Sunday 5 July 2015

HÃY...! và ...ĐI!



1.  Ở nhiều thứ tiếng, chẳng hạn tiếng Latin, tiếng Anh([1]), câu mệnh lệnh thuộc một thức ngữ pháp (imperative mood), phân biệt với những phát ngôn thuộc thức trần thuật (indicative) và thức giả định (subjunctive). Dĩ nhiên, cấu trúc trần thuật, bao gồm cả cấu trúc nghi vấn, cũng có thể có lực ngôn trung (illocution force) như một phát ngôn thuộc thức mệnh lệnh.
     Trong đa số các sách ngữ pháp tiếng Việt, thuật ngữ "câu mệnh lệnh" (hay "câu cầu khiến", "câu sai khiến", "câu khuyến lệnh") nằm trong sự phân biệt với "câu trần thuật" (hay "tường thuật"), "câu nghi vấn" và "câu cảm thán" – bốn loại câu phân loại theo “mục đích phát ngôn”([2]). Theo đó, câu mệnh lệnh được hiểu là một phát ngôn tác động trực tiếp vào người nghe, nhằm làm người nghe thực hiện một hành động được nêu trong nội dung phát ngôn đó.
     Tiếng Việt, cũng như nhiều ngôn ngữ khác, có nhiều phương thức diễn đạt “mệnh lệnh”; trong đó hãyđi có thể xem là hai chỉ tố từ vựng nổi bật. Người nói sử dụng hãyđi để hiển ngôn trực tiếp hành động yêu cầu; người nghe (có khi bao gồm cả người nói) ở vào tình thế phải thực hiện yêu cầu đó. Chẳng hạn:
(1) Em hãy trình bày ý nghĩa lịch sử của cách mạng Pháp!
(2) Cuộc họp kết thúc. Chúng ta hãy trở về làm việc!
(3) Con khóa cửa đi!
(4) Em ăn đi!

    Trần Trọng Kim (et al.) cho rằng đi được dùng "khi người ta truyền bảo một cách hơi nhẹ hơn" so với khi "chỉ dùng một tiếng động từ"; còn hãy được dùng khi "người ta truyền bảo ai một điều gì mà có ý nói để cho hiểu rằng muốn cái gì hay làm thế nào, rồi sẽ biết, sẽ được" [7: 94]
     Diệp Quang Ban thì phân biệt: hãy – “có ý nghĩa khẳng định và có sắc thái trung hòa”, đi – “sắc thái thân mật, suồng sã” [2: 234]. Nguyễn Anh Quế không nói đến “sắc thái” của hãy, nhưng về đi thì ông cho rằng “người nói muốn tỏ ra dứt khoát, rõ ràng” [3: 228].
     Trong các tài liệu dạy tiếng, có lẽ do hiểu “mệnh lệnh” là nghĩa chung và duy nhất nên hãyđi thường cũng chỉ được phân biệt ở phạm vi sử dụng hoặc phong cách chức năng. Theo đó, hãy thường được dùng trong bối cảnh giao tiếp trang trọng, chính thức; còn đi dùng trong bối cảnh giao tiếp cá nhân, thân mật.
     Chúng tôi cho rằng, trên cơ sở nghĩa “yêu cầu”([3]), chứ không phải “mệnh lệnh” như thường dùng, mỗi từ có những đặc trưng ngữ nghĩa và ngữ pháp riêng. Cái chung (nghĩa “yêu cầu”) làm cho hai từ có thể thay thế cho nhau trong nhiều tình huống hoặc ngữ cảnh – tùy thuộc vào góc nhìn của người nói; còn cái riêng làm cho hai từ khác biệt nhau, trong đó sự phân biệt phong cách chỉ là một hệ quả, và người bản ngữ không bao giờ nhầm lẫn khi chọn lựa.
     Chúng ta thử phân biệt.
2. Về cơ bản, hãyđi giống nhau ở chỗ cả hai hiển ngôn ý chí của người nói là yêu cầu người nghe thực hiện một hành động nào đó – do vậy, hành động được yêu cầu trước hết phải có tính [+chủ ý].
     Hãy là một vị từ tình thái chủ quan (thuộc về người nói) biểu thị hành động kêu gọi([4]). Người nói sử dụng “hãy + V” để kêu gọi người nghe thực hiện hành động V (sự có mặt của chủ thể hành động, giữ vai trò đề, trước hãy không có tính chất bắt buộc; thường là đại từ ngôi thứ hai, có thể bao gồm người nói – (chúng) ta, (chúng) mình)). V thuộc về ý chí của người nói: người ta thường kêu gọi khi nhận thấy rằng hành động V có thể không xảy ra hoặc không xảy ra như mong muốn. Do vậy, khi tiếp nhận lời kêu gọi, người nghe đứng trước sự lựa chọn: hoặc đáp ứng hoặc không đáp ứng, và có thể đáp ứng bằng nhiều hành động khác nhau. Nghĩa là người nghe có vẻ như không bị đặt trong vị thế thấp hơn người nói.
     Có lẽ chính vì lý do này, lời kêu gọi “hãy + V” thích hợp trong cách bối cảnh chính thức, trang trọng – nơi mà hành động yêu cầu không hạ thấp sĩ diện người đối thoại. Nó cũng có thể được dùng trong giao tiếp cá nhân (trong gia đình, bạn bè); khi đó nó mang màu sắc lịch sự, có đôi chút khách khí (không có tính áp đặt như những cách diễn đạt khác).
