Friday, 22 September 2017

CẢ và TẤT CẢ



Cảtất cả là hai từ([1]) đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm, nhưng hầu như chưa có tài liệu ngữ pháp nào lập thức đủ rành mạch để có thể ứng dụng vào việc dạy tiếng. 
            Từ điển Hoàng Phê 2014 định nghĩa: cả: (đại từ) toàn thể, hết thảy, không trừ một ai hay thành phần nào; (trợ từ) biểu thị ý nhấn mạnh về mức độ cao, phạm vi không hạn chế của sự việc; tất cả: từ dùng để chỉ mọi đối tượng được nói đến, không trừ một đối tượng nào.
Cách đây hơn nửa thế kỷ, Trương Văn Chình và Nguyễn Hiến Lê (1963) đã bàn khá chi tiết về những từ này. Theo các tác giả, cảtất cả là “lượng từ toàn thể” (tất cả là “từ kép”) dùng để trỏ “toàn thể của một sự vật” hoặc “nhiều sự vật hợp lại thành một toàn thể” [6: 327]; lượng của toàn thể này có thể là “toàn lượng nhất định” (“nhất định” ở đây có thể được hiểu là “chính xác”, vd: “cả năm quả cam”), “toàn lượng bất định (vd “tất cả cam”) hoặc “toàn lượng phỏng chừng” (vd: “cả mấy quả cam”). Những nhận xét của tác giả chưa cho thấy sự khác biệt giữa cảtất cả. Hơn nữa, các tác giả đã nhầm lẫn khi cho rằng tất cả có thể kết hợp trực tiếp với danh từ khối (“tất cả vải”, “tất cả cam”) và giải thích: “vì nói đến toàn lượng bất định, nên ý “bất định” ấy ảnh hưởng đến thể từ chính, và thể từ chính không có loại từ hay lượng từ đơn vị” [6: 328].
            Nguyễn Anh Quế (1988) có nhận xét rõ hơn về từ cả: “Cả đại từ luôn luôn đứng trước một D để biểu thị số nhiều toàn bộ hoặc toàn bộ một số đơn nhưng hàm ẩn nghĩa là bên trong có chứa đựng một số nhiều sự vật hoặc cá thể khác (nếu danh từ trung tâm chỉ sự vật, chỉ đơn vị hành chính) hoặc hàm ẩn ý nghĩa toàn bộ thời gian trong đơn vị ấy (nếu danh từ trung tâm chỉ thời gian)”. Ngoài ra, tác giả còn đề cập hai cả khác: cả hư từ (tạo thành cặp liên từ đẳng lập: cả... lẫn..., cả... và...) và cả trợ từ “để nhấn mạnh” (giống như ngay cả, cả đến)” [4: 219]. Về tất cả thì tác giả chỉ nhắc đến khi so sánh với mọi: “tất cả có thể chỉ toàn bộ nhiều sự vật, mà cũng có thể chỉ toàn bộ một sự vật” [4: 76]. Những nhận xét vừa trích, đặc biệt là về cả đại từ, của Nguyễn Anh Quế rất đáng suy nghĩ, dù chưa hoàn toàn minh bạch.
            Cao Xuân Hạo, trong công trình năm 1982, xem cả là lượng từ [1: 271] nằm trong thế đối lập với nửa; trong công trình 1997, xem cảtất cả là phân từ hay phân lượng từ (quotifier) [1:391]; trong công trình 2006 lại xem là lượng từ không xác định [2: 102]. Thậm chí, có chỗ ông xem cảtất cả là đại từ đảm đương chức năng phân lượng: “Chức năng phân lượng có thể do danh từ (nửa, phần, đa số), đại từ (cả, tất cả), ngữ đoạn phó từ (hết, hầu hết, tuyệt đại đa số)” [1: 366]. Những kiến giải của ông về cảtất cả rất thuyết phục, dù thuật ngữ chưa nhất quán, và có nhiều chi tiết cần phải được làm sáng rõ thêm.
Theo đó, về ngữ pháp, cảtất cả “chỉ có thể kết hợp với danh từ đơn vị chứ không bao giờ kết hợp được với danh từ khối”, vì “danh từ đơn vị biểu thị những thực thể phân lập trong không gian (hay một chiều kích nào khác) và do đó có thể đếm được và chia được” [1: 393]. Từ đó, tác giả giải thích rằng những từ như phát, giọt, lúc, bên, nơi, lần “tuy là đơn vị và do đó có thể đếm được, nhưng lại không có kích thước xác định trong không gian (nơi, bên) hay thời gian (lúc, lần) hoặc quá nhỏ (giọt, phát) để có thể chia nhỏ hơn nữa” [1: 273] cho nên không thể kết hợp với cả (tác giả không xét tất cả) [1: 272].
            Khác với các tác giả khác, Nguyễn Đức Dân trong công trình năm 1987 đã bàn đến từ cả khi minh họa giả thuyết chuyển hóa từ thực từ sang hư từ. Theo ông, ban đầu, cả vừa có nghĩa “nhiều, lớn” vừa có nghĩa “tổng thể”, với hai vị trí đứng sau hoặc đứng trước từ mà nó đi kèm. Dần dần có sự phân biệt: cả đứng trước danh từ có nghĩa “tổng thể, toàn khối”, hoạt động với tư cách “đại từ”. Chính cả đại từ này chuyển hóa thành cả “nhấn mạnh” qua nhiều cấu trúc trung gian [5: 182-184]. Nguyễn Đức Dân không miêu tả đặc điểm ngữ pháp và ngữ nghĩa của cả, và cũng không phân biệt cả với tất cả; nhưng những diễn giải của ông gợi ra nhiều điều thú vị để tiếp tục khảo sát hai từ trên dưới góc độ đồng đại.
            Trong bài viết này, chúng tôi tiếp thu những thành tựu của những tác giả đi trước và cố gắng phân tích rõ hơn ngữ pháp và ngữ nghĩa của hai từ cảtất cả. Để dễ theo dõi, chúng tôi vẫn gọi cảtất cả là lượng từ, theo “ngữ pháp truyền thống”, thay vì phân từ hay phân lượng từ – một thuật ngữ ít quen thuộc – dù sự khác biệt hai thuật ngữ này đã được Cao Xuân Hạo nêu rõ [1: 391].
           

1. CẢ 
1.1. Cả là lượng từ biểu thị toàn bộ cái đối tượng theo sau nó với tư cách là một chỉnh thể khả phân (partitionable).
            Một chỉnh thể khả phân nghĩa là một chỉnh thể duy nhất, phân lập trong không gian, nhưng trong nó phải hàm chứa nhiều bộ phận, nhiều thành phần khác nhau (chẳng hạn: “người” là một “chỉnh thể”, bao gồm nhiều bộ phận – tay, chân…; “cuốn sách” là một “chỉnh thể”, bao gồm nhiều phần, nhiều chương, nhiều trang; “chương sách” là một “chỉnh thể”, bao gồm nhiều trang, “gia đình” là một “chỉnh thể” gồm nhiều thành viên; “trường” là một “chỉnh thể” gồm nhiều lớp, nhiều học sinh hoặc nhiều giáo viên; “chai rượu”, “ấm trà”, “bình sữa” là những chỉnh thể có thể phân thành nhiều phần hoặc nhiều ly; v.v.); nghĩa là nó phải “đếm được và chia được” [1: 393].
            Như vậy, về mặt ngữ pháp, cả phải xuất hiện trước một danh ngữ có trung tâm là một danh từ đơn vị. (Và ngược lại, cả là một chỉ dấu cho biết rằng sau nó là một danh ngữ có tính đơn vị).
            Ví dụ:
(1) Nó đá bóng cả buổi chiều nên bây giờ đau cả người.
(2) Cả cuốn sách này chỉ có chương đầu là hay.
(3) Mấy ngày nghỉ, nó đọc cả đống sách.
(4) Cả nhà đã đi chơi.
(5) Tôi đi cả chợ mà chẳng tìm thấy kiểu áo đó.
(6) Nó uống hết cả chai nước.
(7) ??Nó chơi bóng chuyền nên đau cả ngón tay.
(8) ??Tôi xem cả bức ảnh đó rồi.
            Trong các ví dụ trên, tất cả danh ngữ đứng sau cả đều có trung tâm là danh từ đơn vị, biểu hiện một chỉnh thể (“buổi chiều”, “người”, “cuốn sách”, “đống sách”, “nhà”, “chợ”, “chai nước”). Riêng câu (7) và câu (8) khó chấp nhận, dù đặc trưng ngữ pháp của danh ngữ đứng sau cả cũng không khác gì so với những câu trên, lý do là cái đối tượng nói đến cũng là một chỉnh thể nhưng không được tri nhận là bao gồm nhiều bộ phận để có thể nói rằng “Tôi đau một đốt tay” hay “Tôi xem một góc ảnh”. Theo nhận xét của chúng tôi, những thực thể có khối lượng càng nhỏ càng khó có thể phân cắt thành từng bộ phận, từng phần để tác động vào nó, tri giác nó; và do đó càng khó kết hợp với cả. (So sánh: “tặng cả tập ảnh” – ??“tặng cả tấm ảnh”; “xé cả cuốn sách” – ??“xé cả tờ giấy”; “đọc cả bài viết” – ??“đọc cả chữ đầu tiên”; “ăn cả bát cháo” – ??“ăn cả muỗng cháo”; “giận cả nhà nó” – ??“giận cả nó”, v.v.).
            Những tổ hợp Hán Việt vốn có đặc trưng chất liệu (sử dụng như danh từ khối) nhưng cũng có đặc trưng hình thức (sử dụng như danh từ đơn vị) nên cũng có thể kết hợp sau cả nếu thỏa mãn tiêu chí chỉnh thể khả phân: Có thể nói “cả chính phủ”, “cả sư đoàn”, “cả hội đồng”, “cả triều đình”, “cả dân tộc”, “cả kế hoạch”, “cả dự án”, “cả quân đội”, v.v., vì thành phần sau cả hành chức như một danh từ đơn vị, và những thực thể mà chúng biểu thị có thể phân cắt thành các thành viên hoặc bộ phận phân lập; và dĩ nhiên không thể nói “cả nhân dân”, “cả giáo dục”,  cả kinh tế”, “cả luật pháp”, “cả quan lại”, “cả cảnh sát”, v.v., vì sau cả không phải là những tổ hợp được dùng như danh từ đơn vị khả phân.
