Thursday 15 September 2016

NGỮ PHÁP CỦA “LƯỢNG”, “SỐ” VÀ “SỐ LƯỢNG”




Từ điển Tiếng Việt (Hoàng Phê CB 2003) đưa ra định nghĩa: lượng (d): 1 “mức độ nhiều ít, có thể xác định được bằng con số cụ thể”, 2 “phạm trù triết học chỉ các thuộc tính của sự vật và hiện tượng trong thế giới khác quan về mặt khối lượng, kích thước, tốc độ, v.v.”; số (d): “tập hợp những vật cùng loại, về mặt đếm được nhiều hay ít”; số lượng (d): 1 “con số biểu thị sự có nhiều hay có ít”, 2 “như lượng” (nghĩa 2)(1).
Từ những năm 1980, Cao Xuân Hạo (và nhiều tác giả khác) đã lập luận rằng tính [±đếm được] là thuộc tính ngữ pháp chủ yếu của danh từ tiếng Việt [1: 304]; và căn cứ thuộc tính đó, ông phân danh từ tiếng Việt ra thành danh từ đơn vị [+đếm được] và danh từ khối [-đếm được]. Như vậy, có vẻ như có một sự "trùng khớp" về cả nội hàm và ngoại diên giữa khái niệm danh từ đếm được và danh từ đơn vị, giữa danh từ không đếm được và danh từ khối.
Cao Xuân Hạo cũng không quên lưu ý: khái niệm danh từ [±đếm được] có quan hệ nhưng không đồng nhất với vật thể đếm được hay không đếm được [1: 312].
Trong cuộc sống, có lẽ do ảnh hưởng của các ngôn ngữ Âu, nhiều người cho rằng những vật thể được gọi là xe, nhà, áo, bò, gà, v.v. là những vật thể "đếm được", còn thịt, sữa, nước, mưa, nắng, v.v. thì "không đếm được".
Thật ra, trong tư duy ngôn ngữ của người Việt Nam, một vật thể có thể đếm được hay không là căn cứ vào hình thức tồn tại trong tự nhiên của nó. Nếu vật thể tồn tại phân lập trong không gian (hoặc một chiều kích khác) thì được xem là đếm được; nếu ngược lại là không đếm được. Như vậy, sữa, đường, muối, sắt, nước, giấy, v.v., với sở biểu "chất liệu" của nó là những danh từ không đếm được; và xe, nhà, bò, sách, báo, áo, giày, v.v., với sở biểu "chủng loại" cũng là những danh từ không đếm được. Trong khi đó, “nước” hay “sữa” chẳng hạn, có thể tồn tại trong một không gian có giới hạn cụ thể (trong một vật chứa: một cái ly, một cái chai) thì có thể đếm được. Cũng vậy, nếu đường, muối, sắt, sách, xe, áo, giày, v.v. tồn tại với tư cách là một vật thể có đường viền trong không gian thì vẫn có thể đếm được (hai muỗng đường, một nhúm muối, một thanh sắt, hai quyển sách, ba cái áo, v.v.).
Xét các ví dụ sau đây:
(1) Lượng mưa hằng năm là 1500mm.
(2) Trong sữa có một lượng canxi rất cao.
(3) Lượng chất độc này đủ giết chết một con voi.
(4) Lượng xe lưu thông trên đường gia tăng mạnh, đã vượt tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng.
(5) Lượng sách xuất bản năm nay giảm 10% so với năm trước.
(6) Số bài sinh viên đã ký nộp là 35.
(7) Số đầu sách xuất bản đã giảm so với năm ngoái.
Từ các ví dụ trên, có vẻ như lượng sẽ đi với danh từ khối (tức lớp từ mà đặc trưng ngữ nghĩa cơ bản là biểu hiện chất liệu (1), (2), (3), chủng loại (4), (5)), số sẽ đi với danh từ đơn vị (biểu hiện cá thể); vì người Việt đếm bằng cái, con, bức, trận, chai, ly, quyển, v.v. chứ không đếm bằng ghế, bò, tranh, mưa, sách, xe, báo, v.v..
Nhận xét trên còn được xác nhận qua những phân biệt khá rạch ròi:
·       lượng mưa – số trận mưa
·       lượng nắng – số giờ nắng
·       lượng nước – số ly/chai/hồ nước
·       lượng can-xi – số viên can-xi
·       lượng thông tin – số tin/mẩu tin
·       lượng dầu tràm – số cây tràm
·       lượng hàng (hóa) – số mặt hàng
·       lượng sách phát hành – số đầu sách phát hành
Tuy nhiên, trong thực tế, sự đối lập đơn vị - khối của danh từ/ngữ không được thể hiện đều đặn trong quan hệ phân bố của lượngsố, số lượng.
Trước hết nói về lượng.

1. LƯỢNG
Lượng xuất hiện trước tất cả các danh từ/ngữ biểu thị chất liệu, tức là những "vật" không đếm được (nhưng có thể tính toán được): lượng nước (/sữa, rượu, bia, máu, vải, giấy, đường, muối, sắt, thép, bột, gạo, thịt, khí, đá, đất, gỗ, nhựa, mưa, nắng, gió, v.v.). Khả năng này thể hiện một cách nhất quán trong các phát ngôn bình thường của người Việt, chẳng hạn:
(8) VN đứng đầu các nước Đông Nam Á về lượng bia tiêu thụ hằng năm.
(9) Với người khoẻ chỉ cần 6 - 10g muối/ngày, nhưng với người đang có bệnh và trẻ em thì phải hết sức để ý lượng muối đưa vào cơ thể.
(10) Theo dự báo, đến 2030 lượng thịt tiêu thụ bình quân trên thế giới lên đến 45,3kg/người/năm.
