
định ngữ dùng để diễn giải cho X.
(85) Bức tranh này là bức
đẹp nhất trong phòng triển lãm.
(86) Quyển sách đầu tiên mà ông ấy viết chính là quyển “Trăn trở”.
Ở vế đầu của biểu thức trên, có thể là một ngữ đoạn biểu
thị một thực thể có sở chỉ xác định:
(87) Em là đứa em
gái anh ít quan tâm nhất.
Tất nhiên, các câu trên sẽ sai ngữ pháp nếu ngữ đoạn hồi
chỉ vắng mặt danh từ đơn vị (vd: “Bức tranh này là tranh đẹp nhất...”, “Em là
em gái anh ít quan tâm nhất”).
Các biểu thức có hệ từ là
như trên biểu thị một quan hệ đồng nhất giữa hai thực thể (cái được định
nghĩa/giải thích và cái định nghĩa/giải thích), cho nên sự vắng mặt danh từ
khối là rất tự nhiên. Ngoài trường hợp này, danh từ đơn vị vẫn đòi hỏi định ngữ
là danh từ khối nếu sự vật được nói ở vế sau là một thực thể hoàn toàn khác với
thực thể được nói ở vế trước, cho dù nó có thể giống nhau về tên gọi. Xét hai
câu sau:
(88) Quyển sách của tôi là quyển anh đang đọc.
(89) ?Quyển sách của tôi dày hơn quyển anh đang đọc.
Ở
(88), “quyển sách của tôi” và “quyển anh đang đọc” là một. Trong khi đó, ở (89),
“quyển sách của tôi” và “quyển anh đang đọc” là hai thực thể khác nhau; do vậy,
có khả năng là chúng khác chủng loại (“quyển anh đang đọc” có thể là tạp chí,
tạp san... chứ không phải sách). Sự phân biệt tinh tế này thể hiện rõ hơn ở ví
dụ sau đây:
(90) Tôi đã nhìn thấy những
chiếc xe tăng người Pháp bỏ lại ở lòng chảo Điện Biên, những chiếc xe tăng người
Mỹ để lại trên đất Quảng Trị. (www.sudentkgu.vn)
Rõ
ràng, ở (90) không thể viết: “... những chiếc
người Mỹ để lại trên đất Quảng Trị”.
2.2.3. Danh từ đơn vị cũng có thể sử dụng riêng lẻ, nhưng khác
với những trường hợp khác ở chỗ nó hoàn toàn không chấp nhận sự có mặt của danh
từ khối, và có thể cũng không cần bất kỳ định ngữ nào khác. Về mặt ngữ nghĩa,
có mối quan hệ tổng thể - bộ phận giữa danh ngữ có chứa danh từ khối ở phần đầu
của câu (hoặc ở câu trước) và các danh ngữ chỉ gồm danh từ đơn vị ở phần sau
của câu (hoặc ở câu sau).
2.2.3.1. Đây là trường hợp mà trong cấu trúc câu, danh ngữ biểu
thị tổng thể (thường do danh từ khối đảm nhiệm) đã xuất hiện ở phần đề (có thể
là đề, có thể là bổ ngữ thuộc phần đề), và ở phần thuyết các danh từ đơn vị làm
thành những cặp tương phản hoặc song hành. (Nói một cách đơn giản, đây là
trường hợp danh từ đơn vị tự mình lập thành danh ngữ).
Có thể thể hiện bằng mô hình: [Đề, Dtđv thì..., Dtđv thì...] hoặc
[Đề, có Dtđv..., có Dtđv...], trong đó danh từ đơn vị biểu thị từng bộ phận (cá
thể hoặc tập hợp) trong cái tổng thể đã được nhắc đến ở phần đề (hoặc ở câu
trước).
(91) Bạn bè tôi, người
thì thành đạt, người thì không thành
đạt, nhưng tất cả đều có vẻ hài lòng về cuộc sống của mình.
(92) Bạn bè tôi, có người
thành đạt, có người không thành đạt, nhưng
tất cả đều có vẻ hài lòng về cuộc sống của mình.
(93) Nó lựa mấy con cá to nhất để lại: con thì nó nướng, con thì
nó chưng tương, con thì nó luộc hèm.
(94) Sách vở của tôi, chỉ vài cuốn được bọc bằng plastic, những cuốn còn lại thì chỉ được bọc bằng giấy báo.
Ở ví dụ (94), “cuốn” có định ngữ đi kèm (“vài”, “những”,
“còn lại”), nhưng không phải là yếu tố bắt buộc; nếu không có các định ngữ này thì
câu vẫn hợp ngữ pháp, có điều là câu có thêm ý nghĩa phân phối đều đặn giữa các
tiểu đề (“...cuốn được bọc bằng
plastic, cuốn chỉ được bọc bằng giấy
báo”).