            Những danh ngữ có trung tâm là một danh từ đơn vị biểu thị tập hợp cũng có thể diễn đạt một chỉnh thể khả phân: bộ, đống, xấp, chồng, nhóm, đàn, đoàn, đội, bầy, lũ, bọn, tổ, loạt, dãy, dàn/giàn, khối, tập, v.v.. Chẳng hạn, so sánh: “mua cả đống giày dép” – ??“mua cả đôi giày” (“đôi giày” gồm hai chiếc, nhưng bất khả phân, vì người ta không thể mua một chiếc giày – ss. “Ngồi trên xe từ trường về nhà, thằng bé làm rơi cả đôi giày”), “làm vỡ cả bộ ly” – ??“làm vỡ cả cái ly”, “đưa cả xấp tiền” – ??“đưa cả tờ đơn”; “bắt tay cả đội tuyển” – ??“bắt tay cả cầu thủ”, v.v..
            Những danh ngữ có trung tâm là một danh từ đơn vị biểu thị vật chứa cũng có thể diễn đạt một chỉnh thể khả phân, trong đó vật được chứa là các bộ phận hoặc một khối lượng lớn vật chất có thể phân chia: đĩa, tô, mâm, nhà, phòng, túi, xe, tủ, gói, chai, thùng, hộp, v.v.. Chẳng hạn, so sánh: “ăn cả đĩa rau” – ??“ăn cả cọng rau”; “tặng cả tủ sách” – ??“tặng cả cuốn sách”; “mua cả thùng bia” – ??“mua cả chai bia”; “mất cả túi hành lý” – ??“mất cả cái áo”; “uống cả ấm nước” – ??“uống cả hớp nước”; “uống cả chai thuốc” – ??“uống cả giọt thuốc” v.v..
            Những danh ngữ có trung tâm là một danh từ biểu thị đơn vị đo lường cũng có thể diễn đạt một chỉnh thể khả phân: kí, tấn, tạ, lạng, lượng, cây số, mét, lít, giạ, v.v. – nếu khối lượng/kích thước vật thể đủ lớn để phân chia và dưới những đơn vị đo lường này còn những đơn vị bậc thấp hơn (theo cách sử dụng trong đời thường). Chẳng hạn, so sánh: “bán cả lượng vàng” – ??“bán cả phân vàng”; “chở cả tạ gạo” – ??“chở cả lon gạo”; “nấu (cháo) cả lon gạo” – ?“nấu (cháo) cả nắm gạo”; “mót cả giạ lúa”, ??“mót cả hạt lúa”, v.v..
            Tuy nhiên, khả năng “chia nhỏ” hơn, và liên quan đến nó là kích thước [±lớn] của thực thể, không phải là một ý niệm thuần túy vật lý mà, trong nhiều trường hợp, tùy thuộc vào sự tương tác giữa vị từ và các danh ngữ chung quanh; hay nói cách khác, tùy thuộc vào mối quan hệ hiện thực giữa các đối tượng trong sự tình. So sánh:
(9) Tôi đã chờ anh cả buổi chiều/ngày/tuần. (ss: ??Tôi đã chờ anh cả phút.)
(10) Thằng bé lịm đi cả phút. (ss: ??Thằng bé ngủ cả phút.)
(11) Thằng bé đã đọc được cả từ. (ss: ??Thằng bé đã thuộc cả từ.)
Trạng thái “lịm” dài khoảng một phút được xem là lâu, là đáng lo ngại (vì trạng thái “lịm” có thể tính bằng giây) nên có thể dùng cả; trong khi đó, một phút “chờ” thì lại không đáng kể (thường người ta không tính thời gian chờ đợi bằng giây), không thể dùng cả. Một đứa bé đang học đánh vần có thể “đọc” từng chữ cái (= “bộ phận” làm nên “từ”), và nếu “đọc” được một từ thì quả là một tiến bộ, có thể dùng cả; nhưng “thuộc” thì khác, có thể “thuộc” hoặc “không thuộc” một từ chứ không thể “thuộc” một vài bộ phận (= một vài chữ cái) của từ, không thể dùng cả.
            Như vậy, sự có mặt của cả với tư cách là lượng từ toàn bộ phải bảo đảm rằng thực thể theo sau phải khả phân trong hiện thực.
1.2. Chính vì cấu trúc bên trong (bao gồm nhiều bộ phận hoặc chia được thành nhiều phần, và do vậy được tri nhận là có độ lớn nhất định) của cái sự vật được diễn đạt bằng danh ngữ đứng sau, cả vẫn dung nạp một nét nghĩa (“nhiều, lớn”) mà Nguyễn Đức Dân cho rằng lúc đầu “dùng không phân biệt” với nét nghĩa “tổng thể” [5: 182]. (Thật ra, xét về mặt lịch đại, có lẽ sẽ hợp lý hơn nếu cho rằng cả với ý nghĩa “lớn, nhiều” có trước – vì đây là ý nghĩa cụ thể, gắn với những thực thể hoặc trạng thái gần gũi với đời sống người bản ngữ và hiện vẫn tồn tại, như anh cả, biển cả, sông cả, sóng cả, đũa cả, cả nể, cả tin, cả quyết, cả lo, v.v.).
Cả NP” là “toàn bộ NP”, và như vậy là “lớn”, là “nhiều”, là “vượt quá sự mong đợi”. Cái ý nghĩa tình thái chủ quan này, trong thực tế sử dụng ngôn ngữ, khó tách ra khỏi ý nghĩa “toàn bộ” hiện thời của cả. Do vậy, có thể xem đây là một thứ hàm ngôn quy ước hay ước định (conventional implicature) mà lượng từ cả biểu thị.
Về mặt đồng đại, trong cấu trúc đang xét, ý nghĩa tình thái “nhiều, lớn”, “vượt quá sự mong đợi” là ý nghĩa thứ sinh, vì nó phụ thuộc nhiều vào tình huống. Chẳng hạn, phát ngôn:
(12) Ông ấy đã ăn cả bát cháo.
khó có thể xem là tự nhiên khi “ông ấy” là một người đàn ông khỏe mạnh bình thường (một người đàn ông khỏe mạnh thường không ăn vài muỗng cháo hoặc nửa bát cháo, nghĩa là sự có mặt của cả bất khả chấp). Nhưng phát ngôn này rất tự nhiên, nếu “ông ấy” vừa hồi phục sau cơn bạo bệnh, hoặc vì một lý do nào đó người nói trông chờ “ông ấy” không ăn hết bát cháo, và lúc này cả mang thêm hàm ý “nhiều”.
            Và ý nghĩa này, ở nhiều phát ngôn, được nhận diện qua ngữ điệu mạnh (trọng âm logic) hoặc những dấu hiệu từ vựng kề cận; chẳng hạn:
(13) Họ thầm thì với nhau cả tiếng rồi.
(14) Mỗi bữa, nó ăn cả ký thịt.
(15) Thầy giáo bảo phải tóm tắt cả cuốn (sách) này trong hai ngày.
Cách phát âm mạnh ở cả, và ngữ đoạn phụ trợ “hết”, “trong hai ngày” cho thấy thái độ chủ quan của người nói, rằng như thế là “nhiều”.
            (Trong khẩu ngữ, có một số cách diễn đạt mang tính thành ngữ làm thành một ngoại lệ có thể hiểu được. Đó là những cách nói: “cười đau cả bụng”, “nóng cả mặt”, “điếc cả tai”, “xanh cả mặt”, “thót cả tim”, “mỏi cả miệng”, “hòa cả làng”, “chết cả nút”, v.v.. Theo suy nghĩ của chúng tôi, ở đây, ý nghĩa “lớn”, “nhiều”, “vượt quá sự trông đợi” (hoặc “sự thông thường”) đã lấn át ý nghĩa toàn bộ của cả).
1.3. Nhưng cũng có trường hợp, cả hoạt động như một phụ từ biểu thị ý nghĩa “nhiều”, “lớn” (hoặc những đặc trưng tương tự), nghĩa là nó không hành chức như một lượng từ nữa (không còn gắn với ý nghĩa chỉ lượng “toàn bộ”), dù rằng trên bề mặt vẫn là cả kết hợp với một danh ngữ trong đó có yếu tố biểu thị lượng, không khác gì với cả lượng từ. Ví dụ:
(16) Họ dựng cây nêu cao cả chục mét.
(17) Cô ấy mang đôi guốc cao cả tấc.
(18) Con lợn nặng cả tạ chứ ít gì!
(19) Buổi sáng thức dậy, chống cửa lên, trước mặt tôi là cả biển nước/bầu trời trong xanh.
Câu (16) – (19) diễn đạt “khối lượng” (nói chung) của vật thể nên cả không thể hiểu là “toàn bộ” mà chỉ có thể hiểu là “nhiều”, “lớn”, “vượt sự mong đợi” – tình thái chủ quan thuộc về người nói. Với cách dùng này, cả thường xuất hiện trong các ngữ đoạn biểu thị thuộc tính hoặc quan hệ lượng của đối tượng đang được nói đến (cao, sâu, dài, rộng, nặng, nhiều, v.v.) mà cái khối lượng đó mặc nhiên là một khối bất khả phân cắt; tức là, khi đó khả năng đánh dấu lượng “toàn bộ” của cả đã bị loại trừ. Một cây nêu chục mét, một đôi guốc xấp xỉ một tấc, một con lợn xấp xỉ một tạ là những thực thể tồn tại với “khối lượng” như thế, không được tri nhận là cấu thành từ nhiều bộ phận khác nhau ( “đôi guốc cao cả tấc” không thể hiểu là toàn bộ “mười phân”). Tương tự: “Hắn cao hơn tôi cả tấc”, “Loại máy này giảm cả triệu đồng”, “Trước mắt tôi là cả một thế giới”, “Thành phố này có cả một lịch sử”, “Giữa hai người là cả một vực thẳm”, “Ông ta ngồi trên cả núi tiền”, v.v..
            Tất nhiên, khi xuất hiện trong câu, ngữ nghĩa của cả được thể hiện qua mối tương tác giữa vị từ và các ngữ đoạn tham tố, và ngữ cảnh cũng có vai trò quan yếu. Thử xét các câu sau:
(20) Buổi chợ trước, chị bán cả tạ thịt lợn trong hai tiếng đồng hồ là hết.
(21) Buổi chợ trước, chị bán cả con lợn trong hai tiếng đồng hồ là hết. 
(22) Chị đã gọi lái đến bán con lợn cả tạ này.
(23) *Chị gọi lái đến bán cả con lợn.