Tuy nhiên, có những danh từ phạm trù ngữ nghĩa từ vựng rất gần nhau nhưng lại được người Việt tri nhận khác nhau. Chẳng hạn, mưa, nắng, gió được xem là danh từ chất liệu (danh từ khối, không đếm được) có thể theo sau lượng, trong khi đó bão, giông, lốc (dù cũng là danh từ khối, không đếm được, và về mặt từ vựng cũng biểu thị hiện tượng tự nhiên) lại không thể xuất hiện sau lượng, nghĩa là không được xử lý như danh từ chất liệu. Đây không phải là hiện tượng “bất quy tắc” hoặc ngoại lệ về ngữ pháp mà là cách tri nhận khác của người Việt khi diễn đạt đối tượng hữu quan.
Trong tiếng Việt, đất, ruộng, vườn là những danh từ khối chỉ nơi, “bề mặt” mà trên đó người ta canh tác hay làm cái gì đó; và khi kết hợp với những danh từ đơn vị như mảnh, miếng, đám, khu (“mảnh đất”, “miếng ruộng”, “khu vườn”) ta có những “vật thể” rời, phân lập. Nhưng “lượng đất” được dùng để chỉ “khối” chất liệu đất (ít, nhiều), hoàn toàn không chia sẻ ngữ nghĩa với “khu đất”, “mảnh đất”; còn “lượng ruộng”, “lượng vườn” là những cách diễn đạt bất thường, vì ruộngvườn không bao giờ mang tính chất liệu.
Khi nói về mưa, gió, nắng, người Việt có thể lượng hóa nó theo nhiều cách khác nhau:
(i)              “năng lượng nắng”, “năng lượng gió” (như trong cách nói “Việt Nam có năng lượng nắng và gió khá cao và ổn định, lại là năng lượng sạch), “tốc độ gió”, “lưu lượng gió” (“FTA1 là thiết bị chuyên nghiệp dùng đo tốc độ gió, lưu lượng gió và nhiệt độ”) – cách diễn đạt xuất phát từ góc nhìn có tính chất kỹ thuật;
(ii)            trong đời sống thường ngày, người ta lại nói số trận/cơn mưa”, “số giờ nắng”, “số trận/cơn gió” (“Tại Hà Nội và TP.HCM khoảng 20% - 30% số trận mưa là mưa axít”, “Số giờ nắng (hay còn gọi là thời gian nắng) là số giờ có cường độ bức xạ mặt trời trực tiếp với giá trị bằng hay lớn hơn 0,1 KW/m2 (≥ 0,2 calo/cm2/phút)”) – nếu nhìn các hiện tượng này như những “vật thể” phân lập;
(iii)          và cũng có thể nói “lượng mưa”, “lượng nắng”, “lượng gió” (“Nhật Bản là quốc gia có lượng nắng thấp và không ổn định, do đó điện mặt trời nơi đây vẫn chưa được sử dụng rộng rãi”, Các chuyên gia dự báo, biến đổi khí hậu có thể làm giảm lượng mưa và lượng nước ngọt tới 40% vào năm 2050”) – nếu nhìn các hiện tượng này như một “khối” chất liệu, có độ cao thấp, nhiều ít khác nhau.
Nhưng với bão, giông, lốc thì, ngoài cách nhìn kỹ thuật về tốc độ, người ta chỉ tri nhận nó như những “vật” phân lập (“(số) trận/cơn bão”, “(số) trận/cơn giông”, “(số) trận/cơn lốc”) chứ không phải như những “khối” chất liệu; cho nên, không nói “lượng bão”, “lượng giông”, “lượng lốc”. (Tương tự: lượng gỗ – ?lượng củi, lượng vải – ?lượng giẻ, lượng khí – ?lượng khói, v.v..)
Như vậy, cách tri nhận của người bản ngữ về đối tượng sẽ chi phối khả năng ngữ pháp của nó. Và điều này còn được thể hiện ở những trường hợp sau đây.
Với những danh từ/ngữ biểu thị chủng loại (hay đúng hơn là những thuộc tính để phân biệt chủng loại này với chủng loại kia), khả năng xuất hiện của lượng cũng không đều đặn. Theo quan sát của chúng tôi, [lượng + danh từ khối chủng loại] là một cấu trúc ngữ pháp chuẩn tắc của tiếng Việt; nhưng trong thực tế sử dụng, nó chịu sự chi phối rất mạnh của cách nhìn của người nói – dĩ nhiên, suy cho cùng là yếu tố ngữ nghĩa – về đối tượng được nói đến. Nói rõ hơn, trong tiếng Việt có những danh từ (chủng loại) dễ và có những danh từ (chủng loại) khó gợi lên những vật thể cụ thể, phân lập, gắn với đời sống của người bản ngữ. Những danh từ nào càng dễ tạo sự liên tưởng như thế thì càng hiếm khi xuất hiện sau lượng; ngược lại, những danh từ nào càng khó tạo sự liên tưởng đến những vật thể cụ thể, phân lập thì càng dễ thấy xuất hiện sau lượng.
Chính vì điều vừa nói, có hai khả năng kết hợp hoàn toàn giống nhau về ngữ pháp, nhưng trường hợp (i) thì rất tự nhiên, trong khi đó, trường hợp (ii) thì khó hình dung những tình huống hội thoại mà nó có thể xuất hiện.
(i) lượng     rau, rau tươi, ngô, bắp cải, dưa hấu, cá, tôm, thịt, ớt, tiêu, kính, v.v.;
(ii) lượng   lính, thợ, bàn, ghế, tủ, nhà, áo, quần, giày, chó, mèo, rạch, kênh, rừng, lá, v.v..
Rõ ràng, các danh từ ở (i) thường gợi lên những "khối" vật chất chứ không phải là những cá thể rời: khi nói/nghe từ rau, cá chẳng hạn, người ta thường không liên tưởng một cọng rau, một bó rau hoặc một con cá. Trong khi đó, các danh từ ở (ii) có thể làm liên tưởng đến những cá thể rời, những cá thể mang thuộc tính được diễn đạt bằng chính danh từ đó.