Cần
chú ý là trong kiểu cấu trúc phân phối như vừa đề cập, không thể có mặt danh từ
khối, kể cả khi có danh từ đơn vị; hay nói cách khác, ở đây hoàn toàn không có
hiện tượng tỉnh lược danh từ khối. Chẳng hạn:
(95) *Quần của tôi, quần
thì dài, quần thì ngắn.
(96) *Quần của tôi, cái
quần thì dài, cái quần thì ngắn.
Và
hai danh từ đơn vị khác biệt, dù được xem là đồng nghĩa, cũng không thể thay
thế cho nhau; không thể nói “..., cái thì đẹp, bức thì xấu”, “..., quyển
thì dày, cuốn thì mỏng”.
2.2.3.2. Danh từ đơn vị có thể được sử dụng
không có danh từ khối đi kèm, nhưng nó không được đặt trong quan hệ tương phản
hoặc song hành như trường hợp 2.2.3.1. Ở đây danh
từ chỉ đơn vị cũng được dùng để chỉ một bộ phận của một tổng thể đã được đề cập
trước đó, nhưng nó thường đi kèm với một định ngữ là lượng từ hoặc từ chỉ định,
từ phiếm định. Cái tổng thể vừa nói được hiểu theo nghĩa rộng: có thể là một
tập hợp (gồm nhiều cá thể) như các câu (97) (98), có thể là một chủng loại như
các câu (99) (100) dưới đây:
(97) Có 30 tấm thẻ đánh số từ 1 đến 30. Chọn ngẫu nhiên 10 tấm.
(98) Trường này có 3 nhóm thể thao nhưng chỉ nhóm này là có hoạt động.
(99) Lá trên cành từng chiếc
cuốn bay xa. (Bài hát “Chiếc lá cuối cùng”)
(100) Bình sứ đẹp quá! Hay là mình mua hai, ba cái làm quà?
2.3. Trường hợp không sử dụng danh từ đơn vị
2.3.1. Như đã thấy ở 2.1 và 2.2, danh từ
đơn vị là yếu tố hết sức quan trọng trong khi xây dựng danh ngữ, nhưng nó sẽ
không xuất hiện trước danh từ khối nếu người nói đề cập đến một chủng loại hoặc
chất liệu chứ không phải một đối tượng được phân lập. So sánh:
(101) Tôi thích cam.
(102) Tôi thích trái
cam đó.
“Cam” trong (101) chỉ một chủng loại, phân biệt với
các chủng loại khác như xoài, măng cụt, chanh; còn “trái cam” trong (102) chỉ một
cá thể riêng biệt, cụ thể.
Trong
thực tế sử dụng ngôn ngữ, cùng một tình huống, người nói có thể chọn lựa những
cách tiếp cận khác nhau khi muốn nói đến những thực thể tồn tại khách quan. Chẳng
hạn:
(103) Bạn đưa cuốn
tập của bạn đây, mình chép giùm cho.
(104) Bạn đưa tập
của bạn đây, mình chép giùm cho.
“Tập” trong (104) được nói trong sự phân biệt với
sách, sổ tay, giấy, chứ không phải là một quyển vở cụ thể nào; còn nếu muốn nói
đến một quyển vở cụ thể thì phải dùng câu (103). Cả hai đều thích hợp với bối cảnh
giao tiếp.
Cần phải nói rằng, sự chọn lựa của người
nói cũng tùy thuộc vào sự tương tác của các yếu tố khác trong câu, đặc biệt là
vị từ. Xét đoạn trích sau đây từ truyện “Anh và em” của Nguyễn Nhật Ánh (chúng
tôi trình bày lại để dễ theo dõi):
(105) Nhỏ Diệp chìa thanh
sô cô la mời bạn.
(106) – Oanh ăn kẹo
đi! Oanh ăn đi. Mình không thích sô cô la!
(107) (– Không thích sao bạn mua?) – Kẹo này không phải mình mua.
(108) (Thấy hai con nhóc đùn qua đùn lại, Quý ròm tức điên.)
Hừ, tụi nó cứ làm như kẹo của mình là
hàng ế không bằng.
(109) Quý hậm hực thò tay giật phắt thanh kẹo trên bàn và quay lưng bỏ đi.
Trong các câu trên, (105) (107) (108) có thể dùng “kẹo”,
“sô cô la” hoặc “thanh kẹo”, “thanh sô cô la” mà không tổn hại gì đến tính ngữ
pháp của câu; (106) khó có thể dùng “thanh kẹo”, “thanh sô cô la”. Riêng ở (109),
“thanh kẹo” là khả năng duy nhất vì nó là bổ ngữ trực tiếp cho vị từ tác động
“giật (phắt)” – người ta chỉ có thể “giật phắt” một vật cụ thể, riêng biệt chứ
không thể “giật phắt” một chủng loại.
