Saturday 10 December 2011

Tính từ hay trạng từ?


Trong tiếng Việt, việc phân biệt tính từ và động từ về mặt ngữ pháp là điều khó khăn. Chính vì vậy, nhiều nhà nghiên cứu, đặc biệt là GS Cao Xuân Hạo, gọi chung hai từ loại đó dưới cái tên vị từ. (Thật ra, về mặt thuật ngữ, khái niệm vị từ - trong tương quan với thể từ - không phải là hoàn toàn mới lạ.)
Tính từ chính là những vị từ biểu thị thuộc tính, trạng thái, mang đặc trưng [-động][-chủ ý]. Tất nhiên hai tên gọi không hoàn toàn trùng nhau về ngoại diên.



Những từ biểu thị thuộc tính của hành động, trạng thái, tư thế, quá trình thì trước đây có tên gọi là trạng từ, rồi sau đó là phó từ. (Trạng từ được định nghĩa là những từ bổ nghĩa cho động từ hoặc tính từ). Xét các câu sau:

       (1) Nó vội vã viết bài.
       (2) Nó chạy vội ra chợ.
       (3) Cô ấy đẹp vô cùng.
       (4) Cô ấy cười vô tư.

Trong 4 câu trên, theo truyền thống, vội vã, vội, vô cùng, vô tư là trạng từ hay phó từ. Riêng câu (1), CXHạo xem là vị từ tình thái, và vị từ viết theo sau là bổ ngữ của nó. Ở đây tôi chưa bàn đến loại từ này. Và cũng không bàn đến yếu tố thứ hai trong các chuỗi kiểu như đi chơi, ngồi im lặng, ra chơi, v.v.. 

Có một vấn đề nảy sinh: vậy những từ theo sau vị từ bản chất nó là gì về mặt từ loại? về mặt chức năng?

    Nếu xem nó là tính từ (gọi là vị từ cũng không sao) thì phải thuyết minh: tính từ có thể theo sau để bổ nghĩa cho động từ/tính từ khác? - và khi đó nó là phó từ (hay trạng từ)??
Và vậy thì trạng từ/phó từ là từ loại (trường hợp này ta có "hiện tượng chuyển loại") hay là chức năng?

     Nếu xem nó là trạng từ (hay phó từ - tức là một từ loại) thì có một thuận lợi là có thể giải thích được cho một số từ chuyên đi sau để bổ nghĩa cho vị từ (vd: nhanh chóng, ầm ĩ, mê hồn, v.v.). Nhưng chúng ta lại phải đối phó một loạt vấn đề khác:
        - Liệu có thỏa đáng không khi số từ chuyên trạng như thế rất ít so với số từ được xem là tính từ?
        - Nếu nó đứng trước vị từ thì nó là trạng từ? hay vị từ?
        - Nếu xem nó là vị từ (về toàn cục nó nằm chung khối với tính từ) thì nhóm vị từ này có 2 vị trí: trước và sau vị từ khác. Nếu trước, nó là vị từ tình thái, nếu sau nó là phó từ (lúc này thuật ngữ trạng từ e là không thích hợp). Như vậy, về lý thuyết, phó từ đã trở thành một cái gì đó gần với chức năng chứ không còn là từ loại nữa?

Tôi nghiêng về giải thuyết cuối cùng này.
Và tương tự, trong tiếng Việt, rất nhiều giới từ khoác cái áo chức năng nhiều hơn là từ loại!


1 comment:

  1. 1 blog về tiếng việt khá hay và có ích. hy vọng ad luôn duy trì blog cho dù có ít người vào xem

    ReplyDelete