Ở (20) và (21), cả là lượng từ “toàn bộ” (vì ở chợ có thể bán từng ký, thậm chí từng lạng), có kèm theo hàm ý “nhiều”, “vượt sự mong đợi”. Ở (22) cả là phụ từ, vì nội dung mệnh đề của câu là “chị bán con lợn” (bán lợn cho thương lái không thể bán từng ký hay từng bộ phận nên ý nghĩa “một chỉnh thể bao gồm nhiều bộ phận” đã bị loại trừ), “cả tạ” làm định ngữ cho “con lợn” chứ không có liên quan trực tiếp đến hành động của vị từ; “con lợn cả tạ” nghĩa là “con lợn” xấp xỉ một tạ và như vậy là “to”. Chính vì điều vừa nói, câu (23) bất khả chấp.
            So sánh thêm:
(24) Ông ấy mua cả chung cư.
(25) Ông ấy thuê cả ngôi nhà năm tầng.
(26) Ông ấy mua cả ngôi nhà năm tầng.
(27) Trước mặt tôi là cả ngôi nhà năm tầng/một tòa cao ốc.
Câu (24) và (25): cả là lượng từ “toàn bộ”, có kèm hàm ý đánh giá “vượt sự mong đợi” (riêng câu (24) cả có thể hiểu là phụ từ thể hiện ý nghĩa “không loại trừ” như trong “Cả chung cư ông ấy cũng mua”). Câu (26): cả là phụ từ, vì thường người ta mua toàn bộ ngôi nhà chứ không mua một phần của ngôi nhà (nhưng thuê thì được) nên ý nghĩa “toàn bộ” của cả không được thể hiện. Câu (27): cả cũng là phụ từ, vì “ngôi nhà năm tầng” hay “tòa cao ốc” là những thực thể hiện diện nguyên khối trước mặt “tôi”, không có hàm chứa các bộ phận cấu thành. (Một tình huống khác: nếu đứng ở một vị trí nào đó, “tôi” chỉ thấy được một phần của ngôi nhà/tòa cao ốc; và sau đó, “tôi” chuyển đến một vị trí khác và có thể thấy “cả ngôi nhà năm tầng/tòa cao ốc” – lúc này cả là lượng từ “toàn bộ”).
Theo quan sát của chúng tôi, sự phân biệt về ngữ nghĩa và ngữ pháp của cả có liên quan đến tính xác định của danh ngữ theo sau – và suy cho cùng là tính (chỉnh thể) duy nhất của đối tượng được biểu thị.
Khi đứng trước danh ngữ xác định mà bắt đầu là một lượng ngữ biểu thị bằng con số chính xác hoặc không chính xác (mấy, 3~4, 7~8, v.v.), cả có ý nghĩa toàn bộ (có thể kèm theo ý nghĩa “nhiều”, “vượt sự mong đợi”). Ở đây một danh ngữ xác định là một danh ngữ có sở chỉ rõ ràng, được thể hiện bằng một định ngữ trực chỉ, một định ngữ có yếu tố biểu thị sự “duy nhất” (cuối cùng, tốt/gần/hay nhất, còn lại, đầu tiên, v.v.), một định ngữ là ngữ vị từ hoặc tiểu cú, hoặc cũng có khi căn cứ vào ngữ cảnh.
Khi đứng trước một danh ngữ bất định (không có sở chỉ) mà bắt đầu là một lượng ngữ (biểu thị con số chính xác hoặc không chính xác), cả thường đóng vai trò một phụ từ có ý nghĩa “nhiều”, “vượt sự mong đợi” chứ không phải là lượng từ toàn bộ. Lý do đơn giản là không thể nói “toàn bộ” một thực thể không có sở chỉ.
So sánh các câu sau:
(28) a. Anh cứ đưa cả 500 ngàn này cho nó! (cả: lượng từ)
b. Họ đòi cả 500 ngàn cho con chip nhỏ xíu này đấy! (cả: phụ từ)
(29) a. Thầy giáo cho chúng tôi cả hai tiết Văn hôm qua để thảo luận. (cả: lượng từ)
b. Mỗi lần đi khám bệnh mất cả hai tiếng đồng hồ chứ ít đâu! (cả: phụ từ)
(30) a. Vụ tai nạn đó đã làm bị thương cả 7, 8 người trên xe. (cả: lượng từ)
b. Ở thành phố này, mỗi ngày tai nạn giao thông làm thiệt mạng cả 7, 8 người. (cả: phụ từ)
(31) a. Anh vứt cả chục tờ báo vừa đọc xong. (cả: lượng từ)
b. Mỗi ngày ông đọc cả chục tờ báo. (cả: phụ từ)
(32) a. Bình “râu” đem cả mấy trăm triệu đồng vừa trộm được nướng vào sòng bạc. (cả: lượng từ)
b. Có những cậu ấm đốt cả mấy trăm triệu đồng cho một đêm vui chơi. (cả: phụ từ)
Sau cả ở các câu (a) trên đây là danh ngữ xác định; ở các câu (b) là danh ngữ bất định; do đó, cả ở các câu (a) là lượng từ toàn bộ, còn cả ở các câu (b) là phụ từ với ý nghĩa “nhiều”, “vượt sự mong đợi”.
Ở (28a), sở chỉ của “500 ngàn này” chính là số tiền mà người nói cầm trong tay (do từ trực chỉ “này”); trong khi ở (28b), “500 ngàn” là con số chính xác nhưng không có sở chỉ, vì không trỏ số tiền có thực nào. Ở (29b), “hai tiết Văn hôm qua” có sở chỉ (do định ngữ “Văn”, “hôm qua”); trong khi ở (29b), “hai tiếng đồng hồ” cũng là con số chính xác nhưng không có sở chỉ. Tương tự, các con số phỏng chừng ở (30a), (31a), (32a), “7, 8 người”, “chục tờ báo”, “mấy trăm triệu đồng” là cách diễn đạt khi người nói không biết hoặc không muốn nói con số chính xác, nhưng điều này không làm mất ý nghĩa xác định của cả danh ngữ (nhờ các định ngữ theo sau), nghĩa là vẫn có sở chỉ; trong khi các câu (30b), (31b), (32b) đều không có sở chỉ.
Cần chú ý rằng thành phần định ngữ (in đậm) trong các ví dụ (a) là những dấu hiệu hiển ngôn tính xác định của danh ngữ chứ không phải là những yếu tố bắt buộc. Trong ngữ cảnh giao tiếp cụ thể, hai bên hội thoại có thể nhận biết sở chỉ của đối tượng đang được nói đến dù cái biểu hiện được đánh dấu tính xác định hay không [1: 335]. Chẳng hạn, trong “Ông ấy gửi ngân hàng cả mấy trăm triệu”, “mấy trăm triệu” có sở chỉ nếu người nói đang nói về một số tiền cụ thể mà “ông ấy” vừa có được – cả có thể hiểu là lượng từ toàn bộ; ngược lại, nó không có sở chỉ nếu người nói không hàm chỉ một số tiền cụ thể nào cả mà chỉ muốn nói rằng “ông ấy” gửi ngân hàng một lượng tiền lớn, trị giá “mấy trăm triệu” – cả chỉ có thể hiểu là phụ từ biểu hiện ý nghĩa “nhiều”.
Tuy nhiên, ngữ cảnh là một yếu tố mơ hồ. Bởi vì ngay cả những phát ngôn diễn đạt một sự tình được định vị thời gian và không gian hiển ngôn, trong đó lượng ngữ là một con số chính xác thì cả với tư cách là lượng từ toàn bộ cũng có thể không có mặt, nếu danh ngữ theo sau không được đánh dấu xác định. Chẳng hạn một câu như
(33) Cảnh sát Somalia cho biết vụ đánh bom tối ngày 20/2 tại trung tâm thủ đô Mogadishu đã làm cả 6 người thiệt mạng.
chỉ khả chấp khi cả là một phụ từ; còn nếu muốn hiểu cả là lượng từ toàn bộ thì từ “người” buộc phải có định ngữ chỉ ra tính xác định. Lý do là tại trung tâm thành phố thì không thể chỉ có “6 người” để có thể hiểu là “toàn bộ” (chắc chắn người đọc sẽ phải đặt câu hỏi: “6 người nào?”, ss. (30a)).
            Từ điều vừa trình bày, có thể thấy tính chính xác hoặc không chính xác (có tài liệu gọi là tính xác định/không xác định [2: 100]) của lượng ngữ (“ngữ đoạn có chức năng định lượng cho danh ngữ” [1: 388]) không đồng nhất với tính xác định/bất định của danh ngữ biểu thị sự vật đang được nói đến.
            Có hai điểm cần thảo luận thêm:
– Theo Cao Xuân Hạo, cả nằm trong thế đối lập với nửa, và cả hai là phân từ hay phân lượng từ (quotifier); có lẽ chính vì vậy cả không thể đi với nửa [1: 271- 273]. Về logic, điều này dẫn đến hệ luận: phải xem cả trong “Nó ăn cả nửa con gà”, “Ông nằm viện cả nửa tháng trời”, “Một mình hắn uống cả nửa thùng bia”, v.v. là một phụ từ “đơn thuần” chứ không còn là cả “toàn bộ” (có kèm ý nghĩa “nhiều”, “vượt sự mong đợi”) được nữa([2]). Tuy nhiên, nếu xét kỹ, có thể thấy các danh ngữ “nửa con gà”, “nửa tháng trời”, “nửa thùng bia” vẫn biểu hiện ý nghĩa một thực thể bao chứa nhiều bộ phận và “có thể phân cắt được” (cf. 1.1). Do vậy, không có lý do gì để cho rằng cả trong trường hợp này không phải là lượng từ toàn bộ. (Trong phương ngữ Nam bộ vẫn có thể dùng nguyên cho trường hợp này: “nguyên nửa con gà”, “nguyên nửa tháng trời”, “nguyên nửa thùng bia”)([3]). Theo chúng tôi, về ngữ pháp và ngữ nghĩa, có thể hiểu cả tác động đến toàn bộ danh ngữ đi sau nó, hoàn toàn giống như khi không có mặt của nửa: “cả [nửa A]” là toàn bộ các bộ phận hàm chứa trong “nửa A”, chứ không phải là sự đối lập nghĩa từ vựng theo kiểu: “nửa con gà” (= “50% con gà”) > < “cả con gà” (= “100% con gà”).
Như vậy, với tư cách là một lượng từ toàn bộ cả có thể kết hợp với nửa với điều kiện là danh ngữ sau nửa (“nửa + NP”) phải thể hiện một thực thể có thể phân cắt.