(5) Các em hãy tập trung vào việc học! (Hiệu trưởng nói chuyện với học sinh)
(6) Hãy đoàn kết vì sự phát triển của công ty! (Giám đốc nói với nhân viên)
(7) Ông hãy gác chuyện đó qua một bên, chờ thi xong rồi tính! (Nói với bạn)
(8) Cậu hãy giúp tớ một lần này nữa! (Nói với bạn)
(9) Bố mẹ hãy để con tự quyết định chuyện của con! (Nói với bố mẹ)
(10) Con hãy nghĩ đến gia đình trước khi quyết định! (Nói với con)
(11) Chúng ta hãy cùng nhau giữ gìn thành phố này sạch đẹp!
     Do bản chất ngữ nghĩa của hãy, chỉ những hành động nào thích hợp (với sự kêu gọi) thì người ta mới kêu gọi.
     Thử tưởng tượng tình huống cho những phát ngôn sau đây:
(12) Con hãy tiết kiệm nước!
(13) Anh hãy cố gắng hơn nữa!
(14) ?Chiếc (xe) nào cũng đẹp, nhưng cậu hãy mua chiếc đỏ!
(15) ?Sắp đến giờ đi học rồi! Con hãy uống sữa!
(16) ?Em hãy rửa chén! Hồi nãy chị nấu cơm rồi.
(17) ?Con hãy thơm bà rồi về!
Người ta có thể kêu gọi "tiết kiệm", "cố gắng" nên câu (12) và (13) được chấp nhận, nhưng thường người ta không kêu gọi những hành động đơn giản và cụ thể như "mua", "uống sữa", "rửa chén", "thơm" (các câu (14) – (17)); do vậy những câu trên khó được chấp nhận nếu không có những ngữ cảnh hoặc bối cảnh giao tiếp thích hợp (dù không thể cho là sai ngữ pháp). Thông thường, sau hành động kêu gọi hãy, có vẻ như có một khoảng trống để người nghe suy nghĩ và quyết định phản ứng (đáp ứng hay không đáp ứng). Và nếu đáp ứng, hành động đáp ứng thường không giới hạn ở thời gian và không gian (hành động đáp ứng thường không đòi hỏi diễn ra ngay sau lời kêu gọi, có thể lặp lại, với những hành động và phương thức khác nhau).
     Sau hãy là một vị từ [+chủ ý], và thường là vị từ hành động. Tuy nhiên, những vị từ thuộc loại khác cũng có thể xuất hiện sau hãy; khi đó, do tác động của hãy nó mang thuộc tính [+chủ ý]. Ví dụ:
(18) Em hãy mạnh mẽ lên!
(19) Chúng ta hãy quên chuyện cũ!
(20) Hãy yêu lấy bản thân mình! (Lời một bác sĩ)
Vị từ "mạnh mẽ", "quên", "yêu" vốn [-chủ ý], nhưng ở các câu trên được sử dụng như [+chủ ý]. Người nói kêu gọi người nghe làm hành động gì đó để trở nên mạnh mẽ, để không bị câu chấp bởi chuyện cũ, để tỏ ra yêu quý bản thân mình. Trên thực tế, cách dùng chuyển nghĩa này rất phổ biến, đặc biệt là ở bối cảnh giao tiếp mang tính xã hội (trong văn chương, trên các phương tiện truyền thông): "Hãy yêu nhau đi!", "Hãy vui lên!", "Hãy cười lên!", "Hãy là chính mình!", "Hãy quên quá khứ!", v.v..
     Nói cụ thể hơn, hãy có thể kết hợp với những vị từ biểu thị những hành động được thực hiện bằng một/vài động tác cụ thể ("hãy tắt đèn", "hãy đóng cửa", "hãy đặt tay lên bàn", "hãy mở sách ra", "hãy trả lời câu hỏi số ba" – lời của giáo viên nói với đám đông học sinh, v.v.). Nhưng khả năng kết hợp của hãy đặc biệt mạnh (so với đi) ở những vị từ có ngoại diên rộng, tức những vị từ có thể "diễn giải" thông qua hàng loạt vị từ khác nhau – đây chính là "dư địa" cho sự lựa chọn của người nghe như đã nói ở trên; chẳng hạn: "hãy giúp đỡ", "hãy tiết kiệm", "hãy cố gắng", "hãy nỗ lực", "hãy tăng cường", "hãy giúp đỡ", "hãy hy sinh", "hãy bảo vệ", "hãy xây dựng", "hãy phát triển", "hãy phát huy", "hãy tiến lên", v.v.. Quả thật, với những vị từ bổ ngữ này, khó có thể định ra một hành động nhất định nào được yêu cầu. Ví dụ, với lời kêu gọi "Hãy góp tiền/tặng quần áo cho đồng bào bị bão lụt!" người ta sẽ đáp ứng bằng hành động cụ thể ("góp tiền/tặng quần áo"); nhưng lời kêu gọi "Hãy giúp đỡ đồng bào bị bão lụt!" thì không chỉ định một hành động cụ thể nào cả, người nghe có thể đáp ứng bằng cách lựa chọn một/nhiều hành động cụ thể khác nhau (góp tiền, góp quần áo, góp thuốc men, góp lương thực, khám bệnh, chữa bệnh, v.v.) – những hành động được xem là "giúp đỡ".
     Thậm chí, sau hãy có thể là một giới ngữ, chẳng hạn:
(21) Chúng ta hãy vì người khác chứ đừng vì mình!([5])
(22) Chúng ta hãy vì công việc mà bỏ qua chuyện cũ!
Ở hai phát ngôn này, người nghe, nếu muốn đáp ứng, phải tự tìm kiếm, lựa chọn những hành động có thể xem là "vì người khác", "vì công việc".