Ngay trong nội bộ nhóm (ii) cũng có sự khác biệt khá rõ: chẳng hạn, chó, mèo thuần túy là vật nuôi trong nhà, có thể tạo sự liên tưởng đến một cá thể nào đó; do vậy, sẽ khó hình dung tình huống phát ngôn nào cho phép xuất hiện tổ hợp "lượng chó/mèo". Trong khi đó, , heo thì khác. Bò, heo với tư cách là gia súc trong các gia đình nông dân, tương tự chómèo, cũng khó có thể xuất hiện trong tổ hợp "lượng bò/heo"; nhưng bò, heo còn là một vật nuôi thương phẩm với số lượng lớn ở các trang trại, khi đó, tổ hợp "lượng bò/heo" hoàn toàn có khả năng xuất hiện tự nhiên, và nếu so sánh , heo với tư cách là một loại thực phẩm thì khả năng này còn cao hơn. Ở trường hợp sau (, heo là vật nuôi thương phẩm và/hoặc một loại thực phẩm) thường người ta không có hình ảnh những cá thể rời mà là một "khối" vật chất giống như chất liệu.
Với những danh từ chỉ người, tình hình càng rõ rệt hơn. Người Việt hầu như không dùng lượng trước những danh từ khối chỉ người như (lượng) lính (/thợ, thầy, bác sĩ, giáo sư, kỹ sư, nhân viên, cảnh sát, cán bộ, bộ trưởng, v.v.); trừ một vài "khối" như (lượng) người (/khách, du khách, sinh viên, du học sinh) – tức là những danh từ này có thể gợi ra một "khối" (gồm nhiều cá thể) không có hình thù, dễ thấy nhất là trong các tài liệu thống kê, văn bản báo chí, hành chính.
Dĩ nhiên, có thể cho rằng cái khối lượng lớn của đối tượng đang nói có liên quan đến khả năng dùng lượng, nhưng điều này chưa đủ. Theo nhận xét của chúng tôi, cái khối lượng lớn vật thể ấy chỉ là yếu tố thứ sinh (vì người ta vẫn hay dùng "một lượng nhỏ…"), bên cạnh một yếu tố khác chi phối mạnh hơn cách dùng lượng; đó là cách tri nhận của người bản ngữ: đối tượng đang được đề cập là một khối vật chất hay là những cá thể rời.
Sau đây là một số ví dụ:
(11) Lượng xe qua đường cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây tăng mạnh.
(12) Theo Bộ Thương mại Mỹ, năm ngoái, lượng xe xuất khẩu ở nước này đạt giá trị 132,7 tỷ USD, xấp xỉ 1,8 triệu chiếc xe con và xe tải. Tuy nhiên, lượng xe nhập khẩu vào Mỹ vẫn cao hơn lượng xe xuất khẩu khi mà thâm hụt thương mại trong ngành ôtô nước này đạt hơn 100 tỷ USD.
(13) Khi có yêu cầu nhập sách từ các đại lý, bộ phận quản lý việc phát hàng sẽ kiểm tra lượng sách hiện có.
(14) Anh luôn muốn thực hiện ước mơ giúp hàng trăm ngàn dân nông thôn trên cả nước có lượng sách đọc ngang bằng với Hà Nội và Sài Gòn.
(15) Hai phần ba lượng người dùng thích màn hình cong của Galaxy S6 Edge hơn của Galaxy Note Edge.
(16) Khách hàng ngoại tỉnh chiếm tới 50% lượng người mua nhà Hà Nội.
(17) Lượng sinh viên Việt Nam du học trong năm 2013 tăng 15%.
(18) Trong khi đó, lượng sinh viên Nhật ra nước ngoài học tập đã giảm xuống mức kỷ lục trong năm 2008, theo một cuộc điều tra của Chính phủ.
(19) Nhờ 3 lần liên tiếp giành Scudetto ở 3 mùa giải gần đây, Juventus đã lập kỷ lục của CLB về lượng áo đấu bán ra mùa này với 480 nghìn chiếc.
(20) Quy định về đổi hàng: Lượng áo đem đổi chỉ được bằng hoặc ít hơn lượng áo mua trả tiền.
(21) Về cơ cấu ngành công nghiệp vẫn không thay đổi so với những năm trước, với TQ luôn đứng hàng đầu, sản lượng gần 2/3 lượng giày được bán trên thế giới. Nói chung, châu Á chiếm 87% lượng da giày sản xuất trên thế giới.
(22) Một lượng bút phiên bản giới hạn đến từ thương hiệu bút máy Montblanc cao cấp của Đức sẽ được sản xuất nhằm tôn vinh những cá nhân có cống hiến xuất sắc nhất trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật trong thế kỷ qua.
(23) Với sản lượng 15 triệu cây bút mỗi năm, chiếm đến 80% lượng bút lông của Nhật, từ cách nay 500 năm, Kumano đã hình thành nên một nhãn hiệu bút lông chất lượng nổi tiếng và uy tín trên thế giới.
(24) Với công suất hàng ngàn bữa ăn mỗi tuần, lượng chén (bát) cần được làm sạch sẽ rất lớn, vì vậy chi phí điện (gas) để làm nóng nước cũng rất cao.
(25) Đó là lý do tại sao chúng tôi tăng cường lượng nuôi từ 100.000 con lên 200.000 con vào năm 2015.
(26) Phần cuốn dây (winder): Có nhiệm vụ cuộn dây đã thành phẩm vào bobbin và phải đảm bảo tốc độ cuốn phải đồng bộ với lượng dây xả ra (...).
(27) Lượng dây giống cần cho một sào: 1.200 đến 1.500 đoạn.
(28) Galaxy S6 và Galaxy S6 edge đã nhận được lượng đơn đặt hàng kỷ lục.
Tương tự, với các danh ngữ tổng loại gồm hai danh từ khối (chỉ chủng loại) kết hợp đẳng lập với nhau, khả năng ngữ pháp của lượng cũng không đồng đều. Có vẻ như những danh ngữ nào mà các yếu tố tạo thành nó biểu thị tính đơn vị hay tính rời của nó rõ hơn thì khó đi với lượng hơn.