 – Cũng theo Cao Xuân Hạo, trong tiếng Việt, danh từ đơn vị “luôn luôn bao hàm ý nghĩa số”, được đánh dấu bằng các lượng từ hoặc bằng “sự vắng mặt của lượng từ” (= “chỉ tố zero”)[2: 79]. Theo đó, “ăn ổ bánh mì” có thể hiểu là “ăn một ổ bánh mì”, “gửi bức thư” có thể hiểu là “gửi một bức thư”([4]).
Các từ biểu thị lượng từ hàng chục trở lên (như chục, tá, trăm, nghìn, vạn, triệu, tỉ) có “tư cách danh từ một cách không thể bác bỏ được” nên cũng mang ý nghĩa số giống như những danh từ đơn vị chính danh khác [1: 388]. Tuy nhiên, trong thực tế nói năng, nếu không có lượng từ hiển ngôn, các đơn vị chục, trăm, nghìn, vạn, triệu, tỉ sau cả thường không được tri nhận là “số đơn” (con số “một” chính xác) như trường hợp vừa nêu trên: trong “cả chục người”, “cả trăm năm”, “cả triệu đồng”, v.v., người nói và người nghe đều nghĩ đến một con số xấp xỉ (trên dưới 10 người, 100 năm, 1 triệu đồng) chứ không phải là một con số chính xác (“một”). Hiệu ứng tâm lý này có lẽ là do ý nghĩa “nhiều”, “vượt quá sự mong đợi” của cả tạo nên. Hơn nữa, cũng không loại trừ khả năng liên tưởng của người bản ngữ khi cả nằm trong trục đối vị với hàng (hàm ý “nhiều”, “vượt con số mong đợi”), ngót, gần (cũng hàm ý “nhiều”, nhưng “ít/ nhỏ (hơn) con số mong đợi”), khoảng, chừng, độ (ý nghĩa trung tính).
1.4. Như trên đã nói, cả biểu thị toàn bộ cái đối tượng theo sau nó với tư cách là một chỉnh thể khả phân. Một hành động, trạng thái, quá trình do vị từ biểu thị sẽ liên quan đến toàn bộ cái thực thể mà cả đã đánh dấu, có nghĩa là sẽ không có bộ phận nào thuộc thực thể ấy bị loại trừ. Chính từ ý nghĩa này mà cả phát triển một nghĩa mới và một chức năng ngữ pháp mới.
            Cả là một phụ từ biểu thị ý nghĩa không loại trừ đối tượng do một danh ngữ theo sau nó thể hiện. Ý nghĩa này dựa trên một tiền giả định rằng đã có những đối tượng khác nằm trong phạm vi tác động của vị từ, và đã được nói ra trước đó hoặc cả người nói và người nghe đã biết; còn đối tượng này nằm ngoài phạm vi thông thường đó. Có một điều thú vị là khi kể thêm một (vài) đối tượng này, cả vẫn giữ lại hàm ý “nhiều”, “ngoài sự mong đợi”.
            Ví dụ:
(34) Chị ấy phê bình cả ông giám đốc.
(35) Chung cư này có cả hồ bơi, cả phòng tập thể dục.
Ở (34), không phải “chị ấy” phê bình toàn bộ “ông giám đốc” (vì “ông giám đốc” không phải là là một chỉnh thể có “bộ phận cấu thành”), cũng không phải “chị ấy” phê bình “ông giám đốc” là “nhiều”. Cả ở đây có tiền giả định: “chị ấy” đã phê bình nhiều người; ngoài những người đó, “chị ấy” cũng không bỏ qua “ông giám đốc” – đối tượng này nằm ngoài sự trông chở của (ít nhất là) người nói (vì người nói nghĩ là “chị ấy” có thể phê bình bất kỳ ai, trừ “ông giám đốc”). Ở (35), cả không chỉ toàn bộ “hồ bơi” hay toàn bộ “phòng tập thể dục” (vì chỉ có thể có hoặc không có “hồ bơi”, “phòng tập thể dục” chứ không thể có một bộ phận của những tiện ích đó); cũng không phải có “hồ bơi”, “phòng tập thể dục” là “nhiều”. Cả ở đây có tiền giả định: “chung cư này” có nhiều tiện ích phục vụ cư dân. Ngoài ra, nó còn có cái mà người ta ít chờ đợi: “hồ bơi” và “phòng tập thể dục”.
            Có những trường hợp khó xác định được cả là lượng từ hay phụ từ nếu không có ngữ cảnh đủ rõ, chẳng hạn:
(36) Báo “Pháp luật” phê bình cả trường Đại học X.
(37) Yêu nhau yêu cả tông chi họ hàng.
(38) Tôi yêu nàng, yêu cả tính xấu của nàng.
Ba câu trên có thể hiểu hai cách. Ở câu (36), cả có thể là lượng từ: báo “Pháp luật” đã phê bình từ giảng viên đến ban giám hiệu hoặc phê bình tất cả các khoa, các phòng, ban; nhưng cũng có thể là phụ từ: vì trường đại học này vốn có tiếng là nghiêm túc (nó nằm ngoài sự “trông chờ” của dư luận). Như vậy, nghĩa của cả chỉ có thể xác định dựa vào văn cảnh hoặc ngôn cảnh. Tương tự, ở (37), cả là lượng từ: khi yêu, người ta có thể yêu toàn bộ bà con nội ngoại của người yêu; cả là phụ từ: khi yêu, người ta “phải” yêu luôn, chứ không “loại trừ”, họ hàng của người yêu. Còn ở (38), “tính xấu” là thứ chẳng ai thích, nhưng khi yêu người ta có thể chấp nhận tính xấu của “đối tác”; do vậy, cả được hiểu là “không loại trừ” chứ khó có hiểu là yêu “toàn bộ tính xấu” của người yêu. 
            Thông thường, khi đứng ở vị trí làm đề thì danh ngữ bắt đầu bằng cả với ý nghĩa là “không loại trừ” đòi hỏi sự có mặt của vị từ tình thái cũng trước vị từ để hiển ngôn tình thái tương tự hoặc đồng nhất. Đây là một dấu hiệu mang tính bắt buộc về ngữ pháp. Ví dụ:
(39) Cả ông giám đốc chị ấy cũng phê bình.
(40) Cả ông giám đốc cũng bị chị ấy phê bình.
(41) Cả ngày chủ nhật tôi cũng làm việc.

2. TẤT CẢ
            Cả là một từ có thể gây tranh cãi về ngữ pháp, nhất là khi quy từ loại; nhưng trong thực tế hầu như không người Việt nào dùng sai nó. Tất cả thì khác. Tất cả có những biểu hiện đáng ngờ thể hiện cả trong sử dụng lẫn trong ngữ pháp học. Trường Văn Chình và Nguyễn Hiến Lê cho tất cả có thể đứng trước danh từ khối với tư cách là “toàn lượng bất định” [6: 328]; trong khi đó, Cao Xuân Hạo quả quyết tất cả “chỉ có thể kết hợp với danh từ đơn vị chứ không bao giờ kết hợp được với danh từ khối” [1: 393].
            Trong phần sau đây, chúng tôi sẽ phân tích hoạt động của tất cả, đồng thời phân biệt nó với cả theo các đặc trưng khác nhau.
2.1. Tất cả biểu thị toàn bộ các đối tượng được biểu thị bằng danh ngữ đứng sau nó.
Theo định nghĩa này, tất cả khác cơ bản so với cả ở chỗ sau nó không phải là một chỉnh thể bao gồm nhiểu bộ phận mà là một số lượng gồm nhiều ( 2) đối tượng khác nhau (những đối tượng phân lập trong không gian, thời gian).
2.1.1. Như vậy, trước hết, tất cả có thể đứng trước những danh ngữ (có trung tâm là danh từ đơn vị) bắt đầu bằng một lượng từ biểu thị số phức như những, các, mọi, mấy, bao nhiêu (từng, mỗi biểu thị số đơn dĩ nhiên không thể xuất hiện sau tất cả). Chẳng hạn:
(42) Tôi đã đọc tất cả những quyển sách anh cho mượn.
(43) Ngày mai tất cả các trường được nghỉ. (= 321 trường trong thành phố)
(44) Tất cả các cửa hàng/chợ không còn bán loại vải đó nữa.
(45) Ông ấy đứng ra giải quyết tất cả mọi việc.
(46) Tất cả mấy món đồ này sẽ không làm các bạn thất vọng.
(47) Làm tất cả bao nhiêu việc đó thì còn thì giờ đâu để đi chơi?
(48) *Nó đọc tất cả quyển sách đó rồi.
(49) *Tôi đã đi tất cả chợ Bến Thành mà không tìm được loại vải đó.
(50) *Tôi đau tất cả người.
Các danh ngữ sau tất cả ở (42) – (47) đều có lượng từ phức số biểu thị nhiều đối tượng riêng lẻ khác nhau. Các câu (48) – (50) bất khả chấp vì danh ngữ đứng sau tất cả biểu hiện một đối tượng duy nhất (= một chỉnh thể: “quyển sách”, “chợ Bến Thành”, “người”).
            Xét về ngữ nghĩa lẫn ngữ pháp, đứng trước các danh ngữ bắt đầu bằng lượng từ phức số để biểu thị ý nghĩa toàn bộ luôn luôn là tất cả chứ không bao giờ là cả. Đây chính là vùng giới hạn nghiêm ngặt đối với cả.
2.1.2. Tương tự với trường hợp vừa nói, nếu biểu hiện những đối tượng phân lập khác nhau không làm thành chỉnh thể, các danh ngữ bắt đầu bằng một số từ ( 2) cũng chỉ có thể kết hợp với tất cả chứ không kết hợp với cả lượng từ toàn bộ.
(51) Tôi chỉ có tất cả/*cả ba người bạn thân/căn nhà.
(52) Nó đi Hà Nội tất cả/*cả 4 lần.
(53) Mỗi cán bộ thuế phụ trách tất cả/*cả 20 cơ sở kinh doanh.
Ở các ví dụ trên, “3 người bạn thân”, “4 lần”, “20 cơ sở kinh doanh” không làm thành một chỉnh thể nên không thể sử dụng cả. (Riêng câu (53) có thể dùng cả phụ từ “nhiều”, “vượt sự mong đợi”). Trong khi đó, với câu “Bà đã dựng vợ gả chồng cho tất cả 4 đứa con”, cả có thể thay cho tất cả mà không có sự khác biệt lớn về ý nghĩa. Lý do là “4 đứa con (của bà)” có thể hiểu là 4 cá thể riêng lẻ, và do đó dùng tất cả; cũng có thể hiểu là 4 “thành viên” trong cùng một chỉnh thể (là “đàn con” của bà), và do đó dùng cả.