     Có một trường hợp hãy được dùng rất phổ biến trong khẩu ngữ. Đó là tổ hợp “...đã, rồi hãy...!” hoặc “...đã, rồi hẵng...!”([6]). Hiện tượng này đã làm cho Trần Trọng Kim (et al.) nhầm lẫn: các tác giả cho rằng hãy được dùng để yêu cầu người nghe với hàm ý rằng "muốn cái gì hay làm thế nào, rồi sẽ biết, sẽ được" [7: 94]. Thật ra, đây chính là ý nghĩa của cả cấu trúc, trong đó có vai trò quan trọng của đã, rồi, của tiểu cú hoặc ngữ vị từ đi trước chứ không phải là ý nghĩa của hãy.
(23) Anh nói chuyện với họ đã, rồi anh hãy quyết định!
(24) Cơm nước xong đã, hãy làm!
Ở các phát ngôn này có hai bộ phận: bộ phận đứng trước (một ngữ vị từ, một tiểu cú, thường kết thúc bằng đã) biểu thị điều kiện cần thỏa mãn trước khi thực hiện yêu cầu biểu thị ở bộ phận đứng sau (một tiểu cú thường bắt đầu bằng “rồi hãy...”). Tức là, về nghĩa biểu hiện, đây là hai "mệnh lệnh" nối tiếp nhau: "mệnh lệnh" thứ nhất được hiển ngôn bằng đã, "mệnh lệnh" thứ hai được hiển ngôn bằng hãy. Điều đó được thể hiện về mặt ngữ pháp: đây là một kiểu câu ghép với hai tiểu cú có quan hệ độc lập tương đối với nhau (thực chất là một thứ quan hệ tuyến tính, không thể đảo trật tự), có thể tách ra thành hai câu riêng biệt mà ý nghĩa hầu như không đổi; trong đó, đã và/hoặc rồi là những yếu tố đánh dấu trật tự thời gian trước sau của sự tình, hoàn toàn có thể thay bằng danh ngữ sau đó có nghĩa tương đương ("Anh nói chuyện với họ xong (đã)! (Rồi) (Sau đó) anh hãy quyết định!").
     Ở hai ví dụ trên, người nói yêu cầu thực hiện hành động 1 ("nói chuyện", "ăn uống") trước hành động 2 ("quyết định", "làm"); do vậy, nó mang tính điều kiện. Trong giao tiếp, người nói có thể sử dụng những phát ngôn này với hàm ý ngăn trở hành động 2 (chứ không kêu gọi hành động 2) bằng cách đặt ra điều kiện ở hành động 1. Cần chú ý: trong các phát ngôn tương tự, thường thì người nghe đã đứng trước hành động 2, tức là đã có dấu hiệu, biểu hiện hoặc đã bộc lộ ý định sắp/sẽ thực hiện hành động 2 – nghĩa là hành động 2 ít nhiều thuộc về ý chí người nghe; trong khi đó, hành động 1 thường thuộc về ý chí của người nói. Ví dụ:
(25) Học hành xong xuôi đi, rồi hãy nghĩ đến chuyện lấy vợ!
(26) Làm xong đã, rồi hãy nói!
Ở (25) ông bố ngăn con trai "lấy vợ" (ý của đứa con), còn "học hành xong xuôi" là "điều kiện" ông bố đặt ra (ý của ông bố, đứa con có thể không hề nghĩ gì về điều này). Câu (26) cũng tương tự.
Ngay cả khi bộ phận đứng trước là một ngữ danh từ biểu thị thời gian, tình hình cũng không thay đổi, chẳng hạn:
(27) Một lát nữa hãy đi!
(28) Việc đó, mai hãy làm!
Hoàn toàn có thể giải thích ở hai câu trên có sự tỉnh lược vị từ "chờ" (nếu là thời đoạn, vd (27)) hoặc "chờ đến" (nếu là thời điểm, vd (28)): "chờ một lát nữa…", "chờ đến mai…"; nghĩa là không khác gì các vd (23) – (26).
            So sánh các ví dụ vừa phân tích với các câu sau đây:
(29) Nếu anh đã nghĩ thế, hãy làm theo ý của anh!
(30) Bao giờ nó đến thì hãy gọi cho tôi!
(31) Chừng nào xong hãy hay!
Ở ba câu này, ta có một hình thức điều kiện rõ rệt, chỉ có điểm khác: tiểu cú đứng sau biểu hiện một "mệnh lệnh" (điều phải thực hiện) trong khuôn khổ cảnh huống, điều kiện của tiểu cú đứng trước; nghĩa là ta chỉ có một "mệnh lệnh" duy nhất. Trên hình thức, giữa hai tiểu cú có thể sử dụng thì để phân giới đề - thuyết (các chỉ tố điều kiện "nếu", "bao giờ", "khi nào", "chừng nào" có thể xuất hiện, nhưng không bắt buộc). Trong khi đó, ở các ví dụ (23) – (28), tuyệt nhiên thì không thể có mặt, vì nó là câu ghép.
3.  Đi là một chỉ tố tình thái (ngữ khí từ) biểu thị hành động thúc giục, chỉ đứng cuối câu hoặc đứng cuối ngữ vị từ biểu thị nội dung thúc giục, nếu sau nó là một ngữ khí từ khác. Người ta thúc giục một người thực hiện V khi người đó đang đứng trước hành động V. Điều này dẫn đến hai đặc điểm có quan hệ với nhau: (i) Ở lời thúc giục “V + đi!”, V thường là hành động mà người nói đã quyết định, không có chỗ cho sự cân nhắc, chọn lựa của người nghe (khác với hãy), dù rằng nó không tất yếu dẫn đến hành động đáp ứng, cũng có khi là hành động mà người nghe đang cân nhắc, chưa dứt khoát thực hiện; (ii) V thường là một hành động cụ thể, trong một bối cảnh cụ thể với những đối tượng cụ thể; do vậy hành động được đánh dấu bằng đi thường là hành động duy nhất và tức thì.