Người ta có thể nói lượng xe cộ (/sách báo, quần áo, tranh ảnh, giày dép, bao bì, đơn từ, gà vịt, trâu bò), nhưng không nói lượng binh lính (/chai lọ, nhà cửa, phòng ốc, chợ búa, đình chùa, chùa chiền, kênh rạch, đồi núi, ruộng vườn, hổ báo, v.v.).

2. SỐ
Trước hết xin bàn đến những biểu hiện bề mặt của số.
Số có thể đi với danh từ đơn vị, đây là một đặc trưng mà lượng không có được.
(29) Số đầu sách xuất bản năm nay có giảm so với năm trước.
(30) Năm 2014, Việt Nam chỉ có 3 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, bằng 1/3 số cơn bão của năm 2013.
(31) Theo Nghị định số 45/2013/NĐ-CP, số giờ làm thêm trong ngày được quy định không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 1 ngày.
Tuy nhiên, trong tiếng Việt, những trường hợp số được dùng trước những danh từ khối chủng loại cũng rất nhiều, nếu không muốn nói là nhiều hơn và tự nhiên hơn rất nhiều so với những trường hợp dùng trước danh từ đơn vị. Ví dụ:
(32) Số bàn cần thanh lý đợt này là 60 cái.
(33) Cơ quan kiểm dịch sẽ tiêm phòng cho số trâu nhiễm bệnh.
(34) Chính phủ quyết định tịch thu số xe nhập lậu.
số đứng trước cả những danh từ khối biểu thị chất liệu – thường được xem là danh từ không đếm được “chính danh”:
(35) Số nước cất trong kho dược chỉ đủ dùng trong 2 ngày.
(36) Anh làm gì với số xi măng chết này?
(37) Bà không hy vọng gì tìm lại số vàng đã mất.
(38) Số lúa đó coi như tôi cho luôn vợ chồng anh.
(39) Sau khi lập biên bản xong thì số ma túy đó biến mất.
(40) Số tiền đó tôi sẽ gửi lại cho chị.
Rõ ràng, nếu căn cứ trên tính [±đếm được] của danh từ thì sẽ không có sự phân biệt giữa sốlượng; lý do là phạm vi sử dụng của số bao trùm lượng: lượng chỉ đứng trước danh từ khối (chỉ chủng loại như xe, bàn, chỉ chất liệu như nước, vàng), còn số đứng trước cả danh từ đơn vị (như cơn, giờ, đầu) cả danh từ khối (như xe, bàn, và nước, vàng).
Tuy nhiên, có một sự “phân bố bổ sung” khá đều đặn giữa lượngsố khi cùng đứng trước danh từ khối chủng loại và chất liệu: lượng thường biểu thị khối lượng lớn, không giới hạn và không có tính chỉ định (specific) trong khi số biểu thị tập hợp hay khối lượng có giới hạn và thường là có tính chỉ định.
So sánh:
(41)  a. Lượng/??Số xe lưu thông đã vượt quá sức chịu đựng của hệ thống đường sá nội thị.
b. Số/*Lượng xe gửi ở đây là của nhân viên công ty.
(42)  a. Lượng/??Số hàng hóa trao đổi giữa hai nước ngày càng tăng.
b. Hải quan quyết định thu giữ số/*lượng hàng hóa này.
c. Số/*Lượng hàng hóa bị thu giữ này không có người nhận.
(43)  a. Số/*Lượng tiền kiếm được nó đưa hết cho mẹ.
b. Các ngân hàng không kiểm soát được lượng/*số tiền lưu thông trên thị trường.
(44)  a. Số/??Lượng tiền mặt mang theo cũng đủ để mua sắm, không cần đến thẻ.
b. Lượng/*Số tiền mặt lưu thông trên thị trường càng lớn thì nguy cơ lạm phát càng cao.
(45)        a. Số/*Lượng thép thừa có thể hoàn trả cho công ty.
b. Lượng/??Số sắt, thép được dùng để tạo kết cấu cho con đập này có thể đủ cho 380 tháp Eiffel và lượng/??số xi măng sử dụng cho nó gấp 15 lần lượng/??số dùng để xây dựng đường hầm nối giữa Pháp và Anh.
Điều vừa nói cũng thể hiện ở khả năng kết hợp với các danh ngữ tổng loại (thường gọi là "từ ghép đẳng lập") và danh ngữ Hán Việt. Nói chung, số có khả năng kết hợp rất rộng rãi; chẳng hạn: số thuốc men (/rượu bia, vải vóc, sách báo, xe cộ, tranh ảnh, quần áo, đường phố, nhà cửa, kênh rạch, đình chùa, chùa chiền, thực phẩm, lương thực, học sinh, sinh viên, bác sĩ, kỹ sư, y tá, v.v.). Trong khi đó, lượng chỉ có thể đứng trước một số danh ngữ (không có tính rời) như đã nói trên.
(Do đặc điểm này, có thể rút ra một nhận xét mang tính thực hành: thường đi với số là những danh từ/ngữ biểu thị những vật thể cụ thể, liên quan đến sinh hoạt hàng ngày; trong khi đó, thường đi với lượng là những danh từ/ngữ biểu thị những vật thể hiểu khái quát hay có khối lượng lớn, có tính chất vĩ mô, liên quan đến kinh tế, xã hội của cơ quan, tổ chức, quốc gia.)  
Khi đứng trước danh từ khối và có định ngữ hạn định (như số vàng nhập lậu, số sách này, số trâu nhiễm bệnh, v.v.) thì số hành chức với tư cách một danh từ đơn vị biểu thị một tập hợp (nếu theo sau là danh từ chủng loại) hoặc một “vật thể” (nếu theo sau là danh từ chất liệu) tồn tại phân lập, có đường viền không gian rõ rệt.