            Khác với cả (liên quan đến tính [±xác định] của danh ngữ, như đã nói ở 1.3), khi đứng trước một danh ngữ có số từ đi trước, tất cả không đòi hỏi danh ngữ đó phải được xác định. So sánh:
(54) Bố nó gửi cho nó cả/tất cả 10 triệu đồng tiền bán heo.
(55) Bố nó gửi cho nó cả/tất cả 10 triệu đồng.
(56) Cảnh sát Somalia cho biết vụ đánh bom tối ngày 20/2 tại trung tâm thủ đô Mogadishu đã làm cả/tất cả 6 người thiệt mạng.
Ở (54), cả là lượng từ toàn bộ, do danh ngữ sau nó xác định (“tiền bán heo”); cũng có thể sử dụng tất cả. Ở (55), (56) cả có mặt với tư cách là phụ từ “nhiều, lớn” (hoặc “toàn bộ”, khi có sở chỉ – nhờ bối cảnh, xem (33)); nếu thay bằng tất cả thì danh ngữ theo sau được đánh dấu lượng toàn bộ, và chính ý nghĩa toàn bộ này làm cho danh ngữ mang tính xác định – chỉ khi được phân lập trong không gian hay là có “đường viền” để phân biệt với phần còn lại của cái khối chung thì mới có thể có ý niệm về tính toàn bộ: “tất cả 6 người” là toàn bộ số người (thiệt mạng) được tách ra, phân biệt với những người còn lại, “người” không cần định ngữ; “tất cả 10 triệu đồng” là toàn bộ số tiền gửi đã biết (có thể gửi nhiều lần, tổng cộng là 10 triệu).
Như vậy, liệu có thể khái quát rằng trong tiếng Việt cả là một lượng từ toàn bộ bất định và tất cả là một lượng từ toàn bộ xác định?
2.1.3. Khả năng kết hợp với số từ và danh từ chỉ lượng từ hàng chục trở lên (chục, trăm, nghìn, vạn, triệu, tỉ) của tất cảcả cũng không giống nhau.
Các danh từ chục, trăm, nghìn, vạn, triệu, tỉ, khi đi với tất cả, hầu như bao giờ cũng có số từ chính xác đứng trước; trong khi đó, nó có thể kết hợp trực tiếp với cả (không có số từ), và khi đó được hiểu là lượng ước chừng (xấp xỉ “1” (cf. 1.3)). So sánh: “có cả/*tất cả trăm người” – “có cả/tất cả một trăm người”, “trả cả/*tất cả triệu đồng” – “trả cả/tất cả một triệu đồng”, v.v..
            2.1.4. Các ngữ đoạn có số từ đứng sau tất cả có thể biểu thị con số ước chừng. Trong thực tế, có hai cách diễn đạt ý nghĩa ước chừng: (i) dùng các phụ từ biểu thị sự ước chừng như chừng, khoảng, độ, khoảng chừng, xấp xỉ, trên dưới, gần, hơn (những từ này tuyệt nhiên không xuất hiện sau cả), và (ii) dùng những tổ hợp số từ liền kề (3~4, 5~6, 17~18, v.v.), hoặc kết hợp cả hai cách đó. Ví dụ:
(57) Mỗi tháng anh kiếm được tất cả/*cả chừng 6 triệu.
(58) Ở Hà Nội có tất cả/*cả khoảng 4 triệu hộ gia đình.
(59) Mình và mấy người bạn, tất cả/*cả khoảng 6, 7 người, định đi Hạ Long chơi cuối tuần.
(60) Trước đây có một đơn vị cho xe vào bến để khai thác tuyến Quảng Nam - TP.HCM với tất cả/cả 9, 10 đầu xe.
Hai hiện tượng vừa nói ((2.1.3), (2.1.4)) càng cho thấy tính [± chính xác] và tính [± xác định] liên quan đến lượng toàn bộ không đồng nhất với nhau.
2.2. Về ngữ pháp, đi sau tất cả phải là các danh ngữ phức số có danh từ đơn vị làm trung tâm. Tuy nhiên, tình hình không đơn giản như vậy.
            2.2.1. Nói chung, trong tiếng Việt, những danh ngữ diễn đạt một chỉnh thể, có trung tâm là một danh từ đơn vị biểu thị tập hợp (bộ, đống, xấp, chồng, mớ, bầy, đàn, loạt, dãy, dàn/giàn, khối, tập, v.v.) hoặc một danh từ đơn vị biểu thị vật chứa (đĩa, tô, mâm, nhà, phòng, túi, xe, tủ, gói, chai, thùng, hộp, v.v.) hoặc một danh từ biểu thị đơn vị đo lường (kí, tấn, tạ, lạng, lượng, cây số, mét, lít, giạ, v.v.) chỉ có thể đi sau tất cả nếu là được đánh dấu số nhiều ( 2) bằng một số từ hoặc lượng từ phức số. Chẳng hạn: “tất cả hai bầy vịt”, “tất cả năm chồng sách”, “tất cả ba lít nước”, “tất cả mấy bộ tách”, “tất cả các đoàn”, v.v..
            Nhưng nếu trước những danh từ đơn vị ấy không có lượng từ, nghĩa là về ngữ pháp phải xem lượng từ là “một”, thì không thể dùng tất cả. Lý do: cái đối tượng mà danh ngữ diễn đạt là đơn số, nên không dung nạp tất cả. Chẳng hạn:
(61) *Nó cho tôi tất cả bộ quần áo/đống giày dép đó.
(62) *Cô ấy gửi cho tôi tất cả xấp thư.
(63) *Sáng nay thằng bé ăn được tất cả tô phở/uống tất cả hộp sữa.
(64) *Uống tất cả thùng bia này thì say chết!
(65) *Chị nướng tất cả kí thịt vừa mua.
(66) *Ông ta bỏ ra tất cả lạng vàng để sửa nhà.
            Tuy nhiên, danh ngữ mang đặc điểm ngữ pháp như vừa nói lại thấy xuất hiện trong thực tế nói năng hằng ngày, chẳng hạn:
(67) ?Anh ấy tặng tôi tất cả tủ sách/túi tiền.
(68) ?Công ty đã tặng quà cho tất cả đoàn khách này.
(69) ?Anh đã đọc tất cả chồng sách này rồi à?
(70) ?Chị lấy tất cả mớ cá/mớ rau này đi! Tôi để rẻ cho.
(71) ?Ngày mai, ông sẽ gọi người bán tất cả bầy vịt/đàn lợn.
và thường thấy nhất là những danh từ biểu thị tập hợp người (nhóm, đoàn, đội, lũ, bọn):
(72) ?Tất cả nhóm sinh viên tình nguyện sẽ được cấp đồng phục.
(73) ?Ông ấy bắt tay tất cả đội tuyển.
            Rõ ràng, các danh ngữ đứng sau tất cả trong các câu (67) – (73) đều mang hình thức số đơn và bất cứ người bản ngữ nào cũng hiểu là “một”; ta có một kết hợp phi logic: “tất cả một…”. Như vậy, về ngữ pháp, những kết hợp trên không thể xem là chuẩn tắc, nếu không muốn có một ngoại lệ khó giải thích. (Thật ra, bối cảnh kết hợp trong các câu trên là “độc quyền” của cả).
Nhưng tại sao những cấu trúc như vậy lại có thể có mặt trong thực tế sử dụng? Có lẽ phải giải thích đây là một cách nói tắt: “bán tất cả bầy vịt” nghĩa là bán tất cả những “cá thể” (= con vịt) trong bầy vịt, “đọc tất cả chồng sách” là đọc tất cả những “cá thể” (= quyển sách) trong chồng sách, “bắt tay tất cả đội tuyển” là bắt tay tất cả các thành viên trong đội, v.v.. Cách dùng phi chuẩn tắc này thường thấy trong ngữ cảnh nhất định, khi cả người nói và người nghe xác định được đối tượng đang đề cập, tức là không có lý do nào để hiểu là nhiều bầy vịt, nhiều chồng sách, nhiều đội tuyển.
Mặt khác, cách dùng phi chuẩn này có khi lại được dùng biểu thị số phức. Ví dụ:
(74) ?Giải pháp sau đây giúp quý khách tập trung quản lý tất cả hộp thư điện tử mà quý khách sử dụng tại một nơi.
(75) ?Tất cả nhóm máu âm nhà mình đều có.
(76) ?Tất cả thùng xe được bảo hành trong thời gian 1-3 năm.([5])
Cũng rõ ràng, “tất cả hộp thư” trong bối cảnh trên chỉ có một cách hiểu là “tất cả các/những hộp thư” (khác với câu ?“Tôi muốn lấy lại tất cả hộp thư đến đã mất trong tài khoản namthao9x@x.com”: “tất cả hộp thư đến” chỉ được hiểu là “tất cả thư từ trong (một) hộp thư”). Nếu chấp nhận cách dùng này, có lẽ phải giải thích rằng đây lại là một cách nói tắt khác: các lượng từ phức số đã bị tỉnh lược.
            Và lại có những trường hợp không thể nhận diện là số đơn hay số phức, chẳng hạn:
(77) ?Tất cả trường được nghỉ học ngày giỗ Tổ.
(78) ?Thầy giáo cho tất cả lớp năm thứ ba thi lại.
            Những hiện tượng ngược chiều trên cho thấy có sự lẫn lộn khá phổ biến giữa cảtất cả trong khẩu ngữ. Về mặt thực hành tiếng, một cấu trúc đòi hỏi người nghe phải nỗ lực tìm kiếm sự quan yếu của ngữ cảnh thì khó có thể xem là chỉn chu; do vậy, chúng tôi cho rằng không nên xem [tất cả + danh từ đơn vị không có lượng từ đi kèm] là một cấu trúc chuẩn tắc, trừ một ngoại lệ là những danh từ đơn vị biểu thị tập hợp người (sẽ nói thêm ở 2.2.2). Nói một cách đơn giản, với các danh từ đơn vị đang bàn, nên dùng tất cả kèm với lượng từ (các, những, mấy, số từ) nếu muốn biểu thị số phức, và nên dùng cả (không kèm với lượng từ) nếu muốn biểu thị số đơn.
2.2.2. Với các danh ngữ thường được dùng như đại từ nhân xưng, tất cảcả cũng có khả năng kết hợp khác nhau – dĩ nhiên không xét đến các ngôi số ít.