     Hai điều vừa nói làm cho đi phân biệt khá rõ với hãy về mặt ý nghĩa. Xét các ví dụ sau:
(32)  a. Tám giờ rồi, con làm bài/đi ngủ/uống sữa đi!
b. ?Tám giờ rồi, con hãy làm bài/đi ngủ/uống sữa!
(33)  a. Em mua cái áo xanh đi! Đẹp đấy!
b. ?Em hãy mua cái áo xanh! Đẹp đấy!
(34)  a. Con ăn nhanh đi, trễ rồi!
b. ?Con hãy ăn nhanh, trễ rồi!
(35)  a. Hóa đơn đây, anh ký đi!
b. ?Hóa đơn đây, anh hãy ký!
Ở các câu (a), người nói chỉ thúc giục chứ không kêu gọi (nên dùng đi, không dùng hãy). Dĩ nhiên, trong thực tế, người nghe có thể không làm theo yêu cầu của người nói, nhưng nói chung, cái hành động mà người nói thúc giục có thể xem là đã quyết định (về phía người nói); nghĩa là, người nghe chỉ có việc thực hiện (hoặc không thực hiện) chứ không có sự cân nhắc thực hiện như thế nào, vào lúc nào.
     Ý nghĩa thúc giục của cấu trúc “V + đi!” thể hiện ở hành động đặt ra trước người nghe: đó là một hành động cụ thể, duy nhất, thường hiểu là cần phải thực hiện ngay, rất khác với hãy. So sánh:
(36)  a. Con tắm rửa/rửa tay/rửa mặt đi!
b. ??Con giữ gìn vệ sinh thân thể đi!
(37)  a. Con nhặt cái hộp này bỏ vào thùng rác đi!
b. ??Con bảo vệ môi trường đi!
(38)  a. Con học bài/làm bài/học thuộc lòng bài này đi!
b. ??Con nỗ lực học tập đi!
Ở các câu (a), “tắm rửa”, rửa tay”, “nhặt”, “học bài”, “làm bài”... là những hành động được yêu cầu thực hiện một lần, trong bối cảnh duy nhất (thường là bối cảnh hiện tại, trước mắt người tham gia hội thoại); trong khi ở các câu (b), lời yêu cầu không chỉ ra hành động cụ thể nào cả, không thích hợp với đi, nên câu khó chấp nhận.
     Hệ quả của điều vừa trình bày: những thành phần phát ngôn đi kèm, thường là trạng ngữ, mang ý nghĩa cảnh huống hoặc điều kiện tổng quát không thể xuất hiện trước/sau lời yêu cầu “...đi!”. So sánh các câu (a) và (b) sau đây:
(39)            a. ??Trước khi ăn cơm, con rửa tay đi!
b. Sắp đến giờ cơm rồi, con rửa tay đi!
(40)            a. ??Khi nhìn thấy rác trên đường, con nhặt bỏ vào thùng rác đi!
b. Cái hộp sữa kìa! Con nhặt bỏ vào thùng rác đi!
(41)            a. ??Trước mỗi kỳ thi, con học bài đi!
b. Ăn xong rồi, con học bài đi!
(Và bối cảnh của những câu (a) trên đây hoàn toàn thích hợp với hãy.)     
     Thật ra, cũng có thể sử dụng đi cho những vị từ có ngoại diên rộng, nhưng ngữ cảnh trực tiếp phải đủ rõ để bảo đảm tính quan yếu của phát ngôn [5] [6] [8] [9]: khi người nói dùng đi để thúc giục trong một ngữ cảnh nhất định, người nghe sẽ nhận ra, với nỗ lực ít nhất, cái hành động cụ thể mà người nói yêu cầu. Chẳng hạn, những phát ngôn như sau:
(42) (Một người muốn bạn chạy ra căn tin mua cà phê)
                   – "Cậu chịu khó đi!"
(43) (Bà mẹ nói với con khi thấy con ra khỏi nhà mà vẫn để máy lạnh chạy)
                   – "Con tiết kiệm đi!"
(44) (Một người muốn bạn bỏ rượu)
                   – "Cậu giữ gìn sức khỏe của mình đi!"
(45) (Một cô giáo đưa ra lý do để học sinh đừng bỏ học)
                   – "Em cố gắng vì bố mẹ đi!"
Ở những tình huống trên (cùng với những phát ngôn đi trước có thể có để tạo thành ngữ cảnh trực tiếp), từ lời yêu cầu của người nói chắc chắn người nghe sẽ nhận ra hành động cần thiết: ở (42) người nghe hiểu là cần làm hành động "đi mua cà phê", ở (43) hiểu là cần "tắt máy lạnh", ở (44) hiểu là cần "bỏ rượu", ở (45) hiểu là cần "tiếp tục học".
     Như vậy, đi thường không dùng để yêu cầu những hành động “chung chung”. Nhưng nếu ngữ cảnh trực tiếp đủ thỏa mãn, người nghe cũng có nhận ra hàng loạt “việc” có thể có để đáp ứng yêu cầu của người nói (khác với các ví dụ (42) – (45), ở đó chỉ có một hành động cụ thể được yêu cầu – theo nhận thức của người nghe). Chẳng hạn:
(46) Mười sáu tuổi rồi, em bớt trẻ con đi!
