Friday 2 December 2011

"Tự" và "lấy"


Trong tiếng Việt có hai từ đánh dấu sự liên quan của chủ thể trong một hành động có chủ ý. Hai từ này khác nhau, nhưng thường đi chung với nhau, và không hiếm khi thay thế cho nhau. Đó là tựlấy.
(1)  Chuyện đó tôi tự giải quyết.
(2)  Chuyện đó tôi tự giải quyết lấy.
(3)  Chuyện đó tôi giải quyết lấy.



TỰ
1.     Tự biểu thị một hành động thường là [+chủ ý] do chủ thể (danh ngữ làm đề, tất nhiên mang tính [+động vật] (animate), và nhất là [+người] (human)) chứ không do ngoại lực thực hiện hoặc giúp đỡ.
(4)  Nó tự học (chứ không học với thầy).
(5)  Nó tự làm bài (chứ không nhờ ai cả).
(6)  Sinh viên tự chọn đề tài tiểu luận tốt nghiệp (chứ không chờ thầy gợi ý).

Ngay cả một số hoạt động [-chủ ý] cũng có thể đi với tự:
(7)  Thằng bé tự ngủ, rồi tự thức dậy.

Thật ra, ở đây nên hiểu “ngủ”, “thức dậy” là thực hiện hành động gì đó để ngủ, để thức dậy mà không cần đến sự giúp đỡ của kẻ khác. Sở dĩ phải nói như vậy là vì bản thân “ngủ” và “thức dậy” không phải là một hành động mà là một trạng thái cho nên khó lòng xếp chung vào cái khuôn hành động [+chủ ý]. Thông thường đứa bé được mẹ đưa vào giường, rồi gọi dậy. Như vậy, khi nó “tự ngủ” tức là nó tự đi vào phòng, tự leo lên giường (= tự đi ngủ), khi nó “tự thức dậy” tức là nó thức dậy mà không cần mẹ gọi (hoặc đồng hồ reo).
Các trường hợp: tự thấy, tự biết, tự nhớ, v.v., cũng tương tự. “Tôi tự thấy/biết...” tức là tôi thấy/biết chuyện gì đó mà không cần sự giúp đỡ của ai cả; và sở dĩ tôi phải nói ra điều này là vì tôi tưởng hoặc anh tưởng hoặc có người tưởng tôi cần ai đó giúp đỡ!
Như vậy, có thể thấy tự mang một hàm ngôn rằng hành động của chủ thể có nhiều khả năng do người khác thực hiện hoặc được người khác giúp đỡ, ít nhất đó là điều mà người đối thoại đang ám chỉ. Chính vì vậy cái câu sau đây
(8)  (Hôm nay) Nam tự ăn.
sẽ bình thường nếu Nam là một đứa bé vẫn thường được mẹ đút cơm hoặc Nam là một gã đàn ông trung niên đã nằm liệt giường hàng tháng vì tai nạn giao thông; và sẽ khó hiểu nếu Nam là một cậu sinh viên 20 tuổi có sức khỏe bình thường!
      Về tự, trong tiếng Việt có một trường hợp mà tôi thấy chưa thể giải thích thỏa đáng:
(9)  Chị ấy tự tay băng bó cho anh.
(10)    Tự tay chị ấy băng bó cho anh.
Ở hai câu trên, tự hoàn toàn tương đương với chính và có thể thay bằng chính. Như vậy có thể xem tự ở (9)(10) là một tự phái sinh. (Tuy nhiên, ngoài “tay” có lẽ không có trường hợp nào khác, cho nên giải thuyết này e rằng không đủ mạnh.) 
Hoặc “tự tay” có thể được xem như một cách dùng theo kiểu hoán dụ: “tự tay X” tức là “tự X”, “tự tay Y” tức là “tự Y”. Cũng tương tự cách trước, tính cá biệt của cách giải thích này làm cho nó có vẻ rất đáng ngờ.

2.     Khi một hành động vốn do bản thân chủ thể thực hiện – thông thường không thể hoặc ít khi do kẻ khác trợ giúp – thì tự biểu thị động lực hay nhu cầu tự thân của chủ thể.
(11)             Nó tự nói ra chuyện đó.
“Nói ra” một chuyện gì đó thường không có người “trợ giúp”, cho nên câu trên chỉ có nghĩa là nó nói theo nhu cầu hay ý muốn của nó chứ không có sự ép buộc hay yêu cầu của người khác.
So sánh:
(12)             Nó tự nói ra chuyện đó chứ tôi không ép!
(13)             ??Nó tự nói ra chuyện đó chứ tôi không giúp.
Nghĩa thứ 2 của tự mang tính ngữ dụng rất rõ, tức là nó thường chỉ bộc lộ trong đối thoại hoặc trong một tình huống cụ thể nào đó. Chẳng hạn đối thoại sau::
(14)     – Hôm nay con nấu cơm à? Ai bảo?
 – Con tự nấu.
Ở đây không phải là “con” nấu cơm không có sự giúp đỡ của người khác mà là “con” nấu khi không có ai bảo cả.

