Monday 26 December 2011

"Còn" chứ không phải "nhưng"



   Trong bài báo nổi tiếng, "Ifs, ands and buts about conjunction" năm 1971, R. Lakoff có đưa ra hai cách dùng but: but đối lập ngữ nghĩa (the semantic opposition but) và but phủ nhận kỳ vọng (the denial of expectation but). Nói chung, từ but thứ hai dịch ra tiếng Việt là nhưng thì tương đối ổn thỏa; còn từ but thứ nhất thì không phải như vậy.



Xét hai câu tiếng Anh:
              (1)  a. John is tall but Jim is short.
   b. The black one is his but the white one is mine.


Ở trường hợp này, ta có một quan hệ sóng đôi (parallel) về ngữ điệu và về cấu trúc giữa hai thành phần câu; trong đó đề của chúng là hai thực thể riêng biệt (John - Jim, the black one - the white one), thuyết của chúng khác biệt về ngữ nghĩa nhưng phải thuộc cùng một phạm trù để bảo đảm tính tương đồng và tương dị của một quan hệ đối lập. (Quan hệ đối lập bao giờ cũng thể hiện sự khác biệt trên cơ sở một sự tương đồng nào đó, không có sự tương đồng thì không thể có sự đối lập; vì vậy không thể nói “John is tall but Jim is rich”, “The black one is his but the white one is expensive”.)

Quan hệ đối lập ngữ nghĩa của (1) khi chuyển dịch sang tiếng Việt lại gây lưỡng lự:

    (2)  a. John cao ?nhưng / còn Jim thấp.
          b.  Cái đen của nó ?nhưng / còn cái trắng của tôi.

    Sự đối lập ngữ nghĩa ở hai câu tiếng Việt biểu hiện bằng còn có vẻ tự nhiên hơn nhưng
     
    Theo quan sát của chúng tôi, khi chúng ta có 2 câu ghép lại tương tự như ví dụ (1), quan hệ giữa hai câu đó là quan hệ tương phản. 
    
    Để đánh dấu sự tương phản, tiếng Việt thường sử dụng thì ở sau mỗi đề/chủ ngữ (“A thì X. B thì Y”); và để liên kết hai phát ngôn có quan hệ tương phản như thế (Lakoff gọi là "đối lập ngữ nghĩa") thì tiếng Việt thường sử dụng còn chứ không sử dụng nhưng. Lý do: còn là chỉ tố chuyên đánh dấu sự chuyển đề theo biểu thức “A (thì) X, còn B (thì) Y”. 

      Sự có mặt của nhưng (và cả nữa) trong hai trường hợp trên không phải là không thể, nhưng chịu sự ràng buộc ngữ dụng rất rõ: chẳng hạn, người nói muốn phản bác khi có người cho John và Jim là hai anh em sinh đôi, có người cho cả hai cái túi đều của nó, v.v..

 Khi được hỏi, chẳng hạn “John và Jim trông thế nào?” / “John và Jim, ai cao ai thấp?”, “Cái của anh màu gì?” / “Cái màu đen của ai?”, v.v., thì câu trả lời thông thường sẽ là “John cao còn Jim thấp”, “Cái đen của nó, còn cái trắng của tôi” chứ không phải "John cao nhưng Jim thấp", "Cái đen của nó nhưng cái trắng của tôi". 

Tương tự, chúng ta sẽ nói những câu sau đây với còn chứ ít khi với nhưng, chẳng hạn:
   (3) a. Bố tôi đã hơn 70, còn mẹ tôi thì chưa đến 60.
        b. Bố tôi thích ăn cá, còn mẹ tôi thích ăn thịt.
        c. Ban ngày thì nóng, còn ban đêm thì lạnh. Khó chịu quá!
        d. Cá thì tôi thích, còn thịt thì (tôi) không (thích).

Có thể nói, khả năng chuyển đổi “tự do” còn - nhưng chỉ có thể xuất hiện trong điều kiện phi ngữ cảnh, nghĩa là nếu không xét đến tình huống sử dụng. Còn thông thường, với hai đề tương phản người Việt sử dụng còn chứ không sử dụng nhưng

Thậm chí, cùng một chủ thể (làm đề) nhưng khi có sự chuyển đổi đối tượng, người ta cũng thường dùng còn:
   
    (4) a. Tôi thích cá, còn thịt thì không.
          b. Tôi rảnh buổi sáng, còn buổi chiều thì tôi phải đi làm.


1 comment:

  1. Từ "chứ" sẽ thông dịch được hầu hết cách dùng của "but".
    a. John is tall but Jim is short.
    John cao, chứ Jim thì thấp.
    b. I like everything but this one.
    Cái gì mình cũng thích, chứ cái này thì không.
    c. I like anything but this one.
    Cái gì [không] chứ cái này [thì] mình thích.

    truongan.nghh@gmail.com

    ReplyDelete