(47) Anh yêu/chiều/tôn trọng em đi!
Câu (46) cô chị có thể dùng để yêu cầu cô em thôi đi đứng, nói năng, cư xử, vô tư như trẻ con; câu (47) cô gái có thể dùng để yêu cầu chàng trai có hành động hay thái độ gì đó thể hiện tình yêu/sự chiều chuộng/sự tôn trọng (có thể tặng quà, âu yếm, nói năng, mua sắm, làm việc nhà…).
     Trong khi đó, như đã nói ở trên, hãy thường kêu gọi (i) một hành động (hay nói rộng hơn, một phản ứng thuận theo yêu cầu) không hạn định, nghĩa là người nghe có thể đáp ứng bằng một hay nhiều hành động cụ thể theo chọn lựa của mình (sao cho thỏa mãn yêu cầu mà người nói đưa ra); nhưng cũng có thể kêu gọi (ii) một hành động cụ thể, duy nhất.
     Ví dụ cho trường hợp (i):
(48) Các em hãy nỗ lực học tập!
(49) Các bạn hãy giữ gìn sức khỏe!
(50) Xin quý vị hãy yên tâm và hãy tin tưởng vào Hội đồng quản trị!
(51) Chúng ta hãy vì tương lai thế hệ trẻ!
(52) Hãy cẩn thận!
Đáp ứng lời kêu gọi ở (48) có thể là một loạt hành động, không giới hạn thời gian, chẳng hạn dành nhiều thời gian học thuộc bài, làm đầy đủ bài tập, ôn tập cẩn thận, v.v.; ở (49) có thể là tập thể dục mỗi ngày, ăn uống hợp vệ sinh, v.v.; ở (50) có thể là không rút vốn, không phản đối, không chỉ trích, v.v.; ở (51) và (52) có thể bao gồm vô số hành động khác nhau.
     Nếu nội dung lời kêu gọi là một hành động cụ thể, duy nhất (trường hợp (ii)) thì hành động này vẫn mang ý nghĩa/kết quả vượt ra ngoài phạm vi thông thường của nó hoặc vẫn được hiểu là hành động không hạn định (khác với đi). Thử so sánh các câu sau:
(53)  a. Vì đội bóng, hãy nắm chặt tay nhau!
b. ?Vì đội bóng, nắm chặt tay nhau đi!
(54)  a. Con hãy rửa tay trước khi ăn!
b. Đến giờ cơm rồi, con rửa tay đi!
(55)  a. Trước khi ra về, các em hãy tắt đèn, tắt quạt!
b. Các em tắt đèn tắt quạt đi (rồi về)!
Các câu (a) có thể được hiểu là lời kêu gọi cho một hành động cụ thể, trước mắt (“nắm tay nhau”, “rửa tay”, “tắt đèn tắt quạt”) nhưng ý nghĩa của nó vẫn rộng hơn so với đi: “nắm chặt tay nhau” nghĩa là đoàn kết lại, “rửa tay” và “tắt đèn tắt quạt” là hành động được yêu cầu làm không chỉ một lần.
     Tương tự hãy, đi cũng có thể xuất hiện trong những phát ngôn mà ở đó không có hành động nào được yêu cầu cả, vì vị từ đi cùng với nó biểu thị một thái độ hay trạng thái tinh thần.
(56) Anh bình tĩnh đi! Chuyện đâu còn có đó.
(57) Chị yên tâm đi! Tôi sẽ lo chuyện này cho chị.
(58) Các bạn quên chuyệnđi!
Đằng sau những vị từ trên vẫn có một hành động không hiển ngôn: “hãy + V”/“V + đi” là yêu cầu cố gắng làm gì đó để giữ hoặc để có trạng thái V.
     Hãy hoặc đi dùng để tạo ra những phát ngôn yêu cầu “làm” cái gì đó. Do vậy, nó không thể dùng trong các phát ngôn yêu cầu không làm.
(59) *Các bạn hãy đừng/không lãng phí thời gian! (ss: Các bạn hãy tiết kiệm thời gian!)
(60) *Em đừng/không đi học trễ đi! (ss: Em đi học (sớm) đi!)
     Do phân biệt nhau về nghĩa, hãyđi có thể cùng hiện diện trong một cấu trúc:
(61) Ai không đồng ý thì hãy nói đi!
(62) Anh hãy làm theo ý tôi đi!
(63) Con hãy xin lỗi bạn đi!
Khi cả hai cùng có mặt, có thể sẽ có những câu thiếu tự nhiên, không thể quy vai trò ngữ nghĩa và ngữ pháp về cho hãy hoặc đi([7]):
(64) ?Hãy quan tâm đến người khác đi!
(65) ?Các bạn hãy tôn trọng luật pháp đi!
(66) ?Làm bài xong rồi à? Con hãy đi chơi đi!
Theo quan sát của chúng tôi, đây là hiện tượng trùng ngôn (tautogogous), có thể thấy ở khẩu ngữ, khó có thể xem là chỉn chu trong các phong cách khác.
     Đi thường dùng để thúc giục người nghe thực hiện một hành động, nhưng nếu hành động đó trên thực tế đã diễn ra hoặc sắp diễn ra thì đi có thể được dùng để yêu cầu người nghe tiếp tục hành động – dĩ nhiên, khi yêu cầu tiếp tục một hành động đang hoặc sắp diễn ra thì có tiền giả định rằng hành động đó đang gặp trở ngại, có nhiều khi trở ngại đó chính là sự hiện diện của người nói (chẳng hạn, khi người nói đến nhà làm gián đoạn bữa cơm của người nghe). Trường hợp này thường có sự trợ giúp của vị từ tình thái cứ trước vị từ nội dung chính. Ví dụ:
(67) Anh (cứ) ăn xong bữa đi!