LẤY
            Khả năng dùng chung hoặc thay thế cho tự dễ làm người dùng có cảm giác rằng tựlấy giống nghĩa nhau. Thật ra, không phải vậy. (Từ điển của Hoàng Phê giải thích khá xác đáng nghĩa của lấy)
            So sánh:
(15)    a. Em hãy học lấy một nghề.
b. Em hãy tự học một nghề.
(16)    a. Em nên nắm lấy cơ hội.
b. ?Em nên tự nắm cơ hội.
(15a) và (15b) rất khác nhau. (16b) khó hiểu nên khó chấp nhận.

        Tôi cho rằng lấy là một phó từ (không phải là giới từ) có ngữ nghĩa rất rõ ràng và nhất quán: nó cho biết hành động của chủ thể là nhằm vào chính chủ thể. Hay nói cách khác, nó đánh dấu hành động hướng chủ thể, chủ thể là đích. Vd:
(17)             Cô chợt hiểu, nếu không ai thương mình thì mình phải thương lấy mình.
(18)             Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy.

"Yêu lấy thầy" không phải là vì thầy mà là vì mình! (Cũng cần chú ý: "phải yêu" cho thấy "yêu" là một vị từ có chủ ý!)
Như vậy, “chụp lấy con dao”, “nắm lấy sợi dây” không có nghĩa là chụp để lấy (con dao), nắm để lấy (sợi dây) mà là “chụp con dao”, “nắm sợi dây” hướng về phía mình.
Thêm vài ví dụ:
(19)             Quyển này tôi đọc rồi. Anh cứ giữ lấy.
(20)             Anh cứ để (cái vali) ở đó. Tôi sẽ mang lấy.

Về ngữ pháp. đến đây có lẽ cũng cần phân biệt lấy với cho giới từ. Vd:

       (21) Quyển sách này rất quý. Anh giữ cẩn thận cho.
       (22) Đôi lúc ngẫm nghĩ, chị thấy thương cho /*lấy mình.

Sau giới từ cho có thể là bất cứ đối tượng nào chứ không cần là chủ thể. Câu (21) có thể chắc chắn rằng "anh giữ cho tôi", tương tự cách nói "anh hiểu cho", "anh giúp cho", "anh mua cho". Câu (22) cũng vậy, nhưng sau giới từ cho là một đối tượng - không phải người nói - nên buộc phải hiện diện.

Về ngữ nghĩa, tôi có cảm giác lấy biểu thị hành động [+chủ ý] hướng chủ thể, chủ thể là đích (goal), chủ thể có chủ định. Chính vì bản thân lấy mang nghĩa như vậy nên nó không cần sự có mặt của đích (= chủ thể) nữa; và do đó nó không phải là giới từ.

Trong khi đó, với cho có vẻ người nói muốn nói đó là một hành động có lợi cho ai đó, hoặc ai đó là kẻ tiếp nhận, nhưng cái "ai đó" này có thể là bất kỳ ai hoặc cái gì vì vậy cho đóng vai trò là giới từ để chỉ ra cái "ai đó" đó.
      Trong tình huống sau: Nam đang cãi nhau với Sơn, Hải xúi Nam đánh Sơn:
       (23) Đánh nó cho tao!
Hoặc một tình huống khác: một bà mẹ năn nỉ con uống thuốc hay ăn cơm, nói:
       (24) Con uống/ăn cho mẹ đi!

Trong cả hai trường hợp này, sau cho cũng là người hưởng lợi.

      Và khi một người nói:
        (25) Để tôi trả (tiền) cho!
        (26) Để chén đó, bé Ba rửa cho!
thì người hưởng lợi chắc chắn là người nghe.




1 comment:

  1. "Chị ấy tự tay băng bó cho anh","tự" trong câu này theo tôi, không khác gì với"tự học, tự làm", vì "tự tay" có hàm ý rằng việc này cần phải nhờ đến một người khác, hay chí ít đó không phải là việc của chị. Cũng tương tự như "Nó tự nấu ăn", hàm ý rằng bình thường có một người khác nấu cho , không phải là việc của nó.
    Còn "Chính tay chị băng bó cho anh, có nghĩa là "chị" chứ không phải là một người nào khác đã băng bó cho anh. "Tự tay" và "chính tay" là hai tập hợp từ có nghĩa hoàn toàn khác nhau.

    ReplyDelete