            Chính vì biểu hiện này, số có thể dễ dàng được thay thế bằng một danh từ đơn vị (biểu thị) tập hợp hoặc khối lượng, chẳng hạn:
(46) tiêu hủy số trâu bị bệnh – tiêu hủy đàn/đám trâu bị bệnh
(47) thanh lý số xe này – thanh lý đống/đám/mớ xe này
(48) tịch thu số vàng nhập lậu – tịch thu mớ/đống vàng nhập lậu
(49) niêm phong số ma túy đó – niêm phong đống/gói ma túy đó
(50) giải quyết số nợ tồn đọng – giải quyết phần/đống nợ tồn đọng
(51) bán đi số ruộng còn lạibán đi phần ruộng còn lại
(52) số lãi này – phần lãi này
(53) số dư này – phần này
     Hơn nữa, do mang đặc trưng của danh từ đơn vị, số có thể làm trung tâm của những ngữ đoạn như sau:
(54) Họ mới giao hàng. Chị thấy số (quần áo) đó đẹp không? (đống/mớ)
(55) Số sách này tôi tặng thư viện, số còn lại cậu lấy hết đi. (đống/mớ/phần)
     Thậm chí, nó có thể đứng một mình làm thành ngữ đoạn hoặc kết hợp với quán từ bất định một [3]:
(56) Sách này anh cho tôi à? Tôi lấy một số thôi.
(57) Lớp học như cái kho chứa đồ cũ: bàn ghế (một) số thì hư, (một) số thì gãy.
(58) Cả trung đội tan tác: (một) số chết, (một) số bị thương, (một) số đào ngũ.
Tuy nhiên, số mang đặc trưng không đầy đủ của một danh từ đơn vị, vì nó không được đếm như những danh từ đơn vị bình thường (không nói "hai số sách", "ba số xe"); về mặt này, nó hoạt động tương tự như các danh từ đơn vị , lúc, khi, chút, chốc, lát....
            Thảo luận thêm về kết hợp [số + danh từ đơn vị]
            Như ở trên có nói, số có thể kết hợp với danh từ đơn vị, và đó là khác biệt lớn so với lượng (x. vd (29) – (31)) và số lượng (sẽ nói ở phần sau). Ngoài ra, khả năng kết hợp với danh từ khối của số lớn hơn và tự nhiên hơn rất nhiều so với khả năng kết hợp với danh từ đơn vị.
            Quả thật, số có thể kết hợp tự nhiên với các danh từ đơn vị như vụ, việc, giờ, ngày, trận, cuộc, người, phần, máy, bàn (thắng), đầu (xe, sách), mặt (hàng), bài (thi), ca (cấp cứu), nhà (máy), lần, v.v. (không kể những danh ngữ Hán Việt được dùng như danh từ đơn vị: (số) học sinh, sinh viên, bác sĩ, trường hợp, tác phẩm, công ty, huy chương, v.v.). Tuy nhiên, nếu xét kỹ, có thể thấy khả năng này thể hiện không đồng đều ở các danh từ đơn vị khác như cái, con, chiếc, tấm, bức, mảnh, miếng, quyển, cuốn, viên, cọng, cây (bút), cục, ổ, kể cả những danh từ đơn vị quy ước như tấn, tạ, lít, chục, thước, tấc, v.v., và theo sau chúng là những danh từ biểu thị những vật thể “thông thường” (trừ cách diễn đạt trong các sách giáo khoa, chẳng hạn: “Hỏi số quyển vở/viên kẹo/cây bút... là bao nhiêu?”(2)). Thử so sánh:
·       số vụ tai nạn giao thông – số xe bị hư – ?số chiếc xe bị hư
·       số đầu gia súc xuất chuồng – số gà nhiễm bệnh – ?số con gà nhiễm bệnh
·       số mặt hàng bày bán – số áo bày bán – ?số cái áo bày bán
·       số đầu sách xuất bản – số sách xuất bản – ?số quyển sách xuất bản
·       số căn hộ giao dịch thành công – số phòng cần sửa – ?số căn phòng cần sửa
·       ?số tấn lúa thu hoạch
·       ?số lít nước mắm của hãng
·       ?số chục xoài bán được
Có vẻ như danh ngữ đứng sau số thường là những “vật” có khối lượng và tầm quan trọng nhất định. Nhưng trả lời câu hỏi thế nào là có “khối lượng” hoặc có “tầm quan trọng” không phải là dễ, nếu không muốn nói là hết sức cảm tính. Chẳng hạn:
(59) ?Phòng thiết bị đã báo số tấm bảng/cái bàn cần thay.
(60) ?Số quyển sách ông ấy tặng rất thiết thực đối với các bạn sinh viên.
Số bảng, số bàn mà một trường cần trang bị có thể là vài chục, vài trăm, số sách mà “ông ấy” tặng lên đến hàng ngàn quyển hoặc tính bằng tấn, liệu có đủ “khối lượng” hoặc “tầm quan trọng” để sử dụng số như (59) và (60)? Nói chung, người ta khó hình dung tình huống sử dụng của số cho những vật “thông thường” như thế. Hơn nữa, về ngữ pháp khó có thể chấp nhận một tình thế mà trong đó những yếu tố có cùng bản chất ngữ pháp (danh từ đơn vị, đếm được) mà lại có hai khả năng kết hợp trái ngược nhau (được (+) và không được (-)).
            Theo nhận xét của chúng tôi, số có hai biểu hiện ngữ nghĩa khác nhau, và do đó có hai khả năng ngữ pháp khác nhau: (i) số biểu thị một tập hợp nhất định các sự vật có cùng thuộc tính (cùng chủng loại) được diễn đạt bằng một danh từ khối theo sau (“số bàn”, “số sách”, số xe”, “số bút”, “số gà”, “số trâu”, v.v.); và (ii) số biểu thị số lượng nhiều hay ít của sự vật (chính là nghĩa 1 của số lượng mà Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê đã nêu); hay nói một cách dễ hiểu và để tránh luẩn quẩn: số ở trường hợp này là một cách nói tắt của khái niệm “con số”.