(68) Anh cứ nói đi!
     Nếu vị từ nội dung là một vị từ tư thế, trạng thái hoặc quá trình, “cứ + V + đi” sẽ là lời yêu cầu giữ hoặc không thay đổi tư thế, trạng thái, quá trình. Chẳng hạn:
(69) Các em cứ ngồi đi!
(70) Cậu cứ tin cô ta đi!
(71) Em cứ khóc đi!
     Đi có thể tạo thành một yêu cầu nhưng về thực chất là một phát ngôn thách thức, đe dọa (thường tổ hợp với “... thì biết!”, “... rồi biết/coi/nói!”, “có giỏi/ngon thì..!”).
(72) Anh tưởng nằm bệnh viện vài ngày là dễ chịu lắm à? Vào đó đi thì biết!
(73) Chuyện đó không dễ đâu! Mày làm đi rồi nói!
(74) Nó là em tôi! Anh (có giỏi thì) đụng nó đi!
     Đi có thể kết hợp với ở sau tạo thành tổ hợp "…đi mà!", có tác dụng “mềm hóa” lời thúc giục, vì bổ sung sắc thái khẩn cầu cho lời thúc giục.
(75) Có chuyện gì thì em nói đi mà!
(76) Chị bỏ qua đi! Bỏ qua đi mà!
     Đi có thể làm thành một phát ngôn độc lập về ngữ pháp (tất nhiên phải có một nội dung yêu cầu được nêu trước đó hoặc ít nhất phải có tình huống cho phép hiểu như vậy).
(77) Mua cho em cái này đi! Đi! Đi!
4. Nói thêm một chút về nhé
     Nhé (có thể có dạng thức ngữ âm khác: nghe/nhe/nha) là ngữ khí từ cuối câu, vốn được người nói dùng để yêu cầu người nghe chấp nhận đề nghị của mình;
     Do vậy, nhé có thể có mặt trong các phát ngôn nhằm mục đích chào hỏi, xin phép, mời mọc. Về phong cách, nhé có sắc thái thân mật, suồng sã nên ít xuất hiện trong bối cảnh trang trọng; nếu dùng với người lớn hơn (bố, mẹ, anh, chị, nhưng khó có thể là thầy giáo, ông giám đốc), thường phải kèm theo đại từ gọi người đối thoại: "…nhé mẹ!", "…bố nhé!".
(78) Anh ở chơi. Tôi về nhé!
(79) Em đi chơi nhé!
(80) Anh đi uống cà phê với tôi nhé!
(81) Chú cho cháu đi với, nhé chú!
Điểm quan trọng nhất phân biệt với hãyđi là, trong các phát ngôn sử dụng nhé, người phải thực hiện hành động có thể chỉ là người nói (vd (78) và (79)) chứ không phải người nghe.
     Nhé cũng có thể được dùng để yêu cầu, nhưng không phải như một mệnh lệnh mà như một đề nghị, dặn dò, nhắn nhủ. Hay nói cách khác, nhé biểu thị một yêu cầu thực hiện vào một lúc nào đó trong tương lai, khi điều kiện cho phép. Một yêu cầu mang tính chất dặn dò, nhắn nhủ thì không thể thay bằng đi.
     Xét hai câu sau:
(82) Chị mua cho em mấy con cá nhé!
(83) Chị về sớm nhé!
Hai câu trên không thể dùng đi, vì là lời dặn dò. Nếu thay nhé bằng đi thì điều kiện sử dụng đã thay đổi: nó không được dùng như một lời dặn dò nữa.
     Các câu sau đây hầu như không thể dùng đi:
(84) (Khi nào) Đến nơi, anh gọi cho tôi nhé/??đi!
(85) Người ta mang hàng đến thì anh trả tiền nhé/??đi!
(86) Trước khi đi học, con nhớ rửa mặt, thay quần áo nhé/??đi!
     Do hãy, đi, nhé có sự khác biệt về ý nghĩa, chúng có thể tổ hợp: “... đi nhé!”, “hãy... nhé!”. Ví dụ:
(87) Chúng ta hãy bỏ qua chuyện cũ nhé!
(88) Các em chuẩn bị đi nhé!
Tuy nhiên, có một vấn đề rất quan yếu xét về mặt cấu trúc nói chung, về tầm tác động của nhé nói riêng, đó là không phải cả ba yếu tố ngang hàng nhau: nhé gánh toàn bộ sức nặng của thành phần đi trước, có thể biểu thị "[…(hãy) V (đi)] nhé!".
Lý do: một phát ngôn có nhé có thể diễn giải như sau: "X nhé!" nghĩa là "Tôi đề nghị/yêu cầu anh chấp nhận X" (trong đó "X" là một ngữ vị từ hoặc một cấu trúc trần thuật hoàn chỉnh). Như vậy, trong hai cấu trúc có độ phức khác nhau vai trò của nhé vẫn không có gì thay đổi:
(89) Em đi chơi nhé!
(90) Chị cho em đi chơi nhé!
"X" ở (89) là "Em đi chơi", ở (90) là "Chị cho em đi chơi". Nói rõ hơn, có thể diễn giải (89): [Em đề nghị chị chấp nhận đề nghị "Em đi chơi"] và (90): [Em đề nghị chị chấp nhận đề nghị "Chị cho em đi chơi"].
