Sunday 18 December 2011

"Hãy...!" và điều kiện ràng buộc




        Sự khác nhau giữa HÃY...! và ….ĐI! trong câu cầu khiến lộ rõ trong các tình huống mà ở đó những sự việc, hành động  được yêu cầu có liên quan đến đám đông và đa số trường hợp mang tính chính thức.



Nói cách khác, HÃY thường được sử dụng cho các phát ngôn có tính chất kêu gọi kiểu như: Hãy giữ gìn vệ sinh chung!, Hãy chung tay bảo vệ môi trường!, Chúng ta hãy cho một tràng pháo tay để cổ vũ hai đội! Và do đó HÃY thường xuất hiện trong các lời phát biểu, các bài diễn văn, các áp phích trên đường phố; hoặc được dùng trong các sách giáo khoa, ở các câu lệnh như Hãy nhìn vào hình…, Hãy kể lại…, Hãy cho biết..., v.v..

       Do tính chất kêu gọi này, trong hội thoại hàng ngày, tức là trong các tình huống sinh hoạt bình thường, HÃY rất ít được sử dụng. Có chăng là một vài ngữ dặn dò mang tính cố định như Hãy cẩn thận! Hãy giữ gìn sức khỏe! Hãy chú ý! Hãy nhớ...! . Chúng ta hiếm khi nghe từ bạn bè, đồng nghiệp hoặc người thân, hàng xóm hay những người chúng ta tiếp xúc ngoài đường những câu (mặc dù rất đúng ngữ pháp) đại loại:

Bây giờ, chúng ta hãy đi ăn phở! (so với  Bây giờ, chúng ta đi ăn phở đi!)
Cô hãy mua xoài! (so với Mua xoài đi cô!)
Hãy tắt ti vi, để anh ấy ngủ. (so với  Tắt ti vi đi, để anh ấy ngủ.)
Hãy nhanh lên! Trễ rồi. (so với Nhanh lên đi! Trễ rồi.)

Điều vừa trình bày ở trên có thể tìm thấy trong nhiều tài liệu về tiếng Việt.

Riêng một khác biệt lớn giữa HÃY và ĐI, được dùng rất phổ biến trong sinh hoạt đời thường (ít nhất cũng phổ biến hơn HÃY kêu gọi như đã nói), lại hầu như chưa được phân tích. Đó là HÃY mà chúng tôi tạm gọi là HÃY ràng buộc.
Nói  rõ hơn, người ta có thể dùng HÃY...! để yêu cầu thực hiện một hành động trong sự ràng buộc của một điều kiện được nói trước đó. Quả vậy, trong cái “điều kiện ràng buộc” này, ĐI rất hiếm khi được sử dụng. Cũng cần phải nói thêm, "điều kiện" ở đây mang nghĩa rộng, nó bao hàm những điều kiện về cảnh huống lẫn điều kiện về thời gian.

Để an toàn, hãy đi tắc xi!
Có mưa, hãy gieo hạt!

Rõ ràng đây là một đề nghị, một yêu cầu người nghe thực hiện một hành động ("đi tắc xi", "gieo hạt") trong khuôn khổ điều kiện vừa nêu ra: "để an toàn", "có mưa". Hay nói cách khác, điều này có nghĩa: "với điều kiện/tình huống tôi vừa nói, (anh/chị) nên V", và hàm ý: "(anh/chị) đừng V, nếu không/chưa có điều kiện/tình huống (mà tôi nói)".
        Như vậy, với ví dụ thứ hai trên đây, có thể hiểu: "Nếu/Khi nào có mưa thì hãy gieo hạt" và "đừng gieo hạt khi chưa có mưa"

Thêm một vài ví dụ khác:

Nếu tôi chết, hãy chôn tôi với cây đàn ghi ta!
*Nếu tôi chết, chôn tôi với cây đàn ghi ta đi!

Khi nào thật đói bụng thì hãy ăn!
*Khi nào thật đói bụng thì ăn đi!

Sau khi về đến nhà, anh hãy gọi điện cho tôi.
*Sau khi về đến nhà, anh gọi điện cho tôi đi!

Mùa nắng hãy sửa nhà!
*Mùa nắng sửa nhà đi!

Tháng tám hãy bắt đầu ôn tập!
*Tháng tám bắt đầu ôn tập đi!


       Về ngữ nghĩa, ĐI được sử dụng cho những yêu cầu cần được thực hiện ngay trong tình huống hiện hữu trước mắt hoặc được xem là hiện hữu. Trong khi đó, HÃY dùng cho những yêu cầu cần được thực hiện khi điều kiện nêu ra đã xuất hiện hoặc đã thoả mãn - nghĩa là có thể điều kiện đó không xuất hiện hay không được thoả mãn, và hành động đương nhiên cũng không diễn ra.
       Như vậy, tên gọi "điều kiện ràng buộc" chúng tôi đề nghị ở trên bao hàm tính giả định vốn có của khái niệm "điều kiện".

        Tình huống: một  đứa bé mở ti vi ồn ào khi nhà đang có khách, ngay lúc đó, người mẹ có thể nói:
Con vặn nhỏ ti vi lại đi!
Trong giao tiếp thông thường, có thể chắc chắn rằng đứa bé sẽ  thực hiện ngay hành động "vặn nhỏ ti vi" sau khi nghe mẹ nói.
        