            Khả năng (i) của số là khả năng “thường trực”, nghĩa là có thể thể hiện ở tất cả (hoặc hầu như tất cả) các danh từ khối biểu thị chủng loại (hơn nữa, nó cũng bao gồm cả danh từ khối biểu thị chất liệu). Biểu thức [số + danh từ khối chủng loại] được dùng để chỉ bản thân những thực thể thuộc tập hợp được gọi tên bằng chính danh từ khối đó – về ngữ pháp, đây là một danh ngữ với số là danh từ đơn vị làm trung tâm, theo sau là (các) định ngữ của nó. Như vậy, trong một phát ngôn bất kỳ, biểu thức này có thể đóng một vai nghĩa nhất định, tùy thuộc vào vị từ trung tâm: có thể là bị thể, đối thể, lợi thể, hành thể, tạo tác thể... Chẳng hạn:
(61) Chúng tôi sẽ đóng/giao số bàn đó đúng hạn.
(62) Phòng Giáo dục hứa chuyển số sách tham khảo về các trường trước ngày khai giảng.
(63) Đội thú y của xã đã tiến hành tiêm vắcxin cho số trâu, bò thuộc chương trình “xóa đói giảm nghèo”.
(64) Số xe tải đang hoạt động của chúng tôi được kiểm định hết sức nghiêm ngặt.
(65) So với số gà tam hoàng, số gà này đẻ sai và đều trứng hơn hẳn.
Đây là biểu hiện đã được đề cập ở vd (46) – (53).
Trong khi đó, khả năng (ii) là khả năng có tính ràng buộc cao: số biểu thị con số; do đó, tổ hợp có chứa số hầu như chỉ xuất hiện trong những phát ngôn diễn đạt các mối liên hệ về số lượng, về mức độ (tăng, giảm, nhiều, ít), về tỉ lệ – nói chung là các liên hệ về lượng (dĩ nhiên, ở khả năng (i), các mối liên hệ về lượng vẫn có thể được thể hiện). Chẳng hạn:
(66) Trong những thập kỷ qua, Mỹ đã khởi đầu 2/3 số cuộc xung đột quân sự trên toàn cầu.
(67) So với hai ngày 28 và 29/4, số vụ TNGT tăng 50%, số người bị thương tăng từ 40% đến 240% nhưng số người chết giảm đáng kể.
(68) Rượu bia liên quan 1/3 số vụ bạo lực gia đình ở VN.
(69) Việc số vụ án mạng tại New York gia tăng theo nhiệt độ đang là vấn đề khiến giới chức thành phố này lo ngại.
(70) Năm 2015, Sở Nội vụ sẽ tăng số cuộc thanh tra về tuyển dụng, bổ nhiệm, và thực hiện các chế độ chính sách đối với cán bộ...
(71) Số bậc thang thường là 21 hoặc 25, vì người ta tin rằng hai bậc đó rơi vào chữ Sinh.
Thử so sánh câu (63) với câu (72), câu (64) với câu (73) sau đây:
(72) ??Đội thú y của xã đã tiến hành tiêm vắc xin cho số đầu gia súc thuộc chương trình “xóa đói giảm nghèo”.
(73) ??Số đầu xe tải đang hoạt động của chúng tôi được kiểm định hết sức nghiêm ngặt.
Rõ ràng, câu (72) và (73) khó được chấp nhận vì sự có mặt của danh từ đơn vị không nằm trong quan hệ về lượng: người ta tiêm vắc xin cho các con vật (một tập hợp) thuộc chủng loại “gia súc” chứ không tiêm cho con số “đầu gia súc”, người ta kiểm định (tập hợp) các “vật” thuộc chủng loại “xe tải” chứ không kiểm định con số “đầu xe”.
Và khi đề cập các mối liên hệ về lượng thì con số hữu quan phải có một độ lớn nhất định; cũng tức là trong phạm vi sinh hoạt đời thường, người ta thường tiếp cận vật thể ở nhiều góc độ, trong đó có góc độ số lượng (bao nhiêu cái/con? nhiều hay ít?) chứ không tiếp cận con số – dù con số này liên quan đến vật thể. Vì vậy, rất khó hình dung tình huống xuất hiện những cách diễn đạt như “số chiếc xe”, “số cây bút”, “số ổ bánh mì”, “số viên kẹo”, v.v.. (Nói rõ hơn, người ta thường nói “Nó ăn ba viên kẹo”, “Nó ăn nhiều kẹo”, “Kẹo, nó ăn đến ba viên”, chứ ít khi nói “Số kẹo nó ăn là ba viên”, càng không nói “Số viên kẹo nó ăn là ba”.) Trong khi đó, trong thế giới hiện thực, có nhiều hiện tượng tự nhiên, xã hội, có nhiều vật thể, người ta lại quan tâm đến con số, nghĩa là người ta nhận định về bình diện lượng của sự vật, hiện tượng (chẳng hạn với phát ngôn “Các cơ quan chức năng phải tìm cách giảm số vụ tai nạn giao thông”, bình diện lượng được quan tâm chứ không phải bản thân tai nạn giao thông (với các mức độ nghiêm trọng và thiệt hại của nó) như ở phát ngôn “Các cơ quan phải tìm cách giảm/ngăn chặn tai nạn giao thông”). Vì vậy, về ngữ pháp, chu cảnh kết hợp, và đặc biệt là các vị từ, sẽ đóng vai trò bộ lọc (filter) đối với danh từ đơn vị. So sánh:
(74) ??Cơ quan bảo hiểm đang tiến hành bồi thường cho nạn nhân của số vụ tai nạn giao thông này.
(75) Cơ quan bảo hiểm đang tiến hành bồi thường cho nạn nhân của những vụ tai nạn giao thông này.
(76) ??Số đầu sách văn học mà ông ấy mua chất đầy cả 3 gian phòng.
(77) Số sách văn học mà ông ấy mua chất đầy cả 3 gian phòng.