2.3.2.
Ngoài ra, trong tiếng Việt, có một vài lưu ý rất thực tế. Chẳng hạn, khi nói về
một đối tượng trong quan hệ sở thuộc (và là yếu tố cấu thành) một đối tượng lớn
hơn (gần giống với quan hệ bộ phận – toàn thể) thì không cần đến danh từ đơn vị.
Ví dụ:
(110) Chiếc xe này bánh
trước thì thủng, đèn chiếu hậu thì vỡ,
làm sao đi được?
(111) Cái ghế này gãy một chân rồi.
Các danh từ thân tộc khi làm bổ ngữ để chỉ
một người có quan hệ (“của”) với người được biểu thị bằng danh ngữ đứng làm đề
thì không cần danh từ đơn vị (để xác định), vì người nghe sẽ nhận ra ngay lập tức
mối quan hệ “ai là gì của ai”. Ví dụ:
(112) Tôi về quê thăm bố/mẹ/chú/con/cháu.
(113) Cô ấy khóc vì nhớ bố/mẹ/con/cháu.
Các danh từ chỉ bộ phận thân thể thường cũng
không cần danh từ đơn vị; nếu bộ phận thân thể đó thuộc về một đối tượng khác với
đối tượng đứng làm đề thì cần thêm định ngữ. So sánh
(114) Chị Lan đau bụng
nên về trước rồi. (bụng của chị ấy)
(115) Tôi sờ trán
thấy không sốt nên cũng yên tâm. (trán của tôi)
(116) Tôi sờ trán nó
thấy không sốt nên cũng yên tâm. (trán của nó)
(117) Nhìn thấy chị má
hóp, mắt trũng sâu, tôi rất ái ngại.
(118) Bác sĩ nói gan
anh có vấn đề, anh phải bỏ rượu.
Cần chú ý rằng trường hợp này khác với cách
nói mà Hồ Lê [5: 14] cho là bắt buộc phải có danh từ đơn vị (“hai cái đầu”, “những
cái đầu”). Về ngữ pháp, danh từ đơn vị cần có mặt khi “tính đếm”; tuy nhiên, trong
tiếng Việt rất nhiều danh từ chỉ bộ phận trong cơ thể vừa có thể hoạt động như
một danh từ khối, vừa có thể hoạt động như một danh từ đơn vị – nghĩa là có thể
kết hợp trực tiếp với lượng từ (hai đầu gối,
hai cổ tay, mấy ngón tay, hai tai, v.v.).
Trong thực tế sử dụng ngôn ngữ, “cái” có thể
xuất hiện trước danh từ chỉ bộ phận cơ thể ở những cách nói kiểu như “Trông cái
mặt anh ta kìa!”, “Ngậm cái mồm lại!”, “Hai con mắt cô ta lúng liếng trông khiếp
thật!”, “Hiểu... hiểu... cái đầu mày!”. Nhưng “cái” ở đây nên được hiểu là một
quán từ xác định – tương tự như “cái” trong “cái người đàn ông kia”, “cái điều
anh vừa nói” – chứ không phải là “cái” danh từ đơn vị.
3. Thay lời kết luận
Như
đã nói trên, danh từ nói chung và danh từ đơn vị nói riêng hoàn toàn không phải
là vấn đề mới của Việt ngữ học. Nó đã được nghiên cứu, khảo sát kỹ lưỡng hơn nửa
thế kỷ nay; và, về chi tiết, dù các tác giả không đồng thuận với nhau thì kết
quả nghiên cứu của họ cũng góp phần làm sáng rõ vấn đề đang bàn. Tuy nhiên, những
gì mà những người đi trước đã lập thức chưa đủ để ứng dụng vào việc dạy tiếng.
Mục đích của bài viết này là cố gắng hệ thống
hóa các cách sử dụng danh từ đơn vị cho người học tiếng Việt như một ngôn ngữ
thứ hai. Trong đó, chúng tôi cũng cố gắng lý giải một số trường hợp sử dụng hoặc
không sử dụng danh từ đơn vị có thể gây lúng túng cho người học. Thiết nghĩ,
danh từ và hoạt động của từng tiểu loại danh từ trong cấu trúc ngữ đoạn, cấu
trúc câu vẫn còn là một vấn đề cần tiếp tục làm rõ (và diễn giải đơn giản hơn)
trong tương lai, theo định hướng thực hành.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.
Bùi Mạnh
Hùng (2000). Vấn đề quán từ và nhận diện quán từ trong tiếng Việt. Ngôn ngữ, số 12, H..