         Cũng có thể người mẹ không nói ngay mà chờ đến khi khách ra về:
Nếu / khi nhà có khách, con hãy vặn nhỏ ti vi lại!
Như vậy là người mẹ yêu cầu đứa bé thực hiện hành động "vặn nhỏ ti vi" chỉ trong điều kiện khách đến chơi nhà, không yêu cầu thực hiện hành động này ở các tình huống khác.

Với ý  nghĩa “yêu cầu thực hiện trong một điều kiện ràng buộc”, HÃY đặc biệt thích hợp với điều kiện về sự tiếp nối, hay nói cụ thể hơn là một yêu cầu hành động sau một sự việc khác, với hàm ý nếu không có sự việc trước thì hành động sau đó không được yêu cầu:

            Khi nào tôi điện thoại thì anh hãy ra đón. (hàm ý nếu chưa nhận được điện thoại thì đừng ra)
            Chờ nó về đã rồi anh hãy đi! (hàm ý nếu nó chưa về thì anh đừng đi)

Cũng với ý nghĩa yêu cầu được thực hiện trong một điều kiện ràng buộc, ĐI và HÃY có thể xuất hiện trong cùng một câu với hai yêu cầu được thực hiện liên tiếp nhau, trong đó yêu cầu của HÃY  chỉ được thực hiện sau khi đã thực hiện yêu cầu của ĐI:
            Ăn xong (đi) rồi hãy nói!
            Suy nghĩ kỹ (đi) rồi hãy quyết định!



         Cũng cần chú ý có những câu thoạt nhìn có vẻ giống nhau, nhưng ở HÃY mới là điều kiện ràng buộc, còn ở ĐI chỉ là từ chỉ điều kiện thời gian thông thường mà thôi:

          So sánh:
         
         Trước khi đi ngủ, anh hãy uống sữa!
(đây là điều kiện ràng buộc vì nó có hàm ý là anh đừng uống sữa trong những thời điểm khác)
         Trước khi đi ngủ, anh uống sữa đi! Rất tốt cho sức khỏe đấy!

hoặc tự nhiên hơn:

          Anh uống sữa trước khi đi ngủ đi! Rất tốt cho sức khỏe đấy!
(đây chỉ là lời đề nghị thực hiện trong thời gian trước khi đi ngủ, không có hàm ý giống như câu cầu khiến với HÃY đã dẫn trước đó).







           

6 comments:

  1. Thế còn "hẵng"? Người Bắc / người Nam, người học cao / người ít học dùng có khác nhau không? Khi trang trọng, khi thân mật thì thế nào?

    ReplyDelete
  2. Theo chị, "hẵng" là một dạng biến âm của "hãy". Đồng ý không?
    "Hẵng" chỉ xuất hiện duy nhất trong bối cảnh liên quan đến "đã" và "hãy" (...đã rồi hẵng...)

    ReplyDelete
  3. Cô ơi, ngoài lề chút xíu ạ, cô hãy nói về "xin mời ... sẽ..." mà nhiều người dẫn chương trình thường nói (Bây giờ chúng tôi xin mời ông sẽ có đôi lời với ...). BTruc

    ReplyDelete
  4. Theo tôi, "Bây giờ chúng tôi xin mời ông X sẽ có đôi lời với chúng ta" là một câu sai ngữ pháp. Lý do: người nói đã "chập" hai cấu trúc khác nhau trong một phát ngôn.
    "Bây giờ chúng tôi xin mời ông X" + "Ông X sẽ có đôi lời với chúng ta".
    Nhưng cũng có thể giải thích đơn giản hơn (và cũng hợp lý không kém): người nói dùng sai vị từ "sẽ". Cấu trúc bình thường: "A mời B làm gì", chứ không có cấu trúc: "A mời B sẽ làm gì". Cho nên, nếu thay "sẽ có đôi lời" bằng "nói đôi lời" là ổn. (Cũng có thể chỉ cần bỏ "sẽ".)

    Trên tivi hay radio còn một câu sai rất phổ biến nữa: “Bây giờ chúng ta hãy gặp (gỡ) với ca sĩ Y”. Đây là một câu dùng sai giới từ “với”. Người Việt bình thường nói “A gặp (gỡ) B” chứ không bao giờ nói “A gặp (gỡ) với B”. Trong báo chí thường dùng một cách nói khác: “A có cuộc gặp (gỡ) (thân mật) với B”; cách nói này đúng vì nó dựa trên cơ sở cấu trúc: “A có... với B”.

    ReplyDelete
  5. Hoàn toàn đồng ý với TV. Nhưng trả lời của TV ở trên có đúng ý em hỏi? Hay là em muốn nói XIN MỜI là sắc thái trang trọng của ĐI và HÃY, được dùng khi đề nghị một người nào đó phát biểu ý kiến?
    -thân mật: Anh nói vài lời đi!
    -trang trọng: Xin anh hãy có đôi lời...!
    -trang trọng (hơn nữa(?), đặc biệt là đối với người lớn tuổi hoặc có đia vị cao): Xin mời ông có đôi lời...!

    ReplyDelete
  6. Dạ, TV đã trả lời đúng thắc mắc của em. Cách nói "Xin mời ... sẽ..." rất khó nghe nhưng vì nó xuất hiện công khai trên VTV và HTV nên em phải nghi ngờ kiến thức của mình. Em cảm ơn cô và TV.

    ReplyDelete