“Nạn nhân” là nạn nhân của “(những) vụ tai nạn” (75) chứ không thể là nạn nhân của “số vụ tai nạn” (74); người ta “chất” đầy phòng “số sách” đã mua (77), chứ không thể “chất” đầy phòng “số đầu sách” đã mua (76).
Như vậy, về ngữ nghĩa, có sự khác biệt rõ: lấy ngữ đoạn “số sách mới” làm ví dụ, “sách mới” là định ngữ chỉ loại cho “số”; trong khi đó ở “số đầu sách mới”, “đầu sách mới” cũng đóng vai trò định ngữ cho số (và “sách mới” là định ngữ chỉ loại cho “đầu”), nhưng nó thuyết minh cho “số” [(con) số về (những) đầu sách mới].
Hay diễn đạt khái quát hơn:
(i): [số (DTk + ...)]                                    [tập hợp những vật thể được gọi là DTk]
(ii): [số (DTđv + DTk + ...)]                       [(con) số về những (DTđv + DTk)]

3. SỐ LƯỢNG
Số lượng vốn là một danh ngữ tổng loại, gồm [số + lượng], tương tự "quần áo", "nhà cửa"…
Số lượng có thể đứng trước một danh từ/ngữ mang ý nghĩa chủng loại hoặc tổng loại (danh từ khối như bàn, bò, tranh, hoặc danh ngữ đẳng lập như quần áo, sách báo, trâu bò). Khả năng này của số lượng cũng tương tự số.
(78) Ông là họa sĩ có số lượng/số tranh bán được nhiều nhất trong cuộc triển lãm.
(79) Trong tuần qua, số lượng/số xe bị tạm giữ là 167 chiếc.
(80) Số lượng/số sách báo phát hành hằng ngày lên đến hàng ngàn tờ.
Tất nhiên, ở những câu này, lượng cũng có thể xuất hiện (vì theo sau là danh từ khối), nhưng chịu sự chi phối của sự “phân bố” đã nói ở trên.
Nếu theo sau là một danh từ/ngữ Hán Việt hoặc vay mượn Ấn Âu thì khả năng xuất hiện số lượngsố có thể xem là đồng nhất: số/số lượng học sinh (/bệnh nhân, thành viên, ủy viên, vũ khí, trang phục, cơ quan, tổ chức, tivi, điện thoại, iPad, laptop, netbook, v.v.). Có lẽ lý do là những danh từ/ngữ loại này mang thuộc tính chủng loại hoặc tập hợp hơn là mang tính đơn vị – dù rằng người Việt vẫn có thể nói “12 thành viên”, “5 tổ chức”, “2 tivi”, “3 laptop”.
Nếu theo sau là một danh từ đơn vị chính danh thì khó có thể dùng số lượng (tùy trường hợp, có thể dùng số). Chẳng hạn:
(81) ??Số lượng/Số bộ đồng phục đăng ký là 800. (ss: số lượng đồng phục)
(82) Chúng tôi đã gửi thống kê ??số lượng/số con bò chết trong tuần qua. (ss. số lượng bò chết)
(83) ?Số lượng/Số giường bệnh tính theo đầu người ở vùng này rất thấp.
(84) *Số lượng/Số tiết vượt giờ chuẩn sẽ được tính vào cuối học kỳ.
(85) Tai nạn giao thông quý I giảm cả về *số lượng/số vụ lẫn ??số lượng/số người chết.
            Đứng trước những danh ngữ có lượng từ các, những, mỗi, từng thường là số lượng (chứ không thể là số hay lượng).
(86) Báo cáo của Bộ Nội vụ cho thấy “số lượng các thứ trưởng thuộc các bộ quá nhiều so với quy định của CP”.
(87) Bộ Nội vụ khẳng định: (...) số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ từ 48 cơ quan năm 2001 đến 2010 còn 30 cơ quan.
(88) Số lượng những thuê bao không đăng ký hoặc đăng ký “ảo” lên đến hàng triệu.
(89) Chị phải kê khai cụ thể số lượng mỗi/từng loại (giấy bạc).
Theo quan sát của chúng tôi, đây chính là một biểu hiện minh bạch của quan hệ thuyết minh như đã phân tích trong phần nói về số (số + danh từ đơn vị) ở trên; thậm chí, nó có phần tiêu biểu hơn, vì cho thấy bản chất mối quan hệ giữa số lượng và danh ngữ theo sau: [(số lượng) về (những/các...)].
            Xét về ngữ pháp lẫn ngữ nghĩa, số lượng không thể thay cho số với tư cách là danh từ đơn vị biểu thị tập hợp. Các câu sau đây không thể dùng số lượng:
(90) ??Ai sẽ trả tiền số lượng sách đó?
(91) ??Số lượng quần áo này chị tặng cho trẻ em nghèo.
(92) ??Siêu thị sẽ chuyển số lượng hàng đã có hóa đơn đến tận nhà.
(93) ??Tôi muốn báo cáo cách xử lý số lượng trâu bò bị nhiễm bệnh.
Ở đây, một lần nữa, số lượng có biểu hiện không khác gì với số (số + danh từ đơn vị) đã nói trên (x. vd (72) – (77)).
Trong thực tế sử dụng, người ta thường không dùng số lượng mà dùng số cho những lượng đã hạn định, được xem là ít. Chẳng hạn: thường không nói số lượng thành viên trong gia đình, số lượng anh em, số lượng bạn bè, số lượng bạn thân, số lượng láng giềng, số lượng trứng/chén đĩa bị vỡ, số lượng bút cần mang theo, v.v.. Đây là giới hạn thuộc về ngữ dụng hơn là ngữ pháp.
Do số lượng không có đặc trưng của một danh từ đơn vị như số, nó không đi với các danh từ khối biểu thị chất liệu (không thể nói: số lượng sữa, số lượng đường, số lượng thịt, số lượng vitamin, số lượng đất, số lượng nước, số lượng vàng, số lượng tiền, v.v..).