Điều vừa nói giải thích cho hai phát ngôn đối ứng sau đây:
(91)  A: – Chào anh! Tôi về nhé!
B: – Vâng, anh về nhé!
Ở phát ngôn của A, ta có: [Tôi đề nghị anh chấp nhận đề nghị "Tôi về"]; ở phát ngôn của B, ta có [Tôi đề nghị anh chấp nhận đề nghị "Anh về"]. Và ta có hai phát ngôn khác nhau về lực ngôn trung: phát ngôn của A là một lời chào hoặc xin phép, còn phát ngôn của B là một lời nhắn nhủ.
     Như một hệ quả, những phát ngôn ngôn hành (performative) mà có mặt nhé (như "Xin lỗi nhé!", "Cảm ơn nhé!") thì không còn tính ngôn hành nữa; vì lúc này nó chỉ biểu hiện ý (người nói) đề nghị/mong muốn người nghe chấp nhận đề nghị "xin lỗi", "cảm ơn" của mình chứ không phải là thực hiện hành động "xin lỗi", "cảm ơn" nữa.

*          *
*
     Như vậy, cái gọi là "câu mệnh lệnh" trong tiếng Việt, thật ra, là một cấu trúc trần thuật, được đánh dấu chủ yếu bằng ngữ điệu và một số yếu tố tình thái. Làm rõ những đặc trưng ngữ pháp và ngữ nghĩa của các yếu tố tình thái là một việc hết sức khó khăn, vì nó liên quan trực tiếp đến góc nhìn của người nói khi đưa ra phát ngôn. Những miêu tả trên đây là những biểu hiện mang tính xu hướng hơn là những tiêu chí khu biệt hãyđi.
     Tuy nhiên, khảo sát nhóm đối tượng này là một việc làm hữu ích đối với hoạt động dạy tiếng.

Tài liệu tham khảo:
1.   Cao Xuân Hạo 1991. Tiếng Việt, sơ thảo ngữ pháp chức năng. Nxb KHXH. H.
2.    Diệp Quang Ban 2012. Ngữ pháp tiếng Việt – tập 2. Tái bản lần thứ 17. Nxb GDVN. H.
3.     Lê Thị Minh Hằng 2013. "Khi nào" giả định hay hiện thực? Tc Ngôn ngữ và đời sống, số 12. H.
4.    Nguyễn Anh Quế 1988. Hư từ trong tiếng Việt hiện đại. Nxb KHXH. H.
5.    Nguyễn Vân Phổ 2005. Ngữ cảnh và lời dẫn trong hội thoại - nhìn từ lý thuyết quan yếu, Tc Ngôn ngữ, số 4, H.
6.    Seiji Uchida, 1997. Immediate contexts and reported speech, UCL Working Papers in Linguistics 9.
7.    Trần Trọng Kim (et al.) (không rõ năm). Việt Nam văn phạm. In lần thứ 3. Nxb Tân Việt. SG.
8.    Wilson Deirdre, 1998, Linguistic structure and inferential communication, in Caron, Bernard (ed.) Proceedings of 16th International Congress of Linguists (Paris, 20-25 July 1997), Pergamon, Oxford: Elsevier Sciences.
9.    Wilson Deirdre, 1999, Relevance and Relevance Theory, in R. Wilson & F. Keil (eds) MIT Encydopedia of the Cognitive Sciences, MIT Press, Cambridge MA: 719-722.



[1] David Crystal 1992, An Encyclopedic - Dictionary of Language and Languages, Penguin Books, London.
[2] Cao Xuân Hạo đã chỉ ra sự bất cập của cách phân loại theo “mục đích nói” này. Theo ông, đối với tiếng Việt có thể căn cứ vào thuộc tính cấu trúc cú pháp để phân làm hai loại lớn: câu trần thuật và câu nghi vấn; và căn cứ vào hình thức có thể xem câu "mệnh lệnh" là một tiểu loại câu trần thuật với sự khác biệt về tình thái [1: 211]. Khi định nghĩa về thức (mood), David cũng cho rằng thức được quy về tình thái (modality) khi nó không liên quan đến biến cách (ibid.).
[3] Thuật ngữ “cầu khiến” có lẽ rộng hơn, nhưng thuật ngữ này thường được dùng để chỉ những cấu trúc trong đó đối tượng của vị từ thứ nhất là hành thể của vị từ thứ hai, kiểu như "Mẹ tôi bảo tôi đi", "Nó khuyên tôi làm".
[4] Ở quân đội chẳng hạn, trong những khẩu lệnh mang tính "mệnh lệnh" thực sự không bao giờ có mặt hãy: không thể nói "Tiểu đội chú ý: Hãy nghiêm!".
[5] Ở những bối cảnh này và những bối cảnh tương tự (chẳng hạn: "Một người mọi người, mọi người một người", "Anh ấy đã tôi thì tôi không thể bỏ rơi anh ấy", v.v.) có lẽ nên giải thuyết là một vị từ thì hợp lý hơn. 
[6] Do nội dung ngữ nghĩa của cả phát ngôn đã đủ rõ, ba yếu tố này không nhất thiết phải có mặt đồng thời.
[7] Về ngữ pháp, không thể biết (i) đây là sự kết hợp của hai cấu trúc riêng biệt, cấu trúc 1: “Hãy + V”, cấu trúc 2: “Đi!”; như vậy, ta có: “Hãy V! Đi!” (xem thêm vd (77) bên dưới), nghĩa là nó được hình thức hóa như là một cấu trúc thống nhất “Hãy V đi!”; hoặc (ii) đây là kết quả của hiện tượng “chập cấu trúc”: [“Hãy + V” + “V + đi!”] → “Hãy V đi!”.  