            Trong các đại từ số nhiều, trừ họchúng (= “they” tiếng Anh), đại từ nào có cấu trúc “chúng + X”, bất kể ngôi, (chúng ta, chúng tôi, chúng em, chúng con, chúng cháu, chúng nó, chúng mày) thì chỉ có thể xuất hiện sau tất cả; nếu xuất hiện sau cả thì bao giờ cả cũng là phụ từ biểu thị “không loại trừ” hoặc “vượt quá sự mong đợi” (vd (80), (81)). Ví dụ:
(79) Tất cả/*Cả chúng tôi sẽ cùng chịu trách nhiệm.
(80) Chuyện này có liên quan đến tất cả/cả chúng ta.
(81) Chị không ưa tất cả/cả chúng nó.
            Dĩ nhiên, danh ngữ “các + X” làm đại từ số nhiều (các bạn, anh, chị, em, con, ông, bà, người) cũng tương tự: “Chào tất cả/*cả các em!”, “Mời tất cả/*cả các bạn ngồi!”.
            Trong các đại từ số nhiều, đại từ nào có cấu trúc “bọn + X” (X là đại từ nhân xưng bất kể ngôi, kể cả những từ trực chỉ này, đó, ấy, kia) thì có thể xuất hiện sau tất cả lẫn cả.
(82) Tất cả/Cả bọn tôi sẽ giúp anh.
(83) Tôi quen với tất cả/cả bọn nó.
(84) Tất cả/Cả bọn em sẽ đến thăm cô.
(85) Tôi quen với tất cả/cả bọn đó.
            Tuy nhiên, nếu không có yếu tố X theo sau thì bọn chỉ có thể kết hợp với cả chứ không thể đi với tất cả.
(86) Tôi biết mặt cả/??tất cả bọn.
(87) Cả/??tất cả bọn ra về mà vẫn hậm hực.
            Từ những ví dụ vừa nêu, có thể nhận xét rằng danh từ chúng và danh ngữ “chúng + X” luôn hành chức với tư cách là một đại từ nhân xưng, biểu thị nhiều cá thể khác nhau trong quan hệ với một/nhiều đối tượng là một bên giao tiếp. Trong khi đó, bọn là danh từ chính danh biểu thị một tập hợp (người) gồm nhiều cá thể (không khác gì nhóm, đám, đoàn, đội, tổ, lũ), và danh ngữ “bọn + X” mới có thể hành chức như một đại từ nhân xưng([6])
Từ điểm nhìn này, chúng tôi cho rằng danh từ đơn vị biểu thị tập hợp người có khả năng kết hợp trực tiếp (không có lượng từ) với tất cả, và đây là ngoại lệ duy nhất của nhóm danh từ này (cf. 2.2.1). Có lẽ lý do là trong nhận thức của người bản ngữ, “con người” bao giờ cũng tồn tại riêng biệt, phân lập với tư cách một cá thể; “tất cả chúng tôi, chúng nó, chúng mày, chúng tao, chúng tớ, chúng em, chúng con, chúng cháu”, “tất cả bọn tôi, bọn nó, bọn mày, bọn tao, bọn tớ, bọn em, bọn con, bọn cháu, bọn anh, bọn chị” luôn có nghĩa là toàn bộ các cá thể thuộc nhóm “chúng + X”, “bọn + X”.
2.3. Những danh ngữ mà trung tâm là một danh từ khối biểu thị chất liệu/chủng loại khó có thể xuất hiện sau tất cả.
(88) *Con ăn tất cả rau này đi!
(89) *Tất cả áo đều thêu bằng tay.
(90) *Bỏ tất cả đường vào nồi chè nhé?
(91) *Nó uống tất cả nước trong chai.
(92) ??Tất cả vàng đã bị mất sạch.([7])
Trong trường hợp này, tất cả không nằm trong thế đối lập với cả, vì cả cũng không xuất hiện trong bối cảnh tương tự.
            Thông thường, để xuất hiện trong các danh ngữ sau tất cả, danh từ khối sẽ đóng vai trò định ngữ cho các danh từ trung tâm như số, lượng – đây là hai danh từ đơn vị biểu thị phức số. Lúc này, chất liệu sẽ được lượng hóa để trở thành một khối vật thể phân lập trong không gian, có thể trích phân; nghĩa là sau tất cả là nhiều lượng nhỏ, giống như nhiều đối tượng. Có thể hình dung:
·          tất cả lượng sữa” = [1/10 lượng sữa + 1/10 lượng sữa +...+ 1/10 lượng sữa]
                                                hoặc: [lượng1 + lượng2 +...+ lượng10]
không khác với:
·         tất cả mọi người trong nhà” = [ngườibố + ngườimẹ + ngườicon cả + ngườicon...  + ngườicon út]
 Ví dụ:
(93) Nếu tất cả lượng nước khí quyển rơi xuống cùng một lúc, nó có thể bao phủ khắp bề mặt trái đất với độ dày 2,5 cm.
(94) Chủ một cơ sở thu mua sầu riêng tiết lộ, tất cả lượng hàng này đều được xuất sang bán ở Trung Quốc.
(95) Ở những nơi này, tất cả số rượu sản xuất ra đều do Cơ quan Quản lý rượu thống nhất thu mua.
(96) Nếu nghỉ trọn quý thì được giảm tất cả số thuế phải nộp quý.
(97) Giám đốc BV Sản Nhi Ninh Bình cho biết, chiều qua, cơ quan chức năng đã niêm phong tất cả số thuốc dùng điều trị cho chị Duyên.([8])
Tuy nhiên, hai danh từ “công cụ” này hầu như không xuất hiện khi nói đến những khối chất liệu có kích thước nhỏ trong đời sống thường nhật; chẳng hạn không thể nói:
(98) *Tất cả số/lượng rau này để dành ăn bữa chiều. (ss: Tất cả số rau này được đưa vào chế biến thức ăn gia súc.)
(99) *Thằng bé đã làm đổ tất cả lượng sữa trong chai.
(100) *Mẹ chiên tất cả số/lượng cá này cho con nhé?
Cũng cần chú ý, trong thực tế sử dụng, không phải là không có hiện tượng một danh từ khối đứng ngay sau tất cả; lúc đó cả cấu trúc có thể hiểu là một cách nói tắt của “tất cả những cá thể mang thuộc tính mà danh từ khối biểu thị”. Chẳng hạn, chúng ta có thể bắt gặp những câu “nghe có vẻ quen” như ??“Tất cả đàn ông đều cùng một giuộc”, ??“Nếu đàn bà có bí mật thì đó nhất định là bí mật chung của tất cả đàn bà trong xóm”, ??“Đây là bộ sưu tập tất cả áo dài bằng chất liệu tơ tằm”, ??“Nó đưa tôi tất cả tiền trong túi”; nhưng không thể có những câu như *“Tất cả gái đều chăm chỉ”, *“Tôi thuê đóng tất cả ghế này”, *“Hết tất cả bia rồi”, *“Đổ tất cả nước vào nồi đi!”, v.v., – dù sau tất cả cũng là một danh từ khối.
Cũng như trường hợp “mơ hồ” đã nói ở mục 2.2.1, khó có thể xem cấu trúc này là chuẩn tắc.
2.4. Một danh ngữ đẳng lập (ngữ pháp “truyền thống” gọi là “từ ghép đẳng lập”) gồm hai từ gần nghĩa hoặc trái nghĩa biểu thị tổng loại cũng chỉ có thể xuất hiện sau tất cả. Ví dụ:
(101) Chị để lại tất cả sách vở/quần áo/đồ đạc cho người bạn cùng phòng.
(102) Bảo vệ đất nước là trách nhiệm của tất cả già trẻ/gái trai.
(103) Tất cả lúa gạo thừa được trưng thu gửi ra chiến trường.
Khái niệm “tổng loại” dễ gợi lên toàn bộ khối vật thể hoặc chất liệu có thể tồn tại trong thế giới thực hữu (nên các ngữ đoạn như “quần áo” – vốn là hai danh từ khối – thường được giải thích là “quần, áo nói chung”). Thật ra, khả năng kết hợp trên cho thấy các danh ngữ đẳng lập kiểu này biểu thị nhiều đối tượng hoặc nhiều phần riêng lẻ mang thuộc tính/chất liệu gọi là “sách vở”, “quần áo”, “đồ đạc”, “già trẻ”, “lúa gạo”, “khoai sắn”, “vải vóc”, v.v. chứ không phải biểu thị vật thể/chất liệu như một khối bất phân lập.
Và đây là địa hạt mà cả lượng từ toàn bộ bị loại trừ ([9]).
Một cấu trúc ngữ đoạn ở dạng liệt kê (vốn là quan hệ đẳng lập) gồm nhiều danh từ khối hoặc danh ngữ đẳng lập, có hoặc không có số từ đi trước thì có thể xuất hiện sau tất cả. Ví dụ:
(104) Họ mua lại tất cả/cả bàn, ghế, tủ, giường với giá rẻ.
(105) Tất cả/cả bàn ghế và tủ giường trong nhà đều mua bằng tiền của chị.
(106) Nó ghét tất cả/cả ba môn toán, lý, hóa.
(107) Toán, lý, hóa, nó ghét tất cả/cả ba môn đó.
Ở các câu (104) – (107), tất cả có thể thay bằng cả mà ý nghĩa toàn bộ hầu như không thay đổi.
Trong trường hợp danh ngữ “cả...” đứng làm đề/chủ ngữ, sự có mặt của đều là cần thiết. Hay nói rõ hơn, đều là chỉ tố có vai trò quy các bộ phận ở đề/chủ ngữ lại thành một chỉnh thể. Nếu không có đều, và/hoặc có mặt cũng, thì ngay lập tức cả không còn là cả lượng từ nữa mà trở thành cả phụ từ “không loại trừ”, giống như ngay cả, kể cả. Ví dụ:
(108) Cả đồ ăn và thức uống cũng đã được chuẩn bị sẵn.
(109) Cả bàn ghế và tủ giường trong nhà cũng mua bằng tiền của chị.
            Với ngữ đoạn liệt kê loại này, có một ngoại lệ: nếu danh sách liệt kê chỉ bao gồm hai cá thể xác định thì không thể dùng tất cả mà phải dùng cả (Đây chính là cái cấu trúc([10]) mà các sách dạy tiếng thường đề cập: cả A và B, cả A lẫn B, cả A cả B). So sánh:
(110) Họ muốn gặp cả/*tất cả anh và tôi.
(111) Họ muốn gặp cả/tất cả anh Nam, anh Tú, chị Hà và tôi.
(112) Cả/*Tất cả anh Nam và anh Tú đều phải lên gặp sếp.
(113) Ông ta sở hữu cả/*tất cả chiếc xe khách và chiếc xe tải.