2.
Cao
Xuân Hạo (1998). Tiếng Việt - mấy vấn đề
ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa. Nxb GD.
3.
Cao
Xuân Hạo (1999). Nghĩa của loại từ. Ngôn
ngữ, số 2&3, H..
4.
Cao
Xuân Hạo (CB) (2006). Ngữ pháp chức năng
tiếng Việt: Ngữ đoạn và Từ loại. Nxb GD.
5.
Hồ Lê
(2003). Ngữ pháp ngữ nghĩa của loại từ. Ngôn
ngữ, số 11, H..
6.
Lưu
Vân Lăng (1997). Một số vấn đề về loại từ trong tiếng Việt. Ngôn ngữ, số 2, H..
7.
Lý
Toàn Thắng (1997). Loại từ và các tiểu loại danh từ trong tiếng Việt. Ngôn ngữ, số 2, H..
8.
Nguyễn
Tài Cẩn (1975). Từ loại danh từ trong tiếng
Việt hiện đại. Nxb KHXH.
9.
Nguyễn
Tài Cẩn (1977). Ngữ pháp tiếng Việt - Tiếng,
Từ ghép, Đoản ngữ. Nxb ĐH&THCN, H..
10.
Nguyễn
Thị Hai (2006). Về việc dạy danh từ chỉ đơn vị tự nhiên tiếng Việt cho học
viên, sinh viên nước ngoài. Tc Khoa học,
Đại học Sư phạm Tp.HCM.
11.
Nguyễn
Thiện Nam (2007). Lỗi loại từ trong tiếng Việt của người nước ngoài.
www.ngonngu.net.
12.
Trần Đại
Nghĩa (1988). Một cách xác định loại từ trong tiếng Việt. Ngôn ngữ, số 4, H..
13.
Trần Đại
Nghĩa (1988). Phân loại các tổ hợp loại từ - danh từ trong tiếng Việt. Ngôn ngữ, số 5, H..
14.
Vũ Đức
Nghiệu (2001). Ngữ pháp ngữ nghĩa của hai kiểu danh ngữ “hạt dưa”, “một hạt
dưa” – Ngôn ngữ số 11, H..
[1] Nói thêm, trong tiếng Việt, em
ấy thường không được dùng làm đại từ nhân xưng mà dùng để trực chỉ; và khi đó, người ta thường dùng em đó hơn là em ấy.
[2] Theo Cao Xuân Hạo, ý nghĩa của hai câu có chứa danh từ đơn vị và
không có chứa danh từ đơn vị rất khác nhau. Trong “Bà ta buồn vì con hư hỏng”,
“hư hỏng” là vị ngữ của “con”; trong khi đó, trong “Bà ta buồn vì đứa con hư hỏng”
thì “hư hỏng” là định ngữ của “đứa” [3: 282].
[3] Tất nhiên, vai trò của tình huống giao tiếp cũng rất quan trọng, x.
Lê Thị Minh Hằng, “NP nào cũng...” và “NP gì cũng...”. Nghiên cứu, giảng dạy Việt Nam học và tiếng Việt, Nxb KHXH, 2013,
H.
[4] Thật ra, danh từ khối, cũng có thể có sở chỉ, nhưng người nghe phải
suy luận rất nhiều căn cứ vào ngữ cảnh. Hơn nữa, nó không bao giờ có thể đứng đầu
câu làm đề (thuộc tính xác định là thuộc tính vốn có của đề). Liên quan đến
tính bất định của danh ngữ, mà biểu hiện rõ nhất là ở danh từ khối, giới nghiên
cứu thường bàn đến tính chỉ định (specific). Do khuôn khổ của bài này, chúng
tôi xin chưa bàn đến.
[5] Phan Văn Giưỡng. Vietnamese
For Foreigners Beginners, T.2. Nxb Trẻ. Tp.HCM.
tiếng việt học khó nhưng rất hay
ReplyDeleteCám ơn bạn đã chia sẻ
..............................
Trần Lai
Quản Lý
Fanpage: https://www.facebook.com/trungtamgiasuminhtri
Click nếu bạn quan tâm: trung tâm gia sư chất lượng cao uy tín nhất tại tphcm hoặc trung tam gia su chat luong cao uy tin nhat tai tphcm
tiếng việt học khó nhưng rất hay
ReplyDeleteCám ơn bạn đã chia sẻ
..............................
Trần Lai
Quản Lý
Fanpage: https://www.facebook.com/trungtamgiasuminhtri
Click nếu bạn quan tâm: trung tâm gia sư chất lượng cao uy tín nhất tại tphcm hoặc trung tam gia su chat luong cao uy tin nhat tai tphcm