6 comments:

  1. Xin chào tiengviet blogspot,
    Những bài viết của bạn thật sự rất xác đáng và có ích với người làm việc nhiều về tiếng Việt như mình. Mình có một vài trường hợp băn khoăn về tiếng Việt mà không biết phải tìm hiểu ở đâu, mong bạn có thể bớt chút thời gian giải thích.
    - Ở bài về nhóm từ này kia ấy đó bạn đã phân biệt rất cụ thể và tường tận 2 từ "ấy" và "đó". Mình muốn hỏi liệu trường hợp "đó" và "đấy" có sự phân biệt không? Và cách nói "từ ấy/từ đó (trong tôi bừng nắng hạ)", hay "trong ấy" và "trong đó" có tương đương nhau không? Hoặc từ "ấy" khi để nói một cách không rõ ràng, ví dụ: "sun (tiếng Anh) là gì hả cậu?" "Là ấy í, mặt trời í" thì "ấy" ở đây mang nghĩa và sắc thái gì?
    - Trong tiếng Việt khi nói thường có rất nhiều từ "í", vd: "Nó đang làm gì í, tôi chả biết" hoặc "Anh ta đã nói thế í/chứ gì", "Cái nhà đấy to lắm í", "Anh í (ấy) bảo là đang bận". Có người nói "í" tương đương với "ấy" nhưng đọc khác đi, mình không thấy thoả đáng lắm. Và "í" cũng không giống với "đấy". Bạn có thể cắt nghĩa giúp được không?
    - Mình còn băn khoăn về một số từ như phép màu hay phép mầu (màu nhiệm hay mầu nhiệm), mình rất bất ngờ vì từ điển tiếng Việt lại dùng "mầu nhiệm" trong khi không thấy mấy ai viết vậy. "Chả" và "chẳng" có tương đương không? Vì sao có "chẳng hạn", "chẳng may" nhưng không ai nói "chả hạn" "chả may"? "Nhẽ" và "lẽ" có tương đương không? Chả nhẽ, chả lẽ, chẳng nhẽ, chẳng lẽ, có lẽ, có nhẽ có giống nhau không? "Thỉnh thoảng" là từ chuẩn nhưng sao lại có "thi thoảng"? "Hàng ngày" và "hằng ngày", cái nào đúng? Từ điển có "ân huệ" nhưng mình thấy đều dùng nhiều là "ơn huệ"
    Trên đây là một vài trong số những điều mình vẫn thắc mắc rất lâu rồi. Mong được giải đáp giúp.
    Có lẽ để giải thích hết những câu này sẽ cần một hoặc nhiều bài dài, nên mình chỉ mong bạn sẽ nhắc đến chứ không cần giải thích tường tận ngay lập tức.
    Xin cám ơn tiengviet blogspot rất nhiều.

    ReplyDelete
    Replies
    1. - í thật ra là cách phát âm nhược hóa (không có trọng âm) của "ấy". Thông thường người Việt phát âm từ này rất nhẹ, khg có trọng âm nên giống như "í", hoặc giống dấu hỏi ("ảnh", "chỉ") của Nam bộ. Phát âm "ấy" mà có trọng âm (như trên tivi, phim) không phải là tiếng Việt tự nhiên, chỉ là "đọc", khg phải "nói".
      - đấy và đó hầu như giống nhau hoàn toàn, chỉ là phương ngữ. Thật ra, trước đây mình có phát hiện được một trường hợp dùng "đo", không dùng "đấy" được, nhưng khg ghi lại nên quên mất rồi.
      - Về chính tả, lẽ ra phải phân biệt: "hằng ngày", "hằng giờ" (Tôi tập thể dục hằng ngày) với "hàng ngày", "hàng giờ" (Tôi chờ anh hàng giờ rồi, Tôi mất hàng ngày trời để...). Nhưng hiện nay "hằng" thường được viết thành "hàng".
      - "mầu nhiệm" và "màu nhiệm" chỉ là vấn đề chính tả thôi. "mầu" được xem là chuẩn, "màu" là phương ngữ.
      - "Chẳng" và "chả", "chưa" và "chửa", "thỉnh thoảng" và "thi thoảng" chỉ là biến âm.
      Xin lỗi vì hai năm mới trả lời. Thật ra, vì bận, đã lâu tôi không vào blog.

      Delete
    2. những tữ bạn hỏi chỉ là cách nói vùng miền thôi

      Delete
  2. Nhóm từ độ, tầm, chừng, khoảng phân biệt nhau thế nào?

    ReplyDelete
  3. Trường hợp "đó" và "đấy" mình có vd là: "Đang làm gì đấy/đó?"; "Đấy là", "đó là" và "đây là" hình như có khác nhau. Thường nghe "đấy là A (chứ không phải B)", "đấy là tại (...)", hình như nếu thay bằng "đó" nghĩa cũng khác, mà "đây" cũng lại khác. Thật không biết nên giải thích ra sao :(.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Trong "Đang làm gì đó/đấy?" thì đó/đấy là ngữ khí từ hay tiểu từ/trợ từ cuối câu đánh dấu tính hiện thực của "đang làm".
      Người ta chỉ hỏi như vậy khi thấy/nghĩ người kia "đang làm" một việc gì đó.
      Thấy người kia đang nhai thì hỏi "Anh ăn gì đó?"

      Delete