(114) Ông ta đầu tư cả/tất cả xe khách và xe tải ở tỉnh này.
Câu (111) có thể dùng tất cả vì số lượng liệt kê trên hai (>2). Câu (114) chỉ có 2 đối tượng, nhưng có thể dùng tất cả vì “xe (khách)” và “xe (tải)” là danh từ khối, không biểu thị cá thể, nghĩa là có số lượng cá thể bất kỳ (>2). Ở (110), (112) và (113), nếu muốn dùng tất cả thì phải có ngữ đoạn biểu thị con số tổng lượng đi trước thành phần liệt kê; lúc này thành phần liệt kê có nhiệm vụ thuyết minh cho tổng lượng, đóng vai trò phụ chú ngữ hoặc chú thích ngữ, thường tách ra bằng dấu phẩy hoặc hệ từ . Có thể viết lại ba câu trên: “Họ muốn gặp tất cả hai người là anh và tôi”, “Tất cả hai người, anh Nam và anh Tú, đều phải lên gặp sếp”, “Ông ta sở hữu tất cả hai chiếc, chiếc xe khách và chiếc xe tải”.([11])
2.5. Khả năng kết hợp của tất cảcả với các tổ hợp hai âm tiết thường gọi là “từ Hán Việt” cũng khác nhau.
            Về ngữ pháp, danh từ Hán Việt vốn là những danh từ có thể dùng ở số đơn hoặc số phức. (Trong “Ở đây có hai bác sĩ rất giỏi”, “bác sĩ” được dùng như danh từ đơn vị, số ít; còn trong “Bác sĩ ở đây rất giỏi”: “bác sĩ” là danh từ chỉ chủng loại, có thể hiểu là số phức). Tất cả có thể kết hợp với các ngữ đoạn trong đó danh từ Hán Việt chỉ một cá thể hoặc các cá thể có cùng thuộc tính.
            Nếu không có danh từ đơn vị đi trước thì danh từ Hán Việt được dùng như số phức, nếu có danh từ đơn vị (cái, con, người, ông, bà, v.v.) thì danh từ Hán Việt được dùng như số đơn, khi đó trước nó phải có các chỉ tố đánh dấu số nhiều: những, các, mọi, mấy.
(115) Tôi quen tất cả bác sĩ/kỹ sư/giáo viên/nhân viên ở đây.
(116) Ông ấy cho tất cả sinh viên năm thứ ba thi lại.
(117) Tôi quen tất cả các/những/mọi bác sĩ ở đây.
(118) Ông ấy cho tất cả các/những/mọi sinh viên năm thứ ba thi lại.
Ở (115) và (116), “bác sĩ”, “kỹ sư”, “giáo viên”, “nhân viên”, “sinh viên” hoạt động giống như một danh ngữ đẳng lập, nghĩa là biểu hiện nhiều cá thể được gọi là “bác sĩ”, “kỹ sư”. Còn ở (117) và (118), các từ đó biểu thị những cá thể riêng biệt, như những danh từ đơn vị.
            Ở những bối cảnh trên, cả không thể xuất hiện với tư cách là một lượng từ toàn bộ mà chỉ có thể là một phụ từ biểu thị ý nghĩa “không loại trừ” hoặc “vượt quá sự mong đợi”.
            Với những danh từ Hán Việt biểu thị một chỉnh thể trong đó gồm có nhiều thành viên, về nguyên tắc, không thể sử dụng tất cả. Lý do là sự có mặt của tất cả sẽ tạo ra sự mơ hồ giữa (i) cách hiểu “một chỉnh thể duy nhất” (vốn là “địa hạt” của cả); và (ii) cách hiểu “nhiều đơn vị/cá thể”.
            Cả hai cách hiểu (i) và (ii) đều tạo ra sự ngờ vực, thậm chí có thể nói là không chuẩn tắc. Nếu hiểu theo (i) thì phát ngôn sẽ là một ngoại lệ, không nằm trong hệ thống như đã trình bày ở trên (cf. 2.2.1). Nếu hiểu theo cách (ii) thì phát ngôn sẽ thiếu rành mạch vì thiếu chỉ tố đánh dấu số nhiều (những, các, mọi, mấy). Chẳng hạn:
(119) ?Ông ấy mời tất cả bệnh viện về ăn cưới con gái.
(120) ?Tất cả thành phố sẽ tắt điện để hưởng ứng “Giờ Trái đất”.
Tất cả bệnh viện” là toàn bộ nhân viên của một bệnh viện hay là toàn bộ nhân viên của các bệnh viện trong khu vực? “Tất cả thành phố” là toàn bộ một thành phố hay toàn bộ các thành phố trong nước? Nói chung, trong cả hai trường hợp, người nghe đều phải viện đến ngữ cảnh để nắm được nội dung muốn truyền đạt. Một phát ngôn như vậy khó có thể xem là chỉn chu.([12])
Trong khi đó, với những danh từ Hán Việt vừa nói, cả lượng từ hoàn toàn thích hợp; ví dụ:
(121) Ông ấy mời cả bệnh viện/cơ quan/trung đội về ăn cưới con gái.
(122) Cả thành phố sẽ tắt điện để hưởng ứng “Giờ Trái Đất”.
(123) Cả triều đình/chính phủ, không ai quan tâm đến đám dân đen này.
Ở các ví dụ này, “bệnh viện”, “cơ quan”, “trung đội”, “thành phố”, “triều đình”, “chính phủ” chỉ có một cách hiểu: một chỉnh thể duy nhất (trong đó bao gồm nhiều bộ phận).
2.6. Tất cảcả còn được sử dụng như một đại từ.
            Chẳng hạn:
(124) Ở đây còn ba bó. Chị lấy cả/tất cả chứ?
(125) Những người trong nhà đó đi làm xa cả/tất cả rồi.
Trong (124), cả/tất cả hồi chỉ “ba bó”; ở (125), cả/tất cả hồi chỉ “những người trong nhà đó”.     
            Chúng tôi cho rằng đây chỉ là một cách dùng phái sinh của cả/tất cả ở trên.
            Tuy nhiên, nếu xét một cách chặt chẽ thì có điều đáng lưu ý: tất cả có thể được dùng như một từ trực chỉ (deitic), đứng đầu câu làm đề, còn cả thì chỉ có thể hành chức như một từ trực chỉ khi đứng sau vị từ.
            Thử hình dung một tình huống: sau khi người mua chọn một mớ rau cải đủ loại, hai bên giao dịch có thể sẽ trao đổi:
(126) Chị lấy tất cả/cả à?
(127) Vâng. Tất cả/*Cả là bao nhiêu vậy chị?
Trong tình huống hội thoại trên, tất cảcả được dùng để trực chỉ toàn bộ những gì người mua đã chọn chứ không phải hồi chỉ, vì không có một danh ngữ nào (biểu thị mớ rau cải) xuất hiện trước đó.
            Và trong thực tế sử dụng ngôn ngữ, tất cả (chứ không phải cả) có thể dùng để chỉ (trực chỉ) toàn bộ các đối tượng mà hai bên hội thoại ngầm hiểu; các đối tượng này không xác định, nhưng thuộc thế giới khả hữu, hay nói khác đi, chúng có thể là mọi cái và bất cứ cái gì thuộc thế giới khả hữu, và do đó có thể xem như xác định([13]). Ví dụ:
(128) Đối với tôi, tình yêu là tất cả.
(129) Có tiền là có tất cả.
(130) Tất cả chỉ vì đồng tiền.
Người ta rất khó chỉ ra ngoại diên của khái niệm tất cả xuất hiện trong các phát ngôn trên. Nhưng cách dùng như vậy là hết sức tự nhiên và phổ biến.
Trong các phát ngôn phủ định, với tư cách là đại từ, khả năng của tất cảcả cũng không giống nhau. Có bốn khả năng:
(i)                  “... không/chưa + V + ai/gì/đâu/sao/N+nào + V + cả.”
(ii)              “... không/chưa + V + tất cả.”
(iii)            “Không ai/gì/đâu/mấy/N+nào + V + cả.”
(iv)             “Không + V + tất cả....”
Ví dụ cho (i):
(131) Anh ta chưa biết gì cả/*tất cả.
(132) Tôi nhất định không đi đâu cả/*tất cả.
(133) Anh ấy không sao cả/*tất cả.
Ở trường hợp này, “không... cả” làm thuyết cho chủ đề đứng trước nó. Do ý nghĩa phủ định tuyệt đối của “không... cả”, mấybao nhiêu khó xuất hiện (“không mấy người”, “không bao nhiêu tiền” hàm ý là “không nhiều” chứ không phải là hoàn toàn không có).
Ví dụ cho (ii):
(134) Tình yêu không phải là tất cả/*cả.
(135) Tôi chỉ đọc vài quyển thôi chứ chưa đọc tất cả/?cả.
(136) Không đọc tất cả thì làm sao làm bài được?
            Ở trường hợp này, “không/chưa + V + tất cả” có nghĩa là “chỉ V một phần”; do đó tuyệt nhiên không có mặt các từ phiếm chỉ.
Ví dụ cho (iii):
(137) Không ai/gì/thử thách nào có thể làm anh ấy lùi bước cả/*tất cả.
(138) Ở đây không ai hiểu tôi cả/*tất cả.
(139) (Về) Chuyện này không mấy người biết cả/*tất cả.
Có hai điều cần chú ý trong thực hành tiếng liên quan đến (iii).
Thứ nhất, về mặt ngữ pháp, “Không ai/gì/đâu/mấy/N+nào + V + cả.” có thể hoạt động như một câu hoàn chỉnh; trong đó “không ai”, “không gì”, “không đâu”, “không + N+nào” có vẻ đóng vai trò đề của vị từ theo sau (137)). Tuy nhiên, cả ngữ đoạn “không ai/gì/đâu/mấy/N+nào + V + cả” thường giữ cương vị thuyết cho một khung đề đứng trước (trong (138): “ở đây”, và trong (139): “(về) chuyện này”). Lý do là cách dùng như (137) đòi hỏi phải có ngữ cảnh nhất định. Hơn nữa, thực tế, giữa “không” và đại từ phiếm chỉ luôn có thể xuất hiện một vị từ “không ai...”, “không gì...”, “không đâu...” (không giống như nobody, nothing, nowhere của tiếng Anh); nghĩa là có thể xử lý “không có ai/gì/đâu/mấy/N+nào + V + cả” như là một cấu trúc khuyết đề (xét câu (137)). Như vậy, V trong biểu thức trên thực chất là định ngữ của các đại từ phiếm định trước nó (“Không ai biết tôi” có thể được viết lại: “Không có ai (mà) biết tôi” hoặc “Không có ai là người biết tôi”).
Thứ hai, sao không thể có mặt trong biểu thức (iii) ở trên, vì sao vốn là đại từ chỉ một sự tình chứ không phải chỉ một thực thể.

            Kết luận
Cảtất cả là hai từ có nghĩa gần nhau, nhưng khác biệt khá lớn về khả năng kết hợp.
Cả vừa là lượng từ toàn bộ, vừa là phụ từ, vừa được dùng như đại từ, với khả năng cú pháp khác nhau; và dù hành chức với tư cách nào, cả vẫn mang có ý nghĩa liên quan đến đánh giá chủ quan (“nhiều, lớn, vượt sự mong đợi”). Tất cả vừa là lượng từ toàn bộ, vừa là đại từ. Về ý nghĩa, tất cả không có gì đặc biệt, nhưng về ngữ pháp tất cả có nhiều biểu hiện “trái chiều”, có cách dùng có thể xem là ngoại lệ. Thậm chí, có thể nhận định rằng tất cả đang trong quá trình chuyển đổi ngữ pháp. 
Những phân tích trên đây về sự tương đồng và dị biệt giữa cảtất cả đã lý giải phần nào nguyên do người nước ngoài gặp khó khăn khi tiếp nhận hai từ này. Tuy nhiên, việc lập thức rành mạch những “tiểu tiết” trong ngữ pháp tiếng Việt không chỉ phục vụ cho hoạt động dạy tiếng mà còn góp phần chỉ ra những hiện tượng không chuẩn tắc trong hành ngôn của người bản ngữ.
            Trên thực tế, để diễn đạt lượng toàn bộ, tiếng Việt còn rất nhiều từ hoặc tổ hợp từ như toàn thể, toàn bộ, hết thảy, tất, tất thảy, cả thảy, tổng, tổng cộng, tổng số, và đặc biệt là hết, nguyên (của khẩu ngữ Nam bộ). Tất cả đều cần được tiếp tục nghiên cứu.

Tài liệu tham khảo:
1.      Cao Xuân Hạo 1998. Tiếng Việt – mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa. Nxb GD.
2.      Cao Xuân Hạo 2006. Ngữ pháp chức năng tiếng Việt, Q2, Ngữ đoạn và Từ loại (tái bản lần 1). Nxb GD.
3.      Hoàng Trọng Phiến 2003. Cách dùng hư từ tiếng Việt. Nxb Nghệ An.
4.      Nguyễn Anh Quế 1988. Hư từ trong tiếng Việt hiện đại. Nxb KHXH.
5.      Nguyễn Đức Dân 1987. Lô gich – ngữ nghĩa – cú pháp. Nxb ĐH&THCN.
6.      Trương Văn Chình và Nguyễn Hiến Lê 1963. Khảo luận về ngữ pháp Việt Nam. Đại học Huế xuất bản.


[1] Thật ra, tất cả là một tổ hợp đẳng kết gồm hai từ [tất + cả] đều có nghĩa. Trong bài này, chúng tôi tạm gọi là “từ” theo cách gọi của đa số tài liệu hiện hành để tiện trình bày.
[2] Cao Xuân Hạo đưa ra danh sách “10 từ chỉ đơn vị thời gian và 7 từ chỉ đơn vị khối lượng” không thể đi với cả: khi, lúc, chốc, lần, lát, khoảnh, thời, thuở, chặp, lèo, thôi, chút, tẹo, thẹo, nửa, nảy, mẻo [1: 272]. 
[3] Theo quan sát của chúng tôi, với tư cách lượng từ toàn bộ, cả có thể thay bằng nguyên của khẩu ngữ Nam bộ; nhưng với tư cách phụ từ có ý nghĩa “nhiều” thì không thể thay bằng nguyên được. Đây cũng là một cách để nhận biết ý nghĩa phụ từ của cả.
[4] Tất nhiên, sự vắng mặt của lượng từ “một” không đồng nghĩa với sự tỉnh lược; vì trong cấu trúc danh ngữ, sự có mặt hoặc vắng mặt lượng từ liên quan đến nhiều yếu tố khác.
[5] Ba ví dụ này được truy cập trên mạng lúc 13:50 ngày 20/2/2015.
[6] Ở phương ngữ Nam bộ, nhất là khẩu ngữ, tụi tôi, tụi em, tụi nó, v.v. được dùng thay cho chúng tôi, chúng em, chúng nó, v.v.. Tuy nhiên, không thể cho rằng tụi = chúng; lý do là tụi có thể kết hợp với các từ trực chỉ để hình thành một danh ngữ, có thể được sử dụng như đại từ như tụi này, tụi đó, tụi kia, trong khi chúng thì không thể. Xét ở khía cạnh này, tụi tương đương với bọn hơn là với chúng.
[7] Thực tế, trên các mạng đầy rẫy những câu sai ngữ pháp (truy cập lúc 17:35 5/12/2014), chẳng hạn:
         Rubikbooks nhận bao plastic cho tất cả sách của các bạn.
         Nhiều người nói chị lo chuyện “bao đồng”, nhưng chị nói “tất cả con ở đây gọi tôi là mẹ”.
         Thường thì người mẹ hoặc người cha muốn giành quyền nuôi tất cả con chung vì họ không thể sống thiếu bọn trẻ.
         Có một câu hỏi lớn, tại sao tất cả con trai đều ham gái đẹp?
         Tất cả áo dài của hãng Hiền Minh đều được chính tay nhà thiết kế Minh Nghĩa trau chuốt.
         Tất cả áo đều là hàng mới 100%.
[8] Các ví dụ từ (93) – (97) lấy từ các trang mạng, truy cập lúc 17:30 ngày 4/12/2014.
[9] Ở ba ví dụ trên, có thể dùng cả phụ từ, biểu thị ý “không loại trừ”, “vượt sự mong đợi”.
[10] Thật ra, đây không phải là một “cấu trúc” theo đúng nghĩa của nó, vì cả vẫn hoạt động với tư cách “bình thường” của nó: sau nó là một ngữ đoạn đẳng lập có quan hệ liệt kê, như “cả [A, B]”, “cả [A và/lẫn/cả B]” (ngữ đoạn trong dấu ngoặc vuông [...] thể hiện một chỉnh thể hoặc tổng thể gồm nhiều bộ phận).
      Nguyễn Đức Dân đã diễn giải rất thuyết phục về quá trình chuyển từ “đại từ cả sang từ cả nhấn mạnh” qua các cấu trúc trung gian, và nghĩa của (1) cả A cả B, (2) cả A và B, (3) cả A lẫn B là “cả [A và/lẫn B]”. Sau đó ở (1) và (2) có hiện tượng “chập cấu trúc”, dẫn đến “cả A và cả B”; do không còn cần thiết, nghĩa của từ cả thứ hai “chuyển thành ý nghĩa nhấn mạnh vào yếu tố đứng sau”, ta có “(cả) A, B, C và cả D”, “không những/chỉ A mà cả B” [5: 183]. Tuy nhiên, quá trình chuyển hóa này lại là vấn đề khác.
[11] Theo suy nghĩ của chúng tôi, có lẽ phải cho rằng giới hạn của tất cả trong các câu trên thuộc về ngữ nghĩa hơn là ngữ pháp: Với số lượng chính xác là hai, sự có mặt của tất cả không tự nhiên; có lẽ vì tất cả thường được hiểu là toàn bộ nhiều cá thể (> 2)).
[12] Hiện nay, trong thực tế sử dụng ngôn ngữ, cách nói mơ hồ vừa đề cập tỏ ra đáng lo ngại.             Theo kết quả tra nhanh trên google (truy cập lúc 21:15 8/12/2014): “tất cả các thành phố” có 25.000.000 lượt dùng – “tất cả thành phố” có 324.000 lượt; “tất cả các cơ quan”: 364.000 – “ tất cả cơ quan”: 160.000; “tất cả các chính phủ”: 319.000 – “tất cả chính phủ”: 132.000. Chỉ riêng “tất cả các quân khu” và “tất cả quân khu” có con số chênh lệch rõ rệt: 979.000 – 9.000.
      Sau đây là một vài ví dụ chúng tôi nhặt được trên mạng:
(1)    Nếu thủ tướng phạm một sai lầm, tất cả chính phủ phải từ chức.
(2)    Tất cả chính phủ của chúng tôi khi xây dựng chính sách đều nhìn qua nước Mỹ.
(3)    Nhìn chung, tất cả thành phố châu Âu đều thăng hạng năm nay, chủ yếu do tiền tệ các nước tăng giá so với USD
(4)    Không phải tất cả thành phố đều được bao bọc bởi những bức tường. Phần lớn phía đông nam của thành phố vẫn không được bảo vệ, trong khi ở những nơi khác hoàn toàn được bao bọc bởi hệ thống tường này
(5)    Nếu nhìn lên tấm bản đồ cố Matxcơva sẽ có thể dễ dàng nhận thấy rằng hầu như tất cả thành phố cổ đều được bao bọc bởi một vành đai các tu viện - pháo đài.
[13] Phải chăng cách nói “Cô ấy căm thù tất cả đàn ông”, “Tất cả đàn bà đều đáng sợ” cũng được dùng với nghĩa này, tức là “đàn ông”, “đàn bà” được hiểu xác định, là toàn bộ những người gọi là “đàn ông”, “đàn bà”?

2 comments:

  1. Thật hay và tôi nghĩ có nhiều cặp từ như thế này. Cả theo tôi hiểu là số ít hn của TẤT CẢ.



    standa 10kva | ổn áp standa 10kva | lioa 10kva | lioa 15kva | lioa 15kva

    ReplyDelete
  2. Cảm ơn bạn đã chia sẻ, thế mới thấy được cái hay và sự đa dạng của tiếng việt. ngoài ra mình muốn chia sẻ đến bạn, DV phiên dịch, dịch thuật trên toàn quốc. Phiên Dịch - Dịch Thuật A2Z, dịch thuật đa ngôn ngữ, đa ngành nghề, DV uy tín, nhanh chóng, chất lượng, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm tối chi phí. Nếu các bạn quan tâm hoặc có nhu cầu đến phiên dịch hoặc dịch thuật hãy tham khảo link bên dưới: Phiên dịch tiếng anh, Phiên dịch tiếng đức, Phiên dịch tiếng pháp, Phiên dịch Tiếng Nga, Phiên dịch Tiếng Nhật, Phiên dịch Tiếng Hàn, Phiên dịch Tiếng Trung

    ReplyDelete