Khi diễn đạt khái niệm "lượng" với tư cách là một bình diện của sự vật (nằm trong quan hệ đối lập với "chất lượng") thì hầu như chỉ dùng số lượng (đứng một mình) chứ không dùng số, và ít khi dùng lượng (trừ khi nói tắt cả hai lượngchất). Xét về mặt này thì sốsố lượng là hai khái niệm không đồng nhất với nhau cả về ngữ nghĩa và khả năng hoạt động.
(94) Quý 1/2011 xuất khẩu gạo đạt cao nhất về số lượng và giá trị.
(95) Ông Phạm Ngọc Trúc, Phó chánh thanh tra Bộ GD-ĐT cho biết kỳ thi năm 2011 sẽ vẫn tiếp tục điều động lực lượng thanh tra ủy quyền từ các trường ĐH, CĐ về coi thi ở các địa phương; số lượng tương đương với năm 2010.
(96) ĐH Quốc gia Hà Nội ưu tiên xét tuyển các đối tượng theo quy định không hạn chế số lượng.
Ở các ví dụ trên, số (và lượng) không thể thay cho số lượng.
Do đặc điểm này, số lượng có thể đi ngay trước các con số (có thể có các yếu tố biểu thị độ chính xác: đúng, gần, khoảng, độ, chừng, xấp xỉ, trên dưới); trong khi đó, nếu muốn kết hợp với các con số thì số cần phải có định ngữ là danh từ biểu thị vật thể đứng ngay sau nó.
(97) Số lượng/*Số 300 cái một ngày không phải là quá sức đối với công nhân. (ss: Số áo 300 cái...)
(98) “Hoa học trò” phát hành mỗi tuần một kỳ với số lượng/*số gần 20 vạn bản.
(99) Thế khai nhận hằng ngày mua bình gas không rõ nguồn gốc trên thị trường, về sang chiết vào bình gas mini rồi đem đi tiêu thụ với số lượng/*số khoảng 100 bình/ngày.
Về ngữ pháp, số lượng và con số theo sau có thể thiết lập một quan hệ (tiểu) đề - (tiểu) thuyết đánh dấu bằng hệ từ . Thực chất, đây cũng chính là biểu hiện của quan hệ thuyết minh đã nói ở trên. Ví dụ:
(100) Số lượng là 300 cái một ngày thì không phải là quá sức.
(101) Một cuộc khảo sát với số lượng 1000 nhà đầu tư, thu được kết quả như sau:
(102) Với số lượng là 186 huy chương, trong đó có 73 huy chương vàng, VN tạm đứng ở vị trí thứ 3.

Kết luận:
            Trên đây, chúng tôi đã thử khảo sát hoạt động của các từ lượng, sốsố lượng. Từ những đặc điểm được nêu ra, có thể thấy cách giải thích rằng lượng dùng với những danh từ/ngữ không đếm được còn số/số lượng thì đi với danh từ/ngữ đếm được đã không bao quát được tất cả các trường hợp dùng ba từ này. Thực tế sử dụng cho thấy khả năng kết hợp với danh từ/ngữ của mỗi từ tùy thuộc vào cách tri nhận của người bản bản ngữ về đối tượng – suy cho cùng đó chính là ngữ nghĩa. Ngữ nghĩa chi phối ngữ pháp của mỗi yếu tố; và suy cho cùng, xét bản chất ngữ nghĩa của mỗi yếu tố phải xét đến cách tri nhận của người bản ngữ về đối tượng có liên quan trong từng bối cảnh sử dụng.
Như vậy, có thể nói, chỉ khi nằm trong quan hệ kết hợp thực tế mỗi yếu tố từ vựng mới bộc lộ hết các thuộc tính ngữ nghĩa và ngữ pháp của mình.

Chú thích:
Bài đăng trên tạp chí Ngôn ngữ số 8/2016
(1) Theo Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê CB 2003, Nxb Đà Nẵng & Trung tâm Từ điển học, H.), lượng có 2 nghĩa, số có 9 nghĩa, số lượng có 2 nghĩa. Ở đây chúng tôi chỉ đề cập những nghĩa có thể đến sự nhầm lẫn trong cách dùng ba từ này.
(2) Trong các sách giáo khoa dạy Toán, nhất là bậc tiểu học, thường hỏi về kết quả tính toán (cộng, trừ, nhân, chia) thể hiện bằng con số nên tổ hợp [số + danh từ đơn vị] được sử dụng rất rộng rãi.


Tài liệu tham khảo
1.   Cao Xuân Hạo 1991. Tiếng Việt, sơ thảo ngữ pháp chức năng. Nxb KHXH. H.
2.   Cao Xuân Hạo 1998. Tiếng Việt - mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa. Nxb GD.
3.   Thị Minh Hằng 2015. Cách sử dụng danh từ đơn vị tiếng Việt – dưới góc độ dạy tiếng. Phát triển khoa học và công nghệ, số 18, X2/2015.
4.   Lý Toàn Thắng 1997. Loại từ và các tiểu loại danh từ trong tiếng Việt. Ngôn ngữ, số 2, H..
5.   Nguyễn Đức Tồn 2006. Từ đồng nghĩa tiếng Việt. Nxb KHXH. H.
6.   Nguyễn Tài Cẩn 1975. Từ loại danh từ trong tiếng Việt hiện đại. Nxb KHXH.
7.   Nguyễn Vân Phổ 2015. Ngữ pháp và ngữ nghĩa của một ít, một chút, một số, một vài. Tc Ngôn ngữ, số 1/2015, H.
8.   Trần Đại Nghĩa 1988. Phân loại các tổ hợp loại từ - danh từ trong tiếng Việt. Ngôn ngữ, số 5, H..
9.   Trần Đại Nghĩa 1988. Một cách xác định loại từ trong tiếng Việt. Ngôn ngữ, số 4, H..
10.  Vũ Đức Nghiệu 2001. Ngữ pháp ngữ nghĩa của hai kiểu danh ngữ “hạt dưa”, “một hạt dưa” – Ngôn ngữ số 11, H..


1 comment: