Sunday 4 December 2011

"...à?", "...chứ?", và "...sao?"


     Sự khác biệt giữa các câu hỏi dùng những từ trên rất lớn, không thể lẫn lộn.


1.
Câu hỏi à? (hay hả?) được dùng để yêu cầu xác nhận một sự tình mà người hỏi đã nhận biết hoặc đã phán đoán theo một căn cứ nào đó.


     (1) Hôm nay chị nghỉ làm à?
     (2) Anh đau bụng à?


Chỉ hỏi được như vậy khi người hỏi thấy đã đến giờ đi làm mà "chị" không chuẩn bị, thấy "anh" đang ôm bụng nhăn nhó.




2.
Trong khi đó, câu hỏi chứ? dùng để yêu cầu xác nhận một sự tình mà người hỏi mong muốn, kỳ vọng; tất nhiên sự mong muốn, kỳ vọng đó dựa trên cơ sở giả định rằng cái sự tình đó có tồn tại trong hiện thực (nếu không thì người trả lời phải bác bỏ - vì tiền giả định sai). Chẳng hạn với tình huống ở ví dụ trên, có thể hỏi:



      (3) Hôm nay chị được ở nhà chứ?
      (4) Anh không sao chứ?


Chính vì vậy, khi hỏi thăm, rủ rê, mời mọc nhau người ta thường dùng chứ:


      (5) Hai bác vẫn khỏe chứ?
      (6) Công việc tốt chứ?
      (7) Uống cà phê chứ?
      (8) Tối nay đến chứ?


(Thay chứ bằng à cho những câu trên có thể có những câu đúng ngữ pháp nhưng nghĩa hoàn toàn khác.)
(Câu (5) hỏi khi "hai bác" đã qua đời thì người trả lời sẽ bác bỏ: "Bố mẹ tôi mất mấy năm rồi!" chứ không thể trả lời phủ định.)



3.
Câu hỏi sao? dùng để yêu cầu xác nhận một sự tình mà người hỏi không mong đợi, hay một sự tình nằm ngoài dự liệu của người hỏi. Chính vì vậy, loại câu hỏi này thường được giải thích là để bày tỏ sự ngạc nhiên. Thật ra, cái cảm giác về sự ngạc nhiên chỉ là hệ quả ngữ dụng do tình huống mang lại chứ không phải là ngữ nghĩa của sao. (Đó là chưa nói cái ngữ điệu lên cao cuối câu cũng góp phần làm người ta hiểu là "ngạc nhiên"!)


      (9) Hôm nay chị nghỉ làm sao?
      (10) Anh đau bụng sao?


Cái việc "chị nghỉ làm", "anh đau bụng" người hỏi chưa dự liệu, chưa nghĩ tới, vì ngữ cảnh chưa/không gợi ra, hay nói đúng hơn ngữ cảnh giao tiếp gợi ra một điều ngược lại.


      (11) Nó là người xấu sao?
      (12) Nó là người tốt sao?


Khi nghe thông tin gì đó để đi đến nhận định rằng "nó là người xấu" (câu 11), người hỏi muốn xác nhận lại nhận định vừa có được. Từ đó có thể suy ra rằng người hỏi chưa hề/không hề nghĩ "nó là người xấu" trước đó.(Nhưng không chắc là trước đó người hỏi cho rằng "nó là người tốt".)


Vì vậy, với những tiền ước thông thường giữa hai bên giao tiếp, những câu hỏi sau đây là khó hiểu, hoặc khó tưởng tượng nó được dùng trong tình huống nào:


       (13) ?Anh là người Mỹ sao?
       (14) ??Chị yêu con chị sao?


Câu (13) nếu dùng để hỏi về một người thứ ba thì không có gì bất thường: tôi thấy anh ta tóc xoăn, da đen, nói tiếng Khmer rất sõi, tôi có thể hỏi "Anh ta là người Mỹ sao?". (Nếu không có những dấu hiệu bề ngoài cho phép nhận định rằng "anh ta không phải là người Mỹ/phương Tây" thì câu hỏi sẽ không thích hợp.)


Sự bất thường của câu (14) sẽ lộ rõ nếu so với hai câu sau đây:


       (15) Chị không yêu con chị sao?
       (16) Chị không yêu con riêng của anh ấy sao?

No comments:

Post a Comment